- Thôi không đợi bố nữa, mẹ con mình về bà ngoại trước đi!
Thuỳ Dương leo lên xe máy. Con bé nhanh nhảu hoạt bát hẳn lên kể từ ngày nó theo lớp học võ. Thật ra Thảo Tần không có ý định như thế. Nhưng con bé hai bị bắt nạt quá. Bà ngoại xót cháu bảo:
- Sao cháu không táng cho nó mấy quả.
Nó ngước mắt lên:
- Táng là thế nào hả bà?
- Táng là đấm, nắm tay lại thành quả đấm, đấm vào mặt nó thế này này. Cho nó chừa đánh mình đi.
- Nhưng cháu không biết đấm.
Thảo Tần nghe hai bà cháu nói chuyện, không nói gì. Chị biết, nhờ có mẹ mà bố và hai anh em mới được như bây giờ. Nhưng bà không biết dạy cháu. Đến cái thằng Cường… chẳng biết rồi sẽ ra sao. Có lần cô cháu gặp nhau, nói cái gì nó cũng bảo: "Cô chả hiểu gì bọn thanh niên chúng cháu". - "Cô thấy cháu chả có vẻ gì buồn sau cái chết của mẹ cháu". - "Tại ông trời đấy? Ông ấy cho mẹ cháu sống đến thế thôi thì biết làm thế nào?" Nó biết chuyện mẹ nó từ hồi còn học cấp 2. Nó lại biết người chết cùng với mẹ nó, nên nó nói tiếp: "Mẹ cháu chết thế, có khi lại sướng. Bị ung thư như mẹ bạn cháu, đau đớn vật vã mãi mới đi được, khổ lắm. Mà cô bảo, buồn làm gì cho nó già người đi, đời người sống được bao lâu, nghĩ lắm chỉ tổn thọ. Cháu sắp xa cô rồi. Cô cháu gặp nhau nên nói chuyện vui vui một tí có hơn không?"
Cô cũng biết anh mình định cho con đi du học nước ngoài. Cô can anh:
- Cứ như em thì học ở nhà hơn. Được cái bằng đại học nước ngoài, có khi lại mất con. Những đứa chăm chỉ, chí thú học hành cơ, cay cú chuyện học hành cơ. Chỉ biết học, ngoài ra không biết gì khác thì còn đỡ lo, chứ lông bông như cháu… Em sợ rằng anh không quản lý được đâu. Cũng không điều khiển được từ xa đâu. Nó sẽ trượt khỏi quỹ đạo của anh cho mà xem…
Cô dạy con theo kiểu của cô. Không cho con đọc nhiều, không mua cả đống truyện về cho con đọc. Không cho con xem các phim tình cảm, phim hành động. Quyển sách nào cô mua cho nó đọc thì thế nào cô cũng phải đọc lướt qua trước. Bận quá thì lướt qua, sau khi nó đọc xong cũng được. Để trao đổi với nó, phòng khi nó thắc mắc gì phim nào cho con xem thì mẹ cũng xem. Chỉ có trò gì con được chơi ở cung thiếu nhi hay công viên là mẹ không được chơi cùng thôi. Sau khi con đọc xong, thế nào mẹ cũng hỏi con về cuốn sách đó, bộ phim đó. Mẹ con trò chuyện trao đổi, phân tích, như bạn bè cùng lớp. Cốt là dạy nó suy nghĩ, để tìm câu trả lời, tại sao câu chuyện lại như thế, nhân vật lại như thế, kết thúc lại như thế, sau khi hai mẹ con đã cùng xem nó. Cô trao đổi với các bạn đồng nghiệp: Đã biết cái gì thì biết đến nơi đến chốn, không thì thôi. Thà dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng. Không bao giờ con cô đọc cuốn sách gì mà cô không biết! Thế là bản thân mình cũng mở mang kiến thức, mà điều quan trọng nhất là giúp con tìm hiểu thế giới xã hội, thế giới tự nhiên.
Nhờ thế, cô đã xây dựng được cho con gái thói quen trò chuyện trao đổi, hỏi han mẹ tất cả những gì mà nó chưa hiểu, nó hoài nghi, sau khi nó đã tự mình phân tích lý giải mà vẫn chưa yên tâm.
Con lớn dần lên, cô không còn đủ thời gian mà đọc cùng nó tất cả các sách, cùng xem tất cả các phim.
