Nhưng vì sao Diệu lấy Sán thì không ai hiểu được.
Sán biết vợ mình xinh đẹp. Thằng đàn ông nào nhìn vợ mình cũng phải thích. Điều ấy thì anh ta đã chứng kiến quá nhiều. Đã có lần, anh ta chửi không địa chỉ một gã hau háu nhìn vợ mình, như muốn ăn tươi nuốt sống: "Đi thôi em, đâu có thứ đàn ông thô lỗ, thấy đàn bà cứ dán mắt vào là nghĩa làm sao?"
Anh ta làm tình với vợ không biết mệt, không biết chán. Có lần, son phấn xong, nhìn vợ thay quần áo đi làm, không đừng được cơn thèm, lại bế thốc vợ vào giường làm một cuộc chớp nhoáng mới nghe.
Nhưng rồi hắn không thích vợ, càng ngày càng không thích. Đến mức hắn hay kiếm cớ đá thúng đụng nia để quát vợ. Những lúc như thế, chị vợ không hiểu vì sao, ngạc nhiên hỏi: "Làm sao hơi một tí là anh gắt gỏng, quát tháo động anh em là thế nào?" Đã không thích thì dễ ức chế lắm. Có khi cả tuần chả động đến vợ. Chị vợ không giải thích được, cũng không làm sao cho anh ta trở lại như trước. Trước kia, bao giờ anh ta cũng chủ động. Bây giờ, chị chủ động chồng cũng không hưởng ứng. Nếu mệt hay khó chịu hoặc vì lý do gì mà từ chối đã đi một nhẽ. Đằng này anh ta buông hai tiếng gọn lỏn: "Không thèm!" làm chị vừa tức, vừa tủi thân, vừa khó hiểu. Hay là anh ta bồ bịch? Chả có lý. Mình thì đến nỗi nào?
Suy nghĩ ấy của chị là rất không thực tế, rất sai lầm là khác. Nào có phải bồ bao giờ cũng đẹp hơn vợ. Nhiều khi lại xấu hơn là khác. Nhưng họ cứ kết nhau là vì hoàn cảnh thuận tiện như lửa gần rơm và vì một trăm linh một lý do ngoài nhan sắc. Hắn thì không có bồ thật. Không có bồ, vì bồ hay nhõng nhẽo, nhũng nhẵng, nhùng nhằng, mất thì giờ đã đành. Còn một lý do xã hội khác. Thời buổi này có những cô gái, muốn được việc mà không muốn mất tiền, hay đỡ mất tiền, liến xuất "vốn tự có" ra thanh toán. Tất nhiên hai bên được việc xong thì anh đi đằng anh, tôi đi đi đằng tôi.
Ngẫu nhiên có gặp lại, coi như không quen biết, hoặc chỉ chào hỏi lấy lệ.
Một hôm đưa con về thăm ông bà ngoại, Thanh Diệu nói chuyện với bố - một ông giáo dạy văn. Ông cụ cười xoa đầu như hồi cô còn đi học:
- Sao cô ngốc thế. Người ta thì khôn nhà dại chợ, con gái tôi lại khôn chợ dại nhà.
Thấy con chưa hiểu, ông cụ mới nói:
- Thằng chồng nào cũng thích vợ đẹp, cũng ghen vì vợ đẹp. Nhưng không thằng chồng nào thích vợ thông minh hơn mình. Nó sẽ ghen với chính vợ nó, vì đã thông minh hơn nó. Ngừng một lúc, giọng ông cụ xa xôi:
- Rồi vợ chồng con cũng chẳng ra sao đâu.
Cô hốt hoảng:
- Con rất ý thức về gia đình. Con chả làm gì nên tội?
- Con gái ơi, không phải lỗi ở con. Nói khác đi, lỗi của con là con thông minh hơn chồng, sắc sảo hơn chồng. Bố nói chuyện với chồng con thì bố biết. Ai bảo mày cứ mê tiếng ghita của nó. Mà từ ngày lấy nhau, bố có thấy nó chơi đàn nữa đâu. Bố tiên lượng thế, vì bố tin rằng, con sẽ tiến bộ nhanh trong công tác. Mà khoảng cách càng xa thì mâu thuẫn càng lớn.
Câu chuyện giữa hai bố con diễn ra trước khi chị được bổ nhiệm trưởng phòng Tài chính. Từ bấy đến lúc chị được đề bạt làm phó chủ tịch Quận, khoảng cách giữa họ càng xa hơn.
Đúng như ông cụ nhận xét và dự đoán, chả bao giờ Sán còn sờ đến cây đàn ghita nữa. Ghita là thứ đàn cá nhân, một dàn nhạc nhỏ đối với những người chơi chuyên nghiệp, có trình độ cao. Còn với đa số người chơi nghiệp dư, chỉ biết đệm gọi là, chỉ biết chơi tàm tạm thì nó là người bạn tâm tình cho cả lúc buồn lẫn khi vui. Có lẽ Sán không bao giờ còn cầm cây đàn ghita đã một dạo làm mê mẩn cô sinh viên đại học kinh tế Thanh Diệu nữa. Anh ta tập trung tất cả vào chuyện làm ăn, và bây giờ rất thạo chơi dàn tì bà mà Hồng Nguyệt là một trong nhiều cây đàn tì bà anh ta thích.
