Cuốn Bí mật (The Secret) dạy bạn rằng nếu bạn mong muốn một điều gì đó thì bạn phải tuân thủ theo Quá Trình Sáng Tạo gồm ba bước yêu cầu, tin tưởng và đón nhận. Bạn cần phải yêu cầu thì cả vũ trụ mới biết điều bạn mong muốn. Sau đó, bạn cần tin tưởng rằng yêu cầu của bạn đã được chuyển đi, và bước cuối cùng, cũng là bước quan trọng nhất – đó là đón nhận, nghĩa là bạn phải khơi gợi được tất cả những cảm xúc tươi sáng, mãn nguyện và vui sướng đúng như khi điều ước của bạn đã thực sự trở thành sự thật. Trong ba bước của Quá Trình Sáng Tạo này, bước gây cản trở lớn nhất khiến cho mọi người khó lòng ứng dụng Bí mật thành công, chính là bước thứ ba. Hầu hết mọi người đều không gặp khó khăn gì khi Yêu cầu và Tin tưởng nhưng cách bạn Đón nhận đúng hay sai tạo ra sự khác biệt giữa thành công và thất bại trong mọi vấn đề: Sức khỏe, các mối quan hệ, tài chính, hay bất kỳ lĩnh vực nào mà bạn mong muốn cải thiện trong cuộc sống của mình.
Yêu cầu là định hình một mục đích rõ ràng. Đây chính là quá trình bạn khắc sâu điều mình mong muốn trong suy nghĩ. Khi bạn định hình mục đích của mình, bạn sẽ không cầu xin ân huệ của một vị thánh hay một đấng toàn năng nào nữa. Chúng ta tạo nên vũ trụ chứ vũ trụ không tạo nên được chúng ta. Nếu bạn chìm sâu trong những giấc ngủ không mộng mị và chẳng có một giác quan nào của bạn hoạt động thì không khác nào vũ trụ của bạn đã ngưng tồn tại. Tất cả những gì ở xung quanh mà chúng ta có thể nhìn thấy hoặc chạm được vào đều là có thực chỉ khi chúng còn liên hệ với giác quan nào đó của mình(1). Các loài vật khác nhau với nhiều mức độ cảm nhận sẽ có vô số góc nhìn khác nhau về thế giới. Ví dụ như các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, trong khi con người chúng ta bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của một vườn hoa rực rỡ sắc hương, thì các chú ong lại có thể nhìn thấy quang phổ ánh sáng rộng hơn, và nhờ thế, chính màu sắc hoặc đường nét của những bông hoa mà chúng ta không thể nhìn thấy được lại có chức năng như một tấm bản đồ hướng dẫn các chú tìm được đến với phấn và mật hoa.
“Càng tập trung nhiều vào một mục đích xác định, sẽ càng tận dụng được vô vàn các sự kiện trong không gian-thời gian để đạt được kết quả mà ta mong muốn.”
- DEEPAK CHOPRA,
Bảy quy tắc tinh thần của thành công (The Seven Spiritual Laws of Success)
Bước thứ hai của Quá Trình Sáng Tạo là Tin tưởng. Niềm tin là thứ bạn cần phải có trong bước này. Có niềm tin nghĩa là bạn phải nhận ra giá trị của những gì bạn đã yêu cầu, thực sự cảm thấy rằng nó sẽ làm bạn mãn nguyện và chắc chắn là mình sẽ nhận được nó. Điều này sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn vào mục đích của mình và đưa bạn tiến gần hơn đến đích. Niềm tin mang lại cho bạn khả năng cống hiến toàn bộ con người mình cho một điều duy nhất, và nó sẽ trở thành sức mạnh của sự tin tưởng. Hãy tin vào chính mình. Sự tự tin là bản chất của Đạo Phật và sức mạnh của nó thì không thể đánh giá hết được.
Ít yêu cầu và thiếu tin tưởng sẽ khiến bạn khó thành công. Có thể bạn tin rằng mình đã có được những gì mình khao khát, nhưng có lẽ bạn đã bỏ lỡ những cảm xúc khi bạn chạm được đến cái đích của mình. Ví dụ như việc kiếm được nhiều tiền hơn là mục tiêu của bạn và bạn tin rằng mình đã kiếm được nhiều tiền hơn thật, nhưng những cảm xúc này sẽ chẳng thấm vào đâu so với sự choáng ngợp mà bạn có nếu tự nhiên ai đó trao vào tay bạn một vali đầy ắp tiền mệnh giá lớn. Khả năng tập trung những cảm xúc này sẽ quyết định bước thứ ba, Đón nhận. Với bước cuối cùng này, bạn sẽ ghi sâu trong đầu những gì mà chúng ta thường gọi là hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc khi bạn đạt được mục đích của mình cùng với tất cả sự trân trọng và niềm vui sướng sẽ ùa đến với sự kiện có thực này. Vậy nên quan trọng là cần nhận ra rằng Quá Trình Sáng Tạo không chỉ đơn giản liên quan tới suy nghĩ mà còn đòi hỏi cảm xúc phải làm việc ở nhiều cấp độ khác nhau. Nó cần tới sức mạnh của những hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc.
NHỮNG HÌNH ẢNH SÁNG RÕ CỦA THÀNH CÔNG
Giấc mơ có trở thành hiện thực trong cuộc sống của bạn hay không phụ thuộc vào mức độ rõ ràng của thông điệp bạn gửi vào vũ trụ, nghĩa là hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc mà bạn tạo ra là gì. Những hình ảnh này, sự rung động và những cảm xúc dẫn dắt chúng, sẽ quyết định Luật Hấp Dẫn trở thành hiện thực như thế nào trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn có thể gợi lên những hình ảnh sáng rõ trong đầu rồi thổi vào đó cảm giác sâu sắc và mãnh liệt của bạn – cảm giác mong muốn đạt được mục tiêu, bạn đã gia tăng nhiều lần cơ hội biến ước mơ của mình thành sự thật.
