Không có đường đi, không có nghĩa là không đi được. Trước mặt cô chỉ là bãi cột đá thưa thớt, chứ không phải tường đá. Giữa vô số các cột đá có vô số khe hở, khe hở không hề nhỏ, song vấn đề là ở chỗ có thể đi qua khe hở hay không? Và nên đi qua khe hở nào?
Bãi cột đá quả thực có đôi chút khác thường, mặc dù thoạt nhìn tựa như được hình thành tự nhiên, nhưng Lỗ Thiên Liễu vẫn cảm thấy bên trong có ẩn chứa một quy tắc nào đó. Nhưng nếu muốn thiết kế khảm diện bằng những cột đá cỡ này, hẳn phải có sức mạnh thần thông dời non lấp bể, chứ người thường tuyệt đối không đủ sức thực hiện.
Đắn đo quanh quẩn bên ngoài bãi cột đá một hồi lâu, cuối cùng Lỗ Thiên Liễu quyết định lách qua khe hở thứ hai tính từ bên trái. Vì khe hở này thông suốt hơn cả, có thể nhìn xuyên vào tận bên trong.
Sau khi tiến vào bãi cột đá, Lỗ Thiên Liễu đã nhìn rõ hơn quy tắc của chúng. Nhìn bề ngoài, chúng có vẻ thiên hình vạn trạng, lớn nhỏ khác nhau, song chỗ khác biệt chỉ nằm ở phần đỉnh cột đá, còn từ ngang tầm đầu người trở xuống, chúng không hề khác nhau là bao, đều là trụ vuông hình chữ môn. Nói cách khác, để bố trí được chúng ở đây, không cần phải có sức mạnh dời non, mà chỉ cần lợi dụng những thứ có sẵn của thiên nhiên để cải tạo thêm.
Tiến thêm mấy bước nữa, Lỗ Thiên Liễu đã hoàn toàn xác định được huyền cơ ẩn chứa trong bãi cột đá. “Tám mươi tư trụ phong vân”, đây là một trong những phương pháp hành quân bố trận được sử dụng sớm nhất. Nó không thuộc về Kỳ môn Độn giáp, vốn dĩ được ứng dụng để phòng ngừa bị tập kích bất ngờ khi đóng quân hạ trại. Bố trí trận này ở ngoài cửa doanh trại, rồi treo cờ lớn lên, nếu không hiểu về nguyên tắc bên trong mà đường đột xông vào, sẽ cảm thấy nhật nguyệt tối sầm, đất trời u ám, đường đi vòng vèo bất tận. Nếu như bên trong lại bố trí thêm chông gai đao kiếm, hầm hố bẫy ngầm, sẽ trở thành một phương pháp phòng ngự cực kỳ lợi hại.
Số lượng cột đá ở đây chưa tới tám mươi tư, nhưng cách bố trí lại hết sức xảo diệu. Nó lợi dụng cây cối, cỏ dại phía trên và tạo hình trên to dưới nhỏ của cột đá, khiến cho người ta vừa lọt vào trong, lập tức có cảm giác đất trời biến đổi. Đây chính là sự khác biệt giữa trận pháp và khảm diện. Khảm diện được tổ tiên nhà họ Lỗ cải tạo từ “Tám mươi tư trụ phong vân” có tên là “Cột mây chướng ngại”, vốn được ứng dụng trong các cơ quan cạm bẫy trong đại điện và hành lang. Dùng các cột trụ có tạo hình mây trong đại điện và hành lang làm chướng ngại vật, khiến cho gian đại điện giản đơn trở nên thâm sâu khó đoán, có tác dụng cản trở và vây khốn.
Khe hở thông suốt mà Lỗ Thiên Liễu vừa lựa chọn lại không thể đi qua, những cảnh tượng có thể nhìn thấy ở bên trong chỉ là màn che mắt. Thế nhưng khảm diện do tổ tiên nhà họ Lỗ thiết kế làm sao có thể gây khó dễ cho Lỗ Thiên Liễu. Cô không quay người trở ra, mà bắt đầu tìm kiếm chỗ khuyết của khảm diện, chỉ vài bước chân đã quay trở về đường chính. Sở dĩ Lỗ Thiên Liễu dám làm như vậy, vì ở đây không giống với khảm diện Rãnh cối kép ở đầu thị trấn. Khảm diện này lợi dụng môi trường tự nhiên, thuộc loại khảm diện có rìa khảm cứng, nên đối phương không có khả năng thay đổi khảm diện này.
