Trong cùng một giòng tộc, đời nào cũng có vài người rất giống nhau. Trường hợp Thái tử Hoảng và vương tử Doãn lại càng đặc biệt hơn: đã cùng giòng tộc bên nội lại cùng một mẹ. Hễ nhìn Thái tử Hoảng, Thuận Thiên hoàng hậu phải nghĩ ngay đến vương tử Doãn. Vẻ cười, lời nói, cách đi đứng chơi đùa của Thái tử hình như không khác chi vương tử Doãn ngày xưa. Điều đó làm cho hoàng hậu càng thương nhớ vương tử Doãn da diết. Mà nhớ đến vương tử Doãn, Thuận Thiên lại không sao tránh khỏi liên tưởng đến người xưa. Ở bên người chồng, nhất là với một người chồng đủ đức khoan dung nhân ái, lại nghĩ đến người khác, theo quan niệm đạo đức phương đông là một tội lớn. Thuận Thiên phải cố giữ kín tâm trạng đó như bưng. Bà rất sợ xảy ra những vết rạn nứt khó lường đối với tình thương yêu của người chồng hiện tại! Mối mâu thuẫn đó cứ dày vò hoàng hậu Thuận Thiên mãi. Bà rất khó mở miệng để nói với chồng nỗi nhớ thương đứa con riêng của mình. Có lẽ sự dồn nén, bưng bít tâm tình quá độ cũng ảnh hưởng đến thể xác con người. Hoàng hậu mỗi ngày một héo hắt hao gầy. Vua Thái Tôn hết sức lo lắng, ngài đã chỉ thị ngự y săn sóc hoàng hậu hằng ngày. Khi rảnh rỗi vua thường ân cần đến thăm viếng hoàng hậu. Một hôm, vua hỏi hoàng hậu với giọng tha thiết:
- Đạo người quân tử bắt nguồn từ vợ chồng, ta đã cố gắng hết mình để sống cho trọn đạo. Hậu có gì phiền muội về ta xin cứ thành thật tỏ bày. Ta lúc nào cũng hướng về điều phải. Chẳng lẽ hậu không tin ta sao?
Thuận Thiên hoàng hậu thưa:
- Hoàng thượng ở với thần thiếp từ trước tới nay thật không có điểm nào làm thiếp buồn được. Thần thiếp chịu ơn mưa móc của Hoàng thượng sâu dày lắm rồi. Sở dĩ thần thiếp có chút phiền muội nào đó thì thật hoàn toàn riêng tư. Hoàng thượng đã có lòng hỏi đến thần thiếp cũng xin thưa thật, thần thiếp nhớ vương tử Doãn lắm. Hoàng thượng cho vương tử vào thăm thần thiếp một lần thì mẹ con thiếp sẽ đội ơn hoàng thượng vô cùng.
Vua Thái Tôn cười hiền hòa:
- Ồ, tưởng chuyện gì. Cha mẹ nào chẳng có lòng thương con! Hậu đã muốn thì trẫm đâu nỡ ngăn trở!
Thế là vua cho thái giám đi vời vương tử Doãn đến.
°
Khi vương tử Doãn đến Tây cung thì vua Thái Tôn đã ra về. Tuy lúc nào cũng thương nhớ mẹ, nhưng vì xa cách mẹ đã lâu, giờ mẹ lại đang ở ngôi cực quí, vương tử không giữ vẻ tự nhiên được:
- Tiểu tử Trần Doãn xin bái kiến hoàng hậu nương nương!
Hoàng hậu xúc động kêu lên:
- Trời ơi, con của mẹ, chúng ta là mẹ con, con đừng khách sáo như thế!
Mẹ con gặp nhau bao xiết mừng tủi. Hai người lại có dịp ôn lại thời quá khứ, từ khi vương tử Doãn còn là đứa bé như Thái tử Hoảng bây giờ. Đang thao thao nhắc chuyện cũ, Doãn bỗng cười nói với mẹ như khoe:
- Mẹ ơi, ngày trước con có hứa sẽ trả thù cho mẹ, con vẫn nhớ mãi lời hứa đó và nhất định sẽ làm! Mẹ cứ yên chí!