Nhưng nhờ đã tạo dựng được thói quen ấy mà kiến thức của nó rất vững. Không thật xuất sắc môn nào, nhưng điểm trung bình tất cả các môn đều từ 8 trở lên, kể cả giáo dục thể chất.
Bây giờ tầng một nhà ông bà ngoại trở thành "đại lý gạo quê" cho cô ôsin Dự. Bà Phụng nhìn những thúng gạo, trông con bé xúc gạo vào túi cân cho khách, nhất là lúc nào được bán hộ nó, đối với bà là niềm thích thú. Bây giờ, bà rất chiều khách, lại còn trò chuyện với họ như những người quen thân. Thì toàn những bà, những chị ở quanh quẩn trong ngõ này thôi chứ đâu xa. Cơ chế thị trường đã làm thay đổi bản chất mối quan hệ giữa người mua và kẻ bán rồi…
Kiên về thì món bún chả đã xong. Thảo Tần bảo:
- Bố có thích nếm trước thì đi pha nước chấm đi, để mẹ làm nốt rau sống. Bún chả mà không có rau sống thì chả ra làm sao.
Nhưng Kiên chỉ dám ăn rau sống nhà làm, vợ làm, chứ không dám ăn rau sống ngoài hàng. Còn nước chấm? Ăn nhau còn ở nước chấm nữa. Anh được vợ tín nhiệm món này, nhờ mẹ đẻ dạy tỉ mỉ công thức: 1 nước mắm, 3 nước đun sôi, 1 dấm. Nhưng bao nhiêu đường là vừa? Thuốc không bằng thang là thế. Ngọt quá cũng dở, chua quá cũng không ăn được. Tỏi, hạt tiêu, ớt để ra ba bát con, ai thích gì thì cho thêm cái ấy. Kiên tỏ ra xuất sắc việc pha chế nước chấm. Được vợ rất khen. Nhưng đến món chả nướng thì Thảo Tần phải chia làm hai phái. Chị thì chỉ ăn chả băm rán thôi. Chồng lại thích nướng, cả chả miếng và chả băm. Kiên bảo, anh biết vì sao em sợ chả nướng rồi. Anh cũng biết là các món nướng trực tiếp với lửa đều là tác nhân gây ung thư. Nhưng ăn chả nướng là ăn cả bằng lưỡi, bằng mũi. Cứ thơm lừng cả nhà. Thích lắm. Bây giờ có gà nướng lá chanh này, ếch nướng này ốc nàng hương nướng, sò huyết nướng. Cái gì nướng cũng ngon.
Thuỳ Dương đang nhặt rau cùng mẹ. Nó nhìn mẹ làm, tỉ mẩn làm theo. Ngắt tùng lá rau thơm khỏi thân cây. Đến ngọn non mới ngắt, chỉ để hai ba lá. Thấy bố hết lời ca ngợi các món nướng như thế, lập tức nó phản ứng:
- Bố bảo cái gì nướng cũng ngon. Thế rau sống nướng có ngon không? Bún nướng có ngon không? Chuối tiêu ăn tráng miệng nướng có ngon không? Bố khái quát không đúng rồi.
Thảo Tần thích chí reo lên:
- Bố thua con gái chưa nào? Đừng tưởng bắt nạt mẹ con em nhé. Đây vừa là đa số, vừa không kém gì đâu nhé.
Vợ chồng Kiên rất thích sự bướng bỉnh của con. Nó hay hỏi, hay vặn vẹo và nếu câu trả lời không làm cho nó thoả mãn thì nó vặn đến cùng, tự mình đi đến cùng. Nhưng nó chỉ bướng bỉnh về nhận thức, chứ không bướng bỉnh về thái độ, như một đứa trẻ ngang ngạnh không biết nghe lời người lớn.
Cách đấy mấy năm, đi học về, nó đã kể một chuyện xảy ra ở lớp cho bố nghe. Hôm ấy mấy đứa ngồi hai bên, và bàn trên bàn dưới đều đòi nó cho xem bài.
Mọi lần vẫn thế. Vì nó thường được điếm cao nhất lớp. Lần này nó nhất định không cho đứa nào xem. Cả đứa bạn thân nhất ngồi bên trái cũng không được xem. Mặt nó hết đỏ lại tái. Môi bậm lại.
Cô giáo đến gần. Nó đứng lên, nhìn thẳng vào mắt cô, hai tay đưa bài làm văn ra:
- Thưa cô, cô chấm lại bài cho em ạ!