Thanh Diệu nghe bố nói, biết không thể nào lấy lại được nữa. Chồng chị ngày càng xa cách. Chỉ trừ ngày giỗ, ngày tết về bên ngoại, hay bên nội họ còn đi cùng, ngoài ra chị toàn đi một mình. Mọi quan hệ đối ngoại không bao giờ anh ta đi cùng vợ nữa. Nghĩ nát nước, một hôm chị sang bên tổ chức Thành uỷ, sau đó đến Ban Tổ chức chính quyền thành phố, muối mặt nói với các anh chị bên ấy, bằng cách nào đấy, can thiệp, bố trí, sắp xếp để chồng được rút lên văn phòng Kiến trúc sư Trưởng thành phố. Sán không hề biết việc vợ làm cho mình. Anh ta cho rằng cơ hội làm ăn đã đến, và của đáng tội, cũng biết đầu tư cho con đường thăng tiến của mình. Mấy năm sau, anh ta được đề bạt phó trưởng phòng Quy hoạch. Nhưng đến cuộc chạy đua vào chức trưởng phòng thì gay. Nhưng mảng quy hoạch Sán được phân công nắm cũng đủ ăn chán.
Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận Lâm Du, Đoàn Thanh Diệu hiếm hoi mới có một ngày về nhà ngay sau giờ làm việc chiều. Những cuộc họp triền miên không tha chị. Những cuộc họp, cuộc hội nghị cấp thành phố, quận, huyện, các sở, ban, ngành… thường diễn ra vào buổi sáng. Không mấy hội nghị diễn ra buổi chiều. Buổi chiều thường đành cho những cuộc họp nội bộ của một cơ quan, một ban ngành nào đó.
Không một ai bước chân vào guồng máy nào mà không bị nó cuốn đi. Là một công chức mẫn cán, Thanh Diệu không dám bỏ một cuộc họp nào, nhất là khi chị phải chủ trì những cuộc họp thuộc lĩnh vực của mình. Chị thường về nhà muộn.
Càng hay!
Chồng chị trở nên bận rộn. Nào khách của mình đến nhờ xem quy hoạch đất. Nào khách của phó chủ tịch vợ. Anh ta tiếp tất cả. Ghi tên lại đàng hoàng. Đề nghị những gì, giấy tờ hồ sơ trong một bì giấy hoặc túi ni lông thì để nguyên, không giở ra. "Tôi sẽ đưa nguyên si thế này cho nhà tôi". Bởi khách thường kẹp vào trong hồ sơ một chiếc phong bì… Thì ai cũng biết, chả ai biếu không ai cái gì. Diệu bảo chồng liệu mà nhận quà cáp của người ta đấy. Trong phạm vi quyền hạn của mình, chỉ có nhanh hay chậm, không trái nguyên tắc thì chị còn giúp được. Nếu cứ nhận bừa người ta mà không giúp được là họ oán đấy. Mà họ tố cáo thì còn chết nữa. Lúc ấy anh phải chịu trách nhiệm đấy. Sán cự lại, mấy cái thứ quà lặt vặt thì bõ bèn gì, thiên hạ người ta biếu hàng trăm triệu ấy chứ.
Thời buổi này không ai còn mang gà, gạo nếp đỗ xanh đi biếu. Người thành phố đã tù lâu quên hẳn cái chuyện mổ gà, mổ vịt, làm cá mú, nhất là làm lòng gà, lông vịt, lòng vịt. Đã có cảnh, khách ở quê ra chơi mang theo con gà, bị trẻ con càu nhàu rồi xách đi. Khách tủi thân khóc, nghĩ là cháu đem đi cho, không thèm ăn.
Đến lúc thấy nó xách con gà làm rồi về mới vỡ lẽ, là nó đi thuê làm ở tổ dịch vụ. Bây giờ mọi thứ đều quy ra phong bì. Giống như ngày xưa ở ta, các thứ lương thực, đều quy ra… thóc. Cứ hai ngô, hoặc hai khoai hay hai sắn bằng một thóc. Phạt vi cảnh bốn hào, tức là một cân thóc. Vậy mà vẫn không làm sao đạt được chỉ tiêu sản xuất lương thực.
Thế mà một lần, lại có người mang đến biếu Sán một két bia có tức cười không? Anh ta khó chịu lắm, nhưng cũng cố lấy giọng nhã nhặn hỏi:
- Anh tên là gì? Có việc gì cần nhà tôi giúp đấy?
