Ngọn núi lửa dưới sông bắt đầu hoạt động rồi, sự việc diễn ra đột ngột, mọi người trở tay không kịp, suýt nữa rơi hết xuống dưới. Ai nấy ba chân bốn cẳng leo lên một cái dốc tương đối thoai thoải, ngồi xuống thở hổn hển, vẫn chưa hoàn hồn thì lại thấy mặt đất chấn động mỗi lúc một mạnh hơn, những vách núi do lớp dung nham chất chồng tạo thành bất cứ lúc nào cũng có thể đổ ập xuống.
Lạc Ninh nói chưa chắc núi lửa sẽ phun trào, đây có thể chỉ là hoạt động mang tính chu kỳ, thời gian của chu kỳ hoạt động này không xác định được, có thể mấy hôm một lần, cũng có thể mấy trăm năm, mấy nghìn năm mới xảy ra một lần. Núi lửa cũng chia ra làm nhiều loại, loại núi lửa hình ống như chiếc loa kèn chổng ngược mà chúng ta thường thấy được hình thành sau khi đã phun trào với quy mô lớn, cũng có loại núi lửa tuy không phải núi lửa chết, nhưng hành vạn năm cũng chẳng phun trào một lần, cứ mãi mãi ẩn sâu dưới lòng đất, thỉnh thoảng mới xảy ra chấn động.
Nhưng mặc xác nó bao năm mới hoạt động một lần, chúng tôi coi như đen đủi, vừa hay gặp đúng lần này. Vốn định men theo dòng sông ngầm tìm đường ra, nhưng giờ nước sông phía dưới đã sôi lên sùng sục, xuống dưới có mà thành ra bánh chẻo luộc hết, xem ra đường xuống không được rồi, đương lúc không biết phải làm sao, Cả Oa bỗng giật gấu áo tôi, chỉ tay bảo chúng tôi nhìn lên trên.
Ở chỗ cách đỉnh đầu mấy trăm mét xuất hiện một tia sáng trắng dài mảnh, tôi nhìn đến hoa cả mắt, con ngươi đau nhói, đó là thứ gì vậy? Lẽ nào lại là một loài sinh vật đã tuyệt chủng từ lâu?
Lạc Ninh bất ngờ xen lẫn vui sướng, vội kêu lên: "Là bầu trời! Là bầu trời mọi người ơi!"
Núi lửa dưới lòng đất chấn động gây ra động đất, mặt đất trên đầu chúng tôi nứt ra một kẽ lớn, bao lâu rồi chưa nhìn thấy bầu trời ngoài kia, tôi đã quên mất bầu trời như thế nào rồi, là màu xanh hay màu trắng đây?
Tôi nói với những người còn lại: "Các đồng chí! Đúng ông trời không tuyệt đường con người, người kiên trì đến cùng sẽ là người chiến thắng, vì đất nước Trung Quốc mới, hãy tiến lên!"
Bốn người vốn dĩ đã sức cùng lực kiệt, bỗng nhiên nhìn thấy hi vọng sống sót, chợt trỗi lên một sức mạnh tràn trề, hai chân sải bước, cánh tay vung lên, thục mạng men theo con dốc leo lên trên.
Tiếng động đất bên dưới càng lúc càng mạnh hơn, những luồng khí nóng hầm hập ép tới, mùi lưu huỳnh nồng nặc buốt lên tận óc, chúng tôi lo kẽ nứt trên kia lại bị địa chấn làm khép lại, ai nấy đều mong thoát ra càng nhanh cảng tốt, đều dốc sức như chạy nước rút một trăm mét trên con dốc bốn nhăm độ.
Càng lên cao, nham thạch càng lở, có những quãng tựa đang đi trên cát, rất khó đặt chân, leo lên được ba mét lại bị tụt xuống hai mét, da tay bị chà rách hết, mà chẳng ai để ý đến đau đớn, nghiến chặt răng, vừa leo vừa bám, có độ năm sáu trăm mét mà vất vả như trèo đèo lội tuyết trong cuộc vạn lý Trường chinh, sau khi thể lực đã hoàn toàn cạn kiệt, cuối cùng chúng tôi cũng trở về được mặt đất.
