Chúng ta suy nghĩ liên tục, thậm chí giấc mơ cũng tràn ngập suy nghĩ. Nếu không biết cách sắp xếp những suy nghĩ không cần thiết vốn đã chất thành đống này thì đầu óc của chúng ta sẽ không khác gì một nhà kho ngổn ngang các tài liệu bị vứt lung tung bừa bãi. Hơn nữa, “cái nhà kho” này vẫn liên tục được bổ sung và những thứ được xem là quan trọng cô đọng lại trong cảm xúc sẽ được gửi sâu vào “cơ sở dữ liệu”: vô thức.
Nếu bạn thường xuyên có suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc bắt nguồn từ những suy nghĩ này sẽ lưu lại trong vô thức của bạn. Sức mạnh của những cảm xúc này vượt quá những suy nghĩ bất chợt đơn giản bởi vì mỗi cảm xúc đều đã được hình thành nên từ hàng ngàn suy nghĩ. Chúng ta phải thận trọng và cảnh giác với những gì chúng ta nói và nghĩ để chắc chắn suy nghĩ và lời nói của mình không khởi đầu cho những điều tiêu cực. Suy nghĩ dù chỉ mang một chút tiêu cực cũng có thể tạo nên cảm xúc tiêu cực. Khi chúng hợp nhau lại sẽ mang lại kết quả không mong đợi.
Cảm xúc luôn mạnh hơn suy nghĩ. 90% quyết định của chúng ta xuất phát từ cảm xúc. Chúng xuất hiện trong vô thức, vì thế chúng có sức mạnh hơn nhiều những hành động đã được tư duy nhận thức đầy đủ.
TÁC ĐỘNG BÊN TRONG CỦA VÔ THỨC
Vô thức không đón nhận thông tin từ năm giác quan thể chất. Nó không biết bạn nhìn hay nghe thấy gì. Nó chỉ ghi nhận lại cảm giác của bạn qua những bức tranh tâm lý bạn tạo dựng. Ví dụ như bạn nhìn thấy một con vật bị săn đuổi rồi bị giết chết và bạn cảm thấy thỏa mãn hay vui sướng vì điều đó, vô thức của bạn sẽ ghi lại theo công thức: săn đuổi, giết chết = thỏa mãn, vui sướng. Và khi một sự việc tương tự xảy ra trong tương lai, nó sẽ phân tích các dữ liệu với những cảm xúc đã được lưu lại này.
Vô thức là nô bộc của bạn và nó ghi lại tất cả các sự kiện cùng cảm xúc tương ứng. Tuy nhiên, nếu như cảm xúc của bạn bị lạc lối, không thích đáng hoặc có hại như trong ví dụ trên, thì vô thức sẽ gây tác hại đến bạn chứ không giúp ích được gì trong tương lai.
Thực chất, có một sự thật rất khó chấp nhận về vô thức là chúng ta thường phân định một điều là đúng hay sai dựa trên những cảm giác xuất hiện bên trong con người mình. Quay lại với ví dụ trên, nếu cảm giác về việc giết chóc gắn liền với cảm xúc tích cực trong bạn thì việc săn đuổi sẽ được ghi nhận như nguồn gốc mang đến hạnh phúc. Khi đủ điều kiện, sự vô thức sai lầm ban đầu để phân định giữa điều có hại và điều tích cực này sẽ quay trở lại ám ảnh bạn.
“Những kẻ ngu muội, không có hiểu biết là kẻ thù của chính mình vì khi sống, họ làm việc ác thì sẽ phải chịu quả đắng.”
- ĐỨC PHẬT
Nếu bạn là người có lòng từ bi với mọi tạo vật và chẳng may bạn đâm phải một con thỏ trên đường thì sự thương cảm và niềm hi vọng rằng chuyện này không bao giờ lặp lại sẽ là những cảm xúc tích cực xuất hiện trong bạn được ghi lại trong vô thức. Một chuyện không may mắn thế này sẽ không mang lại kết quả trái mong đợi cho cuộc đời bạn.
Tâm trí nhận thức và vô thức làm việc hoàn toàn tách biệt. Ngay cả khi đang ở trong tình huống mà chúng ta biết rằng sẽ làm ta đau đớn, những cảm xúc đã từng gặp trong tình huống tương tự sẽ thắng thế. Một người nghiện rượu có thể biết rằng rượu làm anh ta trở nên tệ hại và anh ta ước gì mình có thể dừng lại, nhưng vô thức vẫn lưu giữ niềm thích thú khi uống rượu của anh ta trong bao nhiêu năm qua. Tư duy hoạt động dựa trên những cảm xúc này và vì thế anh ta khó mà bỏ được rượu.
Rất nhiều phụ nữ vẫn duy trì mối quan hệ bị lạm dụng dù họ nhận ra rằng nó khiến họ đau đớn. Họ sẽ tiếp tục làm vậy chừng nào cảm giác vô thức sâu sắc trong họ về tình yêu vẫn còn mạnh hơn mệnh lệnh từ bỏ mà nhận thức và tư duy logic bảo với họ. Suy nghĩ được nhận thức đầy đủ này sẽ không có chút sức mạnh nào cho đến khi tình yêu tàn lụi. Người phụ nữ ở trong tình huống này thường là nạn nhân trong những vụ bạo hành đã xảy ra từ lâu trước đó. Có thể từ thời thơ ấu hoặc một quãng đời đã qua, cảm giác về bạo hành vẫn gắn liền với ý tưởng về tình yêu đối với họ. Vô thức ghi lại cảm giác này và đánh đồng điều tai hại này với tình yêu.