Cô giáo đã đứng tuổi, trợn mắt. Chưa bao giờ cô gặp chuyện này. "Nó dám đòi mình chấm lại, nghĩa là mình chấm sai? A, ghê nhỉ, to gan thật. Con cái nhà nào mà hỗn thế không biết". Cô giật lấy bài trên tay nó, hất hàm:
- Làm sao phải chấm lại?
- Cô cho em mấy điểm thì cho, nhưng cô xoá cho em hai chữ này đi.
- Hai chữ nào?
- Chữ… chữ… - nó đỏ mặt tía tai rồi, không chịu được nữa. Nó bật khóc.
- Ái dà, lấy nước mắt doạ tôi đấy à? Nào, đâu, chữ nào, chị chỉ cho lôi xem?
Bà giáo đã đứng tuổi, dí tờ giấp vào mặt nó. Nó đưa tay quệt ngang mắt, mếu máo:
- Thưa cô đây ạ.
Bà giáo lướt qua, không nhịn được, cười phá lên.
Và cái điều con bé sợ nhất đã xảy ra. Bà dõng dạc đọc đoạn văn của nó cho cả lớp nghe, rồi hỏi:
- Thế có kỳ quặc không các em?
Mấy chục cái miệng cùng nhao nhao:
- Có ạ!
- Kỳ quặc quá ạ!
Bà giáo thích chí:
- Vậy mà khi cô phê là kỳ quặc thì chị này lại đòi xoá đi đấy các em ạ! Đề nghị thế có kỳ quặc không hả các em?
- Kỳ quặc quá ạ!
Bà giáo đay lại:
- Hai lần kỳ quặc ấy chứ?
Con bé cắn môi chịu đựng. Nó đã hết khóc từ nãy.
Mặt đanh lại, nó dằn từng tiếng, quả quyết:
- Thưa cô em không kỳ quặc!
Mấy chục cái miệng lại nhao nhao:
- Kỳ quặc! Kỳ quặc! Kỳ quặc!
Nó quay lại, trợn mắt, hét lên:
- Các bạn kỳ quặc thì có!
- Ai dà, dám nỏ mồm vặc lại cả lớp kia à! Khá nhỉ. Để tôi hỏi cô giáo chị, xem chị là con cái nhà ai mà gớm ghê thế.
Không tỏ ra sợ sệt, nó vẫn cãi:
- Các bạn thử đến nhà tôi xem có đúng như tôi tả không nhé.
Cả lớp cười ầm lên. Mấy đứa con gái cười như nắc nẻ. Cô giáo cũng cười, để yên xem hai phe đấu nhau thế nào. Nó thì tỏ rá rất tự tin:
- Các bạn có dám đánh cuộc không. Nếu tôi thua thì tôi mời cả lớp ăn kem. Nếu các bạn thua thì bạn lớp trưởng phải thay mặt cả lớp xin lỗi tôi nhớ.
Bà giáo dạy thay cô giáo chủ nhiệm nó nghỉ đẻ, cũng thấy hay hay, liền nhận làm quan toà:
- Được tôi sẽ làm trọng tài việc này. Nếu thua, chị có mời tôi ăn kem không đấy?
Con bé tươi cười, tuy nước mắt vẫn còn nguyên trên má.
- Thưa cô em mời cô và các bạn ăn, bao giờ rét run lên thì thôi ạ. Nhưng cô và các bạn - Nó định nói, không bao giờ ăn được kem của em đâu ạ - Nghĩ thế nào nó lại nói - Cô và các bạn không thắng được em đâu ạ!
Cô giáo và cả lớp chợt lắng đi trong mấy giây, vì thấy nó có vẻ rất tự tin, nó lại thông minh nhất lớp, không dễ gì bắt nạt được. Không biết câu chuyện thực hư thế nào, mà nó dám cả gan chọi lại tất cả? Đến lúc ấy nó mới rành rọt:
- Trong bài tôi tả, mỗi khi ăn cơm xong, có gì vui, ông tôi thường vừa hát vừa đánh răng, vì đấy là… hàm răng giả cơ mà!
Bà ngoại ngồi phía ngoài, bên mấy chậu nhựa xanh đỏ đựng gạo, ngắm người qua lại, nhưng vẫn theo dõi câu chuyện ở gian trong của vợ chồng Thảo Tần với con gái. Bà thấy mừng. Thằng anh nó giầu đấy, nhưng không được như nhà này.
Kiên nói dóng ra:
- Mời mẹ vào xới bún. Chúng con để phần ông và bố con bác Đại rồi.
