Lửa đắng

Chương 2

Gần một năm trước, tờ Thời luận có mấy bài phanh phui một vụ tiêu cực đất đai ở Thanh Hoa. Mấy ngày sau, trên đường từ cơ quan về nhà, trời nhập nhoạng, Tổng biên tập Phạm Năng Triển bị tạt xít vào mặt.

Cái ngày Triển ra viện là một bước ngoặt cuộc đời anh. Giám đốc, Phó giám đốc, các Trưởng Phó khoa, bác sĩ, y tá khoa phẫu thuật thẩm mỹ bệnh viện Bỏng tập trung cả trước phòng anh, chật kín cả hành lang rộng. Rất nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân các phòng xung quanh cũng kéo đến tiễn. Mấy người cơ quan, vợ con anh… Nhiều hoa quá. Triển nhận, cảm ơn rồi tặng lại những người đã tận tình cứu chữa, chăm sóc mình. Nhưng Triển không vui. Anh cực kỳ khó chịu trước cái cách mọi người tránh không nhìn mình, hoặc nhìn rồi quay vội đi. Mặt mình gớm ghiếc đến thế kia à?

Hôm qua, Triển hỏi mượn cô y tá cái gương. Cô này bảo "không có". Anh cáu: "Con gái lại không có gương trong xắc là nghĩa làm sao?" "Cháu không có thật mà!" Cô ngoắt đi, biến mất. Triển muốn xem cái mặt mình, giờ thế nào?

Về đến nhà, vừa bước vào phòng khách, anh đã sững người. Tấm gương lớn choán hết mảng tường đã biến mất. Thay vào đó là một tấm ảnh phong cảnh Nhật Bản in trên vải nhạt: hoa anh đào phơn phớt hồng soi trên hồ. Hoa anh đào phủ kín một phần toà tháp giữa hồ. Bờ bên kia cũng tràn ngập anh đào nở. Triển nhìn bức ảnh mấy giây. Cảnh đẹp này chẳng may may gợi gì trong anh. Triển vào khu phụ gần đấy.

Cái gương trên tường cũng không còn. Diệp Mai, vợ anh, một thiếu phụ trẻ đẹp, Huệ Minh, con gái anh, thừa hưởng vẻ đẹp thanh tú của mẹ, khổ người dong dỏng của cha, đứng cạnh nhau, yên lặng theo dõi phản ứng của Triển.

Hoả diệm sơn thình lình phun lửa. Anh gằn từng tiếng:

- Nếu ghê sợ cái mặt này, thì đừng nhìn nữa. Nó là mặt tôi, của tôi, hiểu không? Tôi chẳng việc gì phải xấu hổ về nó. Biết không?

Hai tiếng cuối cùng, anh hét lên, ngón tay chỉ vào cái ảnh:

- Bỏ ngay đi!

Minh chạy lại, ôm bố:

- Bố ơi! Con sẽ bỏ ngay. Mẹ con con chỉ sợ bố tủi thân thôi.

Vừa nói, Minh vừa áp má mình vào mặt bố, vào đúng chỗ nhằng nhịt những sẹo là sẹo. Nước mắt nó sưởi nóng đám sẹo ấy. Mai bắc ghế đứng lên, tháo tấm ảnh xuống.

Minh vẫn ríu rít, cố làm bố dịu lại:

- Đúng rồi bố nhỉ. Làm sao bố phải xấu hố? Có thiên hạ phải xấu hổ thì có. Họ chưa làm gì để xoá những vết sẹo của bố. Nếu không thể làm biến đi - vừa nói, bàn tay thon thả của đứa con gái rượu lớp 11 khẽ không chạm vào mặt Triển - thì cũng phải xoá đi được những vết sẹo trong lòng bố, trong gia đình mình, phải không bố? Con vẫn nhớ mấy câu của tờ Chính luận: "Những người làm báo Việt Nam, coi vết sẹo trên mặt anh là bia căm thù tội ác những thế lực đen tối. Các cơ quan bảo vệ pháp luật và chúng ta phải trả cho anh món nợ này. Phạm Năng Triển - anh hùng báo chí thời đổi mới. Tại sao không?"

Nhưng, khi tấm ảnh lớn rơi một đầu xuống, nhìn thấy mặt mình, chính Triển cũng kinh hãi, giật mình lùi lại. Minh ôm chặt lấy bố, khóc oà lên. Triển vội nhắm mắt lại. Rồi lại mở to, như cố nhìn cho rõ sự thật phũ phàng, tàn nhẫn. Anh nghiến răng, quai hàm bạnh ra. Lắc đầu. Lắc đầu. Rồi lại gật gật hai cái. Không hiểu động tác ấy có nghĩa gì.

Lời con gái làm Triển dịu lại. Tóc nó thơm. Má nó thơm. Da thịt nó, thơm lạ lùng mùi thơm da thịt mẹ nó. Cái mùi thơm quen thuộc ấy, lại cách anh rất xa. Mai bắc ghế, tháo nốt đầu bên kia tấm ảnh. Cái việc tưởng như ý tứ, tế nhị này, chứng tỏ chị không hiểu anh. Hoặc là chị cứ làm như thế…, anh cứ gằn câu ấy… Nhưng chạy lại với anh không phải là con gái… Mùi thơm quấn quít bên anh, không phải là của con gái, thì lòng anh đã mềm đi, và có thể lại nóng lên rồi.