Điều duy nhất khiến Lỗ Thiên Liễu phải giật mình kinh sợ, đó là từ trên đỉnh các cột đá thi thoảng lại có đá vụn, đất cát rơi xuống, có lẽ do niên đại quá lâu đời, đá núi phía trên đã bị phong hoá nghiêm trọng. Thế nên Lỗ Thiên Liễu càng đẩy nhanh tốc độ gấp rút vượt qua, trong lòng nghĩ thầm, đừng có để thoát khỏi khảm diện lại bị đá rơi trúng đầu, như vậy thì quả là vô duyên hết sức.
Nhưng nếu lúc này, Lỗ Thiên Liễu chịu ngẩng lên quan sát, có thể cô sẽ nhìn thấy một số “thứ” đang chậm rãi bò qua phía trên cột đá. Nhìn từ dưới lên, không thể thấy được phần đầu và nửa thân trên của chúng, chỉ có thể thấy đôi chân và cặp mông không biết nên gọi là béo núc hay sưng phù. Da chúng có màu xám trắng xen lẫn vàng xỉn, khắp cơ thể chẳng chịt những đường xanh đỏ ngoằn ngoèo, chính là gân xanh và huyết quản nổi rõ dưới mặt da. Rất nhiều “thứ” như vậy đang từ từ bò xuống, mặc dù động tác vụng về chậm chạp, nhưng rất đồng đều.
Nhưng ngạc nhiên là ba giác nhạy bén siêu phàm của Lỗ Thiên Liễu lại không hề phát giác ra sự tồn tại của những vật thể sống kia. Phải chăng đã có thứ gì gây nhiễu loạn đến ba giác trong sáng của cô, hay là có một sức mạnh nào đã che đậy được sự tồn tại của bọn chúng.
Thoát khỏi bãi cột đá, cảnh tượng hiện ra trước mắt khiến Lỗ Thiên Liễu phải nín thở.
Tất cả mọi thứ ở đây vô cùng linh hoạt sống động, mọi thứ đều như có linh hồn. Lỗ Thiên Liễu mơ hồ nghe thấy những đoá hoa, ngọn cỏ đang rung rinh vẫy gọi; mơ hồ nhìn thấy những gợn sóng lăn tăn trên mặt nước đang mở xoè ra như vô số những nụ cười. Chim chóc ríu ran chao liệng trong lùm cây biếc, trên mặt nước êm; vô số cánh bướm sặc sỡ rập rờn quanh một thác nước đổ dài như màn lụa bạc, thoả thích nô đùa với màn bụi nước mịt mờ quanh đá núi.
Ngay cả những dãy núi vây quanh chốn này cũng lên xuống nhấp nhô giống như đang sống. Dải núi bên trái trông hệt như một con rắn đang uốn mình trườn đi, dải núi bên phải chẳng khác gì chú rùa đang vươn cổ nghiêng ngó. Là rùa tiên rắn thiêng đối đầu đuôi! Đây chẳng phải là cục Huyền Vũ trong phong thuỷ ư? Hơn nữa, tại điểm tiếp xúc giữa đầu rắn và đầu rùa còn có một thác nước đổ dài, đây gọi là Huyền Vũ tràn đầy, là cách cục trời sinh tuyệt diệu trong phong thuỷ. Nếu không phải gần đây có hung huyệt khống chế, chỉ cần có được cách cục phong thuỷ này, cũng đã đủ để trở thành bậc vương hầu, giàu có nghiêng thiên hạ.
Trước mặt Lỗ Thiên Liễu có một đầm nước tròn trịa, ngả màu xanh thẫm, mặt nước tròn vành vạnh, hệt như một tấm gương khổng lồ. Nối tiếp với đầm nước là một vụng nước nhỏ bên dưới dòng thác, cũng có hình tròn. Thác nước rất kỳ lạ, từ trên đổ xuống tầng tầng lớp lớp những tia bọt nước trắng xoá đan xen trông hệt như sợi lông vũ, rơi xuống mặt nước không gây một tiếng động, cũng không thấy có bọt nước bắn tung, mà chỉ khởi lên vô số gợn sóng theo nhau lan toả, vòng này nối tiếp vòng kia, vòng này lồng vào vòng kia.