Khách trình bày nhà ở chỗ ấy chỗ nọ, nay đường sắp mở sẽ đi qua… - Hoá ra là khách của mình. Thằng cha trông chả có cảm tình tí nào - Anh ta nghĩ. Theo mốc chỉ giới quy hoạch thì vỉa hè sẽ xén vào nhà anh ta 2m, suốt mặt tiền nhà dài 25m. Chỉ cần nắn lại quy hoạch một chút, chỉ cần đoạn ấy hơi thắt lại một chút thì nhà anh ta vẫn còn 1,5m chiều sâu, vẫn cứ làm được nhà.
Việc này thật sự khó. Nó liên quan đến nhiều khâu nhiều người, phải sửa lại thiết kế. Phải "làm việc" với bên thì công, vì bên thì công cũng đã có bản thiết kế được phê duyệt. Nhưng nếu cố tật cũng vẫn xong. Miễn là phải "biết lễ độ". Theo tiếng lóng bây giờ, nghĩa là phải có dầu mỡ bôi trơn xứng đáng. Anh ta bảo nhà mình kinh doanh vàng bạc, đá quý nên một tí mặt tiền là vô cùng quan trọng.
Sán không mảy may chú ý đến lời trình bày của khách. Với lại, nói thật… chỉ riêng cái việc mang két bia đi xin xỏ đã không mê được rồi. Anh ta trơn tru một câu cửa miệng:
- Thôi được anh cứ về, tôi sẽ cố gắng.
Khách vừa quay lưng, anh ta đã buông hai tiếng "Rách việc", rồi lấy chân đạp cho két bia chui vào gậm giường.
Diệu đi họp về thì đã gần tám giờ tối, chị nói cốt để thanh minh với chồng:
- Gớm chuyện giải phóng mặt bằng ở nút cổ chai lôi thôi quá anh ạ. Mấy buổi họp ngoài giờ mà vẫn chưa xong.
Anh chồng lạnh lùng:
- Khách của cô đợi từ tối đến giờ, vừa mới về xong đấy! Hộp bia của anh ta dưới gậm giường ấy!
Tất nhiên, Thanh Diệu không thể biết, đấy không phải là khách của mình. Nhưng chị phải biết, có những khách của mình chỉ biếu những thứ vớ vẩn như thế đấy! Đấy mới là câu thứ nhất. Câu thứ hai thế này: Cứ bỏ nhà cửa, chồng con thế này mà đi họp, cộng với vốn nhan sắc tự có, cô còn lên nữa đấy.
Cái thằng cha bia vừa nãy đã làm hắn mất thì giờ, mà chẳng được gì.
Chiều nay, đang làm việc, hứng tình Sán lại nghĩ đến Nguyệt. Hắn gọi điện cho cô, hẹn đến chỗ cũ. Con bé lại đỏng đảnh: "Em đang dở việc, không đi được. Hẹn khi khác anh nhé".
Cơn hăng đang lên. Câu trả lời làm anh ta cụt hứng. Tưởng ngon rồi đấy hẳn. Chưa thoát khỏi tay anh mày đâu em ạ. Thiếu gì lý do để khu đất ấy không vào tay các người được. Thì anh mày sẽ giới thiệu khu đất khác. Em còn phải "phục vụ" anh dài dài em ạ.
Thế mà về nhà, lại phải thổi cơm, làm thức ăn. Tuy chẳng khó nhọc gì với nồi cơn điện, bếp gas và thức ăn làm sẵn trong tủ lạnh, chỉ vèo một cái đã ăn được rồi. Nhưng mà hắn tức. Không nhẽ cứ làm ôsin cả đời cho vợ, để nó nhảy cẫng lên họp với hành suốt thế này à?
Thanh Diệu biết mình ít thời gian cho chồng con. Nhưng chợ búa chị vẫn lo. Trong tủ bao giờ cũng có thức ăn sẵn, chỉ cần cho vào lò vi sóng là ăn được rồi đấy. Chỉ phải làm thêm món xào, và canh. Rau thì đã nhặt, đã rửa sạch cho vào túi ni lông, chỉ vài nhát dao là xào cũng được, mà nấu cũng xong. Thịt cũng thái sẵn rồi.
Chỉ có tỏi là phải bóc. Còn hành lá cũng dã rửa sạch, hành củ thì bóc nhanh quá rồi còn gì. Con đã có thầy dạy thêm kèm cặp. Cô dạy nhạc đến tận nhà dạy đàn.
Biết làm sao với công việc được giao, mà đã vào guồng máy tổ chức ấy rồi thì làm sao không bắt vào nhịp quay của nó được?
Suy nghĩ ấy là thường trực trong tâm trí Diệu, chứ không phải lúc này chị mới nghĩ đến. Lúc này, chị chỉ thấy mình bị xúc phạm. Chị không lạ gì mấy từ "vốn tự có" khi nói đến những người phụ nữ dùng nhan sắc của mình làm phương tiện tiến thân. Chuyện ấy có không? Có thể ở người này, người kia. Nhưng với mình thì không! Quyết không bao giờ! Chị đã từng đứng giữa hội trường, chủ trì những hội nghị hàng trăm người, đã từng chủ toạ những cuộc họp đủ các thành phần, đủ các lứa tuổi toàn những người có trình độ học vấn, trình độ văn hoá cao. Có ai dám xúc phạm mình?