Triển nhắm mắt lại.

Hồi ấy, Minh mới hơn hai tuổi. Nó sốt li bì. Mai đi công tác xa. Triển đưa con vào bệnh viện. Hôm sau Mai về.

Chị nhào vào với hai bố con. Cái giường bồ con nằm ở góc phòng, giáp tường. Đêm ấy, đợi con ngủ, Mai đã tháo một bên dây màn giáp tường, mắc cả sang hai cọc màn phía ngoài, thành hai lớp màn che. Hai cọc màn phía chân giường, chị treo, nào quần ngoài của chồng, nào áo rét, làm thành bức bình phong. Chị nằm nép bên con, bàn tay biết nói, đạo diễn chồng, thực hiện mỹ mãn một cuộc làm tình du kích có một không hai…

Triển choàng tỉnh. Nước mắt lạnh má con gái. Những ngón tay thon dài của nó đón dòng nước mặn chát từ đôi mắt vẫn còn nguyên lành của bố. Đôi tay thon dài của Mai vẫn đang loay hoay tháo tháo, cởi cởi sợi dây buộc tấm ảnh.

Minh cảm thấy mẹ cố tình làm mãi không xong việc đơn giản ấy để không phải nhìn bố nó lúc này. Sực nhớ điều gì, nó nói:

- Có một cô phóng viên nào đó gọi điện hỏi thăm bố, nói là sẽ xin phép được phỏng vấn.

Triển gật gật thay câu trả lời. Mai lườm con:

- Thôi đi cô, đừng có rách việc. Thế này còn chưa đủ à?

Triển hiểu trong suy nghĩ của vợ, từ "thế này" ám chỉ gì.

Sáng hôm sau, xe cơ quan đến đón Triển đi làm. Đấy là quyết đinh của cơ quan, khi anh nằm bệnh viện. Từ nay, đi làm hay đi bất kỳ đâu, với bất kỳ việc gì, vào bất kỳ thời điểm nào, anh đều phải đi bằng xe cơ quan. Trong khi anh nằm bệnh viện, chú lái xe đã được gửi đi huấn luyện võ thuật và nghiệp vụ bảo vệ yếu nhân ở một công ty vệ sĩ.

Cả toà soạn chuẩn bị cho giây phút này. Một áp phích chữ xốp trắng trên nền đỏ: Chào mừng Tổng biên tập Phạm Năng Triển!

Triển vừa mở cửa xe bước ra, anh chị em đã tay vỗ, miệng hoan hô rầm rầm.

Triển ngẩng cao đầu, nhìn thẳng vào mắt mọi người. Khi gặp một khuôn mặt nữ, anh dừng lại lâu hơn. Hai Phó tổng biên tập chạy ra, môi người một tay, dắt anh vào phòng họp.

Phó tổng biên tập thường trực, thấy Triển vừa ngồi xuống, chẳng thưa gửi gì, nói như hét lên:

- Phạm Năng Triển - linh hồn Thời luận! Phạm Năng Triển - anh cả chúng ta! - dừng lại một tí, như lựa lời, anh ta hét tiếp - cũng tức là… là… chim đầu đàn của chúng ta!

Hai tiếng cuối cùng, anh ta cao giọng, dài giọng kiểu "hội chứng Lại Văn Sâm". Mọi người vỗ tay, cười nắc nẻ.

Triển đứng phắt dậy, mắt long lanh, giọng nghiêm trang hẳn hoi:

- Người ta làm phẫu thuật mặt tôi, chứ có làm phẫu thuật cái kia để đổi giới tính đâu. Tôi vẫn là… chim đầu đàn đấy chứ. Việc gì phải hét lên như thế - anh phẩy tay rất kịch - vớ vẩn.

Mọi người cười rũ ra. Mấy tay lém lỉnh, không biết tán nhảm thêm gì về nhóm từ "chim đầu đàn", làm đám con gái ré lên. Chả ai nghe được ai nói gì. Bỗng bật lên một tiếng hô lớn:

- Chúng ta nâng cốc chúc mừng thủ trưởng nào!

°°°

Hôm sau, thứ ba. Theo thông lệ, là ngày giao ban báo chí trên ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương. Đầu giờ, Phó tổng biên tập thường trực đắn đo mãi mới nhắc Triển. Người khác thì đã thuê làm một chiếc mũ riêng, hoặc một dải khăn che mặt. Và đương nhiên là không muốn xuất hiện trước đám đông, không muốn giao tiếp. Không biết ý thủ trưởng mình thế nào? Không khí vui vẻ sáng qua, cho thấy ông không hề mặc cảm về cái mặt ghê sợ của mình. Nhưng đấy là với anh em trong cơ quan. Còn với các lãnh đạo báo chí toàn miền Bắc? Vì thế, làm như không có chuyện gì, anh chỉ nhắc để thủ trưởng khỏi quên, sau một thời gian gián đoạn công việc.

Không ngờ Triển trả lời:

- Hôm nay tôi sẽ ra mắt giới báo chí. Từ lần sau, cậu đi thay tôi.

