Ông Lục vẫn bám theo bóng người trước mặt. Thân hình đó thoăn thoắt tựa bóng ma, mới thấy ở phía trước khoảng chục bước chân, chớp mắt một cái, đã ở ngoài mười lăm bước.
Ông Lục mặc kệ. Ông chỉ biết liên tục đẩy nhanh nhịp bước, vừa thể hổn hển vừa đuổi sát theo sau. Ông không để tâm mình đã chạy tới đâu, cũng chẳng kịp quan sát quang cảnh xung quanh ra sao. Lúc này, cho dù có người đi qua ngay bên cạnh, có lẽ ông cũng không nhìn thấy. Trong mắt ông giờ đây chỉ còn nhìn thấy cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện ở phía trước.
Băng qua nhà trước, vòng quanh phòng ốc, ra khỏi sảnh đường, chạy dọc hành lang, chạy ngang giếng trời, rồi lại băng qua nhà, ra khỏi sảnh… Cuối cùng ông Lục cũng đã đứng khựng lại, vì bóng người phía trước đã biến mất. Trước mặt ông là một dòng kênh thẳng tắp chắn đường. Ông Lục chậm chạp xoay người, thở từng hơi hổn hển, ngẩng đầu nhìn khắp xung quanh. Lúc này, ông mới phát hiện ra mình đã ở bên ngoài cổng chính của tòa trạch viện.
Hơi thở hào hển của ông Lục đột nhiên ngưng bặt, tựa như cổ họng vừa bị thứ gì đó bop nghẹt.
Cổng chính vẫn mở toang, nhưng ông Lục không dám chạy ngay trở vào. Ông đã xông ra rất đường đột, nhưng muốn trở vào chắc chắn sẽ không dễ dàng như vậy. Ông kéo chiếc sọt mây trên vai ra trước ngực che chắn, sau đó xoay người một vòng, quan sát kỹ lưỡng cách bài trí của cổng chính và bố cục phong thủy trước cổng.
Ông đã kinh ngạc, đã nghi hoặc, và bắt đầu bấn loạn.
Cổng chính của trạch viện cũng giống hệt cổng sau, đều có một dòng nước chảy thẳng vào giữa cổng, chỉ khác ở chỗ trên dòng sông ở đây có bắc ngang một nhịp cầu cong.
Mặc dù ông Lục không rõ dòng nước phía trước và phía sau có nối liền với nhau thành một đường thẳng hay không, nhưng ông biết chắc, bố cục của trạch viện này không phải là cục Định uế cũng là cục Phục thủy.
Cục Định uế là gì? Định uế tức là trừ uế, có nghĩa là khu nhà được xây dựng trước, nhưng trong nhà có thứ âm uế cực hung, không ai trừ được; hoặc là bị trấn ếm loại ác phá cực kỳ bí mật, không thể tìm ra. Lúc này, cần đào hai đường nước ở phía trước và phía sau trạch viện, sau trước đối xung, như vậy sẽ trấn an được những thứ hung ác trong nhà. Sau nhiều năm, nhờ được dòng nước tẩy rửa, những thứ này sẽ dần dần mất đi hung tính, cuối cùng tự nhiên mà tiêu biến. Nhưng cục tướng này rất hiếm gặp. Thông thường, nếu là những nhà có đủ khả năng đào hai con kênh dẫn nước, chẳng thà bỏ hoang nhà cũ, tìm khu đất cát lợi dựng nhà mới còn yên thân hơn. Hơn nữa, cục tướng này rất khó khống chế, sau khi hung tướng đã trừ hết, cần phải lập tức đổi đường dẫn nước, nếu không nó sẽ mau chóng phá vỡ khí dương nguyên vừa tụ, phá hủy gia tộc tổn hại người nhà.
Còn cục Phục thủy, “Phục thủy” nghĩa là ẩn tàng trong nước, tích thế dưỡng tinh, chờ đợi thời cơ tung bay phấn phát. Thông thường chỉ khi thầy phong thủy tính toán được trong nhà có người mang mệnh tướng rùa thiêng xuất thế, cá chép vượt long môn mới có thể bố trí nhà ở theo cục Phục thủy. Nhưng cục Phục thủy dành cho mệnh rùa thiêng, cá chép, ngoài việc dẫn nước trực xung với cổng, còn phải kết hợp với đường nước bao bọc xung quanh, tạo thành thế nước xoay vòng. Nhưng khu trạch viện này, ngoài kênh nước chạy thẳng đến trước sau, xung quanh không còn bất kỳ đường nước nào khác.
