- Đạo gia tiên sinh, giá cả của chúng ta vẫn vậy. Hôm qua một trăm tiền, hôm nay hai lần năm mươi. Nếu cứ làm ăn như thế này, một ngày ông làm được sáu mươi vụ, nhất định sẽ giàu to. Ông đâu có bỏ ra vốn liếng gì.
Lưu đại nhân nghe cô ta nói vậy, nhận lấy tiền, gói ghém bút nghiên vào tay nải. Thanh Nhi đưa đại nhân ra cửa, đóng cửa lại đi vào trong. Chuyện không cần kể nữa.
Lại nói chuyện Lưu đại nhân ra khỏi cửa nhà Phú Toàn, dọc đường đi không nói năng gì. Về tới phủ nha, ông vẫn vào theo lối cửa sau. Trương Lộc ra đón, rước vào thư phòng nghỉ ngơi, dâng trà nước lên. Đại nhân dùng trà xong, cơm canh lại được bày lên. Lưu đại nhân tay cầm chén trà, lòng thầm nghĩ:
- Khi nãy bản phủ lên đường Đông thăm thú dân tình, đi ngang qua Vương Quan miếu, chuông trong miếu không ai đánh lại tự kêu. Nhất định trong này phải có ẩn tình chi đây.
Đại nhân trầm ngâm hồi lâu, nói:
- Có cách rồi. Ngày mai thăng đường, sao ta không làm như vậy, làm như vậy, tất sẽ rõ chân, giả, thục, hư.
Lúc này trời đã tối, người hầu châm đèn lên. Chuyện đến đây không cần kể ra đây. Sáng hôm sau, Trương Lộc mời đại nhân dậy rửa mặt, dâng trà. Trà nước xong xuôi, Lưu đại nhân thay đồ, nói:
- Trương Lộc, hãy truyền lệnh, bản phủ lập tức thăng đường xét việc.
Trương Lộc ứng tiếng, xoay mình đi ra. Ra tới ngoài, nhắc lại lời của đại nhân một lượt, tam ban thư lại nhất tề vào hầu.
Trương Lộc vào trong, bẩm lại với đại nhân. Đại nhân gật đầu, vội vã đứng dậy, đi ra ngoài. Trương Lộc theo sau. Ra tới bên ngoài, vượt qua bình phong, xuyên qua noãn các, lên công đường, ngồi xuống. Đám thư lại đứng nghiêm ở hai bên. Lưu đại nhân ngồi nghiêm chỉnh, với tay lấy ra hai tấm thẻ bài, nhìn vào, thấy trên đó viết "Chu Văn, Chu Thành". Lưu đại nhân nhìn xuống dưới, nói:
- Chu Văn, Chu Thành!
- Có! Bọn tiểu nhân xin nghe lệnh!
Đại nhân nói:
- Hạn cho các ngươi trong năm ngày phải bắt cho được Chung Tự Minh đem về đây thẩm vấn.
- Dạ!
Đại nhân nói xong, ném hai tấm lệnh bài xuống. Bọn Chu Thành nhặt lệnh bài lên, cầm trên tay, dập đầu, nói:
- Bẩm đại nhân, tên Chung Tự Minh này là người châu nào, huyện nào, phủ nào? Hắn sống ở đâu? Mong đại nhân chỉ rõ bọn tiểu nhân còn thi hành phận sự.
Lưu đại nhân nghe họ hỏi vậy. Ngay đến bản thân ông ta cũng không biết người này sống ở đâu. Chẳng qua ông ta chỉ là suy đoán, đuổi hình bắt bóng, dựa vào tài học và trí thông minh của mình, nhưng ông ta cũng không dám chắc có người này hay không, người này có tội hay không? Bèn giả bộ nổi giận nói:
- Thật là lũ nô tài to gan! Còn dám nói càn. Chẳng lẽ bản phủ phải đi cùng các người hay sao? Còn hỏi vòng vo, khinh nhờn vương pháp, bản phủ sẽ cho đánh gãy chân các ngươi!