- Phần thì cứ để phần, chứ ông ngoại và bố con bác Đại chưa chắc đã ăn đâu.
Thảo Tần kể với mẹ:
- Cháu bà vẫn đi học võ đều đấy bà ạ.
- Ừ phải đấy cháu ạ. Mình có võ, đứa nào động vào táng cho nó biết thế nào là lễ độ.
Thảo Tần nói cho mẹ hiểu:
- Cháu bà học võ cho khoẻ người, nhanh nhẹn, hoạt bát, sau nữa mới là tự vệ. Đây là võ tự vệ mà bà. Chứ không phải học võ để đánh nhau đâu ạ. Hôm nọ, con đến đón cháu, từ xa thấy có một vòng trẻ con xúm quanh. Trước mặt nó là một thằng bé cao hơn gần một cái đầu, đang hằm hè xông vào. Cháu bà, ba lô sách vở vẫn khoác sau lưng, hai tay nắm chặt, đứng xuống tấn…
Bà ngoại thích quá:
- Hay quá, cháu đứng xuống tấn cho bà xem nào?
Con bé bỏ bát ra đứng biểu diễn cho bà xem.
- Rồi sao nữa, mẹ nó đừng kể, để nó vừa kể vừa diễn lại cho bà xem nào.
Hai chân con bé hơi khuỵu xuống đứng song song bằng khoảng cách hai vai, tay nắm chặt, mắt nhìn thẳng đối phương:
- Anh ấy lấy đà, đầu cúi xuống, xông thẳng vào, định húc cháu.
- Thế cháu làm thế nào với cái thằng mất dậy ấy?
- Cháu chả làm gì!
Sao lại chả làm gì, thế thì nó húc thủng ruột cháu ra chứ?
Cháu chả làm gì, chỉ khuỵu một chân xuống, vừa nghiêng người về bên chân khuỵu, vừa ngồi thụp xuống, thế là anh ấy không húc được vào cháu mà húc vào…
- Vào đâu… vào đâu?
Vào gốc cây sà cừ sau lưng cháu. Máu chảy ướt cả mặt. Các cô giáo chạy ra, bắt cháu vào văn phòng vì tội con gái mà đánh nhau với con trai. Các bạn lớp cháu, cả các lớp khác cùng vào theo… Nhưng phải đứng ngoài cửa văn phòng. Các bạn cứ nhao nhao bênh cháu. Anh kia vừa được băng bó xong, chỉ vào mặt cháu, bảo cháu có dao. Cháu hỏi "Dao đâu? Con dao của em nó thế nào?" Anh ấy bí quá nói liều: "Nó… nó… dài... dài bằng này". Cháu buồn cười vội bưng miệng lại. Cô giáo quát: "Lại còn cười à? Đánh con người ta chảy máu đầu ra mà còn cười được à?". Cháu nói: "Thưa cô em cười vì anh này, anh ấy bịa rất buồn cười ạ". Lúc ấy cháu đã nhìn thấy mẹ cháu đứng lẫn cùng với nhiều bạn học sinh và phụ huynh đến đón con. Nhưng mẹ cháu cứ làm như người xem thôi. Không nói gì. Cô hiệu phó trực, bắt cháu lấy giấy bút viết kiểm điểm. Cháu không biết làm thế nào. Chả nhẽ lại gọi mẹ vào thì hèn quá. Mà mẹ cháu thì muốn xem cháu làm thế nào để tự cứu mình. Sau này mẹ cháu còn bảo là, mẹ để xem cô phó hiệu trưởng trường con giải quyết việc này ra sao? Cháu đang không biết làm thế nào. Nhìn ra, thấy bao nhiêu bạn nhìn cháu có vẻ rất lo cho cháu. Thế là cháu hỏi to: "Các bạn có thấy tớ đánh anh này không hả?" Bà có biết không, cả mấy chục cái mồm cùng hét lạc giọng: "Không đánh, không đánh!" Cô phó hiệu trưởng quay ra phía cửa, hét lên: "Không đánh sao bạn này chảy máu đầu? Tự nhiên nó chảy à?" Bà biết không, các bạn ấy lại nhao nhao lên, đồng thanh hô khẩu hiệu: "Tự đâm-đầu-vào-gốc-cây! Tự-đâm-đầu-vào-gốc-cây". Cô phó hiệu trưởng, không biết sự tình nên không thể hiểu được sự việc. Cô ấy nói thế này bà bảo có buồn cười không nhớ: "Thế ra bạn này tự tử à?" Lúc ấy cháu mới nói: "Thưa cô, anh ấy lao vào, định dùng đầu hức vào bụng cháu. Nhưng cháu có võ, nên cháu tránh được. Thế là...". Mấy chực bạn ngoài cửa lại nhao nhao lên: "Đúng đấy ạ, đúng đấy ạ!" Không biết cô phó hiệu trưởng đã hiểu ra chưa mà cô ấy vẫn kết tội cháu là: "Cậy có võ làm bạn đâm vào gốc cây, chảy máu đầu".
