Lời nói của tình yêu

Lời nói của tình yêu

Con gà trống to lớn yêu quý của em.

Anh không viết thư cho em và cũng đã lâu lắm anh không đến với em. Lâu lắm rồi em chẳng được trông thấy anh. Có phải anh đã hết yêu em? Tại sao lại thế? Em có lỗi gì nào? Hãy nói cho em biết đi, tình yêu của em! Em thì em yêu anh rất nhiều, rất nhiều, rất nhiều! Em muốn lúc nào cũng  luôn có anh bên cạnh, muốn ngày nào cũng được ôm hôn anh, muốn gọi anh bằng tất cả những cái tên trìu mến chợt nảy ra trong óc em, ôi trái tim của em, con mèo yêu quí của em. Em tôn thờ anh, em tôn thờ anh, em tôn thờ anh, ôi con gà trống đẹp đẽ của em.

Con gà mái nhỏ của anh,

 

SOPHIE

 

Cô bạn gái thân mến của anh,

Chắc chắn em sẽ không hiểu một chút gì đâu tất cả những điều anh sắp nói với em đây.  Nhưng không sao. Nếu tình cờ bức thư này của anh lọt vào tay một người đàn bà khác, có lẽ nó cũng sẽ bổ ích cho người ấy.

Nếu hồi đó em điếc và câm, chắc là anh vẫn yêu em rất lâu, rất lâu. Nhưng khốn nỗi em lại nói – có vậy thôi. Một nhà thơ từng viết:

“Chẳng bao giờ em đến với anh vào những giờ phút hiếm hoi.

Khi chỉ một cây đàn thôi thiển anh cũng làm nó vang lên được những âm thanh kỳ diệu.

Và làm ca lên giấc mơ của anh trong trái tim em”.

Trong tình yêu, em thấy đó, người ta luôn làm cho các giấc mơ ngân lên tiếng hát. Nhưng để các giấc mơ ca hát, người ta không được ngắt lời chúng. Cho nên khi ta nói giữa hai nụ hôn, là ta đã làm đứt quãng giấc mơ cuồng nhiệt của ta, dù đó là những lời tuyệt đẹp.

Em không hiểu gì cả phải không? Càng tốt. Anh viết tiếp nhé. Em chắc chắn là một trong những phụ nữ xinh đẹp nhất, một trong những phụ nữ đáng tôn thờ nhất anh từng gặp.

Trên trái đất này có đôi mắt nào chứa đựng nhiều mộng mơ, nhiều hứa hẹn mới lạ, nhiều vô tận tình yêu hơn mắt em? Anh không tin là có. Và khi miệng em mỉm cười với cặp môi mọng để lộ ra hàm răng trắng bong, anh tưởng như từ khuôn miệng xinh xắn ấy sắp vang ra một tiếng nhạc du dương khó tả, một cái gì đó ngọt ngào đến mức huyền hoặc, những âm thanh êm dịu đến mức làm người ta phải thổn thức.

Vậy mà lúc ấy em gọi anh một cách bình thản “Con thỏ to lớn yêu quí của em”. Đột nhiên anh thấy hình như anh vào trong đầu em, trông thấy hoạt động của tâm hồn em, tâm hồn bé bỏng của em, một phụ nữ bé bỏng xinh đẹp, xinh đẹp thật, nhưng…cái đó khiến anh ngượng nghịu, ngượng nghịu lắm. Giá mà anh không trông thấy thì hơn.

Em vẫn không hiểu gì hết phải không? Anh chắc là thế.

Em có nhớ lần đầu tiên em đến nhà anh không? Em bước vào bất thình lình, với mùi hương violette thoang thoảng từ váy áo em, hai chúng ta nhìn nhau hồi lâu không nói một lời rồi ôm chầm lấy nhau như hai kẻ điên rồ…rồi…rồi cho đến tận ngày hôm sau chúng ta vẫn không nói gì cả.

Nhưng, khi rời nhau ra, bàn tay chúng ta run rẩy và mắt chúng ta nói với nhau những điều, những điều…không thể diễn tả bằng bất cứ thứ ngôn ngữ nào. Ít nhất anh cũng nghĩ vậy. Và rất khẽ, khi chia tay nhau, em thì thầm: “Tạm biệt anh!” – Đó là tất cả những gì em nói, và sẽ không bao giờ em tưởng tượng được em đã bít kín cả giấc mơ, cả những gì tuyệt diệu anh vừa lờ mờ thấy, cả những gì anh cho là anh đoán biết được trong ý nghĩ của em.

Em thấy đấy, cô em bé bỏng tội nghiệp của anh, đối với những người đàn ông không ngu đần, lại tinh tế một chút, ở mức cao hơn bình thường một chút, tình yêu là một thức phức tạp đến nỗi chỉ một chuyện chẳng là gì cả cũng có thể làm hỏng nó. Phụ nữ các em, các em không bao giờ nhận thấy sự nực cười của một vài điều khi các em đang yêu, và các em không để ý tới nét kỳ cục của các biểu hiện.

Tại sao một lời đúng đắn ở miệng một người đàn bà bé nhỏ tóc nâu nghe lại hết sức giả dối và khôi hài ở miệng một người đàn bà to lớn tóc vàng? Tại sao cử chỉ dịu dàng mơn trớn của người phụ nữ này lại chẳng thích hợp chút nào nếu là của một người phụ nữ khác? Tại sao một vài vuốt ve thú vị của cô gái này lại sẽ gây cảm giác khó chịu nếu là của cô khác? Tại sao? Tại vì, trong tất cả mọi chuyện, nhưng nhất là trong tình yêu, cần có một sự hòa hợp tuyệt vời, một sự ăn khớp tuyệt đối của cử chỉ, giọng nói, lời lẽ, cách biểu lộ dịu dàng, với con người đang hành động, với lứa tuổi người đó, với độ lớn của thân hình người đó, với màu tóc và diện mạo, vẻ đẹp của người đó.

