Lý Trần Tình Hận

Chương 5

 

Thái sư Trần Thủ Độ đã sắp đặt một kế hoạch cướp ngôi nhà Lý thật tinh vi. Lấy cớ tuyển chọn người làm nội dịch trong cung, Thủ Độ đưa ba người cháu là Trần Bát Cập, Trần Thiêm và Trần Cảnh đều khoảng lứa tám chín tuổi vào hầu hạ Lý Chiêu Hoàng. Trong ba đứa trẻ ấy, Trần Cảnh - con thứ của Trần Thừa - trông thông minh sáng sủa, đẹp đẽ khác thường, vượt hẳn hai đứa kia. Trẻ con tuy vô tư nhưng cũng biết lựa chọn, Lý Chiêu Hoàng thích chơi đùa với Trần Cảnh hơn cả.

 Ngày kia, Lý Chiêu Hoàng khiến người đổ nước vào bể tắm rồi nói với Trần Cảnh:

 - Bây giờ ta với ngươi tạt nước nhau xem ai bị ngộp trước nhé!

 Trần Cảnh tuy còn nhỏ nhưng khôn ngoan, đã được dạy dỗ kỹ về bổn phận của mình nên cung kính nói:

 - Hạ thần không dám xúc phạm đến mình rồng! Nếu bệ hạ thích, thần sẽ đứng yên cho bệ hạ tạt nước bao nhiêu thì tạt!

 Chiêu Hoàng cười sung sướng:

 - Thế là tại ngươi muốn đấy nhé! Bây giờ ngươi đứng yên cho ta tạt nước!

 Chiêu Hoàng vừa cười sặc sụa vừa tạt một hồi làm cho Trần Cảnh ướt đẫm cả người. Ngày ấy trời không được ấm nên Trần Cảnh bị thấm nước lạnh run lên mà vẫn đứng chịu trận. Chiêu Hoàng bỗng ngừng tay tiến lại rờ đầu tóc Trần Cảnh hỏi:

 - Ngươi không lạnh à?

 Trần Cảnh lễ phép trả lời:

 - Lạnh thì quả thật lạnh lắm chứ. Nhưng bệ hạ ban lạnh thì thần phải chịu lạnh vậy!

 Nghe Trần Cảnh nói, Chiêu Hoàng mở to đôi mắt đen láy với vẻ hết sức cảm động. Vị ấu vương cởi chiếc áo đang mặc ngoài của mình khoác lên người Trần Cảnh:

 - Lỗi tại ta cả. Ta đền cho ngươi đó!

 Trần Cảnh vẫn mặc đồ ướt và khoác chiếc áo ngoài của ấu vương. Chiêu Hoàng tự tay đi lấy khăn lau mặt lau đầu rồi lấy lược chải tóc cho Cảnh...

 Hôm ấy, Trần Cảnh về nhà kể lại chuyện cho Thủ Độ nghe. Thủ Độ cười:

 - Đây là điềm tốt cho họ Trần ta đấy!

 Lần khác, trong một cuộc chơi, Chiêu Hoàng nghịch lấy khăn trầu ném cho Trần Cảnh. Trần Cảnh cũng về kể lại với Thủ Độ. Thủ Độ nói:

 - Nếu thật thế không biết họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?

 Sau đó, Thủ Độ trầm trồ dặn dò Trần Cảnh phải ứng đối thế nào khi có trường hợp tương tự xảy ra.

 Không cần phải đợi lâu, chỉ mấy ngày sau Chiêu Hoàng lại chơi trò ném khăn trầu cho Trần Cảnh. Lần này Trần Cảnh hai tay nâng chiếc khăn trầu thưa:

 - Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh!

 Chiêu Hoàng cười vang lên và nói:

 - Tha tội cho ngươi! Tha tội cho ngươi! Nay ngươi biết khôn rồi đó!

 Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu phủ lên đầu Trần Cảnh vừa kéo vừa cười.

 Trần Cảnh lại đem chuyện đó kể lại với Thủ Độ. Theo tục dân gian xưa, con gái nhà quyền quí hay chọn chồng bằng cách ném cầu. Người con gái ném cầu trúng ai hay ai bắt được cầu thì người ấy được chọn coi như chuyện thiên định. Trường hợp ném khăn trầu lại còn ý nghĩa hơn vì theo quan niệm người Việt  thì "miếng cau miếng trầu là đầu duyên nợ". Qua những sự việc đó, Thủ Độ gán cho Chiêu Hoàng đã ưng thích Trần Cảnh.

 Hôm sau Thủ Độ cho đóng cửa thành, canh phòng nghiêm mật cung cấm rồi ra thông báo: Bệ hạ đã có chồng!

 Các quan trong triều không một ai thắc mắc, đều xin chọn ngày tốt để chầu mừng. Có lẽ đây là đám cưới duy nhất của hai vợ chồng đều thuộc tuổi thơ ấu trong lịch sử nước Nam ta.