Nhìn tổng thể, hai đầm nước nối liền nhau giống như một quả bầu hồ lô lớn, vị trí thắt eo của hồ lô là một cửa hẹp dùng để nối thông hai mặt nước. Mặc dù mặt nước vô cùng tĩnh lặng, không nhìn thấy dòng nước lưu chuyển từ đầm nhỏ sang đầm lớn, nhưng ở phía Lỗ Thiên Liễu, nước trong đầm lớn đã dềnh qua bờ, tràn khắp bốn phía rồi chảy xuống chỗ trũng, cuối cùng đổ về những khe suối xung quanh.
Ở hai bên đoạn thắt hồ lô có hai trụ đá do đá tảng xếp chồng lên nhau mà thành, đã rêu xanh phủ kín, cỏ dại um tùm. Chỉ thoạt nhìn đã có thể nhận ra, hai trụ đá là do con người xếp thành, lại xếp rất tuỳ tiện, kích thước trên dưới chênh lệch, nhìn chông chênh như muốn sập đến nơi. Không biết hai trụ đá có tác dụng gì, vì xem hình thù không giống như cổng chào hay tượng linh vật.
Bỗng nhiên, trong lòng Lỗ Thiên Liễu chợt trào dâng một cảm giác vô cùng thân thiết, dường như cô đã từng đến nơi này, không biết là trong kiếp trước hay trong giấc mộng. Đặc biệt là hai trụ đá kia, dường như chúng từ lâu đã in hằn trong ký ức.
Phía trước đã không còn đường đi tiếp, đây chính là điểm cuối cùng của thung lũng Ngộ Chân – thác Nhạn Linh. Lỗ Thiên Liễu rất chắc chắn với phán đoán của mình. Thế nhưng trong cõi mơ hồ, dường như đang văng vẳng những lời thôi thúc:
-Nào, hãy tiếp tục tiến lên phía trước! Không được dừng chân!
Lỗ Thiên Liễu lắc mạnh đầu liền mấy cái, như muốn tỉnh lại từ trong giấc mộng.
“Là tiếng gọi của thần linh hay lời dụ dỗ của ma quỷ?” - Lỗ Thiên Liễu lại quan sát kỹ lưỡng một lượt khắp xung quanh – “Một nơi như thế này chắc hẳn sẽ không tồn tại những thứ âm tà, có lẽ mình đã tìm đúng chỗ. Âm thanh kia chính là tiếng gọi của thần linh!”
Trên mặt đầm nước lớn không có cầu cũng không có thuyền, men theo bờ đầm cũng không thể vòng sang bên kia được, vì cả hai đầu đều nối liền với vách đá, trừ phi có khả năng bám trên vách đá thẳng đứng nhẵn bóng như dao gọt để trèo qua. Lỗ Thiên Liễu quỳ xuống, thử đưa tay xuống nước thăm dò. Đã không còn cách nào khác, cô buộc phải bơi qua.
Ngón tay vừa chạm xuống mặt nước, một cảm giác lạnh buốt thấu xương lập tức xộc thẳng vào não tuỷ. Nhưng đó vẫn chưa phải là đáng sợ nhất, còn có một nguyên nhân khác khiến cô lạnh cứng trong lòng. Xúc giác siêu phàm của cô đã phát hiện ra dưới nước có một luồng sức mạnh ma quái, âm trầm nhưng cực kỳ mạnh mẽ. Đó là một luồng sức hút, có lẽ chính là nhờ vào sức hút này nên mặt nước nơi đây mới phồng căng như một hạt pha lê. Lỗ Thiên Liễu nhặt lấy một cành khô ven bờ, ném thẳng vào giữa đầm. Cành cây khô đáp xuống mặt nước, rung khẽ lên hai cái. Mặt nước đang nâng đỡ cành cây hơi lõm xuống một chút, sau đó đột nhiên tách ra một khe hở như có xoáy nước cực mạnh xuất hiện, cành cây lập tức lọt thỏm xuống khe hở biến mất tăm. Mặt nước phẳng lặng như gương thậm chí không có lấy một gợn sóng.