Một người đàn bà ba mươi lăm tuổi, tuổi của những đam mê lớn lao mãnh liệt, mà vẫn còn giữ lại dù chỉ một chút xíu cái màu mè mơn trớn của tình yêu tuổi hai mươi, mà không hiểu rằng cần biểu lộ mình theo một cách khác, nhìn một cách khác, ôm hôn một cách khác, không hiểu rằng mình phải là một Didon chứ không còn là một Juliette nữa, thì nếu có mười người yêu thể nào cũng làm chín người chán ngấy, cho dù họ hoàn toàn không hiểu tại sao họ chán.

 

Em có hiểu không? – Không – Anh rất hy vọng như thế.

 

Kể từ hôm em mở cái robinet những lời lẽ âu yếm, tất cả đã kết thúc với anh, cô em thân mến ạ.

Đôi lần chúng ta ôm hôn nhau suốt năm phút, một nụ hôn dài vô tận, say đắm, một trong những nụ hôn làm cho đôi mắt nhắm lại như là chúng có thể thất thoát ra mất qua cái nhìn, như là để giữ lại chúng trọn vẹn hơn trong tâm hồn tối sẫm mà chúng đang khuấy đảo. Rồi, khi chúng ta rời cặp môi ra khỏi nhau, em vừa nói với anh vừa cười một tiếng trong trẻo: “Tuyệt quá, con chó to lớn của em!”. Lúc ấy, anh chỉ muốn tát cho em một cái.

Bởi vì em đã lần lượt gọi anh bằng tất cả những cái tên của các con vật và các thứ rau quả mà có lẽ em tìm thấy ở cuốn Sách dạy nấu cho thị dân, cuốn Nghệ thuật làm vườn và cuốn Khảo luận về lịch sử tự nhiên dùng cho các lớp sơ học. Nhưng cái đó vẫn chưa là gì.

Sự vuốt ve yêu đương bao giờ cũng khó coi thế nào ấy, và thô thiển thế nào ấy, và còn hơn cả thế nữa, khi ta nghĩ đến nó. Nhà thơ Musset từng nói:

Tôi còn nhớ những cơn co thắt khủng khiếp ấy

Những cái hôn câm lặng, những bắp thịt khát khao ấy

Cái sinh vật mải mê, nhợt nhạt, nghiến răng kèn kẹt ấy

Nếu chúng không thần thánh, những cái ấy thật ghê sợ, hoặc lố bịch!...Ôi! Em bé bỏng tội nghiệp của anh, cái anh hề tài ba nào, cái vị thần tai ác nào lại gợi cho em những lời…hủy diệt ấy?

Anh đã sưu tập lại những lời ấy, nhưng vì tình yêu đối với em, anh sẽ không nói ra.

Và rồi quả thực là em làm rất nhiều điều không đúng nơi, không đúng lúc, em còn tìm được cách buông mấy tiếng “Em yêu anh!” đầy hứng khởi trong một số tình huống kỳ lạ đến mức anh phải cố nén cái ý muốn mãnh liệt là được cười phá lên. Có những thời điểm mà ba tiếng “Em yêu anh!” đó không thích hợp đến nỗi trở nên gần như là bất lịch sự, em cần biết như vậy.

 

Nhưng em không hiểu anh đâu.

 

Nhiều người phụ nữ cũng không hiểu anh chút nào, họ coi anh là ngốc! Nhưng anh không cần. Những người đói ăn ngấu ăn nghiến, nhưng những người tinh tế đều dễ bị ghê và trong nhiều trường hợp chỉ cần một chút thôi họ cũng đã cảm thấy ghê tởm không sao cưỡng lại được. Tình yêu nhiều khi cũng giống như món ăn vậy.

Điều anh không hiểu được là một số phụ nữ biết rất rõ sức quyến rũ ghê gớm của đôi tất bằng lụa thêu mỏng, vẻ đẹp tuyệt diệu của các sắc thái,, sức mê hoặc của những dải đăng ten quý ẩn sâu trong các đồ lót, cái vị khêu gợi của sự xa hoa ngấm ngầm, của những thứ quần áo trong cầu kỳ, tất cả những gì tinh tế của vẻ duyên dáng phụ nữ, lại không bao giờ hiểu sự kinh tởm đến lợm giọng do những lời không thích hợp hoặc âu yếm một cách ngớ ngẩn gây nên.

Một lời tàn nhẫn cũng có khi làm nên điều kỳ diệu, nó quất vào da thịt, nó làm cho trái tim nhảy dựng lên. Những lời ấy được phép trong giờ phút chiến đấu. Lời của Cambronne1 chẳng tuyệt vời lắm sao? Nhưng cũng phải biết im lặng và trong một số lúc, cũng nên tránh những câu theo kiểu Paul de Kock2.

Và anh ôm hôn em một cách cuồng nhiệt, với điều kiện em không nói gì cả

 

RENÉ

 

Chú thích

Cambronne (1770-1842) Tường Pháp, khi bị địch bao vây ở Waterloo đã đáp lại bằng một từ đơn giản gồm 5 chữ cái, được gọi là “lời của Cambronne”

Paul de Kock (1794-1871) – tiểu thuyết gia người Pháp, sinh ở Paris