Ba người chúng tôi trở lại mộ cổ trong Dã Nhân câu, công việc cũng đã sắp hoàn thành, chỉ chém xuống mấy nhát vách mộ đã vỡ ra một lỗ lớn, tôi cầm đèn pin soi vào, không gian bên trong cũng không nhỏ, khoảng cách giữa cái lỗ này và nền hầm mộ chênh nhau chừng hơn một mét, Tuyền béo mừng rỡ, xắn ống tay áo lên định chui xuống, tôi vội túm cậu ta kéo lại, nói :" Cậu muốn chết à? Đi bắt mấy con chim sẻ về đây, cho chim sẻ vào lồng trước, thả xuống dưới mộ xem chất lượng không khí thế nào đã !"
Bắt chim sẻ trong rừng rất dễ, chẳng như ở những nơi đông đúc dân cư, lũ chim thành tinh cả, ở đây chỉ cần dùng loại bẫy đơn giản nhất, rắc vài hạt gạo tấm, úp cái nồi nấu cơm lên trên, người nấp đằng xa, thấy chim sẻ chui vào dưới nồi ăn gạo, thì giật dây cho que gỗ chống bật ra, nồi ụp xuống, vậy là bắt được rồi.
Một lần đã bắt được luôn ba con, tôi tóm một con cho vào lồng, bên trên buộc sợi dây rồi thả xuống hầm mộ, hút hai điếu thuốc, ước chừng thời gian cũng đã xấp xỉ, bèn kéo lồng chim lên, thấy hai mắt con sẻ trợn ngược, đã ngắc ngoải không sống nổi nữa rồi.
Ngôi mộ này bị bịt kín dưới đất đã mấy trăm năm, không khí bên trong không lưu thông, thi thể hễ trước khi thối rữa đều trướng lên, chứa đầy thi khí, sau đó da thịt nội tạng mới bắt đầu phân hủy từ trong ra ngoài, tuy nói trong hầm mộ không có môi trường chân không đúng nghĩa, nhưng nếu như không thông gió, mùi thối rữa của xác chết vẫn bị nén bên trong, mấy trăm năm sau cũng chẳng tan hết, kể cả không có thi khí, chỉ riêng không khí hàng trăm năm không được lưu thông, cũng hình thành nên khí độc có hại cho sức khỏe, một khi hít phải khí độc ấy, nhẹ thì chóng mặt choáng váng, nặng thì trúng độc mà chết, trừ phi có trang bị mặt nạ phòng độc, bằng không ở khâu này tuyệt đối không được có chút bất cẩn nào.
Xem ra ngôi mộ còn cần thời gian để gió rừng thổi sạch khí độc đi, nên chúng tôi trở về triền dốc ăn một ít lương khô thịt khô, tối qua cả đêm không ngủ, hôm nay lại làm bao nhiêu việc, mọi người đều mệt lử, nhưng cứ nghĩ đến đồ đạc trong mộ thì bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến đi đâu hết. Đây là lần đầu tiên chúng tôi hành động, tốt nhất là kiếm ra được chút gì đáng tiền, hiểu biết của tôi về trộm mộ trước kia chỉ dừng lại ở giai đoạn lý thuyết, hôm nay thực hành, thật sự cũng không thể coi là khó, đương nhiên điều này cũng có liên quan đến mục tiêu chúng tôi chọn lựa, người Nữ Chân nước Kim bấy giờ còn là một dân tộc chưa được khai hóa, ngôi mộ này họ xây dựng gần như hoàn toàn phỏng theo hình thức của Bắc Tống, quy mô rất nhỏ, có lẽ cũng do thợ thuyền người Tống bị bắt xây nên, dù sao công nghệ "Đỉnh lưu ly lửa rồng giữ báu" rất ư phức tạp, không có tay nghề cao thì khó lòng dựng lên được, sai lệch một chút, là đã thiêu chết người xây mộ bên trong rồi.
Ăn hết lương khô, nhìn sắc trời cũng đã không còn sớm, có lẽ không khí trong mộ cũng đã lưu thông kha khá rồi, chúng tôi đều lo tối nay lại bị con quái vật dưới hố tấn công, nóng lòng lấy đồ cho nhanh rồi chuồn sớm, vậy là mang theo đồ đạc, trở xuống Dã Nhân câu lần nữa.
Lần này vẫn phải thả chim sẻ xuống trước, kéo lồng lên thấy chim vẫn tung tăng nhảy nhót, xem ra đã không còn vấn đề gì nữa, tôi và Tuyền béo uống mấy ngụm rượu trắng cho vững dạ, đeo khẩu trang, găng tay, cổ treo bùa Mô Kim, ngực nhét móng lừa đen và gạo nếp, tay cầm đèn pin, xẻng công binh đeo ở hông, rồi bắt đầu xuống mộ.
