- Ba vị lão đệ, nay chúng ta mình bê bết máu, trời cũng sắp sáng, khó lòng đi được nữa. Chúng ta hãy tạm lánh vào khu rừng phía trước náu thân, đợi đêm xuống, chúng ta tiếp tục lên đường.
Ba tên Từ, Lưu, Trương nghe nha dịch Đoạn Văn Kinh nói vậy đồng thanh trả lời:
- Đại ca nói phải lắm!
Bốn người nói xong, nhằm hướng khu rừng liễu kéo tới. Vừa vào trong, thấy rừng cây rất rậm rạp. Nhìn sang phía Tây Nam thấy thấp thoáng có bóng một ngôi chùa. Nhìn kỹ lại, thấy ngôi chùa khá lớn, nhưng mục nát vô cùng. Bọn họ hèn nhằm hướng ngôi chùa đổ chạy tới. Không lâu sau đã tới trước chùa, dừng chân lại. Thì ra đó là ngôi miếu Ngọc Hoàng, chắc hẳn lâu lắm rồi không có ai hương khói, tu sửa. Tượng thần hai bên đổ lỏng chỏng, gãy chân, gãy tay mất hẳn vẻ trang nghiêm. Xem ra, trong đó chắc không có sư sãi tu hành. Lũ cướp thấy vậy, vô cùng vui vẻ. Bọn chúng cùng tiến lên thềm, vượt qua đại điện, tiến thẳng vào trong. Thì ra gian miếu này chia làm hai lớp, hai bên Đông, Tây đều đã mục nát cả. Gian chính giữa thờ Ngọc Hoàng đại đế, mưa gió đã làm hỏng hết dung nhan tượng thánh. Khắp nơi bụi bặm không người quét, đúng là thần tiên cũng có lúc gặp vận chẳng ra gì, huống hồ phận thảo dã của Văn Kinh. Thấy vậy, Văn Kinh thầm khấn rằng:
- Đệ tử họ Đoạn, tên gọi Văn Kinh, có nhà cửa, vợ con tại phủ Đại Danh, vào nha môn làm công sai hai mươi năm, nay chẳng may gặp họa tham quan. Cẩu quan tên gọi Hùng Ân Hoãn, dung túng cho con làm điều trái lương tâm. Ỷ thế nhà quan cưỡng đoạt gái đã có chồng, mua chuộc giặc cướp hãm hại đệ tử. Chẳng cho thanh minh, thưởng ngay cho ba trận hiệp côn rồi tống xuống nhà lao. Cũng may có ba vị huynh đệ Lưu Phụng, Quân Đức, Từ Khắc Triển đây có lòng bất bình, giết chết cẩu quan, sau đó cướp ngục cứu đệ tử ra, sau đó bỏ chạy theo lối cửa Nam thành Đại Danh, nhân lúc đêm tối chạy tới nơi này. Đệ tử thấy thánh tượng mà lòng chua xót. Đệ tử thực sự không muốn làm như vậy, tất cả chỉ vì cẩu quan ép buộc chẳng thể dừng. Cầu xin thánh thần phù hộ cho đệ tử thoát khỏi nạn này, đệ tử xin được làm lại tượng, trùng tu lại miếu.
Đoạn Văn Kinh chưa dứt lời khấn, chợt thấy từ phía sau tượng thần có bảy đại hán lực lưỡng bước ra, nói:
- Đoạn Văn Kinh! Các ngươi giết quan, cướp ngục tại Đại Danh rồi chạy tới đây khấn khứa. Bọn ta phải bắt các ngươi mang báo quan để xin công!
Đoạn Văn Kinh thấy vậy, giật mình luống cuống, vội vàng đứng lên, đưa tay rút soạt thanh đao đeo bên hông ra, chăm chú nhìn lại. Thấy mấy người ấy trong tay không có binh khí gì Từ Khắc Triển, Lưu Phụng, Trương Quân Bảo nghe họ nói vậy cũng định ra tay. Đoạn Văn Kinh vội ngăn họ lại, nói:
- Ba vị lão đệ mau dừng tay, ngu huynh có lời muốn nói với họ. Sau đó ra tay cũng chưa muộn.