- Dạ?
Chu Thành vốn đã quen bị sai bảo, ông ta suy nghĩ chín chắn hơn Chu Văn: Trong lòng thầm nghĩ: "Không ổn rồi. Nếu Lưu gù cố ý làm khó bọn ta. Còn hỏi nữa, ông ta sẽ ghép vào tội khinh nhờn vương pháp, bất tuân thượng lệnh, lôi xuống dưới đánh cho một trận. Được, không cho ta hỏi, ta ra ngoài kia căng tai căng mắt ra, bắt bừa lấy một đứa tên Chung Tự Minh là được. Tục ngữ nói rất đúng: Hảo hán không để tâm tới cái thiệt trước mắt. Bỏ đi. Cứ coi như hai đứa bọn ta tháng này vận xấu, gọi đúng ngay tên hai đứa ta. Chi bằng ta cứ tạm đi dò la, tạm lánh khỏi nơi này hẵng hay”. Nghĩ xong vội vàng đứng dậy, nhìn Chu Văn, nói:
- Đứng lên đi. Ta đã biết nhà Chung Tự Minh ở đâu rồi.
Chu Văn nghe vậy cũng vội đứng lên. Hai người bọn họ cũng chẳng lạy chào, dắt nhau ra khỏi công đường. Chuyện không nói tới nữa.
Lại nói chuyện Lưu đại nhân xét thêm một số việc khác, đang định bãi đường, bỗng thấy phía dưới có người bước lên, tiến tới trước công án, chắp tay lạy, nói:
- Bẩm đại nhân, thuộc hạ là tri huyện huyện Cú Dung Vương Thủ Thành xin trình báo một vụ án mạng. Có văn thư ở đây, mong đại nhân xem qua.
Lưu đại nhân nghe báo, nói:
- Đưa lên đây ta xem.
Viên thư lại ứng tiếng, đứng dậy, đón lấy văn thư, trình lên cho Lưu đại nhân xem. Lưu đại nhân nhận lấy, chăm chú đọc, thấy trên đó viết:
- Tệ chức tri huyện Cú Dung, tên gọi Vương Thủ Thành. Bởi có vụ án mạng, tệ chức mới trình văn thư lên. Trong địa phận quản lý của tiểu huyện có một tú tài họ Lỗ, tên gọi đầy đủ là Lỗ Kiến Danh, nhà ở trấn Hoàng Trì phía Tây huyện. Trong thôn có tên thổ hào vừa hung vừa ác. Do cờ bạc, đã thắng vợ của Lỗ tú tài bằng số tiền bao nhiêu không rõ. Tên ác bá này vốn là một kẻ cực kỳ giàu có, tên hắn gồm ba chữ Hoàng Trí Hắc. Không ngờ vợ của tú tài là người tiết liệt, giai nhân tên gọi Tiêu Tố Anh. Dù chết quyết không chịu thất tiết nên đã treo cổ tự tử, để lại mười bài thơ tuyệt mệnh, ai đọc xong cũng cảm thấy xót thương. Cả mười bài thơ này đều được chép sau văn thư, xin đại nhân đọc qua sẽ rõ.
Lưu đại nhân xem xong, bất giác giật mình, thầm nghĩ.
Phận nữ lại biết làm thơ, đủ thấy câu "Văn thịnh Nam phương" quả không sai. Đại nhân trầm ngâm một hồi, lại lật phía sau văn thư ra xem.
Đại nhân chăm chú đọc thơ do cô gái họ Tiêu để lại.
Bài thứ nhất:
Phong vũ thê thê lệ ám thương
Thuần y bất nại ngũ canh lương
Huy hào dục ta ai tình sự
Đồ khơi tâm dầu cánh đoạn trường
Dịch thơ
Sùi sụt gió mưa ngẩn lệ vương
Chịu sao áo rách lạnh đêm sương
Buồn tình nâng bút toan ghi lại
Nhắc đến lòng thêm nỗi đoạn trường.