Lỗ Thiên Liễu thầm cảm thấy may mắn vì mình vẫn chưa bị cảnh tượng xung quanh mê hoặc hoàn toàn. Mặt nước đầm ngay cả một cành khô cũng không nổi được, nếu cứ đâm đầu nhảy liều xuống, chắc chắn chỉ còn đường chết.
Đúng lúc Lỗ Thiên Liễu đang do dự không biết phải làm thế nào, đột nhiên cảm thấy sau lưng dội đến từng cơn ớn lạnh. Cái ớn lạnh đó không giống với cảm giác buốt giá của nước trong đầm, mà giống như một mũi dùi bằng băng, một dùi băng được đông cứng từ máu tanh và xú uế, đang từ từ chọc sâu vào cột sống, khiến cô vừa đau buốt vừa ớn lạnh. Cảm giác đó nhanh chóng lan từ cột sống ra khắp cơ thể, khiến cô không thể động cựa, cũng không dám nhúc nhích, thậm chí không dám cả rùng mình.
Trong lúc đó, giữa những cây cột đá phía sau lưng, đất đá cát sỏi rơi xuống càng nhiều, rồi một thứ mùi quái dị từ trên đỉnh cột dần dần bao trùm xuống dưới.
Lỗ Thiên Liễu phát hiện ra, thực sự là cô không thể động đậy được nữa, cơ thể cứng đơ khiến ánh mắt của cô chỉ nhìn được về đúng một hướng. Ở đó có một gốc cây không lớn, trên gốc cây có buộc một sợi thừng đen, một đầu sợi thừng đã thò hẳn xuống đầm nước.
Là dây phong huân! Lỗ Thiên Liễu đã nhận ra. Tại một số khu vực phía nam, cô đã thấy người dân khi xây nhà, không dùng khớp mộng để liên kết vì kèo xà cột, mà sử dụng phương thức buộc dây rất đơn giản sơ khai. Họ dùng một loại dây leo ngâm vào nước cho ướt rồi buộc vào chỗ cần nối, sau khi dây leo khô đi, nút buộc sẽ co rút lại, tạo nên lực liên kết rất chắc chắn. Loại dây leo mà họ dùng chính là dây phong huân. Nghe nói giống thực vật này không mốc không mọt, nghìn năm không mục nát.
Trong trước tác “Nam cương tầm dị”[39] thời Bắc Tống có chép: “Dây huân màu đen như mực, dẻo dai mà không cứng, điều kỳ lạ là không bao giờ mục nát”.
Đây có lẽ chính là con đường để băng qua đầm. Nhưng luồng hàn khí buốt nhói như mũi dùi băng khiến cô toàn thân tê liệt, hai chân không thể nhúc nhích nổi một ly.
Đúng lúc này, một cái bóng màu đen bỗng vùn vụt băng ngang qua không trung, Lỗ Thiên Liễu nghe thấy phía sau lưng có một áp lực đè xuống cùng một tiếng động quái dị. Liền sau đó, cơ thể cô đột nhiên lao vụt đi như vừa vùng ra được khỏi một bàn tay giằng kéo, ngã dúi dụi xuống bên cạnh gốc cây.
Lỗ Thiên Liễu vội vã ngoảnh đầu nhìn bóng đen đang lao vút vào rừng cây. Trông nó giống hệt như con sáo mắt đỏ vẫn âm thầm bám theo mọi người như một bóng ma.
Sợi dây leo đúng ra không quá nặng. Với độ dài như thế này, đừng nói là Lỗ Thiên Liễu, ngay cả đứa trẻ bảy tám tuổi cũng có thể kéo lên dễ dàng. Nhưng trong lúc cấp bách, Lỗ Thiên Liễu lại không thể kéo nổi sợi dây.
Sợi dây đã rung lên bần bật, đó là do sức hút dưới mặt nước đang giằng co với cô. Cô bắt đầu vận lực một cách khéo léo, thấy căng liền dừng, thấy lỏng liền kéo, rồi quấn phần dây đã kéo lên được thành vòng, lồng vào gốc cây. Cô phải gấp rút tranh thủ thời gian, ba giác nhạy bén đã cảm giác được luồng hàn khí nhọn hoắt kia đang vòng trở lại.
