Đột nhiên chàng nghe phía trong cửa sổ nhà từ đường bật tiếng lách cách dường như có người.
Chàng liền nép mình đứng dưới cửa sổ không dám cử động.
Lát sau, cửa sổ kẹt mở một người đi ra.
Tuy trời tối, Địch Vân cũng trông rõ mụ khất cái đầu bù tóc tối.
Ban đầu chàng còn lưu tâm đề phòng vì tưởng là địch nhân, sau nhận ra mụ khất cái tầm thường, liền không để ý nữa bụng bảo dạ:
– Mụ khất cái dùng ngôi nhà từ đường đổ nát này làm chốn an thân mà ta còn ở đây quấy rầy là không nên, chẳng hiểu sao Phương muội mãi không trở về?
Không Tâm Thái đang mơ màng bỗng ọe một tiếng rồi giật mình tỉnh giấc, khóc òa lên.
Nó vừa khóc vừa gọi:
– Má má! Má má!
Mụ khất cái giật mình kinh hãi co rúm người lại ẩn vào góc hành lang, hai tay ôm đầu.
Địch Vân khẽ vỗ lưng Không Tâm Thái, dỗ dành nó:
– Đừng khóc! đừng khóc! Không Tâm Thái đừng khóc nữa, má má sắp tới rồi! Má má sắp tới rồi!
Mụ khất cái thấy con nhỏ phát khóc, mà Địch Vân lại không có ý gia hại mình, mụ bạo dạn hơn một chút, liền đứng dậy, từ từ tiến lại giúp chàng dỗ dành Không Tâm Thái:
– Bảo Bảo ngoan lắm! Bảo Bảo ngoan lắm! Nín đi đừng khóc nữa, má má sắp tới rồi.
Mụ khẽ bảo Địch Vân:
– Có người ngủ rồi gặp quỉ, lại có người nửa đêm dậy xây tường, không...
không... tướng công đừng hỏi tiểu phu..... tướng công đừng hỏi tiểu phu.....
Mụ hơ hải nhì ngang nhìn ngửa, lại muốn chạy vào trong cửa sổ.
Địch Vân thấy mụ nói vớ vẩn chẳng vào đâu, chàng không hiểu rất lấy làm kỳ, hỏi:
– Mụ bảo sao?
Mụ khất cái đáp:
– Không... không có gì cả, tiểu phụ chẳng có địa phương nào tử tế để đi tới, lão gia đuổi tiểu phụ đi rồi, không cần đến nữa. Ngày trước khi tiểu phụ còn nhỏ tuổi, lão gia rất thích tiểu phụ, người ta có câu:
"Nhất dạ phu thê bách dạ ân, nhất nhật đồng sang thiên nhật ái". Vậy thì... phu thê hang trăm đêm nguồn ân bể ái sâu bằng biển cả... tất có ngày kia lão gia kêu tiểu phụ trở về, phải rồi! Nhất dạ phu thể bách dạ ân, Bách dạ phu thê hải dạng thâm...
Địch Vân nghe mụ nói hai câu "Nhất dạ phu thê bách dạ ân, Bách dạ phu thê hải dạng thâm" bất giác chàng động tâm tự hỏi:
– Phương muội... Phương muội đối với trượng phu của nàng, chẳng lẽ nàng không nghĩ gì đến mối tình thâm trọng?
Đột nhiên chàng cảm thấy trước ngực tựa hồ bị đè chặt cơ hồ nghẹt thở, đầu óc chàng trống rỗng cơ hồ ngất xỉu, chàng bồng Không Tâm Thái từ căn nhà từ đường đổ nát xông ra ngoài.
Dĩ nhiên chàng không thể đoán được mụ khất cái toàn thân dơ dáy này chính là Đào Hồng, con người đã vu hãm chàng ngày trước.
Địch Vân vượt qua tường vây vào đến thư phòng ở Vạn gia thì trời đã bình minh.
Dưới ánh sáng lờ mờ chàng ngó thấy một người nằm thẳng cẳng dưới đất phảng phất giống Thích Phương.
Địch Vân giật mình kinh hãi, vội lấy hỏa đao hỏa thạch quệt lửa lên châm vào ngọn nến để trên bàn.
Dưới ánh đèn nến chàng thấy Thích Phương toàn thân đẫm máu bụng dưới còn cắm lưỡi đoản đao.
Bên mình nàng những phiến gạch xếp thành đống, chỗ hổng tường đã mở ra, cha con họ Vạn không còn ở trong đó nữa.
