Chúng ta đã trải qua những phương thức ghi nhớ sự vật hiện tượng. Giờ đây đã đến lúc bạn thực hiện những cách thức duy trì và phát huy chúng.
Viết lách
Kỹ thuật này liên quan đến việc liên kết các mục, yếu tố thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Câu chuyện bạn xây dựng không nhất thiết phải rộng mở mà chỉ cần đảm bảo tất cả các thông tin cần nhớ được liên kết theo trật tự hài hòa.
Bạn cần đến nhà sách mua một số vật dụng: compa, thước dài, thước đo độ, ê ke, bút chì, tẩy và giấy tập. Để ghi nhớ những dụng cụ này, bạn có thể tạo một mẩu chuyện về chúng: Tại một thành phố nọ, có ba người họ Nhà Thước Kẻ gồm Thước dài, Thước đo độ và Eke sống chung với nhau. Một ngày nọ cả ba quyết định giúp chị Giấy trang trí ngôi nhà của mình. Thước dài đảm nhận công việc kẻ những đường viền, eke phụ giúp anh trong việc căn chỉnh các góc vuông. Đo độ giúp phân chia các góc thành những phần bằng nhau. Chỉ có ông Mặt trời là cả ba không biết làm sao vẽ ra được. Bỗng nhiên bác Compa xuất hiện. Những vòng tròn, đường cong dần xuất hiện thật tinh tế đẹp mắt. Còn những dòng chữ thì làm sao đây? Đã có anh Bút chì đảm nhiệm. Cùng đi với anh Bút chì là cô Tẩy làm nhiệm vụ chỉnh trang lại những vết dơ do sơ xuất của mọi người.
Nếu yêu thích, bạn có thể viết các mẩu chuyện cười, truyện ngắn hoặc làm thơ đặc biệt là có thể viết nhật ký.
Với việc viết lách, bạn sẽ hồi tưởng lại các thông tin, loại bỏ, bổ sung làm mới chúng. Không chỉ vậy, việc viết lách còn giúp bạn rèn luyện khả năng ngôn ngữ, ghi nhớ chúng được tốt hơn.
Sáng tác nghệ thuật
37% số người học qua thị giác.
Tương tự như viết lách, bạn có thể liên kết các mục, yếu tố cần nhớ thành các bức tranh.
Bạn có thể vẽ những bức tranh phác họa các thông tin cần ghi nhớ. Bạn cũng có thể vẽ lại những gì mình đã quan sát được, biến chúng thành các chi tiết trong bức tranh của mình.
Vẽ “phác họa” hoặc tạo ra vài biểu đồ giúp chúng ta không chỉ hòa nhập mà còn nhận diện những cấu trúc cơ bản của lý thuyết, đồng thời kết nối ý tưởng theo phương thức trực giác.
Vẽ phác họa sẽ giúp chúng ta tập trung tốt hơn vào sự vật hiện tượng. Hơn nữa, nó ảnh hưởng sâu sắc đến sự sáng tạo của mỗi người khi giải quyết vấn đề và thu nhận thông tin có chiều sâu.”
Tạo nhóm
Một trong những vấn đề của mọi người trong thế giới ngày nay là xu hướng bỏ qua việc phân nhóm. Trường hợp của Phong là một ví dụ: Căn phòng của cậu ấy ngột ngạt do tính bừa bãi và cẩu thả. Những mẩu giấy nháp, báo chí, sách vở, bút viết… bừa bộn khắp phòng. Vấn đề nảy sinh thực sự khi Phong cần tìm một đồ dùng quan trọng nào đó thì mọi chuyện mới trở nên rắc rối, đặc biệt khi cậu phải chịu các áp lực thời gian.
Thực vậy, khi không có khái niệm ngăn nắp, bạn tự gia tăng số lượng vị trí để đồ dùng. Do đó, bạn rất dễ quên nơi đã để chúng.
Nếu bạn để bừa bãi sách trên bàn học, vứt trên ti vi, salon trong phòng khách, nóc tủ lạnh hay thậm chí là kệ bát trong nhà bếp v.v… thì có thể bạn sẽ phải tá hỏa lên tìm kiếm khi cần.