Một điều rất thông thường là khi đi qua một tai nạn thương tâm, người lái xe thường đi chậm lại để có thể nhìn trọn vẹn cảnh tan tành đó. Khi làm vậy, vô thức đã ghi lại cảm giác này, có thể là sung sướng hay phấn chấn vì chứng kiến những đau đớn, mất mát này. Và tất nhiên vô thức sẽ học được rằng đây chính là điều có thể gây hưng phấn và thiết lập những sự việc tương tự đến với cuộc đời bạn. Đó quả thực là một viễn cảnh đáng sợ, phải không nào?
MẸO NHỎ GIẢI QUYẾT CƠN SUY SỤP CỦA VÔ THỨC
Bạn có thể sử dụng một mẹo đơn giản để giúp vô thức của mình không mắc phải chiếc bẫy và tránh tiếp nhận những hành xử tiêu cực có hại: giúp đỡ mọi người. Nếu bạn chứng kiến một tai nạn, hãy chủ động dừng lại và giúp đỡ những người liên quan một cách hoàn toàn vô tư. Bằng cách này, vô thức của bạn sẽ nhìn thấy sự đau đớn và nhận ra nó một cách rõ ràng rằng đó là điều nó không muốn trải qua lần nữa. Vô thức của bạn cũng sẽ thấy được điều tốt đẹp trong việc giúp đỡ người khác và nó sẽ bắt tay vào việc tạo ra những cơ hội để điều tốt đẹp đó quay trở lại với bạn.
Bạn có thể nhận ra cách một số người – đôi khi có thể cả bản thân bạn – tỏ ra rất hào hứng với tiêu đề tin tức tiêu cực về một vụ tai nạn thảm khốc cũng như khi chứng kiến cảnh một chiếc xe vỡ tan tành. Tò mò như vậy cũng nguy hiểm vì những lí do tương tự. Hầu hết mọi người đều thấy thích thú khi nghe về vụ li dị của một người nổi tiếng hơn là những hoạt động từ thiện như Warren Buffett đã tặng 37 tỉ đô la cho quỹ Bill Gates chẳng hạn. Hầu hết mọi người đều thích cuốn tạp chí có trang bìa in hình các cô nàng gợi cảm hơn là chân dung nhà tư tưởng vĩ đại hoặc nhà từ thiện lớn. Khi chúng ta đã hiểu rằng vô thức của mình sẽ ghi lại niềm vui hay sự hứng thú theo cách này thì chẳng có gì là ngạc nhiên khi những ám ảnh dục vọng và chiến tranh xảy ra liên tiếp trong thế giới hiện nay của chúng ta.
Ý thức hệ của một xã hội được phản ánh trong các chương trình TV hay những bộ phim mà người dân của họ xem. Rất nhiều bộ phim hay với thông điệp tích cực không thể bán được ở một số thị trường bởi vì đa số người dân ở đất nước này suy nghĩ tiêu cực. Trong cuốn Bí mật, tác giả Rhonda Byrne nói rằng bà không còn xem tin tức trên TV hay đọc tạp chí nữa vì các phương tiện truyền thông này đã thấm đẫm tư tưởng tiêu cực. Hãy nhớ rằng suy nghĩ tiêu cực sẽ thu hút những điều tương tự cho cuộc sống của bạn.
Khi người khác thành công, hãy kiểm soát đầu óc mình thật cẩn trọng để đảm bảo rằng nó không gợi lên cảm giác ghen tị hay những sắc màu tiêu cực về người đó. Nếu bạn có một chút nào oán giận hay mất tự tin vì thành công của người khác, vô thức của bạn sẽ ghi nhận lại và chắc chắn bạn sẽ không thể thành công được vì thành công đồng nghĩa với đau đớn.
Khi người khác được thăng chức, kiếm được hàng triệu đô la trong kinh doanh hay đạt được bất kỳ một thành công nào, hãy để trái tim bạn ngập tràn tình yêu và vui mừng cho họ như chính bạn hay con cái mình đạt được thành công này. Hãy tự hào về thành công của họ. Hãy chỉ tạo ra những cảm xúc tích cực bên trong con người mình. Như thế, bạn đã bảo với vô thức của mình rằng bạn cũng muốn những điều này. Đó là cách để nói rằng: Hãy mang ngay những điều đó đến cho tôi!
Cầu chúc thành công cho người khác thậm chí còn có sức mạnh lớn hơn tôn vinh may mắn của những người đã từng thành công. Điều đó sẽ làm bạn vui sướng, hạnh phúc và vô thức của bạn sẽ đón nhận những chỉ dẫn đúng đắn. Giống như một chiếc boomerang(1), năng lượng tích cực và những điều ước tốt đẹp bạn trao tặng cho người khác sẽ quay lại với bạn.
CHO ĐI CÀNG NHIỀU BẠN SẼ NHẬN ĐƯỢC CÀNG NHIỀU
Rất nhiều người bối rối với ý tưởng cho đi càng nhiều bạn sẽ nhận được càng nhiều. Làm sao có thể như thế? Suy nghĩ thông thường là nếu bạn cho đi một thứ gì đó, bạn sẽ có nó ít đi và vì thế bạn sẽ nghèo hơn. Chân lý vẫn luôn là chân lý bởi vì hạnh phúc bắt nguồn từ sự cho đi. Khi chúng ta chứng kiến niềm vui từ hành động chia sẻ một điều gì đó với người khác, vô thức của ta sẽ nhận thức là hành động đó sẽ đem lại hạnh phúc. Từ đó, vũ trụ của chúng ta sẽ đầy ắp những ban tặng. Sống trong một thế giới ngập tràn tinh thần hào hiệp như vậy nghĩa là chúng ta cũng sẽ trở thành người đón nhận. Một nhà hảo tâm vĩ đại với những khoản quyên góp lớn cho quỹ từ thiện luôn cảm thấy những gì họ có là đủ. Khi nhận ra mình đã đủ giàu có, chúng ta sẽ giúp tạo dựng nền móng mang lại thành công cho cuộc sống của chính mình.
