Ngôi nhà hai tầng giữa một con phố cũ, nằm khu trung tâm thành phố, vốn của một quan chức thời thuộc Pháp. Hàng rào sắt lửng, nửa dưới là tường gạch phủ đầy hoa tiên. Mùa đông chết khô đến tận gốc, vừa thấy mưa phùn đã lại mơn mởn, tua tủa những ngọn và tay vịn non tơ, đỏ tía như những tia máu. Chỉ mười ngày hóng gió xuân, từ những ngọn ấy đã phun hoa, hệt những hạt máu nhỏ li ti, để mấy ngày sau, những hạt máu li ti nở thành những trái tim vỡ.
Ngôi nhà vuông vắn lành lặn, không phình trước đẻ sau, không cơi nới. Cổng sắt gần như còn nguyên vẹn. Chỉ tấm sắt bưng phía dưới bị nước mưa ăn mòn, chứng tỏ chủ nhân ngôi nhà sống nguyên tắc đến mức nào.
Hôm nay, ông Hoè lại bị bà vợ làm cho một trận kịch liệt:
- Quái lạ, tôi nhờ ông có mỗi việc hỏi hộ các bác ấy một câu mà ông lại cứ lần khân là nghĩa làm sao?
Ông gắt:
- Đã biết thế nào mà hỏi cơ chứ.
- Chưa biết nên mới phải hỏi - Bà nói giọng giảng giải - Nếu biết rồi thì còn hỏi cái nỗi gì?
- Nhưng đã hỏi thì phải có nội dung cụ thể. Có phải cứ bâng quơ được đâu.
Trông sắc mặt, biết là bà đã điên lên rồi. Y như rằng, bà phê phán:
- Ông thì chỉ khi nào có chỉ thị, nghị quyết thì mới làm thôi. Đợi đến lúc nghị quyết thành chính sách, chính sách thành nghị định, quyết định hay định định gì nữa thì có mà ăn cám nhớ. Tôi đã nghe ngóng tình hình rồi. Phải lường trước, phải tính trước. Đợi nước đến chân mới nhảy như ông thì chỉ có trắng mắt ra mà nhìn. Việc ông, ông cứ làm. Ông quen lên lớp giảng nghị quyết thì cứ đi mà giảng nghị quyết. Việc này tôi chỉ nhờ có thế thôi, rồi ông cứ việc ngồi đấy cho tôi nhở, ông nghị quyết ạ.
Ông bị chạm nọc. Gớm chưa? Nó dám mang nghị quyết ra mà giễu ông thì hết chỗ nói.
Ông nghiêm giọng:
- Bà ăn nói kiểu gì thế?
Bà câng câng cái mặt, trả miếng liền:
- Thế ông ăn nói kiểu gì thế? Đây là hội trường cho ông lên lớp đấy à? Tôi là học viên cho ông cao giọng giảng dạy đấy à? Này dạy ai thì dạy, ra ngoài đường mà dạy, chứ đừng có lên mặt dạy tôi nhớ.
Tất cả các thớ thịt trên gương mặt to, quắc thước của ông đều căng ra. Đôi lông mày rậm trợn ngược lên:
- Tôi cấm bà động đến nghị quyết!
Bà cười nhạt. Rõ là coi sự cáu giận của ông chả là cái đinh gì.
- Tôi động đến nghị quyết bao giờ mà ông dựng chuyện lên? Định vu cáo chắc? Vì ông chỉ biết có mỗi việc giảng nghị quyết nên tôi gọi ông là "ông nghị quyết" chứ tôi động đến nghị quyết bao giờ?
Đuối lí trước bà vợ đanh đá cá cầy, nên ông địu giọng đánh bài chuồn.
- Thôi kệ bà, muốn làm gì thì làm, miễn không ảnh hưởng đến tôi là được rồi.
- Còn phải nói! Thì từ khi lấy tôi, ông vẫn để mặc tôi xoay xoả đấy chứ. Ông chỉ biết có nghị quyết, chứ biết gì đến nhà cửa, vợ con…
Bà chưa nói hết câu, ông đã gầm lên trong cổ họng:
- Câm mồm ngay!
Ông hầm hầm bỏ đi, mặt đỏ tía tai. Thật không làm sao chịu đựng được cái mụ yêu tinh này.
Chồng bát nào chả có lúc xô. Toàn những chuyện vớ vẩn, chả đâu vào đâu, rồi đâu lại vào đấy thôi. Vợ chồng nhà nào chả thế.
Hôm sau, ông phải đèo bà trên chiếc xe ba-bét-ta đến dự đám cưới đứa cháu gái gọi bà bằng bác. Trong câu chuyện gia đình, cô em gái khen ông anh rể hiền lành, cả ngày chả nói một câu. Chả hiểu sao, giọng bà bỗng nhẹ tâng:
- Cô nhận xét tinh đấy! Anh cô thì suốt ngày chả nói một câu thật, còn đành hơi sức để… - Suýt nữa thì bà buột mồm nói "giảng nghị quyết", chọt nhớ đến câu chuyện hôm trước, bà vội lái đi -… để giảng bài - Bà cười nửa miệng - … Nhưng chả lành như cô tưởng đâu.