Thuận Thiên bỗng ngớ người ra. Thật tình, Thuận Thiên là người sống nhiều về nội tâm nhưng dễ tính, không sâu sắc, rất cam phận. Ngày trước trong cơn đau đớn khi nhiều người trong gia tộc mình bị thảm sát, bà xúc động nhất thời mà nói với con ý muốn trả thù. Bà cũng biết khi tức giận quá thì nói vậy chứ có muốn cũng không cách gì làm được. Bây giờ qua thời gian bà cũng quên dần chuyện đó, không ngờ con mình nhắc lại việc ấy. Thuận Thiên lặng người một chốc rồi hỏi lại:
- Làm sao con nhớ chuyện đó kỹ vậy?
Vương tử Doãn thưa:
- Mẹ ạ, Phụ vương nhắc lại cho con. Con cũng hứa trả thù cho Phụ vương nữa!
Thuận Thiên hoàng hậu sợ hãi hỏi kỹ lại trước sau. Vương tử Doãn bèn kể cho hoàng hậu nghe hết đầu đuôi chuyện cha nói với mình. Hoàng hậu cau mày chắc lưỡi:
- Không ngờ chuyện lại rối rắm thế này! Con hãy nghe mẹ dặn đây! Mẹ không được ở gần con nên dù muốn ngăn cản con cũng không được. Mẹ chỉ biết khuyên con đừng bao giờ nói với ai những chuyện đó nữa! Con cũng phải khuyên cha con cẩn thận. Đừng có đem tâm sự gởi gắm cho ai quá dễ dàng không tốt đâu.
- Thưa mẹ, con biết lắm chứ! Con chỉ nói với mẹ thôi!
- Ừ, như vậy thì mẹ mới yên lòng! Cha con bây giờ sức khỏe ra sao?
Vương tử Doãn rưng rưng lệ thành thật nói:
- Người thương nhớ mẹ lắm, cứ bỏ ăn bỏ ngủ hoài nên sức khỏe hết sức suy tàn. Mỗi lần nhìn đến cha con lại thấy đau lòng.
Hai dòng lệ từ từ lăn xuống gò má hoàng hậu. Bà lặng lẽ lấy khăn lau cho mình rồi lau cho vương tử Doãn. Xong, nàng ôm hôn lên đầu lên mặt vương tử Doãn một hồi...
°
Sau cuộc gặp mặt vương tử Doãn, trong lòng hoàng hậu Thuận Thiên lại nẩy sinh thêm nhiều nỗi buồn phiền. Bà lo sợ cho sự nông nổi của vương tử. Bà xót xa cho người chồng cũ đang gánh chịu bao nỗi cô đơn cay đắng. An Sinh vương là kẻ bị oan khuất thật tình chứ chàng có tội lỗi gì đâu? Chính bà cũng là kẻ bị ép uổng bỏ chồng cũ để theo chồng mới! Vậy tại sao bà không được quyền thương nhớ, lo lắng cho người chồng cũ? Khổ nỗi, người chồng mới của bà cũng đâu vướng mắc lầm lỗi nào! Người đó cũng rộng lượng, quân tử và cũng hết mực thương yêu bà! Vậy phải chăng nghĩ về người cũ thì lại mắc tội vong ân với người chồng hiện tại? Càng suy nghĩ hoàng hậu càng thấy trong lòng cứ mâu thuẫn rối bời...