“Bạn không thể nhận được thứ mà bạn không cho đi. Dòng chảy ra quyết định dòng chảy vào. Những gì bạn nghĩ rằng thế giới không ban tặng bạn, thực chất bạn đã có nó nhưng bạn chỉ nhận ra điều ấy khi bạn chấp nhận cho nó đi.”
-ECKHART TOLLE,
Một trái đất mới,
(A new earth)
Những người tích cực và luôn mang tặng mọi người những gì tốt nhất của mình thường gắn kết với nhau. Nếu bạn gặp được những người này, bạn sẽ thấy họ luôn có nhiều người bạn giống như mình. Họ luôn vui sướng được giúp đỡ người khác. Bằng cách này, họ đảm bảo rằng luôn có ai đó sẵn sàng giúp họ khi cần. Nếu bạn giúp đỡ một người bạn trong thời điểm ngặt nghèo, bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ như vậy khi bạn cần đến nó.
Người làm việc trong lĩnh vực tài chính hay trong chính phủ thấu hiểu sự cân bằng cơ bản khi một nguồn đầu tư nhỏ có thể đem lại lợi tức lớn gấp nhiều lần. Các nhà kinh tế học cũng hiểu rằng đầu tư vào khu vực kinh tế tư nhân sẽ thúc đẩy sự phát triển và giúp chính phủ tạo ra mức thu nhập cao hơn nhờ nguồn thuế. Khi chính phủ đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ giống giao thông công cộng chẳng hạn, có thể đó là một khoản đầu tư vĩ đại nhưng hứa hẹn mang lại lợi ích khổng lồ. Thêm nhiều tuyến tàu điện ngầm nghĩa là giảm bớt tiêu dùng khí ga và khoản tiền tiết kiệm được từ việc này sẽ quay lại thúc đẩy nền kinh tế theo chiều hướng có lợi với nhà đầu tư ban đầu. Nếu bạn nhận thức được kết quả trước rồi mới bắt tay làm việc ngược trở lại như chúng ta đã thảo luận trước, bạn sẽ thấy rằng càng đầu tư nhiều thì lợi nhuận càng nhiều.
KẾT QUẢ CỦA VÔ THỨC
Người đạt được mức độ giác ngộ tinh thần cao hoặc có thể nhìn thấy chân lý ở mức sâu sắc hơn sẽ có khả năng nhận ra mối liên hệ trong quá khứ giữa mọi người. Rất nhiều gia đình trong kiếp sau vẫn là gia đình, có chăng chỉ là sự thay đổi vai trò trong họ. Hãy nghĩ về những người trong cuộc đời bạn như các thành viên trong đoàn kịch; họ sẽ thay đổi vai diễn từ vở này sang vở kia nhưng họ vẫn luôn ở bên nhau. Vòng quay sẽ không bao giờ chấm dứt cho đến khi chúng ta lỡ rơi mất một chi tiết nào đó. Vấn đề là tư duy nhận thức của chúng ta chết đi cùng não bộ còn vô thức vẫn sống tiếp. Vậy nên những quyết định đã được nhận thức của bạn sẽ không liên quan nữa. Cảm xúc ẩn giấu trong vô thức mới quyết định kiếp sau của bạn.
Tuy nhiên, bạn không cần phải nghĩ vượt ra ngoài kiếp sống này để nắm bắt được sự thật của nguyên lý cơ bản ấy. Hãy nghiên cứu những vòng quay đau khổ diễn ra trong cuộc sống của mình. Chúng ta có thể có được ý tưởng rõ ràng về cách thức hoạt động của vòng quay này khi nhìn vào nghi lễ nhập môn kinh khủng của một số hội sinh viên ở các trường đại học. Sinh viên năm nhất sẽ phải chịu rất nhiều thử thách tàn khốc và họ chỉ có niềm an ủi duy nhất là một ngày nào đó, mình cũng thành sinh viên năm cuối và có thể bắt một sinh viên non nớt nào đó chịu đựng những thử thách này. Chúng ta bước đi trong một vùng nước dữ khi niềm vui của mình đến từ mồ hôi nước mắt của người khác. Vòng quay này sẽ tiếp tục cho đến khi nhóm sinh viên năm cuối họp nhau lại và đặt một dấu chấm hết cho việc làm điên rồ này. Các vòng quay như vậy tiếp diễn liên tục trong xã hội, trong gia đình và thậm chí ngay trong những cuộc đối thoại cá nhân. Một trong những vòng quay khó khăn nhất có thể giải phóng con người liên quan đến dục vọng quá mức. Chúng sẽ tiếp tục cho đến khi chúng ta nhận ra nỗi đau khổ không dứt bắt nguồn chính từ những dục vọng này, vứt bỏ chúng rồi bước tiếp.