Cô em vô tình cứ bênh anh rể:
- Anh em lành thế còn gì?
Chỉ đợi có thế, bà tung đòn ra, nhưng giọng thì cứ tâng tâng:
- Lành, lành mà mà cũng biết vành … thổi sáo đấy!
Bà nói toẹt cả cái từ cần nói ra, chứ không chỉ phát âm một chữ "l…" đâu. Tất cả những người xung quanh đều cười phá lên nhìn ông. Cô em vợ cười to hơn cả, cười rũ rượi. Lấy cái giấy ăn chấm nước mắt xong, cô quay lại mắng chị:
- Gớm cái bà này, ăn nói khiếp quá! Không lành mà anh ấy chịu im thế kia à? Phải tay chồng em thì nó cho mấy cái tát xiếc!
Thời chống Pháp ông là người lính chiến, cấp trên bảo đánh đâu thì đánh đấy. Bây giờ là người lính chính trị. Đảng bảo đi phổ biến đường lối chính sách thi ông đi. Ông chỉ biết phục tùng, chấp hành. Đấy là nghĩa vụ cũng là quyền lợi. Quyền lợi nữa đấy. Làm sao dám mang ra mà giễu được?
Mấy tháng trước, ông được mời về phổ biến nghị quyết cho hội nghị cán bộ chủ chốt ngành Giáo dục Đào tạo của thành phố biển Hải An. Từ khách sạn Hải Âu đến hội trường chỉ một quãng ngắn, nên ông bảo, để tớ đi bộ một chốc cho thoải mái. Điều này nằm ngoài dự kiến của ban tổ chức, nên đến nơi vừa vặn đến giờ làm việc. Ông nhìn đồng hồ, định lên thẳng hội trường, thì Trần Vân, Giám đốc Sở mời vào phòng khách, xin được báo cáo một số nét về tình hình ngành, ông đành phải theo, nhưng vẫn hỏi:
- Thế đồng chí bắt mọi người phải chờ à?
Vân lễ phép:
- Thưa anh, cũng không phải chờ lâu đâu ạ. Em cũng chỉ báo cáo với anh mười mười lăm phút. Cũng là đợi cho anh em đến đông đủ, nhận tài liệu.
- Thế ở đây các đồng chí làm việc từ mấy giờ?
- Thưa anh từ 7h30.
- Thế sao không họp từ 7h30 như một buổi làm việc mà lại bắt đầu từ 8h?
Giám đốc giải thích:
- Báo cáo anh, để các đồng chí còn xử lí công văn giấy tờ đầu giờ ạ!
Ông vẫn không chịu:
- Thế tôi không phải giải quyết công văn giấy tờ hay sao?
Tay Giám đốc đành im. Ông nhìn anh ta, cố dịu giọng lại:
- Đã là một tổ chức thì phải có kỷ luật. Mà kỷ luật đầu tiên là kỷ luật giờ giấc. Giờ giấc là một biểu hiện của tính tổ chức, tính khoa học trong công việc - chợt thấy mình theo thói quen, lại lên lớp, ông ngừng lại - Bây giờ đồng chí nói ngắn gọn cho tôi nghe những mặt yếu kém, những hạn chế của ngành thôi. Không cần báo cáo thành tích đâu. Thành tích thì tôi nắm được rồi, và phải chỉ ra nguyên nhân thì mới có được giải pháp khắc phục phù hợp - Ông lại xem đồng hồ - Thôi, tôi sẽ nắm tình hình sau vậy. Cho tôi hỏi, các đồng chí đã quán triệt nghị quyết trước thế nào?
Mặt Vân bỗng tái đi, rồi lại đỏ lên, hai tai nóng bừng:
- Báo cáo thật với anh, chúng em chưa bố trí được thời gian học nghị quyết trước. Công việc… - Chợt nhớ lúc nãy, ông đã cho một truỳ "thế tôi không phải giải quyết" - anh ta vội im bặt.
Ông Hoè ngạc nhiên vô cùng. Cặp lông mày lưỡi mác dưới lên. Đôi lông mày lạ lùng này chỉ có trong sân khấu tuồng cổ, trong vai Trương Phi. Không hiểu sao lại đầu thai vào con người này. Hai lưỡi mác to, rậm, đến cuối chân mày lại dựng ngược hẳn lên 90 độ. Trông thật dữ tướng. Cái cách dồn đuổi truy kích đến cùng kỳ lý của ông, khi đối thoại với người trước mặt, đủ làm cho những kẻ đuối lý phải đầu hàng. Đôi lông mày càng làm cho đối phương không dám nhìn thẳng vào mặt ông. Nhưng lúc này, không hiểu sao, bộ mặt chữ điền của ông không căng lên mà lại chùng xuống, mắt chớp chớp liền mấy cái như đang đuổi theo một ý nghĩ nào đó, cố tình trốn chạy. Cứ như thế, ông lặng đi một lát, không nói không rằng, không biết Vân vẫn đang ngồi trước mặt, im lặng chịu trận. Chỉ tại anh ta thật thà. Mà không thật thà chắc cũng không xong với ông.
