• Tốc độ là vũ khí cạnh tranh tối thượng
• Hãy là người đầu tiên đặt chân vào lĩnh vực mới
• Hành động ngay bây giờ
• Làm mọi việc thật đơn giản
• Vượt qua những thủ tục quan liêu
• Luôn tập trung vào việc mình làm
Trong thế giới đầy cạnh tranh ngày nay, tốc độ phát triển đang ngày càng tăng cao. Cánh cửa cơ hội có thể biến mất chỉ trong chớp mắt. Nếu bạn có một ý tưởng hay thì hãy nắm bắt và phát triển nó thật nhanh. Hãy cẩn thận, nhưng đừng chậm chạp. Đừng để bị sa lầy trong những thủ tục giấy tờ, bị thói quan liêu lấn át, hay để những tham số gây trở ngại. Chỉ vì bạn “vẫn luôn làm thế này” không có nghĩa là bạn không nên thay đổi và thích nghi. Đây là những bài học tôi đã học được trong 40 năm làm một doanh nhân sáng tạo.
Nhiều người nghĩ rằng Virgin phát triển rất nhanh; thường thì chúng tôi có thể và đã làm được như vậy. Nhưng chúng tôi cũng phải chuẩn bị tinh thần bị mọi người gọi là một kẻ mất trí, như khi ra mắt Virgin Atlantic mà chỉ có duy nhất một chiếc máy bay. Từ ý tưởng đến hiện thực bay lên bầu trời đã tiêu tốn của chúng tôi ba tháng mệt mỏi điên cuồng. Tôi không nghĩ rằng Siêu nhân có thể làm được nhanh hơn chúng tôi. Trong hàng tuần liền, không ai trong chúng tôi được ngủ; mỗi ngày mới đều có một thử thách mới – nhưng chúng tôi đã thành công.
Tuy nhiên, một bài học quan trọng tôi học được là phải suy tính lâu dài: nghĩ ra một ý tưởng, rồi phải chờ công nghệ phát triển đúng thời điểm để đạt mục tiêu. Đó là những gì đã xảy ra khi tôi quyết định bước chân vào ngành mà tôi gọi là du lịch không gian. Giống như nhiều ý tưởng mới mẻ khác, nó xuất hiện một cách rất bình thường. Nhưng bí quyết của những tiến bộ vượt bậc là phải nắm bắt ý tưởng dù ban đầu nó nhỏ bé đến mức nào.
Niềm say mê của tôi với ngành hàng không đến từ nhiều hướng. Rõ ràng là tôi chịu ảnh hưởng từ gia đình, khi mẹ tôi là một trong những người phụ nữ đầu tiên trên thế giới làm tiếp viên hàng không, và phi công xuất sắc trong Thế chiến thứ hai Douglas Bader là một người bạn thân của tôi. Tôi cũng rất phẫn nộ trước những gì xảy ra với ngài Freddie Laker. Tôi thấy ông đã bị đối xử rất tệ, và khi ông phá sản vào năm 1982 còn Virgin Atlantic thì được trao giấy phép của Skytrain – chính là giấy phép mà Freddie từng sử dụng – tôi thấy như thể mình đã được trao lại quyền trượng.
Tôi cũng rất thích khinh khí cầu, và một khi đã được bay trên tầng bình lưu, tôi hiểu cảm giác bị vũ trụ mê hoặc là như thế nào. Tôi không chỉ bắt chước những chuyến phiêu lưu mạo hiểm của Dan Dare − Phi công của Tương lai trong bộ truyện tranh Eagle tôi đọc hồi nhỏ (có lẽ là vì trong đó có rất nhiều câu chuyện mang tính giáo dục), mà quan trọng hơn, tôi là một trong những đứa trẻ những năm 1960 được chứng kiến cảnh con người đáp xuống mặt trăng. Đó là một cảnh tượng thật tuyệt vời, và tôi luôn tin rằng một ngày nào đó tôi sẽ có cơ hội bay vào vũ trụ. Giấc mơ của hàng triệu người đã bị vùi dập tàn nhẫn vào năm 1985 khi hành khách du lịch vụ trụ thực sự đầu tiên trên thế giới, Christa McAuliffe, một giáo viên, đã tử nạn khi chiếc tàu vũ trụ con thoi Challenger nổ tung. Từ đó, giấc mơ được bay vào vũ trụ của một người bình thường không còn nữa.