Như vậy, chỉ còn một khả năng duy nhất, đây là cách cục Phục thủy chữ nhất thuận, hay là cách cục Tiềm long. Liễu Toại người đời Thanh trong cuốn “Đại thế cục phong thủy”(*) có viết: “Rồng sa xuống đầm sẽ thành con giao long, cũng gọi là rồng bị khốn”. Tiềm long hợp với đường nước thẳng hình chữ nhất, như vậy mới có thể tung bay. Đường nước để ẩn phục trước hết phải là dòng nước chảy, thứ hai là không được có vật trấn thủy.
(*) Trước tác của Liễu Toại đời Thanh, nội dung sách không bàn về phong thủy dương trạch hay phong thủy âm trạch, mà chỉ chú trọng đến phong thủy địa phương. Tức là xuất phát từ cục thế phong thủy của một khu vực để đánh giá về dân tình, sản vật, và có xuất hiện nhân tài kiệt xuất hay không. Nhưng sau này bị một số nhân sĩ nổi tiếng trong giới phong thủy chỉ ra những chỗ sai lầm trong sách, nên người đời bắt đầu nghi ngờ, cho rằng cuốn sách là bịa đặt không còn tin theo lý luận trong sách nữa. Liễu Toại uất ức mà chết, cuốn sách cũng không được lưu truyền.
Nói cách khác, chỉ có những người có dã tâm muốn chiếm đoạt cả thiên hạ mới bày ra đại cục này. Hơn nữa, bản thân kẻ muốn chiếm đoạt thiên hạ cũng phải có được long mạch. Nếu không có long khí của gia tộc đế vương trấn áp, thủy âm trước sau đối xung, dương nguyên của ngôi nhà sẽ bị phá hủy, biến thành một ngôi nhà chết hoặc nhà ma.
Mặc dù Lỗ Thịnh Nghĩa từng nói với ông rằng, chủ nhân của khu nhà này thuộc tướng cách rồng, nhưng ông vẫn luôn cho Lỗ Thịnh Nghĩa cố tình ra vẻ huyền bí. Nhưng hôm nay, tận mắt chứng kiến bố cục phong thủy của khu trạch viện, lại nhìn thấy chiếc trống đá vân rồng cao tầm hơn nửa thân người trấn ở hai bên cổng và hệ thống đấu củng hình lưng rồng chống đỡ trên nóc cổng, quả thật không tin không được. Ông cảm thấy vô cùng thất vọng, trong lòng có gì như sụp đổ, như nhục nhã, nhất thời không biết nên ở hay lập tức bỏ đi.
Không! Không thể cứ quanh quẩn trước cánh cổng này, cũng không thể cứ thế mà đi cho dứt!
Ông kéo vạt trước của chiếc áo dài bông ra, tay phải đưa quả chuông Nhiếp hồn tử phong rạch mạnh, cả vạt áo lập tức đứt rời, tấm áo dài đã biến thành áo ngắn. Ông biết, nếu ông quay trở vào, chắc chắn sẽ phải đối mặt với một trường ác đấu. Cả đời này ông chưa từng đấu đá với ai, cho dù đã học được chút ít bản lĩnh, nhưng ông bản tính nhút nhát hiền lành, gặp kẻ mạnh không dám đánh, gặp kẻ yếu không nở ra tay. Nhưng có vẻ như hôm nay đã đến nước không đánh không được, lần này ông phải cứu người, phải chuộc lại sai lầm lớn nhất cuộc đời mình.
- Ồ, cắt áo đoạn nghĩa ư? – Từ bên trong cổng chính vọng ra một giọng phụ nữ ngọt ngào đến rùng mình, tựa như miếng nhân ngọt lịm của chiếc bánh mỡ lơn ứ đầy trong cổ họng.
