Bạn đã từng rơi vào tình trạng tự dưng quên mất việc mình chuẩn bị làm, ra khỏi nhà một lúc lại băn khoăn không biết đã đóng cửa, tắt bếp ga, tắt máy tính chưa? Nếu bạn thường xuyên nhớ nhớ quên quên như vậy thì nó là những dấu hiệu cho thấy bạn đang có vấn đề về trí nhớ.
Ngày nay, khá nhiều bạn trẻ mắc phải những điều tương tự như vậy. Không giống như người già, những vấn đề về trí nhớ của người trẻ thường liên quan nhiều đến quá trình ghi nhận. Do đó phần đông trong số họ bị suy giảm trí nhớ gần hay còn gọi là trí nhớ công việc. Những suy giảm này được biểu hiện qua một vài tình trạng phổ biến:
Đãng trí
Có một câu chuyện kể về một nhà khoa học nổi tiếng thế giới loay hoay tìm mắt kính của mình. Ông tìm mãi, tìm khắp mọi nơi cũng không thấy. Khi đã thấm mệt, ông ngồi xuống nghỉ ngơi và cố gắng nhớ xem liệu kính của mình đang ở đâu và vô tình khi đưa tay lên trán ông đã phát hiện ra chiếc kính đang ở trên đầu mình. Câu chuyện này mô tả một biểu hiện của sự đãng trí mà bạn thường hay gọi đùa là “đãng trí bác học”.
Đãng trí không phải là bệnh lý suy giảm trí nhớ mà chỉ là vấn đề về trí nhớ. Nó là hiện tượng thường gặp ở giới trẻ. Đây là tình trạng ở mức độ thấp và được xem như dấu hiệu cảnh báo việc não bộ của bạn hiện đang quá tải. Nếu không nhanh chóng tìm cách cải thiện tốc độ thu nhận thông tin thì lâu dần, đãng trí sẽ chuyển sang những vấn đề khác nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn.
Không tập trung hoặc tập trung kém
“Tập trung trí tuệ, sảng khoái tinh thần” là slogan của một loại kẹo sing-gum được cho là giúp bạn tập trung hơn. Không biết tác dụng của nó ra sao nhưng rất được giới trẻ ưa chuộng. Điều này chứng tỏ có rất nhiều người trẻ như chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng kém tập trung hay không thể tập trung.
Hiện tượng này có thể được biểu hiện thông qua việc ngồi trong lớp nghe giảng nhưng kiến thức của thầy cô chẳng khác nào “nước đổ lá khoai” và đôi lúc bạn phải đề nghị thầy cô nhắc lại vì bản thân chẳng nhớ được chữ nào trong đầu. Ngồi “tám chuyện” với bạn bè nhưng bạn lại để đối phương thao thao bất tuyệt còn mình “phiêu” tận đâu đâu. Thậm chí, kỳ thi đến gần nhưng tâm trí bạn lại treo ngược cành cây. Cứ mỗi lần đụng đến sách vở là những hình ảnh khác bỗng nhiên nhảy múa trong đầu như muốn trêu ngươi bạn. Và tệ hại nhất là, ngay trong lúc làm bài thi, bạn sơ suất không để ý đến những chi tiết nhỏ khiến bạn bị điểm kém hay bị đánh trượt.
Không tập trung hay tập trung kém là hiện tượng không thể hoặc khó chú tâm vào công việc cụ thể, đặc biệt là các tiểu tiết, đồng thời rất dễ bị phân tán bởi những việc khác cùng xảy ra tại thời điểm đó. Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được nó nếu biết được những biểu hiện sớm và ngăn chặn ngay từ đầu.
Hay quên
Nếu tổ chức một cuộc bình chọn từ ngữ được các bạn học sinh, sinh viên hay dùng để biện hộ cho lỗi lầm hay thiếu sót của mình, “quên” sẽ nằm trong nhóm được bình chọn nhiều nhất.