Đến giữa những năm 1990, sau những chuyến bay bằng khinh khí cầu vòng quanh thế giới, tôi ngày càng hứng thú hơn với vấn đề về tác động của ngành hàng không lên môi trường. Tôi nhớ lần mình ngồi ở Ma-rốc, chờ thời tiết đẹp lên để khởi hành một chuyến bay vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu, rồi bắt đầu cuộc chuyện trò với Buzz Aldrin , Per Lindstrand và Will Whitehorn về việc tại sao tên lửa vũ trụ lại được phóng từ mặt đất, tiêu tốn biết bao nhiên liệu và sử dụng biết bao năng lượng để đưa con người hoặc thiết bị vào vũ trụ.
Buzz Aldrin nói không phải lúc nào cũng vậy, và khi Will hỏi là một chiếc khinh khí cầu có thể phóng tên lửa được không, Buzz giải thích rằng thực ra quân đội Mỹ đã từng thử nghiệm vào đầu những năm 1950. Ông giải thích tiếp rằng, sau khi người Nga phóng vệ tinh Sputnik vào năm 1957, Mỹ cần phải làm nhiều thứ hòng đuổi kịp nước này. Vì vậy, thay vì tiếp tục những thử nghiệm kiểu này, họ bắt tay vào cái mà họ coi là lần thử sức dễ dàng và hợp lý nhất trong việc chế tạo một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khổng lồ, đưa con người vào vũ trụ. Nó đã khởi đầu cho hàng loạt chương trình, dẫn đến việc nước Mỹ chế tạo những tên lửa ngày càng lớn làm máy phóng, và người Nga cũng đang làm tương tự.
Người Mỹ đã có một dự án cuối những năm 1950 và 1960, chứa đựng một ý tưởng hiệu quả hơn nhiều về việc phóng thiết bị bay từ độ cao rất lớn vào vũ trụ, với tên gọi là dự án tên lửa siêu thanh X-15. Thiết bị bay đặc biệt này có cấu trúc bên trong làm từ titan và bề mặt vỏ hợp kim crôm-niken với tên gọi Inconel X. Chuyến bay không được cung cấp lực đầu tiên là vào năm 1959, khi nó được phóng từ một chiếc máy bay B-52 từ độ cao khoảng 13,7 ki-lô-mét, vượt quá tốc độ 805 km/h. Đến năm 1963, nó đã đạt độ cao kỷ lục là 108 ki-lô-mét, và vô số lần bay thử đã đóng góp cho sự phát triển của các chương trình bay vào vũ trụ Mercury, Gemini và Apollo, cũng như chương trình Tàu Con thoi. Nhưng vì ngân sách của NASA ngày càng hạn chế, trong khi chương trình Apollo thành công hơn, nên dự án X-15 đã ngừng lại vào năm 1968 sau 100 chuyến bay.
Đó là cuộc tranh luận đầu tiên của tôi về những cách tốt hơn để bay vào vũ trụ. Ngày hôm sau, tôi hỏi Will – ngoài rất nhiều tài năng còn là một phi công dày dạn kinh nghiệm – rằng thương hiệu Virgin đã được đăng ký tên thương mại cho du lịch không gian chưa. Câu trả lời là rồi, và tôi nhờ ông theo dõi lĩnh vực này xem có công nghệ gì mới không.
Năm 1996, Tiến sĩ Peter Diamandis gây sốc khi công bố giải thưởng Ansari X-Prize cho chuyến bay tư nhân lên vũ trụ có người lái đầu tiên. Ông là một hình mẫu Phục hưng, luôn mê mẩn vũ trụ từ ngày còn nhỏ. Năm học lớp tám, khi đang sống tại New York, ông đã giành giải nhất cuộc thi thiết kế tên lửa Estes. Ông tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Y Harvard, rồi sau này đoạt giải thưởng Konstantin Tsiolkovsky, giải Công nghệ Hàng không và Vũ trụ Laurel, và giải thưởng Công nghệ Thế giới trong lĩnh vực Vũ trụ năm 2003 – vì vậy lời nói của ông rất có trọng lượng.