Ai cũng có thể tưởng tượng mình đạt được mục đích hay có được một điều gì đó mà mình đã khao khát từ lâu. Giả sử như khi bạn nghĩ tới một chiếc ô tô trong mơ, bạn có thể gọi ngay lên trong đầu mình hình ảnh cụ thể của nó. Điểm tạo nên sự khác biệt giữa một mơ ước viển vông với việc biến ước mơ thành hiện thực – đặt bạn ở vị trí điều khiển chiếc xe trong mơ – chính là khả năng truyền cảm xúc vào những hình ảnh tâm lý này. Hình ảnh đó càng rực rỡ và giàu cảm xúc trong đầu bạn bao nhiêu thì nó sẽ càng rõ ràng bấy nhiêu cho đến khi nó thực sự hiện ra trong cuộc sống của bạn.
Tất cả các loài động vật có vú – lợn, chó, khỉ hay con người – đều có những hình ảnh tâm lý. Điểm khác biệt giữa chúng ta và các giống loài khác chính là khả năng truyền cảm xúc vào những hình ảnh này. Những loài động vật có vú khác thiếu khả năng tưởng tượng và tư duy để có thể thực hiện được điều đó. Chúng ta thường cho rằng tưởng tượng cũng chỉ là một công việc ở cùng mức độ tư duy với não bộ, nhưng khi đặt thêm vào những tưởng tượng đó các cung bậc cảm xúc, ta đã đưa nó đến một mức độ nhận thức cao hơn. Ở cấp độ này, chúng truyền cho ta năng lượng mạnh tới mức có thể đạt được bất kỳ điều gì ta mong muốn.
QUÁ KHỨ, TƯƠNG LAI... TẤT CẢ ĐỀU LÀ NHỮNG HÌNH ẢNH TÂM LÝ
Đa số chúng ta đều phân biệt giữa hình ảnh chúng ta lưu lại về quá khứ (ký ức) với những câu chuyện mà ta tưởng tượng ra. Chúng ta luôn nghĩ ký ức là thật còn những chuyện kia chỉ là ảo. Nhưng nếu nhìn một cách sâu sắc hơn, ta sẽ nhận ra, thực chất chúng chỉ là một mà thôi. Những nhà thần kinh học quả quyết rằng chúng ta không thể phân biệt giữa ký ức với những hình ảnh được tạo ra không dựa trên sự tiếp xúc trực tiếp với một trong năm giác quan. Khác biệt duy nhất giữa hai loại hình ảnh này chỉ là mức độ rõ ràng của chúng. Nếu bạn có thể tạo ra một hình ảnh tâm lý thật rành mạch, cảm xúc sẽ tác động và ý tưởng sẽ đi từ một tưởng tượng đơn thuần đến thực tế.
Nhiều thí nghiệm đã chứng minh rằng tưởng tượng đơn thuần về một trải nghiệm nào đó cũng tác động lên não bộ của chúng ta mạnh như khi chúng ta thực hiện nó trong thực tế; trong cả hai trường hợp này, não bộ sẽ phản ứng lại bằng cách tạo ra những liên hệ thần kinh để trả lời cho các kích thích. Não bộ không phân biệt giữa ký ức hay tưởng tượng. Khi chúng ta tưởng tượng một điều gì đó thường xuyên, suy nghĩ đó sẽ mạnh lên và chúng ta bắt đầu thực hiện một quy trình mà về cơ bản là khác biệt với những gì ta đã từng mong đợi. Thay vì trải nghiệm những cảm xúc này qua năm giác quan rồi sau đó chuyển thể chúng thành dữ liệu đầu vào cho các hình ảnh tâm lý thì chúng ta lại bắt đầu ngay với hình ảnh tâm lý và rồi sau đó chiếu chúng vào thế giới và biến chúng thành hiện thực.
Đức Phật dạy “duyên khởi”(1) để giải thích cho mối quan hệ nhân – quả trong sự luân hồi bất tận của con người trong vòng quay cuộc sống. Khi một mối liên hệ nào đó được tạo lập, thế giới bên ngoài được lĩnh hội qua cánh cửa của các giác quan, mắt để nhìn, mũi để ngửi… Khi đã có liên hệ này, cảm xúc dễ chịu hay khó chịu hoặc trung tính sẽ xuất hiện trong ta. Khát vọng cũng sẽ nảy sinh tương ứng với những cảm xúc này. Đảo ngược trình tự sẽ là thế này: Khao khát ⇒ Cảm xúc ⇒ Liên hệ ⇒ Giác quan lĩnh hội thế giới bên ngoài. Khát vọng và cảm xúc trong vòng quay này sẽ tạo ra một bức tranh trong đầu ta. Khi bức tranh này đạt được mức năng lượng đủ lớn, nó sẽ xuất hiện, năm giác quan của ta sẽ liên hệ với hiện thân của hình ảnh này theo cách phù hợp với khát vọng của ta.
Bằng cách tạo ra một hình ảnh thật rõ ràng về tương lai với những cảm xúc mãnh liệt, rõ ràng như những hình ảnh về quá khứ, bạn sẽ có thể biến chúng trở thành hiện thực. Khi những hình ảnh này trở thành một phần của ý thức cao hơn trong bạn, một số người thích gọi đó là sự tự tôn về tinh thần, bạn thực sự có thể bắt đầu tạo dựng tương lai cho mình.