Bài thứ hai:
Phong xây đình trúc vũ tuyên hoa
Bách truyền ưu sầu chi tú gia
Đăng nhụy bất tri thành vĩnh quyết
Kim tiêu ưu kết nhất chi hoa
Dịch thơ
Gió thổi tre ru trước mái nhà
Ngổn ngang trăm mối chỉ mình ta
Hoa đèn đâu biết là xa mãi
Như héo đêm nay một nhánh hoa
Bài thứ ba:
Độc tọa mao thiềm tạp hận đa
Sinh thần vô nại mệnh như hà
Thế gian đa thiểu quần thoa nữ
Thiên nga ủy khuất thụ tiết ma
Dịch thơ
Mình ngồi thềm cỏ hận bao nhiêu
Nay đúng ngày sinh mạng tính liều
Bao khách quần thoa trong cuộc sống
Riêng ta buồn tủi chịu sao nhiều.
Bài thứ tư:
Nhân ngôn bạc mệnh thị hồng nhan
Ngã ty hồng nhan mệnh diệc nan
Thuyên khởi thanh hệ cân nhất bạc
Cấp lang quan khán lê hằng ban
Dịch thơ:
Ai rằng mệnh bạc ấy hồng nhan
Ta sánh hồng nhan mệnh bạc hơn
Một giải lụa xanh treo rút ngựa
Để chàng trông thấy lệ mi tràn.
Bài thứ năm:
Thị thùy thiết thử mê hồn trận
Lung lạc nhi phu mộ chí triêu
Thân quyện nang không quy ngọa hậu
Chẩm biên do tự hô huyền huyền
Dịch thơ:
Ai bày ra cái mê hồn trận?
Lung lạc chồng em sáng đến chiều
Rời rã túi không về đã ngủ
Còn nghe bên gối gọi yêu yêu(1)
(1) Tên gọi một quân bài tổ tôm.
Bài thứ sáu:
Phần hương triết thọ cáo thương thiên
Mặc hựu nhi phu duy tảo hoàn
Thúc thủy phụng thiên thư giáo tử
Thân quy hoàng thổ diệc an nhiên
Dịch thơ:
Đốt hương khấn vái đấng cao dày
Phù hộ chồng con chóng trở về
Cơm nước mẹ cha con sách dạy
Thiếp về chín suối cũng yên bề.
Bài thứ bảy:
Điêu hòa cầm sắt lưỡng tương y
Vong mệnh như ty dán tịch phi
Ưu hữu nhất điều nan giải sự
Sàng đầu ấu tử thủ cô vi
Dịch thơ:
Hài hòa chồng vợ kết làm đôi
Mạng mỏng như tơ sớm đứt rời
canh cánh một điều khôn giãi tỏ
Đầu giường con trẻ níu màn côi.
Bài thứ tám:
Thương hải tang điền thổ biến thiên
Nhân sinh bách tuế tống quy tuyền
Thủ tín cao đường đa trân trọng
Triệt mạc bi ai tổn thiên niên
Dịch thơ:
Biển biếc ruộng dâu đất đổi dời
Suối vàng trăm tuổi thảy về thôi
Mẹ cha thưa lại nên gìn giữ
Chớ để buồn thương hại tuổi trời
Bài thứ chín:
Ám yếm sài phi dĩ tự tri
Vong mệnh tự tư diệc như quy
Thương tâm cánh hữu ni nam yến
Lai vãng song tiền cách tự phi
Dịch thơ:
Cánh phên nhẹ khép tự mình hay
Chết cũng như về mạng sống này
Bầy én líu lo lòng những xót
Trước song qua lại cứ vờn bay
Bài thứ mười:
Vi nhân hà bất hỷ dư sinh
Ngã hỷ dư sinh thế bất hành
Kim nhật huyền lương vĩnh biệt khứ
Tha niên minh phủ tố ly tình
Dịch thơ:
Đời người ai chẳng tiếc hay sao?
Cuộc sống này ta tiếc được nào!