- Thôi ta lên hội trường!
Giám đốc, trong bộ complet, cravat chỉnh tề, vội đứng dậy, thất thần đi cùng ông. Trông nét mặt lo lắng khổ sở kia, thì biết anh đang nghĩ gì. Rồi Thành uỷ sẽ biết, Bộ sẽ biết, cả nước sẽ biết. Hội trường đang rào rào, cái âm thanh đặc trưng của đám đông chờ đợi, mặc dầu ông và người đứng đầu Ngành đã bước vào hội trường, Vân cố tươi cười để dấu bộ mặt chúa Giê-su chịu nạn. Anh mời ông ngồi vào hàng ghế đầu, trước chính diện sân khấu, nơi bàn có trải khăn trắng, có hoa cắm trong bát và chai nước tinh khiết. Cố trấn tĩnh, anh bước lên sân khấu. "Dẫu sao thì đã thế rồi. Mình làm mình chịu, có kêu cũng chả ai thương xót". Anh bước những bước khó khăn mới đến được cái bục vốn rất quen thuộc, vốn rất hào hứng mỗi khi họp cán bộ chủ chốt toàn ngành thế này. Mấy giây im lặng mà tưởng chừng cả giờ đã trôi qua. Cả hội trường im phăng phắc. Ai cũng biết hôm nay được nghe một cán bộ trung ương về nói chuyện, nên các nhà giáo tỏ ra rất tôn trọng khách.
Nhưng chưa bao giờ mọi người thấy bộ mặt Thủ trưởng ngành thế kia.
Chuyện gì thế mày? Sao trông anh ấy khác thế? Hay gia đình mới có tang, hoặc có ai đó gặp tai nạn?
- Ai mà biết được? Mày đi mà hỏi anh ấy!
Hai cô giáo, một bí thư, một hiệu trưởng trường trung học phổ thông năng khiếu Thành phố thì thầm trao đổi.
- Tôi xin trân trọng giới thiệu… đồng chí Lê Hoè, cán bộ cao cấp Trung ương về thăm và giới thiệu nghị quyết với ngành ta.
Cả hội trường dậy lên tiếng vỗ tay kéo dài.
Gạt cái mớ bòng bong những câu hỏi ngổn ngang trong đầu do sự việc vừa rồi gây ra, ông bước từng bước dài, dứt khoát lối đi của con nhà lính, đến chiếc bục.
Theo thói quen được tạo nên qua hàng trăm lần nói chuyện trước hội trưởng cả ngàn người, ông chỉnh lại chiếc micrô, dù nó đã được để vừa tầm. Không cao, không thấp, không xa, không gần quá, không ngẩng lên, không chúc xuống. Hình như cứ phải nắm mấy ngón tay vào đấy mới lên tâm. Rồi ông gõ gõ thử, xem nó đã sẵn sàng phục vụ mình chưa. Động tác ấy giống như một phản xạ. Nó truyền cho ông một luồng kích thích, một sự hưng phấn. Khi buông nó ra, hai tay chống vào hai mép bục, ưỡn ngực, nghe giọng mình sang sảng, âm vang cả một vùng trời: "Thưa các đồng chí…" thì ông như người nhập đồng, có thể nói cả ngày không chán, không mệt.
Dưới kia, hàng trăm con người đang lắng nghe như nuốt từng lời. Nếu không, sao họ chăm chú, yên lặng đến thế? Ông Hoè kết thức buổi nói chuyện bằng những lời lẽ hôi hổi khí thế, kiên quyết như vị tướng hạ mệnh lệnh trước ba quân:
- Các đồng chí! Nhiệm vụ này, chúng ta phải quán triệt trong toàn Đảng, phải quán triệt đến tất cả các cấp uỷ trong toàn ngành, phải quán triệt đến từng chi bộ, từng đảng viên.
Lời nói của ông mạch lạc, dứt khoát. Ông nhấn mạnh những từ, nhóm từ cần thiết khiến người nghe có cảm tưởng như tiếng Việt cũng có trọng âm vậy. Miệng ông nói, tay phải ông chém vào không khí, nhịp với những từ nhấn mạnh. Cuối cùng ông dõng dạc hỏi:
- Các đồng chí có làm được không?
Hội trường trả lời lộn xộn: "Có ạ". Ông cười độ lượng, bề trên:
- Loạc choạc lắm! Có vẻ chưa nhất trí cao! Tôi hỏi lại - Giọng ông cao lên như tiếng hô khẩu hiệu - Các đồng chí có làm được không?