Theo các nhà lý thuyết lượng tử, có vô số tương lai có thể xảy ra nhưng chỉ có một tương lai sẽ đến. Điều đó có nghĩa là tương lai mà bạn sẽ trải nghiệm phụ thuộc hoàn toàn vào những hình ảnh trong đầu bạn bởi bạn là người duy nhất có khả năng tạo ra số phận của mình.
Hầu hết mọi người đều từng có những trải nghiệm với ký ức ảo giác (déja-vu(1)). Dù biết chắc đây là lần đầu tiên gặp con người này, đến nơi này hay ở trong hoàn cảnh này nhưng chúng ta lại có cảm giác dường như mình đã từng gặp trước kia. Nếu nhìn nhận ký ức ảo giác dưới lăng kính của Luật Hấp Dẫn, chúng ta sẽ hiểu rằng hẳn là thực tế này đã được tạo ra bằng chính những suy nghĩ của mình. Điều này thường xảy ra trong các giấc mơ, khi chúng ta xem ti vi hoặc đọc sách, khi mà tư duy của ta mở rộng và đón nhận thông tin một cách vô thức – những hình ảnh tâm lý này có thể thâm nhập vào đầu óc của ta và rồi ta có thể sẽ gặp lại trong tương lai. Ký ức ảo giác thực chất chỉ là sự tái hiện những hình ảnh này từ trong tư duy vô thức của chúng ta. Nếu để tâm đến những bức tranh tư duy này và tìm cách làm rõ hình ảnh trong đầu mình, chúng ta sẽ khiến chúng từ đáy sâu của vô thức nổi lên bề mặt của thế giới thường nhật.
Một số người mang trong mình khả năng mà chúng ta gọi là “linh cảm”: những hình ảnh trong đầu họ về một sự kiện nào đó sau này trở thành sự thật. Nhưng thực chất nó chính là hình ảnh tâm lý được hiện thực hóa mà thôi. Vậy nên bạn đừng kinh ngạc nếu một sự kiện trong tương lai một khi đã được khóa chặt trong đầu óc của chúng ta như một hình ảnh tâm lý, nó sẽ trở thành hiện thực vào đúng thời điểm.
Nếu bạn đã từng trải nghiệm ký ức ảo giác thì bạn cũng đã có một hình ảnh tâm lý trong đầu mình dưới dạng linh cảm mà bạn không hề hay biết. Tuy nhiên, đôi khi, chúng ta cũng thực sự biết về nó. Vô thức cảnh báo chúng ta về những mối nguy hiểm sắp xảy đến, ví dụ như vô số các dẫn chứng về những người đã tránh được những vụ tai nạn máy bay thảm khốc. Họ đã mua vé, ra sân bay nhưng đến phút cuối, một nỗi lo lắng nào đó đã giữ họ ở lại mặt đất và cứu sống họ. Rất nhiều người từng mua vé trên con tàu Titanic nổi tiếng đã hủy chỗ của mình vì họ mơ thấy con tàu này sẽ đắm. Những hình ảnh này xảy ra với hầu hết chúng ta một hoặc hai lần trong đời và thường rơi vào những thời điểm sắp xảy ra thảm họa.
KHI BẠN NGHĨ ĐẾN THÀNH CÔNG, BẠN SẼ THÀNH CÔNG
Khi hai người cùng nhắm đến một đích, người nào có hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc rõ ràng hơn về thời điểm đạt được mục tiêu, người đó sẽ thành công. Ví dụ, nếu như bạn đang trên đường đua, bạn có thể hình dung cảnh mình đứng trên bục chiến thắng, hiên ngang ở vị trí thứ nhất và đối thủ của bạn cũng có những hình ảnh tương tự. Lý thuyết lượng tử nói rằng cả hai hình ảnh này đều có khả năng xảy ra, vấn đề là hình ảnh nào sẽ thực sự trở thành hiện thực. Trong ví dụ này, nếu hình ảnh về chiến thắng của bạn mạnh hơn, rõ ràng hơn và tràn đầy cảm xúc hơn so với đối thủ, sự thật sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc sẽ chứng minh bạn là người chạm đích đầu tiên.
Mở rộng ra ngoài phạm vi bản thân mình, sự khích lệ và niềm tin về những gì xung quanh có sức mạnh lớn trong việc xác định kết quả của một tình huống. Ví dụ như nếu con gái bạn đang trong một cuộc thi và bạn thực sự tin tưởng rằng cô bé sẽ chiến thắng, bạn sẽ giúp hiện thực hóa hình ảnh này cho cả hai người.
Một vận động viên có khả năng gắn chặt bức tranh tâm lý chiến thắng trong đầu mình sẽ thấy nó là một điều không thể khác và sẽ trở nên tràn đầy tự tin trên trường thi đấu. Đó là niềm tin không thể lay chuyển.
“Hãy nghĩ xem con muốn làm gì, muốn có gì và muốn trở thành người như thế nào. Hãy nghĩ về những mong muốn đó thường xuyên cho đến khi con đã rất rõ ràng về nó. Sau đó, khi con đã rất rõ ràng, đừng nghĩ về bất kỳ điều gì nữa. Không tưởng tượng bất kỳ khả năng nào khác. Vứt bỏ tất cả những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi cấu trúc tư duy tâm lý của mình. Thoát khỏi sự bi quan. Giải phóng mọi gánh nặng. Chống lại nỗi sợ hãi. Rèn luyện tâm trí mình để giữ vững những tư tưởng sáng tạo nguyên sơ.”