Sán nói câu trước xong, ngừng một tí như nghĩ ngợi, như cân nhắc rồi mới nói tiếp câu thứ hai. Nghe rõ ràng, đầy đủ trọn vẹn cả hai câu. Chị như bị một cú phang giữa mặt, mắt tối sầm lại, người hơi lảo đảo, trên đôi chân run run, đứng không vững. Khi định thần lại, mắt mở to, như để nhìn cho rõ mặt, xem có đúng người vừa nói câu ấy là chồng mình không? Rồi chị lừ lừ tiến lại! Người kia, chưa bao giờ nhìn thấy mắt chị trong trạng thái như thế. Mắt mở tưởng rách khoé mắt, mồm há ra rồi cắn chặt, môi ứa máu, mặt trắng bệch. Cả bộ mặt căng lên như biến dạng. Không tìm đâu thấy nét đẹp đẽ, duyên dáng hằng ngày. Chỉ còn sự kinh ngạc, phẫn nộ. Đến gần người kia, tay phải chị giơ lên mạnh mẽ, dứt khoát, giáng một nhát không thương tiếc vào mặt kẻ vừa nói câu ấy! Cái tát là nhát kiếm chém thẳng vào mặt Sán.
Bất ngờ.
Đau.
Tức giận.
Anh ta gầm lên:
- A à! Cô dám tát tôi hả?
Vừa nói anh ta vừa nhanh tay tóm chặt tay chị.
Nhưng không phải giữ lâu. Ngay lúc ấy người chị mềm nhũn ra, đổ xuống như bị đạn trúng tim.
Buổi chiều, từ công ty Đại gọi điện về cho bố.
- Bố còn nhớ bác Vỹ bạn bố, giờ nghỉ hưu ở Hải An không? Hôm trước con gặp, bác ấy có nhắn bố xuống chơi. Hôm nay, có việc xuống đấy. Bố thay quần áo đi con về đón bây giờ.
Vừa ra khỏi nội thành, Đại nói ngay:
- Con mải làm ăn quá, cứ nghĩ bố mẹ có một đống tiền là không cần gì nữa. Không đi đâu thăm thú bạn bè, không có nhu cầu gì… Cái chuyện ban trưa với con bé Ôsin ấy, con hiểu…
Mặt ông bố đỏ dừ lên, Lê Đại vẫn lái xe, đưa mắt nhìn sang. Bố chả việc gì phải ngượng. Thế nghĩa là bố vẫn còn là một người đàn ông. Mà con thì không hề quan tâm đến chuyện ấy, chỉ mải mê đi buôn - như bố nói.
Anh muốn làm một cú tạt ngang, cho câu chuyện loãng đi không tập trung tất cả vào đấy cho ông cụ đỡ ngượng, nên tiếp:
- Nhân đây con cho bố biết, sáng nay công ty con đã nộp thuế cho năm ngoái. Có lẽ cũng xấp xỉ số nộp ngân sách của cả huyện quê ta đấy. Thế là con yêu nước theo kiểu của con. Con buôn, kiếm lãi, đóng nhiều thuế cho ngân sách. Thế đấy bố ạ. Giờ con mới hiểu câu của cổ nhân: dân giầu nước mạnh.
Phía trước một đoàn xe siêu trường, siêu trọng to như những toa xe lửa ầm ầm cõng hàng xuống cảng. Mặc dù có hai làn đường, nhưng phải một đoạn rất xa, nháy đèn, bấm còi liên tục, xe Đại mới vượt lên được. Trong quãng thời gian ấy, anh tập trung vào tay lái. Ông bố dĩ nhiên im lặng. Bứt lên khỏi đoàn xe, Đại tiếp tục.
- Thôi không nói chuyện làm ăn… Con biết đã từ lâu mẹ không còn nhu cầu gần gụi bố nữa. Mà bố thì… Là đàn ông với nhau, con hiểu lắm. Chuyện trưa nay bố chả phải ngại với con. Bố chỉ nhầm đối tượng thôi! May mà mới chỉ đến đấy, không quá mù ra mưa. Nó mà thuận tình với bố thì… bố có biết hậu quả sẽ ra sao không? Thật khủng khiếp. Mẹ sẽ phản ứng thế nào khi bố không giữ được bí mật nữa. Còn cô ta thì sẽ nhanh chóng công khai vào một dịp có lợi nhất cho mình. Nó sẽ đòi hỏi ít nhất cũng là tài sản, tiền bạc. Mà nếu nó lại chửa đẻ, để đòi hỏi cả tài sản, tiền bạc, lẫn chỗ đứng trong gia đình mình… Chuyện thằng Cường là tấm gương tầy liếp rồi còn gì.