Tiếng hô đồng thanh dậy đất:
Ông bồi thêm:
- Có quyết tâm không?
- Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!
Tiếng hô đáp lại làm rung cả trần nhà, mái ngói.
Ông vẫn cao giọng như cổ vũ:
- Chúc các đồng chí thành công!
Ông rời khỏi diễn đàn trong tiếng vỗ tay ràn rạt. Cảm giác bừng bừng, lâng lâng như cưỡi trên mây Khoái hoạt kỳ lạ. Người rân rân như vừa được tiếp một liều tăng lực kỳ diệu. Ông thấy mình như trẻ ra, khoẻ lên. Máu trong người chảy rần rật. Ông tự hào đã thổi bùng lên không khí cách mạng tiến công trong mấy trăm con người này. Rồi từ họ sẽ toả ra, sẽ thành phản ứng dây truyền, đốt lên ngọn lửa nhiệt tình của hàng ngàn vạn đảng viên khác, quần chúng khác. Đám lửa nhỏ đốt cháy đồng cỏ rộng là thế này đây! Nhiệm vụ của ông, của những người như ông là thổi bùng lên tinh thần cách mạng, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội của mọi người. Trước hết là của đảng viên. Ông không cần phải giả vờ khiêm tốn. Ông có quyền tự hào chính đáng rằng, mình đã làm được điều ấy.
Tiếng ràn rạt đuổi theo ông. Tiếng ràn rạt đi vào giấc ngủ của ông đêm nay, trong nhiều đêm sau. Ông cảm thấy như thế. Ông nghiện tiếng ràn rạt ấy, như các vị giám mục nghiện tiếng cầu kinh rì rầm, và tiếng thánh thót của bài thánh ca trong không khí âm âm nhà thờ.
- Mời anh đi ăn cơm với chúng em. Có một địa điểm hay lắm ạ.
Trần Vân thấy ông cứ xăm xăm đi, vội nói vậy.
Như sực tỉnh, nhớ đến câu chuyện trước lúc lên hội trường, ông cau mày như cân nhắc điều gì, rồi dứt khoát từ chối:
- Các cậu cứ để tôi tự nhiên. Ta ăn ngay ở khách sạn thôi. Tranh thủ nghỉ trưa, chiều tôi còn có chút việc.
Giám đốc chột dạ. Chỉ có ngành mình mời ông ấy xuống đâu có còn chương trình làm việc gì nữa đâu nhỉ? Hay là ông ấy sang Thành uỷ? Anh không dám nghĩ tiếp. Bất giác đưa tay ra sau gãi gãi - thói quen từ ngày còn bé, mỗi khi có lỗi phải đứng trước ông bố dữ vội bỏ tay xuống, khẽ đằng hắng trong cổ họng:
- Báo cáo anh, em có khuyết điểm. Em sẽ nghiêm khắc kiểm điểm trước Đảng bộ, trước Thành uỷ.
Quay lại, cảm thông và bao dung, đặt tay lên vai Giám đốc lúc này như một đứa học trò biết lỗi, ngước lên nhìn thầy giáo chỗ nhiệm, ông thong thả nói từng tiếng một, mắt không nhìn đứa học trò tội nghiệp, mà nhìn ra xa:
- Việc đâu có đó cậu cứ yên tâm công tác!
Câu động viên, hoá ra lại có tác dụng ngược lại. "Cứ yên tâm công tác", nghĩa là "bây giờ tao chưa sờ đến mày đâu. Cứ làm việc đi đã". Giám đốc càng lo lắng hơn, anh đành theo ông về khách sạn. Anh cho mời ngay giám đốc khách sạn đến, nói nhỏ điều gì ở ngoài hành lang.
Khai vị bữa ăn là món cá bớp ướp gừng thái chỉ luộc. Mỗi người một bát nhỏ. Một bát ngao luộc to đùng được bưng ra ngào ngạt hôi hổi mùi lá sả. Tôm hùm luộc chấm gia vị chanh ớt. Thịt gà vườn luộc rắc lá chanh. Cá chim sốt cà chua. Rau cải ngọt trần.
Cửa kính phòng ăn VIP này trông ra hòn non bộ ngoài sân, có cây lộc vừng như mọc lên từ khe đá.
Nước chảy róc rách.
Vậy mà vẫn chả thấy mùi vị gì - Cứ như bò nhai trấu ấy.
