Luật Hấp Dẫn: Bí Mật Tối Cao

Chương 7: Vướng Vào Nỗi Sợ Hãi

Không có gì có thể ngăn trở khả năng mở mang tâm trí mạnh hơn nỗi sợ hãi. Tâm trí không sợ hãi là một nguồn lực mạnh mẽ và tự do. Những gì một người không sợ hãi có thể làm là vô tận và thành công của họ là hiển nhiên.

Nỗi sợ được chôn vùi sâu kín trong vô thức. Trong vương quốc của rất nhiều loài vật, nỗi sợ là một bản năng sinh tồn; động vật càng tiến hóa và có hệ thần kinh càng phức tạp thì nỗi sợ càng có nhiều cấp độ thể hiện.

Ở loài người, nỗi sợ có từ khi ta mới sinh ra, lớn lên cùng với cuộc đời của con người. Ví dụ như khi một đứa trẻ hình thành khái niệm về sự xa cách thì khi nó nhận ra nó bị tách biệt với người khác hoặc với các sự vật hiện tượng khác – sự sợ hãi sẽ xuất hiện. Cảm xúc, tâm trạng và khát vọng thậm chí còn mang lại nhiều sợ hãi hơn. Chúng ta trở nên sợ hãi khi không có được điều mình muốn và sợ cả việc có những gì ta không muốn.

“Người tỉnh thức thì không còn giận dữ, không còn dục vọng. Khi đã buông bỏ hết cái thiện và cái ác – Sẽ không còn sợ hãi.”

-ĐỨC PHẬT

Sợ hãi là nguồn cơn của tất cả mọi căng thẳng và lo âu. Tác gia nổi tiếng Deepak Chopra đã nói rằng: “Những bệnh dịch của thời đại chúng ta – như tim mạch, ung thư, nhiễm trùng, nghiện – tất cả đều liên hệ với sự căng thẳng.” Thực tế, sự sợ hãi, với hệ quả của nó là lo lắng và căng thẳng, là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh về tim, gan, thận, cao huyết áp, rối loạn chức năng tuyến, ung nhọt, lo lắng, mất ngủ và rất nhiều bệnh lý thể chất và tâm lý khác.

Vận động viên hiểu được vai trò quyết định của nỗi sợ hãi trong cách thi đấu của mình. Trong quá trình tập luyện các vận động viên cử tạ luôn có thể nhấc được quả tạ nặng hơn trong thi đấu, và sự khác biệt duy nhất trong hai lần cử tạ chính là khi thi đấu họ mang trong mình nỗi sợ thất bại. Những ngôi sao bóng đá và khúc côn cầu đều nói rằng họ có thể dễ dàng thực hiện các cú phạt đền khi tập luyện nhưng khi bắt đầu có áp lực thì hiệu suất thành công của họ giảm hẳn.

Đội khách đến thi đấu hiểu nỗi sợ hãi trước sự hăm dọa của hàng ngàn cổ động viên xa lạ của đội nhà. Và như thế, không khó khăn gì để có thể hiểu được vì sao đội nhà thường giành chiến thắng.

Nỗi sợ mạnh đến nỗi đôi khi chỉ một mình nó thôi cũng đủ đảm bảo chiến thắng. Nếu bạn có thể tiêm nhiễm đủ điều nỗi sợ vào đối thủ của mình, bạn sẽ thắng mà chẳng cần nhiều nỗ lực. Đối thủ của bạn có thể sẽ đầu hàng trước cả khi cuộc đấu bắt đầu vì sợ hãi.

Sự sợ hãi chiếm một vai trò quan trọng trong chiến thắng của Mỹ đối với Đức quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Người Mỹ cách đất nước mình cả đại dương, họ không có lãnh thổ hay người dân nào để mất. Đây là một điểm tương phản hoàn toàn với nỗi sợ hãi và áp lực mà người Đức phải đối mặt khi mang quê hương mình ra đặt cược. Không sợ hãi mang lại chiến thắng và nỗi sợ thì đảm bảo cho thất bại.

