Tố tụng hình sự
Có thể bạn biết nhiều về tố tụng hình sự và hệ thống pháp luật hình sự hơn mọi nhánh khác của pháp luật. Bản tin thời sự về các phiên tòa tai tiếng hay những vở kịch cảnh sát đã đưa tố tụng hình sự vào phòng khách của các gia đình Mỹ mỗi tối. Ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể thuật lại lời cảnh báo Miranda mà không biết rằng chúng đang diễn giải quan điểm của Tòa Tối cao Hoa Kỳ: “Ông/bà có quyền giữ im lặng. Bất cứ điều gì ông/bà nói ra có thể và sẽ được sử dụng để chống lại ông/bà trước tòa”.
Tố tụng hình sự đã trở thành lĩnh vực được thảo luận nhiều nhất của pháp luật và cũng là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất. Một nửa số quyền được liệt kê trong Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ đều được nhằm vào tố tụng hình sự vì đây là lĩnh vực mà quyền lực lớn nhất của bang có thể được đưa ra để thi hành: quyền tước đi tự do hoặc thậm chí cả sinh mạng của một người. Chương 9 sẽ tìm hiểu về thủ tục này và làm rõ cách quyền lực này được thực thi.
Tố tụng hình sự là gì?
Tố tụng hình sự, hay còn gọi là thủ tục hình sự hay hệ thống tư pháp hình sự, là một cơ chế mà qua đó, các tội phạm được điều tra, tội lỗi của phạm nhân được xét xử và hình phạt được ban hành. Thủ tục này bao gồm cảnh sát, công tố viên, luật sư bào chữa và tòa án, các thông lệ và thủ tục mà họ tuân theo và các quy tắc pháp luật điều chỉnh chúng. Trong tố tụng hình sự, cá nhân được đưa ra “đọ sức” với chính phủ, với mọi nguồn lực và quyền hạn của nó, và chỉ thông qua tố tụng hình sự mà chế tài xử phạt nghiêm khắc nhất của bang – bỏ tù hoặc thậm chí tử hình – được áp dụng.
Luật hình sự, như được thảo luận trong chương trước, đã định nghĩa các hành vi phạm tội và quy định hình phạt cho hành vi phạm tội. Tố tụng hình sự giúp thực thi luật hình sự; các chế tài xử phạt được định nghĩa trong luật hình sự có hiệu lực là bởi thủ tục tố tụng hình sự có thể đưa ra chế tài xử phạt mà cá nhân vi phạm pháp luật phải chịu. Đồng thời, tố tụng hình sự tập trung đảm bảo rằng chế tài xử phạt hình sự chỉ được áp dụng với người có tội và chỉ thông qua các thủ tục được công nhận là công bằng. Một mục đích của tố tụng hình sự là trừng phạt người có tội, còn các mục đích khác là để bảo vệ người vô tội và đảm bảo rằng ngay cả người có tội cũng được bảo vệ khỏi sự lạm dụng của chính phủ.
Dù chúng ta bàn về tố tụng hình sự, nhưng mỗi bang và mỗi tòa án liên bang lại có một hệ thống khác nhau. Mỗi hệ thống được kiểm soát bởi một số thể chế pháp luật chồng chéo. Hầu hết các bang đều ban hành bộ luật hình sự để thay thế cho sự chắp vá trước đó của các đạo luật và quyết định của tòa án vốn là cơ sở xác định quy trình tư pháp hình sự. Các bộ luật này là các đạo luật toàn diện, cấu trúc nên cả quy trình từ thời điểm bắt giữ tới kháng cáo. Để bổ sung cho các bộ luật này, các Tòa Tối cao của bang thường dùng quyền hạn của mình để thông qua các quy tắc tố tụng hình sự làm rõ hơn cách thức tiến hành thủ tục tố tụng này. Tương tự, các vụ án hình sự ở tòa án liên bang được thực thi phù hợp với các yêu cầu luật định được đặt ra bởi Quốc hội và Quy tắc Liên bang về Thủ tục Tố tụng Hình sự do Tòa Tối cao Hoa Kỳ thông qua.
Tuy nhiên, xét trên khía cạnh quan trọng nhất, tất cả các hệ thống tư pháp hình sự của bang và liên bang đều giống nhau: Tất cả đều phải tuân theo yêu cầu của Hiến pháp liên bang. Dĩ nhiên, các Tòa án Liên bang luôn phải tuân thủ các yêu cầu của Hiến pháp nhưng đặc biệt từ thập niên 1960, luật tố tụng hình sự đã được Hiến pháp hóa. Sự phát triển này của tố tụng hình sự gồm hai bước: Tòa Tối cao xây dựng các biện pháp đảm bảo tuân thủ Tuyên ngôn Nhân quyền áp dụng đối với các bang và, trong quá trình thực hiện, diễn giải các biện pháp đảm bảo này theo cách rộng hơn trước.
Trước kia Tòa Tối cao lập luận rằng Tuyên ngôn Nhân quyền là sự hạn chế quyền lực của chính phủ liên bang chứ không phải các bang. Các Tu chính án Tái thiết, nhất là Tu chính án thứ 14, đã thay đổi căn bản tình hình. Ngoài việc trao tư cách công dân và quyền bình đẳng cho những người từng là nô lệ, Tu chính án thứ 14 đã cấm tuyệt đối “bất cứ bang nào” tước đi “sinh mạng, tự do hoặc tài sản của bất cứ người nào mà không tuân thủ quy trình luật pháp quy định” hoặc “sự bảo vệ bình đẳng của luật pháp”. Nhiệm vụ mà sau đó Tòa phải làm là xác định xem đâu là sự bảo vệ của Tuyên ngôn Nhân quyền được kết hợp trong các mệnh lệnh mơ hồ đó. Dần dần, Tòa quyết định đưa ra tiêu chuẩn kết hợp có chọn lọc. Tu chính án thứ 14 không bao gồm mọi biện pháp bảo đảm của Tuyên ngôn Nhân quyền mà chọn lọc đưa vào các sự bảo vệ “cần thiết cho chế độ tự do trong khuôn khổ của Anh Mỹ”. Việc Tuyên ngôn Nhân quyền bao gồm cả sự bảo hộ cho thấy địa vị của nó. Trên thực tế, sự kết hợp có chọn lọn không hề có tính chọn lọc. Hầu như các biện pháp bảo vệ nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền đều được coi là căn bản theo tiêu chuẩn này, trong đó ngoại lệ đáng chú ý là quyền đối với bản cáo trạng của đại bồi thẩm đoàn.
Việc áp dụng các biện pháp đảm bảo của Tuyên ngôn Nhân quyền đối với các bang sẽ không đặc biệt quan trọng nếu các biện pháp đảm bảo này không có nghĩa rộng. Trong vụ Boyd kiện Hoa Kỳ (1886), Tòa công nhận Tòa có nghĩa vụ “giải thích tùy nghi” các biện pháp bảo vệ theo Hiến pháp như Tu chính án thứ 4 và thứ 5 nhằm đảm bảo “sự an toàn của người và tài sản”. Phong trào loại bỏ cách diễn giải hẹp về các quyền trong tố tụng hình sự trở nên mạnh mẽ vào thập niên 20 và gia tăng nhanh chóng vào thập niên 60.
Hiến pháp của bang cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thủ tục tố tụng hình sự. Các tòa án của bang thường diễn giải Hiến pháp của mình để công dân và bị can hình sự được hưởng các quyền rộng hơn so với các quyền được Hiến pháp Liên bang bảo đảm.
Tuy nhiên, các bộ luật tố tụng hình sự và luật Hiến pháp chỉ là một khía cạnh của quy trình tư pháp hình sự. Hành động của những người tham gia và văn hóa hệ thống địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định phương thức tiến hành thủ tục trên thực tế. Ai sẽ được lựa chọn làm cảnh sát? Viên cảnh sát đó sẽ hành động thế nào khi dừng phương tiện lại để kiểm tra, khi được gọi tới giải quyết vụ xung đột gia đình, hay khi tương tác với kẻ buôn bán ma túy, thanh thiếu niên mới lớn và người được thẩm vấn? Công tố viên thường làm gì khi cáo buộc các tội tiểu hình, nộp tiền bảo lãnh và tiến hành điều đình nhận tội? Ai là thẩm phán và lý lịch của họ phải thế nào? Văn phòng luật sư công được tài trợ nhiều tới mức nào và được tham gia quyết liệt đến đâu? Đáp án cho các câu hỏi thế này ít nhất cũng cho ta biết về cách thức hoạt động của hệ thống giống như nội dung quyết định mới nhất mà Tòa án Tối cao mới ban hành gần đây. Luật tố tụng hình sự được thiết kế để điều chỉnh hành vi của các tác nhân này, nhưng khả năng kiểm soát hành vi của luật pháp cũng có những giới hạn nhất định.
Tại sao chúng ta cần thủ tục tố tụng hình sự?
Giả sử ta có các đạo luật chỉ rõ một hành vi nhất định là hành vi phạm tội nhưng không có cảnh sát, công tố viên hay tòa án để thực thi chúng. Nếu tội phạm không sợ bị bắt và khởi tố thì khó có thể ngăn chặn họ phạm tội; điều này cũng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng xã hội chúng ta không nghiêm túc trong việc xử phạt người làm sai.
Ngược lại, giả sử chúng ta quyết tâm triệt phá tội phạm. Chúng ta có thể hình thành quy trình tố tụng hình sự đi xa hết mức có thể trong việc điều tra tội phạm và xử phạt người có tội. Cảnh sát có thể bí mật giám sát điện thoại của mọi người, chặn lại và khám xét bất cứ ai đang đi trên phố mà trông có vẻ khả nghi, vào bất cứ ngôi nhà hoặc văn phòng nào mà không cần gõ cửa, và buộc nghi can phải khai. Trước tòa, bị cáo không được phép có luật sư, chỉ công tố viên được trình bày vụ việc, và thẩm phán có thể kết án bị cáo trên cơ sở những chứng cứ không rõ ràng.
Rõ ràng, cả hai trường hợp trên đều không thể chấp nhận. Chúng ta cần một quy trình tố tụng hình sự để điều tra và bắt giữ những người có thể đã phạm tội, xét xử xem họ có thực sự phạm tội hay không nhằm kiểm soát tội phạm, nhưng quy trình này phải thống nhất với các giá trị và truyền thống của chúng ta với tư cách là một xã hội tự do. Sự mâu thuẫn về mục tiêu tạo ra khiến người ta bàn cãi nhiều tới nội dung của luật. Ta có thể cho phép cảnh sát, công tố viên và tòa án hành động tới mức độ nào? Suy ngẫm về câu hỏi này, ta cần nêu rõ hơn chi tiết của các giá trị mâu thuẫn vốn có trong tố tụng hình sự.
Giá trị đầu tiên của tố tụng hình sự là tìm ra sự thật. Quy trình tố tụng hình sự cần xác định, bắt giữ và trừng phạt người phạm tội nhưng cũng phải tha cho người không phạm tội. Tìm ra sự thật là giá trị quan trọng ở mọi giai đoạn tố tụng hình sự. Dĩ nhiên, nó rất quan trọng trong giai đoạn luận tội tại phiên xét xử, nhưng nó cũng áp dụng cho giai đoạn tố tụng ban đầu. Cảnh sát cần quyết định chính xác khi nào có đủ lý do để bắt đầu tiến hành điều tra một tội phạm hoặc bắt giữ một người, còn công tố viên cần quyết định chính xác thời điểm buộc tội ai đó.
Hệ thống cũng cần tìm ra sự thật một cách hiệu quả. Chúng ta muốn hệ thống làm việc tốt một cách hợp lý khi thực thi luật hình sự, ngay cả khi nguồn lực bị hạn chế và sai lầm là không thể tránh khỏi. Vì nguồn lực hạn chế nên ta không thể có một hệ thống hoàn hảo, song cảnh sát vẫn phải xử lý một số lượng tội phạm đáng kể, còn tòa án không được mắc quá nhiều sai lầm khi kết án bị can.
Tập trung vào tính hiệu quả, ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng, cảnh sát và công tố viên nên quyết định sớm xem trong số những người bị buộc tội, ai là người có thể không phạm tội và loại họ ra khỏi quy trình. Sau đó, những người khác còn lại sẽ phải đi qua cả quá trình tới bước kết án cuối cùng. Giả sử cảnh sát, công tố viên và tòa án rất giỏi trong việc phân biệt người vô tội và người có tội, vậy thì hầu hết những người bị buộc tội tham gia tố tụng trên thực tế đều có tội. Nếu thế, ta có thể để các nhân viên phụ trách tố tụng làm việc này bằng các thủ tục không chính thức và thông thường. Ví dụ, cảnh sát sẽ không bị gò ép bởi các thủ tục cồng kềnh hay các yêu cầu kĩ thuật thái quá khi điều tra tội phạm, thu thập chứng cứ hay thẩm vấn nghi can, những gánh nặng chỉ có tác dụng làm giảm khả năng tìm ra sự thật của hệ thống.
Nhưng chắc chắn hệ thống không thể quá hiệu quả. Tìm ra sự thật là quá trình không hoàn hảo, còn nếu tìm ra sự thật hiệu quả có thể đó là quá trình nguy hiểm. Ta đều biết các nguồn lực bị hạn chế, mà đối với cảnh sát, điều tra viên, luật sư và thẩm phán, sự hạn chế đó đồng nghĩa với việc sai lầm sẽ xảy ra. Quả thực, ngay cả hệ thống được thiết kế tốt nhất và được tài trợ đầy đủ nhất cũng mắc sai lầm. Nếu đã có sai lầm, thì các sai lầm đó nên đi theo hướng đảm bảo không có bất cứ người vô tội nào bị oan sai, dù cho điều này có nghĩa là sẽ có một số người phạm tội bị bỏ sót.
Chính vì vậy, các thủ tục không chính thức thông thường bỗng trở nên đặc biệt nguy hiểm. Cảnh sát, công tố viên và thẩm phán tòa án hình sự tiếp xúc với tội phạm nhiều đến nỗi đâu đâu họ cũng thấy tội phạm. Chúng ta cần tới các quy tắc để kiểm soát hành vi của họ, thẩm phán phải áp dụng cẩn trọng các quy tắc này, còn các thẩm phán khác phải xem lại những quyết định đó. Đó là lý do tại sao chúng ta đánh giá cao hệ thống tranh tụng, với các biện pháp bảo vệ đáng kể về mặt pháp lý có thể áp dụng để khắc phục những sai sót và lạm dụng, ngay cả khi làm vậy có thể dẫn tới việc tha bổng cho một số người thực sự phạm tội.
Đây không chỉ là mâu thuẫn giữa mục tiêu tìm kiếm sự thật và tính hiệu quả. Trong hệ thống tư pháp hình sự, chính phủ dùng quyền lực của mình để chống lại cá nhân. Nhưng con người không phải là những vấn đề kiểm soát tội phạm đơn thuần để có thể xử lý bằng các thủ tục quan liêu. Phẩm giá và uy tín cá nhân là các giá trị quan trọng trong tố tụng hình sự. Chế tài hình sự chỉ có thể được áp dụng sau khi đã tiến hành một quy trình trên cơ sở tôn trọng phẩm giá và uy tín cá nhân, ngay cả khi quy trình đó diễn ra chậm chạp, cồng kềnh và thường có sai lầm từ phía con người.
Để hạn chế sự oan sai và tôn trọng phẩm giá cá nhân, ta có nguyên tắc giả định vô tội. Trên thực tế, người bị cảnh sát điều tra và bắt giữ rồi bị công tố viên buộc tội đúng là có khả năng đã phạm tội, nhưng xác suất này không phù hợp đứng trên góc độ pháp luật. Thế nên, trong toàn bộ quy trình tố tụng tới tận thời điểm kết án, người đó vẫn được pháp luật coi là vô tội. Nhiệm vụ nặng nề của các tiểu bang là phải loại trừ được sự giả định này và phải tuân thủ mọi quy tắc khi làm như vậy.
Quy trình tranh tụng và giả định vô tội còn nhằm một mục đích khác. Thông thường, rất dễ hiểu là tất cả chúng ta đều sợ quyền lực to lớn của nhà nước trong tố tụng hình sự bị thực thi một cách sai trái, và cụ thể hơn nữa, ai cũng sợ quyền lực đó được áp dụng một cách không công bằng. Cảnh sát, công tố viên và tòa án có quyền “tùy nghi” quyết định cách thực thi quyền lực của mình, và trong lịch sử Hoa Kỳ người ta đã gặp rất nhiều vụ việc mà quyền lực này được thực thi theo hướng bất lợi cho người nghèo, người dân tộc thiểu số hoặc các nhóm đối tượng yếu thế khác.
Vậy, làm sao để cân bằng các mục đích mâu thuẫn này của tố tụng hình sự? Liệu chúng ta muốn thủ tục này diễn ra như một dây chuyền sản xuất hay một quá trình đầy trở ngại? Chính sự mâu thuẫn này dẫn tới những tranh cãi về các loại thủ tục tố tụng hình sự mà chúng ta cần, vì nó tạo ra chính luật pháp hiện hành của chúng ta. Nhiều thành viên hệ thống và các học giả chuyên về tố tụng hình sự đã nhất trí rằng, tình hình quả là lộn xộn. Mâu thuẫn này tạo ra một hệ thống luật thiếu nhất quán và không thể dự đoán. Trong chương này, nếu suy ngẫm về các quy tắc nên có, chúng ta cũng nên cân nhắc xem, với những mục đích mâu thuẫn vốn có nói trên của tố tụng hình sự, liệu có thể có các quy tắc rõ ràng hay không.
Tố tụng hình sự có các bước nào?
Trước khi tìm hiểu chi tiết về tố tụng hình sự, ta hãy lướt qua các bước trong quy trình này. Quy trình tố tụng diễn ra ở mỗi bang một khác và khác ngay cả trong hệ thống liên bang, và không phải vụ án nào cũng đều đi qua hệ thống theo cùng một cách, nhưng mô tả dưới đây là sự hình dung sát nhất về đường đi tiêu biểu của mỗi vụ án.
Dĩ nhiên, quy trình tố tụng hình sự bắt đầu từ một tội phạm hoặc chính xác hơn là từ sự nghi ngờ của nhà chức trách về một tội phạm. Một cửa hàng 711 bị cướp, hoặc một cảnh sát tận mắt chứng kiến tội phạm, hoặc phổ biến hơn là nạn nhân (ở đây là chủ cửa hàng) đến đồn cảnh sát khai báo. Bước đầu tiên, cảnh sát phải điều tra tội phạm: phỏng vấn các nhân chứng trong vụ việc, xem lại băng ghi hình tại cửa hàng, thu thập các chứng cứ khác từ hiện trường phạm tội, và so sánh vụ này với các vụ khác tương tự. Việc điều tra có thể tập trung vào đối tượng tình nghi là một người – giả sử là Buggsy – và cảnh sát có thể thẩm vấn anh ta. Họ có thể chặn anh ta trên phố hoặc tới nhà anh ta, và tạm giam anh ta để thẩm vấn. Nếu kẻ cướp cửa hàng 711 là một tên cướp có vũ trang, hoặc nếu họ có các lý do khác để nghi ngờ Buggsy có súng, cảnh sát có thể khám xét anh ta – bằng cách lần từ trên xuống dưới người anh ta để đảm bảo rằng anh ta không mang theo một vũ khí nào có thể gây nguy hiểm tức thì cho họ. Những trường hợp chạm trán cảnh sát kiểu này có thể gây khó chịu, xâm phạm hoặc thậm chí làm cho một người cảm thấy xấu hổ, nhưng chúng vẫn được chấp nhận như các bước khác chẳng hạn như bắt hoặc tạm giam ai đó.
Đối với một số vụ án khác, việc điều tra có thể phức tạp hơn. Ví dụ, trong các vụ án mạng, hoạt động điều tra khoa học tại hiện trường phạm tội có thể mở rộng hơn và nạn nhân sẽ được tiến hành khám nghiệm tử thi. Người cung cấp tin tức, việc nghe lén và cả các quy trình gây khó chịu khác cũng có thể được sử dụng khi điều tra các hoạt động phạm tội phức tạp.