Bữa ăn diễn ra gượng gạo. Câu chuyện diễn ra cũng gượng gạo. Thái độ cả chủ lẫn khách đều gượng gạo. Không ai động đến việc, mà cả hai đều đang nghĩ đến, đang bận tâm về nó. Trần Vân thì cứ luẩn quẩn với ý nghĩ, mình thật chả ra làm sao. Dám bỏ cả một đợt học nghị quyết thì cũng liều thật. Thôi thì đành nhận kỷ luật vậy. Cách chức bí thư là cùng, chứ không thể khai trừ được. Ông thì nhìn giám đốc, tự hỏi: "Anh ta vào Đảng từ bao giờ nhỉ? Bố mẹ có là đảng viên không? Quá trình phấn đấu thế nào? Vì sao cấp uỷ ở đây lại giao trọng trách lãnh đạo một ngành quan trọng như thế này vào tay anh ta nhỉ?"
Ăn xong, họ ra bàn trà. Thấy câu chuyện chả đâu vào đâu, Vân mời thầy trò đi nghỉ. Ông Hoè bảo:
- Thôi ngồi nghỉ ở phòng lễ tân một lát cũng được.
- Ai lại thế ạ. Phải đảm bảo sức khoẻ thủ trưởng chứ ạ!
Chỉ có hai người, nhưng vẫn phải mỗi người một phòng. Không thể để thủ trưởng ngủ cùng với lái xe được. Mà cũng chỉ nghỉ tiếng rưỡi, hai tiếng là cùng. Nhưng theo quy định, khách sạn vẫn cứ tính một ngày.
Vân chỉ muốn thoát khỏi cái ông này, càng nhanh càng tốt. Suốt từ bấy đến giờ, anh luôn ở trong tâm trạng lo lắng bực dọc, bất an. Chỉ muốn được ngồi một mình. Còn ngổn ngang bao nhiêu việc phải giải quyết, tự nhiên lại mắc vào cái chuyện vớ vẩn này. Chỉ tại cái thằng cha Thanh (trưởng phòng hành chính tổng hợp) cứ đòi mời cán bộ Trung ương về nói cho khí thế, cho oai cơ. Oai cái con khỉ. Bây giờ mới rách việc đây… Vì thế, tiễn ông Hoè lên phòng, anh bắt tay xin phép được về cơ quan. Không ai nói câu "hẹn gặp lại".
Hơn hai giờ chiều, Lê Hoè dậy. Giấc ngủ sau một buổi làm việc hứng khỏi, một bữa ăn vừa lạ miệng vừa ngon làm ông sảng khoái. Sang gõ cửa phòng lái xe, cậu ta đã nhanh nhảu:
- Lên đường ngay chứ ạ!
- Không phải vội, cậu cứ tắm cho thoải mái, rồi ta sang bên Thành uỷ một lát.
Cũng đã gặp nhau trong nhiều cuộc họp quán triệt nghị quyết Trung ương nên sau câu chào hỏi xã giao, ông Hoè hỏi ngay Hoàng Quyết, trưởng ban Tuyên giáo.
- Thế thành phố ta thường triển khai học tập nghị quyết như thế nào?
- Thì, chúng em mời tất cả các cán bộ chủ chốt của các ban, ngành, đoàn thể thành phố lên quán triệt.
- Thế đến lượt các ban, ngành, đoàn thể thì họ làm thế nào?
- Thì họ tự triển khai ạ!
- Các đồng chí có trực tiếp giảng không?
- Dạ, có chứ ạ!
- Tất cả à? Ý tôi nói là các đồng chí lần lượt đi giảng ở tất cả các ban ngành, đoàn thể à?
- Báo cáo anh, nhiều nơi mời bọn em. Thường là thế. Có khi họ tự làm lấy vì có tài liệu rồi mà. Cũng có những trường hợp do các mối quan hệ nào đấy, họ mời cán bộ trung ương về, như trường hợp họ mời anh chẳng hạn.
- Thế các đồng chí có kiểm tra việc học tập của họ không?
- Có kiểm tra, nhưng cũng không xuể đâu ạ. Ban chúng em ít người lắm, lại chia làm nhiều tổ, mỗi tổ một mảng công việc…
- Vâng, vì bận quá nên các đồng chí không hề biết, bên ngành giáo dục đào tạo chưa hề học nghị quyết trước chứ gì?
- Thôi chết! Có chuyện ấy thật hả anh?
- Không lẽ tôi bịa ra? Nhưng theo đánh giá của các đồng chí, công tác chuyên môn của ngành, họ làm có tốt không?
- Thưa anh, họ làm rất tốt ạ. Đấy là đánh giá cuối năm của Bộ, bằng cờ thưởng thi đua xuất sắc mấy năm liền, bằng số học sinh thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và tỷ lệ vào đại học. Bằng số trường của thành phố đạt chuẩn quốc gia… chứ không phải chỉ đánh giá chung chung, đại khái đâu ạ.
Ông Hoè chăm chú nghe. Càng nghe càng không hiểu. Ông vặn:
- Không triển khai nghị quyết mà lại làm tốt công tác ngành, thì hoá ra nghị quyết là thừa à? Có cũng được mà không cũng được à? Đồng chí có ý định thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng không đấy?