Trái tim ông Lục chợt thắt lại, trí não như tê liệt, đôi mắt nhòe đi. Hai mươi năm rồi, đã hai mươi năm ông ngày đêm mơ tưởng. Mà giọng nói này sao vẫn ngọt êm dịu hệt như xưa.
Vệt nước mắt đã lấp loáng trong đôi mắt già nua của ông Lục. Từ trong cửa gian phòng kiệu(*), xuất hiện một bóng người trong tấm trường bào rộng thùng thình. Trong sân vô cớ khởi lên một làn khói sương mù mịt, khiến bóng người càng thêm mơ hồ như thực như hư.
(*) Tức căn phòng để kiệu của các nhà quan lại, phủ hào thời xưa, cũng là nơi gia chủ hoặc tân khách lên kiệu, xuống kiệu mỗi khi ra vào.
- Bà lừa tôi ư?
Ông Lục cảm thấy có thứ gì đang nghẹn lại trong cổ họng, nên chỉ gắng gượng thốt ra được mấy từ.
- Xin lỗi! Ông đi đi! – Giọng người đàn bà rất thản nhiên, âm điệu vẫn hết sức ngọt ngào, ngọt ngào đến mức có chút khiêng cưỡng.
- Được! – Ông Lục bỗng đổi giọng như đang cầu xin – Hãy để tôi đưa họ đi, nếu không, tội nghiệt của tôi sẽ quá nặng nề!
- Vậy thì ông cũng đi không thoát! – Giọng người đàn bà bắt đầu có chút lạnh lẽo.
- Vậy bà là ai? Công chúa? Hay vương phi?
- Nếu bây giờ ông lập tức rời đi, cả đời này ông cứ gọi ta là Tiểu Phong. Ông cũng có thể quay vào, nhưng từ giờ trở đi, ông phải quỳ xuống gọi ta là thái hậu!
- Thái hậu? Thật là vinh hạnh! Đường đường một thái hậu như bà lại hạ mình đi lừa gạt một lãng tử giang hồ như tôi suốt hơn hai chục năm nay? – Ông Lục chuyển sang nói giọng Bắc Kinh không thực chuẩn, giọng nói lớn hơn, chân cũng bất giác dấn lên phía trước hai bước – Một kẻ quê mùa dốt nát như tôi vốn dĩ không biết quỳ gối, cũng không hiểu thế nào là quỳ gối, nhưng hôm nay tôi sẽ cố gắng hết sức để quỳ xuống trước bà. Hãy để tôi đưa bọn họ rời khỏi nơi đây. Họ chỉ là những người thợ chất phác hiền lành, không có gì nguy hiểm!
Người phụ nữ chợt bật cười khanh khách, tiếng cười rất quái dị, giống như đang cắn thứ gì đó trong miệng.
- Tại sao ông lại trở nên cố chấp hồ đồ như vậy? Nếu như họ không gây nguy hiểm cho gia tộc chúng ta, tại sao ta phải lao tâm khổ tứ cho ông vào phục ở trong nhà họ suốt hơn hai mươi năm qua?
- Vậy bà hãy niệm tình tôi đã làm cho bà biết bao nhiêu việc, hãy tha cho họ lần này đi! – Ông Lục vẫn tiếp tục cầu xin.
- Những việc ông đã làm chỉ để báo đáp ơn huệ cho ta, ta chẳng nợ ông gì hết!
- Thế nhưng hôm nay chính là tôi đã đưa họ đến, không thể tính là để báo đáp cho bà. Bà đừng để cho tôi phải chuốc lấy tội nghiệt này! – Ông Lục bắt đầu run sợ.
- Vì thế ta mới để cho ông toàn mạng mà rời khỏi nơi đây!
Ông Lục bắt đầu im bặt, nhất thời không nói lại được lời nào. Ông lại tiếp tục dùng tiếng Ngô nài nỉ:
- Tôi xin bà! Tôi quỳ xuống đây! Tôi xin bà! Tôi quỳ xuống đây…
Ông Lục vừa nói, vừa bước lên phía trước, cúi lưng gập gối như chuẩn bị quỳ xuống. Đúng lúc ông hạ gối xuống nhưng chưa quỳ hẳn, bỗng vụt một cái nhảy bật lên chạy lao về phía trước. Nhưng vừa chạy qua cổng chính, bốn vệt sáng mờ màu đen giống như những mũi tên vừa bật khỏi dây cung cứng mạnh đã lao vùn vụt về phía ông, ông lập tức vung quả chuông lên đỡ.