Vì thế, một số biện pháp sàng lọc sẽ được áp dụng để quyết định xem có nên chính thức đưa Buggsy tham gia quy trình tố tụng hình sự, hoặc liệu người này có thể thoát khỏi quy trình này không, đối với trường hợp anh ta đã tham gia tố tụng. (Chừng nào Buggsy vẫn đang ở trong quy trình tố tụng, việc điều tra tội phạm sẽ tiếp tục; cảnh sát và công tố viên có thể thu thập thêm chứng cứ để sử dụng chống lại anh ta trước tòa). Sau khi cảnh sát điều tra đã hài lòng rằng có lý do chính đáng để tin rằng Buggsy đã cướp cửa hàng 711, anh ta sẽ bị bắt. Buggsy sẽ bị giam (trừ trường hợp phạm những tội lặt vặt) và bị vào sổ vì tên, tuổi và các thông tin khác của anh ta sẽ được lưu lại, dấu vân tay sẽ được lấy, bị chụp ảnh, khám xét và giam giữ (trường hợp chỉ phạm những tội lặt vặt, người phạm tội sẽ được thả và yêu cầu đến gặp thẩm phán vào một thời điểm nhất định).
Bước tiếp theo là xác định xem có chính thức buộc tội Buggsy hay không và nếu có thì là tội danh nào. Việc buộc tội thường được thực hiện thông qua hình thức cáo buộc nêu rõ Buggsy bị buộc tội gì và các tình tiết làm cơ sở cho lời buộc tội đó. Cáo trạng thường được thực hiện bởi sĩ quan cảnh sát cấp cao, công tố viên hoặc cả hai người này. Bên cáo trạng có thể quyết định có hoặc không cáo buộc Buggsy phạm một tội khác vì một số lý do nhất định. Họ có thể cho rằng vấn đề sẽ được giải quyết tốt hơn theo cách khác, chẳng hạn nếu Buggsy là trẻ nhỏ ăn trộm thanh kẹo từ cửa hàng 711, cảnh sát có thể trả Buggsy về với cha mẹ sau khi nghiêm khắc cảnh cáo. Hoặc họ có thể quyết định rằng cáo buộc mà viên cảnh sát tiến hành bắt giữ đưa ra là không đúng. Cáo buộc này có thể tăng lên hoặc giảm xuống tùy thuộc vào loại vũ khí mà Buggsy sử dụng và số lượng hàng hóa mà anh ta ăn cắp.
Sau khi Buggsy bị cáo buộc, anh ta từ bị can chuyển thành bị cáo, và sự tập trung giờ đây sẽ được chuyển từ sở cảnh sát sang hệ thống tòa án. Ngay sau khi cáo buộc được gửi lên, bị cáo sẽ được đưa ra trước thẩm phán (thường là thẩm phán cấp thấp hơn) để trình diện lần đầu. Hầu hết các tòa án đều quy định thời hạn tạm giữ bị can (thường là 24 giờ) trước khi được đưa ra thẩm phán. Trong lần trình diện đầu tiên, thẩm phán sẽ thông báo cho Buggsy về các cáo buộc đối với anh ta và cho anh ta biết các quyền cơ bản như quyền giữ im lặng và quyền mời luật sư. Nếu Buggsy nghèo, thẩm phán sẽ thực hiện các bước khác để tìm luật sư bào chữa miễn phí cho anh ta. Thẩm phán cũng sẽ đặt ra mức bảo lãnh. Giá trị của khoản tiền bảo lãnh tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm, lý lịch của Buggsy, và nguy cơ anh ta có thể sẽ không xuất hiện tại phiên xét xử. Nếu bị cáo không thể nộp tiền bảo lãnh, anh ta sẽ phải ngồi tù để chờ xét xử. Trong nhiều trường hợp, thẩm phán sẽ thả bị cáo sau khi người này cam kết sẽ trình diện trước tòa mà không yêu cầu bất cứ khoản tiền bảo lãnh nào.
Sau lần trình diện đầu tiên, bị cáo trong vụ đại hình (trọng án) có quyền tham gia phiên điều trần sơ bộ. Với tội tiểu hình (tội nhẹ), phiên điều trần sơ bộ và một số bước trung gian khác thường không cần thiết. Phiên điều trần sơ bộ là việc xem xét độc lập đầu tiên của thẩm phán về các nội dung cáo buộc. Thẩm phán phải quyết định xem có tồn tại lý do chính đáng cho thấy bị cáo là người đã thực hiện hành vi phạm tội bị cáo buộc hay không. Công tố viên sẽ đưa ra nhân chứng để thành lập các yếu tố cơ bản cho vụ án của mình, và luật sư bào chữa của Buggsy có thể kiểm tra chéo các nhân chứng này, thậm chí đưa ra nhân chứng biện hộ, mặc dù, vì lý do chiến thuật, họ hầu như không sử dụng cơ hội này. Nếu thẩm phán quyết định có đủ tội chứng để giữ bị cáo thì vụ án tiếp tục; còn nếu không, thẩm án sẽ phải bãi án, trừ phi công tố viên chuẩn bị bản cáo buộc mới với nội dung cáo buộc đã giảm đi trên cơ sở các chứng cứ ủng hộ.
Một trong các phương tiện truyền thống để tiến hành xem xét kỹ hơn các cáo buộc trọng tội là thông qua Đại bồi thẩm đoàn. Bồi thẩm đoàn sẽ quyết định xem có đủ chứng cứ để buộc tội bị cáo hay không. Công tố viên cũng có thể dùng Đại bồi thẩm đoàn như một cơ quan điều tra trước khi đưa ra cáo buộc. Đại bồi thẩm đoàn là hình thức đưa người dân bình thường tham gia vào quá trình tố tụng hình sự với tư cách người ra quyết định. Quá trình tố tụng của Đại bồi thẩm đoàn được giữ kín và chỉ có công tố viên được đưa ra chứng cứ. Các nhân chứng được mời ra trước Đại bồi thẩm đoàn không được phép có luật sư hỗ trợ khi khai báo. Vì thế, việc sử dụng chức năng truyền thống của Đại bồi thẩm đoàn để xem xét lại vụ án do công tố viên trình bày và sàng lọc các vụ án thiếu căn cứ, đã giảm đáng kể. Người ta vẫn thường nói, một công tố viên giỏi có thể thuyết phục được Đại bồi thẩm đoàn buộc tội cả chiếc bánh kẹp. Ở nhiều nơi, hiện nay người ta không còn yêu cầu Đại bồi thẩm đoàn xem xét lại nội dung cáo buộc nữa.
Nếu Đại bồi thẩm đoàn kết án, bản cáo trạng sẽ được nộp lên tòa. Trong trường hợp Đại bồi thẩm đoàn không xem xét lại nội dung cáo buộc, công tố viên sẽ lập một văn bản tương đương gọi là công tố trạng. Nội dung của bản cáo trạng hay công tố trạng, cũng như bản cáo buộc, sẽ trình bày cụ thể các cáo buộc chống lại bị cáo và cơ sở của chúng. Buggsy sẽ được đưa trở lại tòa và bị luận tội theo bản cáo trạng hoặc công tố trạng. Khi luận tội, anh ta sẽ được thông báo lại về các cáo buộc và được yêu cầu nhận tội hoặc không. Đây chính là thời điểm (hoặc có thể sớm hơn hoặc muộn hơn) việc điều đình nhận tội được xúc tiến; Buggsy có thể quyết định nhận tội để đổi lấy cáo buộc giảm nhẹ hoặc bản án có lợi cho anh ta.
Bị cáo không nhận tội sẽ chờ xử tiếp. Tuy nhiên, trước phiên tòa, luật sư bào chữa có thể trình hàng loạt các đơn kiến nghị về nội dung hoặc quy trình thủ tục lên tòa. Các đơn kiến nghị về quy trình thủ tục thường nêu phản đối những sai sót trong quá trình buộc tội. Còn các đơn kiến nghị về nội dung quan trọng nhất thường liên quan tới giai đoạn phát hiện vụ án cũng như việc lấp liếm chứng cứ của bên công tố. Buggsy có quyền biết những chứng cứ, kể cả có lợi và không có lợi, mà công tố viên dùng để chống lại anh trước tòa để luật sư bào chữa có sự chuẩn bị tốt hơn. Nếu có sai sót trong quá trình thu thập chứng cứ, chẳng hạn thẩm vấn Buggsy mà không có cảnh báo đầy đủ về quyền tố tụng của anh ta mà Hiến pháp quy định, thì luật sư bào chữa có thể làm đơn kiến nghị để loại bỏ chứng cứ đó khỏi phiên tòa.
Trung tâm của quy trình tố tụng hình sự là phiên xét xử. Bị cáo có quyền được xét xử bởi một bồi thẩm đoàn, đối với các vụ trọng tội và hoặc tội nhẹ nhưng nghiêm trọng, mặc dù quyền này có thể bị bác và vụ án sẽ được một thẩm phán xét xử (gọi là phiên xét xử bởi thẩm phán). Nếu bị cáo được tuyên trắng án thì vụ án coi như kết thúc. Còn nếu bị cáo bị kết án, thì thẩm phán hoặc bồi thẩm đoàn, theo hướng dẫn của luật, sẽ quyết định bản án – hình phạt sẽ được áp dụng.
Phiên xét xử chưa hẳn là dấu chấm hết cho câu chuyện. Bị cáo có quyền kháng cáo, xin tòa án cấp cao hơn xem lại phiên xét xử để tìm ra sai sót. (Nếu bị cáo được tuyên trắng án, công tố viên không thể kháng cáo, vì Hiến pháp cấm truy tố một người hai lần về cùng một tội – bất khả trùng tố). Nếu tìm ra sai sót, bị cáo có quyền có phiên tòa mới. Ngay cả sau khi thời gian kháng cáo thông thường đã kết thúc, bị cáo dù đã bị kết án vẫn có thể theo đuổi các biện pháp chế tài hậu kết án. Thông thường, bị cáo sẽ thỉnh cầu tòa án liên bang, viện cớ có một vi phạm Hiến pháp trong phiên xét xử, ngay cả khi ban đầu phiên xét xử diễn ra ở tòa án bang.
Khi nào cảnh sát có thể tiến hành khám xét và bắt giữ?
Luật khám xét và bắt giữ điều chỉnh một số nghiệp vụ điều tra căn bản nhất của cảnh sát, bao gồm nghe lén và các biện pháp giám sát bằng thiết bị điện tử khác, kiểm tra hồ sơ kinh doanh và bới rác để tìm bằng chứng, bên cạnh các nghiệp vụ truyền thống như chặn nghi phạm để lục soát quần áo, xe ô tô và các vật dụng khác của họ. Nếu tố tụng hình sự chỉ tập trung vào việc tìm ra sự thật và xử lý tội phạm thì cảnh sát sẽ có quyền hạn rất lớn để tiến hành khám xét và bắt giữ. Nhưng việc trao cho cảnh sát các quyền này sẽ làm xâm phạm tới quyền về tài sản, sự riêng tư và an toàn cá nhân của con người. Vì thế, khả năng thực hiện các nghiệp vụ này của cảnh sát được điều chỉnh bởi Tu chính án thứ 4 của Hiến pháp Hoa Kỳ như sau:
“Quyền của người dân được đảm bảo về thân thể, nhà ở, tài liệu và vật dụng không bị khám xét và thu giữ một cách bất hợp lý, sẽ không bị vi phạm, và sẽ không có một lệnh nào của tòa được ban hành nếu không có lý do chính đáng, và khi đó lệnh của tòa phải kèm theo lời tuyên thệ hoặc xác nhận, và đặc biệt là phải mô tả địa điểm sẽ được khám xét và những người hoặc vật sẽ bị bắt giữ”
Tu chính án thứ 4 nói trên áp dụng cho các hoạt động khám xét và bắt giữ của bất cứ quan chức chính phủ nào chứ không chỉ của các nhân viên cảnh sát. Vị hiệu trưởng trường công muốn khám xét tủ đồ của học sinh hay viên thanh tra của Cục Quản lý Dược và Thực phẩm muốn kiểm tra một nhà máy đóng gói, đều phải tuân thủ Tu chính án thứ 4 này, mặc dù tiêu chuẩn của việc khám xét bất hợp lý trong các bối cảnh này khác hẳn so với các chuẩn mực áp dụng khi một viên cảnh sát chặn ai đó trên phố. Trong khi đó, các biện pháp bảo vệ theo quy định của Hiến pháp chỉ áp dụng cho các hành động của quan chức chính phủ. Một ông chủ tư nhân muốn kiểm tra email của nhân viên hay một cửa hàng lắp máy quay an ninh trong phòng thay đồ không phải tuân thủ các hạn chế mà Hiến pháp quy định. (Trong một số trường hợp, đạo luật hoặc quyền riêng tư theo hệ thống luật án lệ có đưa ra một số hình thức bảo vệ).
Dù Tu chính án thứ 4 áp dụng cho mọi hoạt động của chính phủ, song áp dụng nó như thế nào lại là vấn đề được quy định kém rõ ràng trong quá trình điều tra liên quan đến an ninh quốc gia. Một loạt đạo luật đã mở rộng thẩm quyền điều tra của chính phủ ra khỏi phạm vi những quyền được phép khi điều tra hình sự thông thường. Ví dụ, theo Luật Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA), các đặc vụ liên bang có thể xin một tòa án đặc biệt chuyên họp kín, để cho phép nghe lén, phê chuẩn các lệnh khám xét và các công cụ điều tra khác. LUẬT ÁI QUỐC HOA KỲ, được ban hành sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 và được sửa đổi sau đó, đã đưa vào áp dụng các biện pháp mới như lệnh vào trộm và nhìn trộm, theo đó, đặc vụ được tiến hành khám xét mà không cần thông báo cho đối tượng bị khám xét, và có quyền yêu cầu xem hồ sơ của thư viện và cửa hàng sách trong quá trình điều tra mà không cần thông báo cho người đang bị điều tra. Tổng thống George W.Bush đã bí mật ủy quyền cho Cục An ninh Quốc gia giám sát các cuộc điện thoại và email của hàng ngàn người mà không cần xin lệnh, dựa vào quyền hạn vốn có của ông với tư cách là tổng tư lệnh. Các tòa án cấp dưới đã tuyên bố một số biện pháp này là trái với Hiến pháp, nhưng Tòa Tối cao chưa bao giờ có quyết định về vấn đề hiệu lực này. Phần còn lại của cuộc thảo luận về luật khám xét và bắt giữ trong mục này chỉ quan tâm tới truy tố hình sự truyền thống. Để tìm hiểu thêm về tính hợp hiến trong các hành động của chính phủ trong cuộc chiến chống khủng bố, hãy tham khảo Chương 2.
Câu hỏi đầu tiên về luật là: khám xét hoặc bắt giữ là gì? Trước tiên, hãy tập trung vào việc khám xét. Khi viên cảnh sát nhìn vào bên trong xe ô tô của bạn để tìm dấu vết của điếu cần sa trên chiếc gạt tàn. Khi họ kiểm tra thùng rác của bạn hay cho chó nghiệp vụ đánh hơi hành lý của bạn. Khi họ nghe lén điện thoại của bạn để xem bạn có nói về cần sa hay không. Liệu các hành động nêu trên có phải là khám xét? Câu hỏi này rất quan trọng vì Tu chính án thứ 4 chỉ có tác dụng bảo vệ người dân khi việc khám xét hoặc bắt giữ được tiến hành. Nếu các hoạt động trên là khám xét, tòa án sẽ tiếp tục xem xét liệu các yêu cầu khác nêu trong Tu Chính án này đã được đáp ứng hay chưa.
Ban đầu, Tòa Tối cao cho rằng chỉ khi nào có sự xâm phạm vật chất đối với một trong các đối tượng nêu trong Tu chính án thứ 4 – thân thể, nhà ở, tài liệu và vật dụng – khi đó mới được tính là khám xét. Trong vụ Katz kiện Hoa Kỳ (1967), Tòa đã mở rộng phạm vi bảo vệ để thể hiện kì vọng chính đáng về sự riêng tư liên quan tới phạm vi và phương thức tiến hành khám xét, mà không cần phải có sự xâm phạm vật chất ở dạng cụ thể nào.
Theo tiêu chuẩn kì vọng về sự riêng tư, một số trường hợp rất dễ quyết định. Nếu một người đi xuống phố mà công khai hút cần sa, thì tức là họ đang thể hiện hành vi phạm pháp trước công chúng, nên việc quan sát hành động này của sĩ quan cảnh sát không phải là khám xét. Còn nếu họ hút cần sa ở nhà sau khi đã đóng cửa hạ rèm thì họ có kì vọng hợp pháp về sự riêng tư và cảnh sát không được nhìn qua lỗ khóa hoặc đột nhập vào nhà để phát hiện hành vi phạm pháp.
Ngoài ra, trong các trường hợp khác, kì vọng về sự riêng tư là một khái niệm rất mơ hồ, và nhiều khi quyết định của Tòa có vẻ kì cục. Ví dụ, bên trong ngôi nhà được bảo vệ để không bị cảnh sát soi mói nhìn qua lỗ khóa hoặc sử dụng thiết bị chụp ảnh nhiệt để phát hiện bóng đèn công suất cao được sử dụng để trồng cần sa, nhưng sân sau của ngôi nhà hoặc nhà kính nằm trong khuôn viên lại không được bảo vệ khỏi các thiết bị chụp ảnh từ trên không để phát hiện cây cần sa, vì loại cây này rất dễ nhận ra đối với bất cứ ai tình cờ bay ngang qua đó. Khi chúng ta đã vứt đồ đi thì có nghĩa là không còn kì vọng về sự riêng tư, khái niệm riêng tư áp dụng với cả rác thải của một người, ngay cả khi nó đã “bị bỏ đi” vì bị vứt trong thùng nhám ở vỉa hè để đợi người ta đến gom rác vứt đi. Như vậy theo Tòa Tối cao, sự riêng tư trong hóa đơn thẻ tín dụng, thư tình hoặc các vật dụng cá nhân khác là không được kỳ vọng một khi chúng đã bị vứt vào sọt rác. (Lấy ví dụ về phạm vi bảo hộ rộng hơn của Hiến pháp bang so với Hiến pháp liên bang là, một số tòa án bang cho rằng con người có quyền kì vọng về sự riêng tư ngay cả đối với rác thải mà mình bỏ đi, nên trước khi lục soát chỗ rác đó, cảnh sát cũng phải xin lệnh của tòa). Rút cục, lấy hồ sơ giao dịch của một người từ ngân hàng hoặc bản kê cuộc gọi từ công ty điện thoại không phải là khám xét. Vì nếu thông tin đã công khai cho ngân hàng hoặc một công ty điện thoại, thì không nên kì vọng rằng thông tin đó sẽ được giữ bí mật.
Ngay cả khi việc khám xét xảy ra, điều đó không có nghĩa là cảnh sát đã vi phạm Tu chính án thứ 4. Cần lưu ý, nội dung sửa đổi lần thứ 4 gồm hai mệnh đề độc lập. Mệnh đề đầu tiên cấm khám xét bất hợp lý, còn mệnh đề thứ hai nêu rõ các yêu cầu mà một lệnh khám xét phải đáp ứng, đáng chú ý là yêu cầu về lý do chính đáng để tiến hành khám xét. Song, bản thân nội dung Tu chính án này không nêu rõ đâu là mệnh đề chính.
Trong một thời gian dài, tòa coi yêu cầu khám xét là mệnh đề chính. Để xin lệnh khám, cảnh sát phải có lý do chính đáng cho thấy việc khám xét sẽ giúp tìm tội chứng, theo một thủ tục quy củ trước một quan tòa trung lập. Yêu cầu về lệnh khám xét góp phần đáng kể vào việc giám sát các hoạt động của cảnh sát và từ đó đảm bảo quyền tự do cá nhân được bảo vệ. Dĩ nhiên, đôi lúc việc xin lệnh khám là phi thực tế do yêu cầu phải hành động nhanh chóng để tìm ra chứng cứ trước khi nó bị loại bỏ hoặc tiêu hủy. Vì thế, một số hoạt động khám xét có thể được thực hiện mà không cần lệnh, nhưng chỉ trong một số trường hợp nhất định để đảm bảo tính hợp lý của nó.