°°°

Triển đến sát giờ họp. Anh không biết các bạn đồng nghiệp sẽ có thái độ thế nào khi mình xuất hiện. Xót xa, ái ngại? Căm thù, nguyền rủa? Chia sẻ, cảm thông? Nhụt chí, nản lòng? Co lại, giữ mình? Ngổn ngang những phán đoán mơ hồ. Anh mở cánh cửa phía cuối hội trường đã đóng, quay người khép lại.

Thình lình, có ai đó gọi giật tên anh. Lập tức tiếng vỗ tay nổi lên. Các quan chức ngồi phía trên không hiểu chuyện gì đứng cả dậy, nhìn về cuối hội trường. Tiếng vỗ tay loang rộng ra. "Phạm Năng Triển!". Có ai đó nói to như để giải thích. Triển xúc động thật sự. Anh loay hoay tìm chỗ ngồi. Có ai đó dắt tay anh lên phía trên. Đến lượt các đồng chí lãnh đạo cũng vỗ tay theo

Ông Thụ, Trưởng ban, đến tận nơi dắt tay Triển, như thế dẫn một người cao tuổi, hay một người khiếm thị, ngồi vào chỗ trên cùng. Mọi người im phăng phắc. Người ta đợi xem ông nói gì. Liệu có trúng tâm trạng, suy nghĩ của họ không. Hay chỉ là những lời suông tình suông?

Người nhỏ nhắn, còm nhom, tóc cắt cao, tuổi tác làm lưng ông hơi gù, đôi mắt nheo nheo đặc biệt tinh tường, tưởng có thể nhìn thấu tâm can người khác. Có người gọi ông là nhà ngoại cảm tư tưởng. Bởi ông thường giải thích xác đáng những hiện tượng xã hội, hiểu thấu đáo suy nghĩ của người này, người khác dẫn đến bài báo này, vài cái tin kia của họ

Ông đứng kia, đưa mắt nhìn toàn cảnh hội trường một lượt không bắt đầu bằng những câu thường lệ, nét mặt hoan hỉ:

- Đây là tự phát- ông giơ hai tay ngang mặt - bây giờ là chỉ đạo (cười), chúng ta chính thức vỗ tay hoan hô đồng chí Phạm Năng Triển.

Đợi cho tiếng vỗ tay ngớt, ông nói:

- Tôi chỉ có hai ý nhỏ này thôi: mỗi nhà báo hãy là một Phạm Năng Triển; mỗi tờ báo hãy là một tờ Thời luận. Mong rằng trên đất nước chúng ta, làm báo không phải là một nghề nguy hiểm như đồng chí Phạm Năng Triển phải hứng chịu.

Cả hội trường vỗ tay, đồng tình với ý kiến người anh lớn làng báo Việt Nam. Ông Thụ cúi xuống hỏi Triển:

- Đồng chí nói với anh em chúng tôi một vài câu chứ?

Triển đứng dậy, nhìn mọi người trong giây lát. Những người ngồi phía bên phải, vẫn thấy gương mặt đàn ông chữ điền, đầy đặn, cương nghị và quyết đoán của anh. Những người ngồi phía bên trái, phía kẻ đi vượt lên, tạt axit vào mặt anh, mới thấy những vết sẹo sâu, nhằng nhịt. Dù đã được bàn tay khéo léo của vị giáo sư phẫu thuật thấm mỹ giỏi nhất nước dùng kỹ thuật vi phẫu vá đi vá lại nhiều lần, vẫn không ai dám nhìn lâu. Chỉ mới đưa mắt nhìn thoáng, họ còn thấy đau, nữa là anh phải mang nó suốt đời.

Chị Nhâm, Tổng biên tập tờ Chính luận, cùng khoá đại học Tổng hợp Văn với anh, nhắm mắt lại vẫn thấy khuôn mặt người sinh viên thông minh, học giỏi ngày nào. Chị mở mắt, nhập hình ảnh ấy vào hình ảnh anh lúc này, lặng lẽ khóc. Hai người bạn trai, cùng khoá Triển, đang ngồi phía cuối hội trường, từ nãy đã đi lên bắt tay anh, ngồi ghé vào mép ghế gần anh, như một sự chia sẻ.

Triển nhìn hai người bạn. Lại đưa mắt tìm người bạn gái. Bốn mắt gặp nhau. Triển báo:

- Đừng khóc bạn ơi… Tôi bị hại chính vì báo chí chúng ta là một vũ khí cực kỳ sắc bén, cực kỳ lợi hại. Hy vọng Thời luận không đơn độc trong cuộc đấu tranh cho cuộc sống tử tế cho những việc tử tế, cho những người tử tế

Ông Thụ bắt tay, cảm ơn Triển trong tiếng vỗ tay rào rào.

Sau khi ông Vụ trưởng vụ Báo chí đánh giá toàn cảnh hoạt động báo chí trong tuần, ông Thụ đứng dậy. Ông phê bình một tờ báo đã nêu tên thật một cô gái mại dâm, cả nơi cô ta ở, khiến con cô ta phải sang một địa phương khác học, vì bọn bạn khinh miệt, không chơi với nó.

Đôi mắt sáng toé lửa, ông gay gắt:

- Có thể một số cô gái chọn việc làm này. Nhưng, nhiều người bị đẩy vào con đường này. Các anh không để cho người ta sống nữa à?

Ngừng một lát như cân nhắc, ông thẳng thừng:

- Thứ hỏi những ai vào nhà nghỉ, khách sạn "làm việc" với những người như mẹ nó?