Bốn mũi tên đen lao về phía ông Lục nhanh như chớp xẹt, đó là bốn con chim cù thư, mà ông Lục vẫn đinh ninh chúng là chim mỏ sáp. Khi mép chuông đồng còn cách chúng khoảng hơn một thước, chúng đột nhiên bay tản ra tứ phía. Ông Lục vẫn không chịu dừng bước, tiếp tục xông vào bên trong, chạy thẳng đến chỗ người đàn bà ác độc vừa xuất hiện/
Ông không biết năm đó mình đã bị thứ gì mê hoặc đến thần hồn điên đảo. Một người hơn bốn chục tuổi, coi như cũng đã tu đạo được nửa đời, vậy mà chỉ trong một đêm đã trao toàn bộ trái tim và tính mạng cho người đàn bà đó, lại nghe theo lời bà ta ở lại nhà họ Lỗ hơn hai mươi năm. Trong suốt thời gian đó, ông đã đều đặn mang tất cả những gì mình đã nhìn thấy, nghe thấy, học được thông qua một người khác chuyển cho bà ta. Và hôm nay, ông còn đích thân đưa người nhà họ Lỗ vào trạch viện này. Chỉ vì người đàn bà đó đã cho người chuyển lời tới ông rằng, muốn tận mắt thấy thân thủ thực sự của người nhà họ Lỗ.
Giờ đây, ông Lục căm hận bản thân mình ghê gớm. Bản thân tự nhận mình là một người biết phân biệt âm dương dẫn dắt quỷ thần, tại sao không nhận ra được bộ mặt thật của con người kia? Tại sao ông không bao giờ tin vào lời nói của Lỗ Thịnh Nghĩa, trong khi người đàn bà kia suốt hơn hai chục nam qua chưa từng nói một câu thật dạ mà ông lại mù quáng tin theo không chút nghi ngờ, trong thâm tâm còn coi bà ta là một người tri kỷ, mà nâng niu gìn giữ trong lòng không tiết lộ với ai. Ông Lục nghiến chặt hai hàm răng, trong lòng dần sắt lại.
Ông Lục chỉ bước được thêm một bước, đã phải dừng lại ngay. Một con chim mỏ sáp đã mổ trúng cánh tay đang vung lên của ông, tay áo bị xuyên thủng, tung ra một cụm bông lớn. Lại thêm hai con nữa, một con đáp xuống vai ông, một con giơ vuốt quặp lấy bả vai. Ông lập tức vùng vẫy muốn hất chúng ra, không để cho lũ quái điểu có cơ hội mổ xuống đỉnh đầu mình. Còn một con nữa bay xẹt tới quét bộ móng vuốt qua mặt ông, khiến ông lập tức thể nghiệm được độ sắc bén của móng vuốt quái điểu.
Bộ vuốt rạch lên mặt ông một vết thương đau đớn thấu xương tủy, kèm theo một luồng hàn khí tê buốt, tựa như những mũi dùi băng sắc lạnh dài và mảnh xuyên suốt qua tâm não. Vì vốn dĩ loài chim này thích ăn những thứ có độc và óc người chết, lâu dần toàn bộ phủ trạng đều thấm đẫm chất kịch độc, xương cốt móng vuốt cứng rắn như thép, lạnh buốt như băng.
Ông Lục còn chưa kịp rùng mình, con quái điểu vừa mổ thủng tay áo đã lượn vòng trở lại, tiếp tục lao xuốn. Ông Lục vội lùi lại né tránh. Cù thư một đòn không trúng, lập tức dang cánh bay ngang đuổi tới. Ba con chim còn lại cũng nối nhau lao xuống, ông Lục chỉ còn biết lùi lại, chợt thấy chân đã chạm đến ngưỡng cửa, sắp bật ra ngoài đến nơi. Lúc này, hai cái trống đá ở hai bên cửa cũng bắt đầu chuyển động, không biết là thứ nút lẫy sát nhân gì đang chờ đợi sẵn.