Trời xanh mây trắng, hai bên núi non nhấp nhô trải rộng, chỗ chúng tôi leo lên là một đoạn của của lòng sông Côn Luân, cũng là khu vực có độ cao thấp nhất ở cao nguyên Thanh Tạng, từ đây cách binh trạm ở Bất Đông Tuyền chỉ vài cây số.
Lạc Ninh chẳng còn đủ sức nữa, chân Cả Oa lại bị thương, đến phút cuối cùng, hai người bị rớt lại phía sau, tôi không kịp nghỉ ngơi, vội vàng cùng anh Đô buộc thắt lưng và dây buộc đồ lại với nhau, thòng xuống cho Lạc Ninh và Cả Oa bám lấy.
Động đất càng lúc càng mạnh hơn, kẽ nứt rộng có hơn một mét này bất cứ lúc nào cũng có thể sụt xuống, Lạc Ninh và Cả Oa chỉ còn biết bám chắc vào sợi dây, cứ đạpchân bước một bước rồi lại trượt xuống một bước, chẳng thể trèo lên được thêm chút nào.
Tôi và anh Đô dốc hết sức kéo lên, nhưng cả hai người có khỏe hơn nữa cũng chẳng thể cùng lúc kéo cả Cả Oa với Lạc Ninh lên được. Bấy giờ Cả Oa buông dây ra, ở dưới dùng sức đẩy mạnh Lạc Ninh lên, cộng thêm lực kéo của bọn tôi bên trên, một phát đã lôi được Lạc Ninh ra khỏi kẽ nứt đó.
Đến khi tôi định thả dây xuống kéo Cả Oa lên, một đợt rung chuyển mãnh liệt lại dội tới, mặt đất liền khép chặt lại, kẹp chặt Cả Oa vào giữa.
Nhiệt độ âm hai mươi độ, áo khoác mũ mão đã mất tự lúc nào, ba người quên cả cái rét, chỉ mặc một chiếc áo mỏng, vừa khóc vừa dùng tay, lưỡi lê gắng sức bới đất cát ở chỗ kẽ nứt vừa khép lại ra...
Ba ngày sau, tôi nằm trên giường trong bệnh viện quân y, tham mưu trưởng quân khu bắt tay tôi, thân thiết an ủi: "Đồng chí Hồ Bát Nhất! Lần này các đồng chí đã biểu hiện hết sức dũng cảm, tôi thay mặt quân ủy gửi lời hỏi thăm đồng chí, mong đồng chí sớm hồi phục, tiếp tục lập những chiến công mới trên con đường cách mạng của chúng ta! Đồng chí thế nào rồi? Giờ đã đỡ hơn chưa?"
Tôi trả lời: "Cảm ơn thủ trưởng quan tâm, tôi vẫn... vẫn... vẫn... " định nói là vẫn tốt, nhưng lúc ấy lại nhớ đến những đồng đội đã vĩnh viễn rời xa mình, Tiểu Lam, Cả Oa, chính trị viên, tiểu đội trưởng, thì lập tức chữ "tốt" kia liền nghẹn lại trong cổ họng, chẳng thể nào thốt lên được.
Đúng như Churchill (1) đã nói, trong cuộc đời chẳng có người bạn nào vĩnh viễn, cũng chẳng có kẻ thù nào vĩnh viễn, chỉ có những lợi ích vĩnh cửu mà thôi.
Năm 1969, do yêu cầu của tình hình quốc tế, đơn vị của tôi bị phái đi thi công tận sâu trong núi Côn Luân, môi trường khắc nghiệt khiến tiến độ thi công chậm hơn dự tính, trong ba năm có đến mấy mươi chỉ huy và chiến sĩ hy sinh ở công trường, vậy mà công trình quân sự chúng tôi xây dựng mới chỉ hoàn thành hai phần ba.
Bấy giờ, tình hình thế giới lại đổi sang ván bài mới, năm 1972 Nixon đến thăm Trung Quốc, quan hệ Trung-Mỹ bình thường hóa. Tất cả các chiến lược của Trung Quốc đều được điều chỉnh lại trên quy mô lớn, công trình ở Côn Luân bị đình lại, bọn lính công trình nửa đường đứt gánh như bọn tôi đều được biên về quân dã chiến, trực thuộc quân khu Lan Châu.