Cách tiếp cận thứ hai của tòa đối với Tu chính án này làm đảo lộn trật tự của các yêu cầu được đặt ra. Theo đó, mệnh đề chính của Tu chính án thứ 4 này là yêu cầu về việc khám xét không được bất hợp lý. Một hoạt động khám xét có thể bất hợp lý vì một số lý do, trong đó chỉ có một lý do là vì nó không được tiến hành theo lệnh. Mệnh đề thứ hai yêu cầu về lệnh khám nêu ra các yêu cầu để có một lệnh hợp lệ, nhưng nó không đề cập tới những trường hợp khám xét bất hợp lý được thực hiện khi không có lệnh. Thay vào đó, Tòa phải xây dựng một chuẩn mực chung để đánh giá tính hợp lý của việc khám xét không có lệnh.
Có nhiều khả năng ta sẽ cho rằng giả thiết đầu tiên thống nhất hơn với cách tiếp cận thiên về mục đích bảo vệ các quyền của tố tụng hình sự, còn giả thiết thứ hai nghiêng về cách tiếp cận tập trung vào phương thức thi hành nhiệm vụ của cảnh sát. Tính ưu việt của mệnh đề thứ hai nằm ở chỗ nó giới hạn khắt khe các tình huống mà trong đó cảnh sát có thể khám xét, trong khi sự hợp lý là tiêu chuẩn linh hoạt hơn. Nhưng đó lại không phải là tính chất của luật án lệ. Thay vào đó, mâu thuẫn giữa các giá trị cơ bản của tố tụng hình sự được thể hiện trong mỗi quan niệm. Yêu cầu về lệnh khám ngày càng có nhiều ngoại lệ, còn tiêu chuẩn về sự hợp lý không hoàn toàn bị xem nhẹ.
Hãy bắt đầu với yêu cầu về lệnh khám. Lệnh khám là sự cho phép của thẩm phán hoặc một quan chức có thẩm quyền tương đương để cảnh sát khám xét và tịch thu chứng cứ tội phạm. Yêu cầu về lệnh khám xét có tác dụng tách biệt giữa một bên là quyết định về tính hợp lý của việc khám xét và một bên là người có nhiệm vụ tiến hành khám xét; giả sử, một quan tòa độc lập có thể thoải mái hơn khi đánh giá tội chứng và sẽ quyết định xem nó có đáp ứng các tiêu chuẩn mà Hiến pháp quy định hay không. Song, quy trình tiến hành xin cấp lệnh khám này trên thực tế ở nhiều nơi có nhiều nghịch lý. Thẩm phán thường chỉ mất vài phút để xem xét lý do xin tòa ban hành lệnh khám xét nêu trong đơn, hầu hết mọi đơn yêu cầu ban hành lệnh khám đều được phê chuẩn, và cảnh sát thậm chí có thể xin lệnh qua điện thoại, chỉ đơn giản nêu ra một số tình tiết làm cơ sở cho yêu cầu của họ. Trước thực tế đó, yêu cầu về lệnh khám này có thể là một biện pháp kiểm tra hữu hiệu hành vi của cảnh sát hay không? Ở một mức độ nào đó thì có; vì biết rằng yêu cầu xin lệnh khám xét sẽ được trình lên thẩm phán nên cảnh sát và công tố viên buộc phải tuân thủ chặt chẽ hơn các chuẩn mực của pháp luật.
Khi ban hành lệnh khám xét, nhiệm vụ chủ yếu của quan tòa là xác định xem có lý do chính đáng để tin rằng việc khám xét sẽ tìm ra chứng cứ phạm tội cụ thể ở địa điểm được nêu hay không. Mức độ chính đáng của lý do này tạo nên sự cân bằng vừa đảm bảo sự “tùy nghi” của cảnh sát trong hoạt động trấn áp tội phạm vừa bảo vệ được quyền lợi riêng tư của con người được quy định trong Tu chính án thứ 4. Ví dụ, trong hai vụ án ở Tòa Tối cao dưới thời Warren, Tòa Tối cao cho rằng trong tình huống thông thường, khi cảnh sát trình lên tòa thông tin có được từ người cung cấp thông tin để xin tòa ban hành lệnh khám xét, thì quan tòa phải được cung cấp đủ các tình tiết về độ tin cậy của người đã cung cấp thông tin nói trên và lý do mà người đó đưa ra kết luận, để từ đó có cơ sở đưa ra quyết định sáng suốt về việc có tồn tại một lý do chính đáng để tiến hành khám xét hay không (Vụ Aguilar kiện Texas [1964] và Spinelli kiện Hoa Kỳ [1969]). Quyết định của Tòa tối cao dưới thời Burger, trong vụ Gates kiện Illinois (1983), đã loại bỏ hoàn toàn phép thử này. Sau khi xem xét “toàn cảnh”, nếu quan tòa có thể đưa ra một phán quyết chung rằng có lý do chính đáng để ban hành lệnh khám, thì tòa sẽ làm ngay, ngay cả khi tòa không thể xác định được độ tin cậy của thông tin nặc danh hoặc lý do mà người đó biết những thông tin này.
Dù yêu cầu về lệnh khám xét trong Tu chính án thứ 4 mới là mệnh đề chính thì một số trường hợp khám xét vẫn có thể tiến hành mà không cần lệnh. Còn nếu cho rằng yêu cầu về tính hợp lý của việc khám xét trong Tu chính án thứ 4 mới là mệnh đề chính thì dĩ nhiên việc khám xét có thể được tiến hành mà không cần lệnh của tòa nếu việc khám xét đó là hợp lý; chỉ số cơ bản của tính hợp lý là lý do chính đáng để tin rằng chứng cứ phạm tội sẽ được tìm ra. Nhìn chung, có thể nói rằng, việc khám xét không có lệnh có thể coi là hợp lệ nếu thời gian chờ đợi tòa ban hành lệnh đó làm ảnh hưởng quá mức tới mục đích kiểm soát tội phạm, hoặc khi lợi ích riêng tư nêu trong Tu chính án thứ 4 không bị xâm phạm nghiêm trọng nếu tiến hành khám xét. Nhưng việc quy định chung chung như vậy ẩn chứa nhiều tranh cãi về việc nên để cảnh sát đi tới đâu.
Ngoại lệ của việc thu giữ tang vật là tịch thu các đồ vật được phát hiện tình cờ. Ví dụ, nếu một viên cảnh sát vào một ngôi nhà theo đúng quy định của pháp luật hoặc chặn xe lại và bất chợt phát hiện túi ma túy trên sàn, anh ta có thể tịch thu ngay cái túi đó cho dù không có lệnh của tòa và không có lý do chính đáng để nghi ngờ ở đó có ma túy. Mục tiêu của hoạt động thi hành án sẽ bị tổn hại nếu một cảnh sát, khi đang thực hiện những hành vi được pháp luật cho phép, lại không thể tịch thu chứng cứ phạm tội mà anh ta nhìn thấy. Song ngoại lệ này tạo ra hai tình huống mà các cảnh sát có thể làm: chặn lại rồi xin tòa ban lệnh thu giữ hoặc cứ lấy cớ khám xét để thu giữ tang vật mà anh ta nghi ngờ là có ở đó rồi sau nay khai man rằng vật chứng đó được phát hiện tình cờ, trong khi trên thực tế chúng được phát hiện khi cảnh sát thực hiện việc khám xét quá phạm vi cho phép. Ban đầu, Tòa Tối cao phản ứng với tình huống thứ nhất bằng cách chấp nhận ngoại lệ này với điều kiện việc phát hiện đồ vật là không cố ý. Tuy nhiên cuối cùng Tòa bác bỏ yêu cầu này; Tòa nêu rõ một khi viên cảnh sát đã tiến hành khám xét một cách hợp pháp, thì việc cho phép anh ta tịch thu những tang vật mà anh ta tình cờ nhìn thấy trong quá trình khám xét cũng không xâm phạm gì nhiều tới quyền riêng tư được bảo vệ, và tòa có thể đánh giá tính hợp lý của việc khám xét dựa trên các tiêu chuẩn khách quan (đồ vật có nằm lộ ra hay không) không phụ thuộc vào dự định của viên cảnh sát. Sự cám dỗ thứ hai vẫn tồn tại, và một số luật sư bào chữa cho rằng cảnh sát thường khai man khi nói rằng tang vật tịch thu trong một buổi khám xét đều được phát hiện tình cờ.
Việc sử dụng tiêu chuẩn khách quan để đánh giá tính hợp lý ngày càng được tòa ủng hộ vì nó là cơ sở để hài hòa giữa hoạt động nghiệp vụ của cảnh sát và mục tiêu bảo vệ tự do theo Tu chính án thứ 4. Ví dụ, nếu cảnh sát có lý do chính đáng để tin rằng tội phạm đã xảy ra, họ có thể chặn người đã phạm tội; đây là việc bắt người hợp lý theo Tu chính án thứ 4. Nhưng giả sử nếu tội phạm chỉ vi phạm giao thông và việc chặn lại chỉ là cái cớ để tìm kiếm chứng cứ về ma túy mà tài xế người Mỹ gốc Phi đang buôn bán trong khu vực có tỉ lệ tội phạm cao thì sao? Khi đó nguy cơ về sự bất hợp lý là có thật, nhưng tòa lập luận rằng chỉ cần tồn tại lý do chính đáng, ngay cả lý do chính đáng của một vi phạm giao thông nhỏ được hình thành dựa trên lời khai của viên cảnh sát, thì việc chặn xe vẫn được coi là hợp lý.
Tình huống, cảnh sát không cần lệnh hay lý do chính đáng để tiến hành khám xét và bắt giữ, đó là tình huống chặn và khám xét quần áo. Trong trường hợp này, cảnh sát yêu cầu một người dừng lại một lát để nói chuyện, thường là về hoạt động khả nghi nào đó, và khám xét quần áo của người đó để đảm bảo rằng người này không mang theo vũ khí nào có thể đe dọa trực tiếp viên cảnh sát. Trong vụ Terry kiện Ohio (1968), Tòa công nhận rằng “trong tình huống phù hợp và bằng cách thích hợp, cảnh sát có thể tiếp cận một người vì mục đích điều tra một hành vi phạm tội có thể” và sau đó có thể “tiến hành việc khám xét quần áo bên ngoài của người đó nhằm phát hiện những loại vũ khí có thể được sử dụng để hành hung anh ta”. Sau đó, Tòa còn lập luận rằng việc yêu cầu nghi can nêu danh tính khi chặn họ lại như trong vụ án của Terry không vi phạm quyền của anh ta theo Tu chính án thứ 4 cũng như đặc quyền chống lại việc tự buộc tội của anh ta theo quy định trong Tu chính án thứ 5. (Vụ Hiibel kiện Tòa án Hạt Khu vực Xét xử 6, 2004).
Vậy tình huống phù hợp để chặn một người là gì? Mấu chốt của vấn đề này là để cảnh sát thi hành nhiệm vụ của mình mà vẫn hạn chế được việc thực thi thẩm quyền tùy tiện của họ. Dù chắc chắn có cơ sở thực tế để nghi ngờ người bị chặn lại là có hoạt động phạm tội, nhưng điều gì tạo nên cơ sở khách quan đó thì lại không rõ ràng, và tòa án thường tôn trọng quyết định của cảnh sát.
Cuối cùng, có một số trường hợp cảnh sát và người dân đối đầu với nhau song ở mức độ không nghiêm trọng như trong vụ của Terry, vì thế không liên quan tới Tu chính án thứ 4. Trong vụ án của Terry, Tòa đã thỏa hiệp “khi viên cảnh sát tước đi sự tự do của một công dân bằng cách dùng vũ lực hoặc phô trương quyền hạn”. Vì thế, theo quan điểm của Tòa, khi cảnh sát lên xe buýt yêu cầu xem vé xe, căn cước của từng hành khách và kiểm tra hành lý của họ, hoặc khi cảnh sát đuổi theo một thanh niên hoảng sợ bỏ chạy khi thấy xe tuần tra đến thì đó không phải là bắt giữ”.
Đặc quyền chống lại việc tự buộc tội là gì?
Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp Hoa Kỳ có phần quy định “Không một ai bị làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự”. Đặc quyền chống lại việc tự buộc tội là đặc quyền cơ bản trong hệ thống tư pháp hình sự của Mỹ. Trong hệ thống tố tụng hình sự, cơ quan công tố có nghĩa vụ chứng minh vụ án của mình thông qua nỗ lực của chính họ chứ không phải thông qua việc thẩm tra bị cáo. Nếu bị ép phải lên tiếng, bị cáo sẽ đối mặt với cái gọi là “bộ ba bất khả thi nghiệt ngã giữa tự buộc tội, khai man trước tòa hoặc không tuân lệnh tòa” – có nghĩa là bị buộc phải chọn giữa việc nhận tội, nói dối và bị trừng phạt vì tội khai man hoặc giữ im lặng để bị phạt vì tội coi thường tòa. Điều này vi phạm khái niệm “chơi đẹp” của Mỹ, sự cân bằng giữa cá nhân và chính phủ, và phẩm giá cá nhân. Đặc quyền này cũng bảo vệ sự riêng tư của cá nhân và phản ánh mối ngờ vực của người dân về nghiệp vụ lấy lời khai của cảnh sát.
Nhưng đặc quyền này có cái giá của nó. Trong nhiều vụ án, lời nhận tội của bị cáo hoặc thông tin lấy được từ người này có tác dụng dẫn tới chứng cứ khác, là bằng chứng đáng tin cậy duy nhất để chứng minh bị cáo có tội. Trong những vụ án không có nhân chứng và rất ít hoặc không có tang chứng, thẩm vấn quyết liệt nghi can là cách duy nhất đáng tin cậy để có được bằng chứng phạm tội. Vì thế, loại bỏ lời khai của bị cáo đồng nghĩa với việc nhiều tội phạm sẽ không bị trừng phạt.
Đối với người bị buộc phải đứng ra làm nhân chứng chống lại chính mình trong một vụ án hình sự, điều này có ý nghĩa gì? Đặc quyền này liên quan tới những chứng cứ thu được dựa trên lời khai của bị cáo, chứ không phải các loại chứng cứ khác. Chỉ cần tuân theo các thủ tục được quy định, công tố viên có thể ép bị cáo xuất hiện đứng ra nhận dạng, lấy mẫu tiếng nói hoặc chữ viết, hoặc thậm chí mẫu máu có thể có giá trị buộc tội anh ta. Công tố viên cũng có thể ép cung cấp các hồ sơ được chuẩn bị cho mục đích khác như hồ sơ kinh doanh trong quá trình truy tố tội trốn thuế.
Xét về câu chữ, quy định trong Tu chính án thứ 5 chỉ ngăn chính phủ không được ép bị cáo đứng ra khai báo tại phiên xét xử, còn các hình thức ép buộc khác mà chính phủ làm để thu được bằng chứng chống lại bị cáo thì vẫn được phép. Nhưng đặc quyền này luôn được Tòa tối cao diễn giải theo nghĩa rộng hơn. Tòa không chú ý tới các chính sách đằng sau đó, nếu cảnh sát có thể ép bị cáo nhận tội hoặc công tố viên có thể ép đại bồi thẩm đoàn tham gia khai báo rồi sử dụng chứng cứ đó trước tòa.
Hãy cân nhắc tình huống công tố viên sử dụng đại bồi thẩm đoàn để thu thập chứng cứ và gọi một trong các đối tượng điều tra ra làm nhân chứng. Một trát hầu tòa sẽ được gửi tới nhân chứng này yêu cầu người đó đứng ra khai báo. Nếu họ không xuất hiện hoặc không trả lời câu hỏi tòa đặt ra cho mình, họ có thể bị kết tội coi thường tòa án và bị tống giam. Nếu họ khai sai, họ có thể bị truy tố vì tội khai man trước tòa. Còn nếu họ muốn tránh cả hai hậu quả trên và khai báo thành thực và sau này lời khai của họ được sử dụng làm chứng cứ chống lại họ trước tòa, thì trên thực tế họ đã bị ép làm chứng để chống lại mình. Điểm mấu chốt ở đây là việc sử dụng lời khai bị ép buộc chứ không phải lời khai đó được lấy ở đâu.
Công tố viên có thể tránh thực hiện đặc quyền chống lại việc tự buộc tội, trước đại bồi thẩm đoàn hoặc bất cứ nơi nào khác, bằng cách chỉ cần đảm bảo rằng lời khai đó sẽ không được sử dụng vào bất cứ quy trình tố tụng hình sự nào sau đó. Thông thường, đảm bảo này được thực hiện bằng cách trao quyền miễn truy tố trên cơ sở lời khai. Có hai dạng miễn. Miễn sử dụng tức là bên công tố không thể sử dụng lời khai của nhân chứng hoặc bất cứ chứng cứ nào thu được từ đó khi xét xử sau này. Nếu công tố viên có chứng cứ chống lại nhân chứng này, và chứng cứ đó không phải là sản phẩm từ lời khai của họ, thì chứng cứ đó có thể được sử dụng. Miễn truy tố tức là sau này bên công tố không được truy tố nhân chứng vì bất cứ tội danh nào được đề cập tới trong lời khai của họ, ngay cả khi công tố viên độc lập phát hiện ra chứng cứ cho thấy họ có tội.
Vấn đề phổ biến hơn và cũng gây tranh cãi nhiều hơn là đặc quyền chống lại việc tự buộc tội được áp dụng như thế nào ngoài quy trình tố tụng chính thức, nhất là với việc thẩm vấn của cảnh sát. Trong nhiều trường hợp, quá trình thẩm vấn quan trọng nhất đối với bị cáo thường không diễn ra trong phòng xử án hoặc phòng đại bồi thẩm đoàn mà ở sở cảnh sát. Tòa Tối cao cũng công nhận rằng việc thẩm vấn nghi can tại trụ sở cảnh sát đáng sợ đến nỗi nó có thể ảnh hưởng bất lợi tới đặc quyền chống lại việc tự buộc tội.
Trong vụ Miranda kiện Arizona (1964), sau khi kiểm tra thông lệ thẩm vấn nghi can của cảnh sát, bao gồm một số mánh khóe và các đòn tâm lý mà Tòa tin là được sử dụng phổ biến, Tòa kết luận rằng “... việc thẩm vấn trong quá trình tạm ảnh hưởng nặng nề tới tự do cá nhân và lợi dụng điểm yếu của họ”. Cần phải sử dụng “các biện pháp bảo vệ phù hợp… để xóa đi sự ép buộc cố hữu trong môi trường giam giữ”. Các biện pháp bảo vệ này phải được sử dụng trong mọi trường hợp, và bao gồm lời cảnh báo Miranda nổi tiếng hiện nay. Đầu tiên, trước khi nghi can bị thẩm vấn, anh ta phải được thông báo “rằng anh ta có quyền giữ im lặng… rằng bất cứ điều gì anh ta nói ra có thể và sẽ được sử dụng để chống lại anh ta trước tòa… rằng anh ta có quyền hỏi ý kiến luật sư và có luật sư bên cạnh trong lúc thẩm vấn… [và] nếu anh ta nghèo khó, sẽ có một luật sư được chỉ định để đại diện cho anh ta”. Thứ hai, nếu nghi can “cho thấy, dưới bất cứ hình thức nào và vào bất cứ thời điểm nào trước hoặc trong khi thẩm vấn, rằng anh ta muốn được giữ im lặng, việc thẩm vấn phải hoãn lại… [và nếu anh ta] đề cập tới ý muốn có luật sư thì việc thẩm vấn phải hoãn lại tới khi luật sư có mặt”.