Một thầy phong thủy thư sinh yếu ớt nhất thời không thể đối phó nổi lũ quái điểu hung hãn, lại thêm vết thương đau đớn trên mặt càng khiến ông luống cuống chân tay. Ông vừa lùi lại, bàn chân vấp ngay vào ngưỡng cửa, lập tức ngã ngửa ra phía ngoài. Mặc dù cổng chính đang mở rộng, nhưng dường như còn có một cánh cổng vô hình khác đang đóng chặt, khiến lũ chim không dám vượt qua. Tất cả đều sải cánh đảo người, quay đầu bay lộn vào bên trong.
Ông Lục ngã thẳng cẳng trên đất, bông thấy hai luồng gió rít nặng nề đan chéo vào nhau trên đầu. Ông định thần nhìn kỹ, thì ra là hai chiếc trống đá cao khoảng nửa thân người đang treo lơ lửng trên xà ngang mái cổng. Thứ dùng để treo trống không phải dây thừng hay dây xích sắt, mà là hai thân cây. Không biết trong thân cây to bằng cái bát lớn kia ẩn chứa thứ gì quái dị, mà có thể khiến hai chiếc trống đá cứ lắc lư qua lại hệt như quả lắc đồng hồ.
Ông Lục vừa bò ra ngoài, hai cái trống lập tức dừng lại, bám chặt vào hai bên tường ở hai bên khung cửa, treo xéo ở đấy lặng lẽ chờ đợi mục tiêu tiếp theo.
Từ trong trạch viện bỗng vọng ra hai tiếng cười lạnh lẽo. Ông Lục cũng cười khẩy một tiếng. Vừa mới xông bừa vào cổng, đã lập tức áo thủng mặt rách, lê lết mà lăn trở ra. May mà còn tốt số, nếu không đã bị hai mặt trống đá giã cho dẹp lép. Ông Lục nhớ lại, hình như có lần Lỗ Thịnh Nghĩa từng nhắc đến, cơ quan này gọi là Chùy trống tự đập, dùng để chặn kín đường lui. Một khi nút này đã buông, chắc chắn sẽ là cục diện đuổi cùng giết tận.
Vì hồng nhan tri kỷ kia ngay đến ông cũng không chút nương tay, làm sao có thể buông tha cho những người còn lại?
Ông Lục đưa ngón tay sờ lên vết thương trên mặt, hai mép vết rạch đã loe cả sang hai bên. Ông đưa ngón tay dính đầy máu vào trong miệng, không biết có phải vị tanh của máu đã kích thích ông hay không, mà ánh mắt ông chợt kiên định khác thường. Ông lại đưa ngón tay thấm nước bọt vê lên chòm râu sơn dương, khiến những ngọn râu bết nhọn và vểnh về phía trước.
Ông chuyển quả chuông Nhiếp hồn tử phong sang tay trái, tay phải mở nắp đậy của hòm mây. Sau đó tay trái giơ cao, cổ tay xoay chuyển, kéo theo quả chuông xoay tít. Tay phải thọc vào bên trong hòm mây, không rút ra nữa, giống như một thứ vũ khí đang giấu kín. Nhịp thở của ông bắt đầu gấp gáp, trong gió lạnh, hơi thở phả ra kết thành từng làn khói trắng mịt mờ. Nhưng bước chân của ông vô cùng vững chải, không nhanh không chậm, lại tiếp tục tiến vào trong cổng.
- Ồ!
Từ trong cổng bật ra một tiếng kêu kinh ngạc. Là vì người đó đã thấy ông Lục tiếp tục tiến vào, cũng vì phát hiện đôi mắt ông sát khí đằng đằng, hung quang lấp loáng.