Tiến sĩ Diamandis đến gặp chúng tôi năm 1998 để bàn về giải thưởng X-Prize. Giải thưởng là 10 triệu đô-la cho người đầu tiên phóng thành công một người lên vũ trụ từ một hệ thống phóng tàu vũ trụ có thể tái sử dụng hoàn toàn, và thực hiện được hai lần trong vòng hai tuần. Đó dường như là một mơ ước bất khả thi. Đầu tiên là vấn đề kinh phí. Mỗi lần phóng tàu Con thoi đều tiêu tốn của NASA gần một tỷ đô-la – vì vậy ý định thiết kế và chế tạo một chiếc tàu vũ trụ mới, tái sử dụng được, tiết kiệm chi phí và năng lượng khiến nó đáng được sử dụng lại sau khi đoạt một giải thưởng trị giá 10 triệu đô-la dường như là không thể thực hiện. Tuy nhiên, giải thưởng X-Prize thu hút được rất nhiều sự chú ý, và vào đầu năm 1999, chúng tôi quyết định đăng ký cái tên Virgin Galactic. Thêm vào đó, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu một số dự án đang thực hiện để cố gắng giành giải X-Prize – nhưng cuối cùng chỉ còn một đối thủ cho chúng tôi tự tin để xem xét việc phát triển công nghệ của ông ta. Ông ta là Burt Rutan, và đang được Paul Allen – người chung vốn với Bill Gates ở Microsoft – cấp vốn để tham dự cuộc thi với một cách tiếp cận công nghệ đặc biệt thông qua công ty của mình là Scaled Composites. Burt không chỉ phóng tên lửa từ độ cao 15.240 mét − cao hơn hẳn khí quyển tầng thấp − mà còn dự định chế tạo tàu vũ trụ từ hợp chất cacbon thay vì kim loại, và sử dụng loại động cơ mô tô hybrid đặc biệt chạy bằng khí gas và cao su.
Vào thời điểm đó, chúng tôi đang cùng Burt chế tạo chiếc Virgin Atlantic Global Flyer, chiếc máy bay tiết kiệm nhiên liệu nhất thế giới. Nhà thám hiểm Steve Fossett dự định bay vòng quanh thế giới trên chiếc máy bay này, không nghỉ và không nạp thêm nhiên liệu để đạt được kỷ lục về khoảng cách, thời gian và tiết kiệm năng lượng của ngành hàng không. Alex Tai, một trong những cơ trưởng của Virgin Atlantic, đã dành rất nhiều thời gian vào dự án Global Flyer tại nhà máy của Burt, và khi nhìn thấy nguyên mẫu của chiếc SpaceShipOne bay chưa hết một vòng quỹ đạo Trái đất, họ hiểu rằng nó sẽ thắng cuộc. Vẻ đẹp trong mẫu thiết kế của Burt Rutan nằm ở sự giản đơn và tiết kiệm nhiên liệu.
Sau khi chiếc SpaceShipOne giành giải X-Prize, với hàng tháng trời thương lượng căng thẳng sau đó, cuối cùng tôi cũng mua được quyền chế tạo một đội tàu vũ trụ theo công nghệ của SpaceShipOne từ Paul Allen. Virgin Galactic chính thức ra đời vào tháng 9 năm 2006 − gần 7 năm sau khi tên công ty được đăng ký và 11 năm từ ngày chúng tôi bắt đầu nghiên cứu ý tưởng này ở Ma-rốc. Ý định của tôi là đưa hành khách là người dân bình thường vào vũ trụ trong tương lai gần. Tôi, bố mẹ tôi và hai con của tôi là Holly và Sam sẽ là những hành khách đầu tiên bay trên chuyến bay khai trương của chiếc SpaceShipTwo – trừ Joan, vì cô ghét bay đến nỗi luôn nắm chặt tay tôi mỗi lần phải đi máy bay đến bất kỳ đâu.
Thị trường đầu tiên được chúng tôi nghiên cứu cho sản phẩm đặc biệt này là du lịch không gian. Nhưng chính bản thân hệ thống này không chỉ đơn giản là đưa con người vào một trải nghiệm của cả đời người. Chúng tôi sẽ sử dụng du lịch không gian làm phương tiện cho thấy sự an toàn và khả năng trụ vững về mặt thương mại của hệ thống phóng tàu vũ trụ mới. Nó có thể bay với vận tốc 6.440 km/h mà không hề làm tổn hại đến bầu khí quyển.