Ngày qua ngày, năm qua năm toàn huấn luyện, ra thao trường, diễn tập, học tập, bình bầu. Cuộc sống trong quân đội chẳng những đơn điệu lại còn gian khổ. Qua mấy năm sau, Cách mạng Văn hóa chấm dứt, trung ương Đẩng kịp thời dẹp loạn chỉnh đốn, bè lũ bốn tên bị đập tan, sau tròn mười năm tai họa, xã hội cuối cùng cũng trở lại trật tự bình thường.
Nhưng quân ngũ là nơi có môi trường đặc biệt tách hẳn với xã hội bên ngoài, tôi chẳng hề cảm thấy có sự thay đổi nào rõ rệt, chẳng qua cũng chỉ không cần hễ gặp nhau là phải viện trích lời Mao chủ tịch nữa mà thôi, nhưng mỗi khi có lính mới vào trại, vẫn phải tiến hành giáo dục cách mạng như trước.
Sáng hôm đó, tôi vừa đi họp ở doanh trại về, thông tín viên Tiểu Lưu thở hồng hộc chạy lại: "Báo cáo đại đội trưởng! Hôm nay có một tốp tân binh đến trình diện, nhưng đồng chí chính trị viên đã đi học trên quân khu, cho nên mời đại đội trưởng tới giảng cho các tân binh về cách mạng và truyền thống!"
Giảng cách mạng, truyền thống, thực chất là kể cho đám tân binh nghe về lịch sử đại đội. Đối với những chuyện này tôi thực sự là dân không chuyên, nhưng tốt xấu gì thì giờ tôi cũng đã là một đại đội trưởng, chĩnh trị viên lại không có nhà, thôi thì cứ đánh liều lên lớp một chuyến vậy.
Tôi dẫn hơn ba mươi tân binh vào phòng truyền thống của đại đội, chỉ vào lá cờ gấm có thêu mấy chữ "Đại đội anh hùng", rồi bảo với cả đám, đây là vinh dự do các đồng chí tiền bối ở đại đội Sáu chúng ta giành được trong chiến dịch Hoài Hải, danh hiệu này vẫn được giữ lại cho đến tận hôm nay, tôi thêm mắm thêm muối kể lại cuộc chiến bi tráng lần ấy một lượt, nào là đại đội Sáu chúng ta đã xả thân thế nào, chiến đấu ra sao, làm thế nào cạn sạch đạn mà vẫn dùng dao lê đánh lui đợt tấn công của cả quân đoàn phản động Quốc dân Đảng, hoàn thành nhiệm vụ đánh chặn được cấp trên giao phó một cách oanh liệt, oai hùng.
Tiếp sau đó tôi lại chỉ vào chiếc nồi sắt mẻ đen sì trong tủ kính, kể: "Các đồng chí, mọi người chớ có coi thường chiếc nồi mẻ này nhé, năm xưa trong trận Hoài Hải, các đồng chí tiền bối của đại đội Sáu chúng ta sau khi ăn món miến ninh thịt lợn nấu bằng cái nồi này, đã lao lên giết giặc lập công trên sa trường đấy. Các đồng chí xem, vết sứt mẻ trên cái nồi này, chính là do đạn pháo phản động của quân phản động Quốc dân Đảng gây ra đấy, đến tận hôm nay, nó vẫn âm thầm kể lại cho chúng ta về chiến tích của những vị anh hùng và tội ác dã man của bè lũ phản nghich năm xưa."
Những gì tôi có thể kể cũng chỉ có vậy, nói cho cùng tôi cugx không phải người chuyên phụ trách công tác tư tưởng, có điều tôi tự cảm thấy mình giảng cũng không đến nỗi, cũng bịp được tốt đám lính mới non nớt này.
Tôi cho đám tân binh giải tán đi ăn cơm trong nhà ăn, còn mình và Tiểu Lưu đi phía sau, tôi hởi Tiểu Lưu: "Vừa nãy cậu thấy đại đội trưởng tôi kể chuyện cách mạng với truyền thống trình độ thế nào?"
Tiểu Lưu đáp: "Ôi trời, đại đội trưởng giảng thật tuyệt vời, em nghe mà rớt cả nước miếng, đại đội ta khi nào theo gương các tiền bối cách mạng, cải thiện bữa ăn một cái, món miến ninh thịt lợn chắc phải rất tuyệt đấy ạ!"