SỢ HÃI HAY THẬN TRỌNG

Một vài người nhầm lẫn trạng thái sợ hãi với thận trọng. Đây hoàn toàn là hai trạng thái khác nhau của tư duy. Khi sợ hãi, bạn sẽ bị nhấn chìm trong nỗi sợ và mất toàn bộ cảm giác tự nhận thức; bạn sẽ không nhìn nhận tường tận và không thể quan tâm đúng mức đến bản thân mình. Còn thận trọng nghĩa là tập trung sâu sắc đến nhu cầu của chúng ta trong bất kỳ tình huống phát sinh nào. Thông thường chúng ta sợ vì tin rằng mình sẽ thua, nhưng người thực sự tin rằng mình sẽ thắng thì không bao giờ bất cẩn. Nếu chiến đấu với nỗi sợ bị đánh bại thường trực trong từng động thái thì nhận thức và sự tỉnh táo của chúng ta sẽ bị thu hẹp. Nếu chiến đấu một cách gan dạ và cẩn trọng, đầu óc chúng ta sẽ trở nên sắc bén và chiến thắng là điều chắc chắn. Tại sao những người lính Mỹ lại có thể chiến thắng khi tham gia Thế chiến thứ hai mà vẫn thất bại trong cuộc chiến với Việt Nam? Một đoàn quân lộn xộn, thường trực trong mình nỗi sợ hãi bị đưa đến một miền đất xa lạ là cánh đồng tốt để nỗi sợ hãi nở hoa như kết quả tất yếu của sự thiếu hiểu biết cũng như quan tâm không đúng mức của chính những tướng lĩnh.

ĐỂ NỖI SỢ NGĂN CẢN MÌNH HAY ĐỂ SỰ THÔNG THÁI NGĂN CẢN MÌNH

Tự kiềm chế mình làm điều gì đó hoặc ngăn cản ai đó vì sự sợ hãi có thể không sáng suốt. Rõ ràng đó là sự lựa chọn thiếu nhận thức đúng mức và nhiều khả năng bạn sẽ phải chịu đựng kết quả chứa nỗi sợ trong đó. Nếu bạn bị ai đó lợi dụng trong quá khứ, có thể bạn sẽ quyết định không giúp người đó nữa, nhưng sự thông thái đã đưa ra lựa chọn này chứ không phải nỗi sợ. Bạn sẽ nhận ra rằng có sự khác biệt cơ bản giữa việc không giúp người đó nữa vì sợ tình huống xấu kia lặp lại với việc không làm vậy vì bạn đã học được một bài học từ đó.

Nếu bạn vẫn cảm thấy muốn giúp họ và không học được gì từ kinh nghiệm nhớ đời kia, kết quả bất lợi có thể vẫn xảy ra bất kể bạn lựa chọn lặp lại sai lầm này sớm hay muộn. Bạn sẽ lại bị lừa dối vì thiếu mất sự linh mẫn học được từ sai lầm trước kia. Nhưng nếu bạn tự kiềm chế mình không làm việc gì đó vì biết đó không phải là một điều nên làm, bạn đã có một quyết định sáng suốt và sẽ không phải chịu đựng bất kỳ một kết quả nào vì làm điều bạn đã học được là đúng đắn. Nếu một người vợ từ bỏ chồng mình vì họ gặp trục trặc trong hôn nhân, cô sẽ không phải chịu đựng hoàn cảnh mù mờ và sợ hãi nếu như cô dùng dằng không quyết.

NỖI SỢ LÀM CUỘC SỐNG PHỨC TẠP HƠN

Khi vấn đề nảy sinh, nỗi sợ sẽ xuất hiện và cản trở khả năng nhìn nhận mọi chuyện một cách rõ ràng của bạn. Vấn đề sẽ giống như một nút thắt không thể tháo gỡ. Bạn phải tập trung vào khoảnh khắc hiện tại và tháo gỡ ngay chiếc nút này.

Có một sự thật là hầu như mọi nỗi sợ của chúng ta đều phi lý. Đa số những gì chúng ta sợ hầu như đều không thực sự xảy ra được. Nỗi sợ thường được phát ra từ những chuyện thường ngày – một tiếng ồn bất ngờ, một tiếng còi trên đường, một tình huống xã hội rắc rối… Chúng trầm trọng hóa những vấn đề tầm thường này và gây ra tác động lớn đến tâm trạng, tiếp sau đó là cuộc sống của chúng ta. Chúng ta chỉ có một số nỗi sợ cơ bản, cái chết và bị bỏ rơi là hai nỗi sợ lớn nhất, chúng xuất hiện lặp đi lặp lại để phóng đại và bóp méo những mọi thứ trong cuộc sống bình thường. Hãy nhìn sâu vào trong bản thân mình để xác định căn nguyên nỗi sợ của mình ở đâu và cố gắng vượt qua chúng. Đừng để sự sợ hãi kiểm soát cuộc sống của bạn.