Đối với môi trường, SpaceShipTwo thật sự là một bước đột phá. Mỗi lần phóng, tàu Con thoi của NASA đều có tác động tiêu cực lên môi trường. Nhưng SpaceShipTwo có thể đưa 6 người hoặc một khối lượng thiết bị tương đương vào vũ trụ mà chỉ thải ra một lượng cacbonic ngang bằng với một hành khách hạng thương gia đi từ London đến New York.
Bí quyết chính là phóng từ độ cao 15.240 mét, cấu trúc nhẹ và cách thức trở lại khí quyển Trái đất rất đơn giản bằng cách sử dụng cơ chế con thoi rồi sau đó lượn lại xuống một đường băng có sẵn. Sự đơn giản của dự án này liên tục gợi tôi nhớ đến việc khá nực cười của con người khi tạo ra những hệ thống rất phức tạp để chứng minh bản thân và sự tồn tại của mình – nhưng việc đó chỉ kìm hãm đổi mới mà thôi.
NASA là một tổ chức lớn nhưng gặp trở ngại bởi những mâu thuẫn trong nhu cầu của chính phủ, các đảng phái và quân đội. Đôi khi, nếu bạn bắt đầu từ con số không với một tờ giấy trắng, cùng nguyên tắc là giữ cho mọi thứ thật đơn giản, thì bạn sẽ có được kết quả mong muốn.
Dự án này cũng cho tôi thấy rằng chúng ta ngày càng dựa dẫm nhiều hơn vào chính phủ trong vấn đề phát triển công nghệ. Ý tưởng cũ từ thế kỷ XVII, XVIII và XIX về việc trao giải cho những bước phát triển xuất sắc nhất trong công nghệ, phần nào đã không còn sau Thế chiến thứ hai. Ví dụ như, chúng ta sẽ không bao giờ có được một dụng cụ đo kinh độ chính xác nếu không đưa ra một giải thưởng. Các thủy thủ thời xưa từng xác định phương hướng bằng trăng, sao hoặc mặt trời – mặt trời có thể cho họ biết vĩ độ – nhưng khi mây che phủ một khoảng rộng lớn trên bầu trời thì thủy thủ thành ra bị lạc giữa biển khơi. Năm 1714, Chính phủ Anh hứa sẽ trao 20.000 bảng – một giải thưởng khổng lồ, tương đương với 20 triệu bảng ngày nay – cho ai có thể tìm ra cách đo kinh độ tới trong vòng nửa độ (tức là hai phút). Các phương pháp sẽ được thử nghiệm trên một chiếc tàu đi từ Anh đến Tây Ấn. Uỷ ban Kinh tuyến đã được thành lập để quản lý và xem xét trao giải thưởng đo kinh độ. Họ nhận được một số ý tưởng khá kỳ dị, ví dụ như cầu phương hình tròn hoặc phát minh ra một bộ máy làm việc không ngừng, rất nhiều ý tưởng quái dị đến nỗi cụm từ “tìm kinh độ” đã trở thành một cụm từ thông dụng dành cho những người ngu ngốc và mất trí. Sau vài năm thất bại, mọi người nhận ra rằng không thể thực hiện được việc này. Sau đó, một người thợ làm đồng hồ tên là John Harrison đã phát minh ra một chiếc đồng hồ bấm giờ có thể làm được việc đó. Ông tiếp tục hoàn thiện nó với một chiếc đồng hồ bỏ túi nhỏ, nhưng phải đấu tranh rất nhiều để có được giải thưởng từ một hội đồng keo kiệt. Cuối cùng, ở tuổi 79, ông thỉnh cầu Vua George III. Nhà vua rất giận dữ và nói, “Ngươi đã phải chịu bất công một cách tàn nhẫn. Thề có Chúa, Harrison, ta sẽ giúp ngươi được đối xử công bằng.”