Tôi nuốt nước bọt, rồi vỗ vào đầu Tiểu Lưu một cái: "Không nghe gì đến truyền thống cách mạng, toàn để ý đến cái mẹ gì thịt lợn ninh với chẳng miến, mau vào nhà ăn lấy cơm cho tôi, mà hình như hôm nay nhà ăn có bánh bao, đến muộn thì bọn lính mới nó cướp hết. Tôi ra lệnh cho cậu, chạy nhanh lên!"
Tiểu Lưu "vâng" một tiếng, rồi sải bước chạy một mạch vào nhà ăn, tôi đột nhiên nhớ ra một câu quan trọng quên chưa nhắc, vội gọi với theo sau: "Này! Chọn cho tôi mấy cái to to nhé!"
Tôi nằm trên giường, vừa ăn bánh bao vừa đọc thư nhà vừa gửi tới, nhà tôi mọi việc đều ổn, cũng chẳng nhắc có chuyện gì quan trọng. Đọc lướt qua hai lượt, tôi gấp lại đặt một bên, cầm cuốn sách cũ ông nội để lại lên đọc, mấy phen hú vía vài năm trước khiến tôi lấy làm hứng thú với bộ môn phong thủy này, mỗi khi rảnh rỗi lại giở sách ra xem.
Do cuốn sách nhắc nhiều đến các danh từ liên quan đến ngũ hành bát quái và dịch số, ví như nào là "đông phương giáp ất mộc, nam phương bính đinh hỏa, trung ương mậu kỷ thổ, tây phương canh tân kim, bắc phương nhâm quý thủy" rồi "càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài" vân vân, có nhiều chỗ không thể hiểu được, mấy năm gần đay tôi cũng tìm đọc không ít thư tịch, tuy trình đọ văn hóa có hạn, nhưng vẫn có thẻ tạm đối phó mà hiểu được ba bốn phần.
Mười sáu chữ trong cuốn Âm dương phong thủy bí thuật thập lục tự này lần lượt là: Thiên, Địa, Nhân, Quỷ, Thần, Phật, Ma, Súc, Nhiếp, Trấn, Độn, Vật, Hóa, Âm, Dương, Không.
Cuốn sách này chẳng biết niên đại thế nào, cũng không rõ do ai viết, chỉ có điều nội dung bên trong hết sức uyên thâm, bao gồm cả sáu mươi tư phép biến của tám quẻ trong bát quái Phục Hy, kỳ thực tám que ấy phải là mười sáu quẻ, truyền đến thời Ân Thương, vì mười sáu quẻ tiết lộ thiên cơ, nên bị thần linh xóa đi một nửa, thậm chí đến tám quẻ còn lại cũng không toàn vẹn. Nhưng người nào hiểu được dăm phần đã lợi hại lắm rồi, như Gia Cát Khổng Minh, gọn biết một hai phần đã giúp Lưu Bị vận trù trong trướng, chia thiên hạ thành thế chân vạc, Lưu Bá Ôn chỉ nắm ba phần, đã phò tá Chu Hồng Vũ gấy dựng cơ nghiệp nhà Minh trải bốn trăm năm. Nhưng những điều ấy tôi đều không tin, làm gì mà tài thế được chứ?
Điều đáng tiếc duy nhất chính là cuốn sách chỉ có nửa quyển về kết cấu bố cục của mồ mả theo ngũ hành phong thủy, nửa còn lại viết về âm dương, bát quái, thái cực thì truyền đến tay ông nội tôi đã chẳng còn. Đọc sách bị rách mất nửa, có đôi chỗ nôi dung không nhất quán, vả lại câu chữ tối nghĩa khó hiểu, khó mà ngộ ra thâm ý bên trong. Tôi nghĩ, nếu có cả cuốn sách trọn vẹn, thì chắc sẽ dễ dàng hiểu hơn.
Bỗng tiếng còi tập hợp ba hồi dài ba hồi ngắn vang lên phá vỡ bầu không khí yên tĩnh trong doanh trại, ý nghĩ đầu tiên lóe ra trong đầu tôi là: "Chắc chắn là có chuyện, vô duyên vô cớ tuyệt đối không thể nào ra lệnh tập hợp khẩn cấp toàn doanh trại giữa ban ngày thế này được." Tôi nhét nốt hai chiếc bánh bao còn lại vào miệng, nhảy bật khỏi giường lao ra ngoài.