Anh Tử thấy vậy vội rối rít giữ chặt tôi nói :" Cho em vào xem với, em bằng từng này rồi mà vẫn chưa biết trong mộ cổ nó ra làm sao cả?"
Tôi đáp :" Trong mộ cổ chẳng có gì cả, có mỗi cái xác với đồ tùy táng thôi, có gì đáng xem đâu, thực ra anh cũng là nàng dâu lần đầu lên kiệu thôi, trước kia đã bao giờ vào đâu. Với lại, em chẳng phải sợ người chết lắm ư? Sao giờ lại không sợ thế?".
Anh Tử vốn hiếu kỳ, giờ thấy tôi với Tuyền béo ra bộ thần bí, lại càng tò mò hơn, quyết đòi xuống bằng được. Tôi ngẫm nghĩ, dẫu sao nơi đây núi non hoang dại, cũng chẳng cần có người canh chừng ( trộm mộ rất ít khi một mình hành sự, thông thường đều là một nhóm ba người, một người đào đất, vì cạnh hố không thể chất đầy đất lên được, nên lại phải có một người chuyên chuyển đất, người còn lại thì đứng xa canh chừng), để cho Anh Tử vào tham quan cũng chẳng có vấn đề gì, tôi tìm cho Anh Tử một cái khẩu trang đeo vào, rồi dặn dò vài câu, vào trong ngàn vạn lần không được gỡ khẩu trang ra, thứ nhất chất lượng không khí trong đây không tốt, thứ hai hơi thở của người sống không được để lại trong mộ, không may mắn, thứ ba không được thở vào xác chết, ngộ nhỡ quỷ nhập tràng thì rắc rối to. Tuy đều là truyền thuyết mê tín, nhưng những quy định này đã có từ mấy ngàn năm trước, bất kể thế nào cũng đều có cái lý nhất định, cẩn tắc vô ưu, tất cả mọi chuyện cứ theo lệ xưa mà làm là được rồi.
Tuyền béo đã sốt ruột lắm rồi :" Hồ Bát Nhất! Cậu trở nên lắm lời thế từ lúc nào vậy, không dám xuống thì để bố Tuyền béo đây tự xuống, mấy người đợi đếm tiền đi".
Tôi đáp :" Mẹ nhà cậu, để cậu xuống thì đến quan quách cũng chẳng tìm được ấy chứ, được rồi, đừng đấu khẩu nữa, trời sắp tối rồi, mau làm việc đi thôi".
Cái lỗ chúng tôi đào trên vách cách nền hầm mộ chỉ tầm một mét, chẳng cần dây thừng, trực tiếp nhảy xuống là được, chân tôi vừa chạm đất, trong lòng không khỏi hơi căng thẳng, cuối cùng thì cũng vào được rồi.
Diện tích hầm mộ không lớn, nhiều lắm là ba mươi mét vuông, xem ra được thiết kế chiếu theo trạch viện ở của người sống, có buồng chính, buồng sau và hai buồng bên. Vị trí chúng tôi tiến vào là một trong hai buồng bên đó, quan tài đặt ở giữa buồng chính.
Không có bệ đặt quan tài, giữa nhà đào một cái hố nông, quan tài đen sì sì đặt trong đó, lồi một nửa lên trên, đây là một ngôi mộ trong mộ.
Ở góc buồng có mấy bộ hài cốt, đầu lâu đều nứt lõm xuống, rõ ràng là vết tích do bị vật cùn đập mạnh vào, có thể đều là bọn tù binh hoặc thê thiếp đầy tớ bị tuẫn táng, chúng tôi không làm khảo cổ, nên cũng chẳng màng đến những thứ ấy.
Anh Tử bỗng kéo tay tôi :" Anh Nhất, coi trên tường còn có tranh này".
Tôi soi đèn pin vào bức tường Anh Tử chỉ, quả nhiên có một bức phù điêu màu, nhân vật trong tranh hình dáng cổ xưa, sống động như thật. Niên đại đã lâu, mà sắc màu vẫn còn tươi tắn, có điều không khí trong hầm mộ đã được lưu thông, chẳng bao lâu nữa những bức bích họa này cũng sẽ phai màu thôi.
Tuyền béo tán :" Xem ra người chết trong mộ này thời cổ đại có thể còn là một họa sĩ nữa!"
