Sau khi trở lại kinh đô, vua Lý Cao Tôn tỏ ra rất biết ơn và tin tưởng gia đình họ Trần. Ngài phong cho Trần Lý tước Minh Tự hầu và trao hẳn binh quyền cho ông ta. Những người đi theo Trần Lý đánh giặc có công cũng đều được vua phong quan tước. Con cháu họ Trần bước vào giai cấp thượng lưu của xã hội Đại Việt từ đó. Mặt khác, vua cho trừng trị bọn Quách Bốc theo mức độ cao thấp khác nhau.
Chẳng bao lâu sau, Minh Tự hầu Trần Lý vì bất cẩn, bị đồ đảng của Quách Bốc giết để trả thù. Binh quyền được chuyển sang tay người con thứ hai của ông là Trần Tự Khánh.
Tháng mười năm Canh Ngọ, vua Cao Tôn lâm bệnh mà thăng hà, thọ° 38 tuổi. Thái tử Lý Hạo Sảm lên kế vị tức Lý Huệ Tôn. Vua Huệ Tôn tức vị xong bèn tôn phong mẹ là Đàm Thị làm Thái hậu, phong vợ là Trần Thị Dung làm nguyên phi. Vua cũng phong cho người cậu ruột của nguyên phi là Tô Trung Từ làm Thái úy Thuận Lưu bá, Trần Thừa làm Nội thị Phán thủ, Trần Tự Khánh tước Trung Tín hầu nắm quyền chỉ huy quân đội. Quyền bính triều đình nhà Lý từ đó dần lọt trọn vào tay anh em họ Trần.
Lý Huệ Tôn là người kém cõi, nhu nhược, cả tin, không biết gì về chính trị, lại quá sủng ái Trần nguyên phi nên ảnh hưởng cánh họ Trần càng ngày càng lớn mạnh. Đàm Thái hậu mẹ vua Huệ Tôn thấy vậy sinh nghi, bèn tìm cách cứu vãn tình thế. Bà thường bảo với những người thân tín:
- Ta thấy Thị Dung nhan sắc thu hút ma quái không khác gì Bao Tự, Đắc Kỷ. Bây giờ bà con giòng họ Thị được Hoàng thượng trao cho các chức vụ then chốt trong triều, ta lấy làm lo lắm. Không chừng họ Lý ta sẽ nguy với Thị có ngày. Các ngươi có cách gì ngăn chận mầm họa đó không?
Bà hỏi là hỏi vậy chứ lúc bấy giờ chẳng còn ai đáng mặt để bàn chuyện ấy với bà. Thế rồi bà ra mặt nghiêm khắc với Trần Thị, tìm cách tạo ra mối mâu thuẫn giữa nàng với vua Huệ Tôn để giảm bớt ảnh hưởng của nàng đối với nhà vua. Thái hậu muốn vua Huệ Tôn phải phế bỏ nàng và thâu bớt quyền hành của cánh họ Trần.
Trần Thị thấy mình gặp rắc rối bèn sai người báo tin cho Trần Tự Khánh. Trần Tự Khánh liền đem quân đến đòi rước vua và nguyên phi đi nơi khác. Vua Huệ Tôn thấy vậy cũng đâm ra nghi ngờ Tự Khánh làm phản, ra lệnh bắt Tự Khánh nhưng không bắt được. Huệ Tôn bèn giáng nguyên phi Dung xuống chức ngự nữ.
Năm Giáp Tuất, Tự Khánh lại đem quân đến dâng sớ tạ tội và xin đón xa giá. Vua Huệ Tôn càng ngờ bèn cùng Đàm Thái hậu và Trần ngự nữ chạy lên châu Lạng (Lạng Sơn) để đề phòng bất trắc. Trần Tự Khánh lại một lần nữa tìm theo dâng sớ tạ tội rồi xin rước vua và Thái hậu trở về. Lần này thì vua Huệ Tôn chấp thuận. Lúc bấy giờ Trần Thị Dung đã mang thai nên vua cho phục chức nguyên phi. Sau đó vua lại sách phong nguyên phi làm Thuận Trinh phu nhân.
Thấy Huệ Tôn lại tỏ ra quá trân trọng đối với Thuận Trinh phu nhân, Đàm Thái hậu nói với vua:
- Ta nghe sắc đẹp xưa nay vẫn làm nghiêng thành đổ nước không biết bao nhiêu triều đại rồi. Phù Sai anh hùng một thuở đành chết vì Tây Thi. Trụ vương thông minh sáng suốt, sức khỏe phi thường rốt cuộc chết dưới tay Đắc Kỷ. Châu U vương cũng mất tiêu cơ nghiệp vì Bao Tự... Gương người xưa còn rành rành đó sao nhà vua không biết xét vậy? Ta yêu cầu nhà vua bỏ ngay con hồ ly tinh Trần Thị Dung đó đi thì may ra họ Lý ta còn giữ được. Nếu không nghe ta, nhà vua sẽ hối hận không kịp đó!