Dava Sobel đã kể lại câu chuyện này trong một cuốn sách bán chạy nhất mang tên Longitude (tạm dịch: Đường kinh tuyến), và tôi thấy đây là một cuốn sách rất hấp dẫn. Nó trở thành phương pháp luận về cách phát triển công nghệ, với rất nhiều giải thưởng được trao trong thế kỷ XVIII, XIX và đầu thế kỷ XX. Hầu hết các máy bay được phát triển trong những năm đầu ấy cũng đều đoạt giải, góp phần thúc đẩy mọi người đạt được những thành tựu xuất sắc. Ví dụ như giải thưởng Daily Mail cho chuyến bay đầu tiên qua eo biển Măng-sơ đã được trao cho Louis Blériot vào năm 1909; 10 năm sau, Alcock và Brown đã đoạt giải thưởng Mail sau khi vượt qua Đại Tây Dương. Lindbergh cũng đua tranh giành giải thưởng khi bay không ngừng nghỉ trên chiếc Spirit of St Louis từ New York đến Paris năm 1927. Chiếc Spitfire là thành quả của cúp Schneider, một loạt những giải thưởng cho tiến bộ công nghệ. Tất cả những đam mê, táo bạo và hứng khởi này đã không còn kể từ sau Thế chiến thứ hai, với kết quả là các nhà phát minh doanh nghiệp sẽ phải được chính phủ cấp vốn để phát triển công nghệ. Hệ quả là, các chính phủ đưa phát triển công nghệ lên hàng đầu, rồi các đảng phái chính trị và việc cân nhắc ngân sách bắt đầu gây trở ngại. Các đảng phải chính trị thậm chí còn can thiệp vào công nghệ vệ tinh tiên tiến của Anh. Nước Anh đã đưa vệ tinh đầu tiên lên vũ trụ trước Nga và Mỹ rất lâu, và sắp sửa dẫn đầu thế giới về lĩnh vực truyền thông thì bị ngưng lại mà không vì lý do gì. Thủ tướng Harold Wilson tùy tiện đình chỉ hoạt động của tên lửa tầm xa Blue Streak; trong khi chính thủ tướng Edward Heath đã làm điều tương tự với tên lửa vũ trụ Prospero của chúng tôi, vốn đang trong quá trình triển khai ở đảo Wight. Anh thậm chí đã bán động cơ của Spitfire cho Mỹ với giá một triệu đô-la ngay sau Thế chiến thứ hai và từ đó bị bỏ lại phía sau trong ngành phi cơ.
X-Prize có lẽ là một trong số những giải thưởng hiện đại đầu tiên sau chiến tranh – và nó đã dạy cho tôi một bài học lớn rằng những giải thưởng như vậy, không kể đến chính trị và thành kiến, có thể thúc đẩy con người đạt được những thành tựu đỉnh cao đến phi thường. Vì vậy, tôi đã triển khai một giải thưởng trị giá 25 triệu đô-la để khuyến khích phát triển công nghệ chống lại biến đổi khí hậu mà ai cũng có thể tham gia đua tranh với hy vọng đoạt giải.
Bài học tôi đã học được qua tất cả những chuyện này là: không có mục tiêu nào là không để đạt được, và ngay cả điều không thể cũng sẽ trở thành có thể đối với những người có tầm nhìn và niềm tin vào chính bản thân mình.
Từ tàu vũ trụ đến truyện tranh khoa học viễn tưởng có vẻ là một bước nhảy điên rồ; nhưng xét theo một cách nào đó thì chúng lại liên kết rất chặt chẽ khi chúng ta nghĩ về truyện Dan Dare Phi công của Tương lai. Ở tất cả các doanh nghiệp, tôi cố gắng triển khai những dự án trong đó rủi ro có thể định lượng và kiểm soát được đến một mức độ nào đó. Đôi khi, một dự án có thể không thấy lợi nhuận rõ ràng, nhưng những gì có thể được phát triển từ nó mới là quan trọng. Ví dụ như tờ Student không sinh lời, nhưng nó đã đưa đến Hãng đĩa Virgin, đem lại rất nhiều lợi nhuận, và chính Hãng đĩa Virgin lại cấp vốn cho hãng hàng không của chúng tôi. Phim ảnh lại là chuyện khác, tôi chưa bao giờ muốn tham gia vào ngành điện ảnh vì tôi không thể xác định và kiểm soát rủi ro.