Hơn thế nữa, càng nguy hại hơn khi bạn lưu trữ các thông tin trong bộ não một cách lộn xộn. Nó khiến bạn dễ bị phân tâm. Bạn không biết phải xếp các thông tin thu nhận được vào đâu. Thói quen lưu trữ thông tin không khoa học khiến bạn không thể truy xuất thông tin khi cần.
Vì vậy việc phân nhóm các sự vật, thông tin rất quan trọng và phải ngăn nắp, bạn mới có thể ghi nhớ tốt được.
Phân chia các vật dụng của bạn thành những nhóm riêng biệt theo chức năng và đặc điểm. Luôn cố gắng để chúng ở những nơi cố định. Ví dụ, sách vở được để trên giá sách hoặc xếp gọn trên bàn. Bạn có thể phân chia chúng thành các thể loại văn học, toán học, sử học hoặc sách giáo khoa tách riêng sách tham khảo, v.v…
Đối với những tài liệu quan trọng bạn, bạn có thể sử dụng giấy nhớ ghi chú thông tin để dễ dàng nhận biết khi tìm kiếm. Bạn cũng có thể trang trí nơi lưu trữ các nhóm bằng những màu sắc, hình ảnh vui nhộn khác nhau. Chúng sẽ giúp bạn tìm thấy các đồ vật dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Ghi nhớ nơi lưu giữ vật dụng, tài liệu
Cuốn vở bài tập môn Thuyết trình đâu mất rồi nhỉ?
Bạn đã bao giờ tự nhủ như thế?
Chúng ta ít nhất cũng vài lần đặt câu hỏi như thế. Lúc thì cuốn vở, chùm chìa khóa, cây bút vừa mới để đây, giờ quay lại đã biến đi đâu mất tiêu rồi. Nhưng có lẽ chẳng bao giờ chúng ta dừng lại và suy nghĩ tại sao mình lại thường xuyên để lẫn lộn các vật dụng như thế?
Thực ra, chúng ta không hề lãng quên. Chẳng qua chúng ta không chịu chú ý đến chúng mà thôi. Một cách vô thức chúng ta tạm đặt chúng xuống để nghĩ về chuyện khác. Đó không hoàn toàn là vấn đề về tuổi tác hay bẩm sinh mà chỉ là vấn đề về thói quen.
Cách duy nhất để ghi nhớ nơi đặt chúng là chú tâm vào hành động của chúng ta. Chúng ta phải nhận thức được việc mình đang làm gì.
Mỗi lần đặt cuốn sách lên nóc tủ lạnh, hãy dành một vài giây cho hành động này. Liên kết hành động này với sự vật xung quanh để liên tưởng đến việc ghi nhớ “Cuốn sách nằm ở đây.”
Tưởng tượng cuốn sách càng lúc càng to dần. Sức nặng của nó khiến nóc tủ vằn xuống. Từ ngăn đá, hơi lạnh thoát ra tạo thành màn sương phủ kín căn bếp.
Tuy nhiên, tốt nhất là bạn hãy cố gắng đặt các vật dụng đúng vị trí của nó. Tạo cho mình thói quen ngăn nắp sẽ giúp bạn tiết kiệm đáng kể thời gian tìm kiếm các đồ vật.
Hãy đặt chìa khóa tại những vị trí cố định trong nhà. Nên chọn những nơi quen thuộc với bạn nhất. Nhưng hãy chắc chắn ghi nhớ nơi lưu giữ ấy.
Bạn để ví trong ngăn bàn học của mình. Để ghi nhớ nó có thể bạn cần tạo mối liên tưởng giữa chúng.
Tưởng tượng chiếc ví của bạn rất tinh nghịch. Mỗi khi nhận thấy ánh sáng là nó cố gắng vùng vẫy thoát ra khỏi tay bạn. Bạn chỉ còn cách đặt nó vào ngăn bàn, nhốt kín nó lại.