- “CHÚA”
trong Neale Donald Walsch,
Đối thoại với Chúa (Conversation with God),
quyển 1
Sự phi thường của việc tập trung cách nhìn tâm thức vào kết quả cuối cùng có thể thấy qua hành động của những người lên kế hoạch cho một nơi nào đó họ chưa từng đến nhưng luôn khao khát một ngày nào đó sẽ chạm tới được. Những người này, nếu tin tưởng vào sức mạnh của suy nghĩ sẽ trả lời những kẻ hoài nghi rằng: “Sao tôi lại không thể cơ chứ? Tôi biết rõ nơi tôi muốn đến. Nếu không biết đường thì tôi có thể hỏi và rồi một ngày nào đó chắc chắn tôi sẽ tìm được đúng đường đi.” Những người nhận thức được sức mạnh ghê gớm khi gìn giữ hình ảnh tâm lý về thành công cũng sẽ trả lời: “Sao tôi lại không thể thành công cơ chứ? Tôi đã thành công sẵn trong tâm thức của mình rồi.”
BIỂU TƯỢNG TÂM LÝ TRONG NHỮNG GIẤC MƠ VÀ TRONG THỰC TẾ LÀ MỘT
Các nhà tâm lý học thường coi “nhu cầu thành công” theo cách đặt tên của David C. McClellen(1) là yếu tố truyền cảm hứng quan trọng đầu tiên để hướng tới thành công.
Trong Đại chiến Thế giới II, tướng Mỹ Douglas MacArthur nhận lệnh đưa quân ra khỏi căn cứ Philippines nơi ông đang đóng quân vì Nhật Bản đang tấn công vào đất nước này và quân đội Mỹ không đủ lực lượng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để chống trả sự tấn công dữ dội đó. Ngày rời khỏi Philippines, MacArthur đưa tay lên cao trên đầu và nói với đám đông đang hướng về ông rằng hãy ghi nhớ tư thế này vì ông sẽ lặp lại nó vào ngày ông quay lại để tuyên bố chiến thắng. Không ai tin những lời này của ông bởi Nhật Bản thực sự rất mạnh vào thời điểm đó. Hình ảnh về chiến thắng của bản thân mình trên đất nước này trong tâm trí của tướng MacArthur mạnh mẽ và rõ ràng đến mức lịch sử không thể có một ngã rẽ khác. Ông đã thực sự quay lại Philippines và đưa cánh tay mình lên cao đúng như khi ông rời bỏ trước đó; lần này, tất cả các tờ báo đều đưa tư thế đó của ông lên trang nhất với tiêu đề: “Chiến thắng!”
Tạo ra hình ảnh tâm lý về tương lai giống như cách bạn ghép một bức tranh hoàn thiện từ những miếng ghép riêng rẽ trong tâm trí mình. Nếu hình ảnh tâm lý về những gì bạn khao khát thực sự rõ ràng, vô thức sẽ nhận ra từng mảnh ghép nhỏ trên con đường bạn đi và bạn sẽ luôn có xu hướng tìm kiếm tất cả các mảnh ghép cho đến khi hoàn thiện bức tranh và giấc mơ của bạn biến thành hiện thực. Nếu không có một bức tranh rõ ràng về mục đích của mình, bạn sẽ không thể nhận ra từng mảnh ghép nhỏ của nó.
Có một hình ảnh tâm lý rõ ràng về mục đích của mình cũng cần thiết không kém gì việc đạt được nó. Ví dụ như một người bạn của bạn đang muốn mua một chiếc xe ô tô mới bằng mọi giá. Mỗi tháng, anh ta để riêng ra một khoản tiền và báo lại tường tận với bạn về tiến độ thực hiện: “Tớ đã mua được những chiếc lốp xe tháng này. Tháng sau, tớ sẽ mua bánh xe rồi tháng tiếp theo sẽ là bộ giảm xóc. Trong khoảng hai năm nữa thôi, tớ sẽ có được toàn bộ chiếc xe.” Nghe thì có vẻ nực cười nhưng bằng cách mường tượng giấc mơ của mình thế này, người bạn của bạn đã gia tăng cơ hội có được giấc mơ của mình trong cuộc đời thật. Giấc mơ đó có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc vào sự vững vàng và chắc chắc của hình ảnh trong tâm trí anh ấy. Nếu bức tranh đó là không thể lay chuyển, chắc chắn anh ta sẽ có chiếc xe của mình.
Khi chơi xếp hình, lắp ráp mẫu vật hay những hoạt động tương tự, bọn trẻ thường có một hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc về cái đích cuối cùng và chúng tự động suy nghĩ từ cái đích ấy ngược trở lại từng hành động đúng đắn để có được nó. Bạn cũng có thể luyện tập tạo ra những hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc cho mình và cách dễ nhất để thực hiện nó là tham gia các hoạt động mà cái đích cuối cùng rất rõ ràng trong tâm trí bạn ngay từ ban đầu.
Bạn có thể băn khoăn: sẽ ra sao nếu như những gì bạn yêu cầu không thể thành hiện thực theo quy luật tự nhiên? Chẳng hạn như bạn giữ một hình ảnh trong tâm trí rằng mình bay lượn trên bầu trời với đôi cánh chim. Hãy bỏ qua sự kỳ khôi của tưởng tượng này, nếu một hình ảnh tâm lý đủ mạnh, các dây thần kinh sẽ trao đổi những thông điệp tích cực. Nó sẽ thể hiện trong những tư duy sáng tạo của bạn và một khái niệm tưởng chừng khôi hài hay không tưởng sẽ trở thành hiện thực. Máy bay ra đời chính bằng cách này: con người tưởng tượng rằng họ có thể bay lượn như chim.
