La Tử Phù người Phân Châu, cha mẹ đều mất sớm, hồi tám chín tuổi ở nhà chú là Đại Nghiệp nuôi.
Ông này làm quan ở Quốc Tử Giám, nhà giàu mà không có con, cho nên thương yêu La như con ruột vậy. Lúc chàng mười bốn tuổi, bị kẻ gian dụ dỗ đi chơi gái. Vừa gặp một ả lầu xanh ở Kim Lăng đến quận này ở trọ kiếm tiền, La trông thấy say mê. Sau ả trở về Kim Lăng, chàng bỏ nhà chú mà trốn đi theo, đêm ngày ăn ở nhà ả.
Được nửa năm, tiền túi hết sạch, bị các chị em khỉnh rẻ lạnh lùng, nhưng chưa nỡ tống cổ đi. Không bao lâu, ung nhọt bể mủ, thối tha, làm thấm ướt dơ dáy cả giường chiếu, chàng bị chị em lầu xanh đuổi ra khỏi nhà, phải ra ngoài chợ ăn xin. Người chợ trông thấy vội vàng xa lánh.
Chàng lo sợ chết mất xác ở quê người, nên quyết kế xin ăn dọc đường, lần mò trở về quê quán. Mỗi ngày đi ba bốn chục dặm, lần hồi về đến ranh giới Phân Châu.
Nhưng lại nghĩ mình rách rưới hôi thối, không mặt mũi nào về làng xóm mình, còn thơ thẩn ở quanh miền chưa dám về nhà vội.
Trời tối, định bụng đến ngủ nhờ một ngôi chùa trên núi, nửa đường lại gặp một thiếu nữ, dung mạo như tiên, tới gần hỏi chàng đi đâu? Chàng kể tình thật. Nàng nói:
- Tôi xuất gia tu hành, ở trong hang núi, có thừa chỗ trải chiếu cho anh ngủ nhờ, không sợ gì beo cọp đâu.
Chàng mừng rỡ, theo đi, vào tận núi sâu, thấy một hang động. Bước vào bên trong, thấy cửa bắt ngang khe suối; đi mấy bước, có hai căn nhà đá, ánh sáng chói lọi, không cần đèn đuốc. Nàng bảo cởi áo rách, ra khe suối tắm thì khỏi mụn nhọt. Lại kéo màn quét chiếu, giục chàng đi nằm.
- Anh đi ngủ cho khoẻ, tôi may áo quần cho.
Đoạn, nàng lấy mấy tàu lá to như lá chuối, cắt và may thành áo. Chàng nằm liếc mắt dòm, thấy nàng may chốc lát đã xong, xếp để trên giường, nói:
- Sáng thức dậy, lấy áo mới đó mà mặc!
Rồi nàng nằm giường đối nhau mà ngủ.
Sau khi chàng ra khe suối tắm rửa sạch sẽ nghe những vết thương không đau đớn gì nữa. Chàng tỉnh ngủ rờ xem, thì mụn đã lên da. Trời sáng sắp dậy lòng còn ngờ vực lá chuối may áo thì mặc sao đặng, nhưng cầm tay nhìn kĩ, té ra gấm xanh cực đẹp.
Một lúc sau, dọn cơm, nàng hái lá gì trên núi chẳng rõ, nói là bánh và bảo chàng ăn: chàng ăn quả thật là bánh. Nàng lại cắt lá thành hình gà với cá, đem ra mổ, đều như vật sống. Một cái lọ để góc nhà, bảo là rượu ngon, múc uống, quả thật rượu. Múc hơi cạn thì lấy nước suối đổ thêm vào.
Mấy hôm ghẻ lở khỏi hẳn, đòi nằm ngủ chung với nàng. Nàng tức cười và nói:
- Thằng cha bợm bãi này mới vừa được yên thân, đã muốn nọ kia.
Chàng nói:
- Tôi muốn đền ơn cô mà!
Rồi hai người nằm chung, hết sức ân ái.
Một hôm, có một thiếu phụ đến, cười nói:
- Con ranh Phiên Phiên độ này vui sướng quá ta! Liệu bao giờ có mang đấy, em?
Phiên Phiên mơn trớn nói:
- A, cô Hoa Thành hèn lâu không bước chân tới đây. Hôm nay bị gió tây nam thổi vù đến. Thế nào? Cậu bé đã ẵm đi chơi được chưa?
Hoa Thành đáp:
- Lại một con bé thì có.
- Sao Hoa cô không ẵm cháu lại chơi luôn thể?
- Nó vừa khóc rồi ngủ thít, chị mới đi được đấy.
Hoa Thành nói đoạn ngồi xuống đòi đãi rượu uống chơi, lại day qua La sinh, bảo chàng đốt thứ hương tốt cho thơm. Chàng để ý dòm Hoa Thành độ hai mươi ba hay hai mươi bốn tuổi, tuy gái mấy con nhưng vẫn còn đẹp, trong ý ưa muốn lắm. Lúc gọt trái cây, lỡ đánh rớt xuống bàn, chàng vờ cúi xuống lượm, để thừa dịp rờ chân. Hoa Thành ngó lảng và cười như tuồng không hay biết gì cả.
Chàng đang vui sướng tâm thần, chợt thấy trong mình lạnh lẽo, ngó lại áo mình mặc, đã biến ra lá cây, trong trí hoảng sợ, phải ngồi lặng giây lát mới thấy nó biến trở lại gấm vóc như cũ. Lòng khấp khởi mừng thầm hai nàng không thấy.