Im lặng…
Bố nên cởi mở với con chuyện này, cũng như những chuyện khác mà bố con mình đã trao đổi với nhau. Bởi vì, trước hết là bản thân bố, trưa nay, suýt nữa đã dính vào. Thứ hai, những chuyện lớn của đời con, con đều tin cậy hỏi bố. Không phải nhở bố quyết định giúp, bởi, thật ra, con đã quyết rồi. Con hỏi, chỉ để chứng tỏ, bố vẫn là chỗ dựa tin cậy của con, để chia sẻ.
Nếu bố không tán thành, thì con vẫn hành động theo suy nghĩ của con cơ mà. Hai chuyện trước, con biết là bố không tán thành. Nhưng là không tán thành về mặt tình cảm, tâm lý, và có thể cả đạo lý. Quân đội đã nuôi dưỡng con nên người, Đảng đã cho con một hướng đi, một lý tưởng sống, mà bây giờ con lại rời nó. Nhưng, bây giờ và trong tương lai, đi lính cũng là một nghề, một nghiệp như những nghề khác. Cũng sẽ phải tiến tới chuyên nghiệp hoá, thậm chí đã có nước còn có những tổ chức huấn luyện quân sự tư nhân kia mà. Làm sao con đáp ứng được? Bây giờ, con rời xa Đảng để lại gặp Đảng ở một điểm xa hơn, cao hơn, hữu ích hơn ở địa vị cũ đấy là chỗ mà tất cả người Việt Nam, cả trong Đảng và ngoài Đảng, cả trong nước và nước ngoài (bây giờ ta không gọi là Việt Kiều đâu bố nhớ, chỉ gọi là người Việt Nam ở nước ngoài thôi), đều gặp nhau. Đó là đất nước này, Tổ quốc này. Con chắc là trong thâm tâm, về mặt lý trí bố cũng thấy con không sai, và quan trọng hơn là bố không có lý đo xác đáng để phản bác con được.
Đường dài. Chẳng có gì mà vội. Phía sau một chiếc xe con nháy đèn xin vượt, Đại tạt vào làn đường trong, nhường ngay. Anh cũng chỉ chạy sáu bẩy chục cây số giờ. Đi nhẩn nha. Nói cũng nhẩn nha. Biết rằng, bố sẽ không đối thoại với mình, nên anh cứ nhẩn nha thế Nhưng chắc chắn ông cụ rất chú ý nghe mình nói.
- Thế mà đột nhiên, không tin vào tai mình, Đại nghe bố bảo:
- Về chuyện trưa nay… bố xin lỗi… Cảm ơn con đã thông cảm. Còn vấn đề con đặt ra…
Đại vẫn chú mục vào đường đi. Con đường phẳng lì mỗi chiều hai làn đường chính cho xe cơ giới, có giải phân cách mềm. Nhiều đoạn có giải phân cách cứng, trồng trúc đào. Hoa trúc đào đỏ ối loang loáng lượt qua cửa xe. Lúc bố bắt đầu nói, Lê Đại vội đưa nhanh mắt nhìn sang. Thế là cóc cụ đã mở miệng. Thật không ngờ.
Anh vui quá. Thế là ông cụ dũng cảm lắm đấy. Những tưởng mặc cảm tội lỗi, và xấu hổ với con, ông cụ sẽ câm như hến suốt đường đi cơ. Còn mình thì cứ nói, nói cho bớt áy náy ân hận về nỗi đã bỏ mặc bố trong cảnh hiu hắt, chông chênh sau khi nghỉ. Thật ra anh chỉ cốt chuẩn bị tinh thần cho bố thôi. Sợ ông cụ không nghe thì hỏng việc. Không ngờ, câu chuyện cởi mở, thẳng thắn đã kích hoạt một cái đầu ưa suy nghĩ, thích phân tích, lý giải mọi vấn đề phát hiện được. Đấy là dấu hiệu của một bản lĩnh mà xưa nay anh vẫn hết sức kính nể.
- Còn về vấn đề con đặt ra… bố chả biết nên thế nào. Nhưng không bao giờ bố muốn nhà mình có gì xáo trộn.
Anh bỗng thấy thương ông cụ vô cùng. Im lặng một lúc, anh nhẹ nhàng bảo ông, giọng trầm hấn xuống:
- Thôi bố đừng nghĩ ngợi làm gì hại sức khoẻ. Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Đại đậu xe trước nhà hàng lẩu ếch nổi tiếng Hải An. Anh gọi món ếch chiên bơ ròn, một nồi lẩu nhỏ, mấy chai bia Hà Nội ướp lạnh.
- Chúc công việc làm ăn của con!
- Chúc bố sức khoẻ, sống vui để mãi mãi là chỗ dựa tinh thần của con!