Mặc dù Tòa đã gợi ý có thể áp dụng các biện pháp hiệu quả khác để bảo vệ quyền lợi của nghi can thay cho lời cảnh báo Miranda, nhưng tới giờ chưa có thủ tục nào khác được đưa ra hoặc thông qua, và vì thế lời cảnh báo Miranda vẫn tiếp tục có hiệu lực trong việc kiểm soát hoạt động thẩm vấn tới ngày nay. Điều thú vị là mặc dù cảnh sát đã điều chỉnh các quy trình thủ tục thẩm vấn của mình để lồng ghép các lời cảnh báo này vào đó nhưng các trường hợp thú tội không hề giảm. Tuy nhiên, quyết định này vẫn gây nhiều tranh cãi vì trong một số vụ án, việc cảnh sát không tuân thủ các yêu cầu này đã khiến lời tự thú của bị cáo bị loại bỏ khỏi chứng cứ.
Đặc quyền chống lại việc tự buộc tội theo lời cảnh báo Miranda là điều không thể thiếu khi cảnh sát tiến hành thẩm vấn [nghi can] trong khi giam giữ. Bị giam tức là nghi can đã bị tước đi quyền tự do hành động một cách đáng kể và ở trong tình huống bị đe dọa, cho dù nghi can chưa bị bắt chính thức. Theo cách giải thích này, khi đặc vụ của Sở Thuế Vụ (IRS) phỏng vấn nghi can ở nhà hoặc văn phòng của anh ta thì tức là anh ta không bị giam giữ, trừ phi tình huống có điều gì đó đặc biệt gây đe dọa; thẩm vấn trong phòng khách vốn dĩ không phải là tình huống gây đe dọa, nhưng việc một người bị bốn cảnh sát cùng một lúc tra hỏi trong phòng ngủ vào lúc 4 giờ sáng lại có yếu tố ép buộc. Khi cảnh sát yêu cầu nghi can tới sở cảnh sát và nói cụ thể với anh ta rằng anh ta không bị bắt thì tức là anh ta không bị giam giữ. Nhưng khi họ đưa anh ta tới sở bằng xe cảnh sát và không thông báo rằng anh ta được tự do đi lại, thì tức là anh ta đang bị bắt ép, cho dù anh ta không bị bắt.
Ngay cả câu hỏi thẩm vấn là gì cũng là vấn đề khó trả lời. Rõ ràng, khi cảnh sát tra hỏi nghi can thì đó là thẩm vấn. Ngoài ra, mục đích của lời cảnh báo Miranda là hạn chế những hành vi ép buộc trái với Hiến pháp, vì thế các kiểu nói hoặc hành vi khác của cảnh sát mà họ biết là nếu dùng, có thể khiến cho bị cáo đưa ra những câu trả lời có tính buộc tội, cũng bị coi là thẩm vấn. Tuy nhiên, nếu mở rộng quá như vậy, đặc quyền này sẽ làm cho các chứng cứ đáng tin cậy bị loại bỏ. Ví dụ, đôi lúc cảnh sát có thể nói chuyện với nhau khi bị cáo có mặt nhằm gây tác động hoặc xui khiến để bị cáo thú tội. Trong vụ Đảo Rhode kiện Innis (1980), bị cáo bị bắt vì tội giết người và cướp có vũ khí. Khi đưa bị can về sở cảnh sát, trên xe, cảnh sát nói chuyện với nhau về tầm quan trọng của việc phải tìm ra khẩu súng, vì họ sợ nếu có bé nào ở trường dành cho trẻ khuyết tật gần đó tìm ra khẩu súng thì sẽ rất nguy hiểm cho chúng. Bị cáo đã tình nguyện chỉ cho cảnh sát vị trí của khẩu súng, và Tòa quyết định hoàn toàn có thể sử dụng lời khai và chứng cứ nói trên để chống lại bị cáo vì cảnh sát không thẩm vấn anh ta. Ngược lại, trong vụ Brewer kiện Williams (1977) – là vụ án điển hình liên quan tới nội dung thẩm vấn vì mục đích của quyền được hỏi ý kiến luật sư theo Tu chính án thứ 6 Williams bị bắt vì tội giết người. Khi đi từ Davenport tới Des Moines bằng xe cảnh sát, một cảnh sát đã nói rằng do thời tiết ngày càng xấu nên rất khó tìm thấy thi thể nạn nhân để “chôn cất cô bé theo nghi lễ của đạo Cơ đốc”. Sau đó, Williams đã dẫn cảnh sát tới chỗ thi thể. Nhưng trong vụ này Tòa lại cho rằng, việc thẩm vấn đã xảy ra bởi lời nói của viên cảnh sát là nhằm trực tiếp vào Williams – người mà ai cũng biết là rất sùng đạo.
Điều gì xảy ra nếu cảnh sát vi phạm quyền của bị cáo?
Các biện pháp bảo hộ của Hiến pháp được quy định trong Tu chính án thứ 4, thứ 5 và thứ 6 không phải tự nhiên mà có thể thi hành. Ví dụ, Tu chính án thứ 4 cấm khám xét và bắt giữ bất hợp lý nhưng nó lại không cho ta biết nếu việc khám xét bất hợp lý xảy ra thì hậu quả sẽ như thế nào. Hầu hết các ý kiến tranh luận về quyết định của Tòa Tối cao trong vấn đề này đều bàn về biện pháp chế tài đối với những vi phạm các quyền hợp hiến đó. Bắt đầu từ vụ Weeks kiện Hoa Kỳ (1914), Tòa đã xây dựng quy tắc loại trừ nêu rõ rằng chứng cứ thu thập được nếu vi phạm Hiến pháp sẽ không được sử dụng để chống lại bị cáo bởi vì quyền của bị cáo đó đã bị vi phạm. Nếu cảnh sát tìm thấy chứng cứ buộc tội trong quá trình khám xét bất hợp pháp hoặc nếu bị cáo thú tội khi quyền tố tụng Miranda của bị cáo bị vi phạm thì chứng cứ đó hoặc lời thú tội đó sẽ không được sử dụng để kết án bị cáo.
Quy tắc loại trừ này bị nhiều ý kiến chỉ trích om sòm, vì nó có vẻ làm tổn hại tới các mục tiêu thi hành án. Thẩm phán Cardozo đã viết, có hợp lý không khi “tội phạm được tự do vì cảnh sát đã mắc sai lầm”? Quy tắc loại trừ này có lợi cho người có tội vì nó đặt vào tay họ khả năng loại trừ những chứng cứ về tội lỗi của chính họ thông qua sự khẳng định các quyền theo Hiến pháp. Trong chừng mực làm cho chứng cứ phạm tội không được chấp nhận tại tòa, có nghĩa là đã làm hỏng mục đích tìm sự thật và trừng phạt tội phạm.
Có một số lý do ẩn sau quy tắc loại trừ này. Nếu tòa cho phép sử dụng các chứng cứ được thu thập trái phép, thì trên thực tế, tòa chấp nhận những hành vi không hợp hiến của cảnh sát. Như thẩm phán Clark đã viết trong vụ Mapp kiện Ohio (1961), đáp lại cách nói trào phúng của Cardozo, “Tội phạm sẽ tự do nếu anh ta phải thế, nhưng chính luật pháp đã giúp anh ta tự do. Không gì có thể hủy hoại một chính phủ nhanh hơn sự thất bại của chính phủ đó khi thực thi luật pháp của chính mình”. Trong vụ Mapp, là vụ án có tính khơi mào cho việc áp dụng bắt buộc quy tắc này trong truy tố hình sự ở cấp tiểu bang, Tòa còn bổ sung thêm lý do khiến cho quy tắc này có tác động ngăn ngừa, từ đó đến nay, lý do này ngày càng được đề cao. Chính quy tắc này có tác dụng ngăn không cho cảnh sát tiến hành các vụ khám xét trái phép hoặc lấy lời thú tội bất hợp pháp vì làm thế sẽ chẳng có ích gì do không thể sử dụng các chứng cứ thu được bằng cách này để kết án bị cáo.
Kể từ vụ Mapp, các ý kiến tranh cãi về quy tắc loại trừ chuyển sang tập trung vào tác dụng ngăn ngừa của nó. Quy tắc này có tác dụng ngăn ngừa đáng kể hay không và liệu so với chi phí thi hành án, thì cái giá của việc ngăn ngừa không cho các cảnh sát thực hiện những hành vi không hợp hiến có lớn hơn không? Những người ủng hộ quy tắc này chỉ ra rằng, nhờ tác dụng ngăn ngừa, quy tắc dường như thiên vị đối với người có tội này thực ra lại bảo vệ người vô tội. Nó có ý nghĩa nhiều hơn một biện pháp bảo vệ trước hành động trái luật của cảnh sát trong vụ án cụ thể. Nó cũng có tác dụng như lời cảnh báo tới tất cả các cảnh sát và khuyến khích các sở cảnh sát phải tăng cường hoạt động đào tạo và giám sát; kết quả là quyền lợi theo Hiến pháp của tất cả chúng ta sẽ ít bị xâm phạm hơn. Cái giá của sự ngăn chặn này không phải là quá lớn.
Tuy nhiên, những người chỉ trích lại cho rằng quy tắc này phần lớn là không cần thiết. Tương tự như lời cảnh báo Miranda, việc loại trừ các chứng cứ được thu thập trái phép có thể là biện pháp phòng ngừa hiệu quả ở cái thời mà cảnh sát có thái độ làm việc lạm quyền, nhưng ngày nay mối quan tâm lớn hơn là trấn áp tội phạm. Việc loại trừ chứng cứ như vậy có thể làm lợi cho tội phạm nhưng lại làm tổn hại tới quá trình thi hành án. Nếu cảnh sát có hành vi trái pháp luật, có thể xử lý họ bằng các cách khác, chẳng hạn áp dụng các chế tài dân sự hoặc kiện cảnh sát vì vi phạm dân quyền. Quyền hợp hiến của cả người vô tội và người có tội đều được bảo vệ; họ có thể khởi kiện dân sự cảnh sát hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại vì khám xét bất hợp pháp.
Nhưng các tác giả của quy tắc này lại đặt câu hỏi, liệu biện pháp khắc phục đó có hiệu quả hay không? Với những vi phạm bình thường các quyền theo Hiến pháp, nạn nhân có rất ít động lực để thưa kiện; ví dụ, dù cảnh sát có tiến hành chặn xe ngẫu nhiên và khám xét xe trái phép thì sự bất tiện, khó chịu và bực mình trước việc làm này cũng rất lớn, nhưng thiệt hại lại không đáng để họ phải lao vào thủ tục kiện cáo kéo dài. Những vi phạm nghiêm trọng về quyền có thể giúp đưa ra chứng cứ phạm tội, về lý thuyết, sẽ gây ra thiệt hại lớn hơn, nhưng lại rất khó diễn giải giả thiết này sang thực tế. Bồi thẩm đoàn sẽ rất không có thiện cảm với một tội phạm, dù đã bị kết án nhưng vẫn khởi kiện dân sự đối với một sĩ quan cảnh sát để đòi bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng.
Mâu thuẫn này về quy tắc loại trừ cũng thể hiện trong quyết định của tòa án. Có thể kể đến một diễn tiến trong học thuyết “quả của cây độc”, bắt nguồn từ vụ Công ty gỗ Silverthrone kiện Hoa Kỳ (1920). Các đặc vụ liên bang đã tịch thu bất hợp pháp các văn bản có tính quy tội từ bị cáo. Sau khi tòa yêu cầu trả lại các văn bản này, công tố viên đã xin Đại bồi thẩm đoàn gửi trát hầu tòa cho bị cáo để bị cáo phải nộp lại chính các văn bản đó. Sau này, thẩm phán Felix Frankfurter đã dùng hình tượng “quả của cây độc” để nói về kết quả của việc khám xét bất hợp pháp không được chấp nhận làm bằng chứng. Học thuyết này đã mở rộng quy tắc loại trừ bằng cách ngăn không cho cảnh sát khám xét bất hợp pháp với kì vọng tạo ra đầu mối dẫn tới chứng cứ mà sau này có thể được thu thập một cách hợp pháp. Nhưng Tòa cũng giới hạn học thuyết này: khi mối liên kết giữa “quả” và hành động bất hợp pháp đầu tiên yếu đi, khi hiểu biết về “quả” xuất phát từ một nguồn độc lập, hoặc khi nó chắc chắn được khám phá ra khi không có hoạt động bất hợp pháp, thì nó có thể được chấp nhận.
Diễn tiến thứ hai liên quan tới thủ tục áp dụng quy tắc loại trừ. Rõ ràng, quy tắc này ngăn cấm bên công tố sử dụng chứng cứ được thu thập trái phép như một phần của vụ án trước tòa. Để đạt được tác dụng ngăn ngừa tối đa, lẽ ra cần phải cấm cảnh sát sử dụng các chứng cứ này. Nhưng điều đó không xảy ra. Thay vào đó, Tòa cân bằng tác động ngăn chặn có tính tăng dần của việc loại trừ chứng cứ bất hợp pháp trong các bối cảnh ngoài phiên tòa với cái giá của mục đích tìm sự thật và kết án tội phạm. Theo đó, Tòa quyết định rằng, chứng cứ bất hợp pháp có thể được sử dụng làm cơ sở cho bản cáo trạng của Đại bồi thẩm đoàn để nghi ngờ lời khai của bị cáo trước tòa, trong phiên điều trần kết án, trong thủ tục đình quyền giam giữ tù nhân để phản đối việc kết án, và trong thủ tục mà IRS tiến hành để thu thuế đối với khoản tiền bất hợp pháp.
Diễn tiến thứ ba và cũng là quan trọng nhất là ngoại lệ ngay tình của quy tắc loại trừ. Mục đích chủ yếu của quy tắc này là ngăn ngừa các hành vi không hợp hiến của cảnh sát, và tòa đã kết luận rằng quy tắc này không thể có hiệu lực khi cảnh sát không cố tình vi phạm các quyền của bị cáo mà Hiến pháp quy định. Nếu họ tiến hành việc khám xét bất hợp pháp một cách ngay tình vì cho rằng hành động của họ được Hiến pháp cho phép, thì quy trình tố tụng hình sự không thể phủ nhận lợi ích của việc sử dụng những chứng cứ này, ngay cả khi nó được thu thập trái phép. Giả sử khi sĩ quan cảnh sát chặn một tài xế vi phạm giao thông, thiết bị máy tính trên xe tuần tra của anh ta cho thấy đang có lệnh bắt tài xế này. Viên sĩ quan bắt tài xế, khám người và xe, và phát hiện ra ma túy cùng súng ngắn. Trên thực tế, lệnh bắt đã bị hủy bỏ nhưng do sao nhãng khi nhập thông tin vào hệ thống máy tính, thông tin đó không hiện ra trên thiết bị máy tính. Ma túy và súng là kết quả của việc khám xét bất hợp pháp vì việc khám xét này không gắn với lệnh bắt còn hiệu lực, nhưng tòa quyết định không loại trừ các chứng cứ này vì viên sĩ quan đã hành động ngay tình dựa trên hệ thống máy tính.
Ngoại lệ ngay tình là cú đột phá đáng kể đối với quy tắc loại trừ. Nó cho cảnh sát ít động lực hơn để làm việc thận trọng trong trường hợp họ có lệnh, nó còn cho quan tòa ít động lực để xem xét kĩ lưỡng cơ sở của lệnh đó; trong cả hai trường hợp, sai sót đều được biện minh bằng sự ngay tình của viên sĩ quan khi thi hành lệnh. Trong những vụ án liên quan tới việc khám xét không có lệnh, ngoại lệ này còn ăn mòn quy tắc này hơn; ngoại lệ ngay tình khuyến khích cảnh sát mắc lỗi ngoài việc xâm phạm quyền theo Hiến pháp vì nó cho phép sử dụng chứng cứ được thu thập trái phép khi vi phạm vowis lys do ngay tình. Tòa kết luận, lợi ích của quy tắc loại trừ trong việc ngăn ngừa hành vi không đúng của cảnh sát là rất nhỏ khi sai sót của họ bắt nguồn từ lý do ngay tình và chỉ do sao lãng chứ không phải cố ý; rằng lợi ích nhỏ này không thể so sánh với cái giá của việc thả tự do cho tội phạm. (Vụ Herring kiện Hoa Kỳ, 2009).
Thỏa thuận nhận tội là gì?
Các chương trình ti vi đã mô tả nhiều phiên tòa, với cuộc chiến gay gắt giữa cơ quan công tố và luật sư bào chữa, như đặc điểm trung tâm của quy trình tố tụng hình sự. Nhưng trên thực tế, có 90% đến 95% các vụ án hình sự đã được giải quyết mà không phải ra tòa vì bị cáo đã nhận tội, thường là thông qua thỏa thuận nhận tội. Thỏa thuận nhận tội là sự thỏa thuận thể hiện sự nhất trí giữa bị cáo (thông qua luật sư bào chữa) và bên công tố rằng bị cáo sẽ nhận tội, đổi lại bên công tố sẽ giảm mức độ nghiêm trọng của cáo buộc đối với bị cáo, bỏ một số cáo buộc sắp tới chống lại bị cáo, không đưa ra các cáo buộc khác hoặc giúp bị cáo giành được bản án khoan dung.
Giả sử Sara bị bắt trong một vụ khám xét ma túy mà cô bị phát hiện tàng trữ 10 túi côcain và một khẩu súng ngắn chưa đăng kí. Khi cô bỏ trốn khỏi nơi bị khám xét, cô đã ẩu đả với một sĩ quan cảnh sát. Bên công tố cáo buộc Sara tội tàng trữ ma túy để phân phối (do số lượng ma túy có liên quan), tàng trữ súng ngắn bất hợp pháp, chống việc bắt giữ, hành hung có tính nghiêm trọng và xả rác bừa bãi vì cô đã ném một túi côcain ra phố. Đây là công việc điển hình mà bên công tố thường làm; bên công tố không phải chịu gánh nặng lớn hơn khi đưa ra mọi cáo buộc có thể hình dung được, và nó nâng cao vị thế của họ khi đàm phán thỏa thuận nhận tội. Xét tới khả năng bị kết án, luật sư của Sara đã thương lượng về thỏa thuận nhận tội. Để đổi lại việc cô đồng ý nhận tội, bên công tố phải đồng ý giảm cáo buộc phân phối côcain xuống việc tàng trữ bình thường, bỏ cáo buộc về tàng trữ vũ khí, hành hung và xả rác bừa bãi, và đề xuất với thẩm phán đưa cô vào một chương trình điều trị ma túy thay vì đưa cô vào tù. Ngoài ra, dù bên công tố có chứng cứ cho thấy Sara có liên quan tới các giao dịch khác về ma túy nhưng họ sẽ không đưa ra bất cứ cáo buộc nào nữa về vấn đề này.
Từ giả định đơn giản này, ta có thể thấy tại sao thỏa thuận nhận tội lại là phần quan trọng đến vậy trong hệ thống. Với bên công tố, vụ án của Sara là bình thường và họ có quá nhiều vụ án thế này để có thể đưa tất cả ra tòa ngay khi có thể, các thẩm phán cũng không thể xét xử hết tất cả các vụ án này khi chúng được trình lên; với ngân sách khiêm tốn của mình, các tòa thường gặp phải tình trạng ùn đống các vụ án. Ngoài ra, dù vụ án của Sara có vẻ đã rõ ràng nhưng không vụ án nào là chắc chắn. Vì thế, thỏa thuận nhận tội là cách giải quyết hiệu quả và chắc chắn nhất của bên công tố đối với vụ án của cô. Có thể Sara cũng sẵn sàng tiết lộ người cung cấp ma túy cho cô để đổi lại thỏa thuận nhận tội, nên bên công tố có thể giảm nhẹ các cáo buộc đối với Sara để có thể kết án một tội phạm nguy hiểm hơn.