Về sau cháu mới biết, cái anh định húc cháu, là con một cô giáo trong trường. Thảo nào!
Hai bà cháu ăn xong ra ngồi với nhau ngoài phòng khách. Phòng khách là khoảng rộng nhất, ở ngoài cầu thang. Bà Phụng lại vừa trò chuyện với cháu, vừa ngắm gạo, ngắm người qua lại.
Kiên bảo vợ:
- Anh nghe con bé nói, thấy tư duy của nó khá lắm. Rất chặt chẽ, logíc. Diễn đạt thì mạch lạc, khúc chiết, thể hiện đúng khả năng tư duy. Đúng là mẹ nào con nấy. Anh biết ơn cô giáo của anh lắm đấy.
- Thế là biết điều đấy. Cứ trông vào anh thì có mà… Con bé có lối lập luận rất chắc chắn. Tính pháp lý cao lắm. Cái này phải nói là thừa hưởng của bố. Nhưng chị ngập ngừng đắn đo - Em sợ con người chính trị của anh lắm.
Anh quay sang nhìn chị, có ý không bằng lòng:
- Em buồn cười nhỉ. Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Làm sao em lại tách con người chính trị của một người công tác chính trị ra khỏi con người kỹ sư, con người quản lý của anh. Thế em thích con người nào của anh? Có thích con người này không? - Vừa nói, anh lừa cầm tay vợ đặt lên tim mình.
Thảo Tần tươi cười:
- Con người này thì đáng yêu thật. Em công nhận rồi! Thế nếu em đồng ý thì lần này có đẻ được con trai không nhớ? - Chị ngập ngừng - Nhưng mà con người chính trị của anh thì… phải cảnh giác!
- Em nói gì thế? - Anh nghiêm giọng hỏi vợ.
- Em nghe lời xui dại của anh, cứ nhận cái chức phó hiệu trưởng, giờ mới ân hận.
- Chắc lại gặp chuyện gì ở trường chứ gì? Phụ nữ cứ hơi một tí là quan trọng hoá lên. Đến lạ!
- Anh nghe em kể xem có đúng là quan trọng không hay là em đã quan trọng hoá lên nhé. Em dự giờ chị Phương, dạy sinh vật. Chị ấy dạy bài Máu và truyền máu. Dạy đúng y xì sách ấy. Lại cũng có giáo cụ trực quan hẳn hoi. Một ít tiết lợn, nhưng không giải thích với học trò là máu gì, nguồn gốc? Lúc rút kinh nghiệm ở tổ, để mọi người góp ý, nhận xét xong em mới nói. Em thừa nhận là cô giáo bám sát sách giáo khoa. Truyền đạt được các kiến thức cơ bản. Nhưng tiếc rằng chưa biết mở rộng và đi sâu, cho nên chưa gây cho các em sự hào hứng, thích thú học môn này. Tôi nói môn này không phải là môn sinh vật mà là môn máu ấy - y tế gọi là huyết học. Có cả một môn khoa học về máu cơ mà. Nếu kể cho các em nghe trong thời chống Mỹ cứu nước, chúng ta thiếu thuốc men, thiếu dịch truyền cho thương binh - mà người bị thương, nhất là những vết thương mất nhiều máu, không cầm được máu để máu chảy nhiều. Hoặc cầm được mà không truyền huyết thanh kịp thời để bổ sung thì cũng không cứu được. Vì nước là thành phần chính của máu. Có hai loại huyết thanh: huyết thanh ngọt và huyết thanh mặn. Cái khó ló cái khôn. Một anh bác sĩ trẻ, nằm trên võng dù dưới gốc dừa, cứ xót xa về cái chết của anh thương binh trẻ măng hôm trước, bàn tay ấy mới chỉ biết cầm súng đánh giặc, chưa bao giờ cầm tay một cô gái, chứ đừng nói đến một nụ hôn… Nhìn đám lá dừa lao xao nắng gió, những trái dừa "đựng nước ngọt nước lành, những hũ rượu treo quanh cổ dừa" - thơ Trần Đăng Khoa đấy - Anh ta vỗ trán reo lên: Sao không được? Ư đúng rồi. Còn gì ngọt ngào, thy ngon, tinh khiết bằng nước dừa. Mà ngẫm ra, nó có khác gì huyết thanh ngọt đâu nhỉ? Liều một cái, có chết, cũng là chết có ích. Mình nếm đủ mùi đời rồi, có vợ rồi, có con chống gậy rồi. - Anh ta nghĩ thế và lập tức làm ngay. Chiến tranh không cho phép chần chừ, do dự. Lấy quả nào? Dừa già hay dừa non? Non thì hay hơn, càng tinh khiết hơn. Thì cái gì non mà chẳng ngon hơn già.