Trưởng ban Tuyên giáo còn trẻ, vốn là Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố chuyển sang. Làm phó trưởng ban được hai năm thì được đề bạt trưởng ban thay đồng chí trưởng ban được bầu vào chức phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố, phụ trách khối văn xã. Ngồi trước đồng chí cán bộ Trung ương, anh không tự tin lắm. Nghe ông Hoè đặt câu hỏi ấy anh giật mình, sao bố này lại suy diễn thế nhỉ?
- Ấy chết, báo cáo anh, anh hiểu sai, xin lỗi, anh hiểu không đúng, à, chưa đúng, à không, anh chưa nắm được. Em xin lỗi, tại em chưa báo cáo đầy đủ tình hình để anh nắm.
- Đồng chí sang làm việc với bên ấy đi rồi báo cáo với Thường vụ, để Thường vụ xem xét xử lý. Mà phải xử lý đấy! Không lơ tơ mơ được đâu. Kỷ luật không nghiêm thì không thể giữ được thống nhất, không giữ được thống nhất thì không thể có được sức mạnh… Thôi tôi phải về rồi. Chào đồng chí.
Hoàng Quyết xuất thân là giáo viên cấp 3, làm công tác Đoàn một trường cấp 3, rồi được rút lên Thành Đoàn. Ba năm trước, khi đã lên phó ban được mấy năm anh đã vận động được tổ chức Thành uỷ đưa trở lại ngành cũ, vào ghế giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo. Nhưng không đẩy Vân đi được… Tay ấy thuộc cánh bí thư nên chắc chân lắm. Vai trưởng ban của anh, theo cơ cấu bao giờ cũng có chân trong Thường vụ. Oai thì oai thật nhưng chẳng việc gì ra việc gì, dù việc gì cũng phải nhúng vào mới xong và nói cho cùng, chả xơ múi được bao nhiêu.
Về đến Thanh Hoa, thấy cậu lái xe xách cái gì đó vào nhà mình, ông Hoè hỏi thì cậu ta thưa, đấy là quà quê biển - một chục con cù kỳ, khách sạn biếu thủ trưởng. Ông tỏ vẻ ngạc nhiên, có vẻ thích thú nữa.
- Cậu bảo con gì? Cù kỳ là cái con gì, nghe lạ quá, nó rất gần với từ kỳ cục. Quả tình lần đầu tiên tôi nghe thấy đấy!
- Báo cáo thủ trưởng, cũng là họ nhà cua biển thôi, nhưng đây, thủ trưởng xem. Chân ngắn nhưng thật to, đặc những thịt là thịt đấy. Còn hai gọng kìm lại đen nhánh như than đá ấy mới kỳ. Phải chọc vào mắt cho nó chết đã rồi mới hấp, không thì càng nó rụng, nước ngọt chảy ra ngoài hết. Thủ trưởng cho chai bia vào, mấy nhánh xả nữa. Phải đập cho dập càng ra mới gỡ được thịt nó đấy thủ trưởng nhớ.
Ông đi biển, không thể nhớ được đã bao nhiêu lần, chưa nghe thấy cái con kỳ cục, à cù kỳ này bao giờ, chứ chưa nói được ăn. Nghĩa là vô cùng hiếm đấy.
- A còn cái này - anh lái xe đưa cho ông cái phong bì - Đồng chí giám đốc Sở nói là thù lao bài giảng của thủ trưởng.
- Ờ, thế nhưng mà, sao cái đám cù kỳ này lại của khách sạn biếu là thế nào? Mình là khách trọ cơ mà. Họ lại biếu là nghĩa làm sao?
- Thì em thấy nhân viên khách sạn đưa mà. Vâng, có lẽ là do bên Sở họ nhờ khách sạn mua thôi ạ.
- Này cậu có biết câu "há miệng mắc quai" không? Bình thường không có chuyện gì, và chỉ giới hạn là quà biếu đặc sản địa phương thôi thì không sao. Nhưng chỉ quá đi một tí là thành hối lộ đấy.
Ông vội rút cái phong bì đã đút vào túi quần ra:
- Để xem nó thù lao bao nhiêu nhé. Một triệu mày ạ. Kể ra, chất xám tớ bỏ ra trong một buổi nói chuyện như thế cũng xứng đáng. Mà cũng có biểu giá gì đâu, thế này chưa thể gọi là hối lộ được.
Chỉ có điều, ông không biết rằng, chả có tài chính nào duyệt hơn hai giờ nói chuyện mà chi những một triệu. Ông cũng không biết rằng, một chục con cù kỳ, mỗi con hơn năm lạng ấy gần bằng nửa giá trị chiếc phong bì trong túi. Như chợt nhớ ra, ông gọi cậu lái xe:
- Này cậu mang mấy con về, cho bọn trẻ nó biết thế nào là con cù kỳ, cù kỳ.