 Dân ta vẫn có tục tảo hôn nhưng thường là cảnh chồng ấu vợ trưởng do những nhà giàu cưới vợ sớm cho con với mục đích kiếm người chăm sóc "cậu nhỏ" hay lo việc gia đình khi cậu nhỏ chưa biết làm gì. Chuyện vợ cõng chồng đi chơi phát xuất từ các trường hợp tảo hôn này. Về sau cậu nhỏ lớn lên thường hay cưới vợ bé vì vợ cả... đã già.

 Theo chỉ thị của Thái sư Trần Thủ Độ, những viên quan lo việc dạy dỗ ấu vương triệt để giảng giải cho ấu vương về chương "phụ đạo" (đạo làm vợ) hết sức kỹ càng. Nào tam tòng tứ đức, nào phu xướng phụ tùy dồn dập nhồi nhét vào đầu óc vị ấu vương bơ vơ trơ trọi không có một chỗ nương dựa ấy. Thế là không bao lâu vị ấu vương cảm thấy chỉ có thể tìm được chỗ dựa ở đức ông chồng. Không rõ các vị giáo sư  bày vẽ thế nào mà một hôm Lý Chiêu Hoàng thỏ thẻ với chồng:

 - Này phu quân! Trẫm tuy ứng thụ đại báu của tổ tiên nhưng vốn là phận nữ nhi lại còn thơ ấu không thể nào chấp chưởng cho tròn trọng trách của mình. Vả lại, theo đúng đạo làm vợ thì trẫm phải phục tùng phu quân mới hợp lẽ. Cho nên, trẫm muốn nhường đế vị cho phu quân để đáp ứng lòng trông cậy của muôn dân. Phu quân nghĩ thế nào?

 Trần Cảnh đã được người chú dặn dò kỹ nên thưa ngay:

 - Bổn phận của đấng trượng phu là phò nguy tế khổn, gánh vác việc đời, mưu cầu cảnh thái bình an lạc cho dân cho nước. Nếu bệ hạ tin cậy Cảnh này mà ủy thác trọng trách, dù bất tài, Cảnh này cũng xin hết lòng hết sức lo cho tròn. Nhưng về chuyện ngôi đại báu, Cảnh này không dám xen vào!

 Chiêu Hoàng nài nỉ:

 - Đây là lòng thật của trẫm. Ngoài phu quân ra trẫm còn biết tin cậy vào ai? Trẫm không thể nào kham nổi đại sự nữa đâu. Đã là vợ chồng thì của phu quân cũng như của trẫm rồi. Xin phu quân vui lòng gánh vác cho vậy!

 Rốt cuộc, Trần Cảnh xin chiều ý Lý Chiêu Hoàng.

 Ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu°, Lý Chiêu Hoàng mở hội lớn tại điện Thiên An để các quan vào chầu. Trước bá quan đông đủ, Lý Chiêu Hoàng cho tuyên đọc chiếu chỉ như sau:

 "Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa có việc ấy. Khốn nỗi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi. Kinh Thi có nói "Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay!"

 "Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tôn cũng không hơn được! Sớm hôm nghĩ chính, từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, để hưởng phúc thái bình.

 "Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người đều biết.

"Khâm chỉ!"

 Sau khi chiếu chỉ được tuyên đọc, Lý Chiêu Hoàng trút bỏ ngự bào rồi mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Cả triều đình không có một ai phản đối.

 Cuộc sang tay ngôi báu từ họ Lý sang họ Trần đã xảy ra một cách êm đềm. Nhà Lý làm vua được chín đời, cộng được 215 năm.

°

 Trần Cảnh mở đầu cơ nghiệp nhà Trần lúc mới tám tuổi, tức Trần Thái Tôn, tôn phong cha mình là Trần Thừa làm Thái thượng hoàng, chú là Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, tiếp tục nắm giữ quyền chính. Sau đó vua lại lập Chiêu Hoàng làm Chiêu Thánh hoàng hậu.

 Anh ruột của vua Thái Tôn là Trần Liễu cũng được ban ân huệ cưới người chị của Chiêu Thánh là Thuận Thiên công chúa và được phong tước Phụng Càn vương.

 Riêng Thái hậu Trần Thị Dung bị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa. Bà xuôi tay mặc cho số phận đưa đẩy.

 Để mở đầu cuộc cải cách phong tục về việc hôn nhân, Thái sư Trần Thủ Độ quyết định tổ chức đám cưới cho chính ông với cựu Thái hậu Trần Thị Dung làm tiêu biểu. Quan Gián nghị đại phu Trần Đăng Hưng nghe tin, vội đến phủ Thái sư để tìm cách khuyên can. Trần Đăng Hưng vốn có họ với Trần Thủ Độ, tánh tình khí khái, ngay thẳng, đã được phong làm Gián nghị đại phu khi Lý Chiêu Hoàng mới lên ngôi. Thái sư Trần Thủ Độ thấy Trần Đăng Hưng đến thăm thì biết ý, bèn mời vào mật thất, đem rượu quí ra đãi. Thái sư không muốn người ngoài nghe được những lời của viên quan Gián nghị này. Sau khi uống được vài chén, Thái sư hỏi:

 - Quan Gián nghị đến đây chắc có chuyện gì cần nói?

 - Bẩm Thái sư, ty chức nghe nói Thái sư có ý định làm lễ thành hôn với cựu Thái hậu, không biết có đúng không?