Sợi dây thừng đen trũi ròng ròng nước đã được kéo căng trên mặt đầm, đầu còn lại được cố định vào chỗ thắt eo giữa hai đầm nước phía bên kia, trông nó giống hệt như một sợi thép chăng ngang đầm nước.
Lỗ Thiên Liễu tung mình nhảy lên sợi dây. Sợi dây đẫm nước rất trơn, hơn nữa, một sợi dây thừng dài như vậy dù có kéo căng tới đâu cũng sẽ chùng xuống ở giữa, vì vậy hai chân cô trượt một mạch đến chính giữa sợi dây. Lúc này, sợi dây đã chùng hẳn xuống, mũi chân cô đã chạm đến mặt nước. Lỗ Thiên Liễu kinh sợ, lập tức lợi dụng lực đàn hồi của sợi dây để bật người lên nhảy về phía trước, lao đi được khoảng bốn năm bước. Song nhảy lên thì dễ, đáp xuống mới khó, thật khó lòng đứng vững trên sợi dây ướt đẫm trơn trượt như vậy. Khi Lỗ Thiên Liễu rơi xuống, bàn chân vừa chạm lên sợi dây, chưa kịp vận lực đã biết ngay là mình đã trượt chân, cơ thể lao thẳng xuống mặt nước cách vị trí thắt eo bầu không xa.
Lỗ Thiên Liễu không còn kịp suy nghĩ gì thêm nữa, Phi nhứ bạc đã lao vụt đi, quấn ngay vào trụ đá chông chênh như muốn sập ven bờ. Sợi xích trên Phi nhứ bạc đã quấn trúng mục tiêu, trụ đá cũng không đổ sập, chúng vẫn chịu được sức nặng của cơ thể đang rơi xuống của Lỗ Thiên Liễu.
Chỉ cần kéo căng sợi xích là có thể đu qua, nhưng vòng cung đu lên lại có một điểm rất gần mặt nước. Thế là Lỗ Thiên Liễu nhắm chặt hai mắt, cố gắng hết sức để duỗi ngang cơ thể, là là lướt đi trên mặt đầm, đuôi bím tóc rẽ thành một vệt sóng gợn trên mặt nước.
Lỗ Thiên Liễu nhẹ nhàng đáp xuống khoảng đất trống nằm giữa hai đầm nước lớn nhỏ, nhưng cô không lập tức đứng lên, mà ngồi yên cố gắng điều chỉnh lại hơi thở gấp gáp và nhịp tim dồn dập. Cô đã nhìn thấy rất rõ màn bụi nước đang đổ xuống trên nhác Nhạn Linh giống hệt như lông vũ của chim nhạn. Hai vệt bụi nước li ti bay đi rất xa, rắc thành những vụn nước tí xíu long lanh trên mái tóc Lỗ Thiên Liễu, nhẹ nhàng rơi xuống.
Bụi nước dày đặc phả lên khuôn mặt cô, đem lại một cảm giác trong trẻo mát lạnh rất thư thái, kèm theo một chút nhột nhạt. Lỗ Thiên Liễu cảm giác như cơ thể đang chìm trong một vòng tay mềm mại, phảng phất như có hương thơm của sữa. Trên khuôn mặt đầy căng thẳng và mệt mỏi của cô bỗng bừng nở một nụ cười.
Thật kỳ lạ, chỉ cách có một đầm nước, vậy mà cảm giác ở hai bên lại khác nhau một vực, tựa như địa ngục với thiên đường.
Khoảng cách hai bờ đầm tại vị trí thắt eo không lớn, Lỗ Thiên Liễu chỉ cần một cú tung mình đã có thể vượt qua. Nhưng cô trở qua trở lại đến mấy lần, vẫn không tìm thấy sợi dây thừng hay vật dụng vượt nước nào khác. Mặc dù đầm nhỏ không lớn, nhưng nếu muốn vượt qua để đến phía dưới chân thác, không có dụng cụ trợ giúp sẽ không thể thực hiện được.
Kỳ thực, Lỗ Thiên Liễu cũng không biết tại sao mình lại phải đến dưới chân thác nước. Ở đó có gì? Đến đó làm gì? Song sau khi tiếng gọi đầy giục giã kia vang lên trong trí não, dường như trong tâm trí cô chỉ còn lại một mục tiêu, một quyết tâm duy nhất!