Sự thật sẽ giải thoát chúng ta. Đầu óc của chúng ta thêu dệt những câu chuyện không thể tin được khiến sức mạnh của chúng ta bị chi phối. Có thể chúng ta không tin vào ma quỷ nhưng đôi khi ở một mình trong đêm tối và có cái gì đó động đậy, đột nhiên chúng ta thấy sợ vì hình như có cái gì đó đang lẩn lút trong bóng tối. Vì sao vậy? Bởi vì trí tưởng tượng hoang đường làm ta mù quáng. Nếu thắp đèn lên thì chúng ta sẽ thấy sự thật rõ ràng và không còn sợ hãi nữa.

Bóng đen của tư duy đội lốt sự thật mới là điều thực sự đáng sợ. Người có sự hiểu biết tỏa sáng có thể nhìn thấy sự thật thực sự và họ hiểu rằng không có gì phải sợ nữa.

HÃY THẮP ĐÈN LÊN VÀ XUA NỖI SỢ ĐI

Cách để vượt lên nỗi sợ là tìm hiểu nguyên nhân của nó. Chúng ta sợ do không thể nhìn ra sự thật rõ ràng trong tình huống đó. Để chống lại nỗi sợ, hãy làm những gì bạn sẽ làm khi bạn nghĩ mình bị ma ám: bật hết đèn lên và nhìn xem chuyện gì đang xảy ra. Ánh sáng là đồng minh của sự thật và nó sẽ giải thoát bạn khỏi nỗi sợ hãi.

Một cách dễ dàng và hiệu quả khác để giải quyết nỗi sợ của bạn là thay đổi câu chuyện trong đầu mình. Chẳng có gì cần phải suy nghĩ hay lo lắng khi đi khám nha sỹ vì một cái răng sâu. Nghĩ về nó chỉ làm cho mọi chuyện xấu đi. Hãy nghĩ về một điều gì đó khác; tại mỗi thời điểm, bộ não chỉ có thể làm việc với một vấn đề thôi.

SỢ HÃI TẠO NÊN TÍNH CÁCH VÀ CUỘC ĐỜI BẠN

Nếu bạn là người mê tín và tin rằng không nên mở ô lúc còn ở trong nhà thì thể nào bạn cũng thực sự cảm thấy làm như vậy sẽ mang lại điều gở cho mình. Chuyện này xảy ra vì bạn đã giữ điều mê tín ấy sâu trong vô thức và để điều rủi ro này vượt lên chính mình. Nhà tiên tri giỏi không săm soi quả cầu pha lê và đưa ra dự đoán, họ chú tâm vào vô thức của bạn và đưa ra gợi ý về tương lai.

Nỗi sợ sẽ tạo ra số phận cho bạn. Người sợ cô đơn và kết hôn để thoát khỏi nỗi sợ đó sẽ đem lại những điểm tiêu cực cho hôn nhân của họ. Ví dụ như một người vợ sợ cô đơn có thể sẽ trở nên hoang tưởng và nghĩ rằng chồng của cô ngoại tình. Vì thế cô có thể sẽ kiểm tra ví, điện thoại di động của chồng để tìm chứng cứ cho các mối quan hệ bí mật. Những hành động này làm cho người chồng cảm thấy áp lực và dẫn đến xung đột trong gia đình. Người phụ nữ này, chỉ vì nỗi sợ cô đơn sẽ khiến nỗi sợ đó thành sự thật khi chồng cô không còn chịu đựng được cách cư xử của cô nữa.

Người đã từng bị tai nạn ô tô, đặc biệt là bị chấn thương thể chất hoặc tinh thần nghiêm trọng thường sợ lái xe. Thom Yorke, ca sĩ chính của ban nhạc Anh Radiohead khi còn trẻ đã gặp tai nạn ô tô và từ đó anh rất sợ ô tô. Anh đã viết rất nhiều bài hát về nỗi sợ này. Sự thật dù rằng nếu những người giống như Thom không thể vượt qua nỗi sợ phải lái xe thì họ cũng không nên ngồi sau tay lái một lần nữa vì nỗi sợ này – và bức tranh tâm lý đau đớn mà họ dựng lên dường như lại lôi kéo những tai nạn khác.

Người đã li dị sợ rằng cuộc hôn nhân tiếp theo của mình cũng sẽ thất bại như lần trước và vì thế họ không sẵn lòng để tìm kiếm người mới. Họ rất dễ lặp lại sai lầm cũ vì nỗi sợ hãi này sẽ thiết lập số phận của họ. Chúng ta phải rất cẩn trọng khi thử làm một điều gì đó mà ta đã từng thất bại và có sự xuất hiện của nỗi sợ hãi. Nếu bạn đang ở trong tình huống này, hãy tự nhắc mình thường xuyên để không phạm lại lỗi lầm cũ và hiểu rằng nỗi sợ đó có thể làm cho nó xảy ra. Nếu có thể xóa bỏ nỗi sợ khỏi tâm trí mình, bạn sẽ thấy yêu thương bản thân và người khác hơn. Bạn sẽ tự tin hơn, vững vàng và hạnh phúc hơn.

