CÁI BẢ HƯ DANH VII.14
(Dương tử viết: Thái cổ chi sự…)
Dương Chu nói:
- Các việc lớn thời thái cổ đã dứt rồi, ai có thể ghi lại được? Hành vi của Tam Hoàng tới nay như còn như mất, hành vi của Ngũ Đế như tỉnh như mộng, hành vi của Tam Vương hoặc ẩn hoặc hiện[1], một ức việc không biết chắc được một việc. Ngay những việc đương thời ta đây, hoặc được nghe, hoặc được thấy mà vạn việc cũng không biết chắc được một việc; những việc trước mắt ta đây, hoặc còn hoặc mất, ngàn việc cũng không biết chắc được một việc.
Từ thời thái cổ tới nay, có cơ man nào là năm, mà từ thời Phụ Hi tới nay, cũng đã trên ba ngàn năm rồi. Hiền ngu, gian ác, thành bại, thị phi, không có gì là không tiêu diệt, chỉ sớm hoặc muộn mà thôi. Coi trọng tiếng khen tiếng chê một thời làm cho tinh thần, hình hài tiều tuỵ, muốn lưu lại cái danh hão mấy trăm năm sau khi chết, nhưng chết rồi có cách nào làm cho nắm xương tàn tươi lại, tái sinh mà hưởng lạc được không?
ĐỒNG HOÁ VỚI VẠN VẬT VII.15
(Dương tử viết: Nhân tiếu thiên địa chi loại)
Dương Chu nói:
- Con người bản chất giống trời đất, có đức tính của ngũ hành[2], là loài tối linh trong vạn vật, nhưng móng tay và răng không đủ để tự vệ, da thịt không đủ để kháng cự; chạy không đủ mau để trốn nguy; lại không đủ lông để che nắng tránh lạnh. Phải nhờ cậy ngoại vật để tự nuôi sống, nhưng dùng mưu trí chứ không ỷ vào sức mạnh được[3]. Cho nên trí khôn quí ở chỗ nó bảo tồn được thân ta; mà sức mạnh đáng khinh ở chỗ nó tàn bạo với sinh vật khác.
Thân ta không phải của ta, nhưng đã sinh ra rồi thì không thể không bảo toàn nó được. Các sinh vật khác không phải là của ta, nhưng đã có chúng rồi thì không được diệt trừ nó đi[4].
Đời sống tuỳ thuộc thân ta, mà thức ăn của ta tuỳ thuộc vạn vật. Tuy bảo toàn được thân ta, nhưng không làm chủ hoàn toàn được nó; tuy không diệt trừ các sinh vật khác, nhưng không thể làm chủ hoàn toàn chúng được. Làm chủ vạn vật và làm chủ thân ta, tự ý muốn làm gì cho thân mình và cho vạn vật cũng được, hoạ may bậc thánh nhân mới được vậy. Coi thân mình là vạn vật, coi vạn vật là thân mình, thì chỉ bậc chí nhân mới được vậy. Đó là tột bực của sự hoàn thiện.[5]
TẠI SAO KHÔNG ĐƯỢC AN NHÀN VII.19
(Dương Chu viết: Sinh dân chi bất đắc hưu tức)
Dương Chu nói:
- Con người sở dĩ không được nghỉ ngơi (an nhàn) là vì bốn nguyên nhân: ham sống lâu, ham danh, ham vị và ham tiền. Vì ham bốn cái đó nên sợ quỉ, sợ người, sợ kẻ có quyền, sợ hình phạt. Hạng người đó gọi là “trốn” (tự nhiên), vì họ sống hay chết, thì số mệnh họ cũng tuỳ ngoại vật (chứ không tuỳ họ).
Nếu thuận mệnh thì đâu còn cầu thọ; không ham quí hiển thì đâu còn cầu danh; không muốn có uy thế thì đâu thích địa vị; không ham giàu thì đâu quí tiền của. Hạng người như vậy gọi là thuận “tự nhiên”, trong thiên hạ không có gì ngang[6] với họ được, số mạng họ tuỳ thuộc họ (chứ không tuỳ thuộc ngoại vật).
