Có một câu chuyện kể rằng:
Có hai chú ếch chẳng may rơi vào thùng pho-mát. Cả hai cố sức tìm cách thoát ra. Sau một hồi loay hoay tìm cách cứu thân, ếch xanh nản lòng, buồn bã: “Chúng ta đành chịu chết ếch hoa ơi! Thùng cao thế này làm sao thoát được.” Nói xong ếch xanh buông chân tay từ từ chìm xuống.
Mặc dù rất mệt nhưng ếch hoa vẫn cố sức quẫy đạp vì chú tin rằng mình sẽ thoát ra. Thùng pho-mát dưới sự quẫy đạp của ếch hoa từ từ đông đặc lại. Chớp lấy cơ hội, ếch hoa dùng hết sức nhảy lên và thoát ra được.
Ếch hoa, dù trong hoàn cảnh đối mặt với cái chết vẫn tin rằng mình sẽ thoát ra được. Chính niềm tin đã tạo động lực giúp ếch hoa thoát chết.
Chúng ta học được gì từ bài học về hai chú ếch với vấn đề trí nhớ?
Câu chuyện cho ta biết rằng nếu bạn giới hạn niềm tin của mình trong vũng lầy tâm tưởng, với suy nghĩ rằng “trí nhớ của tôi kém lắm” hay “mình chẳng thể nhớ nổi điều gì” thì bạn sẽ biến điều tưởng tượng ấy thành hiện thực.
Niềm tin ấy sẽ ngăn cản, quấy rầy mỗi khi bạn cố gắng ghi nhớ, học hỏi điều gì. Mỗi khi học hỏi một điều mới, những suy nghĩ tiêu cực lại chạy đến lôi kéo bạn: “Mình chẳng nhớ được đâu mà, có học cũng vô ích. Tốt nhất là thôi kệ.” Nó khiến bạn nản chí không muốn thu nhận bất cứ điều gì. Và quan trọng nhất, nó sẽ ngấm ngầm đục khoét, phá hoại những nỗ lực của bạn trong việc tìm hiểu và ứng dụng những kỹ năng trong cuốn sách này.
Chính vì vậy, muốn gia tăng trí nhớ của mình, bạn phải có niềm tin. Tin vào một trí nhớ siêu phàm. Bạn phải thay đổi suy nghĩ từ “trí nhớ của tôi kém lắm” thành “trí nhớ của mình đâu thua gì Eran Katz”, từ “mình chẳng thể nhớ nổi điều gì” thành “chuyện nhỏ! Cái này chắc mất vài giây thôi.”
Với suy nghĩ tích cực như vậy, trí não của bạn sẽ thôi tự hủy hoại và quay trở lại công việc của mình. Bạn sẽ dần lấy lại ”phong độ”. Một trí nhớ tuyệt vời sẽ thuộc về bạn.
Lạc quan và tin tưởng vào trí nhớ của mình
1. “Mình học giỏi gần bằng bạn ấy.”
2. “Mình không học giỏi bằng bạn ấy.”
Nếu lựa chọn một trong hai câu trên, bạn sẽ lựa chọn câu nào: (1) hay (2)?
Để thay đổi niềm tin theo hướng lạc quan, bạn nên dùng những từ, cụm từ, hình ảnh mang tính khẳng định. Chúng sẽ giúp bạn củng cố sự tự tin, lạc quan của mình. Mỗi khi sử dụng chúng, niềm tin của bạn được mài giũa, củng cố và gia tăng sự sắc bén. Chúng cung cấp cho bạn sức mạnh để ghi nhớ tốt sự vật hiện tượng, hạn chế đến mức tối thiểu những tác nhân quấy rối niềm tin.