Đêm ấy ông ghi vào cuốn sổ công tác: "Công tác Đảng ở đây thế nào? Sự lãnh đạo của Đảng ở đây thế nào? Nghị quyết Trung ương mà không quán triệt đến từng cấp uỷ từng chi bộ, từng đảng viên thì làm ăn thế nào? Đấy là đường lối, là phương hướng. Mất phương hướng thì như thằng mù rồi còn gì. Vậy mà ở đây "chúng nó" xếp xó có chết không cơ chứ. Thế thì ở đây, người ta lãnh đạo thế nào? Cấp uỷ làm gì? Người ta điều hành công việc ra sao? Chi bộ có họp không? Hay cũng thôi nốt?"
Phiên họp Thường vụ Thành uỷ Hải An sau đó, vụ Trần Vân bị đưa ra. Người báo cáo trước cuộc họp là Quyết. Anh báo cáo tóm tắt sự việc, đọc bản kiểm điểm của Vân. Vân nhận khuyết điểm và xin nhận một hình thức kỷ luật tương xứng. Phát biểu ý kiến của mình, Quyết phê phán quyết liệt thái độ không coi trọng nguyên tắc Đảng của người đứng đầu ngành Giáo dục Đào tạo Hải An, làm mất uy tín của lãnh đạo Đảng bộ.
Tiếng xấu dội về tận Trung ương. Anh và một số nữa đề nghị kỷ luật cảnh cáo. Nghe phát biểu thì thấy ý kiến chia làm hai phe, phe cảnh cáo và phe khiển trách ngang nhau. Một số không có ý kiến gì. Ông giám đốc Công an Thành phố quay sang ông chánh Văn phòng Thành uỷ:
- Thằng cha quá dại, làm thế nào chả được… Nhưng không làm là chết mất ngáp.
Đến lúc ấy bí thư mới phát biểu:
- Điều quan trọng nhất là khuyết điểm của đồng chí Vân không gây hậu quả gì. Công tác chuyên môn của ngành vẫn làm tốt.
Cán cân lập tức lệch hẳn. Thấy thế, trưởng ban Tuyên giáo lập tức tán thành chỉ khiển trách. Nhưng… để đồng chí Vân có điều kiện tập trung vào công tác lãnh đạo chuyên môn, đề nghị để đồng chí Vân thôi kiêm chức trưởng ban cán sự Đảng.
Dù chỉ bị khiển trách, nghĩa là không bị ghi vào lí lịch Đảng, nhưng dư luận trong ngành bàn tán râm ran suất mấy tháng trời. Người ta thêu dệt. Người ta đồn đại Người ta đoán già đoán non đủ thứ chuyện khi công bố kỷ luật giám đốc Sở. Người ta coi việc Vân bị mất chức trưởng ban cán sự Đảng như là tước quyền lực của anh đi. Mà cái quyền lực này, đến tay người khác thì ra vấn đề đấy!
Ông Hoè có được biết việc xử lý ấy. Ông không bận tâm, thậm chí còn cho thế là nhẹ. Nhưng trong thâm tâm, ông vẫn không hiểu vì sao lại có chuyện này.
Một người lính như ông, một người cán bộ Đảng như ông thì việc chấp hành mọi quy định, mọi nghị quyết là sống còn, là máu thịt. Không thể nào tùy tiện như thế được Sự việc đã qua rồi, ông muốn có lần nào đó, gặp lại cậu ta, hỏi thật xem nguyên do gì lại làm như thế. Ít lâu sau ông trở lại Hải An trong một chuyến ớ làm việc tập trưng một tuần tham gia soạn thảo một văn kiện.
Xong việc, ông Hoè ghé vào Sở. Lúc nghe điện thoại, Trần Vân vừa ngạc nhiên vừa khó chịu. Nhưng anh gạt ngay tâm trạng ấy đi. Không phải vì ông ta mà mình bị lôi thôi. Ông Hoè giải thích, rằng mình chỉ hỏi chuyện bình thường thôi chứ không phải là công việc, vì thế trong xưng hô, ông cứ cậu tớ như bạn bè:
- Mình muốn hỏi thêm cậu về cái chuyện hôm trước. Muốn nghe cậu nói thật thoải mái, cởi mở suy nghĩ của mình. Cậu nghĩ thế nào mà không triển khai, quán triệt nghị quyết Trung ương trong toàn ngành? Nó không đúng à? Hay nó không cần thiết? Hay vì một lí do nào khác?