Vua Huệ Tôn thưa:
- Mẫu hậu già cả rồi nên suy nghĩ lệch lạc thôi chứ nàng có tội tình gì mà phải bỏ? Hơn nữa, hiện nay nàng đang có thai! Mẫu hậu không thấy dù cầm trọng binh trong tay, Trần Tự Khánh vẫn luôn một lòng trung thành kính thuận đó sao?
Đàm Thái hậu nói:
- Nhà vua không thấy Tự Khánh muốn uy hiếp ngài khi nào thì uy hiếp, muốn xin xá tội khi nào thì xin đó sao? Sở dĩ nó chưa ra tay chỉ vì còn ngại lòng dân thôi. Không sớm thì muộn nó cũng cướp giang sơn của ngài!
Vua Huệ Tôn nói:
- Con xin mẫu hậu chớ nghi lầm người tốt mà đắc tội với trời!
Thái hậu thấy con mình quá u mê ám chướng nổi giận đùng đùng:
- Cái đầu óc heo chó của mày thật không thể nào khai mở được!
Vua Huệ Tôn cũng giận dữ bướng bỉnh nói:
- Con thà mất giang sơn không thà để mất Trần Thị!
Từ đó tiếng đồn sự xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu trong cung cấm nhà Lý lan truyền dần tới ngoài dân chúng.
°
Một buổi chiều Trần phu nhân trong dáng vẻ yếu ớt đến khóc với vua Huệ Tôn:
- Muôn tâu bệ hạ, thần thiếp nhịn đói cả ngày nay rồi!
Vua Huệ Tôn ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, tại sao phu nhân phải nhịn ăn?
- Bệ hạ ơi, hình như có kẻ nào âm mưu đầu độc thiếp. Trong bữa cơm sáng nay, thiếp như có linh tính, vừa đưa cơm lên miệng là thiếp thấy rùng mình không dám ăn. Cũng may thiếp không đói nên nhịn luôn. Ả nữ tì bèn đem cơm ấy cho con mèo ăn, không ngờ ăn xong thì nó lăn ra chết. Nếu linh tính không báo trước, thiếp đã vong mạng rồi còn gì. Bây giờ nữ tì lại mới dâng cơm lên, thiếp nghi ngờ lắm. Xin bệ hạ cho người đem cơm ấy xét nghiệm thử thì thiếp đội ơn vô cùng.
Vua Huệ Tôn bèn cho người đem phần ăn của Trần phu nhân tới. Vua tự tay đổ xuống cho một con chó ăn. Quả nhiên con chó vừa ăn xong liền lăn ra chết. Phu nhân thấy thế khóc thét lên:
- Bệ hạ thấy đó! Rõ ràng có người muốn hại thiếp. Thiếp làm sao mà ở chỗ này cho nổi! Xin bệ hạ cho thiếp đến một nơi an toàn để giữ gìn tính mạng!
Vua Huệ Tôn nổi giận nói:
- Hãy truyền cấm vệ bắt hết mấy đứa lo việc cơm nước điều tra hỏi cho ra vụ này do ai chủ trương. Hỏi cặn kẽ xong xem đứa nào có tội đem chém lập tức!
Thuận Trinh phu nhân quì xuống thưa:
- Bệ hạ không nên làm thế, không lẽ bọn nhà bếp dám công khai làm việc này! Thần thiếp nghĩ có thể có một tên nào đó do người khác sai khiến lén bỏ thuốc độc vào thức ăn thôi. Bây giờ nếu tra khảo dễ gì đã tìm được nó mà chắc chắn cả bọn sẽ bị đánh oan, sẽ khai bậy rồi sẽ có nhiều người chết oan. Hoặc giả tìm được người chủ trương, nếu lỡ lại là người bệ hạ không thể trừng trị được càng thêm khó xử. Chi bằng hãy đưa thần thiếp đến ở một nơi khác là xong.
Vua Huệ Tôn là người không quả quyết, ngài bèn đuổi ngay mấy người lo việc cơm nước cho phu nhân rồi sau đó lại thay hết những người hầu hạ cũ. Cũng từ đó vua sai người từng bữa chia phần cơm mình cho phu nhân ăn.