 Thái sư Trần Thủ Độ thản nhiên:

 - Nếu có việc ấy thì đã sao?

 - Bẩm Thái sư, hẳn ngài cũng biết Đại Việt ta xưa nay không có tục lệ cho phép người cùng họ lấy nhau. Đàn bà trong thiên hạ không thiếu gì, tại sao Thái sư lại phải làm chuyện thất cách như vậy?

 Trần Thủ Độ nói:

 - Quan Gián nghị không hiểu lý do ư? Kinh nghiệm qua các giòng họ từng làm vua làm chúa, ngôi báu cuối cùng vẫn thường bị lọt vào tay những kẻ ngoại thích. Cái gương treo rành rành trước mắt là họ Lý vừa mới mất ngôi qua tay giòng ngoại tức họ Trần ta đấy ông thấy không? Ta không muốn họ Trần phải rơi vào vết xe cũ ấy. Vì thế, ta muốn mở đầu một chế độ nội hôn để giữ cơ nghiệp nhà Trần bền vững lâu dài. Nếu ta chẳng thân hành làm gương trước thì ai chịu nghe theo?

 Trần Đăng Hưng thưa:

 - Hiện Thái sư đang nắm quyền lớn trong tay, chán gì cách giữ gìn ngôi báu mà phải chọn cách thất nhân tâm này? Phong tục tập quán là những lề thói đã ăn sâu vào lòng người, giờ ta đi ngược lại có khác gì khiêu khích, thách đố tư tưởng với quần chúng?

 Thái sư nói:

 - Quan Gián nghị nói vậy chứ tục lệ thì cũng do người mình đặt ra chứ đâu? Mình đặt ra tục lệ được thì mình cải sửa, bổ khuyết tục lệ được, có gì là lạ?

 - Bẩm Thái sư, tục lệ một nước không phải một sớm một chiều mà có được. Nó là kết tinh kinh nghiệm qua bao nhiêu đời mà thành. Nó đã được gạn lọc bao nhiêu lần để giữ điều tốt, loại bỏ điều xấu vì mục đích phục vụ quần sinh, phục vụ xã hội lâu dài...

 Trần Thái sư nóng nảy hỏi lại:

 - Vậy ông cho việc người cùng một họ lấy nhau là xấu sao? Xấu ở điểm nào ông nói ta nghe thử?

 - Bẩm Thái sư, ông bà ta cho biết những người cùng họ lấy nhau thường con cháu hay sinh dị tật, bệnh hoạn, đầu óc trí tuệ sẽ ngày càng lụn bại...

 - Ông lầm rồi! Trên thực tế ông có thấy các giống cọp, beo, vẫn lấy nhau xô bồ mà chúng vẫn luôn có sức mạnh vô địch, giữ mãi được ngôi vị chúa tể chốn sơn lâm? Có gì gọi là sa sút lụn bại đâu?

 Vốn tính hay nói thẳng, lại nhân có rượu trợ sức, Trần Đăng Hưng nói:

 - Bởi thế mới gọi là giống hổ beo! Chúng có sức mạnh vô địch thật nhưng chỉ biết dùng sức mạnh để giành giựt miếng ăn! Tệ nhất là chúng lại ưa ăn thịt thúi nữa! Trí tuệ chúng thì hoàn toàn không ra gì, đụng đâu quên đó. Thử hỏi chúng có gì tốt đâu?

 Thái sư Trần Thủ Độ lặng người giây lát rồi ông nói chậm rãi:

 - Thôi được rồi, ông cứ yên chí! Ta sẽ suy nghĩ lại vấn đề này.

 Mấy ngày sau thì quan Gián nghị đại phu Trần Đăng Hưng lâm bệnh bất ngờ mà qua đời. Trần Thái sư vẫn thực hiện cuộc cải cách hôn nhân như đã định. Đám cưới giữa quan Thái sư Trần Thủ Độ và cựu Thái hậu Trần Thị Dung được triều đình tổ chức rất linh đình. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đại Việt, hai chị em con chú con bác được chính thức lấy nhau. Từ đó, nhà Trần rất cởi mở trong vấn đề kết hôn giữa những người trong hoàng tộc. Đỉnh cao nhất trong chế độ nội hôn ấy là vụ đức Trần Hưng Đạo cưới bà cô ruột của mình là Thiên Thành công chúa làm vợ chính thức sau này.

 Về phía dân chúng, họ khiếp sợ sự tàn độc của Thái sư họ Trần không ai dám công nhiên nói gì nhưng mặt ngầm họ vẫn âm ỉ chê bai, phản đối đủ thứ. Tuyệt nhiên không một giòng họ nào tuân theo sự cải cách phong tục này.

 Cựu Thái hậu Trần Thị Dung đã trở thành vợ của Quốc thượng phụ Thái sư Trần Thủ Độ, lại cũng vừa là cô ruột, vừa là nhạc mẫu của đương kim hoàng đế, nên một thời gian sau được vua Thái Tôn tôn phong làm Linh Từ quốc mẫu.


Chú thích:

°Ất Dậu: 1225