Người khoe khoang thường tìm kiếm sự tán thành; họ hành động dựa trên nỗi sợ rằng họ không có gì đáng giá để khoe khoang. Người keo kiệt thì sợ của cải. Nỗi sợ lẩn quất mọi nơi, tạo ra những tính cách không mong muốn và chúng cũng có thể dẫn đến các chứng bệnh về tinh thần.

Nhà tâm lý hay các bậc thầy tinh thần cho rằng nỗi sợ là nguồn gốc của mọi cảm xúc tiêu cực như giận dữ, ghen tị, hoang tưởng, ủ rũ, tham lam, bồn chồn, thiếu tự tin và những điểm yếu khác. Tác giả có cuốn sách bán chạy nhất, Neale Donald Walsch đã viết trong cuốn Đối thoại với Chúa (Conversation with God) rằng con người hành động dựa trên hai trạng thái tình cảm chính là yêu thương và sợ hãi, tất cả các sắc thái tình cảm khác đều được tạo nên từ hai trạng thái này. Khi bạn sợ một điều gì đó, cách cư xử của bạn sẽ giúp lôi kéo chính xác những gì bạn lo ngại vào cuộc đời mình. Càng nhiều ác cảm trong lòng thì người ta sẽ càng không thích nhiều thứ. Nỗi sợ và lo lắng cũng vậy: càng sợ hãi, chúng ta càng gặp phải chúng nhiều hơn.

Điều mà chúng ta thực sự phải quan tâm là nỗi sợ chôn kín trong vô thức của chúng ta như nỗi sợ về cái chết. Một buổi chiều săn bắn và câu cá có vẻ là một cách tốt để thắt chặt tình cảm bạn bè, nhưng vô thức sẽ ghi lại những cái chết đau đớn của các con vật bị giết hại đó. Người theo đạo Phật tin rằng nếu chúng ta giữ hình ảnh ấy trong đầu ở thời điểm chúng ta ra đi, kiếp sau có thể gặp nguy hiểm. Điều này đặc biệt đúng nếu như tư duy nhận thức coi những sự kiện này mang lại cảm giác vui sướng trong khi nỗi sợ về cái chết lại hiện diện trong vô thức của chúng ta.

Khi lo lắng hay sợ hãi, suy nghĩ của chúng ta sẽ chạy nhanh, máu đẩy mạnh trong mao mạch, thần kinh căng ra và tim đập thình thịch. Đôi khi triệu chứng thể chất như vậy khiến chúng ta liên tưởng tới những gì xuất hiện khi ai đó trình diễn một màn ngoạn mục, ví dụ như một vận động viên đang ở đoạn kịch tính nhất của cuộc đấu quan trọng. Nhưng điều ngược lại mới đúng. Chúng ta đốt cháy ngần ấy năng lượng sống mà chẳng vì lí do gì, giống như nhấn ga khi chiếc xe đang ở số 0. Nếu bạn đột ngột vào số, nó sẽ chồm về phía trước và rất dễ xảy ra tai nạn. Hành động dựa trên sự sợ hãi thường khó kiểm soát và khả năng mang lại hậu quả nặng nề là rất cao. Hơn nữa, nếu cứ đeo đẳng nỗi sợ về một điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ, chúng ta sẽ bị tắc lại ở những góc tối với chiếc xe đang chạy lùi; bánh xe vẫn quay nhưng lại chẳng đi đến đâu cả.

“Việc ác có vẻ ngọt với kẻ ngu

Chừng nào nó còn chưa kết trái.

Nhưng khi quả đã chín muồi,

Những kẻ ngu sẽ chịu mọi sầu khổ.”

-ĐỨC PHẬT

Hi vọng rằng bạn có thể ngẫm nghĩ về vai trò của sự sợ hãi trong cuộc đời mình và nhận ra rằng nó là chướng ngại vật – thực tế là chướng ngại vật lớn nhất – ngăn cản bạn thành công. Có một phân tích giúp bạn nhìn thấy toàn cảnh nỗi sợ. Hầu hết mọi người đều có thể bước qua một tấm ván hẹp bắc qua một rãnh nước nhỏ. Dù sao, điều tệ hại nhất có thể xảy ra trong tình huống này chỉ là ướt giày nếu chẳng may có ngã xuống. Nhưng nếu tấm ván này được bắc ngang qua nóc hai tòa nhà chọc trời cạnh nhau và bạn chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc bước trên nó, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Chỉ cần một bước sảy chân là bạn sẽ chết. Chúng ta chỉ cần thực hiện một hành động giống hệt như khi bước qua rãnh nước. Người thực sự thành công là người không sợ những mục tiêu cao hơn khi bối cảnh thay đổi. Họ đã chắc chắn thành công từ trước khi đặt bước đi đầu tiên.