VÔ THỨC LÀ ĐỘNG CƠ CỦA CUỘC SỐNG
Vô thức là sức mạnh của cuộc sống. Nó liên kết tâm trí ở một mức độ sâu hơn, ảnh hưởng đến bản năng, định hướng các kích thích tố (hormone), khơi dậy trí tưởng tượng, quyết định tâm trạng, mang lại lòng tin, cảm hứng cho chúng ta và cuối cùng quyết định cuộc sống ở kiếp sau của chúng ta sẽ như thế nào. Vô thức thực sự làm việc ở một chiều không gian cao hơn, nó có quyền năng tạo ra rất nhiều điều đáng kinh ngạc trong cuộc sống của chúng ta.
Tuy nhiên hãy nhớ rằng vô thức ghi nhận thông tin về cảm xúc ở cấp độ trừu tượng chứ không dựa trên những hiện thực vật lý chúng ta lĩnh hội từ thế giới. Vô thức không thể xác định được sự khác biệt giữa số lượng tiền khác nhau nhưng nó hiểu được cảm xúc của bạn. Nếu một người quyên góp một đô la cho quỹ từ thiện cũng cảm thấy vui vẻ như một người quyên góp 10.000 đô la, dấu ấn ghi lại trong vô thức trong hai trường hợp là như nhau.
“Nếu một người làm việc thiện,
Hãy để họ lặp lại việc đó,
Hãy để họ nhận ra niềm vui trong ấy,
tích lũy điều thiện, mang lại hạnh phúc.”
-ĐỨC PHẬT
Nếu bạn muốn học hỏi thuộc tính tích cực ở người khác thì không nên tập trung vào khía cạnh vật lý của chúng. Nếu bạn đua đòi theo diễn viên ưa thích của mình bằng cách ăn mặc và đi đứng giống hệt họ thì bạn cũng không đạt được thành công như họ. Điều bạn cần tập trung vào là những phẩm chất bên trong, như lòng tin, tính siêng năng, sự can đảm hay tinh thần bác ái của họ. Chính những phẩm chất này đã mang lại thành công và giúp họ trở thành thần tượng của cả thế giới chứ không phải một khuôn mặt đẹp.
Vô thức không chỉ lưu giữ cảm xúc mà còn cả hình ảnh. Tuy nhiên, lưu lại hình ảnh về tương lai – một trong những mục đích của chúng ta ở đây – khó hơn rất nhiều so với việc lưu giữ những gì thuộc về quá khứ. Tương lai thường không rõ ràng trong đầu óc của chúng ta. Nếu bạn mong chờ một mối quan hệ hoàn hảo, hãy hình dung về người mà bạn mong muốn trong đầu. Phác thảo những đặc điểm chính xác của người mà bạn muốn có trong cuộc đời mình: hình dung, đức hạnh, sự giàu có và tình cảm của họ… Hãy gợi đi gợi lại những hình ảnh này và thấm vào đó cảm xúc tốt đẹp cho đến khi chúng trở nên rõ nét. Khi ấy, nó sẽ ghi dấu trong vô thức của bạn và vũ trụ sẽ vận hành phần việc còn lại cho bạn.
HÒA NHẬP VỚI CUỘC SỐNG BẠN MONG MUỐN
Vũ trụ giống như một tháp truyền hình với tất cả những tần sóng tưởng tượng còn chúng ta thì như màn hình ti vi. Bạn muốn điều gì hiện ra trên màn hình của mình? Cũng như khi bạn muốn xem một chương trình âm nhạc, bạn bật kênh âm nhạc, nếu muốn xem tin tức bạn sẽ bật Thời sự, bạn cũng phải lựa chọn kênh có tương lai mà bạn mong muốn. Nếu kênh của bạn bật đúng, nó sẽ thành hiện thực. Lý thuyết Nhiều Thế giới (Many World Theory) của vật lý lượng tử bảo chúng ta rằng những chuyện có thể xảy ra đều đồng thời diễn ra ở thời điểm hiện tại, nhưng chúng ta chỉ đang sống ở một trong những hiện thực này. Vì thế, hãy lựa chọn tần số của thế giới mà bạn mong muốn. Bạn có quyền và có khả năng này. Bạn là người đóng vai chính.
Nếu bạn đang ở nhà và muốn nghe nhạc thư giãn, nhiều khả năng bạn sẽ chọn kênh nhạc jazz hay các thể loại nhạc dễ cảm thụ khác. Khi bạn muốn nghe nhạc mạnh, bạn sẽ chọn kênh nhạc rock. Chúng ta có thể chọn bất kỳ điều gì chúng ta muốn trong cuộc đời mình: hình dáng, hương vị, âm thanh và chất liệu. Khi bạn áp dụng Luật Hấp Dẫn và để các giác quan của mình biết những gì bạn nghĩ, bạn đã đến được với một chiều tiếp cận khác của chân lý. Chúng ta có thể nhận ra rằng vũ trụ nằm trong chính bản thân mình, không phải là một con đường nào khác.