Cho nên ngạn ngữ có câu: “Người nào không lập gia đình, không làm quan thì tình dục mất đi một nửa, người nào không quan tâm tới cái ăn cái mặc thì chẳng có bổn phận vua tôi”.
LOÀI MỌT CỦA TRỜI ĐẤT VII.18
(Dương Chu viết: Phong ốc, mĩ phục)
Dương Chu nói:
- Nhà sang, áo đẹp, thức ăn ngon, vợ đẹp, có bốn thứ đó thì có cầu gì khác nữa? Có bốn thứ đó rồi mà cầu thêm nữa, là tham lam vô độ, tham lam vô độ là loài mọt của âm dương (của trời đất)[7].
BỎ TRUNG NGHĨA ĐI VII.19
(Trung bất túc dĩ an quân)
Dương Chu nói:
- Trung với vua không đủ để làm cho vua được yên mà đủ để làm nguy cho bản thân mình; giữ nghĩa không đủ để làm lợi cho người mà đủ làm hại cho đời sống của mình. Sự an ổn của người trên không nhờ đức trung (của người dưới), vậy nên bỏ tiếng trung đi; sự lợi ích của người khác không do ta giữ nghĩa, vậy nên bỏ tiếng nghĩa đi. Vua tôi đều được yên ổn, người và ta đều được lợi, đó là đạo của cổ nhân[8].
TA CHỊU HẬU QUẢ HÀNH ĐỘNG CỦA TA VII.22
(Dương Chu viết: Lợi xuất giả thực cập[9])
Dương Chu nói:
- Làm điều lợi cho người thì được hậu quả tốt; làm điều oán cho người thì sẽ hại tới thân. Phát ở ta mà ứng ra ngoài, đó là tình đời (lẽ thường). Cho nên người hiền minh thì thận trọng về hành động của mình.
MẤT CỪU VIII.23
(Dương tử chi lân vong dương[10])
Người láng giềng của Dương tử mất cừu, đã sai tất cả người trong nhà đi tìm, lại xin Dương tử cho trẻ tìm hộ nữa. Dương Chu hỏi :
- Ôi! Mất có một con cừu, sao mà cần nhiều người thế?
Người kia đáp:
- Vì đường có nhiều ngã rẽ.
Lại hỏi:
- Tìm được không?
- Không.
- Sao mà không tìm được?
Đáp:
- Theo một ngã rẽ lại gặp một ngã rẽ khác, không biết phải theo ngã nào, đành phải về.
Dương Chu rầu rầu nét mặt, không nói gì cả một hồi lâu và suốt ngày hôm đó không cười. Môn đệ lấy làm lạ, đáng bạo hỏi:
- Một con cừu có đáng gì đâu, mà con đó lại không phải của thầy, sao thầy rầu rĩ tới không nói, không cười như vậy.
Dương Chu không đáp và môn đệ không hiểu ý thầy ra sao.
Môn đệ Mạnh Tôn Dương trở ra nói với Tâm Đô tử. Hôm sau cả hai người cùng vô thưa với Dương tử:
- Xưa ba anh em nhà nọ đi chơi nước Tề, nước Lỗ. Cả ba cùng học một thầy, đạt được đạo nhân nghĩa rồi về. Người cha hỏi:
- Đạo nhân nghĩa ra sao?
Người con lớn đáp:
- Theo đạo nhân nghĩa thì con phải yêu cái thân của con mà coi thường cái danh.
Người con giữa đáp:
- Theo đạo nhân nghĩa thì con phải huỷ cái thân con để thành danh.
Người con thứ ba đáp:
- Theo đạo nhân nghĩa thì con phải giữ cho vẹn cả cái thân lẫn cái danh của con.
Ý kiến của ba người đó trái ngược nhau mà họ đều học chung một thầy nho cả, vậy biết ai phải ai trái?