Tại sao lại vô lý đến thế được? Bà nghĩ từ cái vô lý này tiến sang cái vô lý khác. Tại sao bà phải khuất phục phụng sự một giòng họ đã tàn nhẫn tiêu diệt cả giòng họ của bà? Tại sao bà phải hi sinh để gầy giống cho họ Trần? Hình ảnh vua Huệ Tôn tức thiền sư Huệ Quang, cha của bà bị treo cổ lại cứ hiện ra trước mắt bà. Hình ảnh các ông, các bác, các chú của bà loi ngoi dưới hố đất chôn tập thể khóc lóc rên xiết cố trườn lên, bị bọn tay chân của Thái sư Trần Thủ Độ đạp vào mặt, dập lên đầu từng xẻng đất cứ hiện ra trước mắt bà... "Sao tôi khổ thế này?". Hoàng hậu bưng mắt lại, rồi gục mặt xuống gối khóc nức nở.
°
Càng ngày thân xác hoàng hậu Thuận Thiên càng khô héo. Ngồi lâu một chút là kêu chóng mặt, hoa mắt. Ăn uống không thấy ngon, không thấy thèm khát. Lúc nào bà cũng chỉ muốn được yên tĩnh. Các ngự y đã cố gắng chạy chữa nhưng vẫn không đem lại kết quả. Vua Thái Tôn bèn cho yết thị cầu nhiều danh y trong dân gian về chữa. Nhưng bệnh hoàng hậu vẫn vô phương. Sâm nhung quế phụ bồi bổ bao nhiêu hoàng hậu cũng chẳng khá lên được. Năm này qua năm khác, sức khỏe hoàng hậu vẫn mỗi ngày mỗi đi xuống.
Đến năm Mậu Thân, bệnh của Thuận Thiên hoàng hậu đã đến giai đoạn nguy kịch. Bà nằm liệt giường không còn ăn uống gì được nữa. Vua Thái Tôn thương xót lắm, ngài càng đến thăm bà thường hơn.
Một hôm khi vua Thái Tôn đến thăm, gặp lúc hoàng hậu khá tỉnh táo, bà thều thào nói với vua:
- Thiếp bạc phước chắc không còn được sống để hầu hạ Hoàng thượng nữa. Trước khi nhắm mắt, thiếp xin Hoàng thượng một ân huệ cuối cùng, Hoàng thượng có bằng lòng chăng?
Vua Thái Tôn buồn rầu nói:
- Muốn gì ái hậu cứ nói, không cứ là một ân huệ, dẫu hậu muốn trăm ân huệ trẫm cũng bằng lòng.
Đôi mắt hoàng hậu sáng lên vẻ cười. Bà thều thào nói tiếp:
- Cảm tạ Hoàng thượng rộng lòng ban ân. Vậy, thiếp xin Hoàng thượng hai điều. Thứ nhất thiếp muốn được gặp mặt vương tử Doãn trước khi chết. Thứ hai, xin Hoàng thượng nghĩ đến tình cũ đối với Chiêu Thánh công chúa, đem gả nàng cho một người nào đó khá xứng đáng để nàng có chỗ nương dựa kẻo tội.
Vua Thái Tôn nói:
- Ái hậu cứ yên chí. Trẫm đã phong Trần Quốc Khang tước Tĩnh Quốc vương, rồi đây trẫm sẽ phong cho Trần Doãn tước Vũ Thành vương để cho chúng nở mặt nở mày với đời. Trẫm sẽ cho người đi vời Trần Doãn đến thăm ái hậu ngay. Còn việc Chiêu Thánh công chúa, trẫm cũng sẽ lo cho nàng hết sức chu đáo như ý ái hậu muốn.
Hoàng hậu mừng rỡ nói:
- Trần Doãn sẽ được bệ hạ phong tước Vũ Thành vương thật ư? Chiêu Thánh sẽ được bệ hạ gả cho một người chồng xứng đáng thật ư? Như vậy thiếp dầu có nhắm mắt cũng không còn gì ân hận nữa! Tạ ơn bệ hạ, tạ ơn bệ hạ!
- Ái hậu cứ yên chí! Thôi, ái hậu nghỉ cho khỏe! Trần Doãn sẽ đến bây giờ!