“Sự khác biệt giữa tính khách quan và chủ quan đã bị xóa bỏ. Nếu vật lý hiện đại đưa chúng ta đến bất cứ nơi đâu, ta sẽ quay lại với chính bản thân mình…”
-GARY ZUKAV,
Những vũ sư Vô Lý,
(The Dancing Wu-Li Masters(1)
Tư duy có nhận thức của chúng ta thường gặp khó khăn khi phải nắm bắt vô thức vì hai công việc này hoàn toàn phân biệt. Nhiều nhà phát minh vĩ đại mà các khám phá của họ đã thúc đẩy loài người tiến nhanh về phía trước, như Thomas Edison chẳng hạn, thường không hiểu vì sao họ có thể có được những ý tưởng này. Một vài người trong đó còn tin rằng họ chẳng nghĩ ra gì cả, tất cả đều nhờ vào một thế lực siêu nhiên nào đó. Rất nhiều vận động viên nổi tiếng cũng nói rằng tài năng của họ là được Chúa ban tặng. Những nghệ sĩ có được cảm hứng sâu sắc khi đang vẽ hay chạm khắc cũng tin rằng sức mạnh sáng tạo dẫn dắt bàn tay họ đến từ một nơi thần bí. Những ca sĩ mà giọng hát có thể hàn gắn và lay động tâm hồn người nghe cũng tin rằng đó là món quà của Đấng Bề Trên.
Tôi không có ý định hạ thấp những trải nghiệm quý giá này. Ngược lại, điều mà tôi muốn làm sáng tỏ chính là sức mạnh cảm hứng kỳ lạ của những sáng tạo này không bắt nguồn từ bất kỳ một nơi nào đó ngoài kia – bạn không cần phải cầu xin bất kỳ nguồn năng lượng nào bên ngoài để có được chúng – chúng đến từ chính bên trong bạn.
Vô thức nắm giữ sức mạnh này, hơn nữa, chúng là một sức mạnh vô hạn và vĩnh cửu. Vô thức ghi nhận thông tin từ hàng ngàn kiếp sống của ta và nó tạo nên hiện thực ngày-qua- ngày của bạn. Tư duy nhận thức không thể nhìn thấy công việc của vô thức nên không có gì đáng ngạc nhiên khi nó sẽ tìm kiếm những gì nằm ngoài bản thân – ví dụ như một đức thánh thần nào đó – để lý giải vì sao mỗi người lại có tài năng và sai lầm khác nhau.
Sức mạnh vô hạn của vô thức không gói gọn trong cuộc đời của bản thân chúng ta, nó còn có ảnh hưởng đến hành động của người khác. Thôi miên là một lĩnh vực thể hiện rõ ràng ảnh hưởng của vô thức lên cuộc đời mỗi người. Đó không phải chỉ là việc một người đung đưa chiếc đồng hồ quả lắc trước mặt bạn và lặp đi lặp lại rằng: “Bạn sắp ngủ…” Thôi miên ở mức độ tinh vi hơn diễn ra thường xuyên. Chúng ta vẫn thôi miên người khác và mọi người cũng làm như vậy với chúng ta. Nhà quảng cáo hiểu điều này. Đó là lí do vì sao họ sử dụng kỹ thuật lặp đi lặp lại; họ muốn chắc chắn rằng họ đã đánh trúng đích khi vô thức của bạn đang đón nhận. Đó chính là thôi miên.
Người biết khai thác sức mạnh của vô thức bằng cách này có thể áp dụng chúng để cải thiện đáng kể cuộc sống của mình. Một số người có khả năng này, ví dụ như đặt được “đồng hồ báo thức tinh thần” chẳng hạn. Những người này khi cần dậy sớm để bắt kịp một chuyến bay chỉ cần ra lệnh cho vô thức đánh thức mình vào một giờ xác định. Bắt đầu một ngày bằng cách nhẹ nhàng thế này rõ ràng dễ chịu hơn rất nhiều so với việc bị cắt ngang giấc mơ bởi một chiếc đồng hồ báo thức om sòm.
Quãng thời gian trước khi ngủ rất quan trọng vì trong thời gian đó, cánh cửa dẫn đến vô thức của chúng ta mở và đóng liên tục. Vậy nên nếu bạn vẽ nên một bức tranh tâm lý rõ ràng về mục tiêu tương lai trước khi ngủ, vô thức chắc chắn sẽ lưu nó lại.
VÔ THỨC CẦN ĐẾN TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CỦA BẠN
Vì sao vô thức lại cần đến trí tưởng tượng của bạn? Như chúng ta đã thảo luận, vô thức không đón nhận thông tin từ thế giới ba chiều mà chúng ta cảm nhận bằng năm giác quan của mình. Nó chỉ đón nhận ấn tượng mà chúng ta có được thông qua các hình ảnh tâm lý chúng ta dựng nên và những cảm xúc mà chúng ta trải qua. Những người có trí tưởng tượng nghèo nàn sẽ khó mà có thể phát triển được.
“Đối với tôi, công việc chủ yếu luôn nằm trong trí tưởng tượng. Nếu một việc không thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào thì ở đây, ở trí tưởng tượng, sẽ là nơi duy nhất nó có thể trở thành hiện thực trong mối quan hệ qua lại chặt chẽ với tiềm thức.”
-DANIEL DAY LEWIS,
tạp chí List
Vì vô thức không thể phân biệt giữa hình ảnh tâm lý bắt nguồn từ trải nghiệm thực tế với những gì được xây dựng nên trong tâm trí chúng ta, những hình ảnh tâm lý mà bạn có thể xây dựng để đạt được thành công của mình sẽ đưa bạn đến đích gần hơn. Ví dụ như bạn có thể biết rõ vị trí của lối thoát hiểm ở nơi làm việc nhưng nếu bạn không dựng nên một bộ phim tâm lý về cách chính xác bạn sẽ thoát hiểm trong một trận hỏa hoạn thì khi sự việc thực sự xảy ra, có thể bạn sẽ đông cứng lại vì sợ. Những người biết áp dụng sức mạnh của vô thức sẽ vẽ nên trong đầu họ bức tranh tâm lý về con đường thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp, hình dung rõ ràng từng bước đi trên đường. Họ không cần phải ghi nhớ điều gì trong trường hợp khẩn cấp thực sự bởi vì vô thức đã biết điều đó từ trước.