Tôi mắng cậu ta, đừng có thùng rỗng kêu to, thời Đường Tống, trong mộ vương hầu đa số đều có bích họa, dùng thuật lại những sự kiện lớn của chủ mộ lúc sinh thời, chúng ta xem thử coi người chôn trong đây là nhân vật thế nào?
Bích họa thảy có tám bức, chúng tôi lần lượt xem hết, những bức tranh này, có bức vẽ cảnh đi săn trong rừng, có bức là cảnh cùng bạn bè uống rượu trong cung điện, có bức vẽ cảnh xuất quân đánh trận, có bức tả lại cảnh áp giải tù binh, bức cuối cùng vẽ cảnh gia tước phong hầu, trong mỗi bức tranh đều có một người đàn ông mặc áo lông chồn, chắc chính là người được chôn cất ở đây, xem ra đây là một ngôi mộ tướng quân, ít nhất cũng là một Vạn hộ hầu.
Năm xưa, quân Kim Nam hạ diệt Tống, cướp bóc vô số vàng bạc châu báu, vị tướng Kim này không chừng đã đem theo cả chiến lợi phẩm xuống lòng đất cũng nên, đằng nào cũng đều là báu vật của người Hán chúng tôi, vậy chúng tôi cũng không khách sáo làm gì nữa.
Trước tiên, chúng tôi đi quanh hầm mộ một lượt, hai buồng bên toàn là âu sành chậu sứ, buồng sau có bốn bộ xương ngựa và một số binh khí giáp trụ, ngoài ra không còn gì nữa, xem ra người Kim không hậu táng, tôi ít nhiều cũng hơi thất vọng, thắp ngọn nến ở góc Đông Nam, ba người cùng tới trước quan tài trong buồng chính, có gì hay không chỉ còn trông cả vào đây vậy.
Thể tích quan tài khá lớn, gỗ lim sơn đen, bên trên vẽ hoa văn màu vàng kim, màu sắc và tạo hình đều vô cùng cổ quái, chắc là có liên quan đến tô tem của dân tộc Nữ Chân, tôi rờ lên tấm ván quan tài, rất chắc chắn, người nghèo thông thường không bao giờ dùng nổi loại quan tài dày dặn như vậy, được một cỗ bằng gỗ mỏng thôi đã tốt lắm rồi, người nào túng hơn nữa thì chỉ bó vào chiếu cói rồi chôn bừa đâu đấy.
Cực phẩm trong các loại gỗ quan tài chính là lõi âm trầm mộc( gỗ mun), tức là thụ tâm, một cây gỗ mun từ lúc mọc đến khi trưởng thành, chí ít phải mất mấy ngàn năm, thứ cực phẩm này chỉ có thể gặp mà không thể cầu, chỉ có hoàng thất mới được hưởng dụng, thi thể người chết đặt trong lõi cây chôn dưới đất, thi thể vĩnh viễn không thối rữa, đáng giá hơn quan tài pha lê chống phân hủy, hiệu quả hơn chức năng giữ tươi của tủ lạnh, kế đó là loại gỗ đoạn, gỗ bách nghìn năm, thụ tâm càng dày càng có giá, thứ nhất ngăn cho xác khỏi thối rữa, thứ hai không có mối mọt, có thể ngăn kiến hay giòi bọ đục khoét, không giống gỗ thông thường, chẳng được bao lâu đã bị mối mọt ăn hết, chủ mộ nào cũng đều không muốn thi thể của mình bị lũ sâu bọ ăn cả, chỉ nghĩ đến thôi đã thấy tởm lợm rồi, vì vậy yêu cầu đối với gỗ quan tài của các quý tộc xưa nay đều rất nghiêm khắc.
Chất gỗ của cái quan tài trước mặt chúng tôi đây tuy không được như hoàng thân quốc thích, nhưng cũng được coi là xa xỉ lắm rồi, tôi đưa lưỡi xẻng công binh ke vào rãnh nắp, lấy sức nạy lên, nào ngờ đinh đóng rất chắc, hai lần nghiến răng nghiến lợi bẩy lên mà cũng không được.
Tuyền béo liền nhảy vào trợ giúp, hai người hợp sức, cuối cùng quan tài phát ra vài tiếng "cạch, cạch, cạch", cuối cùng cũng nạy ra được một khe lớn, chúng tôi lại thay đổi vị trí, nạy từng cái đinh lên một.