Thỏa thuận nhận tội cũng có lợi cho Sara. Toàn bộ cáo buộc mà bên công tố đưa ra có nguy cơ mang lại cho cô một án tù dài nếu cô bị kết án. Bất kể cô nghĩ mình có cơ hội tốt đến đâu trong phiên tòa (với nhiều bị cáo, cơ hội này không tốt lắm), thì nếu thua, cô sẽ đối mặt với án phạt nặng. Tùy vào cáo buộc và tiền sử phạm tội, việc giảm cáo buộc có thể rất quan trọng với cô; nếu cô từng phạm tội, lần thứ ba bị kết trọng tội có thể đẩy cô vào bản án bắt buộc theo luật “bất quá tam” mà cô có thể tránh được nhờ nhận tội nhẹ. Nếu có thể xin bảo lãnh, cô không cần ở trong tù mấy tháng để chờ phiên tòa. Và cô sẽ giảm được đáng kể sự phiền nhiễu và khó chịu khi phải trải qua quy trình tố tụng hình sự.
Trong một số vụ án, thường liên quan tới tội phạm trong giới thương mại, để hoàn thành phần mình trong thỏa thuận nhận tội, bị cáo thậm chí không cần khai nhận tội. Thay vào đó, bị cáo có thể thỏa thuận không tranh cãi hoặc không chối tội. Đây là một tuyên bố của bị cáo, rằng, người này sẽ không tranh cãi về các cáo buộc được đưa ra đối với mình nhưng cũng không thừa nhận là mình có tội. Thỏa thuận này có vai trò giống như lời khai nhận tội trong vụ án của bị cáo nói trên; tòa sẽ coi nó như một lời khai nhận tội và đưa ra bản án tương ứng. Nhưng nó lại tạo ra sự khác biệt quan trọng trong các thủ tục tố tụng sau đó. Khác với lời khai nhận tội, thỏa thuận không tranh cãi không được sử dụng để chống lại bị cáo trong tố tụng dân sự. Ví dụ, khi một công ty bị chính phủ truy tố trách nhiệm hình sự vì hành vi vi phạm luật chống độc quyền, công ty đó có thể thỏa thuận không tranh cãi để sau này không phải chịu trách nhiệm dân sự trong các vụ kiện dân sự do các công ty hoặc người tiêu dùng mà nó gây tổn hại khởi kiện.
Thỏa thuận nhận tội thường được coi là giải pháp cho các tòa án bị quá tải và tình trạng trì hoãn kéo dài trong quy trình tố tụng hình sự; các công tố viên thường phải xử lý một khối lượng vụ án rất lớn, bị cáo thì không muốn chờ phiên tòa, còn thẩm phán sẵn sàng đưa vụ án ra khỏi hệ thống. Thỏa thuận nhận tội đã và đang là đặc điểm nổi bật của hệ thống tư pháp hình sự trong ít nhất một thế kỉ, và nó phổ biến ở khắp nơi từ các thị trấn nhỏ, vùng nông thôn tới các tòa án ở các đô thị đông đúc.
Nhưng có điểm không thích đáng đối với việc thỏa thuận nhận tội – một đặc điểm trung tâm của hệ thống tư pháp hình sự. Chẳng phải việc giành lại công lý luôn được cho là khác với việc mặc cả giá của một chiếc xe đã qua sử dụng đó sao? Toàn bộ quy trình này sinh ra sự coi thường luật pháp và gây ra những hậu quả rất thực tế. Những người chỉ trích cho rằng thỏa thuận nhận tội tạo ra kết quả không công bằng, những kết quả mà lúc thì quá khoan dung, lúc thì quá nghiêm khắc. Người bị hại và những người cổ xúy cho chính sách kiểm soát tội phạm phàn nàn rằng thỏa thuận nhận tội buông tha tội phạm quá dễ dàng; bị cáo được giảm hình phạt không phải vì họ thể hiện sự ân hận và nhận trách nhiệm cho hành vi của mình mà vì họ đang giúp cho hệ thống. Trong khi đó, thỏa thuận nhận tội gây áp lực phải khai nhận tội cho những bị cáo vô tội hoặc ít nhất là không đáng bị kết án về những cáo buộc chống lại họ. Làm thế đồng nghĩa với việc được thoát khỏi vòng lao lý nhanh hơn, được hưởng hình phạt nhẹ hơn vì thẩm phán thường kết án nghiêm hơn những bị cáo khăng khăng đòi quyền xét xử, đồng thời tránh được nguy cơ chịu kết quả tệ hơn trong phiên tòa. Và vì thỏa thuận nhận tội là thủ tục ít được biết đến nên nó làm mất đi khả năng giám sát của tòa đối với hành vi của cảnh sát và công tố viên.
Cũng có những ý kiến ủng hộ thủ tục thỏa thuận nhận tội. Những người này lập luận rằng hầu hết bị cáo đều có tội, nếu không phải có tội với mọi cáo buộc mà họ gặp phải thì ít nhất cũng có tội gì đó. Thỏa thuận nhận tội đảm bảo rằng người có tội sẽ bị trừng phạt, và nó cho phép những người biết nhiều nhất về vụ án – công tố viên và luật sư bào chữa – thống nhất về sự trừng phạt thích đáng sau khi xem xét tất cả các biến số có liên quan. Nhất là khi việc kết án bắt buộc ngày càng trở nên phổ biến thì thỏa thuận nhận tội duy trì yếu tố cần thiết của quyền tùy nghi quyết định trong việc đưa ra sự trừng phạt phù hợp với tội phạm. Và xét về thực tế, hệ thống sẽ bị đình trệ nếu tất cả các vụ án đều được đưa ra xét xử.
Dù có tranh luận thế nào về thỏa thuận nhận tội thì có vẻ nó ra đời là có lý do. Tòa Tối cao không chỉ phê chuẩn hệ thống này mà còn ủng hộ nó (trong vụ Santobello kiện New York, 1971):
Giải quyết các cáo buộc hình sự bằng thỏa thuận giữa công tố viên và bị cáo, đôi lúc được gọi một cách lỏng lẻo là “thỏa thuận nhận tội”, là một thành tố cần thiết của việc thực thi công lý. Nếu được quản lý đúng đắn, nó cần được khuyến khích.
Hiến pháp điều chỉnh thỏa thuận nhận tội ở một chừng mực hạn chế. Đầu tiên, Tu chính án thứ 6 đảm bảo quyền được luật sư đại diện. Quyền này cũng áp dụng trong giai đoạn thỏa thuận nhận tội tại phiên xét xử. Trừ phi bị cáo từ bỏ quyền này, còn thì bị cáo được phép có luật sư đứng ra thỏa thuận cho mình và phải sẽ được luật sư bào chữa miễn phí nếu không có tiền thuê luật sư riêng.
Thứ hai, dù không thể ép bị cáo khai nhận tội nhưng với những chiến thuật riêng mà chỉ các luật sư yêu thích bị cáo có thể bị thuyết phục. Dĩ nhiên, thuyết phục là chìa khóa để tiến hành thỏa thuận nhận tội, nhưng câu hỏi là liệu sau đó thuyết phục có biến thành ép buộc. Về cơ bản, chỉ cần bị cáo có sự lựa chọn giữa các phương án, dù chúng khó chịu đến đâu, thì bị cáo cũng không bị ép nhận tội. Ví dụ, trong vụ án giả mạo séc, khi công tố viên đe dọa sẽ truy tố bị cáo theo luật hình sự thông thường và kết quả sẽ là án tù chung thân, nhưng thay vào đó, họ đề xuất bản án 5 năm để đổi lấy thỏa thuận nhận tội thì luật sư sẽ coi như bị cáo bị thuyết phục chứ không phải bị ép buộc.
Thứ ba, bị cáo phải hiểu và tự nguyện khai nhận. Điều này không có nghĩa là bị cáo phải đưa ra sự lựa chọn đúng đắn mà bị cáo phải được thông báo về cơ sở và hậu quả của sự lựa chọn mà mình chấp nhận, bao gồm các cáo buộc chống lại bị cáo và các quyền mà bị cáo đang từ bỏ. Thông thường, yêu cầu “hiểu và tự nguyện” coi như được thực hiện khi thẩm phán và bị cáo tham gia cuộc hội đàm có kịch bản, có tính công thức và thường là phi thực tế, trong đó thẩm phán hỏi bị cáo có hiểu chuyện gì đang diễn ra hay không, và bị cáo trả lời ngắn gọn, quả quyết.
Thứ tư, chắc chắc lời khai nhận tội của bị cáo phải có cơ sở thực tế nhưng kì lạ là bị cáo không nhất thiết phải có tội trên thực tế để tòa chấp nhận lời khai nhận tội của bị cáo. Trong vụ Alford kiện Bắc Carolina (1970), Alford đã thực hiện thỏa thuận nhận tội, trong đó anh nhận tội giết người cấp độ 2 để tránh án tử hình có thể xảy ra. Nhưng, tại phiên luận tội, anh ta lại khai rằng anh ta không có tội và anh ta khai nhận tội chỉ để thoát án tử hình. Tuy nhiên, do có chứng cứ ủng hộ việc buộc tội nên có thể cho phép anh ta khai nhận tội dù anh ta phủ nhận tội lỗi của mình.
Cuối cùng, thỏa thuận là thỏa thuận, ít nhất phần nào là thế. Bên công tố và bị cáo đều phải tuân theo thỏa thuận mà họ đưa ra. Nếu bên công tố đã đề xuất một bản án nhất định để đổi lấy thỏa thuận nhận tội thì bên công tố phải làm theo đề xuất đó. Tương tự, nếu bị cáo đã hứa điều gì đó ngoài lời khai nhận tội – chẳng hạn như đứng ra làm chứng chống lại đồng bị cáo – thì bị cáo phải giữ lời. Trừ phi có tham gia đàm phán thỏa thuận nhận tội, còn nếu không, thẩm phán không có nghĩa vụ phải thực hiện những nội dung mà công tố viên đã đàm phán hoặc thương lượng trong quá trình thỏa thuận nhận tội. Dù vậy trong nhiều trường hợp, trừ phi và cho đến khi thẩm phán chấp nhận lời khai nhận tội, thì bị cáo vẫn được phép rút lại lời khai nhận tội của mình và ra tòa.
Ta có bồi thẩm đoàn hay không?
Bồi thẩm đoàn là đặc điểm rất khác biệt trong quy trình tố tụng hình sự ở các nước thông luật. Nhớ lại cuộc khảo sát về quy trình tố tụng hình sự được thực hiện trước đây, bồi thẩm đoàn có hai loại. Đại bồi thẩm đoàn kết án hoặc đưa ra cáo buộc chống lại bị cáo. Còn bồi thẩm đoàn xét xử hay tiểu bồi thẩm đoàn sẽ luận tội tại phiên xét xử. (Đại bồi thẩm đoàn kết án là lớn còn tiểu bồi thẩm đoàn xét xử là nhỏ theo nghĩa tiếng Pháp của từ “petit” trong từ “petit jury” – xét theo quy mô của nó. Trước đây, đại bồi thẩm đoàn có 23 thành viên còn tiểu bồi thẩm đoàn chỉ có 12 thành viên).
Bồi thẩm đoàn là cơ quan quyết định trong phiên tòa hình sự của luật pháp Anh suốt 800 năm và của luật pháp Mỹ từ khi mới thành lập. Bồi thẩm đoàn có ý nghĩa quan trọng trong thời thực dân, với chức năng là người bảo vệ tự do cho giới thực dân trước sự áp đặt của thẩm phán hoàng gia. Tòa Tối cao mô tả chức năng lịch sử của bồi thẩm đoàn trong vụ Duncan kiện Louisiana (1968) như sau:
Những người viết nên Hiến pháp của chúng ta đã đúc rút từ lịch sử và kinh nghiệm ra rằng cần thiết phải có sự bảo vệ trước các cáo buộc hình sự vô căn cứ được đưa để loại bỏ kẻ thù và trước những thẩm phán bị điều khiển quá dễ bởi tiếng nói của quyền lực cấp trên... Việc trao cho bị cáo quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn gồm những người ngang hàng với anh ta mang lại cho bị cáo sự bảo vệ vô giá trước công tố viên tham nhũng hoặc quá tích cực và trước thẩm phán dễ dãi, có thành kiến hoặc lập dị… Ngoài ra, điều khoản việc xét xử bởi bồi thẩm đoàn trong Hiến pháp Liên bang và tiểu bang đều phản ánh quyết định căn bản việc thực thi quyền lực của chính quyền – sự miễn cưỡng giao quyền lực tuyệt đối để quyết định mạng sống và tự do của công dân vào một thẩm phán hoặc một nhóm thẩm phán. Nỗi lo sợ rằng quyền lực không được kiểm tra, một điều rất phổ biến trong chính phủ của bang và Liên bang chúng ta ngay cả trong những khía cạnh khác, đã thể hiện trong luật hình sự bằng cách khẳng định sự tham gia của cộng đồng vào quá trình luận tội.
Gần đây hơn, bồi thẩm đoàn đã bị công kích. Người ta chỉ trích vì bồi thẩm đoàn đã và đang hoàn thành chức năng lịch sử của mình, mà, theo những người chỉ trích, các chức năng đó không còn phù hợp với thế giới hiện đại. Bồi thẩm đoàn mang quá nhiều tình cảm ủy mị từ cộng đồng vào phòng xử án. Theo quan niệm này, vai trò của bồi thẩm đoàn không phải là bảo vệ tự do của bị cáo mà chỉ đơn thuần là phát hiện tình tiết một cách phù hợp và khách quan, một nhiệm vụ mà họ được trang bị kém hơn thẩm phán chuyên nghiệp. Những người chỉ trích còn chỉ ra một mâu thuẫn cố hữu trong vai trò của bồi thẩm đoàn. Bồi thẩm đoàn là người tìm ra sự thật quan trọng nhất và vì thế, họ phải trung lập, vô tư và khách quan. Trong khi đó, bồi thẩm đoàn là lương tâm của cộng đồng trong phòng xử án. Khi kết hợp quan điểm của cộng đồng, bồi thẩm đoàn có thể làm việc khác thay vì đơn thuần quyết định các tình tiết và áp dụng luật một cách trung lập.
Một ví dụ tiêu biểu cho mâu thuẫn này được thể hiện trong cuộc tranh luận về việc hủy bỏ bồi thẩm đoàn. Tại phiên xét xử, thẩm phán hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn về các luật có liên quan, còn bồi thẩm đoàn quyết định các tình tiết của vụ án và áp dụng luật mà họ được truyền đạt vào các tình tiết đó. Nhưng vì quyết định tha bổng của bồi thẩm đoàn là không thể xem xét lại vì mọi lý do thực tế, nên bồi thẩm đoàn có thể, nếu họ lựa chọn làm thế, từ chối áp dụng luật này và tuyên trắng án cho bị cáo hoặc kết án với ít cáo buộc hơn, bất chấp hướng dẫn của thẩm phán. Nếu bồi thẩm đoàn nhận thấy luật đó không công bằng, quá nghiêm khắc hoặc không phù hợp với các giá trị của cộng đồng, họ có thể hủy bỏ luật đó bằng cách này. Như một tòa án đã nêu, bồi thẩm đoàn có thể đóng vai trò như một “van an toàn” cho các vụ án đặc biệt chứ không phải là “mèo hoang hoặc cơ quan chạy trốn”. (Như trong vụ Thomas kiện Hoa Kỳ, 1996).
Đối với những chỉ trích dành cho bồi thẩm đoàn, chứng cứ khoa học xã hội cho thấy trong hầu hết các vụ án, họ thường làm tốt công việc hoặc ít nhất là làm tốt như thẩm phán. Trong đa số vụ án, khi được hỏi về bản cáo trạng mà họ quyết định, các thẩm phán thường đưa kết luận giống với bồi thẩm đoàn. Trong những vụ án mà quyết định giữa hai bên có sự khác biệt, thẩm phán thường là người kết án, một phần vì họ có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với hệ thống tư pháp hình sự khiến họ kết luận rằng hầu hết bị cáo trên thực tế đều có tội. Còn bồi thẩm đoàn thường xem xét các yếu tố như lý lịch xuất thân tốt của bị cáo, sự cần thiết phải cân nhắc điểm yếu của con người trong các vấn đề như tự vệ và nhân cách của nạn nhân.
Một số đặc điểm của hệ thống bồi thẩm đoàn vẫn giữ nguyên dù một số khác đã thay đổi theo thời gian. Hai đặc điểm ổn định là tính sẵn sàng của nó đối với bị cáo trong mọi vụ án nghiêm trọng và tính chung thẩm. Ít nhất, trong trường hợp bị cáo có thể bị phạt 6 tháng tù hoặc nặng hơn, bị cáo sẽ được áp dụng phương án xét xử của bồi thẩm đoàn. Nguồn gốc tạo nên quyền lực to lớn của bồi thẩm đoàn là tính chung thẩm của nó. Trong án dân sự, một trong hai bên có thể kháng cáo. Còn trong án hình sự, bị cáo có thể kháng cáo vì có sai lầm trong phiên tòa, nhưng nếu bị cáo được tha bổng, công tố không thể kháng cáo quyết định này. Hai đặc điểm hay thay đổi của bồi thẩm đoàn là quy mô và yêu cầu về quyết định. Trước kia, bồi thẩm đoàn gồm 12 người và bắt buộc phải đi đến phán quyết thống nhất. Tòa Tối cao quyết định rằng không đặc điểm nào trong các đặc điểm này là do Hiến pháp yêu cầu. Mỗi bang, như một số bang đã lựa chọn, có thể cho phép bồi thẩm đoàn trong một vụ án hình sự gồm 6 người, ít nhất là trong vụ án hình sự không áp dụng án tử hình, và cho phép bồi thẩm đoàn quyết định vụ án mà không cần phải có phán quyết thống nhất, dù không thể áp dụng cả hai điều này trong cùng một vụ án. Tòa đã quyết định, việc chấp nhận một phán quyết không thống nhất của bồi thẩm đoàn gồm 6 thành viên là trái với Hiến pháp.
Vì mục đích lịch sử của bồi thẩm đoàn là đưa yếu tố tham gia của cộng đồng vào quy trình tố tụng hình sự và ngăn chặn lạm dụng bằng cách sử dụng một người ra quyết định khách quan, nên bồi thẩm đoàn cần phải là đại diện của cộng đồng nói chung và phải vô tư. Bồi thẩm đoàn được lựa chọn thông qua một quy trình, bắt đầu bằng việc lên một danh sách dài các bồi thẩm viên tiềm năng. Tùy thuộc vào thông lệ ở từng nơi, danh sách này có thể được lập dựa trên danh sách cử tri, danh bạ điện thoại, hồ sơ thuế vụ hoặc hồ sơ lái xe. Các biểu mẫu sẽ được gửi cho những người trong danh sách, hoặc là để đảm bảo điều kiện thích hợp cho vai trò của bồi thẩm đoàn (ví dụ, loại trừ những người không thể nói tiếng Anh hoặc những người làm việc trong các ngành nghề quan trọng như bác sĩ hoặc lính cứu hỏa) hoặc để triệu tập các thành viên trong danh sách tới làm việc. Các bồi thẩm viên tiềm năng cần thiết sẽ được triệu tập trong một ngày hoặc một tuần để tạo ra danh sách ứng viên bồi thẩm đoàn hoặc một ban mà cuối cùng sẽ chọn ra bồi thẩm đoàn.
Vì không phải mọi bồi thẩm đoàn đều có tính tiêu biểu nên việc kiểm tra tính tiêu biểu được áp dụng cho cả danh sách bồi thẩm đoàn. Tu chính án thứ 6 đảm bảo quyền đại diện công bằng cho các bộ phận tiêu biểu của bồi thẩm viên tiềm năng. Không có nhóm dân quan trọng và riêng biệt trong quận bị loại bỏ khỏi danh sách một cách có hệ thống mà không có lý do chính đáng. Theo yêu cầu này, các quy tắc gây ra tình trạng mất cân đối có hệ thống về chủng tộc, nhóm dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ đều bị mất hiệu lực.