Từng hàng dọc xếp đều thẳng tắp, tôi thấy không chỉ có đại đội chúng tôi tập hợp, mà cả trung đoàn cũng đều hợp lại cả. Những sĩ quan cấp dưới như tôi không có tư cáchđể tìm hiểu xem là hành động gì, chỉ biết phục tùng mệnh lệnh và vâng lời chỉ huy mà thôi. Mệnh lệnh tôi nhận được là đi ra ga đợi, cùng các đội quân khác cùng xuất phát một lượt.
Người hơn một vạn, như biển như núi, ga quân dụng chen chúc hơn vạn người lính, từ xa nhìn lại tựa như một dải nước thủy triều xanh ngắt, xem chừng có lẽ là cả sư đoàn đều bị điều động. Vào thời bấy giờ, huy động cả một sư đoàn thế này không phải là trò đùa, biên chế của sư đoàn chủ lực như chúng tôi vô cùng lớn, dưới có ba trung đoàn bộ binh trực thuộc, ngoài ra còn một trung đoàn xe tăng, cộng thêm bộ đội hậu cần, cũng suýt soát hai vạn người. Hành động quy mô lớn như vậy rốt cuộc là đi làm gì? Chắc không phải đi cứu nạn rồi, gần đây nào nghe thấy ở đâu có thiên tai địch họa gì đâu?
Chúng tôi được tàu bọc thép chở thẳng đến biên giới Vân Nam trong tâm trạng mập mờ khó hiểu, đến đây mọi người mới ớ người ra, hóa ra là đi đánh nhau, bấy giờ rất nhiều người đã khóc...
Cùng lúc ấy, Đăng Tiểu Bình đang sang thăm Mỹ đã phát biểu một câu xanh rờn trong Nhà Trắng công khai thừa nhận, quân đội Trung Quốc đang tập kết quy mô lớn tai biên giới Trung Việt.
Rạng sáng ngày 17 tháng Hai, hai mươi hai vạn quân thuộc mười bảy sư đoàn nhất loạt tấn công, đánh thẳng tới Lạng Sơn, ngày mồng 4 tháng Ba, Trung Quốc tuyên bó rút quân.
Đại đội của tôi là mũi nhọn của sư đoàn chủ lực, xung phong đi đầu, chiến đấu mười ngày đã thương vong quá nửa, trong một lần hành quân, chúng tôi bị đặc công Việt Nam phục kích, họ ném gói thuốc nổ vào xe tải bọc thép chở lính của chúng tôi, tám chiến sĩ dưới quyền tôi đều bị chết trong xe. Lúc ấy tôi căm phấn vô cùng, đánh chết ba người tại chỗ, còn bắt sống hai dân binh người Việt, một gìa một trẻ.
Bọn họ là một ông già hơn năm mươi tuổi và một cô gái trẻ tầm hai mươi, cso vẻ như là hai cha con. Một cấp dưới báo với tôi, chính cô gái này đã ngụy trang thuốc nổ thành hình đứa bé ẵm trong lòng, lúc đi qua xe thiết giáp liền ném vào trong. Tuyệt đối không nhầm được, chính cô ta là kẻ gây hại.
Điều tôi sợ nhất trong đời chính là nhìn thấy đồng đội chết trước mặt mình, trong cơn thịnh nộ đã quên sạch cả ba mục kỷ luật, tám điều chú ý và cả chính sách đối đãi với tù binh, mà ra tay hết sức dã man với họ.
Việc này đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật quân đội, thậm chí gấy kinh động đến cả Hứa tổng tư lệnh. Nếu không phải nhà tôi có quan hệ rất sâu trên quân khu, thì sớm đã bị đưa ra tòa án quân sự rồi, cuộc sống quân nhân của tôi buộc phải kết thúc từ đầy, cầm tờ lệnh phục viên trong tay, tôi trở về nhà.
--------------------------------
Chú thích:
1. Churchill: tên đầy đủ Winston Leonard Spencer Churchill (1874-1965), nhà quân sự, lãnh tụ Đảng bảo thủ, Thủ tướng Anh.