- Một tiếng chuông trời vang, tổ sưa bày Đạo tràng. Úm! Hai tiếng chuông trời vang, mời được thiên binh tướng. Úm! Ba tiếng trời vang, yêu ma quỷ quái tan. Úm! Trời mở nhật nguyệt cùng hiện, đất sập Diêm Vương thăng đường. Úm! Tâm tội việc tội người tội, than dơ miệng dơ óc dơ. Úm! Tự đến báo, tự chọn đường. Úm! Hồn đến theo chuông chuyển, hồn đến theo chuông chuyển. Úm! – Ông đang tụng niệm lời mở đầu của thần chú chuông thu hồn trong Thiên sư pháp, hơi thở càng lúc càng hào hển, giọng nói cũng mỗi lúc một vang vọng. Mỗi khi niệm chữ “úm”, lại thở ra một hơi thật dài, làn khói trắng phả ra trước mặt càng lúc càng dày đặc. Quả chuông Nhiếp hồn tử phong trong tay ông đã xoay tít mù, bắt đầu vẳng lên những tiếng u u.
Để sử được các chiêu thức chuông thu hồn yêu cầu phải có nội khí dồi dào, ông Lục chưa từng học võ công, cũng chưa từng luyện qua nội khí, nhưng ông đã học được phương pháp Đại hoán khí lấy khóe bù giỏi, bằng cách lấy hơi thật mạnh và nhanh để bù đắp cho sự thiếu hụt của nội khí. Vì vậy, hơi thở của ông tuy hào hển, nhưng không phải vì mệt hay phát bệnh hen, mà là đang lấy hơi. Ông thở càng lớn tiếng, cho thấy chiêu thức càng tăng uy lực. Nếu không thở mạnh, chiêu thức sẽ thành vô dụng.
Chùy trống tự đập vốn dùng để khóa kín đường lui, nên khi ông tiến vào trong, nó không hề phản ứng. Bởi vậy, ông nhanh chóng lao vào không chút chần chừ.
Vừa bước qua ngưỡng cửa được hai bước, bốn con chim cù thư lại bay vụt tới. Lần này ông Lục không tránh né, chỉ đứng yên nhìn chằm chằm vào bốn con quái điểu, tay phải khe khẽ cử động. Bốn con chim lao đến như chớp xẹt, nhưng tản ra cũng rất nhanh. Ông Lục còn chưa kịp rút tay phải từ trong hòm ra, chúng đã tán loạn ra bốn phía, tránh đi thật xa, vẻ khiếp đảm run sợ, chấp chới lên xuống.
- Hừm! – Bóng người mờ ảo trong màn sương khói bỗng hừ mũi một tiếng nghe lạnh lẽo đến sởn gai ốc.
Một tiếng huýt sáo lanh lảnh vang lên, đó là người huấn luyện chim đang thúc giục. Nhưng vô dụng, bọn quái điểu vẫn loạng choạng một chỗ, không để ý đến tiếng huyết sáo. Tiếng huýt sáo lập tức kéo dài liên tục, không biết kẻ luyện chim lấy đâu ra luồng hơi dài đến vậy, huýt không ngừng nghỉ một hồi lâu.
Cuối cùng bốn con chim cũng tụ tập lại, hợp thành một đàn tiếp tục tấn công ông Lục.
Nhưng lần này tốc độ của chúng rõ ràng đã chậm lại rất nhiều. Càng đến gần ông Lục, chúng lại càng chậm chạp, không những bay chậm, mà nhịp cánh vẫy cũng có vẻ rệu rã và đờ đẫn. Âm thanh phát ra từ quả chuông Tử phong chỉ những loài động vật có thính giác nhạy bén đặc biệt hoặc người có giác quan thứ sáu mới có thể nghe thấy. Mà cù thư là loại chim có thính giác vô cùng nhạy bén, chúng bị kích thích bởi sóng âm thanh phát ra từ chuông Tử phong nên mới sợ hãi mà bay tán loạn. Sau đó, tiếng huýt sáo dài của người huấn luyện đã làm nhiễu tiếng chuông, giúp cù thư khôi phục trạng thái chiến đấu.