Chén tạc chén thù chốc lát, chàng lại nổi chứng cũ, thừa lúc Phiên Phiên ngoảnh mặt chỗ khác, thò ngón tay gãi vào bàn tay mềm mại của Hoa Thành.
Hoa Thành cứ thản nhiên cười đùa, hình như không để ý. Nhưng áo quần chàng bỗng hiện nguyên hình lá cây, một lát mới biến trở lại. Từ đó chàng hổ thẹn ngồi nín khe, chẳng dám mơ tưởng xằng bậy nữa.
Bấy giờ Hoa Thành mới cười xoà, nói với Phiên Phiên:
- Anh chồng tí hon của dì nó thật không đứng đắn tí nào, ví bằng gặp phải vợ dữ, thì có lẽ hắn nhảy vọt lên tới mây xanh không chừng.
Phiên Phiên cũng cười mỉm:
- Thằng cha bạc tình nên để chết rét cho đáng kiếp.
Hai người cùng vỗ tay thích chí. Đoạn Hoa Thành đứng dậy nói:
- Thôi, phải đi! Con bé ngủ thức dậy khát sữa, e khóc tới đứt ruột mất.
Nàng cũng đứng dậy nói giỡn.
Sau khi Hoa Thành đi rồi, chàng nơm nớp lo sợ Phiên Phiên trách mắng về tội thấy gái như mèo thấy mỡ, nhưng may nàng làm lơ không nói gì, đối đãi y như bình thường.
Không bao lâu, thu mãn sang đông, sương sa lá rụng, nàng lo nhặt nhạnh những lá rơi, để dành làm đồ ngự hàn. Chừng day lại ngó chàng rét ngồi co ro, bèn ra ngoài cửa động, bốc lấy mây trắng làm bông gòn, may áo lót cho chàng mặc, thấy mềm nhuyễn mà nhẹ nhàng, lúc nào cũng ấm áp như bông mới tinh vậy.
Qua năm, nàng sinh hạ một con trai, cực xinh xắn thông minh, hàng ngày chàng ở trong động ẵm bồng nựng nịu con làm vui. Nhưng lòng thương nhớ quê hương muốn rủ nàng cùng về; nàng nói:
- Tôi không thể đi theo mình đặng. Nếu nhớ quê thì xin tự đi một mình, mặc tôi ở đây.
Nấn ná hai ba năm, thằng con lớn dần, chàng bèn định ước sui gia với Hoa Thành. Nhiều khi chàng ngỏ ý lo nghĩ đến ông chú già ở nhà, không ai chăm sóc, nàng nói:
- Ông chú, cố nhiên tuổi tác đã cao, nhưng nhờ trời phù hộ vẫn còn mạnh khoẻ, mình không phải lo. Thôi thì mình cố ở đây cho tới khi cưới vợ cho con rồi sự đi hay ở tuỳ mình quyết định.
Nàng ở trong động, lấy lá làm giấy viết chữ chép sách, dạy con học. Thằng nhỏ sáng dạ, chữ nào qua mắt cũng thuộc lòng ngay. Nàng nói:
- Thằng bé này có phúc to lắm, cứ thả cho nó lăn lộn vào cõi trần, chả lo gì không làm nên quan lớn.
Thấm thoát, nó được mười bốn tuổi. Hoa Thành tự đưa con gái đến nhà chồng. Con nhỏ mặt đẹp, dung nhan lộng lẫy như trên trời sa xuống. Hai vợ chồng La sinh và Phiên Phiên rất vui lòng. Cả nhà yến tiệc linh đình. Phiên Phiên gõ cây trâm làm nhịp mà hát:
Ta có con hiền,
Không chuộng quan sang.
Ta có dâu thảo,
Không chuộng bạc vàng.
Đêm nay sum vầy
Cả nhà vui vẻ
Mời chàng chén này,
Cầu chàng sức khoẻ!
Hoa Thành đi rồi, hai người cùng đôi vợ chồng mới cùng ở đối diện nhau trong hang đá. Con dâu hiếu thảo, chăm lo săn sóc hầu hạ mẹ chồng tối ngày ríu rít bên cạnh, vì đó Phiên Phiên thương yêu như con ruột.
Chàng lại bàn chuyện hồi hương, nàng biết thế không cầm giữ được nữa, đành thu xếp cho chồng đi.
- Mình có cốt tục, chung quy không sao thành tiên đặng, thôi thì mình đi. Thằng con chúng ta cũng là người trong làng phú quý, vậy mình nên đem con về theo, tôi không muốn cầm giữ để lỡ mất cuộc vinh hoa một đời của nó.
Con dâu đang suy nghĩ làm thế nào gặp mẹ để từ giã, thì Hoa Thành đã tới nơi. Con khóc lóc bịn rịn, hai bà mẹ cùng yên ủi:
- Con hãy tạm đi, sau sẽ có dịp trở lại.
Phiên Phiên cắt lá thành hình con lừa, cho ba người cưỡi mà đi.
Lúc này ông chú ruột La sinh già nua, đã cáo quan về nhà, trong trí tin tưởng bề nào thằng cháu cũng chết bỏ xác đâu rồi; nay bỗng thấy cháu lù lù trở về, lại có cả con trai con dâu cùng theo, ông cụ hết sức vui mừng như bắt được của báu vậy.
Khi ba cha con vào đến trong nhà, ngó lại áo mặc, đều thành lá chuối, xé ra, may lót bên trong ngùn ngụt bay lên không. Ông chú đưa quần áo thật cho ba cha con thay đổi.
Sau chàng thương nhớ Phiên Phiên, dắt con đi vào núi thăm, chỉ thấy lá vàng lấp ngõ, cửa động mây phong, cùng nhau ngậm ngùi trở về.