Vua Thái Tôn bước ra ngoài. Điều cầu xin của hoàng hậu làm ngài chợt bâng khuâng nghĩ về người cũ. Lâu nay ngài không hề gặp lại Chiêu Thánh công chúa. Người đàn bà tuổi bốn mươi không chồng không con lại mang trong người bao nhiêu nỗi tủi hận ấy bây giờ ra sao? Ngài biết những luật lệ khuôn phép thắt ngặt trong cung có thể làm cho những kẻ có tâm hồn phóng khoáng điên đầu lên được. Họ chỉ có một môn giải trí trường kỳ là bài bạc... Ngài biết trong cung có môn giải trí thông dụng nhất là lối chơi đổ "lục phú". Đó là một môn chơi quí phái, văn nhã, nhẹ phần ăn thua, và có thể nhiều người cùng tham gia được. Điểm hấp dẫn của môn chơi này là sự tranh Trạng, đoạt Trạng của nhau. Điểm hấp dẫn giật gân đó đã làm cho bao nhiêu "người đẹp già" ghiền ngồi đến niễng lưng, mục xương sống lúc nào không hay...
Vua Thái Tôn sực nhớ trong một lần đang tâm tình với Thuận Thiên hoàng hậu, khi vua nói các bà trong cung hay chơi "lục phú" thì hoàng hậu thủ thỉ: "Xin bệ hạ thông cảm cho họ. Những người đàn bà trong chốn cung đình, ngoại trừ bọn nô tì lăng xăng công việc, đều phải "hưởng" một cái nhàn rộng lớn đến độ chán chường. Thêu thùa ư? Thêu thùa cũng chẳng làm được gì. Kể chuyện cho nhau nghe ư? Quanh quẩn mãi rồi cũng không còn chuyện để kể ngoại trừ chuyện bươi móc nhau. Phần đông chỉ biết tụ lại bên nhau cờ bạc để giết thời gian...".
Không biết khi nói với ngài như thế, có phải chủ tâm Thuận Thiên muốn ngầm nhắc ngài lưu ý đến Chiêu Thánh công chúa? Một vị cựu Nữ vương, cựu hoàng hậu như Chiêu Thánh có thể hòa đồng được với hạng người nói trên không?
Lời nói ấy đã từng làm vua Thái Tôn lo lắng, áy náy vô cùng. Điều chắc chắn ngài biết được là Chiêu Thánh đang chịu đựng một nỗi cô độc ghê gớm gậm xé trong lòng! Phải chăng nàng đang ở trong một địa ngục? Ta có thể đày đọa người từng thương yêu mình đến thế sao? Ta phải làm một cái gì để chuộc tội với nàng?
°
Hoàng hậu Thuận Thiên đang nhắm mắt thiêm thiếp thì vương tử Doãn bước vào. Vương tử quì xuống trước giường mẹ:
- Hài nhi bái kiến nương nương hoàng hậu!
Hoàng hậu hé mắt ra nhướng lên mừng rỡ:
- Hài nhi thương yêu của mẹ đó à!... Cha con...
Bà bỗng ngoẹo đầu lại nhắm mắt bất động. Có lẽ vì hoàng hậu bị xúc động quá độ mà ngất đi. Một người hầu vội lại gần quan sát cho rõ. Cô ta vẫy tay gọi một người hầu khác:
- Đem cái gương lại đây!
Cô ta cầm gương đưa trước mũi hoàng hậu chốc lát rồi khóc thút thít:
- Hoàng hậu đi mất rồi!
Vương tử Doãn hoảng hốt đứng dậy chồm người tới úp mặt lên thân thể hoàng hậu kêu thét lên:
- Mẹ ơi!
Hôm ấy vương tử Doãn ở lại cung hoàng hậu cho tới khi việc tẩn liệm hoàn tất. Sau đó, vương tử về trình bày lại mọi việc với cha. An Sinh vương nghe xong lăn lộn gào khóc thê thảm. Vương ra lệnh cho tất cả mọi người trong vương phủ phải để tang cho hoàng hậu một thời gian ba năm. Có người khuyên can cho đó là việc làm không đúng nhưng vương không chịu nghe.