Lạ thế. Thiên hạ nghĩ ra lắm trò ăn uống thật. Ếch nhái, cá rô ron, rau khoai lang, củ chuối, sung muối… ngày xưa chỉ có dân đen cổ cày vai bừa mới ăn. Vậy mà bây giờ đều trở thành đặc sản mới kỳ. Đại bảo ở Hà Nội còn có duy nhất một nhà hàng có món chả nhái. Lúc nào cũng chật cứng khách. Ông Hoè vừa nhắm nháp vừa nghĩ ngợi điều gì. Chỉ thấy mùi bơ, chả thấy mùi thịt ếch đâu. Lẩu thì sao mà cay thế?
Hoá ra chưa bao giờ bố con có một cuộc đi xa thế này, trò chuyện cởi mở như hai người bạn vong niên thế này, ăn uống với nhau thế này. Ông bố vẫn nhìn con dưới con mắt của người bố. Hơn nữa lại là ông bố tuyên huấn. Hôm nay, chính nó chủ động trò chuyện với ông như hai người đàn ông. Ông bị thái độ thẳng thắn, nhất là tư duy mạch lạc, khoa học, lập luận rất có lý của nó thuyết phục. Ông bị nó cuốn vào lối nghĩ của nó, không gì cưỡng được.
Ăn xong, hai bố con đi dạo. Hải An về đêm thật dễ chịu. Đã nhiều lần xuống đây làm việc, chưa bao giờ ông Hoè được đi dạo thế này. Đi, đến đều có người đưa đón, trọng vọng. Những cái bắt tay cung kính. Những tiếng vỗ tay ràn rạt… Hôm nay ông mới được cảm nhận bằng các giác quan của mình, cái ào ạt của gió mang mùi muối mặn, mang cả cái nồng nàn của những con sóng ngoài kia, mang cả cái mênh mang của biển trời ngoài kia. Đầu óc ông thanh thản lạ lùng.
Phía trước có một thằng bé mười ba, mười bốn gì đó đang đi lại. Đến trước mặt hai bố con, nó hỏi:
- Hai sếp có uống cà phê không ạ?
Đại nhìn thằng bé, sao lại có lối tiếp thị kỳ quặc thế này nhỉ? Anh tự hỏi thế rồi bảo:
- Tao trông mày thế nào thì cà phê quán mày cũng chả ra gì.
Nó đáp ngay tắp lự:
- Cà phê pha sẵn có ba ngàn một cốc thì làm sao mà ngon được? Nhưng cái sau cà phê thì miễn chê.
Ông bố chả làm sao hiểu được ngôn ngừ đường phố này, thì ông con đã hỏi tiếp:
- Hàng gì mà mày bảo miễn chê?
- Sinh viên cao đẳng hẳn hoi!
- Ở đâu?
- Cứ đi theo cháu, mấy trăm thước thôi!
Giờ thì ông hiểu. Đại nói nhỏ với bố:
- Bố cũng nên biết cuộc sống thực đang diễn ra thế nào.
Một ngôi nhà cấp bốn. Ba cô gái đang chơi bài, thấy khách đến ngừng cả lại. Hai bố con ngồi xuống hai chiếc ghế đẩu, các cô ngồi trên giường, đùi và chân trần dưới làn váy ngắn thõng xuống đong đưa. Không hẳn là đẹp nhưng trẻ trung, ưa nhìn. Rõ là đang tuổi sinh viên và có học. Ông bố tò mò nhìn. Ông con thì hỏi:
- Sếp anh và anh muốn vui với các em một lúc.
- Nghe thằng bé nói các em là sinh viên cao đẳng nên mới vào. Không thì thôi đấy!
- Chúng em là sinh viên thật mà!
- Lấy gì chứng minh?
Cái cô trông ngon mắt hơn cả lùa tay vào ngực áo hai dây, lấy từ trong nịt vú ra:
- Thẻ sinh viên của em đấy. Nhưng anh không được cầm, chỉ được xem thôi - Cô giơ tấm thẻ ra trước mặt Đại, ngón tay cái cầm che đúng chỗ có tên - Anh xem anh này có phải là em không? Con dấu của trường em đấy nhớ! Tin chưa nào?
- Được rồi nhưng mà… ở đâu? - Đại nhìn quanh nhà. Nhà có hai gian, gian ngoài: một cái giường, một bàn nước, mấy chiếc ghế nhựa, trên bàn thờ, một chiếc ti vi 17 inh quay mặt ra phía bàn. Đại đứng dậy ngó vào gian trong, một chiếc giường, một cái tủ vải bạt kiểu du lịch, cửa tủ là khoá chân rết kéo suốt tù trên xuống dưới.
Anh quay ra, lắc đầu:
- Hôi hám quá, không đạt tiêu chuẩn!
- Thì anh đưa chúng em về khách sạn, nhà nghỉ. Tha hồ sang trọng.
Đại thấy tình hình này chưa thể đứa bố vào cuộc được nên đánh bài chuồn:
- Thôi vậy - Anh rút ra tờ năm mươi ngàn:
- Các em uống nước nhé.
Rồi Đại dò tìm trong máy, bấm vào chiếc Nokia màn hiển thị rộng.
- Chú Vỹ ạ. Cháu Đại đây. Mười phút nữa bố con cháu đổ bộ vào nhà chú nhé.