Cả hội trường im lặng.

Bất ngờ, ông tung ra một câu choáng người:

- Chính các bố chứ ai?

Vừa nói, ông vừa hua tay chỉ xuống dưới, nơi các tổng biên tập ngồi.

Sao ông ta dám nói thế nhỉ? Ngón tay hua hua thế kia, tức là chỉ tất cả đấy, không trừ ai đâu. Vậy mà các bố vốn tinh tướng cứ thin thít như thịt nấu đông. Không một ai phản ứng gì.

Mà phản ứng thế nào, khi bên công an đã thống kê, một tỉ lệ không nhỏ những người mua dâm là công chức nhà nước. Thì đã chẳng có mấy bố, đi dự Đại hội, mà tối còn rời nhà khách Trung ương, vào khách sạn "làm việc" với gái bán dâm, bị công an bắt tại trận là gì?

Những năm mới giải phóng miền Nam, đã chẳng có câu vè kiểu Bút Tre giễu mấy bố miền Bắc đi công tác là gì:

Không đi không biết Sài Gòn

Đi về trong túi không còn một xu.

Nói ra thì bảo rằng ngu

Cái mồm ăn một, thằng cu ăn mười.

Nói ra sợ thủ trưởng cười

Hoá ra thủ trưởng gấp mười lần em!

Bây giờ, trong Nam ngoài Bắc, đô thị càng to, cái thứ dịch vụ sinh lý ấy càng lắm, với những biến tướng đủ kiểu, ngày càng tinh vi. Quy mô không chỉ xuyên tỉnh, xuyên vùng mà còn xuyên Bắc Nam, xuyên quốc gia nữa kia. Chỉ ới một cái là mấy cô chân dài, có cả người mẫu, diễn viên bay từ Hà Nội vào Sài Gòn phục vụ các đại gia xong lại bay ra.

Giám đốc, tổng biên tập, toàn cỡ có sừng có mỏ. Cứ thứ vô cớ động vào xem. Chả bị húc thủng tim, mổ mù mắt ngay. Đằng này ngồi im, nghĩa là ông già ngoại cảm tư tưởng kia nói đúng quá. Còn ông ta chỉ ai, kệ ông ta, không chỉ đích danh mình là được rồi! Người ta hiểu ông nói với tinh thần phê phán, chứ không nham cụ thể một ai.

Ông nói cũng thế mà viết cũng thế. Cực ngắn. Chỉ thế. Không hơn. Hãn hữu mới như hôm nay. Ông nói thêm:

- Đúng chính các bố công chức nhà ta, các bố đại gia, trung gia, tiểu gia… chứ ai.

Rồi ông hạ giọng bảo:

- Đấy là tôi lưu ý các đồng chí đến cái tình người, cái vị tha. Các đồng chí thông cảm cho!

Nhiều người rùng mình. Sợ khiếp lên được. Nhưng vẫn kính nể. Người ta tâm phục, khẩu phục không phải vì ông là người lãnh đạo cao nhất ngành văn hoá tư tưởng, mà vì ông từng là nhà quản lý báo chí, người làm báo, người viết báo có hạng. Điều quan trọng nhất là ông nói cấm sai.

Đợi cho câu chuyện đủ ngấm, ông mới tiếp:

- Việc thứ hai tôi muốn trao đổi với các đồng chí. Vì sao các đồng chí né tránh những tiêu cực ở địa phương mình, ở cơ quan chủ quản của mình, nhất là cơ quan lãnh đạo. Hoặc chỉ nói khi đã có kết luận mười mươi của các cơ quan chức năng? Thế chẳng hoá ra có vùng cấm thật à? ông nào cũng lớn tiếng đòi tự do báo chí, sao không xông vào vụ bê bối đất đai cũng biết ở Thanh Hoa đi. Tôi hỏi mấy ông Thanh Hoa đấy!

Điều này thật khó nói, tuy tất cả các tổng biên tập đều có thể nói được. Đây không phải lần đầu ông nêu vấn đề này và cũng không phải chỉ ông nêu ra. Nhưng lần này, chuyện của Thanh Hoa như thế mà cả cánh báo chí Thanh Hoa, của cả Đảng bộ lẫn các cơ quan, đoàn thế đều im lặng làm ông bức xúc.

Chúng tớ chơi bài im lặng. "ông ấy chừa mình ra". Mặc dầu, rỡ ràng là ông Thụ nói tất cả. Đến cả Tổng biên tập Nhật báo Thanh Hoa, Giám đốc đài Truyền hình Thanh Hoa, Giám đốc đài Phát thanh Thanh Hoa cũng chả dại gì đứng dậy. "Kệ bố ấy. Bố nói đúng đấy, nhưng chúng tớ coi im lặng là vàng. Hỏi mà không ai trả lời thì thôi chứ gì".

Đột nhiên có một người đứng dậy. Ông Thụ ngạc nhiên lắm:

- Đồng chí ở báo nào đấy?

- Báo cáo, tôi… không ở báo nào ạ.

- Thế sao đồng chí lại tham gia cuộc giao ban này?

- Thưa đồng chí, chính vì tôi không ở báo nào nên mới có ý kiến ạ. Tôi là Công, làm công tác quán lý báo chí ở sở Văn hoá Thông tin Thanh Hoa ạ.