Hằng ngày phu nhân cứ nằng nặc xin đi nơi khác cho được. Việc này tới tai Đàm Thái hậu, Thái hậu tức giận mắng vua Huệ Tôn:
- Nó giở trò ly gián, nó muốn vu oan giá họa cho ta mà nhà vua cũng nghe nó ư? Vậy thì nó bảo đi đâu cứ đi đi cho nó vừa lòng!
Thuận Trinh phu nhân nghe thế lại khóc lóc với vua:
- Mẹ đã ghét thần thiếp đến thế thì thần thiếp ở đây trước sau cũng bị hại thôi! Thà để thần thiếp chết trước mặt bệ hạ cho rồi!
Thế rồi phu nhân vật mình đòi tự tử. Vua Huệ Tôn hết sức lo sợ, nhất là lúc ấy cái bào thai của phu nhân đã lộ dạng rõ. Bất đắc dĩ vua phải cùng phu nhân rời kinh thành đến huyện Yên Duyên, ở tạm nhà tướng quân Lê Mịch rồi cho vời Trần Tự Khánh đến bảo vệ. Thế là địa vị của Trần phu nhân cũng như thế lực họ Trần càng vững chắc. Thời gian nhà vua rời bỏ kinh thành kéo dài hơn một năm.
Đàm Thái hậu thấy tình trạng như vậy buồn rầu lo lắng mà sinh bệnh. Bà mấy lần cho người đi mời vua Huệ Tôn trở về nhưng vua vẫn không chịu nghe. Đàm Thái hậu uất ức quá than thở:
- Ta thật vô phước khi sinh ra một đứa con tin vợ hơn tin mẹ, coi trọng vợ hơn cả cái giang sơn mà ông cha đã phó thác! Không sớm thì muộn nó sẽ đem cơ nghiệp của tổ tông dâng cho giòng họ vợ nó mất thôi!
Chẳng bao lâu sau đó bệnh bà phát nặng mà qua đời.
Trước kia cánh họ Trần vẫn coi Đàm Thái hậu như một ngọn núi lớn đầy gai góc chắn trước mặt, nay ngọn núi ấy đã cháy rụi, họ dễ dàng dọn quang một con đường để đi tới mục tiêu. Việc anh em họ Trần mặc tình ra vào chốn triều đường đã làm cho vua Huệ Tôn thấy khó chịu, lo âu. Nhà vua bắt đầu hối hận khi thấy những lời mẹ mình tiên đoán đã lần lượt ứng nghiệm.
Giữa năm Bính Tí°, Trần phu nhân sinh được một con gái, tức là Thuận Thiên công chúa. Đầu lòng sinh con gái vua Huệ Tôn không hài lòng lắm, nhưng ngài cũng sắc phong Trần phu nhân làm hoàng hậu. Hai năm sau bà lại sinh thêm được một người con gái nữa, đó là Chiêu Thánh công chúa, cũng còn gọi là Phật Kim, vua Huệ Tôn lại càng không vui.
Càng ngày vua Huệ Tôn càng thấy mình chỉ còn giữ hư vị. Các quan thấy họ Trần đang hưng thịnh đều ngã theo như lớp cỏ tranh trước gió. Vua Huệ Tôn nhìn trước nhìn sau chẳng còn ai để có thể giãi bày tâm sự. Chung quanh ngài người cũ cũng như người mới hầu hết đều trở thành rặt tay chân của họ Trần. Ngay cả người đàn bà tay ôm gối ấp của ngài - Trần hậu, ngài cũng chẳng còn dám tin cậy nữa. Ngài càng nhớ tới những lời mẹ cảnh cáo rằng bao nhiêu vua chúa ngày xưa đã từng mất nước vì đàn bà càng bị dằn vặt đau lòng. Tại sao trước kia ta không nghe lời mẹ ta tước bớt quyền hành của cánh họ Trần? Tại sao ta ngu muội đến bao lần gay gắt cãi lại mẹ ta? Một hôm vua Huệ Tôn một mình chống gậy đến lăng Đàm Thái hậu vật mình khóc lóc:
- Con bất hiếu không biết nghe lời mẹ giờ mới nên nỗi này! Mẹ có linh thiêng xin chỉ đường cho con, cứu vớt con với!
Sau đó, vua Huệ Tôn tự viết một tờ chiếu, bí mật giao cho một viên nội thị ngài tin tưởng nhất, bảo tìm cách chuyển đến các viên quan Đoàn Thượng ở Đường Hào và Nguyễn Nộn ở Bắc Giang kêu gọi họ khởi quân về cứu giá. Không ngờ việc ấy cũng không qua khỏi con mắt đám tay chân của Trần Thủ Độ. Khi bị cật vấn, viên nội thị sợ quá bèn thú thật cả. Trần Thủ Độ hết sức giận dữ, bèn đi thẳng vào cung gặp nhà vua để "phân trần".