Khi bay đến gần ông Lục, lũ cù thư lại trở nên loạng choạng hốt hoảng. Đến cách ông Lục chừng hai mươi bước chân, chúng chỉ còn đập cánh tại chỗ, mặc dù cơ thể vẫn lơ lửng trên không, nhưng không thể tiến thêm dù chỉ là một ly. Tiếng huýt sáo cũng đã yếu đi rõ rệt. Cho dù kẻ kia có thể huýt sáo liên tục trong một thời gian dài như vậy cũng sẽ khiến thể lực giảm sút nhanh chóng, tuy có nội khí cũng không còn đủ nội lực nữa. Ông Lục cũng đã rút tay phải ra khỏi hòm mây. Lúc này, bốn con quái điểu đang dúi dụi với nhau thành một đám ngay trước mặt, làm sao ông có thể vuột mất cơ hội này. Ông vung mạnh cánh tay, một đám bột lấp lánh tung ra mù mịt, bao trọn lấy bốn con quái điểu.
Ông Lục lang bạt trong giang hồ đã nhiều năm, nhưng ông không hề biết cách hại người, cũng không dám làm hại người. Trong khi những thuật sư phương sĩ được bọn quan lại phú hào, tài phiệt bang chủ hết lòng cung phụng nuôi nấng đều thành thạo những ngón nghề bàng môn tà đạo lập cục hại người, hoặc bào chế những loại thuốc độc, thuốc mê đặc biệt, thậm chí còn bào chế xuân dược nhằm lấy âm hút dương kéo dài tuổi thọ giữ vẻ thanh xuân. Những mánh khóe đó ông Lục đều không biết. Thế nên mới nói, thế gian là ở hiền mà chẳng gặp lành.
Nắm bột mà ông Lục vừa tung ra không phải thuốc độc, cũng chẳng phải thuốc mê, mà chỉ là bột lửa, thành phần chủ yếu là phốt pho, gặp gió liền bốc cháy. Phái Long Hổ sơn gọi là “huy dạ tán” (bột cháy sáng trong đêm), còn giang hồ gọi là “phần tam hồn” (đốt ba hồn). Bột lửa nhanh chóng bám đầy lên mình bốn con quái điểu, trong nháy mắt chúng đã biến thành những con chim lửa, vừa đập cánh giãy giụa vừa rít lên thảm thiết, bay vòng trở lại, lao thẳng về phía bóng người đứng trước phòng kiệu. Tiếng huýt sáo lại vang lên từng chặp, do cuống quýt và hoảng loạn, nên liên tục vỡ tiếng và lạc giọng. Bốn con quái điểu tựa như đâm trúng một bức tường vô hình, đồng loạt rơi phịch xuống dưới chân người kia.
Trong không trung sặc sụa thứ mùi khét lẹt của lông vũ bị đốt cháy. Lũ quái điểu quằn quại giãy giụa trên mặt đất, thân hình cháy đen trơ trụi, chỉ còn lại vài cộng lông đang bốc khói nghi ngút.
- Giỏi lắm, năm xưa tôi đã không nhìn lầm ông! – Giọng nói của người đàn bà lúc này nghe mới giống một người bình thường.
Ông Lục vẫn thở từng hơi hổn hển, tiếp tục thọc tay vào trong hòm, rồi bước từng bước chậm rãi mà chắc chắn về phía trước. Ông cảm thấy bản lĩnh của ông đang dần dần được chứng tỏ, chiêu thức chuông Nhiếp hồn đã đánh ra, cũng tựa như mũi tên đã ở trên dây cung, không thể thu lại. Mặc dù ông vẫn chưa tung ra chiêu tiếp theo, mới chỉ lặp đi lặp lại một chiêu “Hồn theo chuông chuyển”, thế nhưng sức mạnh và khí thế vận chuyển không ngừng trong chiêu thức này đã khiến cho bản thân ông cũng cảm thấy bất ngờ. Ông không nghĩ rằng mình lại có thể trở nên quyết liệt và kiên gan đến vậy.
Ông Lục đã đi qua vòm cổng. Giờ đây, ông đứng trên lối đi của sân trước, đã nhìn thấy rõ hơn người đàn bà đang đứng trước cửa phòng kiệu, mình mặc chiếc áo dài thêu hoa rực rỡ. Đó là một người đàn bà khá lớn tuổi với một khuôn mặt đẹp ma mị, tuổi chừng ngoài bốn chục. Nửa mặt phía trên khuất dưới chiếc mặt nạ ly miêu màu vàng kim, nhưng cũng không che nổi vẻ quyến rũ tỏa ra từ đôi mắt. Chắc chắn khi còn trẻ, người đàn bà này đã làm say đắm không biết bao người.