Tò mò và thích thú, ông Thụ gật gù như tự nói với mình:

- Hay đấy! Chắc đồng chí phát biểu dưới góc nhìn của người quản lý.

Công tỏ ra tự tin:

- Vâng, tất nhiên là như thế ạ. Nhưng trước hết tôi phát biếu dưới góc nhìn của những người làm báo ạ. Tôi xin khẳng định hai điều tai ngược nhau: thứ nhất, không có vùng cấm đối với báo chí. Đúng như đồng chí nói. Thứ hai: bất kỳ tổng biên tập nào cũng là Tôn Ngộ Không, đều bị cái vòng kim cô của Quan Thế âm Bồ Tát xiết chặt trên đầu. Nói khác đi, về danh nghĩa thì không có vùng cấm, nhưng thực tế phổ biến, thực tế tuyệt đối lại có. Chỉ tại chúng ta duy ý chí quá nên không chịu thừa nhận thôi ạ!

Mọi người đều chăm chăm nhìn về cuối hội trường, hàng ghế cuối cùng nơi Công đứng. Mấy người ngồi trên xoay người lại nhìn anh nói. Ông Thụ hết sức tập trung tư tưởng nghe. Thấy anh ngừng lại, ông khuyến khích:

- Đồng chí nói tiếp đi!

- Vâng, tôi xin trình bày tiếp suy nghĩ của mình. Chắc chắn tất cả các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí có mặt ở đây đều biết điều ấy. Xâm phạm vùng cấm ấy (tức là các cơ quan chủ quản của mình) là trái với quy tắc ứng xử. Người ta mời mình về, đề bạt mình, tăng lương mình, khen thưởng mình v.v… sao mình "đánh" lại? Mặc dù về pháp lý mình hoàn toàn có quyền làm thế. Cứ như con vác gậy đánh bố ấy. Nếu ai làm, sẽ bị trả giá ngay. Đã từng có hai vụ như thế: tổng biên tập một tạp chí ở trung ương buộc phải ra đi, còn một tờ báo ở Thanh Hoa thì bị giải thế, tổng biên tập dĩ nhiên là bị… "giải giáp"!

Ở dưới có những tiếng trao đổi nhỏ:

- Cha này cứng cựa thật!

- Ông ấy nói đúng quá rồi còn gì.

- Ai chả biết, chỉ có điều không nói ra thôi.

- Cha này viết nhiều về công tác quản lý nhà nước hoạt động báo chí, xuất bản.

- Đúng rồi, ông ta còn có bài về đề tài này ở tạp chí Cộng sản đấy.

Công tiếp:

- Cho tôi nói nốt. Tôi không được đi nhiều nước, không có điều kiện tìm hiểu chuyện này. Nhưng tôi cam đoan với các đồng chí, đâu cũng thế thôi ạ. Đấy là tất yếu. Tuy chỉ thuộc về quy tắc ứng xử giữa người và người, nhưng xét cho cùng cũng là vấn đề đạo đức. Vì thế xin đồng chí đừng mắng mỏ anh em. Tội lắm. Không thể nào khắc phục được đâu. Mặc dù, không ai biết rõ tiêu cực, sai trái ở cơ quan chủ quản mình bằng mình. Đành cho qua. Nếu mạo hiểm, cái vòng kim cô nó xiết cho ngay. Nhưng anh em chúng tôi chả thiếu gì cách, bức xúc lắm thì tạo điều kiện cho đồng nghiệp "đánh hộ"

Ông Thụ lắng nghe, phải công nhận là tay này nói đúng

Ông hỏi:

- Tôi chưa nghe đồng chí phát biểu dưới góc độ nhà quản lý.

Công đưa tay vuốt mở tóc bạc vừa xoà xuống:

- Vâng ạ. Với việc quản lý nhà nước, không thể kêu gọi "tăng cường", "nâng cao", "quán triệt", tôi xin đưa ra một kiến nghị thuộc về cơ chế, thuộc về luật pháp. Trước nay khi bổ nhiệm hay miễn nhiệm giám đốc, tổng biên tập, cơ quan chủ quan vẫn đề nghị bằng văn bản lên bộ Văn hoá Thông tin. Luật chỉ quy định thế. Nhưng thật ra bộ Văn hoá Thông tin còn phải trao đổi với Ban đồng chí. Khi nào hai bên nhất trí trả lời bằng văn bản thì cơ quan chủ quản mới được phép ra quyết định bổ nhiệm hay miễn nhiệm. Phải vậy không ạ? Bây giờ tôi đề xuất, làm ngược quy trình ấy…

Nhiều tiếng trao đổi nhỏ. Công lợi cho lắng đi mới tiếp:

- Tức là, cơ quan chủ quản cứ trình lên. Sau khi Bộ và Ban đi nhất trí bằng văn bản thì chính Bộ ra quyết định bổ nhiệm hay miễn nhiệm, chứ không phải cơ quan chủ quản.

Tiếng trao đổi rào rào. Ông Thụ và các cán bộ, chuyên viên Ban ngẫm nghĩ. Ông Thứ trưởng, ông Vụ trưởng vụ Báo chí bộ Văn hoá Thông tin bất ngờ với ý kiến lạ lùng này.