Ba người nghe Đoạn Văn Kinh nói vậy mới dừng lại, cầm đao thủ thế, đề phòng bất trắc. Đoạn Văn Kinh đưa mắt nhìn bảy người kia, nói:
- Các vị xin hãy nghe tôi nói: Theo tôi thấy, cách ăn vận của các vị không giống với người trong chốn công môn, cũng không phải là quân sĩ hay quan tướng, tại sao lại muốn bắt Đoạn Văn Kinh ta? Ngày thường, Đoạn mỗ luôn giữ lễ nghĩa, không có việc gì để cảm thấy ô danh.
Nha dịch còn chưa nói hết câu, đã thấy một kẻ trong đám bảy người kia mỉm cười, nói:
- Đoạn gia ngài giỏi thật, không nhận ra Liễu Long ta sao?
Nhà ta cũng ở phủ Đại Danh, tại hạ cũng lấy nghề trộm cắp để kiếm sống. Cũng bởi tôi, ăn trộm ngân lượng của một hiệu cầm đồ, lấy đi mười nén bạc cùng một nén vàng. Bảo anh em của tôi mang đi đổi, gặp ngay nha dịch chốn công môn, bắt về nha môn đạo đài tra xét. Liễu mỗ hay tin vội tới nha môn đạo đài nhận tội, nói Liễu Long tôi chính là người đi lấy. Khi ấy, đạo đài không phải là Hùng Ân Hoãn, mà là Triệu Tông người Hà Nam. May nhờ có Đoạn gia, ngài lo lót trong ngoài nên được giảm nhẹ tội. Từ sau năm ấy chia tay nhau, tôi tiến tới miếu vàng náu thân, lại có cả mấy anh em đây, cũng là người cùng cảnh cả. Không ngờ ân công cũng tới chốn này, ta mới được gặp nhau, thực là vui vẻ quá.
Đoạn Văn Kinh nghe Liễu Long nói xong, lập tức nhớ lại chuyện năm xưa, nói:
- Người chính là Liễu hiền đệ, ngươi năm xưa bị phạm tội quan thời Triệu đạo đài đó ư?
Liễu Long nói:
- Chẳng phải tôi thì là ai?
Đoạn Văn Kinh nói:
- Nếu đã là vậy, đây là ba người anh em sinh tử, hoạn nạn của tôi. Nào, lại cả đây chúng ta cùng làm quen.
Liễu Long nói:
- Đây không phải là nơi chúng ta ngồi nói chuyện. Nếu có người nhìn thấy, vậy thực không hay. Tạm mời các vị vào trong ngồi, tới lúc ấy chúng ta nói chuyện cũng không muộn.
Nói xong, Liễu Long đi trước dẫn đường. Cả bọn cùng vòng qua phía sau tượng Phật. Tại đó có một cái hang, miệng hang có một chiếc thang gỗ. Liễu Long nói:
- Lối này để tôi đi trước
Nói xong, đi xuống phía dưới, chân lần theo từng bậc thang gỗ tùng bước, từng bước chui xuống dưới. Những người khác cũng theo cách ấy mà xuống. Bốn người này cũng xuống theo cả, chân dẫm bậc thang gỗ, từ từ chui xuống. Bên dưới là một vạt đất bằng phẳng, rộng chừng hơn ba gian. Bốn phía đều có lỗ thông khí, tuy có ánh sáng lọt vào nhưng vẫn phải thắp đèn. Bốn người bọn Đoạn Văn Kinh đưa mắt nhìn quanh, thì ra dưới đó có tới mười mấy người, không hề có giường, bàn, họ đều ngồi cả trên nền đất.
Liễu Long cao giọng nói:
- Các vị huynh đệ, mau lại đây, gặp mặt huynh trưởng Đoạn Văn Kinh. Thực đúng là hạn gặp mưa rào. Vị này chính là Đoạn Văn Kinh, ngươi Liễu mổ thường nhắc tới đó.
Bọn kia thấy vậy, nhất tề đúng dậy, lần lượt báo danh tính, thi lễ. Sau lại bắt tay làm quen với bọn Quân Đức, Lưu Phụng, Từ Khắc Triển. Thi lễ xong xuôi, ngồi cả xuống. Liễu Long vội bày rượu, thịt lên, mọi người cùng ngồi cả dưới hang ăn uống. Bọn này cả thảy có mười chín tên, giờ lại có thêm bốn đứa Đoạn, Từ, Trương, Lưu cùng nhau làm cướp, trở thành họa tinh cùng ở cả miếu này. Số trời là vậy nên mới có chuyện vẽ hình truy nã sau này.