HÃY TIN RẰNG MỤC TIÊU CUỐI CÙNG CỦA MÌNH CHẮC CHẮN SẼ XẢY RA
Trong thời kỳ chiến tranh, mọi người lính đều muốn thành người chiến thắng. Dù vậy, cần phải phân biệt rõ ràng giữa cảm giác muốn chiến thắng và cảm giác tin tưởng rằng mình sẽ thắng.
Trong thể thao, khi những đội yếu thế tiếp đón một đội chưa từng bại trận, sẽ có hàng ngàn người trên khán đài cổ vũ họ thi đấu bất chấp sự chênh lệch, khiến đội khách nếm trải thất bại đầu tiên của mình.
Nếu suy nghĩ có sức mạnh của sự hấp dẫn, làm sao chúng ta có thể lí giải được nếu như đội chủ nhà bại trận? Điều đã bị bỏ sót ở đây là niềm tin thực sự của những người hâm mộ rằng đội của họ sẽ chiến thắng. Rất nhiều cổ động viên trong số họ đã cầu nguyện và xin một thế lực siêu nhiên nào đó ban tặng chiến thắng cho đội của họ, và rồi nghĩ rằng chiến thắng này chỉ là một phép màu của cuộc sống. Họ không thực sự tin tưởng rằng mục đích cuối cùng của mình sẽ được ghi nhận.
Có rất nhiều lần trên sân, đội yếu thế là người chiến thắng và chìa khóa tạo nên sự khác biệt này luôn luôn là niềm tin. Năm 1980, Đội Olympic khúc côn cầu Mỹ bắt thăm cùng bảng với Nga. Rất nhiều người đã ngạc nhiên khi Mỹ thắng một hiệp trong trận đấu và hầu hết các nhà phân tích thời đó đều chắc chắn Nga là đội giành phần thắng chung cuộc. Đội tuyển Mỹ hầu như toàn các gương mặt nghiệp dư non trẻ và khi Nga giã họ 10-1 trong trận giao hữu trước đó thì thất bại của đội tuyển Mỹ là một điều không cần bàn cãi.
Niềm tin đã tạo ra sự khác biệt. Trong khi huấn luyện viên đội tuyển Nga lựa chọn phương án cho đội tuyển nghỉ ngơi trước trận đấu thì huấn luyện viên đội tuyển Mỹ dồn các cầu thủ của mình luyện tập gắt gao. Họ được truyền cảm hứng và nhận ra từng miếng ghép nhỏ trong trò chơi xếp hình của mình; họ đã đánh bại đội tuyển Nga và giành huy chương vàng. Nếu niềm tin của bạn không thể lay chuyển, bạn sẽ không bận tâm đến tầm vóc đối thủ của mình có thể gây cho bạn những trở ngại nào.
Có thể bạn sẽ băn khoăn, liệu niềm tin đưa bạn tới thành công hay hiểu biết rằng mình sẽ chiến thắng dẫn bạn tới niềm tin đó. Câu trả lời vẫn như cũ. Trong một trận đá bóng, đội nào bị ghi bàn trước nhưng vẫn dốc sức vì chiến thắng vẫn sẽ đeo đẳng niềm tin rằng mình sẽ thắng. Nếu không phải như vậy, có thể vì họ đã từ bỏ mục tiêu của mình vì dù sao, thua thì vẫn là thua bất kể ở tỉ số nào.
VIẾT NÊN KỊCH BẢN CHO CUỘC ĐỜI MÌNH BẰNG NHỮNG TƯỞNG TƯỢNG VỀ TƯƠNG LAI
Tất cả những diễn viên xuất sắc nhất thế giới đều biết Bí mật, ít nhất trong lĩnh vực hoạt động của mình. Họ nhắm mắt lại và tưởng tượng ra nhân vật họ sẽ đóng trong phim. Diễn viên giành giải Oscar Daniel Day Lewis là một ví dụ. Ông hiểu biết sâu sắc về Bí mật và ứng dụng nó trong những bộ phim của mình. Năm 1989, khi diễn trong bộ phim My left foot, bộ phim mang lại cho ông giải Oscar dành cho diễn viên nam chính xuất sắc nhất, ông đã nhập vai một người đàn ông bại liệt sâu sắc đến mức ông từ chối xuất vai giữa các cảnh quay, để mọi người khiêng ông từ cảnh quay này sang cảnh quay khác và cuối cùng, ông bị gãy hai xương sườn khi đang gập người trên chiếc xe lăn cho đoạn quay hậu kỳ.
Không phải chỉ có diễn viên mới hiểu Bí mật. Tất cả các tài năng trong những lĩnh vực khác nhau đều hiểu nhưng thông thường, họ cho rằng thành công của mình là món quà được ban tặng từ đấng bề trên và vì thế, họ không bao giờ có thể lý giải về thành công của mình cho những người khác.
Nhà biên kịch tài năng suy nghĩ bằng hình ảnh. Họ tạo ra những hình ảnh hoàn hảo rồi viết kịch bản dựa trên đó. Thiên tài sáng tạo thực sự sẽ nhìn nhận bộ phim một cách tổng thể rồi mới bắt đầu biến nó thành hiện thực. Bằng suy nghĩ này, họ có thể gây ngạc nhiên và làm say đắm khán giả.