Tuy nhiên, vào năm 2006, ngay khi tôi nhìn nhận được những ý tưởng về truyện tranh và phim hoạt hình đến từ Shekhar Kapur và Gotham Chopra, một là nhà sản xuất phim và một là con trai của nhà hiền triết New Age là Deepak Chopra, tôi biết rằng mình muốn tham gia. Những hình vẽ và bảng minh họa câu chuyện chứa đầy tính sáng tạo và năng lượng. Đằng sau những thỏa thuận giấy phép và phim ảnh toàn cầu, thị trường truyện tranh và tiểu thuyết đồ họa trên toàn thế giới đang bùng nổ. Ở Mỹ, doanh thu từ tiểu thuyết đồ họa đã tăng thêm 44,7% trong một năm trở lại đây. Ở Anh, thị trường đã lớn mạnh gấp đôi so với năm 2003. Phần lớn sự phát triển tại hai nước này là nhờ sự xuất hiện của truyện tranh châu Á, ra đời từ kho tàng chuyện kể phong phú của Ấn Độ. Tôi có thể thấy được rằng chúng sẽ nhanh chóng phát triển trên phạm vi toàn cầu, vì vậy tôi đã thành lập Virgin Animation do Sharad Devarajan điều hành, và Virgin Comics dưới sự quản lý của Chopra và Kapur. Ban đầu, chúng tôi chỉ tập trung vào thị trường châu Á.
Đạo diễn Ngô Vũ Sâm , người đã tạo nên những bộ phim hành động rất hay và đầy chất vũ kịch, đang viết một bộ truyện tranh cho chúng tôi. Chúng tôi dự định sẽ làm việc với những nhà viết truyện xuất sắc nhất thế giới, đều là những người nổi tiếng và lần đầu tiên làm công việc này, qua đội ngũ Maverick và Director’s Cut của mình. Đây là nơi dành riêng để thu hút các nhà tư tưởng và nghệ sĩ cấp tiến đến với truyện tranh và viết nên những câu chuyện của mình qua một phương tiện tương tự như một bộ phim với ngân quỹ không giới hạn. Nicolas Cage , Guy Ritchie và Dave Steward đã ký hợp đồng để biến các ý tưởng điện ảnh thành truyện tranh. Cả ba người đều chưa bao giờ tham gia vào một dự án như thế này, và đề nghị họ tham gia chính là một minh chứng cho tư duy đổi mới của Virgin.
Tôi tin rằng trong thập kỷ tới, Ấn Độ – với 600 triệu người ở độ tuổi thiếu niên – sẽ trở thành một trong những nhà sản xuất lớn nhất cũng như là thị trường tiêu thụ lớn nhất các sản phẩm giải trí, từ truyện tranh viễn tưởng, phim truyện, phim hoạt hình, đồ chơi, trò chơi điện tử đến một loạt sản phẩm tiêu dùng liên quan khác. Tôi muốn tham gia vào các công cuộc đổi mới trên khắp thế giới, trao tiếng nói cho cả một thế hệ những người trẻ tuổi và sáng tạo.
Qua những việc này, tôi học được nhiều bài học. Hãy cố gắng thích nghi để tiến bước nhanh khi cần thiết – dù trong bối cảnh này, “nhanh” còn phụ thuộc vào mức độ. Đôi khi, bạn nên để dành một số ý tưởng và chờ đến khi làm chủ được các tiến bộ khoa học rồi chộp lấy nó càng nhanh càng tốt − như những gì tôi đã làm với Virgin Galactic. Bên cạnh đó, hãy giữ cho mọi việc thật đơn giản. Mọi thứ sẽ rối tung lên khi một phương pháp có hệ thống trở nên quá phức tạp, đến nỗi không thể thấy được mục tiêu thật sự.
Tuy nhiên, tôi vẫn luôn muốn mọi thứ có một chút thú vị, và nếu sự thú vị có thể xuất hiện trong quảng cáo thì không gì bằng. Tôi đã xuất hiện bên cạnh một chiếc máy bay Virgin Atlantic trong Casino Royale (tạm dịch: Sòng bạc Hoàng gia), bộ phim mới nhất về James Bond; hay bên cạnh một chiếc tàu vũ trụ Virgin Atlantic trong bộ phim Superman. Các nhà sản xuất nói rằng họ muốn đưa Siêu nhân vào thời hiện đại bằng cách sử dụng Virgin thay vì NASA. Tôi nghĩ rằng Siêu nhân luôn ở tương lai. Đó chính là nơi mà tôi luôn hướng đến.