Dạo ấy, ông Hoè là chính trị viên tiểu đoàn. Ông Vỹ là đại đội trưởng một đại đội trong tiểu đoàn ông.
Năm 1958 ông Vỹ thuộc quân số tám vạn cán bộ, chiến sĩ xuất ngũ cho nhẹ gánh quân đội, làm lực lượng khôi phục kinh tế. Hàng loạt nông trường quốc doanh được thành lập khắp miền Bắc. Cả ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương thành một công trường lớn nhất nước làm công trình đại thuỷ nông Bắc-Hưng-Hải. Hệ thống đường sắt miền Bắc chỉ còn tuyến Hà Nội, Hải Phòng. Các tuyến Hà Nội - Mục Nam Quan, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Vinh bị ta xẻ ngang trong cuộc tiêu thổ kháng chiến, giờ phải khôi phục lại. Ông Vỹ lăn lộn trên các tuyến đường sắt ấy cuối cùng về hưu với chức giám đốc Đoạn đầu máy Toa xe Hải An. Ông Hoè chuyển ngành sau ông Vỹ mấy năm. Qua bạn bè cũng có biết đại khái tình hình của nhau. Những lần xuống Hải An công tác, cũng đã vài lần ông Hoè có tí định tìm thăm bạn, nhưng công việc cứ lôi đi xềnh xệch, không kịp thở. Giờ nghỉ rồi, lại có xe của con trai, bạn bè mới có điều kiện tìm đến nhau.
Trong nhưng câu hỏi thăm gia đình, ông Vỹ bỗng hỏi:
- Thế thằng Hồi làm đến chức gì rồi?
Ông Hoè chạnh lòng:
- Anh không biết chuyện gì à…? Cháu hy sinh ngay khi chưa đầy tuổi tôi quân ngũ. - Giọng ông nhỏ lại, như nói với mình - Cũng tại tôi thôi anh ạ!
Họ nhắc đến những người bạn cũ cùng đơn vị, cũng chỉ biết đến những cán bộ cỡ đại đội bậc trưởng, bậc phó, một vài cán bộ trung đội có những đặc điểm nổi bật thôi. Hai người thống nhất sẽ nhóm họp các cựu binh tiểu đoàn. Được ai thì được. Giờ có điều kiện vật chất, gặp nhau ôn lại một thời lính chắc sẽ vui lắm.
Ông Vỹ hỏi:
- Chết thôi, đã ăn gì chưa? Ăn rồi thì thôi, nếu không tôi mời bố con anh đi ăn, chứ ở nhà cũng không có người nấu nướng đâu. Vợ tôi sang bên cháu nội rồi.
Đại quay sang ông Vỹ:
- Cháu hỏi khí không phải…
Anh ngừng lại đắn đo. Thấy thế ông Vỹ giục:
- Nói gì thì nói đi xem nào, mày cũng là lính như chúng tao cơ mà!
- Cháu hỏi thật nhớ, chú đã đi mát sa bao giờ chưa?
Ông Vỹ ngạc nhiên:
- Máy coi tao là loại người cổ lỗ hay sao mà hồi thế hả?
Đại quay sang nhìn bố một cái, không nói gì. Anh nói với ông Vỹ:
- Thế thì, cháu mời chú đi với bố cháu cho vui?
Trong lúc ông Vỹ đi thay quần áo, Đại đứng dậy, ngắm nghía trang trí phòng khách. Một bức ảnh lớn, ông Vỹ vẻ mặt tự hào đứng bên chiếc đầu máy xe lửa hơi nước mang tên Tự lực. Một bức ảnh tĩnh vật chỉ có đường ray mà nói rất nhiều điều. Từ trong một vòm đen hình ô van (miệng hầm xuyên sơn), ba đường ray như ba tia sáng lao về phía chân trời tít tắp. Hai bức ảnh chân dung ông Vỹ và bà vợ khổ 30x40 cm và một bức ảnh toàn gia đình ông bà, ba người con hai gái, một trai với năm đứa cháu nội ngoại.
Ông Hoè vẫn ngồi đấy, có vẻ đang nghĩ gì. Ông Vỹ xuống trong chiếc sơ mi ghi nhạt trẻ trung. Đại hỏi ngay:
- Tự lực có nghĩa là đầu máy nào do ta chế tạo hả chú?
- Không, chưa chế tạo được, phục chế thôi. Thì đặt tên thế cho oai, chứ có để chế tạo tại Việt Nam đâu?
- Thế ở đâu một đường xe lửa lại có ba đường ray hả chú?
- Thôi ra xe, vừa đi đường vừa nói chuyện nhớ.
Thành phố biển Hải An về đêm, cũng nhộn nhịp chả kém gì Thanh Hoa. Những cây đèn hoa nở bừng từ gốc lên ngọn, tắt phụt đi rồi lại nở bừng lên vẫy gọi.