Hãy áp dụng phương pháp này cho cuộc sống của bạn. Bạn đang viết kịch bản cho cuộc đời mình. Bạn có thể tạo ra một cuộc đời đầy kinh ngạc cũng như cách những nhà biên kịch liên kết các chi tiết tưởng tượng cho kịch bản bằng cách đầu tiên hiểu về những mục đích rõ ràng của bạn rồi sau đó hoàn toàn tin tưởng vào sự hoàn thiện của nó. Trang bị thêm vào đó những hình ảnh mạch lạc không thể lay chuyển, rồi phác thảo sơ lược những ý chính về cách thức đạt được mục tiêu, thành công sẽ tự xuất hiện như cách nó được tạo nên trong các kịch bản. Người xung quanh sẽ kinh ngạc vì thành công của bạn. Tất cả sẽ đến từ việc tạo ra những hình ảnh về tương lai trong tâm trí bạn và dùng chúng làm sân khấu cho các chặng đường trong cuộc đời bạn.
HÃY XEM XÉT KẾT QUẢ TRƯỚC, NGUYÊN NHÂN SAU
Thông thường khi đọc sách hay xem phim, chúng ta không dám xem kết thúc trước – đó là điều tuyệt đối cấm kị. Bản năng này được chôn vùi trong vô thức của chúng ta, và vì thế chúng ta không suy nghĩ rõ ràng về những chương kết thúc so với các phần khác trong cuộc đời mình. Thế nhưng sự thật là phần kết của một cuộc đời không giống như kết cục của một bộ phim hay một câu chuyện. Các tác giả đã định trước cái kết của chúng còn chúng ta mới đang viết và diễn vai chính trong câu chuyện cuộc đời mình. Vì thế, các cảnh trong cuộc đời bạn có thể kết thúc theo bất cứ cách nào bạn muốn. Bạn có thể chọn trước cho nó một cái kết rồi quay ngược từ đó mà biến nó thành sự thật như những nhà văn lừng lẫy đã làm. Hãy tạo cho mình một kết thúc có hậu và sau đó viết từng phần của kịch bản dẫn tới hiện thực đó.
“Chỉ nhìn thôi mà không thấy thì thật là kinh khủng.”
- HELEN KELLER,
nhà văn Mỹ
Khi một đạo diễn dựng phim, họ sẽ quay những cảnh ở các quá trình khác nhau trong cùng một lớp kết cấu của kịch bản. Đôi khi, những cảnh cuối cùng lại được quay đầu tiên vì như thế đạo diễn có thể nhìn nhận được rõ ràng hơn về toàn cảnh qua con mắt tâm thức của mình. Từng cảnh quay đơn lẻ khi ấy chứa đựng sức mạnh của tầm nhìn. Nếu như những diễn viên không diễn đạt được tầm nhìn của đạo diễn trong một cảnh quay nào đó, đạo diễn sẽ la lên “cắt” và quay đi quay lại cho đến khi biểu tượng giàu cảm xúc trong đầu ông trở thành hiện thực. Mỗi cảnh trong đầu đạo diễn chính là một miếng ghép của trò chơi ghép hình từ từ được đặt cạnh nhau để hiện lên trong thực tế những gì ông đã hình dung.
Trước khi có hệ điều hành Microsoft Windows, vận hành máy tính là một công việc nhạt nhẽo. Bạn chỉ cần biết các câu lệnh đơn lẻ để đi từ bước đầu tiên đến bước cuối cùng. Bill Gates đã nhìn thấy điểm yếu này và tưởng tượng đến một giao diện thân thiện với người sử dụng hơn. Với sự dẫn dắt của một hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc, Gates bắt tay vào việc sáng tạo. Ông đi từ phần kết thúc để bắt đầu công việc của mình và tạo ra một cuộc cách mạng cho những người sử dụng máy tính cá nhân. Khi Gates đang phát triển Windows, đã có rất nhiều người phát triển phần mềm tài năng hơn ông nhưng ông đã tách ra khỏi họ và cuối cùng trở thành một trong những người giàu nhất hành tinh bằng cách lật ngược kim tự tháp: suy nghĩ từ phần kết thúc đến phần khởi đầu.
Bắt đầu với giải pháp cuối cùng trong tâm trí và chưa quan tâm đến việc phải làm thế nào sẽ khiến cho mọi thứ dễ dàng hơn. Hãy tưởng tượng kịch bản sau. Một con tàu vì quá cao nên bị mắc kẹt dưới một chiếc cầu. Thuyền trưởng đánh điện cho các nhân viên địa phương và một đội kỹ sư với tất cả những trang thiết bị hiện đại nhất được cử đến. Các kỹ sư rất lúng túng trước vấn đề này. Nhiều giờ trôi qua vẫn không có giải pháp nào đưa được con tàu đi qua chiếc cầu. Khi họ định bỏ cuộc, một cậu bé đã chứng kiến toàn bộ bối cảnh từ đầu đã đưa ra ý kiến: “Sao chúng ta không đặt thêm vật nặng lên tàu để nó chìm sâu hơn xuống nước?” Cậu bé đó đã có một hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc trong đầu về hình ảnh con tàu dễ dàng đi qua chiếc cầu, và giải pháp cho vấn đề tự nhiên xuất hiện một cách hết sức đơn giản.
Rất nhiều phát minh đã xuất hiện nhờ vào khả năng nhìn nhận kết quả trước: ô tô với bộ cài số tự động, các vũ khí tự động, trò chơi điện tử và tất cả những máy móc chuyển từ động cơ hơi nước sang động cơ phản lực.