Kính thưa quý vị độc giả. Đúng là số trời khó tránh. Bọn Đoạn Văn Kinh giết quan, cướp ngục, đánh tan quan binh phủ Đại Danh, nửa đêm đội mưa chạy tới chốn này, gặp ngay lũ cướp dẫn chúng xuống hang sâu lẩn trốn. Nếu không được vậy, hẳn chúng đã bị bắt từ lâu. Hơn nữa, tòa miếu Ngọc Hoàng này đã bị bỏ hoang từ lâu. Mưa gió nhiều năm nên đã hư hại cả. Trong đó lại không có ai tu hành, cách xa thôn làng ở mãi trong rừng. Cho dù người trong công môn tài giỏi tới đâu cũng không thể ngờ được nơi đây lại là hang ổ của lũ cướp.
Tạm gác vụ này qua một bên. Lại nói chuyện năm Càn Long thứ ba mươi tư, tại Tùy Châu thuộc quyền quản lý của phủ Đức An tỉnh Hồ Bắc - Châu này cách phủ Đức An một trăm tám mươi dặm. Chu vi rất lớn, thành trì nằm dưới sườn núi. Trên núi hùng điệp, trập trùng, đường xá quanh co, hiếm trở. Núi ấy có hình thế như một con rồng, sau núi có thể ở được, tiếp giáp với địa phận người Miêu ở Tứ Xuyên. Vùng này rừng núi hiểm trở, cây cỏ rậm rạp, dân cư hung dữ, chuyên đánh lại quan quân không chịu sống an phận. Bởi hai năm liền bị nạn hạn hán, không có lương ăn, lấy gì ra thóc gạo nộp thuế. Châu quan sai nha dịch đi đốc thúc, nhưng thúc thế nào chúng cũng không nộp. Quan châu chẳng còn cách nào khác, mới hạ lệnh bắt những người dân không chịu nộp thuế lên công đường đánh đập. Cách Tùy Châu hai mươi lăm dặm có một thôn tên gọi Diêm gia bảo. Thôn ấy có một võ tú tài họ Diêm tên gọi Kim Long. Bởi khi mẹ hắn mang thai, đêm sinh ra hắn nằm mộng thấy một con rồng vàng nên mới đặt tên cho hắn là Kim Long. Diêm Kim Long gia cảnh phú giả, có tới hơn hai mươi mẫu đất ruộng, lại có cả bốn miếng đất sườn núi. Nha dịch của Tùy Châu tới nhà hắn thúc nộp thuế, hắn cũng rầy rà không nộp như những người dân nghèo khác. Không những thế, hắn còn vểnh râu, trợn mắt, mang danh võ tú tài ra dọa lại công sai. Diêm Kim Long không thèm chửi mắng - lập tức ra tay đánh công sai, đám công sai cũng ra tay đánh trả, sau được người chung quanh can ra. Sai nha trở về bẩm lại với tri châu, thêm mắm thêm muối, nói:
- Diêm Kim Long cậy là võ tú tài, không chịu tuân theo phép nước, coi thường quan châu, không chịu nộp thuế còn hành hung công sai.
Tri châu nghe vậy, nổi giận đùng đùng, lập tức phát trát truyền gọi võ tú tài Diêm Kim Long, truyền tới công đường, trách mắng:
- Cuồng sinh quốc pháp bất tuân, thuế đất không nộp, lại đánh cả công sai, thực là lớn mật.
Lập tức sai thư lại viết công văn gửi tới châu học, cách tuột tước hiệu cử nhân của anh ta. Diêm Kim Long thấy vậy, vội quỳ xuống dưới công đường, khẩn cầu, nói:
- Lão gia xin chớ viết công văn, học sinh biết tội, sau này không dám tái phạm nữa.
Tri châu thấy vậy, lập tức quát lên:
- Đẩy hắn xuống! Chớ để hắn lên đây quấy nhiễu. Thư lại, mau viết công văn!
Võ tú tài cuống lên, dập đầu không ngớt, tay nắm chân công án, không ngừ đã kéo xô công án. Tri châu nổi cơn lôi đình, nói:
- Cuồng sinh, người làm náo loạn chốn công đường, tội thực đáng chết!