Treo ngược lên xà nay vĩnh biệt
Tình xa âm phủ kể năm nao.
Lưu đại nhân xem xong mười bài thơ tuyệt mệnh của họ Tiêu, bất giác gật đầu khen ngợi, nói:
- Đúng là hồng nhan bạc mệnh!
Kính thưa quý vị độc giả. Lưu đại nhân đã gửi bản tấu vụ này về kinh, tấu lên Hoàng đế Càn Long Lão Phật gia, Thái thượng hoàng xem xong thơ của họ Tiêu, trong lòng vui vẻ, nói:
- Trong đám phụ nữ chỉ người này mới thực sự có tài. Đủ thấy phủ Giang Ninh đúng là quê hương của cá, gạo và thi lễ.
Hoàng đế Càn Long lại nghĩ lại, nói:
- Tên thổ hào Hoàng Trí Hắc này thực đáng ghét.
Rồi nâng bút phê vào phía dưới bản tấu của Lưu đại nhân rằng:
- Phạt thổ hào Hoàng Trí Hắc một vạn lạng bạc, dùng tiền đó xây miếu thờ họ Tiêu. Lại chặt hai bàn tay đã đánh bạc của tú tài họ Lỗ mang về thờ cùng trong miếu ấy với họ Tiêu.
Kính thưa quý vị độc giả, nếu trong số quý vị có ai từng tới Giang Ninh hẳn phải biết, ngôi miếu này vẫn còn tồn tại cho tới tận ngày nay. Chuyện này tạm thời không nhắc tới nữa.
Lại nói chuyện Lưu đại nhân, tuy đã viết bản tấu gửi về kinh, lại xử lý thêm một số việc nữa rồi mới ban lệnh bãi đường.
Chuyện không nhắc tới nữa.
Ta lại nhắc tới chuyện hai người bọn Chu Văn, Chu Thành phụng mệnh của đại nhân đi bắt Chung Tự Minh. Hai người rời khỏi nha môn, đi thẳng tới một quán rượu, ngồi xuống, gọi hai bầu rượu ra ngồi uống với nhau. Chu Văn đưa mắt nhìn Chu Thành nói:
- Ông em à, ngươi biết nhà gã Chung Tự Minh kia cách đây xa không? Hắn làm nghề gì?
Chu Thành nói:
- Ông anh à, ông anh hỏi hay lắm! Tôi đâu biết nhà hắn cách đây bao xa, hắn làm gì đâu.
Chu Văn nghe Chu Thành nói vậy, bèn nói:
- Hay nhỉ. Vậy mà khi nãy ngươi dám mở miệng nói bừa.
Tại sao khi nãy ngươi lại nói là biết?
Chu Thành nói:
- Ông anh, ngươi làm nha dịch thực uổng công. Sự việc này, ngươi cũng chẳng biết đầu cua tai nheo ra làm sao. Cái lão gù Lưu đại nhân này tự bày ra. Nay chính lão cũng chẳng biết thằng cha kia ở đâu nên mới bắt bọn ta đi mò kim đáy bể. Nếu ngươi còn hỏi nữa, ông ấy sẽ mắng ngươi về tội cãi lại cấp trên, không cho ngươi có cơ hội biện minh, nhẹ thì đánh hai mươi trượng, nặng sẽ phải năm mươi. Đánh xong vẫn bắt ngươi đi tróc nã người, thế có phải là khổ hay không? Để ông ta vô duyên vô cớ đánh cho một trận. Nếu ta không nói rằng mình biết, hai chúng ta đây sao ra khỏi chốn đó. Cứ tạm thoát ra đã rồi sẽ nghĩ kế sau. Ngươi nghe xem ta nói có đúng hay sai?