Tính vô tư là đặc điểm của một bồi thẩm đoàn cụ thể nhiều hơn là của cả danh sách bồi thẩm đoàn. Tính vô tư là yêu cầu của hệ thống tư pháp hình sự cũng như quyền của bị cáo, nhưng cách thức theo đuổi tính vô tư thường cho phép bên công tố và bên bào chữa cố gắng giành lấy điều mà mỗi bên mong muốn: một bồi thẩm đoàn vô tư và nghiêng về ủng hộ cho lập luận của bên họ. Sau khi ban bồi thẩm viên tiềm năng được chọn ra, thủ tục lựa chọn bồi thẩm viên sẽ được tiến hành. Các bồi thẩm viên sẽ được đặt câu hỏi về hiểu biết của họ đối với các bên, các luật sư, hoặc các tình tiết của vụ án và về bất cứ yếu tố lý lịch, kinh nghiệm hoặc khuynh hướng nào mà có thể khiến họ thiếu vô tư. Trong một số thẩm quyền xét xử, thẩm phán sẽ trực tiếp đặt câu hỏi cho bồi thẩm viên ở khâu này; còn ở nơi khác, luật sư của mỗi bên sẽ đặt câu hỏi dưới sự giám sát của thẩm phán. Trong trường hợp luật sư tiến hành lựa chọn bồi thẩm viên, họ sẽ tận dụng cơ hội này để bắt đầu thuyết phục bồi thẩm viên, thông qua việc đặt câu hỏi một cách nghệ thuật để xây dựng lòng tin, đồng thời báo hiệu về vụ án sắp tới. Trong vụ án thông thường, việc lựa chọn bồi thẩm viên tập trung vào các tình tiết của vụ án cụ thể và có thể hoàn tất nhanh chóng. Còn trong các vụ án đặc biệt, việc lựa chọn bồi thẩm viên có thể mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, vì luật sư sẽ còn thăm dò sắc thái niềm tin của bồi thẩm viên. Điều này đặc biệt đúng ở các vụ án lớn, trong đó luật sư thuê cố vấn thẩm đoàn, chuyên gia tâm lý hoặc các chuyên gia khác về bồi thẩm đoàn để phân tích các ứng cử viên, mô tả bồi thẩm viên kiểu mẫu, gợi ý các câu hỏi cần đặt ra và đánh giá phản ứng, thậm chí ngôn ngữ cơ thể của bồi thẩm viên.
Kết quả của việc lựa chọn bồi thẩm viên là bên công tố và luật sư bào chữa có thể thử thách năng lực bồi thẩm viên và loại họ ra khỏi bồi thẩm đoàn. Một số thử thách được đưa ra là có lý do, để luật sư thuyết phục thẩm phán rằng có cơ sở thực tế cho thấy một trong số các ứng viên bồi thẩm đoàn không thể hành xử vô tư (ví dụ, dựa trên các thông tin được công khai trước khi xét xử, vị bồi thẩm viên này đã kết luận rằng bị cáo có tội). Mỗi bên cũng có một số đặc quyền bãi miễn bồi thẩm viên, cho phép loại bỏ bồi thẩm viên mà không cần đưa ra lý do. Tuy nhiên, công tố viên có thể không thực hiện đặc quyền này vì lý do bị cấm như trong vụ án liên quan tới bị cáo người Mỹ gốc Phi, khi công tố viên loại bỏ một cách có hệ thống toàn bộ những người Mỹ gốc Phi ra khỏi bồi thẩm đoàn.
Thủ tục lựa chọn bồi thẩm viên mang sắc thái riêng biệt trong những vụ án có thể áp dụng án tử hình. Tòa Tối cao quyết định rằng, nếu tất cả những người “trong thâm tâm có tư tưởng chống lại án tử hình” đã bị loại ra khỏi danh sách thành viên bồi thẩm đoàn, thì bồi thẩm đoàn đó không đảm bảo tính đại diện cho các bộ phận dân chúng tiêu biểu. Một bồi thẩm đoàn như vậy có quá nhiều khả năng nghiêng về việc kết án và đưa ra án tử hình. Song bồi thẩm đoàn có thể là một bồi thẩm đoàn phù hợp sẵn sàng tuyên án kể cả án tử hình với các bồi thẩm viên là những người sẵn sàng đưa ra phán quyết có tội và cả án tử hình. Nếu quan điểm cá nhân của một bồi thẩm viên về áp dụng án tử hình khiến anh ta khó đưa ra phán quyết này, anh ta sẽ bị loại khỏi bồi thẩm đoàn một cách hợp lý. Kết quả là bồi thẩm đoàn đủ điều kiện để quyết định vụ án liên quan tới án tử hình có nhiều khả năng kết án và đưa ra án tử hình hơn là bồi thẩm đoàn có tính đại diện thực sự, nhưng theo quan điểm của Tòa Tối cao, điều này không trái với Hiến pháp.
Vì bồi thẩm đoàn phải đưa ra phán quyết chỉ dựa trên những chứng cứ được trình ra trước tòa, nên những thông tin công khai về vụ án trước và trong phiên tòa đặt ra vấn đề về quyền được xét xử công bằng của bị cáo. Tòa án có thể, khi cần thiết, ban hành lệnh cấm phát ngôn để ngăn không cho các luật sư tuyên bố công khai về phiên tòa, nhưng giới truyền thông, theo Tu chính án thứ 1, có quyền đưa tin và, ngoại trừ những vụ án bị hạn chế, tòa án không thể giữ kín phiên tòa trước công chúng hay cấm giới truyền thông đăng tải thông tin về tội phạm hoặc phiên tòa. (Ngoại lệ nảy sinh khi bang có lý do bắt buộc phải giữ kín thủ tục hoặc giới hạn việc đăng tải, như khi cho phép người vị thành niên là nạn nhân của tội phạm tình dục làm chứng riêng hoặc cấm công bố tên của các bồi thẩm viên trong các vụ án nổi bật). Tòa phải cân bằng giữa một bên là quyền được xét xử công bằng và một bên là quyền đưa tin về quy trình tố tụng.
Trong các vụ án phức tạp, sự cân bằng này có thể đạt được bằng cách chuyển phiên tòa ra ngoài địa điểm xét xử thường xuyên. Nếu nhiều bồi thẩm viên tiềm năng trong khu vực đã xem bản tin trên truyền hình, trong đó dự báo quan điểm của vụ án, thì phiên tòa có thể được chuyển tới một hạt/quận khác. Đôi lúc, sự thay đổi này diễn ra ngược lại, gây bất tiện cho bồi thẩm viên hơn là cho các luật sư, nhân sự của tòa án và nhân chứng; thay vì chuyển phiên tòa tới một nơi xét xử khác, bồi thẩm đoàn từ nơi khác sẽ được đưa tới xét xử.
Trong các vụ án ít phức tạp hơn, các thông tin công khai trước khi xét xử được xử lý trong lúc lựa chọn thành viên của bồi thẩm đoàn và bằng các biện pháp phòng ngừa trong phiên tòa. Điều mấu chốt là liệu bồi thẩm viên có thể gạt bỏ những điều họ đã nghe thấy trước và chỉ xem xét các chứng cứ trong phiên tòa hay không. Tòa Tối cao cho rằng ngay cả khi bồi thẩm viên đã hình thành niềm tin về sự có tội của bị cáo, bồi thẩm viên đó không nhất thiết là không đủ tư cách nếu anh ta có thể gạt bỏ niềm tin trước đây của mình khi kết án. Khi phiên tòa bắt đầu, thẩm phán sẽ đề nghị các bồi thẩm viên, trước đó từng tiếp xúc với các thông tin công khai, phải gạt bỏ các thông tin đó khi nghị án. Cũng giống như các nội dung hướng dẫn khác của thẩm phán, đề nghị này được đưa ra trên cơ sở thẩm phán tin rằng bồi thẩm viên sẽ lắng nghe thẩm phán và có thể kiềm chế định kiến của mình. Thẩm phán sẽ chỉ dẫn bồi thẩm đoàn không đọc hoặc nghe các bản tin về vụ án, và trong các tình huống đặc biệt, bồi thẩm đoàn có thể sẽ được yêu cầu phải sống cách li hoặc ở trong khách sạn dưới sự giám sát của cán bộ tòa án và hạn chế tiếp xúc với các chương trình thời sự. Sống cách li gây khó khăn lớn cho bồi thẩm viên, vì thế phương pháp này chỉ áp dụng với các vụ án có khả năng bị định kiến cao nhất.
Thủ tục tranh tụng là gì?
Sau khi bồi thẩm đoàn được thành lập, phiên tòa bắt đầu. Chúng ta nhắc tới phiên tòa như việc tìm kiếm sự thật, nhưng luật pháp lại đặt giới hạn cho việc tìm kiếm và giao cho mỗi người trong phòng xử án một vai trò khác nhau khi tiến hành tìm kiếm. Phiên tòa hình sự là sự phản ánh của cả hệ thống tư pháp hình sự, là một thủ tục tranh tụng, trong đó các bên tranh tụng có các mục đích khác nhau và phương tiện để họ đạt được các mục tiêu này bị hạn chế bởi các quy định của luật pháp và đạo đức nghề nghiệp.
Hãy bắt đầu từ công tố viên. Công việc của công tố viên rõ ràng là đến đây để kết án bị cáo. Về lý thuyết, đây không phải là thắng lợi cá nhân của công tố viên. Công tố viên là đại diện của chính phủ và bằng việc kết án bị cáo, công tố viên đã phục vụ cho lợi ích của chính phủ: trừng phạt người có tội và ngăn chặn tội phạm trong tương lai.
Nhưng vì công tố viên là đặc vụ của chính phủ nên nhiệm vụ của công tố viên không chỉ dừng ở việc kết án bị cáo. Công việc của chính phủ là thực thi công lý, và đó cũng chính là công việc của công tố viên. Thực thi công lý có nghĩa là công tố viên cần cố gắng để chỉ kết án những người thực sự phạm tội, chứ không đơn thuần là những người có thể kết án được. Điều này cũng đồng nghĩa với việc công tố viên được yêu cầu bảo vệ luật pháp, kể cả những luật gây khó khăn cho việc kết án.
Dĩ nhiên, do sức ép của công việc và sức nóng của cuộc chiến, công tố viên thường tập trung vào mục tiêu đầu tiên – kết án bị cáo – và chấp nhận hi sinh mục tiêu thứ hai – thực thi công lý. Điều này một phần là do bản chất con người, nhưng nó cũng phản ánh hai đặc điểm của tố tụng hình sự. Thứ nhất, công tố viên, xin nhắc lại là người chơi trong hệ thống, luôn giả định rằng hầu hết bị cáo trên thực tế đều có tội. Thứ hai, động lực của công tố viên là đi đến kết án. Các Chưởng lý hạt đều do dân bầu, và việc vận động sẽ dễ dàng nếu họ tỏ ra nghiêm khắc với tội phạm và tập trung vào việc kết án hơn là bảo vệ quyền của bị cáo và loại bỏ các vụ án chống lại người vô tội. Yêu cầu bắt buộc này gây khó dễ cho công tố viên vì họ thường bị phán xét qua tỉ lệ kết án.
Luật sư bào chữa có vai trò khác tại phiên tòa. Luật sư bào chữa là người biện hộ cho thân chủ, đặt chính phủ trước các chứng cứ của mình, và yêu cầu các chứng cứ đưa ra chống lại thân chủ mình phải được chứng minh mà không ai có cơ sở hợp lý để nghi ngờ. Khi làm thế, luật sư bào chữa công kích chứng cứ của bang, đặt câu hỏi về độ tin cậy của nhân chứng mà bang đưa ra, và đưa ra các chứng cứ đối lập để kể một câu chuyện khác, hoặc ít nhất là gây nghi ngờ về câu chuyện của chính phủ. Luật sư bào chữa cũng bảo vệ quyền của bị cáo. Ý nghĩa bảo vệ của Tuyên ngôn Nhân quyền ở đây chỉ là việc luật sư bào chữa có mặt để thực thi các biện pháp bảo hộ đó. Còn nếu chính phủ muốn kết án bị cáo, chính phủ phải làm việc đó theo luật.
Nhìn chung mọi người đều hiểu công việc của công tố viên, nhưng vai trò của luật sư bào chữa thì rắc rối hơn. Hầu hết các bị cáo đều bị nghi ngờ là có tội. Vì thế, lấy nhan đề cuốn sách của James Kunen trong sự nghiệp làm luật sư bào chữa công của ông làm câu hỏi “Bạn bào chữa cho những người đó như thế nào?” Đáp án là câu nói giáo điều dựa trên sự mâu thuẫn giữa các giá trị nền tảng của tố tụng hình sự, nhưng, giống như các câu nói giáo điều khác, nó căn bản là đúng. Trong hệ thống tư pháp hình sự, quyền lực của bang được đưa ra để chống lại cá nhân. Quy tắc cơ bản của cấu trúc chính phủ Mỹ là quyền lực lớn thường là đối tượng bị lạm dụng. Đó là lý do vì sao thông thường Quốc hội không thể thông qua luật mà không có sự phê chuẩn của Tổng thống, và tại sao các quyền phức tạp về thủ tục và nội dung lại bảo vệ bị cáo hình sự. Vai trò của luật sư bào chữa là kiểm tra việc áp dụng quyền lực của chính phủ bằng cách đảm bảo rằng quyền của bị cáo được bảo vệ. Sẽ rất dễ dàng nếu ta chỉ bảo vệ quyền của người vô tội, nhưng chúng ta không thể làm thế, vì vậy ta có thủ tục tranh tụng để trao quyền cho luật sư bào chữa đòi quyền cho cả bị cáo.
Kiểu hệ thống này liệu có tạo ra sự lạm dụng? Điều này không còn gì nghi ngờ. Luật sư bào chữa có thể quá nhiệt tình, và tất cả các biện pháp bảo vệ quyền của bị cáo gần như đảm bảo rằng một số bị cáo có tội sẽ được tự do. Rốt cuộc, điều ta cần quyết định là sự lạm dụng đó có lấn át các lợi thế không và có thể điều chỉnh hệ thống này mà không làm nó bị rạn nứt hay không.
Hãy xét tới hai trong số các giới hạn đối với hệ thống tranh tụng được áp dụng để bảo vệ bị cáo trước sự lạm quyền của chính phủ. Trên truyền hình, phiên tòa thường đưa ra nhân chứng bất ngờ hoặc một chiến thuật khó lường trước mà nhờ đó luật sư bào chữa thông minh đánh bại đối thủ của mình. Trên thực tế, cơ hội cho sự bất ngờ này bị giới hạn đáng kể thông qua các quy tắc khám phá. Tòa Tối cao quyết định rằng công tố viên có nhiệm vụ, theo Hiến pháp, là tiết lộ bằng chứng cho bên bào chữa, đặc biệt là các bằng chứng có xu hướng bào chữa cho bị cáo. Ngược lại, đặc quyền của bị cáo chống lại việc tự buộc tội ngăn tòa yêu cầu bị cáo đưa ra các chứng cứ có tính buộc tội. Và sự mất cân bằng quyền lực thể hiện ở chỗ, có vẻ như công bằng khi yêu cầu công tố viên tiết lộ nhiều thông tin hơn.
Biện pháp bảo hộ thứ hai là trọng trách của công tố viên trong việc chứng minh bị cáo có tội mà không ai có cơ sở hợp lý để nghi ngờ. Phán quyết tha bổng của bồi thẩm đoàn không có nghĩa là bị cáo vô tội, và bị cáo không bao giờ phải chứng minh là mình vô tội. Gánh nặng này hoàn toàn dành cho công tố viên, và nếu công tố viên không mang được gánh nặng này thì phán quyết tha bổng là điều chắc chắn. Luật sư bào chữa có 2 cách lựa chọn, một là thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng bị cáo vô tội như một chiến thuật xét xử, và cách thứ 2 hiệu quả không kém là làm cho mọi người nghi ngờ câu chuyện của công tố viên để công tố viên không thực hiện được trọng trách của mình.
Sự nghi ngờ hợp lý là tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với trách nhiệm chứng minh tội phạm được quy định. Ở các vụ án dân sự, tiêu chuẩn này là ưu thế của chứng cứ, nó chỉ thể hiện rằng phán quyết có nhiều khả năng là đúng. Sự nghi ngờ hợp lý là sự nghi ngờ vẫn tồn tại về tội phạm ngay cả khi bồi thẩm đoàn đã đánh giá mọi chứng cứ và xem xét vấn đề một cách nghiêm túc. Từ lâu, đây đã là tiêu chuẩn cho việc kết án trong các vụ án hình sự, và Tòa Tối cao quyết định rằng đây là yếu tố cần thiết về mặt quy trình theo Hiến pháp phải tuân theo. Chế tài hình sự chỉ dành cho những vụ án mà chắc chắn bị cáo đã phạm tội. Ngoài ra, do sự mất cân bằng của hệ thống tư pháp hình sự, trong đó quyền lực của chính phủ được sử dụng để chống lại cá nhân, nên tiêu chuẩn về sự nghi ngờ hợp lý lại tiếp tục bảo vệ người dân nhiều hơn trước sự đàn áp của chính phủ.
Việc tuyên án diễn ra thế nào?
Khi bị cáo bị kết án hoặc khai nhận tội với một tội danh, tuyên án là quá trình mà qua đó hình phạt giành cho anh ta được đưa ra. Trong tất cả các bước, từ định nghĩa tội danh tới các giai đoạn tố tụng hình sự, tất cả các hoạt động khác hầu hết đều hướng tới việc trừng phạt người có tội và tuyên án là bước quyết định hình phạt.
Bước đầu tiên khi tuyên án là làm luật. Thẩm phán chỉ được phép đưa ra những bản án được luật pháp cho phép. Cơ quan lập pháp quyết định hình phạt nào sẽ áp dụng cho dạng vụ án nào và thủ tục tuyên án ra sao. Dù khả năng quy định về bản án của cơ quan lập pháp bị Hiến pháp giới hạn, nhưng Tòa Tối cao quyết định rằng giới hạn đó rất rộng. Giả sử, nếu dùng đòn roi làm hình phạt, cơ quan lập pháp sẽ bị coi là vi phạm quy định của Tu chính án thứ 8 cấm đưa ra các “hình phạt tàn nhẫn và bất thường", nhưng Tòa quyết định rằng mức án chung thân và không được xét ân xá đối với việc tàng trữ 672g côcain dành cho người phạm tội chưa từng có tiền án tiền sự là tàn nhẫn, song theo Hiến pháp thì điều này không bất thường. (Trong vụ Harmelin ở Michigan, 1991).
Cơ quan lập pháp có quyền lớn để quyết định loại bản án được đưa ra. Dĩ nhiên, hình phạt nghiêm khắc nhất là án tử hình. Bỏ tù và quản chế phổ biến hơn nhiều. Sự khác biệt giữa các tội danh, người phạm tội và thẩm quyền xét xử khiến ta rất khó tổng quát hóa, nhưng khoảng 70% các trọng tội bị kết án đã bị tuyên án tù và khoảng 30% bị quản chế. Với những vụ án kém nghiêm trọng hơn, tỉ lệ tội phạm bị quản chế cao hơn nhiều. Với các tội nhẹ hoặc những người lần đầu tiên phạm tội, lao động công ích, vào trại cải tạo thanh thiếu niên, giam lỏng ở nhà hoặc các hình phạt trung gian khác rất phổ biến.
Thông thường, tội phạm bị quản chế trên thực tế đã bị phạt tù, nhưng việc thụ án được tạm hoãn trong thời gian bị quản chế. Trong thời gian bị quản chế, người phạm tội thường phải đáp ứng một số yêu cầu, như tìm việc làm, báo cáo thường xuyên cho cán bộ quản chế và tránh xa các rắc rối. Nếu anh ta vi phạm các điều kiện quản chế, thời hạn quản chế sẽ bị hủy bỏ và bản án đang tạm đình chỉ sẽ có hiệu lực ngay lập tức, có nghĩa là người phạm tội phải vào tù.