Hãy tập luyện tạo nên hình ảnh tâm lý về các tình huống tương lai. Hãy tự mình đi từng bước qua những kịch bản này. Đôi khi bạn có thể luyện tập trong thực tế để những hình ảnh tâm lý của mình trở nên rõ ràng hơn, ví dụ như tham gia một buổi diễn tập phòng chống hỏa hoạn chẳng hạn. Tuy nhiên, bạn cũng không cần phải thực sự tập luyện một cách thể chất – tất cả những gì bạn cần là trí tưởng tượng của mình.
Đôi khi, vô thức làm mọi việc không cần một nỗ lực nào bất kể là từ nhận thức hay cảm nhận. Những người mộng du có thể dọn dẹp nhà cửa hoặc gọi điện cho bạn bè mà không có chút ý thức nào về việc mình đang làm. Vô thức không bao giờ ngừng ghi nhận thông tin ngay cả khi chúng ta ngủ. Chúng ta có thể không ghi nhớ giấc mơ của mình nhưng tâm trí vô thức thì luôn ghi lại.
Một kẻ trộm nhà băng có thể từ bỏ ý định của mình bởi một giấc mơ vào đêm hắn định tiến hành vụ trộm. Nếu hắn mơ thấy bị cảnh sát bắn và bí mật giữ lại cảm giác rằng đó là định mệnh của mình, hắn rất có thể biến chuyện đó thành sự thật. Hắn không thể thức dậy và rũ bỏ suy nghĩ đó, như thế, vô thức đã làm việc hiệu quả.
TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH CỦA VÔ THỨC
Cảm giác không phải phần việc của não bộ mà là của vô thức. Có một người bị bắn vào đầu và mất đi một phần đáng kể não bộ. Khả năng tư duy của anh ta bị ảnh hưởng nhưng năng lực sáng tạo và cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn. Người bệnh bị chứng Alzheimer mất khả năng suy nghĩ nhưng cảm xúc về niềm vui hay sự tức giận vẫn mạnh mẽ như trước khi bị bệnh.
Thời gian và địa điểm không thể giới hạn cơ hội thành công vì vô thức của bạn làm việc ở một tầm cao hơn. Vô thức hành động như một đạo diễn khi bạn viết kịch bản cho cuộc đời mình. Nếu bạn nghĩ ra một kịch bản, trong đó bạn sẽ gặp được tình yêu đích thực của mình, vô thức sẽ bắt đầu công việc tổ chức ra thời gian, địa điểm của cuộc gặp gỡ đó và sẽ tương đồng với “kịch bản” ban đầu của bạn đến kinh ngạc. Nhưng bạn phải tin tưởng vào sức mạnh của câu chuyện bạn dựng nên. Giống như một bộ phim, nếu diễn viên mất lòng tin vào đạo diễn, công việc của anh ta sẽ thất bại. Đạo diễn cũng không thích điều này khi chúng ta thất hứa. Khi bạn nói với vô thức của mình, ví dụ rằng bạn sẽ tự thưởng cho mình một kỳ nghỉ trong khi sắp đến hạn trả nợ và bạn không thể đi được, vô thức sẽ không tin bạn lần nào nữa.
Vô thức thích phần thưởng. Hãy nhớ tổ chức ăn mừng thành công hay kỷ niệm những điều quan trọng đối với bạn. Niềm vui lớn sẽ khiến vô thức của bạn đón nhận, lưu lại cảm giác hạnh phúc và sẽ ghi nhớ những hình ảnh đã mang lại cảm xúc tích cực đó cho bạn.
Có thể trong một thời gian dài bạn đã có một giấc mơ và rồi từ bỏ nó. Điều đó không có nghĩa rằng nó sẽ không thành sự thật trong tương lai. Bạn phải nhen lại niềm tin của mình. Đôi khi có thể mất tới hàng năm trời hoặc cả thập kỷ để một giấc mơ khai hoa kết quả. Sự thật là Michelangelo đã xây dựng nên Giáo Đường của Thánh Peter vào năm ông 72 tuổi.
Hãy thường xuyên nuôi dưỡng vô thức của mình hết sức có thể và lưu giữ, thu thập những cảm xúc cũng như các hình ảnh tâm lý của bạn cho đến thời điểm nó đủ mạnh để biến chúng thành hiện thực. Việc này giống như chờ đợi một quả trứng nở thành chú chim non: lòng kiên nhẫn là điều thiết yếu vì chú chim non chỉ xuất hiện khi đã hội tụ đủ các điều kiện cần thiết. Nhà vật lý ưu việt Niels Bohr(1) nói rằng cấu trúc nguyên tử của ông, thứ đã tạo nên một cuộc cách mạng khoa học trên thế giới và là cơ sở của hầu hết các công nghệ hiện đại ngày nay, bắt nguồn đơn giản từ giấc mơ. Nó trở thành hiện thực khi đến đúng thời điểm.
Người có thể để những cảm xúc trong sâu thẳm bản thân mình xuất hiện sẽ đạt được thành công lớn. Những họa sĩ bậc thầy để năng lượng cảm xúc của họ chảy tràn qua nơi sâu thẳm nhất của trái tim và tâm hồn mình trước khi cầm cọ. Đó là nơi cảm hứng thực sự xuất hiện – không phải từ năm giác quan mà chúng ta quan sát được. Các tác phẩm vĩ đại đều được bắt nguồn từ vô thức.