Công nói to, át cả tiếng ồn ào:

- Có thể đề xuất của tôi hơi trái tai phải không ạ. Nhưng nhìn ra các ngành khác như thanh tra, kiểm sát, thuế… đều do ngành dọc bổ nhiệm đấy chứ ạ. Tất nhiên giải pháp này chỉ hạn chế phần nào cái khó cho các tổng biên tập trong việc chống tiêu cực, sai trái ở các cơ quan chủ quản. Bởi, gì thì gì nó vẫn không phù hợp với quy tắc ứng xử giữa người và người. Thật ra tôi phát biểu ý kiến này chỉ để đồng chí đừng nghĩ rằng các tổng biên tập không quán triệt lời đồng chí. Lẽ đời nó thế. Luật đời nó thế. Làm sao cưỡng lại được ạ?

Công ngồi xuống, cảm thấy hài lòng về ý kiến mình

Ông Thụ đưa mắt nhìn cả hội trường:

- Phải thừa nhận, ý kiến đồng chí Công… có cái lý của nó, có cái tình của nó, có cái thực tế của nó. Chúng ta cùng suy nghĩ tiếp. Trong việc này, có lẽ… tôi duy ý chí thật các đồng chí ạ. Mời các đồng chí nghỉ.

Ông đi nhanh về phía hội trường, mắt vẫn hướng về phía Công. Lẽ ra, ngồi gần cửa, Công ra khỏi hội trường trước nhiều người rồi. Nhưng anh nán lại. Vốn ngưỡng mộ ông, nên nghe câu vừa rồi, lại thấy mắt ông hướng về phía mình, anh chờ ông đi tới.

Ông bắt tay Công, đôi mắt sau cặp kính trắng lấp lánh:

- Vừa dũng cảm, vừa hợp lý. Cảm ơn đồng chí!

°°°

Nhiều ngày, sau cuộc họp giao ban báo chí cuối cùng Triển dự ấy, ông Thụ được Văn phòng "Cụ" mời lên làm việc. "Cụ" hỏi ông, tình hình báo chí gần đây, có gì đặc biệt? Đồng chí Tổng biên tập bị tạt axit đã về làm việc phải không?

Mấy chục năm trước, xuất thân từ một người cán bộ chuyên trách công tác Đảng, chỉ vì mê viết báo mà ông từ chối đề bạt vào chức vụ cao hơn hẳn công việc đang làm, đế đi làm báo. Cái mẫn cảm chính trị mách bảo ông, những câu hỏi như thế chỉ là mào đầu. Ông chờ "Cụ" đưa ra vấn đề, mà vì nó, ông bị gọi lên.

Y như rằng.

- Tôi nghe nói, đồng chí yêu cầu các báo noi gương tờ Thời luận phải không?

"Thế nghĩa là đã có anh bạn nào mách đây. Có thể, người cơ quan, mà cũng có thể ngoài cơ quan. Chả cần biết ai tâu. Bây giờ loại người như thế hơi… sẵn. Kệ! Mình cứ đàng hoàng nói rõ chính kiến của mình".

- Báo cáo đồng chí, đúng thế ạ!

- Liều nhỉ? - "Cụ" truy kích – Kể cả báo Đảng?

Không chút ngần ngừ, ông trả lời luôn:

- Vâng, kể cả báo Đảng.

"Cụ" đưa ra lập luận, và tin rằng mình sắp dồn người đối thoại vào ngõ cụt:

- Thế nghĩa là, báo Đảng không còn giữ vai trò lãnh đạo báo chí?

- Báo cáo đồng chí, tôi nghĩ, báo Đảng chưa bao giờ giữ vai trò lãnh đạo báo chí.

"Cụ" muốn ông nhắc lại lần nữa, để đừng hòng chối:

- Đồng chí nói là…

- Vâng, tôi nói là, báo Đảng chưa bao giờ giữ vai trò lãnh đạo báo chí. - ông Thụ hết sức tự tin.

Ái chà, to gan lớn mật thật. Ông không nhìn thấy cái đầu "Cụ" khẽ gật gật vẻ đắc thắng. Ông nheo mắt nhìn "Cụ" sau cặp kính cận:

- Đồng chí cho phép tôi trình bày suy nghĩ của mình?

- Đồng chí cứ nói!

- Báo cáo đồng chí, mỗi đơn vị báo chí, kể cả báo in, báo nói, báo hình báo điện tử đều đặt dưới sự lành đạo: về tổ chức của cơ quan chủ quản; về pháp luật của bộ Văn hoá, Thông tin; về nghiệp vụ của hội Nhà báo Việt Nam, về tư tưởng là Đảng, cụ thể là của ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương. Vì thế mới có việc, chúng tôi giao ban hằng tuần với những người đứng đầu cơ quan báo chí. Các tổng biên tập, có thể học tập nhau, chứ không có báo nào lành đạo báo nào, dù đấy là báo Đảng.

"Cụ" nghe toàn một thứ lập luận lạ tai, trái hẳn với suy nghĩ của mình. Cái tay này liều thật. Dám nói toạc ra, chẳng vòng vo, tránh né gì cả. Cần thiết phải có một sự chấn chỉnh hẳn hoi. Với kiểu suy nghĩ này, chả trách lĩnh vực tư tưởng văn hoá cứ rối như canh hẹ, Trưng ương luôn phải để mắt tới.