Đến lớp chưa kịp làm bài tập, không thuộc bài khi được thầy cô giáo hỏi “Tại sao em không học bài?”, câu trả lời của hầu hết các bạn học sinh là: “Thưa thầy, em quên ạ!”. Mượn sách vở, tài liệu của bạn lâu ngày chưa trả, bạn nhắc hoặc đòi thì chắc chắn người cho mượn sẽ được nghe câu: “Mình quên mất.” Trước khi đi làm, bố mẹ dặn bạn phải dọn dẹp nhà cửa, nhưng khi họ trở về mọi thứ vẫn nguyên xi và lý do hiệu quả nhất để biện hộ cũng là “Con xin lỗi, con quên mất.” Thậm chí, hôm nay là sinh nhật bạn gái nhưng bạn chẳng thể nhớ nổi thì trong muôn ngàn lý do, lý do “anh quên” vẫn luôn đứng hàng đầu.
Bỏ qua những lý do được dùng với mục đích chống chế thì quên là một cấp độ cao hơn của sự đãng trí. Nó xuất hiện trong công việc, học tập hay cuộc sống thường nhật. Nấu cơm nhưng lại quên cắm điện, ra khỏi nhà quên khóa cửa, gửi xe quên rút chìa khóa… Nếu như những việc đó xảy ra với tần suất thấp thì đó là dấu hiệu của tình trạng căng thẳng.
Nhưng nếu việc này thường xuyên xảy ra thì bạn đang gặp vấn đề lớn về trí nhớ của mình rồi đấy. Những dấu hiệu có thể bao gồm việc bạn cố gắng học nhưng chẳng được chữ nào vào đầu, học đâu quên đó, không nhớ mình vừa làm gì,… Những hiện tượng này chắc chắn sẽ khiến cuộc sống, công việc và học tập của bạn bị đảo lộn.
Nhớ lẫn lộn…
Nếu như hay quên làm cho bạn khó chịu thì nhớ lẫn lộn sẽ khiến bạn khó chịu gấp nhiều lần và gặp nhiều tai bay vạ gió. Nếu gặp các câu hỏi liên quan đến kiến thức đã quên béng mất, ta thường có xu hướng bỏ qua chúng hoặc vớt vát bằng cách “thà viết nhầm còn hơn bỏ sót”. Bạn chắc mẩm mình không bỏ sót câu nào và hoàn thành bài thi nhưng thực tế bài thi của bạn chẳng khác nào kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Khi biết mình sai, bạn sẽ có cảm giác nuối tiếc, dằn vặt thậm chí thất vọng, trách cứ bản thân, bạn ước gì mình nhớ chính xác kiến thức lúc làm bài. Tâm lý này khiến tâm trí bạn rối loạn và không thể tập trung vào bất cứ việc gì khác. Không chỉ vậy, nó khiến bạn luôn bất an khi làm việc gì đó: “Liệu mình có nhớ nhầm gì hay không?” và thường không tin tưởng vào bản thân và những việc mình làm. Cũng có nhiều người không nhận thức được mình sai nên nghĩ rằng: thầy cô thiên vị hoặc có nhầm lẫn gì đó. Chính điều này khiến bạn cảm thấy chán nản, có tâm lý không muốn học hành, suy nghĩ tiêu cực và kết quả càng ngày càng kém đi.
Việc nhớ lẫn lộn có thể hiếm gặp ở người này nhưng lại thường xuyên tái diễn với người khác. Nhưng dù ít hay nhiều, nó vẫn là một vấn đề về trí nhớ đáng quan tâm. Nó được coi là sự kết hợp giữa thói hay quên và sự thiếu tập trung.
Việc chúng ta thường nhớ nhớ quên quên không phải vì trí nhớ chúng ta kém mà vì thiếu kỹ năng quan sát hoặc sự việc hiện tượng đó không đáng quan tâm. Cũng như việc bạn học đâu quên đấy có thể là do bạn chưa thực sự tập trung vào bài học hay thiếu phương pháp học tập. Một phương pháp học tập đúng sẽ giúp bạn đạt được kết quả cao và nâng cao trí nhớ. Trong những phần sau tôi sẽ bật mí cho bạn một số bí kíp ghi nhớ hữu hiệu.