Rồi dặn dò thuộc hạ một mặt viết công văn, một mặt lột bỏ áo mũ trên mình võ tú tài, đánh cho một trận vì tội làm náo loạn chốn công đường rồi tống giam. Tin này truyền về nhà họ Diễm, người trong nhà không ai không kinh hãi. Còn đang không biết phải làm sao, chợt thấy một nhà sư tiến thẳng vào nhà, nói với họ:
- Diễm tướng công nhà các vị phải chịu tội trong bảy ngày, sau đó sẽ tai qua nạn khỏi.
Rồi lại quay sang nói với mẹ Diễm Kim Long rằng:
- Bà còn nhớ khi sinh ra cậu ấy đã nằm mộng thấy rồng vàng không. Đó chính là điềm báo trước. Nay bần tăng ngang qua chốn này. Sau mười hôm nữa sẽ lại đến giúp cậu ta. Nay các vị phải mau chóng sai người, lén tới Tùy Châu, đợi đêm xuống, vào nhà lao cứu Diễm tướng công ra khỏi nghe. Như vậy mới được bình an, vô sự. Nếu không, sau này có biến, hối cũng không kịp.
Nói xong, để lại một tấm danh thiếp bảo đưa cho Diễm Kim Long xem rồi bỏ đi. Sau vụ ấy, tại Tùy Châu mới xảy ra vụ giết quan cướp ngục, Diêm Kim Long trở thành nghịch tặc, kéo dài tới hơn hai năm mới được dẹp yên. Vụ này chẳng khác gì nay Đoạn Văn Kinh gặp Liễu Long vậy. Nếu không, đâu cần bỏ ra bao công sức? Xem ra, đó cũng là số trời sắp đặt.
Lại nói chuyện Đoạn Văn Kinh cùng đám kia ngồi uống rượu dưới hầm miếu Ngọc Hoàng. Hắn liền đưa mắt nhìn bọn cướp nói:
- Các vị hảo hán, xin hãy nghe tôi nói: Tuy các vị ẩn thân tại chốn này, chẳng qua chỉ là đợi đêm xuống mới kéo nhau ra làm ăn, muốn nên nghiệp lớn, thực không thể. Các vị thử nghĩ xem, vậy chẳng phải đã mai một kiếp anh hùng hay sao? Các vị còn nhớ chuyện của Vương Luân không? Ông ta nhà ở Thọ Trương tỉnh sơn Đông, vốn chỉ là một chân mã khoái trong nha môn. Chỉ vì đưa văn thư muộn mà phải chịu tội, bị đánh một trận rồi tống vào trong ngục. Thực chẳng khác gì Đoạn mỗ ngày nay. Được người khác bất bình cứu ra, giết chết tri huyện Thọ đường rồi trốn khỏi thành. Sau được hòa thượng cho phép ở lại cho cạo đầu làm sư. Sau này Vương Luân xưng đế, dẫn quân đánh tới tận Thanh Châu, cách kinh thành chỉ còn vài dặm. Cũng bởi Vương Luân ham tửu sắc, hạ lệnh cắm trại, bày tiệc rượu ăn uống, hát ca, lỡ mất cơ hội đánh vào Lâm Thanh. Thư đại nhân nhận mật chỉ dẫn quân kinh thành tới sát thành Lâm Thanh. Quân bát kỳ vốn có tiếng dũng mãnh, hơn hẳn quân lục kỳ. Còn chưa ra trận, Thư đại nhân đã hạ lệnh cho đám pháo thủ, không nhồi đạn vào súng mà chỉ nạp thuốc súng với dây mồi, gọi đó là Không Thương Kế. Vương Luân không hề hay biết, chỉ thấy súng phía đối phương không nổ nên vô cùng vui mừng, nói: “Ý trời muốn ta làm nên nghiệp lớn!" Rồi mới bạo gan quyết ra tranh trận hơn thua với quân triều đình. Tới lúc ấy quân triều đình mới nhồi đạn vào súng, chỉ đánh một trận đã dẹp yên Vương Luân. Ta nay sao không học theo cách ấy, cướp lấy tòa thành Đại Danh trước!
Lũ giặc cướp nghe xong đều nói:
- Có lý!
Rồi đứng cả dậy, nói:
- Chúng tôi cũng muốn vậy từ lâu rồi.
Chỉ vì câu nói này của Văn Kinh mà chỉ trong chớp mắt, dân chúng phủ Đại Danh đã phải đổ máu đào!