“Nơi nào tinh thần không làm việc cùng bàn tay, nơi đó không có nghệ thuật.”
-LEONARDO DA VINCI,
họa sĩ, nhà phát minh người Ý
Suy nghĩ bước vào thế giới của vô thức dễ dàng khi chúng ta ở trạng thái thôi miên hoặc khi sự tập trung của ta đang bị lôi cuốn hoàn toàn. Các nhà thôi miên sẽ yêu cầu bạn nhìn theo một con lắc đong đưa hay hình dung ra những thứ phức tạp để bạn có thể tập trung trọn vẹn. Khi đến đúng thời điểm, chúng có thể đưa ra những gợi ý cho vô thức. Benjamin Franklin thấu hiểu sức mạnh của sự đánh thức vô thức. Ông thường để mình trôi vào trạng thái thôi miên bằng cách quay hai quả bóng nhỏ trong bàn tay mình khi nằm trên giường. Rất nhiều ý tưởng sâu sắc đã xuất hiện trong đầu ông bằng cách này.
Vô thức của một đứa trẻ được mở ra rất dễ dàng nhưng khi đứa trẻ ấy lớn lên, tất cả mọi trải nghiệm trong cuộc đời sẽ dựng nên một bức tường bao quanh vô thức ấy. Người trưởng thành thường không dễ gì cởi mở trái tim mình và để người khác nhìn thấu vào bên trong họ. Điều này chỉ xảy ra khi họ đang đau khổ tột cùng hoặc hân hoan cực điểm. Khi người khác đang ở trong trạng thái này, hãy chắc chắn là bạn thể hiện được sự cảm thông sâu sắc hoặc lời chúc mừng của mình đến họ, giúp đỡ họ, hoặc làm bất kỳ điều gì thích hợp với tình huống cụ thể đó. Đó là thời điểm mà vô thức của một người có thể đón nhận và coi trọng nghĩa cử này nhất. Tạo nên các mối liên hệ vào những lúc như thế sẽ có ích với họ và lưu lại trong họ ấn tượng về bạn cho đến tận cuối đời. Những hành động ngược lại, ví dụ như lấy đi đồng xu cuối cùng của một người vừa phá sản hoặc không tham dự đám cưới của một người bạn thân để lại những ấn tượng sau này sẽ ám ảnh bạn. Hành động kiểu này thậm chí còn có thể khiến bạn rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Con người thường liên kết với nhau trong cơn khủng hoảng. Những người lính trên chiến trường có thể đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng ở thời điểm tai họa đang bủa vây xung quanh, vô thức của họ hoàn toàn cởi mở và họ sẽ liên kết với nhau một cách sâu sắc. Rất nhiều liên hệ bền chặt trong cuộc đời một con người bắt nguồn từ quãng thời gian thử thách như vậy.
NÊN SỬ DỤNG VÔ THỨC NHƯ THẾ NÀO?
Năm giác quan của chúng ta gửi tín hiệu đến não bộ khi chúng có liên hệ với thế giới bên ngoài. Tư duy nhận thức, chủ yếu liên hệ với chức năng của não, sẽ sử dụng trí nhớ để phiên dịch thông tin mới và cho chúng ta biết nó là gì. Người có đầy đủ các giác quan sẽ có thể phiên dịch được những sự vật hiện tượng họ bắt gặp trong thế giới không gian ba chiều của chúng ta.
Như chúng ta đã biết, vô thức không tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài. Như thế có nghĩa là chúng không lưu giữ quy ước bằng ngôn ngữ. Cuốn Bí mật tập trung vào một điểm quan trọng là chúng cảnh báo ta phải rất thận trọng với các từ: “không”, “đừng.” Vô thức không thể ghi nhớ câu phủ định, chỉ lưu lại cảm xúc. Nếu như bạn nói hay nghĩ, “Mình không muốn nghèo khó” thì vô thức sẽ chỉ ghi lại cảm giác về sự nghèo khó. Khi chúng ta nghĩ, “Mình không muốn mất công việc này,” thì chỉ có cảm giác về tình trạng thất nghiệp được lưu lại. “Mình không muốn bị ốm” là suy nghĩ gắn liền với cảm giác về bệnh tật.
Tránh rơi vào những chiếc bẫy này rất đơn giản – bạn chỉ việc không bao giờ nghĩ về điều bạn không muốn. Nếu bạn không muốn gặp người độc ác, đừng nghĩ đến họ! Nếu bạn làm thế, suy nghĩ về sự nhẫn tâm sẽ lưu lại trong vô thức của bạn. Thay vào đó, bạn nên tập trung suy nghĩ của mình vào việc gặp gỡ những người điềm tĩnh và thân thiện hơn. Nếu bạn lo lắng về cân nặng của mình, hãy nghĩ tích cực về cơ thể mà bạn muốn chứ đừng chán nản về cơ thể bạn có. Nếu bạn không muốn bạn bè mình trễ hẹn, hãy bảo họ đến đúng giờ. Nếu bạn không muốn thua cuộc, hãy chỉ tập trung vào chiến thắng. Một vị tướng đã nói với quân của mình: “Chúng ta sẽ không bại trận” - câu nói ấy sẽ thu hẹp cơ hội chiến thắng vì đã gieo vào tâm trí những người lính cảm giác về thất bại.