NHỮNG BIỂU TƯỢNG TÂM LÝ GIÀU CẢM XÚC VÀ CÁC MẶT HÀNG CHÚNG TA MUA
Chuyên viên phụ trách mảng tiếp thị và quảng cáo hiểu rất rõ sức mạnh của hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc và các hình ảnh trong đầu của khách hàng. Điều này đã được nhiều thương hiệu mạnh khẳng định. Lãnh đạo của các công ty kinh doanh biết rằng thành công của họ gắn liền với khả năng xây dựng, gắn chặt hình ảnh và thương hiệu sản phẩm của mình trong tâm trí khách hàng. Coke là một ví dụ điển hình, một cái tên ngắn gọn mà cho dù có cả tỉ đô la bạn cũng không thể mua lại của Coca-Cola. Coke là một từ gắn liền với hình ảnh đã hằn sâu trong vô thức của khách hàng trên toàn thế giới.
Các công ty với những thương hiệu mạnh bảo vệ rất nghiêm ngặt hình ảnh của mình. Ví dụ: một nhà sản xuất ô tô chuyên nghiệp sẽ phải thu hồi hàng chục ngàn chiếc ô tô nếu như một sai sót nhỏ bị phát hiện trong mẫu hàng mới. Hình ảnh của công ty bị đặt vào tình thế hiểm nghèo, nên họ sẵn sàng chi trả hàng trăm triệu để có thể khắc phục vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ này.
Các công ty cũng tạo dựng mối liên hệ với khách hàng thông qua khẩu hiệu của mình. Một nhà băng với khẩu hiệu “mỗi thời điểm một khách hàng” sẽ mang lại cho một khách hàng nhỏ của mình cảm giác họ trở nên quan trọng và khi đã thành đạt sau này, họ sẽ cảm thấy nhà băng này cũng góp một phần cho thành công của họ và tiếp tục làm một khách hàng trung thành. Cũng tương tự như vậy, một chính trị gia sẽ đưa ra trong chiến dịch tranh cử của mình khẩu hiệu: “Cái tên mà bạn có thể tin tưởng” vì họ biết sức mạnh của từ ngữ lớn đến thế nào một khi nó đã gắn chặt với tâm trí của công chúng.
Các nhà tâm lý học đã chứng minh sức mạnh của lời nói để tạo ra những hình ảnh có ấn tượng sâu sắc vượt xa cả lĩnh vực kinh doanh và chính trị; ngay cả những hình ảnh tâm lý gắn liền với tên tuổi của một con người cũng có thể gây ra tiếng vang dữ dội. Một người có một cái tên thường gặp, ví dụ như John Smith sẽ có cuộc sống cực kỳ khác biệt với một người tên là River Storm chẳng hạn. Sức mạnh tạo nên hình ảnh tâm lý của những cái tên trở nên đặc biệt mạnh mẽ khi nó gợi lại ký ức về những người chúng ta yêu mến hay ngưỡng mộ.
TRÍ TƯỞNG TƯỢNG: SỨC MẠNH LỚN NHẤT CỦA CHÚNG TA
Mọi thứ được tạo ra trong thế giới này đều xuất phát từ trí tưởng tượng sống động trong thời thơ ấu của con người. Kiến trúc sư xây nhà chính xác như những gì họ nhìn thấy trong tâm trí mình. Nhà sản xuất ô tô thiết kế được những mẫu xe phù hợp với nhu cầu của khách hàng chính là đã dựa trên khả năng tưởng tượng cũng như sáng tạo của mình. Nhà thiết kế đầu tiên sẽ tạo ra những mẫu vật tương đương kích thước với sản phẩm thật để đồng nghiệp có được một cái nhìn rõ ràng về hình ảnh xuất hiện trong đầu họ.
Chúng ta có thể thay đổi bất kỳ điều gì trong cuộc sống của mình thành như ta mong muốn. Ngay từ bây giờ, hãy dựng lên hình ảnh của căn nhà bạn muốn sống trong 10 năm nữa và chiếc xe ô tô bạn muốn sở hữu. Hãy tin tưởng vào những hình ảnh đó và tưởng tượng đi tưởng tượng lại với niềm tin chắc chắn về sức mạnh của nó. Những hình ảnh này sẽ ngày càng sắc nét hơn cho đến khi chúng thâm nhập vào vô thức của bạn. Những gì còn lại sẽ tự động diễn ra. Trong 10 năm nữa, bạn sẽ có được ngôi nhà và chiếc ô tô trong mơ của mình – sở hữu thực sự.
“Nếu không có một chút hình ảnh tưởng tượng nào về những gì bạn mong muốn, bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được chúng.”
- JOHN LENNON,
ca sĩ, nhạc sĩ người Anh
Chúng ta thường quan niệm tiền bạc là Chúa trời. Chúng ta tin tưởng rằng tiền bạc có sức mạnh phi thường để biến mọi giấc mơ thành hiện thực. Sự thật thì “Chúa trời” chính là đầu óc của chúng ta, sức mạnh của chính tâm trí chúng ta lớn hơn tiền bạc rất nhiều. Tư tưởng của bạn là sức mạnh sáng tạo thực sự trong cuộc đời bạn. Nó có thể mang lại cho bạn những gì mà tiền bạc không bao giờ mua nổi như tình yêu, niềm mến thương, lòng trung thành. Tiền có thể giúp bạn mua được ngôi nhà và chiếc xe mơ ước, nhưng suy nghĩ có thể làm được nhiều hơn thế. Suy nghĩ không chỉ giúp bạn có được cả hai thứ đó mà còn thổi vào chúng tình yêu và cảm giác ấm áp.