Tuy có sức mạnh lớn lao nhưng niềm tin không đòi hỏi bạn phải nỗ lực quá nhiều. Hãy tạo ra các từ, hình ảnh rõ ràng về thông tin mà bạn muốn ghi nhớ và khẳng định lại điều này nhiều lần đến khi bạn tin tưởng. Để giúp gia tăng trí nhớ của mình một cách hoàn chỉnh, 10 gợi ý dưới đây bạn nên nghĩ đến trong đầu:
1. Mình có một trí nhớ tuyệt vời.
2. Mình có thể nhớ bất cứ thứ gì mình thấy.
3. Mọi nơi, mọi lúc trí nhớ mình luôn tăng lên.
4. Mình nhớ tên, khuôn mặt, địa điểm, sự kiện, ngày tháng… một cách dễ dàng và hiệu quả.
5. Mình có thể nhớ thông tin nhanh chóng.
6. Đầu óc mình dễ dàng chỉnh sửa các thông tin đã ghi nhớ nếu cần.
7. Trí nhớ cung cấp cho mình tất cả thông tin mình cần.
8. Mình nhớ ngay lập tức những thông tin quan trọng.
9. Mình luôn trả lời được mọi câu hỏi khi cần.
10. Trước đây, bây giờ, sau này, trí nhớ của mình luôn luôn tốt.
Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực
Suy nghĩ tiêu cực là kẻ phá hoại số một ngăn cản bạn đến với tư duy tích cực. Nhưng nó không hoàn toàn xấu. Chúng giúp chúng ta phân tích sự vật hiện tượng dưới nhiều góc độ khác nhau, nhờ đó ta đưa ra được các giải pháp tốt nhất.
Tuy nhiên, sự nguy hại của suy nghĩ tiêu cực chính là nỗi day dứt phiền muộn. Nó tạo áp lực lên tâm lý và khiến bạn không còn sức lực để tiếp nhận những thông tin mới. Vì thế, việc loại bỏ hoặc hạn chế những suy nghĩ tiêu cực là một việc làm vô cùng cần thiết.
Vì thế, bạn phải nhận thức được chúng để loại bỏ chúng khỏi tâm trí mình. Bằng cách nào? Nếu bạn cảm thấy bồn chồn, lo lắng trước một việc nào đó, hãy tìm hiểu về nguyên nhân của sự lo lắng đó. Bạn lo lắng “liệu đề thi năm nay có khó không”, “lỡ mình trượt thì sao”… Những suy nghĩ tiêu cực ấy sẽ “ngốn” toàn bộ thời gian và công sức của bạn. Bạn không thể học hành, ôn luyện tốt vì đầu óc cứ nghĩ đến chuyện “đề thi khó” hay “lỡ như bị trượt”.
Mỗi lúc như vậy, bạn hãy mỉm cười và tự nhủ: “Mình sẽ nhớ được tất cả. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi.” Điều này sẽ giúp bạn đối mặt và giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực.
Một khi ý thức được những suy nghĩ tiêu cực, bạn càng dễ đánh bại chúng. Càng nhận biết nhanh nguồn gốc của các cảm giác, bạn càng nhanh chóng thay thế được những suy nghĩ tiêu cực này bằng những suy nghĩ tích cực hơn.
Gia tăng trí nhớ tại những khu vực đặc biệt
Trí não con người là một dạng phức tạp. Có người nhớ tốt ở lĩnh vực này nhưng lại khá kém ở lĩnh vực khác. Bạn có thể ghi nhớ rất tốt các bài hát, giai điệu, âm thanh nhưng lại không thể nhớ nổi công thức Toán học nào đó. Hoặc bạn có thể nhớ rõ các chi tiết trong bộ phim mới trình chiếu trên tivi nhưng bạn “chẳng hiểu sao” cuốn sổ mình mới để đây giờ đi đâu mất.
Mỗi người có một khu vực ghi nhớ đặc biệt khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta phải biết khai thác và đầu tư khu vực đặc biệt ấy để thu lợi nhiều nhất.