Vụ mưu sự thất bại này làm vua Huệ Tôn càng xuống tinh thần. Sự bế tắc tâm tình khiến nhà vua dần trở nên khật khùng, dở dở ương ương. Nhiều lần ngài tự xưng là thiên tướng, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, tay cầm giáo, đùa múa từ sớm đến chiều rồi uống rượu ngủ li bì, có khi đến hôm sau mới tỉnh. Thế là anh em họ Trần mặc tình quyết định hết mọi việc, cứ tâu trình lên điều gì vua cũng chuẩn y ngay cho xong chuyện.
Đến năm Quí Mùi° thì Trần Tự Khánh mất, Trần Thừa nối chức, được đặc cách làm Phụ quốc Thái úy, khi vào chầu được miễn xưng tên. Trần Thủ Độ được lãnh chức Điện tiền chỉ huy sứ là một chức vụ then chốt trong triều. Trần Thừa khá hiền nhưng Trần Thủ Độ lại cương quyết ra tay đoạt cho được cơ nghiệp nhà Lý đưa về họ Trần.
Mặc dầu Trần hoàng hậu có cho người tìm thầy thuốc khắp nước để chữa bệnh cho vua, Huệ Tôn vẫn càng ngày càng điên nặng. Lúc nào ngài cũng tỏ vẻ khiếp sợ trước Trần Thủ Độ.
Đến năm Giáp Thân°, vua Huệ Tôn nghe theo lời khuyên của Trần Thủ Độ, nhường ngôi cho công chúa nhỏ mới tám tuổi tên Phật Kim hay Chiêu Thánh tức Lý Chiêu Hoàng. Lý Chiêu Hoàng bèn phong cho Trần Thủ Độ làm Thái sư coi việc triều chính. Nhường ngôi cho con xong, vua Huệ Tôn quyết định vào chùa Chân Giáo để tu hành. Đó là một ngôi chùa được xây dựng dưới thời Lý Thái tổ vào năm Thuận Thiên thứ 15 (Giáp Tí°). Tự tay Thái sư Trần Thủ Độ đánh xe đưa vua Huệ Tôn vào chùa với đầy đủ nghi trượng của một vị thiên tử. Sư trụ trì ở chùa lúc bấy giờ là hòa thượng Pháp Chân ra đón vua ở cổng chùa, nói:
- Đại phàm đã vào chốn Không môn thì những gì của trần tục như vua chúa, giàu nghèo, già trẻ không còn nữa. Nay Thượng hoàng bỏ ngôi báu đi tìm lẽ giải thoát mà còn dùng xe quí, nghi trượng thì sao thoát khỏi trầm luân? Bây giờ thì nào là thiên tử, nào là triều đình, nào là Long an, Long thụy đều trở thành không cả. Lẽ vô thường là thế đó!
Thượng hoàng hiểu ý, bèn khoát tay ra hiệu cho quan quân ra về, chỉ một mình ngài theo chân hòa thượng Pháp Chân vào chùa. Hòa thượng Pháp Chân bèn xuống tóc cho ngài và đặt đạo hiệu là Huệ Quang thiền sư. Từ đó, bệnh tình của cựu vương Huệ Tôn tức Huệ Quang thiền sư cũng giảm được phần nào.
Đầu năm Bính Tuất°, một hôm Thái sư Trần Thủ Độ đi ngang qua chùa Chân Giáo, thấy Huệ Quang thiền sư đang ngồi nhổ cỏ trước sân, ông nói:
- Nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc!
Huệ Quang thiền sư nghe nói thế thì trả lời:
- Ngươi muốn nói gì ta đã hiểu rồi!
Hôm sau, Thái sư Trần Thủ Độ cho người đến chùa mời thiền sư Huệ Quang vào triều bàn việc. Huệ Quang thiền sư biết ý bèn ra nhà sau thắt cổ mà chết. Lúc bấy giờ ngài mới 33 tuổi. Thái sư Trần Thủ Độ bèn dẫn bá quan đến chùa tế khóc, sau đó cho đem thi thể Huệ Tôn hỏa táng rồi chôn ở tháp Bảo Quang.
Chú thích:
°Canh Ngọ: 1210, Giáp Tuất: 1214, Bính Tý: 1216, Quí Mùi: 1223, Giáp Thân: 1224, Bính Tuất: 1226.