Trong hầm mộ rất khô, vách mộ làm bằng chất liệu đặc biệt có khả năng chống thấm rất tốt, ngói lưu ly trên đỉnh mộ cũng không thấm nước, cả lại phần lớn lượng nước mưa ở Dã Nhân câu đều được lớp lá rụng hút hết, vậy nên bụi bặm trong quan tài rất nhiều, vừa rồi động một cái đã khiến bụi bặm bay mù, tuy đã đeo khẩu trang, nhưng chúng tôi vẫn bị sặc đến ho sù sụ, trở về có thế nào cũng phải chuẩn bị mấy cái mặt nạ phòng độc, nếu không sớm muộn gì cũng mang bệnh vào thân.
Tuyền béo định đẩy nắp quan tài ra, tôi đột nhiên muốn dọa cậu ta một phát, chơi khăm một vố, bèn giữ cánh tay cậu ta lại bảo :" Tuyền béo, cậu đoán xem trong quan tài có gì?"
Tuyền béo đáp :" Tôi biết sao được, đằng nào thì thứ lấy được trong này có thể đổi thành Nhân dân tệ ... còn đổi được phiếu lương thực nữa".
Tôi cố ý hạ thấp giọng nói :" Ngày trước, tôi có nghe ông nội kể một câu chuyện trong sách Thái Bình quảng ký, trong đó cũng kể về hai kẻ trộm mộ, một béo một gầy, bọn họ đào được một cái quan tài lớn trong mộ cổ, bất luận bọn họ lấy đao chém búa bổ, cỗ quan tài vẫn chẳng hề suy chuyển, tên béo biết niệm "Đại Bi chú", hắn đứng trước quan tài niệm một đoạn, kết quả nắp quan tài tự động mở ra một khe hở ... bên trong thò ra một cánh tay mọc đầy lông xanh ..."
Tuyền béo chẳng sợ gì, nhưng Anh Tử thì khiếp vía, vội nấp ngay ra sau lưng Tuyền béo :" Anh Nhất, đừng kể linh tinh thế nữa, phải biết đây là đâu chứ, định dọa chết người ta à?"
Tuyền béo biết tôi chỉ muốn dọa, ngoài chứng sợ độ cao ra thì cậu ta đúng là chẳng sợ gì hết, hồi đó đánh nhau với mấy thằng khác ở trường, cậu ta cũng thuộc hàng cao thủ, lúc này, mặt Tuyền béo chẳng có vẻ gì sợ hãi, không mảy may kinh động trước sự dọa nạt của tôi, điệu bộ oai phong lẫm liệt nói :" Cô em Anh Tử ơi, đừng có nghe cậu ta, thằng oắt này định dọa anh, mà không nhìn rõ Tuyền béo này là ai, mẹ kiếp, ông mày sợ cái quái gì nào, em cứ để cậu ta kể tiếp đi!"
Tôi liền tiếp tục :" Cánh tay mọc đầy lông xanh kia, móng tay dài hơn ba tấc, vươn một cái đã chụp được tên béo đang niệm "Đại Bi chú", kéo hắn vào trong, nắp quan tài lập tức khép lại, chỉ nghe bên trong phát ra tiếng gào thảm thiết, làm tên còn lại sợ vãi linh hồn quay đầu chạy mất ..."
Tuyền béo nhe răng cười khan mấy tiếng, điệu cười có chút gượng gạo, xem chừng trong bụng cũng bắt đầu sờ sợ rồi, nhưng vẫn cứ ra vẻ hảo hán, bước lên phía trước hợp sức đẩy nắp quan tài với tôi, kết quả là chúng tôi dùng sức quá mạnh, đẩy một cái lật luôn cả nắp quan tài xuống đất, những thứ trong quan tài đã gọn ngay trong tầm mắt.
Bên trong là thi thể một người đàn ông cao lớn, nước trong cơ thể đã bốc hơi hết, chỉ còn lại lớp da khô đanh màu tím đỏ bọc lấy cái khung xương, đã gần ngàn năm, đây đã có thể xem là giữ được tương đối hoàn hảo rồi ( Xác ướt khai quật ở gò Mã Vương tỉnh Hồ Nam, là loại cực kỳ hiếm thấy, đôc nhất vô nhị), tuy ngũ quan sụt lún, mắt mũi đều đã biến thành những hốc lõm đen sì, nhưng vẫn có thể lờ mờ nhận ra gương mặt, người này chừng bốn năm mươi tuổi, đầu đội mũ Triều thiên, mình mặc áo bào thêu sợi vàng, màu hồng viền xanh, chân đi ủng Đạp Vân, hai tay đặt ngang trước ngực.
Anh Tử ở sau lưng Tuyền béo thò đầu ra nhìn vào bên trong một cái, kinh hãi hét lên :" Ối mẹ ơi! Ghê quá!" vội vàng ngoảnh đi chỗ khác, không dám nhìn lại.