Một cách chinh phục nỗi sợ là hãy làm hết sức mình mà không sợ hãi những điều chưa xảy ra. Lập kế hoạch cho mình lúc về hưu là điều nên làm nhưng hình dung toàn bộ kịch bản ngày tận thế cho tương lai của bạn lại là một điều hoàn toàn khác. Hãy sống với hiện tại và làm tốt nhất những gì của ngày hôm nay.

“Tôi không được phép sợ hãi. Nỗi sợ giết chết tư duy. Nỗi sợ chính là phần nào của cái chết, sẽ phá hủy tất cả. Tôi sẽ đối diện với nó. Tôi sẽ để nó băng qua tôi, xuyên thấu tôi. Và khi nó đã đi qua, tôi sẽ soi nội nhãn để nhìn con đường của nó. Nơi nào nỗi sợ đã đi qua, nơi đó sẽ chẳng còn gì. Chỉ có tôi vẫn còn ở lại.”

-FRANK HERBERT,
Xứ cát (Dune)

Những người chủ xe thường quan sát và nhận ra cùng một vấn đề là một bộ phận nào đó của xe sẽ hỏng hóc ngay khi vừa hết thời hạn bảo hành. Nỗi sợ sâu kín về tai ương đó sẽ ghé thăm họ và khiến cho điều này thực sự xảy ra. Loài người sợ cái chết, nguy hiểm và tai nạn có nghĩa là họ sẽ chi một đống tiền cho các công ty bảo hiểm. Điều này không có nghĩa là bạn không nên mua bảo hiểm; mua bảo hiểm là sáng suốt nhưng sợ hãi thì không.

Nỗi sợ hãi làm chúng ta mù quáng không phân biệt được điều gì nên làm trong những tình huống nảy sinh. Nó làm giảm nhu cầu phấn đấu để đạt được thành công. Sự thật này cùng với sự suy sụp về sức khỏe thể chất mang lại cho bạn một ý tưởng về vai trò của nỗi sợ trên con đường của bạn. Thực ra, Franklin D. Roosevelt(1) đã đúng khi ông tuyên bố rằng: “Điều duy nhất chúng ta phải sợ là nỗi sợ hãi.”

Mọi người đều biết rằng trở thành người đứng đầu là rất khó, nhưng duy trì đẳng cấp đó còn khó hơn. Việc đó giống như khi bạn đang đứng trên đỉnh núi nơi rất dễ sảy chân nếu như bạn bước nhầm một bước. Các chuyên gia nói rằng thay vì thuận theo cảm giác chông chênh này, bạn nên chọn cách tiếp tục leo lên, đừng bao giờ nhìn xuống và chiến đấu với chính mình. Khi làm như vậy, bạn sẽ bớt sợ và sẽ không bao giờ cảm thấy ngọn núi nằm ngoài tầm chinh phục của bạn.

Chương 7: Những điều tối mật

VƯỚNG VÀO NỖI SỢ HÃI

  1. Nỗi sợ hãi là chướng ngại vật chủ yếu đối với mọi thành tựu trong cuộc sống. Khi đã vượt qua được nó, cơ hội đến với mỗi người là vô kể.

  2. Khi sợ một điều gì đó, bạn đã gửi một thông điệp sâu sắc đến vô thức của mình và kết quả là những điều bạn sợ sẽ đến trong cuộc sống của bạn.

  3. Đừng để đầu óc mình vướng vào nỗi sợ hoang đường về những gì có thể xảy ra trong tương lai. Hãy chỉ quan tâm đến hiện tại và để ngày mai tự đến.

  4. Những tình huống khá vô hại có thể thành vấn đề lớn nếu có sự hiện diện của nỗi sợ.

  5. Thận trọng nhưng đừng sợ hãi. Hãy dùng nhận thức và trí thông minh của mình để suy nghĩ, nói năng và hành động hợp lý, thích đáng với mục tiêu của bạn.

  6. Luyện tập nhận thức khả năng thường xuyên giúp bạn xác định được nguyên nhân của nỗi sợ, nhìn nhận mọi thứ như nó vốn có. Và khi đó nỗi sợ sẽ tan biến.