Mãi tới gần đây, thủ tục tuyên án thông thường cho người phạm tội bị kết án hoàn toàn phụ thuộc vào quyền tùy nghi quyết định của thẩm phán trong phạm vi đáng kể được cơ quan lập pháp quy định. Ví dụ, đạo luật quy định rằng tội trộm cắp có thể bị trừng phạt bằng bản án từ 5 đến 15 năm tù. Thẩm phán sẽ nhận được báo cáo tiền tuyên án từ cán bộ quản chế, nghiên cứu các thông tin quan trọng về tội phạm, như hồ sơ hình sự, lịch sử gia đình, quá trình làm việc và hồ sơ tâm lý. Người bị hại hoặc gia đình của họ có thể cung cấp Bản tường trình về tác động đối với người bị hại để thông báo cho tòa về tác động của hành vi phạm tội đối với người bị hại và có thể cung cấp thêm chi tiết về tội phạm. Với những thông tin này và sự hiểu biết thông qua phiên tòa, thẩm phán sẽ tuyên án trong phạm vi cho phép – người phạm tội có thể được hưởng án treo và bị quản chế.
Tuy nhiên, thời gian thụ lý của bị cáo có thể ngắn hơn thời hạn mà tòa đã tuyên rất nhiều, thường là ít hơn một nửa tới hai phần ba. Theo cơ chế tuyên án trung gian, các cơ quan xét duyệt ân xá có quyền tùy nghi đáng kể để quyết định thời điểm, nếu có, tù nhân đã được cải tạo đủ để thả trước khi hoàn thành bản án. Hầu hết các bang đều áp dụng thông lệ “cải tạo tốt”, theo đó tù nhân có thể được giảm án, tùy theo quyết định của cơ quan quản lý nhà tù, vì đã “cải tạo tốt” hoặc có hành vi đúng mực trong tù, đôi lúc là vì tham gia vào các khóa giáo dục, lao động hoặc các chương trình cải tạo khác.
Mô hình truyền thống vẫn được sử dụng rộng rãi, nhưng từ cuối thập niên 70, nhờ nỗ lực phối hợp, hệ thống đã được tái cấu trúc nhằm kiểm soát quyền tùy nghi quyết định của thẩm phán khi tuyên án. Nỗ lực này xuất phát từ quan niệm cho rằng thẩm phán đang thực thi quyền tự quyết theo cách tạo ra chênh lệch lớn giữa các bản án, sinh ra tính chuyên quyền và không thể dự đoán trong hệ thống. Hai thẩm phán có thể đưa ra các bản án khác nhau cho 2 tội phạm giống hệt nhau chỉ vì thẩm phán này khoan dung hơn thẩm phán kia hoặc tập trung vào các yếu tố khác khi tuyên án. Ngoài ra, khi sự nghi ngờ về khả năng cải tạo phạm nhân gia tăng, điều đó đồng nghĩa với sự sụt giảm niềm tin vào khả năng đưa ra các bản án thích đáng của thẩm phán và khả năng quyết định về thời điểm tù nhân hoàn thành cải tạo của hội đồng ân xá. Nhiều biện pháp khác nhau đã được ban hành để giới hạn quyền tùy nghi quyết định khi tuyên án.
Biện pháp đầu tiên là sử dụng các hướng dẫn tuyên án. Mục tiêu của các hướng dẫn tuyên án là tước bỏ nhiều quyền tự quyết định của thẩm phán trong quá trình tuyên án, trao các quyền đó cho cơ quan lập pháp hoặc một ủy ban tuyên án được cơ quan lập pháp thành lập. Đã có một loạt các hướng dẫn được ban hành mô tả các bước trong quy trình ra bản án của thẩm phán. Thông thường, các hướng dẫn này đều bao gồm một bản án giả định, bản án được cho là thích đáng căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm mà bị cáo đã bị kết án và đặc điểm của bị cáo, đáng chú ý là tiền án tiền sự của anh ta. Ví dụ, đối với một vụ trộm, bị cáo sẽ được xác định là phải chịu án cơ bản, trong đó thẩm phán sẽ được chỉ đạo giảm án ở mức nhất định nếu bị cáo chỉ dính lýu với vai trò mờ nhạt (chẳng hạn, anh ta chỉ lái xe bỏ trốn) và tăng án một mức nhất định nếu bị cáo đã từng phạm một tội hình sự được quy định. Đôi khi, hướng dẫn tuyên án sẽ chỉ đơn giản quy định về viecj tăng án khi có các tình tiết nhất định, như phạm tội vì lý do chủng tộc. Tùy vào hệ thống, quyền tự quyết của thẩm phán trong việc thay đổi bản án giả định sẽ bị hạn chế, nhưng nếu thay đổi, thẩm phán phải giải thích lý do, và vấn đề này sẽ bị xem lại khi kháng cáo. Hướng dẫn tuyên án có tác dụng giảm bớt sự khác biệt khi tuyên án, nhưng nhiều thẩm phán phàn nàn rằng, các hướng dẫn này đôi khi ngăn cản không cho họ đưa ra những hình phạt riêng phù hợp với tội danh và người phạm tội.
Việc áp dụng hướng dẫn tuyên án và chủ trương gia tăng án phạt của tòa án đã bị phá vỡ bởi một loạt các văn bản ý kiến tư pháp do Tòa Tối cao ban hành bắt đầu từ năm 2000, trong đó, căn cứ vào quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn quy định trong Tu chính án thứ 6, Tòa Tối cao đã tuyên bố các tình tiết được sử dụng để gia tăng án phạt của bị cáo phải được trình lên bồi thẩm đoàn và được quyết định mà không ai có cơ sở hợp lý để nghi ngờ, trừ phi bị cáo chấp nhận chúng. Ví dụ, trong vụ Blakely kiện Washington (2004), Ralph Blakely đã nhận tội bắt cóc cấp độ hai, thông thường tội này có thể bị phạt tù từ 49 đến 53 tháng. Căn cứ vào hướng dẫn tuyên án của Washington, thẩm phán đã tuyên án anh ta 90 tháng tù vì lý do Blakely hành động với “sự tàn nhẫn có chủ ý”. Vì “sự tàn nhẫn có chủ ý” không phải là một phần được quy định trong tội bắt cóc cấp độ hai, nên Tòa quyết định, án phạt được tuyên cho người này không thể bị gia tăng, trừ phi bồi thẩm đoàn nhận thấy yếu tố đó không có cơ sở hợp lý để nghi ngờ. Vì thế, hướng dẫn tuyên án của Washington bị coi là trái với Hiến pháp. Sau đó, trong vụ Booker kiện Hoa Kỳ (2005), Tòa quyết định rằng, việc thẩm phán, chứ không phải bồi thẩm đoàn, quyết định về tình tiết cần thiết để gia tăng án phạt theo hướng dẫn tuyên án của liên bang là trái với Hiến pháp, và vì thế các hướng dẫn này chỉ có tính chất tham khảo chứ không bắt buộc thi hành. Quyết định của Tòa đã tạo ra sự lộn xộn trong khâu tuyên án. Hiện, một số bang yêu cầu bồi thẩm đoàn xác định xem có xuất hiện các yếu tố ảnh hưởng tới bản án hay không, còn các bang khác lại thiên theo hướng chỉ đạo của Tòa trong vụ án của Booker bằng cách cho thẩm phán quyền quyết định nhiều hơn để không phải phụ thuộc vào các nội dung hướng dẫn.
Một biện pháp khác để hạn chế quyền tùy nghi quyết định khi tuyên án và cũng để tránh rắc rối phát sinh liên quan tới Tu chính án thứ 6 là tuyên án bắt buộc cho các dạng tình huống cụ thể. Theo luật này, thẩm phán có rất ít hoặc không có quyền tự quyết định khi đưa ra bản án. (Ngoài tác dụng hạn chế quyền tự quyết của thẩm phán, biện pháp này còn được sử dụng để tăng hình phạt cho dạng tội phạm nhất định). Ví dụ, ở Florida, rút súng ra trong lúc phạm tội sẽ phải chịu bản án bắt buộc tối thiểu là 10 năm tù.
Một dạng tuyên án bắt buộc khác là luật “bất quá tam”. Khi bị cáo bị kết án lần thứ ba về cùng một tội ở mức độ nghiêm trọng được quy định, bị cáo sẽ phải chịu án tù với thời hạn dài hoặc, ở một số bang, sẽ bị tù chung thân mà không có khả năng được xét ân xá.
Mục đích của luật “bất quá tam” là hạn chế việc tái phạm của tội phạm bằng cách nâng cao mức phạt cho lần phạm tội thứ hai và thứ ba, và đảm bảo rằng những người phạm tội nghiêm trọng nhất – tái phạm nhiều lần – sẽ bị trừng phạt thích đáng và không thể tiếp tục phạm tội trong tương lai. Trên thực tế, đôi khi luật “bất quá tam” có hậu quả ngoài dự tính. Do luật hay thay đổi định nghĩa, một số tội phạm được tuyên án theo quy tắc này lại không phải là sự đe dọa nghiêm trọng cho xã hội như các nhà làm luật hình dung, ví dụ trong vụ án khét tiếng ở California, lần phạm tội thứ ba của bị cáo là ăn trộm pizza. Ngoài ra, nguy cơ bị tuyên án theo luật này làm ảnh hưởng tới tâm lý hành vi của những tội phạm có thể là đối tượng áp dụng luật, khiến họ kém hào hứng thỏa thuận nhận tội hơn so với lần phạm tội thứ nhất hoặc thứ hai, và nếu đối mặt với lần phạm tội thứ ba, họ sẵn sàng dùng bạo lực để chống lại việc bắt giữ. Luật “bất quá tam” và nhiều luật về tuyên án bắt buộc khác còn góp phần mở rộng nhanh dân số nhà tù; ở một số nơi, nhà tù đã quá tải so với quy định của Hiến pháp, họ buộc phải thả các phạm nhân có thể nguy hiểm hơn.
Cuối cùng, việc phóng thích trước thời hạn bị giới hạn chặt chẽ bởi quy tắc “sự thật khi tuyên án”, theo đó bản án được thẩm phán đưa ra phải thể hiện thời gian mà bị cáo phải thụ án trên thực tế. Một số bang đã hủy bỏ hoàn toàn việc ân xá, còn nhiều bang khác chỉ ân xá cho những tội phạm thực hiện các tội phi bạo lực. Hầu hết các bang cũng giới hạn việc giảm án do cải tạo tốt bằng cách yêu cầu người phạm tội bạo lực phải thụ án được ít nhất 85% thời hạn bản án trước khi được ân xá.
Án tử hình thì sao?
Án tử hình là vấn đề tố tụng hình sự được bàn cãi sôi nổi nhất. Tất cả các lập luận khác về kiểm soát tội phạm, công lý, công bằng và quyền đều hội tụ trong cuộc tranh luận về việc bang có nên kết án tử hình cho một người hay không. Người ủng hộ việc áp dụng án tử hình đã trích dẫn lời răn trong Kinh Thánh “mắt đổi mắt, răng đổi răng”, và xem xác suất của án tử hình là cách ngăn chặn có hiệu quả tội phạm bạo lực. Người phản đối thì mô tả án tử hình là hành động man rợ lỗi thời đã bị hủy bỏ ở mọi nước phương Tây khác và có rất ít tác động thực tế đối với tỉ lệ tội phạm.
Cuộc tranh luận về án tử hình quá phức tạp nên trong tài liệu khảo sát ngắn về tố tụng hình sự này, ta chỉ diễn tả sự quyết liệt của nó. Một cuộc tranh luận thường bị lấn át bởi các khẩu hiệu, phần này sẽ chỉ cho bạn thấy vấn đề nêu trên phức tạp thế nào. Thật ra nó có hai vấn đề: có nên áp dụng án tử hình hay không, và nếu có, làm sao để áp dụng án tử hình một cách công bằng.
Cuộc tranh luận về việc chúng ta có nên có án tử hình hay không gồm hai chủ đề. Chủ đề thứ nhất liên quan tới vấn đề đạo đức của án tử hình: Nó có hợp lý về mặt đạo đức không nếu không xét tới các hậu quả về mặt xã hội? Chủ đề thứ hai đề cập trực tiếp tới các hậu quả này: Án tử hình có phục vụ cho các mục tiêu xã hội quan trọng không, nhất là mục tiêu ngăn chặn tội phạm?
Người ủng hộ án tử hình lập luận rằng xử tử kẻ sát nhân là công bằng, vì tội của họ đáng bị trừng phạt nghiêm khắc nhất, và đưa ra sự trừng phạt xứng đáng là chức năng được chấp nhận của luật hình sự. Án tử hình là sự trừng phạt hơn là sự trả thù; bang sẽ đánh giá tội của phạm nhân và chỉ kết án tử hình những người đáng phải nhận tội nhất.
Người chỉ trích thì phản ứng rằng không có mối liên hệ tất yếu nào giữa việc xử tử phạm nhân và việc thực thi công lý. Đúng là nhiều người bị tuyên án tử hình thực sự có tội và nguy hiểm, đáng bị trừng phạt và tống giam, nhưng hầu hết bọn họ không khớp với hình mẫu về kẻ sát nhân có tính toán đáng bị xử tử. Thay vào đó, đa số đều là sản phẩm của sự dạy dỗ kinh khủng, thiếu sự nuôi dưỡng bình thường tới mức độ mà họ trở nên phản xã hội một cách bệnh hoạn. Ngoài ra, không có điều gì chỉ rõ rằng việc xử tử là cách trừng phạt cần thiết; ta không chặt tay kẻ trộm hay thiến kẻ cưỡng dâm, vậy tại sao lại xử tử kẻ giết người?
Người ủng hộ cũng lập luận rằng án tử hình khẳng định giá trị mà xã hội đặt ra cho sinh mạng con người, nên nó sẽ giành hình phạt nghiêm khắc nhất cho những người tước đi mạng sống của người khác. Người chỉ trích phản ứng rằng án tử hình làm ta không biết quý trọng mạng sống, khiến ta trở nên dã man và làm ta quen với việc giết chóc. Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã viết: “Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào án tử hình đang hạ thấp chúng ta và là dấu hiệu cho thấy chúng ta ngày càng thiếu quý trọng mạng sống con người… Án tử hình mang lại ảo tưởng bi kịch rằng chúng ta có thể bảo vệ sinh mạng bằng cách tước đi sinh mạng”.
Cuộc tranh luận về đạo đức đã liên hệ tới cuộc tranh luận về chính sách; có thể rất ít người ủng hộ án tử hình, ngay cả khi nó hợp lý về mặt đạo đức nhưng nó không mang lại điều gì tốt đẹp cả. Ngăn chặn là chức năng quan trọng của thủ tục tố tụng hình sự, và sự đe dọa của án tử hình, theo nhận định của người ủng hộ, là cách ngăn chặn cao nhất.
Người chỉ trích phản ứng rằng án tử hình không phải là cách ngăn chặn hiệu quả. Nhiều kẻ giết người do ảnh hưởng của ma túy hoặc rượu, bị rối loạn tâm lý hoặc ở trạng thái cảm xúc mà họ không thể dừng lại được và điều đó đã phản ánh trong kết quả hành động của họ. Còn những kẻ sát nhân khác cũng như hầu hết tội phạm vẫn tin rằng họ sẽ không bao giờ bị bắt, hoặc nếu có, họ sẽ thoát khỏi sự trừng phạt cao nhất bằng cách nào đó.
Tác động ngăn chặn của án tử hình là câu hỏi thực tế nhưng rất khó trả lời. Vô số nghiên cứu đã được tiến hành để so sánh, ví dụ, tỉ lệ án mạng ở các bang có và không có án tử hình, hoặc tỉ lệ án mạng ở bang trước khi và sau khi đưa ra án tử hình. Đúng như ta nghĩ, ở vấn đề được tranh luận ngắn và rất khó thu thập số liệu rõ ràng thế này, các nghiên cứu đưa ra kết quả rất khác nhau. Một số học giả thấy nó không có tác động ngăn chặn; một số người khác lập luận rằng mỗi vụ xử tử ngăn chặn được 18 vụ giết người; còn những người khác nữa vẫn kết luận rằng việc xử tử khiến cộng đồng trở nên tàn nhẫn hơn và vì thế tỉ lệ giết người trên thực tế đang tăng lên. Tới lúc này, ta chỉ có thể kết luận rằng hiện chưa có chứng cứ thuyết phục về tác động ngăn chặn của án tử hình.
Một vấn đề xuất hiện trong cả cuộc tranh luận về đạo đức và về tác động ngăn chặn là án tử hình có được áp dụng công bằng và thống nhất hay không. Tương đối ít phạm nhân phạm tội giết người bị tuyên án tử hình – tỉ lệ khoảng 1/100 – và số người thực sự bị tử hình còn ít hơn thế. Hiệu quả của việc tư vấn, nguồn lực kinh kế và đặc điểm cá nhân đều ảnh hưởng tới việc ai sẽ bị kết án tử hình và ai sẽ phải chết. Rắc rối hơn là vấn đề phân biệt chủng tộc. Một nghiên cứu về cách thức xử tử ở Georgia chỉ ra rằng bị cáo bị kết tội giết người da trắng có khả năng bị tuyên án tử hình cao hơn người bị kết án giết người da đen 11 lần, thực tế của bang này là lý do khiến Tòa Tối cao phải tạm dừng áp dụng án tử hình.
Người ủng hộ án tử hình phản ứng rằng sự thiếu nhất quán và phân biệt đối xử chính là vấn đề, nhưng vấn đề là có quá ít vụ xử tử chứ không phải quá nhiều. Ví dụ, về vấn đề phân biệt chủng tộc, vấn đề không phải là kẻ giết người da trắng bị xử tử ở tỉ lệ quá cao mà là kẻ giết người da đen ít khi bị xử tử. Vì thế, giải pháp là tăng áp dụng án tử hình chứ không phải hủy bỏ nó.
Những người chỉ trích đặt ra câu hỏi rằng liệu án tử hình có được áp dụng mà không có sai lầm hay không. Đây là vấn đề quan trọng vì án tử hình là chung thẩm. Trong những năm gần đây, hơn 200 tử tù đã được thả tự do sau khi cuộc điều tra mở rộng tiết lộ rằng họ bị kết án sai do hành vi sai trái của cảnh sát hoặc công tố viên, cách hành luật không hiệu quả của luật sư hoặc lời khai sai của nhân chứng. Tiến bộ trong công nghệ ADN cũng giải oan cho nhiều bị cáo. Các tổ chức như Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ đã xin hoãn xử tử cho đến khi có thủ tục đảm bảo án tử hình được thực thi công bằng và hiệu quả để người vô tội hoặc người phạm tội không bị kết án oan sai. Một số bang đã phản ứng lại. Ví dụ, ở Illinois vào năm 2000, Thống đốc George Ryan ra lệnh hoãn và nói rằng: “Với cơ chế của mình, chúng ta đã thả tự do cho nhiều người hơn là xử tử 13 người đã được miễn tội và 12 người đã bị tử hình. Rõ ràng đây là sai lầm trong hệ thống và nó cần được nghiên cứu”.
Dù áp dụng án tử hình có phải là chính sách công sáng suốt hay không thì Tòa Tối cao đã tuyên bố nó là hợp hiến và ba phần tư số bang đều có án tử hình. Vấn đề chính liên quan tới Hiến pháp là án tử hình có vi phạm quy định cấm các “hình phạt tàn nhẫn và bất thường" theo Tu chính án thứ 8 hay không. Việc áp dụng tiêu chuẩn này đặt ra chủ đề thú vị trong luật Hiến pháp. Án tử hình được thi hành từ khi ban hành Tuyên ngôn Nhân quyền vào năm 1791, vậy làm sao nó có thể vi phạm Hiến pháp sửa đổi được khi mà nó được chính người thực thi nó soạn thảo và phê duyệt? Câu trả lời này xuất hiện trong vụ án lớn đầu tiên liên quan tới Tu chính án thứ 8 của Tòa Tối cao, vụ Weems kiện Hoa Kỳ (1910). Tòa đã hủy bỏ hình phạt cùm xích trong lúc lao động nặng. Thẩm phán Joseph McKenna viết: “Thời đại tạo ra thay đổi, [và] mang đến các điều kiện và mục đích mới. Vì thế, để tồn tại, một nguyên tắc phải được áp dụng rộng hơn cả phạm vi của tội ác – vốn là nguyên nhân dẫn tới sự ra đời của nguyên tắc đó”. Sau này Chánh án Earl Warren đã diễn đạt nguyên tắc này như sau: việc cấm các hình phạt tàn nhẫn và bất thường “phải có ý nghĩa từ các tiêu chuẩn lễ nghi phép tắc liên tục phát triển đánh dấu cho sự tiến bộ của một xã hội đang chín”.