Chu Văn nghe xong, nói:
- Hay lắm. Đúng là có ngươi! Chuyện đã đến nước này, ta cũng bày ra một kế. Ngươi nghĩ xem, đất trời trong thiên hạ rộng lớn là vậy ta đi đâu bắt hắn. Hơn nữa, hạn bắt người của ông ta đưa ra lại gấp. Theo ý ta, đi tìm vẫn phải đi tìm. Nhưng ta nghe nói ở huyện Cú Dung đang có diễn kịch ở phố Thập Lý bên ngoài cửa Bắc của chúng ta đây. Người ta ai cũng khen đoàn kịch của Từ Ngũ Gia diễn rất hay. Chúng ta uống rượu xong, sao không tới đó xem kịch một hồi? Cứ đi chơi cho vui vẻ đã. Thời hạn vẫn còn năm ngày, từ từ rồi sẽ nghĩ ra kế đối phó lại ông ta. Nếu không đối phó lại, ông ta muốn đánh, chúng ta cho đánh. Dù gì cũng không đến nỗi phải lấy mạng hai ta.
Chu Thành nghe vậy, nói:
- Ông anh à, nay ta cũng đang bó tay đây. Đành phải vậy thôi!
Nói xong, bọn họ đứng cả dậy, trả tiền rượu, rời khỏi quán, đi thẳng ra cửa Nam phủ Giang Ninh, lên đường lớn dẫn tới huyện Cú Dung.
Hai người không chút chậm trễ, trò chuyện xong lập tức lên đường tới huyện Cú Dung. Chu Thành gọi Chu Văn lại, nói:
- Ngươi hãy nghe ta nói đây. Ta theo hầu quan đã được mấy nhiệm kỳ, cũng rất nổi tiếng trong phủ Giang Ninh này. Tri phủ tiền nhiệm thực dễ hầu, đáng tiếc ông ta đã hết hạn ở đây. Lão Phật Gia Càn Long đích thân chọn gã gù Lưu Dung này. Ông ta cưỡi lừa đến nhậm chức. Nói tới chuyện ấy, ta lại buồn cười tới đau cả bụng. Trên đầu ông ta đội cái mũ, tua rua đỏ đã bạc trắng cả ra. Vành mũ rách phải vá bằng lụa xanh, trông thật chán mắt. Tấm áo bằng đoạn xanh của ông ta chắc hẳn mặc đã lâu, khắp trên dưới chi chít đầy lỗ thủng. Khắp mình từ trên xuống dưới chẳng đáng giá là bao. Nhìn thấy thứ gì cũng cũ nát, trước sau vá chằng vá chịt, đếm không xuể. Ta cũng không biết ông ta cố ý ăn vận vậy hay thực sự là nghèo khó. Theo ta nghĩ, cho dù ông ta nghèo tới đâu, nếu thay bộ đồ khác vào chắc cũng uy phong lắm. Ngày hôm qua, có một thương gia buôn muối tới dâng lễ vật, ông ta không nhận. Xem ra cái ông gù này cũng chẳng biết nể tình. Còn nhắc tới chuyện ăn uống của ông ta lại càng buồn cười hơn nữa. Ông em hãy nghe ta kể đây này: Từ khi tới nhậm chức tới nay, ta chưa lần nào thấy ông ta ăn miếng thịt, chẳng khác gì một người ăn chay vậy. Còn tên người hầu thường thấy đi mua rau. Còn nữa, lại thấy hắn mua đậu phụ ế. Ta hỏi hắn mua về làm gì, hắn nói: “Mua về thái ra nấu canh, đại nhân rất thích ăn món này. Một tháng đưa cho tôi sáu xâu tiền. Hai thầy trù tôi, một ngày chỉ dùng có hai trăm tiền, đâu dám mua thịt. Muốn có miếng bỏ mồm thực là khó! Tới ngày rằm Trung Thu mười lăm tháng tám, đại nhân mới cho ăn mặn. Mỗi người được ăn một cân hành".
Hai người vừa đi vừa nói chuyện, bước chân nhẹ như gió cuốn. Cuốn sách này không kể chuyện dông dài, những chuyện vặt vãnh khác không nhắc tới. Chỉ một lúc sau, thành trì huyện Cú Dung đã hiện ra trước mắt.