Có người đã từng hỏi Henry Ford(1) rằng nếu có kiếp sau, ông có muốn được giàu có không. Ông trả lời rằng nếu còn có kiếp sau, ông không quan tâm đến chuyện ông có được sinh ra trong nhung lụa hay không. Ông nói ông chỉ muốn có một người vợ như người vợ của ông. Vợ của Henry Ford đóng một vai trò rất quan trọng trong sự thành công của ông. Bất cứ lúc nào ông trở nên chán nản, vợ ông sẽ giúp ông tập trung vào hình ảnh của sự thành công trong tâm trí mình. Ông hiểu rằng nếu có bà ở bên ông lần nữa, thành công sẽ tự nhiên đến với ông. Hơn nữa, ông yêu bà chân thành và sâu sắc đến mức ông nhận ra rằng không có bà, có thể ông vẫn giàu có nhưng cuộc sống của ông còn giá trị gì nữa khi thiếu đi tình yêu lớn này trong đời!
Tất cả những người có một cuộc đời thành đạt đều nhận ra điều này. Nếu bạn hỏi họ sẽ chọn giữa sức mạnh của tư duy hay tiền bạc, của cải trong kiếp sau, tất cả sẽ đều chọn sức mạnh của tư duy. Họ hiểu rằng với quyền năng này họ có thể đạt được bất kỳ điều gì họ muốn. Mặt khác, nếu họ giàu có, sung túc nhưng 1 không có những hiểu biết này, tiền bạc rồi cũng sớm tan biến và họ chẳng thể nào kiếm lại được lần nữa.
Trẻ con đã sớm được dạy về “giá trị của đồng tiền” ngay từ tuổi ấu thơ lên hai, lên ba, nhưng sức mạnh của tư duy – một quyền năng hoạt động mạnh hơn nhiều để biến giấc mơ trở thành sự thật – thì lại bị bỏ quên. Thực chất, ngay cả hầu hết những người trưởng thành cũng không hẳn đã thấu hiểu Bí mật.
Lí do khiến cho mọi người đều thích tiền là vì họ nghĩ rằng những gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Chỉ có ít người nhận thức được rằng suy nghĩ và cảm hứng có thể mang lại nhiều điều cho cuộc sống của họ hơn bất kỳ thứ gì tiền bạc có thể mua được. Những người này thấu hiểu Bí mật và họ trở nên sung túc. Đây không phải nhờ vận may hay số phận, họ giàu có nhờ những suy nghĩ của mình.
Chương 1: Những điều tối mật
BIẾN NHỮNG GIẤC MƠ CỦA BẠN THÀNH HIỆN THỰC
Thấu hiểu Quá Trình Sáng Tạo một cách đúng đắn và rõ ràng rồi tiềm năng cho những thành công của bạn sẽ gia tăng một cách ngoạn mục:
Yêu cầu bằng cách đưa ra một dự định rõ ràng, không đòi hỏi từ bất kỳ nguồn lực nào từ bên ngoài.
Tin tưởng nghĩa là có được lòng tin kiên định vào quá trình này và vào chính bản thân mình.
Đón nhận nghĩa là gợi lên những hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc, cung cấp năng lượng cho hình ảnh tâm lý của bạn bằng cách nhìn nhận mục đích của mình với nhận thức về niềm vui chiến thắng.
Người chiến thắng là những người tin tưởng rằng họ sẽ chiến thắng. Nếu bạn hoàn toàn tin tưởng vào một điều gì đó và muốn nó xảy ra trong cuộc đời mình, điều đó sẽ xảy ra.
Đặt ra một mục tiêu rõ ràng giống như viết kịch bản cho cuộc đời bạn. Tập trung tâm trí mình vào những mục tiêu và kết quả cuối cùng, rồi từ từ phân tích và tìm ra con đường quay ngược trở lại với các điểm thiết yếu sẽ đưa tới kết. Hãy nhìn nhận toàn bộ con đường và tin tưởng vào bản thân bạn.
Tất cả những gì con người tạo ra được trong thế giới vật chất này đều nhờ vào trí tưởng tượng. Khi một bức tranh ngày càng trở nên rõ nét, nó sẽ tự động biến thành hiện thực.
Khi bạn có thể tạo ra hình ảnh tâm lý về tương lai của mình rõ ràng như những ký ức bạn đã trải qua trong quá khứ, bạn sẽ đưa được những hình ảnh đó vào tương lai thực sự của mình.
Tạo ra những hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc chính là quá trình “đón nhận” như trong cuốn Bí mật đã nói. Nếu bạn có thể cảm nhận trước một cách trọn vẹn niềm hạnh phúc, sự phấn khích, niềm vui và cảm giác bình yên – hay bất kỳ xúc cảm nào khác sẽ đến khi bạn đạt được mơ ước của mình – thì những ý định của bạn chẳng có sự lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành hiện thực trong cuộc sống của bạn.
Tên tuổi và các khẩu hiệu tạo ra những hiệu ứng đặc biệt đối với người lựa chọn, sử dụng và nghe thấy chúng. Vì sao ư? Bởi vì hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc tự động liên hệ mật thiết với những từ ngữ xuất hiện trong đầu óc của họ.
Hãy lồng những hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc vào suy nghĩ của bạn. Chúng càng rõ ràng bao nhiêu, bạn càng tin tưởng bao nhiêu thì bạn sẽ càng dễ hiện thực hóa giấc mơ của mình bấy nhiêu.
Bạn có thể luyện tập tạo ra hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc. Bạn có thể thoải mái đùa giỡn với chúng nhưng phải kết nối với cảm xúc của mình và chấp nhận nhìn chúng xuất hiện rồi tan biến. Chúng ta sẽ thảo luận sâu hơn về vấn đề này trong những chương sau.
Dường như lời cầu nguyện của một số người hay được đáp ứng hơn những người khác. Không phải vì họ được phù hộ bởi một đấng cao siêu nào đó mà bởi vì họ là những người tạo ra các hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc tài năng. Đó chính là Luật Hấp Dẫn đã vận hành.