Cô nàng thét lên như thế, tóc gáy tôi cũng dựng ngược lên theo, nhưng quan quách bật cả ra rồi, còn có thể quay đầu bỏ chạy sao? Đánh liều một phen vậy, tôi chắp tay vái thi thể trong quan tài ba vái :" Chúng con thiếu ăn thiếu mặc, vạn bất đắc dĩ mới đến đây mượn ông vài món đồ đổi lấy ít tiền cầm cự qua ngày, có đắc tội thì xin chớ trách, đằng nào ông cần lên trời thì đã lên trời, cần xuống đất thì đã xuống đất, cần đi đâu thì đi đó rồi, cát bụi lại trở về với cát bụi, bạc tiền châu báu đều là vật ngoài thân, sinh không mang tới, chết chẳng cầm đi, ông giữ lại của cải cũng chẳng ích gì, bọn con là trộm cũng có đạo, lấy đồ đi rồi, nhất định sẽ đem phần lớn xây cầu sửa đường, cải thiện cuộc sống nhân dân, noi gương đồng chí Lôi Phong, yêu ghét rõ ràng, không quên nguồn gốc, giữ vững lập trường ..."
Tôi vẫn còn một nửa đoạn nữa chưa kịp nói hết, Tuyền béo đã không nhẫn nại thêm được nữa, liền thò tay vào quan tài mò loạn lên, tôi vội vàng nhắc nhở :" Mẹ kiếp, cậu nhẹ tay thôi, đừng có làm hỏng cái xác!".
Tuyền béo nào chịu nghe lời, từ lúc vào trong hầm mộ đến giờ chẳng phát hiện ra thứ gì đáng tiền cả, ngoài mấy cái bình cái chum mẻ vỡ ra, chỉ toàn hài cốt của người và súc vật bồi táng, tốn bao công sức, giờ chỉ còn trông mong vào mỗi cái quan tài này có thứ gì khả dĩ hay không thôi.
Tôi thấy có khuyên nữa cũng vô ích, liền dứt khoát im lặng cho đỡ phí nước bọt, cùng cậu ta lục các thứ trong quan tài, cạnh xác chết vẫn là mấy món đồ sứ, hồi ấy tôi không hiểu gì lắm về đồ cổ, nhất là đồ gốm sứ, chỉ thấy vài món sứ hoa xanh thời Bắc Tống, đối với lịch sử, công nghệ, giá trị của đồ sứ tôi nhất loạt đều không biết gì cả, chỉ biết vàng có giá ngọc vô giá, cứ cắm mắt cắm mũi tìm mấy miếng ngọc cổ, tiện tay vất hết đồ sứ sang một bên, trời cao thương xót, cuối cùng cũng tìm được hai miếng ngọc bích trong tay xác chết, ngọc màu cánh trả, chạm thành hai con như hình con ngài, giống bướm mà không phải bướm.
Chúng tôi ngắm đôi ngọc bích một lúc lâu, cũng chẳng nói ra được nó là thứ gì, tôi chỉ biết đây có thể là phỉ thúy, đồ từ trước thời Tống, chắc là thứ quý, nếu không sao khi chết chủ mộ vẫn còn giữ chắc trong tay? Đoán chừng thế nào cũng được mấy vạn tệ đây, vậy thì thật đâu có ít, cả nước bấy giờ cũng đâu được mấy tay "vạn phú", cụ thể đáng bao nhiêu tiền khi về còn phải để Răng Vàng giám định xem đã, rồi liên lạc với mấy tay buôn Hồng Công, Đài Loan gì đó mà bán.
Tuyền béo vẫn chưa thỏa mãn, định cậy miệng xác chết xem có răng vàng hay không, tôi bảo cứ tạm thế này là được rồi, làm gì cũng đừng quá cạn tàu ráo máng, để lại cho người ta chút gì đấy, chúng tôi lại lựa lấy mấy món đồ sứ đẹp mắt trong quan tài, mấy món không màu, không hoa văn thì đặt nguyên vào chỗ cũ.
Lấy đồ xong, tôi với Tuyền béo khênh nắp quan tài lên đậy trở lại, lần này tuy không được trúng quả đậm như dự định, nhưng cũng không hẳn là tay trắng ra về, tôi nói với Anh Tử và Tuyền béo :" Tạm thế đã, chúng ta mau rời khỏi đây thôi, trát lại vách mộ cho tử tế rồi dẹp đường trở về!". Dứt lời liền quay người định trở ra, nào ngờ đột nhiên phát hiện ra ngọn nến góc tường đã lẳng lặng tắt ngóm từ bao giờ.