Anh chồng được dịp chêm vào:
- Lại sai lầm rồi, chỉ của em là non ngon hơn già thôi, đây này đùi non ngon hơn đùi già… chứ có phải cái gì cũng thế đâu.
Vợ mắng:
- Có để em kể không nào? Chỉ được cái bộ thế là giỏi. Anh ta báo cáo lên lãnh đạo. Lãnh đạo động viên một câu rất chính trị: "Hoan hô tuổi trẻ sáng tạo, nếu đồng chí hy sinh, nhất định tôi đề nghị cấp trên phong… liệt sĩ!" Thế mà thành công đấy, cứu được bao nhiêu thương binh đấy.
Chồng khen:
- Em giỏi thật đấy, miêu tả cứ như là nhà văn được tận mắt chứng kiến ấy. Thế thì hết bố nó giờ phát biểu của người khác rồi còn gì - Kiến nói thế, vì anh đang mải suy nghĩ việc cải tiến việc họp hành. Mất nhiều thì giờ quá - Nhưng mà anh chưa thấy điều gì làm em phải ân hận.
Vợ nguýt dài:
- Gớm, đấy là em làm văn nói với anh thôi. Chứ dài dòng văn tự thế ấy à? Còn chết nữa. Chưa hết đâu. Em bảo môn huyết học thế giới đã nghiên cứu làm máu nhân tạo. Và vì mỗi khi mổ, máu chảy ra trong ổ bụng, đều bỏ đi, nên người ta còn nghiên cứu để tái sinh máu. Đây là một đề tài nghiên cứu rất triển vọng. Còn để dễ bảo quản, vận chuyển đi xa, người ta đã chế tạo ra máu khô. Chỉ việc pha với dịch phù hợp là tiếp được ngay cho bệnh nhân…
Chồng lại chêm vào:
- Như anh pha nước chấm ấy, đúng không?
- Nhưng mà tình trạng thiếu máu vẫn cứ trầm trọng. Do vậy, chúng ta hãy tham gia hiến máu nhân đạo khi nhà trường tổ chức…
Chồng vỗ đùi, nhưng không phải đùi mình mà là đùi vợ:
- Tài thật, đúng là anh chọn vợ quá giỏi. Anh mà là học trò của em, anh không chỉ mê môn em dạy mà mê luôn cả cô giáo.
- Này đừng có mà "náo nếu" - chị cố tình nói ngọng - có đời thuở nhà ai, trò yêu cỏ giáo không? Chỉ bậy bạ!
- Khối ra đấy… Như anh đây này… Ờ nhưng mà, anh vẫn chưa hiểu vì sao…
- Vâng, thì đồng chí nghe tiếp đây: Anh có biết chị Phương nói thế nào không? Mặt chị ấy lạnh tanh, giọng dè bỉu: "Tôi chỉ làm nhiệm vụ truyền đạt kiến thức trong sách giáo khoa thôi. Không sai sách là được rồi. Lương lậu có thế thôi. Còn phải dạy thêm, làm thêm mới đủ sống. Chứ có đâu được như vợ bí thư Quận uỷ chỉ ngồi phòng máy lạnh, đọc sách báo tham khảo"…
Kiên nắm chặt tay vợ - cử chỉ cảm thông chia sẻ. Quả thật câu chuyện hoá ra nghiêm trọng:
- Thế em trả lời thế nào?