Có một điều bất thường thứ hai ở đây. Án tử hình do cơ quan lập pháp, đại diện của nhân dân, quy định. Vậy làm sao nó có thể vi phạm các tiêu chuẩn đương thời về lễ nghi phép tắc? Dĩ nhiên, câu trả lời – là ý chí của số đông (hoặc thực tế hơn là đại diện của số đông) không thuyết phục xét về các tiêu chuẩn của cộng đồng. Theo hệ thống Hiến pháp Hoa Kỳ, tòa án có quyền giám đốc thẩm hoạt động lập pháp chính là để kiểm tra yếu tố đa số trong trường hợp hành động của họ vượt qua giới hạn của Hiến pháp.
Tính hợp hiến của án tử hình được đưa ra Tòa Tối cao xem xét vào thập niên 60 trong một loạt các vụ án được vận động bởi các luật sư mà dẫn đầu là các luật sư cộng tác với Quỹ Bảo vệ Pháp lý NAACP. Vụ án có tính quyết định là vụ Furman kiện Georgia (1972), liên quan tới ba người chịu án tử hình và gián tiếp là hơn 600 tử tù. Trong bộ các bản ý kiến tư pháp dài nhất từ trước tới nay trong lịch sử tòa án được công bố trong một vụ án duy nhất, năm thẩm phán đã loại bỏ án tử hình – điều sau đó đã được áp dụng, còn bốn thẩm phán khác phản đối; cả chín người đó sau đó đều viết ra các ý kiến tư pháp riêng của mình. Thẩm phán Brennan và Marshall cho rằng án tử hình vốn đã là tàn nhẫn và bất thường căn cứ vào các yếu tố như tính chuyên quyền của việc áp dụng (như được chỉ ra trong các vụ án được xem xét), sự tàn nhẫn và thiếu tác động ngăn chặn của loại án này. Ba thẩm phán còn lại trong số năm người nói trên lại tập trung vào tính chuyên quyền khi áp dụng. Những người phản đối không phải không đồng tình rằng án tử hình là đáng ghê sợ về một khía cạnh nào đó, nhưng họ gợi ý rằng Tòa án nên chiều theo ý kiến của cơ quan lập pháp về “các tiêu chuẩn lễ nghi phép tắc liên tục phát triển”.
Do ba trong các thẩm phán chiếm đa số ở vụ Furman đều tập trung vào tính chuyên quyền khi áp dụng án tử hình nên cơ quan lập pháp của bang đã viết lại luật tuyên án của họ để phù hợp với quan điểm của Tòa. Một giải pháp được đề xuất để khắc phục tính chuyên quyền là áp dụng án tử hình bắt buộc đối với các vụ giết người cụ thể, ví dụ như tất cả các vụ giết người do tù nhân đang thụ án tù chung thân gây ra. Tuy nhiên, sau này Tòa đã phản đối các bản án bắt buộc với quan điểm cho rằng vì mỗi người là một cá thể riêng biệt nên việc xem xét cụ thể các yếu tố của cá nhân liên quan tới tội phạm và bị cáo là việc làm cần thiết theo quy định của Hiến pháp. Một giải pháp khác cho tính chuyên quyền là ban hành hướng dẫn thực thi quyền tự quyết định của người có thẩm quyền ra quyết định, và Tòa đã áp dụng phương pháp này. Hầu hết các bang áp dụng án tử hình đều cho phép bồi thẩm đoàn đưa ra bản án, và bước đầu tiên để bồi thẩm đoàn thực thi quyền này là phải chia phiên tòa thành 2 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu của phiên tòa, bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết về tội danh của bị cáo. Nếu bị cáo được tuyên có tội, các chứng cứ khác sẽ được trình ra ở giai đoạn hai của phiên tòa, ở cuối giai đoạn này bồi thẩm đoàn sẽ quyết định có đưa ra án tử hình hay không. Do phiên xét xử được chia thành 2 giai đoạn nên bồi thẩm đoàn trong phần tuyên án có thể nghe chứng cứ về các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ liên quan tới việc tuyên án vốn không được chấp nhận trong quá trình luận tội. Điều này rất quan trọng vì tòa đã quyết định rằng bồi thẩm đoàn phải được phép xem xét mọi yếu tố giúp giảm nhẹ tội của bị cáo để có thể tự do quyết định xem án tử hình có thích đáng hay không. Các yếu tố hay được xem xét bao gồm bản chất dã man của tội phạm là yếu tố tăng nặng và việc bị cáo trẻ tuổi phạm tội do chịu ảnh hưởng từ người khác là yếu tố giảm nhẹ.
Tòa cũng thu hẹp loại vụ án có thể áp dụng án tử hình. Trong một số trường hợp, tử hình là không thích đáng với tội phạm, vì thế, có thể nó sẽ không được áp dụng để trừng phạt, chẳng hạn khi bị cáo chỉ là kẻ tòng phạm. Trong các trường hợp khác, tình huống của bị cáo có thể giúp ngăn chặn án tử hình; ví dụ, Tòa quyết định rằng xử tử người chậm phát triển thần kinh hoặc người dưới 18 tuổi vào thời điểm anh ta phạm tội là tàn nhẫn và bất thường.
Tại sao kháng cáo hình sự lại có vẻ kéo dài đến thế?
Khi kháng cáo, như mọi thủ tục khác trong thủ tục tố tụng hình sự, chúng ta phải cân bằng các mục đích có tính mâu thuẫn. Thẩm phán xét xử có thể phạm lỗi và khi các sai lầm này gây tổn hại đến quyền của bị cáo, chúng ta muốn đảm bảo rằng các sai lầm đó sẽ được sửa chữa. Nếu không, các quyền được Hiến pháp đảm bảo sẽ bị phá vỡ và người vô tội có thể phải vào tù. Nhưng thế là đủ rồi, tính chung thẩm cũng rất quan trọng. Vì chúng ta không sẵn sàng đầu tư nguồn lực vô hạn vào việc điều tra và các thủ tục xét xử để đảm bảo không xảy ra sai lầm, nên vào lúc nào đó, khi phiên tòa của bị cáo được tòa phúc thẩm xem xét lại một, hai lần hoặc nhiều hơn, chúng ta sẽ kết luận rằng bị cáo đã được hưởng những gì anh ta đáng được hưởng.
Cần lưu ý là cuộc thảo luận trong phần này là về việc kháng cáo của bị cáo. Trong các vụ án dân sự, một trong hai bên có thể kháng cáo quyết định gây bất lợi cho họ, còn trong án hình sự, bị cáo luôn kháng cáo phán quyết hoặc phản đối một sai sót trong lúc tiến hành phiên tòa. Điều khoản cấm truy tố một người hai lần về cùng một tội của Tu chính án thứ 5 là nhằm ngăn không cho chính phủ truy tố đi truy tố lại một người nhiều lần vì cùng một tội đến khi nào kết án được người đó thì thôi, bất chấp hàng loạt các quyết định tha bổng. Vì thế, bên công tố thường không kháng cáo quyết định tha bổng. Tuy vậy, phạm vi của điều khoản này rộng hơn thế. Mối nguy cơ xảy ra khi bồi thẩm đoàn được thành lập, vì thế bên công tố không thể quyết định dừng phiên tòa nếu nó không diễn ra suôn sẻ để thử lại với bồi thẩm đoàn khác. Điều khoản này cũng ngăn cản việc truy tố một người về các tội khác nhau được quy định trong luật nhưng cùng dựa trên các tình tiết giống hệt nhau, khi chứng cứ cần thiết để chứng minh tội này cũng là chứng cứ cần thiết để chứng minh tội kia. Ví dụ, nếu tài xế bị kết tội lái xe khi say xỉn thì sau này cô ta không thể bị truy tố vì đã giết người do bất cẩn khi đâm vào người đi bộ trong lúc vừa say rượu vừa lái xe vì chứng cứ về sự bất cẩn là việc cô ta lái xe khi say xỉn. Bang có thể đưa ra cả hai cáo buộc chống lại cô ta cùng một lúc, nhưng nếu truy tố làm hai lần thì lần truy tố sau sẽ là truy tố hai lần về cùng một tội. Tuy nhiên, điều khoản cấm truy tố hai lần về cùng một tội không hạn chế cả tiểu bang và liên bang cùng truy tố, khi bị cáo vi phạm luật pháp của mỗi một vùng tài phán. Người cướp ngân hàng có thể bị truy tố hai lần: về tội cướp của theo luật của bang và là tội phạm liên bang theo luật liên bang. Điều khoản đó cũng không cấm các bên khởi kiện dân sự để trừng phạt sau khi đã có kết án hình sự. Khi phạm nhân sắp mãn hạn tù vì tội có hành vi thô tục với trẻ em, bang có thể khởi kiện dân sự để đưa anh ta vào một cơ sở của bang theo luật áp dụng với tội phạm tình dục hung hãn mà không vi phạm điều khoản cấm truy tố hai lần về cùng một tội.
Có hai cách để bị cáo phản đối một phán quyết hoặc một sai sót của tòa sơ thẩm. Kháng cáo là yêu cầu xem xét trực tiếp sai sót đó của tòa sơ thẩm và được trình lên tòa án cấp cao hơn trong hệ thống. Phản đối phụ là sự công kích vào quyết định của tòa sơ thẩm và, như tên gọi của nó, là phản đối phụ nằm ngoài chuỗi xem xét thông thường; phản đối phụ thường được đưa ra sau khi mọi nỗ lực kháng cáo đều không thành. Thực tế, hầu hết các chỉ trích về quá trình kháng cáo kéo dài là chỉ trích về những phản đối phụ.
Trước tiên là kháng cáo. Trong mọi vụ án, bị cáo có quyền kháng cáo tới tòa án cấp cao hơn để khắc phục những sai sót của tòa sơ thẩm. Điều này là hợp lý; sẽ không công bằng nếu tòa sơ thẩm chấp nhận chứng cứ một cách không thích đáng hoặc hướng dẫn sai luật cho bồi thẩm đoàn mà bị cáo không có cách nào để lỗi sai đó được sửa chữa. Ngoài cấp xem xét đầu tiên này, tòa phúc thẩm có quyền xem xét kháng cáo hoặc không. Ví dụ, theo cơ chế bình thường của bang, bị cáo có quyền kháng cáo lên tòa phúc thẩm trung gian, nhưng Tòa Tối cao của bang có quyền quyết định nhận hoặc không nhận vụ này. Tòa Tối cao Hoa Kỳ thực thi quyền này nhiều hơn hầu hết các tòa khác; hầu hết các bị cáo nếu muốn Tòa Tối cao xem xét lại vụ án của mình phải làm đơn chuyển lên tòa án cấp trên xin Tòa quyết định xử án.
Giả sử sau khi bị kết án, bị cáo có thể kháng cáo lên tòa phúc thẩm một sai sót mà tòa cấp dưới mắc phải khi xét xử, tòa phúc thẩm sẽ hủy bỏ quyết định của tòa cấp dưới và ra lệnh mở phiên tòa mới nếu họ phát hiện ra sai sót. Vì không có phiên tòa nào là hoàn hảo nên bị cáo có thể kháng cáo hai, ba thậm chí bốn lần; và thấy rằng không có sự kết án nào là không bị kháng cáo, tòa án đã cho ra đời hai học thuyết để ngăn chặn tình huống này, một học thuyết chỉ ra những vấn đề có thể được phúc thẩm còn học thuyết kia đề cập tới cách thức phúc thẩm.
Học thuyết thứ nhất nói rằng khi xét xử phúc thẩm, tòa phúc thẩm sẽ chỉ xem xét vấn đề mà bị cáo đã nêu ra tại phiên xét xử. Lý do rất đơn giản; thật vô lý khi phải lao vào vòng rối rắm và tốn thêm tiền của chỉ để mở một phiên tòa mới lẽ ra điều này có thể tránh được nếu trước đó bị cáo đã nêu vấn đề và tòa sơ thẩm đã có cơ hội sửa chữa sai lầm. Ví dụ, bị cáo không thể kháng cáo về việc cô ta bị kết án do tòa sử dụng các chứng cứ được thu thập trái phép, trừ phi luật sư của cô ta đã đề nghị loại bỏ chứng cứ đó khỏi phiên tòa.
Tuy nhiên, trong luật, mọi quy tắc đều có ngoại lệ. Ngoại lệ cho quy tắc không nêu ra là quy tắc sai lầm rõ ràng. Tòa phúc thẩm có thể khắc phục các sai sót hoặc “các khiếm khuyết ảnh hưởng tới quyền thực tế” của phiên tòa sơ thẩm ngay cả khi bị cáo không đặt vấn đề.
Học thuyết thứ hai nói rằng không phải mọi sai sót đều là lý do lật lại vụ án. Gần như đúng theo nghĩa đen, quy tắc này nghĩa là “không có hại thì không sao”. Theo quy tắc sai lầm vô hại, chỉ những sai lầm quan trọng mới có tác dụng lật lại vụ án. Khi sai lầm mà bị cáo nêu ra làm lý do kháng cáo không liên quan tới các quyền theo Hiến pháp, thì câu hỏi đặt ra là sai lầm đó đóng góp bao nhiêu phần trong phán quyết. Ví dụ, thẩm phán đã chấp nhận một bằng chứng không đủ điều kiện để chứng minh cho một nội dung, nhưng cũng có rất nhiều chứng cứ khác chứng minh cho nội dung đó, thì việc chấp nhận bằng chứng nói trên được coi là sai lầm vô hại.
Người ta có thể nghĩ rằng các sai lầm liên quan tới quyền theo Hiến pháp của bị cáo sẽ luôn là lý do lật lại vụ án. Làm sao một vi phạm đối với quyền theo Hiến pháp lại có thể vô hại được, dù xét về ảnh hưởng của nó tới bị cáo hay tác động ngăn chặn vi phạm Hiến pháp? Nhưng Tòa Tối cao đã có sự phân biệt giữa một bên là sai lầm vô hại về Hiến pháp và một bên là những sai lầm đòi hỏi việc tự động lật lại vụ án, và theo quan điểm hiện thời về vấn đề này, hầu hết sai lầm đều thuộc phạm trù đầu tiên. Ví dụ, nếu tòa án chấp nhận một lời thú tội làm bằng chứng mà lời thú tội ấy được khai khi quyền hỏi ý kiến luật sư của bị cáo bị vi phạm, thì chỉ có tiêu chuẩn sai lầm vô hại được áp dụng.
Lẽ ra chỉ cần thủ tục kháng cáo là có thể khắc phục được hầu hết sai lầm, nhưng còn có một cách khác nữa đã được áp dụng trong hàng thế kỉ qua, như một phương tiện phụ để phản đối việc kết án: lệnh câu thúc thân thể. “Câu thúc thân thể” trong tiếng La tinh có nghĩa là “anh giữ thân thể” – đó những câu lệnh đầu tiên của tòa hướng vào một viên chức chính phủ đang cầm tù một ai đó; đầy đủ câu này là “anh giữ thân thể của người này và anh phải đưa người đó ra trước tòa”. Câu thúc thân thể, còn gọi là Đại Lệnh, là thủ tục vạn năng để nghi ngờ tính hợp pháp của việc giam giữ một người. Tù nhân bị kết án và đang bị giam giữ (trên thực tế hoặc ngầm hiểu) đều có thể kiến nghị tòa án liên bang ra lệnh câu thúc thân thể nhằm vào cơ quan có thẩm quyền của bang hoặc liên bang đang giam giữ anh ta cho rằng việc giam giữ này là bất hợp pháp do sai sót pháp lý trong quá tình tố tụng dẫn tới việc giam giữ đó. (Như chúng ta đã thảo luận ở Chương 2, Tòa Tối cao cũng quyết định rằng lệnh câu thúc thân thể được dùng để phản đối tính hợp pháp của việc giam giữ tù nhân bị bắt trong chiến tranh ở Afghanistan và bị giữ như kẻ thù trong các nhà tù quân đội ở Hoa Kỳ và vịnh Guantanamo, Cuba. Như ở vụ Hamdi kiện Bộ trưởng Rumsfeld và Rasul và Tổng thống Bush, 2004).
Lệnh câu thúc thân thể là biện pháp chế tài đầy uy lực. Nó thể hiện một số nguyên tắc cơ bản: Một cá nhân chỉ có thể bị trừng phạt hình sự theo luật pháp và nhất là luật Hiến pháp, và yêu cầu này quan trọng đến nỗi tòa án sẽ đưa ra biện pháp khác bên cạnh quyền kháng cáo thông thường. Nhưng thêm một lần nữa, ở đây lại có mâu thuẫn. Nếu bị cáo có thể sử dụng lệnh câu thúc thân thể để phản đối việc kết án cô ta, thì liệu cô ta có thể sử dụng lệnh này nhiều lần để phản đối hết sai lầm này đến sai lầm khác, ngay cả những sai lầm không được xem xét khi kháng cáo trực tiếp hay không? Tòa án và cơ quan lập pháp đã và đang cố gắng duy trì sự cân bằng giữa một bên là các quyền được bảo vệ bởi lệnh câu thúc thân thể và một bên là hiệu lực thi hành cuối cùng và mối quan ngại trên thực tế về việc trừng phạt tội phạm.
Từ thập niên 70, sự cân bằng này đã chuyển hướng sang ủng hộ việc hạn chế lệnh câu thúc thân thể. Đầu tiên, theo luật hiện hành, một số vi phạm về Hiến pháp sẽ hoàn toàn không được nêu ra trong thủ tục câu thúc thân thể. Cụ thể, Tu chính án thứ 4 nêu rằng bị cáo bị kết án trên cơ sở chứng cứ được thu thập trái phép sẽ không được xin lệnh câu thúc thân thể nếu bị cáo đã có “cơ hội đầy đủ và công bằng” để khởi kiện theo thủ tục của bang. Tòa cho rằng, nếu bị cáo đã có cơ hội này, bất kể Tu chính án thứ 4 được tạo ra để có tác động ngăn chặn như thế nào đối với hành vi bất hợp pháp của cảnh sát, thì nó cũng đã được công nhận, và vì thế, không có lý do gì để bị cáo được phép khởi kiện lần nữa.
Thứ hai, trước khi xin lệnh câu thúc thân thể, bị cáo phải áp dụng mọi biện pháp khác có thể và đều không hiệu quả. Nếu quyền của mình rõ ràng bị vi phạm, trước tiên, bị cáo phải nêu vấn đề tại tòa án bang. Ngoại lệ duy nhất cho quy tắc này là khi bị cáo có nêu rõ lý do mà mình không thể yêu cầu và rằng nếu yêu cầu, bị cáo sẽ phải chịu thiệt hại, khi tòa xét xử oan sai nghiêm trọng hoặc khi không có cơ hội nào để bị cáo được bù đắp một cách hiệu quả ở tòa án bang. Dù vậy, một điều đáng chú ý là ngay cả khi bị cáo đã cố gắng chỉ ra rằng cô ta đúng là vô tội trước các cáo buộc mà cô ta bị kết án thì tòa án vẫn hiếm khi chấp nhận lệnh câu thúc thân thể.
Thứ ba, luật câu thúc thân thể liên bang cho phép tòa án từ chối đề nghị xin lệnh này của bị cáo nếu vấn đề đã được giải quyết trong các kiến nghị trước đó và nếu việc phúc thẩm không thể thực hiện được “các mục đích xét xử”. Luật cũng cho phép tòa án từ chối đề nghị xin lệnh nếu lệnh này bị lạm dụng; theo đó, sau khi bị cáo đã xin tòa ban hành lệnh câu thúc thân thể, tòa án sẽ từ chối mọi kiến nghị sau này, ngay cả những kiến nghị được đưa ra với lý do mới, trừ phi bị cáo có thể giải thích được lý do mà mình không nêu ra vấn đề trước đó và chứng minh được là bị cáo sẽ bị thành kiến nếu làm như vậy.