Có vô số ví dụ về điều này nhưng tất cả đều khẳng định tính đúng đắn của luận điểm quan trọng mà chúng ta đã thảo luận: luôn suy nghĩ tích cực. Có điểm tích cực và tiêu cực trong mọi điều xung quanh chúng ta - giống như mặt phải và mặt trái của một đồng xu. Hãy đảm bảo rằng đồng xu của bạn luôn hướng mặt phải lên trên. Hãy tập trung vào sự trung thực thay cho sự lừa dối; thực tế, nếu bạn loại bỏ hoàn toàn những từ như “căm ghét” hay “dối trá” ra khỏi đầu mình, bạn sẽ thấy xung quanh mình toàn người thân thiện và trung thực. Nếu bạn không loại bỏ được chúng, vô thức chắc chắn sẽ ghi lại thông tin này và đến một lúc nào đó, chúng có thể mang đến kết quả không mong muốn cho tương lai của bạn.
Jack Canfield đã từng chia sẻ trong cuốn Bí mật về chuyện mẹ Teresa từ chối không tham gia biểu tình chống chiến tranh. Bà bảo rằng bà sẽ chỉ tham gia những cuộc tuần hành vì hòa bình.
Nếu bạn luôn nói với mọi người một cách tích cực và suy nghĩ của bạn phản ánh trung thực tư duy của mình, bạn sẽ nhận ra rằng cách suy nghĩ này sẽ thấm sâu vào tính cách của bạn.
Bạn sẽ trở thành một người tốt và cuộc sống của bạn sẽ luôn tràn ngập những điều tốt nhất cùng những con người tốt nhất.
Chương 4: Những điều tối mật
SỨC MẠNH CỦA VÔ THỨC
Vô thức là một cơ sở dữ liệu rất mạnh, hoạt động cao hơn tư duy nhận thức. Nó chỉ ghi lại những suy nghĩ, hình ảnh, cảm xúc lặp đi lặp lại, không tiếp nhận bất cứ thông tin nào từ năm giác quan thể chất. Vì thế, nó không hiểu được giá trị hoặc số lượng như các giác quan thể chất kia mà chỉ thấu hiểu sức mạnh của những cảm xúc xuất hiện sau đó.
Ngôn ngữ và suy nghĩ là công việc của tư duy nhận thức và não bộ. Vô thức của chúng ta không hiểu ngôn ngữ, chỉ thấu hiểu cảm xúc và những hình ảnh mà lời nói dựng nên. Vì thế hãy tránh suy nghĩ về điều bạn không muốn với những từ như “không” hoặc “đừng” và bắt đầu suy nghĩ về điều bạn thực sự mong muốn.
Nếu bạn cảm thấy ghen tị với thành công của một ai đó nghĩa là bạn đã bảo với vô thức của mình rằng bạn không muốn thành công. Hãy để trái tim mình tràn ngập niềm vui khi người khác làm tốt và điều đó sẽ chuyển đến vô thức của bạn thông điệp đúng đắn rằng: tôi cũng muốn thành công.
Đừng thù hận. Làm hay nói điều xấu với người đã từng hại bạn sẽ khiến vô thức mang điều tương tự đến với bạn.
Nếu bạn thấy cáu kỉnh hay bực bội, hãy nhớ lại quãng thời gian hạnh phúc của mình. Ví dụ như nếu bạn đang gặp trục trặc trong gia đình, hãy nhớ lại quãng thời gian ấm áp và vui vẻ. Nó không chỉ xoa dịu tâm trạng của bạn mà còn xoay chuyển tình thế hoàn toàn.
Hãy để từng lời bạn nói ra đều tích cực và lưu chúng lại trong tâm trí bạn. Nếu làm theo quy tắc này, bạn sẽ thấy mình được sống giữa rất nhiều người tuyệt diệu và cuộc sống của bạn sẽ giàu có lên từng ngày bởi những điều tốt đẹp nhất mà cuộc sống có thể ban tặng.
Vô thức không thể phân biệt giữa một bức tranh tâm lý bắt nguồn từ trải nghiệm quá khứ với những gì chúng ta tạo ra liên quan đến tương lai. Bạn không cần thành công trong quá khứ mới có thể đạt được nó trong tương lai. Hãy sử dụng trí tưởng tượng của mình để tạo ra hình ảnh tâm lý rõ ràng về những điều bạn muốn có, vô thức sẽ ghi nhớ và biến nó thành hiện thực.
Bạn không nhất thiết phải quyên góp một số tiền khổng lồ cho quỹ từ thiện để trở thành một vị thánh. Hãy cho đi và giúp đỡ vào đúng thời điểm với cảm xúc đúng đắn.
Vô thức của bạn vẫn hoạt động ngay cả khi bạn ngủ, vì thế hãy suy nghĩ tích cực trước khi đi ngủ rồi thức dậy thật sảng khoái và tươi mới.
Hãy tránh những chương trình, bộ phim hay tin tức buồn. Nếu không thể tránh được thì hãy suy nghĩ tích cực và đưa ra giải pháp để cải thiện tình hình đó.
Vô thức tạo ra thói quen và cá tính của bạn, những điều khiến bạn là duy nhất dựa theo thông tin bạn lưu giữ trong cuộc đời mình và những gì đã qua. Để trở thành một người tốt đẹp hơn, bạn phải luyện tập thường xuyên thói quen tốt như tính kiên nhẫn, sự cần cù và thể hiện lòng trắc ẩn của mình với mọi người. Khi những phẩm chất này được lưu giữ trong vô thức của bạn, bạn sẽ suy nghĩ tích cực, cảm thấy tốt hơn và thu hút những gì bạn muốn đến với cuộc đời mình.