Em uất nghẹn cổ, đến nỗi phải rót ngay một chén nước, uống một ngụm, ngụm sau phải ngậm một tí rồi mới nuốt để tự trấn tĩnh. Em bảo: Trước khi làm hiệu phó, em cũng làm giáo viên như chị. Trước khi làm bí thư Quận uỷ chồng em cũng là công chức, nếu em không nhầm thì còn không bằng cấp bậc chồng chị (vì em biết chồng chị ấy là đại tá quân đội ăn lương tướng cơ mà). Em nghiệm ra, nếu chỉ bằng lòng với kiến thức trong sách giáo khoa thì không thể thoả mãn nhu cầu học tập của học sinh, nhất là với các em học lực khá trở lên, vì thế phải đọc, phải học thêm. Kiến thức trong sách là kiến thức chết, kiến thức đóng. Em nghĩ, phải mở cho các em hướng tới một không gian, một chân trời cho các em ước mơ, cho các em bay lên. Dù có những em gẫy cánh, dù không phải em nào cũng bay tới chân trời của mình. Vì thật ra làm gì có chân trời. Khi ta bay đến chỗ mà ta tưởng là chân trời, thì trước mắt lại là một chân trời khác không cùng, như sự không cùng của kiến thức, của vũ trụ…
Mỗi khi chuyện trò với chồng, Thảo Tần cứ như được bộc bạch hết lòng mình. Chị nói với chồng mà cũng là nói với mình, với con mình. Còn thực tế trong cuộc họp rút kinh nghiệm ấy, chị chỉ nói rất vắn tắt, chứ không như nói với chồng lúc này. Không thể ngờ được, không một ai ngờ được, cả chị giáo viên có tuổi kia, ngay cả chị cũng không thể ngờ được mình đã đưa ra quyết định nào - Đấy là kinh nghiệm của bản thân em. Có lẽ chính vì thế mà em trở thành giáo viên dạy giỏi. Cũng chính vì là giáo viên dạy giỏi mà em được đề bạt vào chức vụ hiện nay. Em đã xiêu lòng khi về hỏi ý kiến nhà em, anh ấy bảo nên nhận. Đấy là một sự đánh giá. Bây giờ em mới thấy mình sai lầm. Nếu không nhận, em sẽ không phải đi dự giờ của chị, em chỉ biết bộ môn em thôi. Em đã không bị chị xúc phạm. Hôm nay, chị đã không chỉ xúc phạm em, mà còn xúc phạm cả chồng em nữa…
Giọng Thảo Tần căng lên, kiên quyết, dõng dạc như chị giáo viên kia vẫn đang ngồi trước mặt. Kiên bóp chặt tay vợ như anh đang ngồi cạnh chị, lúc chị phát biểu.
- Với những gì vừa nói, em có quyền đòi chị công khai xin lỗi em. Nếu chị không xin lỗi…
Kiên ngạc nhiên nhìn vợ. Anh biết bản lĩnh vợ mình. Những quyết định của chị, dù đưa ra bất ngờ nhưng không phải là hậu quả của một thái độ nóng nảy, vội vàng. Mặc dầu nó không phải là một quá trình suy nghĩ lâu dài, nhưng tính đúng đắn của nó thì… anh chưa thấy lần nào chị quyết định sai. Vì sao lại như thế được?
Chỉ có thể giải thích. Đấy là kết quả tất yếu của một phương pháp tư duy khoa học. Chính vì tư duy khoa học nên dù có đưa ngay ra quyết định, khả năng đúng đắn của nó vẫn cao gấp nhiều lần một người đắn đo, cân nhắc mãi, nâng lên đặt xuống mãi mà sai vẫn cứ sai, vì cái gốc là phương pháp tư duy của họ không đúng.
Nhưng, đến đấy mà anh vẫn không hiểu sự việc sẽ dẫn đến đâu. Vợ anh đã ra những điều kiện gì với chị kia. Chắc hẳn Thảo Tần không làm đều gì quá khích hoặc không phải. Anh biết vợ mình - con gái ông cán bộ tuyên huấn không dễ mắc sai lầm đâu.
- Anh có biết em quyết định gì không? Em bảo nếu chị không xin lỗi, tôi sẽ từ chức. Đây không phải là một cuộc cãi nhau mà là làm việc. Không có chuyện tại anh, tại ả, tại cả hai bên, một người đúng một tí, sai một tí rồi hoà cả làng. Hoặc tôi sai chị đúng, hoặc chị sai tôi đúng! Chỉ có vậy thôi.
- Kết cục thế nào?
- Chưa thế nào?
- Em trong ban giám hiệu cơ mà.