Nhìn xuyên qua màn bọt nước trắng xoá hình lông vũ đang mù mịt bay tung, thấp thoáng nhìn thấy phía sau thác nước là một khối đá đã được nước xối đến nhẵn bóng, tròn trịa rất mực, tựa như một viên ngọc hình cầu bị hai trái núi kẹp vào chính giữa. “Rùa tiên rắn thiêng, phun nước nuôi ngọc”, đây là một cách cục phong thuỷ thần kỳ trong truyền thuyết, một cách cục phong thuỷ chưa từng được ghi chép trong thư tích cổ.
“Mình phải đi về phía đó!” - Lỗ Thiên Liễu cuối cùng cũng đã tìm ra được lý do – “Tảng đá hình tròn bị kẹp giữa hai trái núi, hai bên sẽ có hai khe hở hình góc hẹp, cũng giống như khe hở được tạo thành khi hai khúc cối đá va đập vào nhau. Không chừng con đường để tìm ra bảo bối chính là nơi đó!”.
“Nhưng bây giờ mình phải làm thế nào để vượt qua đầm nước này đây?” - Lỗ Thiên Liễu bắt đầu lo lắng – “Tia nước trên thác rơi xuống mặt đầm, ngay cả gợn sóng gợn lên trông cũng rất miễn cưỡng, chứng tỏ sức căng của mặt nước rất lớn, phía dưới kia chắc chắn còn có một luồng sức mạnh ghê gớm hơn nhiều!”.
“Chắc chắn vẫn còn cách khác, có điều lúc này mình đang quá lo lắng căng thẳng nên mất đi linh giác, nhất thời không thể tìm ra!”.
Nghĩ vậy, Lỗ Thiên Liễu liền ngả người nằm xuống bên mép nước, bất động hoàn toàn. Cô buông bỏ tất cả những toan tính được mất đang rối bời trong trí não, mặc tình tận hưởng sự bao bọc chở che của thiên nhiên trong chốn linh thiêng thần thánh, tận hưởng cảm giác thân thiết dịu êm khi những vụn nước li ti phả ra từ thác nước phun đầy trên khuôn mặt.
Trên thế gian có vô số phương pháp tu đạo, như cách ngồi thiền nhập định của Đạo gia, cách suy tưởng nhập huyền của nhà Lý học, cách tập trung quan sát đến tận hư không của Chiêm tinh học, cách tụng kinh niệm Phật của nhà Phật... Đường đi có khác, đích đến đều chung, tất cả đều nhằm tập trung tinh thần, loại trừ tạp niệm và mọi điều quấy nhiễu, dùng tư tưởng và tâm thái trống rỗng linh diệu để giác ngộ những nghĩa lý huyền diệu thâm sâu. Nhưng trước khi các trường phái tu luyện được hình thành, phương pháp giác ngộ nguyên thuỷ nhất của con người chính là giấc mơ. Nhưng kiểu giấc mơ này không phải là đi ngủ để nằm mơ thực sự, mà là thả lỏng cơ thể, để rơi vào trạng thái nửa thức nửa ngủ, nửa tỉnh nửa mê. Trạng thái này có thể tránh được sự quấy nhiễu của ngũ quan, giúp cho não bộ có được môi trường tư duy tuyệt với nhất.
Bản thân đang ở trong một chốn tựa Bồng Lai tiên cảnh, hoạt động của tư duy sẽ càng trở nên thần diệu. Sau khi chìm vào giấc mộng, Lỗ Thiên Liễu bắt đầu tìm tòi một số thứ, lần tìm một số dấu vết, biện biệt một số ngộ nhận và giả trá. Cô lại nhìn thấy Lỗ Thịnh Nghĩa, Ngũ Lang, Du Hữu Thích, và còn có cả Chu thiên sư. Ồ, hình như vẫn thiếu một người. Cô lại loáng thoáng nghe thấy tiếng nước chảy, tư duy liền nương theo đó quay trở về với con thuyền đang chạy trốn khỏi Tam Đảo Thái Hồ.
Chú thích
[39] Có nghĩa là sưu tầm những chuyện kỳ lạ ở vùng biên cương phía Nam.