Cuối cùng, ông Lục cũng đã nhìn rõ khuôn mặt của người đàn bà kia. Ông gần như ngừng thở, quả chuông Tử phong đang xoay tít trong tay cũng chậm hẳn lại, đôi môi ông giật lên khe khẽ, một hồi lâu mới run rẩy bật ra được mấy lời:
- Bà già rồi!
- Ông chết rồi! – Lời nói của người đàn bà chẳng khác gì một tảng băng lớn giáng thẳng xuống đầu ông Lục – Buông cố sáo, gãi đầu bạc!
Tục ngữ có câu, những người ngoan cố rất khó rung động, nhưng một khi đã rung động, thì tình sâu tựa biển. Ông Lục vừa nhìn thấy người đàn bà luống tuổi, phút chốc đã quên phắt tình cảnh hiện tại của mình, ngay cả những lời nói của bà ta cũng chẳng lọt tai lấy một chữ. Mặc dù cả hai gia tộc đều chuyên nghiên cứu bố cục cơ quan cạm bẫy, nhưng tên gọi và cách dùng của họ rất khác nhau. Không chỉ giữa hai gia tộc này có sự khác biệt, mà mỗi môn phái trong giang hồ cũng đều có một hệ thống tên gọi riêng của mình. Nguyên nhân là không muốn để đối phương hiểu được. Bởi vây, “cố sáo” cũng chính là khảm diện chết. Người đàn bà trông thấy khảm sống khi tiến lại gần ông Lục lập tức rối loạn, không thể khống chế được nữa, nên quyết định dùng khảm diện chết để tiêu diệt lão già ngoan cố này.
“Gãi đầu bạc”, nhìn tên đoán nghĩa, tức là bất kể thanh niên hay ông già bà lão, chỉ cần gãi trúng là lập tức đầu bạc, cũng có nghĩa là lập tức hết đời.
Nói cụ thể hơn, khảm diện này có một nút lẫy là Ngũ chỉ chùy hợp tráo(*) được bài trí phối hợp với phương vị của nhị thập bát tú. Từ phòng bên cổng đến phòng kiệu, tổng cộng có sáu gian nhà. Theo đường máng bằng ngói xanh của sáu nóc nhà đó, nút lẫy sẽ được phóng xuống lần lượt theo trình tự ngược của hai mươi tám vì tinh tú. Ngũ chỉ chùy hợp tráo cũng chính là tiền thân của ám khí huyết trích tử(**) thường được cận vệ cung đình triều Thanh sử dụng nhưng nó nhỏ hơn huyết trích tử một chút. Như vậy khi tấn công, tốc độ sẽ chóng vánh hơn, cũng dễ ngụy trang, ẩn giấu hơn. Bởi vậy, có người nói rằng, huyết trích tử dùng để tấn công người không biết võ công, còn Ngũ chỉ chùy hợp tráo chuyên dùng để đối phó với người luyện võ.
(*) Tức là cái lồng chụp có năm mũi dùi hình ngón tay khép lại. (Nd)
(**) Tương truyền huyết trích tử (giọt máu) là một binh khí chuyên dụng của đội đặc vụ ám sát dưới thời Ung Chính triều Thanh. Chúng có hình cái nón hoặc quả chuông, phần chóp nối liền với xích sắt, xung quanh miệng là một hàng lưỡi cưa sắc nhọn như răng cá mập, có thể cụp xòe mở đóng bằng cách kéo giật sợi xích. Người sử dụng nắm đầu xích, quăng huyết trích tử về phía đối thủ, huyết trích tử sẽ xoay tròn khiến các răng cưa xoay tít. Nếu chụp trúng đầu đối thủ, người sử dụng sẽ kéo dây xích để các răng cưa thít chặt vào trong, lập tức lấy được thủ cấp của đối thủ.
Liệu một người võ nghệ nửa mùa lại tuổi già tóc trắng như ông Lục, dưới sức tấn công đồng loạt của hai mươi tám chiếc Gãi đầu bạc, liệu còn giữ nổi cái đầu bạc phơ của mình hay không?