Để gia tăng hiệu quả bạn có thể thêm các âm thanh. Mỗi khi bạn “nhốt” chiếc ví vào ngăn bàn nó sẽ khóc “thút thít”.
Việc này sẽ giúp bạn tạo thói quen cất ví đúng chỗ. Mỗi khi bạn chuẩn bị “quăng quật” ví ở đâu đó thì trong bạn sẽ xuất hiện hai cảm giác: tay bạn bắt đầu trơn tuột, tiếp đến bạn không còn nghe thấy tiếng “thút thít” quen thuộc mỗi khi ví ở trong ngăn bàn và buộc bạn phải nhắc nhở bản thân cất ví vào đúng vị trí trong ngăn bàn.
Củng cố các đáp án
Trí nhớ thực hiện nhiệm vụ ghi nhớ thành công nhất khi các đáp án được củng cố. Với mỗi câu trả lời đúng trí não không chỉ lưu giữ thông tin mà còn đính kèm theo các cảm xúc tích cực.
Vì vậy việc nỗ lực tìm các câu trả lời đúng có tầm quan trọng rất lớn với trí não. Trước mỗi câu hỏi, hãy cố gắng tìm ra các câu trả lời. Nếu không thể lục tìm những thông tin trong trí não, bạn hãy tìm hiểu từ sách vở, ghi ra giấy những chi tiết quan trọng rồi đọc thật to vài lần. Sự lặp lại này củng cố thêm vị trí của những câu trả lời này trong trí não bạn.
Bạn cũng nên tưởng thưởng cho bản thân mỗi khi tìm được câu trả lời đúng. Phần thưởng không nhất thiết phải to lớn cầu kỳ mà chỉ đơn giản là một vài phút thư giãn, thưởng thức tách café hay nhấm nháp một vài chiếc bánh.
Cũng nên lưu ý rằng việc thực hiện “lệnh trừng phạt” mỗi khi trả lời sai không hề đem lại hiệu quả như chúng ta vẫn nghĩ. Khi “tự xử” bản thân, chúng ta vô tình tạo áp lực lên chính mình.
Các phương thức trừng phạt dùng để ngăn chặn những suy nghĩ, phản ứng thiếu chính xác, nhưng lại không hề giúp ích cho việc tìm hiểu nguồn gốc hay căn nguyên của việc trả lời không chính xác.
Việc trừng phạt dẫn đến sự mâu thuẫn về nhận thức trong việc học hỏi và lưu trữ thông tin. Nó khiến chúng ta dễ lặp lại những câu trả lời sai trước đó.
Lấy ví dụ trường hợp của Huy, cậu cảm thấy rất khó chịu và mặc cảm khi bị bạn bè cười nhạo về lỗi phát âm trong tiếng Anh của mình. Việc đó khiến Huy càng mắc nhiều lỗi hơn hoặc khiến cậu không dám hé miệng vì sợ sai và tiếp tục bị chế nhạo.
Tóm lại, hãy thường xuyên nỗ lực tìm kiếm các câu trả lời đúng nhưng phải hạn chế sử dụng những cách thức trừng phạt bản thân. Trước mỗi câu trả lời sai, tự nhủ sẽ không để điều đó tái diễn lần nữa.
Không sợ sai, luôn luôn học hỏi, xem xét các câu trả lời đúng vài ba lần liên tục sẽ đem lại hiệu quả cao cho quá trình học hỏi và ghi nhớ.
Tích cực tham gia những việc đòi hỏi tốc độ nhớ cao
Một trong những cách thức gia tăng khả năng ghi nhớ nhanh chóng và hiệu quả nhất là tích cực tham gia các bài tập nhớ nhanh. Bạn sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng thông tin đã dần khắc ghi trong bộ nhớ của bạn.
Đọc nhanh
Trí não của chúng ta trung bình có khả năng thu nhận 250 từ trên một phút và có thể lên đến 20.000 từ một phút.
Hãy so sánh việc bạn đi bộ trong công viên và lái xe với vận tốc 40km/giờ trên đường. Việc nào khiến bạn phải tập trung cao độ hơn?