- Ơ cái anh này. Còn chi bộ nữa chứ. Bên các đơn vị hành chính sự nghiệp, Bí thư có thể là thủ trưởng đơn vị mà cũng có thể không. Trường em, bí thư là một anh giáo viên dạy sử.
Vừa lúc ấy ông Hoè về. Bộ complê nâu đen cắt rất vừa, trông ông oai hẳn lên. Thuỳ Dương chạy ra đón ông. Hai ông cháu ríu rít:
- Nghe nói cháu học võ khá lắm! Đai gì rồi? Có đánh nổi ông không? Ông cháu ta tỉ thí một trận xem thắng bại thế nào nhé?
- Cháu không đánh đấm gì đâu ông ạ, chỉ để tự vệ thôi mà. Thế, võ của ông là võ gì?
- Môn võ của ông có sức công phá khủng khiếp. Có thể hạ gục tất cả các môn phái khác, kể cả Thiếu lâm tự, giuđô, karateđô, kích bốc v.v và v.v…
- Nhưng tên nó là gì chứ ạ?
- Là Khẩu võ!
- Cháu chưa nghe thấy bao giờ.
- Thế thì lần đầu cháu nghe đấy. Điều này chứng tỏ cháu thiếu hiểu biết từ Hán Việt. Cần phải học thêm. Khẩu võ tức là võ mồm!
Con bé cười rũ ra.
- Chết thôi! Bà và cháu giống nhau thế nhỉ? Bà thì chê ông là chỉ biết có mỗi việc đi giảng nghị quyết, chả biết làm gì, cũng chỉ là võ mồm thôi đấy! Nhưng cháu nên biết thêm điều này nhớ. Có một lý thuyết về ứng xử dạy rằng, có thể tránh được các cuộc gây gổ, đánh nhau bằng sự thuyết phục gọi là Giudô bằng lời nói đấy nhé. Nó đề cao tinh trí tuệ, sự hiểu biết, khả năng thuyết phục của lẽ phải, mà những kẻ thích dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn, thường rất thiếu. Cháu có biết hiện nay có những cuộc xung đột lớn, đến cấp quốc gia mà vẫn được giải quyết bằng thương lượng không? Bây giờ thế giới đã có những chuyên gia, chuyên thương lượng để giải cứu con tin bị bắt cóc như cơm bữa không? Đấy cũng là một dạng thức của võ Giudô bằng lời nói đấy!
Kiên bảo con:
- Thôi con đừng hỏi nữa, để ông ăn kẻo đói. Hôm nay có món bún chả, nhà con chuẩn bị rồi ông ăn đi đã.
Thảo Tần hỏi bố:
- Thế bác Đại đâu mà không đưa ông về?
- Nó còn bận đi đâu đó. Ông đi xe máy ngoài về. Công ty trả lương ông gồm cả tiền đến thoại, tiền nhà ở tiền thuê người giúp việc, tiền đi lại bằng xe buýt cơ mà.
- Thế thì lương ông khá hơn lúc còn đi làm là cái chắc.
- Điều đó là đương nhiên rồi, có gì lạ đâu. Đưa mọi thứ vào lương là đúng đắn nhất đấy, khoa học lắm. Rồi ta cũng phải làm thế thôi. Này, thế cái vụ giải phóng mặt bằng nút cổ chai đến đâu rồi? - Ông quay sang con rể - Mà phải hết sức chú ý đến chuyện đất đai đấy nhớ. Bây giờ cả thành phố, cả đất nước mình sốt đất. Hiện nay, đất là vấn đề số một. Rồi sẽ là cổ phần hoá. Rồi sẽ là thị trường chứng khoán. Đó là những vấn đề lớn của kinh tế trong cơ chế thị trường. Sẽ có nhiều vấn đề phức tạp lắm đấy. Anh cần hết sức thận trọng. Cần dựa vào tập thể. Cần tôn trọng ý kiến tập thể, cần giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
- Con cảm ơn ông về những lời nhắc nhở. Ông nhắc đi nhắc lại cũng không thừa đâu ạ. Ông tuyên huấn nhắc thì chỉ có từ đúng trở lên thôi. Quả thật chuyện đất đai và chuyện giải phóng mặt bằng, nghĩa là chuyện người dân giữ đất vẫn là vấn đề nóng của đô thị. Con cũng đang tập trung cố gắng vào việc này. Ông đi ăn đi, kẻo quá bữa hại dạ dày