Dương tử đáp:
- Xưa có một người sống ở bờ sông, quen với nước, can đảm bơi lội, chở đò cho người qua sông, kiếm tiền nuôi được trăm miệng ăn. Nhiều người đem lương thực lại xin học, nhưng có tới một nửa chết đuối. Họ học lội chứ không học chết đuối, mà hại như vậy; theo anh thì ai phải ai trái?
Tâm Đô tử làm thinh bước ra. Mạnh Tôn Dương trách:
- Anh hỏi gì mà quanh co vậy? Và thầy trả lời làm sao mà khó hiểu thế? Tôi càng thêm hoang mang.
Tâm Đô tử đáp:
- Vì con đường lớn nhiều ngã rẽ cho nên không tìm được cừu. Vì có nhiều ý kiến, cho nên hại cho người học đạo. Sự học, gốc thì như nhau, là một, mà ngọn thì khác nhau. Cho nên chỉ người nào biết quay về chỗ đồng nhất mới khỏi bị hại. Anh làm môn đệ của thầy từ lâu, tập đạo của thầy mà không hiểu ý thầy, đáng buồn thật!
ĐI TRẮNG VỀ ĐEN VIII.24
(Dương tử chi đệ viết Bố)
Em của Dương Chu là Dương Bố, một hôm bận áo trắng đi chơi; khi gặp mưa thì cởi áo trắng ra, bận áo đem mà về. Con chó trong nhà không nhận ra được, chạy ra sủa. Dương Bố giận, muốn đập.
Dương Chu bảo:
- Đừng đánh nó! Chú ở vào cảnh nó chú cũng hành động như nó. Ví dụ con chó của chú, lúc đi lông đen, lúc về lông trắng, thì chú có lấy làm lạ không?[11]
NÊN LÀM ĐIỀU THIỆN VIII.25
(Dương tử viết: Hành thiện bất dĩ)
Dương Chu nói:[12]
- Người làm điều thiện không phải để cầu danh mà danh tự tới. Danh không hẹn gì với lợi mà lợi theo nó. Lợi không hẹn gì với sự tranh giành mà sự tranh giành cứ đến với nó. Vì vậy người quân tử phải thận trọng mà làm điều thiện.
Chú thích:
[1] Tam Hoàng: theo truyền thuyết, là ba đời đàu tiên: Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng. Ngũ Đế: theo truyền thuyết, là Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn. Tam Vương là ba đời vua: vua Vũ nhà Hạ, vua Thang nhà Thương, vua Văn vương nhà
[2] Nguyên văn là ngũ thường; ngũ hành tức kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ.
[3] Đoạn này làm chúng ta nhớ tới Pascal.
[4] Nguyên văn theo bản Trương Trầm: Kí hữu, bất đắc bất khứ chi. B.G dịch sát như vậy. Theo bản Đường Kính Cảo, chữ bất khứ, nên sửa là nhi khứ. Chúng tôi theo bản này.
[5] Thánh nhân ở đây trỏ bậc đại trí, chí nhân ở đây trỏ bậc đại nhân, cao hơn một bậc.
[6] Nguyên văn: Thiên hạ vô đối. Cũng có thể hiểu rằng trong thiên hạ không có gì chống đối với họ.
[7] Bài này B.G cho vào cuối bài VII.17.
[8] Bài này và bài trên, Đường Kính Cảo gom làm một.
[9] Thực cập 實及: sách in sai thành “thực tập”. (Goldfish).
[10] Bản chữ Hán chép: Dương tử chi lân nhân vong dương 楊子之鄰人亡羊. Theo bác Vvn thì trong tiếng Trung hiện đại, dương 羊 là con cừu, còn sơn dương 山羊 là con dê; còn trong tiếng Hán cổ thì dương 羊 chỉ cả cừu lẫn dê. (Goldfish)
[11] Truyện này trong Cổ học tinh hoa có nhan đề là: Lúc đi trắng, lúc về đen. (Goldfish)
[12] Trong sách không có câu này. (Goldfish).