"Cụ" sửa lại chiếc kính, nhìn xoáy vào mắt ông Thụ, chuyển câu hỏi sang hướng khác, lần này cũng lại tin rằng người đối thoại sẽ bị chiếu tướng:

- Thế theo đồng chí, vị trí, vai trò của báo Đảng trong làng báo như thế nào?

- Báo cáo đồng chí, báo Đảng có nhiệm vụ phổ biến đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh hoạt động thực tiễn theo đường lối chủ trương chính sách ấy v.v… Các văn kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước được đăng tải chính thức ở đây. Các báo khác, thường chỉ tóm tắt hoặc đưa tin về các văn kiện có thôi. Còn nhiệm vụ chủ yếu của nó là thông tin những chủ trương, đường lối, chính sách, công việc của cơ quan chủ quản của nó. Vì thế cũng có thế nói có báo lớn, báo nhỏ, tức là báo của Trung ương và địa phương, của ngành lớn như quân đội, nhỏ như chuyên ngành khảo cổ chẳng hạn. Nhưng nếu xét về phạm vi ảnh hưởng thì có khi một tờ báo nhỏ lại có ảnh hưởng hơn cả một tờ báo lớn.

- Đồng chí nói thế là có ý nói, báo Đảng ảnh hưởng không rộng bằng một tờ báo nào đó chứ gì?

- Tôi xin lỗi, có thế từ "ảnh hưởng" tôi dùng không chuẩn lắm. Nói thế này thì ổn hơn: tác động của mỗi tờ báo đến dư luận là khác nhau.

- Ừ thì nói, tác động đến dư luận của báo Đảng không bằng một số tờ báo khác chứ gì?

- Báo cáo đồng chí, đấy là điều tự nhiên. Mỗi báo có một chỗ đứng của mình trong bạn đọc. Không báo nào thay được báo nào. Ví dụ báo cho các cháu mẫu giáo, nhi đồng không thể tác động đến dư luận như các báo cho người lớn rồi. Nó chỉ phục vụ cho các cháu nhỏ. Có một số tờ báo đoàn thể ở địa phương nhưng lại tác động rất mạnh đến dư luận cả nước.

"Không biết, "Cụ" còn dồn đuối mình đến đâu? Động đến cái gì cũng phải trình bày, giải thích thế này thì mệt quá".

Một ý nghĩ chợt đến. Ông Thụ thoáng đắn đo. Cuối cùng cũng nói ra ý mình:

- Báo cáo, đồng chí cho tôi được hỏi thật. Hằng ngày đồng chí có đọc tờ Thời luận không ạ?

- Sao không đọc? Đồng chí cho tôi là loại người gì thế?

Bụng cười thầm, ông Thụ hỏi tiếp:

- Thưa, đồng chí cũng vẫn đọc báo Đảng chứ ạ?

"Cụ" có ý không bằng lòng. "Sao nó dám hỏi mình thế nhỉ?". "Cụ" không hề biết, nó đang dẫn mình vào bẫy của nó

Ông Thụ không đợi trả lời, hỏi tiếp:

- Thưa…, đồng chí đọc báo Đảng mất bao nhiêu phút, đọc Thời luận mất bao nhiêu phút. Tính trung bình thôi ạ.

Gì thì gì, lúc này ""Cụ"7, cũng vẫn là người thành thật. Hai người đều có một điểm chung là dám nhìn thẳng vào sự thật.

Đến đây, "Cụ" cười thân thiện thừa nhận:

- Ờ, ở có thế thật. Thú thật là, nhiều khi chỉ xem lướt báo Đảng thôi, chứ không đọc kỹ. Bởi hầu hết vấn đề mình nắm được rồi. Còn cái "thằng" Thời luận …, nhiều thông tin thật.

- Thưa đồng chí, nhiều tờ báo của các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Tổ quốc, là những chiến sĩ xung kích trong mặt trận chống tham nhũng, chống tiêu cực đấy ạ.

Chưa hết, "Cụ" tiếp tục xoay:

- Còn một vấn đề nữa, tôi cũng trao đổi. Đảng đã có chỉ thị về công tác báo chí. Bên chính quyền còn có quy hoạch phát triển báo chí nữa phải không? Nhưng càng quy hoạch thì số đầu báo lại càng tăng là nghĩa làm sao? Nguyên nhân là gì và trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Thụ ngán ngẩm quá, nhưng không có cách gì khác ngoài việc kiên nhẫn giải thích:

- Báo cáo đồng chí, chúng ta đã có luật Báo chí, rồi lại có luật Báo chí bổ sung, sửa đổi. Trong đó có quy định rõ điều kiện ra báo. Nếu một tổ chức, cơ quan, đơn vị, có đủ điều kiện ra báo theo luật định, thì phải cho người ta ra chứ ạ? Tất nhiên trừ các tổ chức tư nhân rồi.

- Thế nghĩa là, số đầu báo cứ tăng lên mãi, đúng như tôi nói chứ gì?