Để làm được điều đó, bạn có thể tập trung tư duy tích cực vào những lĩnh vực cụ thể thường gây khó khăn nhất cho mình. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc nhớ các công thức Toán, hãy sáng tác những câu thơ vần vè dễ hiểu có nhắc đến các công thức đó. Nếu bạn quên nơi để các đồ vật, hãy giữ bên mình một quyển sổ nhỏ có ghi lại vị trí, nơi lưu trữ đồ vật. Khi nào quên, bạn lại giở sổ ra để nhắc nhở mình. Tùy từng trường hợp mà bạn có cách cải thiện trí nhớ riêng.
Bài tập
A. Nếu trí não bạn đang bị quấy rầy bởi những suy nghĩ tiêu cực thì nó sẽ không dễ dàng chấp nhận 10 gợi ý trên. Vì vậy đừng vội ép buộc bản thân thay đổi nhanh chóng.
Hãy thư giãn, để trí óc bạn trở về trạng thái “trời yên bể lặng”. Thư giãn sẽ giúp loại bỏ những tác nhân cản trở bạn tiếp nhận cái mới. Theo đó những thông tin mới nhẹ nhàng đi vào và lưu giữ trong bộ não lúc nào không hay.
Để đưa tâm trí trở về trạng thái tĩnh lặng, hãy từ từ nhắm mắt lại, nhẹ nhàng ngừng suy nghĩ về hiện tại, để trí não trống rỗng hoặc tưởng tượng bạn đang nằm trên đồng cỏ xanh rờn… Giờ hãy hít vào thật sâu, giữ yên trong 10 giây rồi từ từ thở ra, đồng thời nói “thư giãn”. Lặp lại cho đến khi tâm trí bạn bình lặng. Bây giờ, hãy nghĩ đến 10 gợi ý ở trên và lặp lại chúng cho đến khi trí não bạn chấp nhận chúng. Từ từ mở mắt ra và quay về thực tại. Với cách này, bạn sẽ thay đổi triệt để niềm tin của mình.
Tiếp tục bài tập này ít nhất mỗi ngày một lần trong 60 ngày liên tiếp. Thời gian tốt nhất để luyện tập là sáng sớm. Bạn có thể kết hợp nó với bài tập thể dục của mình. Sáng sớm là khoảng thời gian trí não bạn được làm mới. Bạn sẽ dễ dàng tập trung tinh thần, loại bỏ các tác nhân quấy rối để hoàn thành bài tập.
B. Sự lạc quan và niềm tin mạnh mẽ là nguồn sống cho trí nhớ. Chúng giúp bạn luôn yêu đời, tiếp nhận thông tin nhanh chóng, dễ dàng. Hãy tạo ra cho mình niềm tin vào công việc, học tập và cuộc sống bằng những bài tập nhỏ sau:
1. Mỗi ngày trước khi đi ngủ, dành một vài phút để tĩnh tâm suy nghĩ những điều mình đã làm trong ngày. Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, buồn bã. Ghi ra giấy những niềm tin, mong ước, hy vọng về công việc, học tập hay cuộc sống rồi đặt lên bàn học nơi bạn dễ thấy nhất khi tỉnh dậy.
2. Trước mỗi sự việc bạn “lỡ quên”, đừng vội áp đặt tâm lý mặc cảm mà hãy đặt quyết tâm: “Chỉ được phép quên lần này thôi! Lần sau buộc phải nhớ.”
3. Mỗi lần trò chuyện với nhóm bạn hay người khác, đừng vội chấp nhận ý kiến của số đông mà hãy bảo vệ ý kiến của mình. Phải tự tin vào khả năng ghi nhớ của mình. Không phải lúc nào số đông cũng đúng. Dù đúng hay sai, trí nhớ của bạn cũng sẽ gia tăng.
4. Ghi ra giấy những điểm mạnh, điểm yếu về bản thân (theo cảm nhận của bạn). Phân tích nguyên nhân của những điểm yếu ấy theo nhìn nhận trước đây vào một cột. Thử đưa ra ví dụ để phản biện lại những phân tích mang tính bi quan vào cột đối xứng. Từ đó chuyển suy nghĩ bi quan thành lạc quan.