Những dãy đèn như chùm sao nhỏ li ti từ trên ngọn cây rủ xuống như bánh pháo tết độ nào, như đài hoa lộc vừng buổi hoàng hôn. Ông Vỹ giải thích cho Đại:
- Người trong nghề, nhìn bức ảnh ấy sẽ biết ngay, đó là tuyến Hà Nội - Đồng Đăng. Chỉ tuyến ấy mới có cả đường một mét và đường mét tư. Thế giới không còn ai chạy đường một mét. Người ta đã chạy đường một ray, đường không ray, tức là chạy trên đệm từ rồi, ta vẫn cứ một mét. Ngày trước ta và Trung Quốc vẫn có tầu liên vận mà Trung Quốc thì cũng chạy đường mét tư nên hai bên thống nhất làm cả hai khổ đường trên một đường Vì thế mới có ba đường ray. Ba đường song song này chỉ đến ga Yên Viên thôi. Trong tương lai, ta cũng phải chạy đường mét tư. Đấy là thời của các anh đấy. Ở Việt Nam còn có một đoạn đường xe lửa nữa cũng có 3 đường ray trên một khổ đường một mét.
- Thế một đường ray nữa làm gì ạ?
- Đường ray này nằm ở giữa hai đường ray kia. Nó là một đường ray đặc biệt, bởi có những rãnh ngang trên xống đường.
- Sao lại thế ạ? Để làm gì hả chú. Cháu chưa nghe bao giờ.
- Làm sao mà nghe hết mọi chuyện trên trời dưới biển được? Cái đường ray ở giữa ấy gọi là đường xe lửa răng cưa. Bởi trên đầu máy chế tạo đặc biệt này có một bánh răng. Bánh răng này khớp với các rãnh ngang trên đường ray, vì thế tăng độ bám kết lên gấp nhiều lần.
Nhờ thế không thể xảy ra tình trạng trơn trượt khi leo dốc. Nếu không có nó, dù đã hãm chết lại, các toa vẫn có thể kéo cả đầu tầu tụt dốc được.
Câu chuyện kích thích trí tò mò của Đại, ông Hoè cũng hào hứng nghe chuyện bạn:
- Quả thật lần đầu tiên tôi nghe nói đến đường xe lửa răng cưa.
Ông Vỹ có vẻ khoái chí:
- Thì nghề của tôi mà! Cũng như nghề tuyên huấn của anh cũng có lắm chuyện mà tôi không biết chứ. Anh và cháu không nghe nói bao giờ, bởi nó đã không còn tồn tại từ năm 1945-46 gì đó. Nó ở đâu anh có biết không? Chính là đoạn đường từ Tháp Chàm lên thành phố nghỉ mát Đà Lạt. Anh và cháu đã qua đèo Ngoạn Mục rồi chứ gì? Ngoạn Mục mà cứ rợn người. Ô tô mà rơi xuống vực thì chứ gọi là mục xương. Người Pháp thiết kế con đường ấy đường ray ấy, đầu tầu ấy chỉ để nối hai thành phố nghỉ mát Nha Trang và miền núi Đà Lạt. Dĩ nhiên mỗi đoàn tầu chỉ kéo một vài toa thôi.
Xe dừng lại trước khách sạn Gió biển. Đại nói với ông Vỹ chứ không nói với bố, cứ để bố trong tình trạng đi theo ông Vỹ, bởi có ông, bố mình sẽ dễ chấp nhận hơn, đỡ phải thuyết phục.
- Mỗi lần xuống đây công tác cháu vẫn nghỉ ở đâu?
Vỹ ra khỏi xe, ông Vỹ chạm trán thằng con rể đi ra.
Hai bố con chào nhau vui vẻ. Ông Vỹ giới thiệu bố con ông Hoè với con, và ngược lại:
- Cháu Chính, kiểm sát viên cao cấp, Viện kiểm sát Nhân dân thành phố, lấy con gái lớn tôi.
Hai bên bắt tay làm quen, Chính hồ hởi:
- Bác với anh xong về nhà bố cháu nghỉ, hai cụ trò chuyện cho vui. Mai cháu đưa vợ con về chào bác.
Ông Vỹ tươi cười:
- Được hãy biết thế - Ông nháy mắt với con rể - Này, anh mà mách vợ tôi là tôi mách vợ anh đấy nhé!
Cả mấy người cùng cười, trừ ông Hoè. Chính bảo:
- Chuyện đàn ông mà bố. Có mấy bạn đồng nghiệp từ Thanh Hoa xuống, con đưa anh em đi thư giãn. Thôi con xin phép. Mai bác cháu ta gặp nhau, mời bác và anh ăn bữa cơm vùng biển với mẹ cháu. Vợ cháu sẽ trổ tài mấy món sở trường đãi bác và anh.
Đại ghé vào tai ông Vỹ. Không biết bác cháu nói gì với nhau, chỉ thấy ông Vỹ khẽ gật đầu, cười tủm tỉm, nhìn ông bạn già. Ông Hoè như đoán ra điều gì, mặt nóng bừng cả lên…