- Báo cáo đồng chí, đúng thế ạ. Là bởi vì, thêm một tổ chức ra đời, thì về nguyên tắc nó còn một cơ quan tuyên truyền của mình. Ví dụ, khi ta có thị trường chứng khoán thì thế nào cũng phải có một tạp chí hay tờ báo về chứng khoán. Khi có bộ Tài nguyên Môi trường, ta phải có báo cho nó chứ ạ. Có những chuyên môn, mãi đến giờ ta mới biết như: y tế thảm hoạ, như quan hệ công chúng, công tác xã hội v.v… Mở cửa ra mới thấy ta lạc hậu quá so với thiên hạ. Thêm nữa, về quy luật, số đầu báo sẽ phải ngày một tăng, vì thị trường báo chí sẽ phân hoá đối tượng phục vụ cho sát hợp hơn. Vì thế, sẽ có những tờ báo chỉ có một số bạn đọc rất hạn chế. Ví dụ báo chữ nổi của người khiếm thị chẳng hạn. Có nước, người ta còn ra báo cho những người đồng tính luyến ái cơ ạ… Tất cả các tổ chức, cơ quan đơn vị đều có nhu cầu tuyên truyền, đều dành kinh phí cho tuyên truyền. Khi ra báo, ngoài kinh phí tuyên truyền rất hạn hẹp này, anh phải tự chủ về tài chính. Nếu không đứng được, anh phải bị loại khỏi cuộc chơi. Ở ta, nếu tất cả các báo đều phải tự hạch toán thì chắc chắn không ít tờ phải tự đình bản.

Càng nghe, "Cụ" càng vỡ ra. Nhưng nhiều điểm "Cụ" không bằng lòng:

- Thế nên, hiện tượng trùng lặp thông tin là vô cùng phổ biền. Lãng phí hàng tấn giấy mỗi ngày chứ chả ít đâu

Ông Thụ tỏ ra ngạc nhiên:

- Báo cáo đồng chí, chuyện ấy, tôi nghĩ là đương nhiên chứ ạ. Vì đồng chí hay tôi, có điều kiện hoặc trách nhiệm đọc nhiều báo, mới thấy trùng lặp. Chứ người dân bình thường, chỉ mua một tờ báo thì họ không thấy có sự trùng lặp ấy được. Các báo ra cùng một thời điểm, tuỳ theo chức năng nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm cung cấp cho bạn đọc những thông tin thời sự nổi bật nhất. Chỉ có báo chuyên ngành, không ra hằng ngày, không còn tính thời sự, mới không đăng những thông tin thời sự nồi bật ấy thôi. Nếu có, họ sẽ tóm tắt.

- Đồng chí nói thế nghĩa là mặt trận báo chí đang phát triển bình thường.

- Thưa vâng, nó đang phát triển tự nhiên theo quy luật. Còn tính thương mại, chuyện câu khách rẻ tiền, quảng cáo không đúng pháp lệnh, chuyện thông tin không chính xác, không chịu cải chính, lại nói trẹo đi là "Nói lại cho rõ", chuyện đạo đức nghề nghiệp một số người làm báo kém cỏi, chuyện viết thuê, làm tiền, thậm chí tống tiền v.v… là chuyện cần chấn chỉnh, thậm chí bị truy tố ạ. Đấy là trách nhiệm của chúng tôi chưa phối hợp tốt với bên bộ Văn hoá Thông tin và hội Nhà báo ạ.

"Cụ" ngộ ra nhiều điều. "Gọi nó lên định bụng cho một trận, ai dè lại bị nó lên lớp lại. Có vẻ nó chẳng e dè, nể trọng mình. Cái chết nhất là mình không thể bác lại nó". Ông Thụ "thừa thắng xốc tới", liền nói luôn, để sau này khỏi bị hoạnh nữa:

- Còn một việc này đồng chí không phê bình, tôi cũng thành thật nhận là: hoạt động xuất bản và báo chí, năng động từng ngày, từng giờ, từng phút mà đến nay vẫn chưa xây dựng được một cơ quan nghiên cứu về báo chí và xuất bản để việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hai lĩnh vực này cho khoa học hơn, hiệu quả hơn. Đây là một khuyết điếm lớn ạ.

"Cụ" gật gật liền mấy cái. Lần này là gật bằng lòng, rồi đứng dậy, đành vui vẻ chìa tay ra trước:

- Cảm ơn đồng chí đã giúp tôi hiểu thêm nhiều điều về hoạt động báo chí - "Cụ" cười nói thêm - Tôi quan liêu và duy ý chí quá nhỉ?

Ông Thụ cười chia sẻ:

- Bệnh chung của chúng ta mà, thưa đồng chí.

Với "Cụ" thật ra không phải chỉ là quan liêu, duy ý chí. Có thể, còn nhiều lý do khác nữa kia - ông Thụ nghĩ bụng.

Ông Thụ đang làm công việc mà nhiều người cho là duy ý chí. Nhưng, chính họ cũng phải thừa nhận, ông là người ít duy ý chí hơn cả. Ông xử lý nhiều việc đạt đến mức khoa học - khoa học tư tưởng. Vì thế, lập luận của ông không dễ gì bắt bẻ được. Những bài báo ngắn của ông như những phát súng bắn tỉa của một xạ thủ cự phách. Đã nhằm vào đâu, y như rằng hạ gục mục tiêu. Thấy bài của ông, người ta phải đọc to lên cho sướng mồm. Những người xung quanh nghe cũng sướng tai. Làm sao có được như thế? Chỉ có thể giải thích, ấy là nhờ ông luôn bám sát đời sống.

Chính thực tiễn cuộc sống trong nước và thế giới mà ông luôn cập nhật, bám sát giúp ông có cái nhìn khoa học.