Cách xưng hô thân mật bổ bã ấy, phần nào tạo được không khí cởi mở:
- Nếu anh cho nói thật thì em xin thưa thế này. Hơn hai chục tuổi Đảng, chưa bao giờ em mắc khuyết đếm này. Em là cán bộ từ trường lên, cũng đã nhiều khoá nằm trong cấp uỷ. Đã học không biết bao nhiêu nghị quyết. Không thể nhớ hết được. Em chỉ nhớ những nghị quyết liên quan trực tiếp hay gần gũi với ngành mình thôi. Mấy năm nay, em vừa làm giám đốc, vừa làm trưởng ban Cán sự Đảng. Công việc cứ cuốn đi như một dòng chảy không ngừng. Cứ nấn ná, cứ lùi lại, định xong việc này sẽ triển khai. Đùng một cái, đã thấy Thành uỷ quán triệt học nghị quyết mới. Lại có bao nhiêu vấn đề phải vận dụng, phải quán triệt vào thực tiễn ngành. Mà những chỉ thị bên chuyên môn mới lắm chứ. Năm nào cũng có những chỉ thị và nhiệm vụ năm học, cũng đòi hỏi lãnh đạo chúng em phải tập trung trí tuệ công sức, thời gian vào đấy…
- Nghe nói, bên cậu mấy năm qua, đạt được nhiều thành tích khả quan lắm.
- Báo cáo anh, cũng làm được một số việc, được Bộ và Thành phố đánh giá tốt. Được dư luận học sinh và phụ huynh học sinh, dư luận toàn ngành trong cả nước (căn cứ vào tiêu chí đánh giá, có kiểm tra này nọ…) xếp vào một trong ba đơn vị dẫn đầu cả nước. Có cái bọn em còn nhỉnh hơn đơn vị đứng thứ nhất, ví như cơ sở vật chất.
- Thế không quán triệt nghị quyết đến từng chi bộ, từng đảng viên thì làm sao họ làm tốt được?
- Em thì khuyết điểm rồi, đã chịu kỷ luật đảng rồi. Nhưng em nghĩ, việc vận dụng nghị quyết Đảng vào thực tiễn ngành là việc của Ban cán sự Đảng chúng em, của Ban giám đốc chúng em chứ anh chị em ở cơ sở thì… họ chỉ làm theo chức trách chuyên môn của công chức. Làm sao phân biệt được đâu là chức trách chuyên môn công chức, đâu là nhiệm vụ đảng viên? Làm tốt cái thứ nhất cũng là làm tốt cái thứ hai. Vì thế… thú thật với anh, trong thâm tâm, em nghĩ, bọn em quán triệt nghị quyết cụ thể hoá vào nhiệm vụ của toàn ngành, của từng ngành học, cấp học: mầm non, tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, trưng học kỹ thuật, dạy nghề là được rồi. Anh chị em ở cơ sở, làm thế nào thực hiện cho tốt, sáng tạo thì càng hay. Có lẽ không yêu cầu họ học cũng được. Vì thế, chúng em tập trung tất cả công sức, trí tuệ vào việc xây dựng nhiệm vụ năm học của ngành, và chúng em đã thực hiện ương đối tốt nhiệm vụ ấy. Nói thật với anh, nếu chỉ học lấy được, học đối phó, gọi là có học để báo cáo thì em cũng làm được. Nhưng em không làm thế, lại thật thà báo cáo với anh…
Nghe cậu ta nói mấy lần "thú thật với anh", mà nó nói thật, chứ không biện hộ, quanh co, ông suy nghĩ rất nhiều. Nó nói thẳng. nói thật và điều quan trọng nhất là nó nói đúng. Thực tế chứng minh là nó nói đúng. Thực tiễn là thước đo chân lý cơ mà! Mấy năm nay nó đều trong tốp ba đơn vị ớ đầu cả nước. Lẽ nào không đủ kiểm chứng?
- Cậu làm giám đốc mấy năm rồi?
Báo cáo anh, cũng được gần chục năm rồi!
- Thế cậu đều quán triệt các nghị quyết Đảng theo kiểu vừa nói đấy à?
- Không ạ, lúc nãy em đã thưa với anh, em chỉ làm có một lần cái vụ nghị quyết trước thôi. Còn các năm khác cũng vẫn làm như các nơi khác. Nghĩa là làm để báo cáo ấy mà, anh.
- Thế bên Thành uỷ không kiểm tra, không phát hiện ra à?
- Các anh bên Tuyên giáo, chắc cũng biết, nhưng thấy bọn em làm tốt công tác ngành nên cũng cho qua. Mà bọn em có giấu đâu ạ.
Sau này ông còn tìm hiểu không chính thức nhiều cán bộ làm công tác Đảng ở nhiều nới khác, thấy những đều Vân bộc lộ cũng có lý.
Đêm ấy ông ghi vào tổ công tác: "Đấy là kẻ vô nguyên tắc, hay là người đã mở mắt cho mình?"
Sau này ông còn tìm hiểu không chính thức nhiều cán bộ làm công tác Đảng ở nhiều nơi khác, cũng thấy không ít trường hợp như thế. Ông viết một bản báo cáo nhan đề "Thử bàn về việc quán triệt nghị quyết Đảng ở cấp cơ sở" được đánh giá là phát hiện có ý nghĩa nhất định giúp các đồng chí có trách nhiệm nghiên cứu tiếp.