Tiếu mạ do tha tiếu mạ gia.
Lão nhân trường lạc tín kham khoa.
Ðường khai hoạ cẩm tiêu doanh thiếp.
Thử thị tam triều tể tướng gia.
Triều Minh, có viên quan họ Chu, tên Chính Khang làm quan trải ba đời vua, được phong đến chức tể tướng. Có lần Chính Khang được nhà vua sai cầm quân đi dẹp giặc. Thấy khí thế của giặc mạnh quá, Chính Khang đầu hàng, chịu để giặc bắt. Triều đình phải giảng hòa với giặc để giặc thả cho Chính Khang ra về. Khi về, Chính Khang lại được nhà vua cho phục chức nên bị dân chúng đương thời khinh khi.
Khi về quê hưu trí, Chính Khang thuê thợ xây cất một gia miếu. Trước ngày khánh thành miếu, Chính Khang sai gia nhân ra ngủ đêm ở miếu để trông coi, đề phòng kẻ phá hoại.
Sáng sau, đúng vào ngày khánh thành, gia nhân hớt hải chạy về báo tin có kẻ lẻn vào miếu lúc nào chẳng rõ, treo một bức hoành ngang trên tường với một đôi câu đối dọc theo hai cột. Chính Khang lấy làm lạ, vội dẫn con cháu tới miếu coi. Tới nơi, mọi người đều thấy trên bức hoành có đề bốn chữ Tam Triều Nguyên Lão và trên đôi câu đối có đề mười bốn chữ Nhất Nhị Tam Tứ Ngũ Lục Thất và Hiếu Ðễ Trung Tín Lễ Nghĩa Liêm. Ai cũng hiểu ý nghĩa của bốn chữ trên bức hoành là Ông Già Làm Quan, Trải Ba Ðời Vua song chẳng ai hiểu ý nghĩa của mười bốn chữ trên đôi câu đối là gì.
Câu chuyện lan khắp vùng. Dân chúng đua nhau giải thích song rút cục cũng chẳng có ai giải thích được thỏa đáng.
Ít lâu sau, có một danh sĩ trong vùng giải thích như sau:"Ðúng ra đôi câu đối ấy phải có mười sáu chữ là Nhất Nhị Tam Tứ Ngũ Lục Thất Bát và Hiếu Ðễ Trung Tín Lễ Nghĩa Liêm Sỉ. Người viết cắt bớt chữ Bát ở vế đầu và chữ Sỉ ở vế sau là có ý nói Chính Khang mất chữ Bát và không có chữ Sỉ. Trong Hán tự, mất chữ Bát gọi là Vong Bát, không có chữ Sỉ gọi là Vô Sỉ. Cả hai cặp chữ Vong Bát và Vô Sỉ đều có cùng một nghĩa là vô liêm sỉ" Ai cũng chịu lời cắt nghĩa của danh sĩ ấy là thỏa đáng.
Kẻ sĩ đời sau bình luận việc tể tướng Chu Chính Khang được triều đình sai cầm quân đi dẹp giặc mà lại đầu hàng giặc là một việc làm thiếu liêm sỉ của kẻ làm quan.