Đọc sách cũng như vậy. Tốc độ đọc càng cao, bạn càng phải chú tâm hơn, nhờ vậy việc thu nhận và tiếp thu thông tin sẽ tốt hơn.
Hãy tập đọc từng cụm từ thay vì đọc từng từ. Canh đồng hồ để xem một phút mình có thể đọc được bao nhiêu từ. Cố gắng luyện tập để tăng dần tốc độ đọc hiểu cho đến khi đạt được khoảng 800 từ/phút.
Nghe nhanh
Hãy thử nghe những bài hát có nhịp điệu nhanh, dồn dập và cố ghi nhớ chúng. Ghi chú ra giấy những gì bạn nghe được. Cố gắng tăng dần số lượng từ ngữ ghi lại được sau mỗi lần nghe.
Bạn cũng có thể kết hợp việc nghe và đọc với nhau. Mở một bản nhạc với nhịp điệu nhanh dồn dập, vừa nghe vừa đọc sách. Thực hành để cân bằng tốc độ cả hai.
Quan sát nhanh
Việc gia tăng tốc độ quan sát sẽ giúp bạn hạn chế bỏ sót thông tin, ngoài ra chúng còn giúp bạn nhận dạng được thông tin một cách đầy đủ trong thời gian ngắn.
Bạn có thể tự mình thiết kế các bài tập rèn luyện khả năng quan sát. Bắt đầu với các bài tập đơn giản rồi tăng dần độ phức tạp và rút ngắn thời gian quan sát, chắc chắn bạn sẽ thu được những kết quả đáng kinh ngạc.
Tập ghi nhớ thứ tự các lá bài Tây trong thời gian ngắn nhất. Quan sát một bức tranh trong vòng một phút rồi miêu tả đặc điểm của chúng.
Dùng một mảnh giấy đặt lên trên một câu văn hoàn chỉnh để che phần nội dung câu văn. Tập trung nhìn vào câu văn đang bị che lại. Sau đó, rút tờ giấy ra thật nhanh trong vòng một giây rồi lại che đi. Đọc hoặc viết lại câu văn đó.
Chơi các trò chơi như sodoku, cờ carô kèm theo giới hạn thời gian.
Luyện tập để đạt được độ chính xác cao nhất. Nếu có thể hãy luyện tập với tốc độ cao hơn. Trí não của bạn sẽ dần hoạt động với mức độ nhanh chóng và hiệu quả hơn gấp bội.
Bài tập
Trả lời nhanh các câu hỏi sau (mỗi câu 10 giây suy nghĩ):
1. Cái gì luôn ở phía trước bạn, mà bạn không bao giờ nhìn thấy?
2. Cái gì bạn không mượn mà trả?
3. Cái gì luôn đi đến mà không bao giờ đến nơi?
4. Bố mẹ có sáu người con trai, mỗi người con trai có một em gái. Hỏi gia đình đó có bao nhiêu người?
5. Có hai bình rộng miệng đựng đầy nước. Làm sao để cho tất cả nước vào trong một cái chậu mà vẫn biết nước nào của bình nào (không được cho cả bình hay bất kỳ dụng cụ đựng nước nào vào chậu)?
6. Bạn có thể kể ra ba ngày liên tiếp mà không có tên là thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật?
7. Câu hỏi nào mà bạn không bao giờ có thể trả lời “Đúng”?
8. Câu hỏi nào mà bạn không bao giờ có thể trả lời “Không”?
9. Cái gì có các thành phố mà không hề có nhà cửa, có các con sông mà không hề có nước và có các cánh rừng mà không hề có cây cối?
Đáp án
1. Tương lai.
2. Lời cảm ơn.
3. Ngày mai.
4. 9 người (bố, mẹ, sáu con trai đầu và 1 con gái út).
5. Cho cả hai vào ngăn đá sau đó lấy chúng ra cho vào chậu.
6. Ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai.
7. Bạn đang ngủ à?
8. Bạn có nghe tôi nói gì không?
9. Bản đồ.