Địch Vân quì bên mình Thích Phương cúi xuống gọi:
– Sư muội! Sư muội!....
Chàng sợ quá toàn thân run bần bật, thanh âm nghẹn ngào cơ hồ không thốt ra được.
Chàng đưa tay sờ mặt Thích Phương thấy hãy còn nóng, lỗ mũi còn hô hấp, mới tĩnh tâm được một chút, chàng lại gọi:
– Sư muội! Sư muội!
Thích Phương từ từ mở mắt ra, khóe môi lộ một nụ cười đau khổ nói:
– Sư ca!.... Tiểu muội đành chịu tội với sư ca.
Địch Vân đáp:
– Sư muội đừng nói nữa để tiểu huynh... cứu trị.
Chàng khẽ đặt Không Tâm Thái xuống một bên, tay phải ôm lấy người Thích Phương, tay trái chụp chuôi đao muốn rút ra. Nhưng chàng ngó thấy lưỡi đao đâm vào rất sâu mà rút ra là nàng phải chết ngay lập tức.
Địch Vân không dám rút đao, đầu óc rất đỗi bồn chồn mà chẳng biết làm thế nào, chàng hỏi liền mấy câu:
– Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào bây giờ? Ai... ai đã sát hại Phương muội?
Thích Phương nhăn nhó cười đáp:
– Sư ca ơi! người ta bảo:
Nhất dạ phu thệ.. hỡi ơi! Thôi không nói nữa... Sư ca đừng trách tiểu muội, tiểu muội không nhẫn tâm được, trở lại thả trượng phu rạ.. ỵ.. ỵ..
Địch Vân nghiến răng hỏi:
– Ỵ.. ỵ.. lại đâm sư muội một đao phải không?
Thích Phương cười gượng gật đầu.
Địch Vân lòng đau như cắt, chàng nhìn thấy Thích Phương phải chết trong khoảnh khắc vì nhát đao của Vạn Khuê đâm sâu quá, chẳng còn cách nào cứu vãn được nữa. Trong nội tâm chàng vừa bất bình vừa đố kỵ, chẳng khác nào bị rắn cắn, chàng lẩm bẩm:
– Rút cuộc nàng... vẫn thương yêu trượng phụ, chẳng thà nàng chịu chết cũng quyết tâm cứu gã.
Thích Phương ngập ngừng nói:
– Sư ca! Sư ca hãy hứa hết lòng chiếu cố cho Không Tâm Thái và coi ỵ..
như con gái mình vậy.
Địch Vân buồn rầu không đáp, chỉ lẩm nhẩm gật đầu.
Rồi chàng nghiến răng hỏi:
– Tên tặc tử kiạ.. đi đâu rồi?
Thích Phương nhãn thần tán loạn, tiếng nói hàm hồ, nàng thều thào:
– Trong sơn động kia, hai con bướm lớn bay vào rồi, Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài... đại ca coi kìa... coi kìa... một con là sư ca, một con là tiểu muội, chúng tạ.. cứ bay đi bay lại như vậy hoài... vĩnh viễn không dời nhau thật hay biết mấy!
Thanh âm nàng mỗi lúc một nhỏ, hơi thở yếu dần đi.
Địch Vân một tay bồng Không Tâm Thái, một tay ôm thi thể Thích Phương nhảy qua tường vây ra ngoài.
Chàng đã định cho một mớ lửa đốt cháy sạch tòa nhà họ Vạn nhưng chàng lại nghĩ:
– Những tòa nhà này mà cháy hết thì vĩnh viễn cha con hắn không trở lại nữa, ta cần để vậy mới còn ngày trả được thù cho sư muội.
Địch Vân chạy thẳng đến khu vườn hoang mà ngày trước, Đinh Điển từ giã cõi đời ở đó, chàng đào huyệt mai táng thi thể Thích Phương, thu cất thanh đoản đao bên mình, chàng quyết tâm dùng thanh đao này để kết quả tính mạng cha con họ Vạn.
Chàng thương tâm quá đỗi khóc hết nước mắt và không ngớt tự trách mình:
– Tại sao ta không đánh chết cha con nhà họ Vạn trước đi mà cứ để sống liệng vào khe tường? Tại sao ta lại bất cẩn để đến nỗi sư muội phải thác oan?
Không Tâm Thái không ngớt vừa khóc vừa la gọi:
– Má má! Má má...
Nó gào khóc khiến Địch Vân càng rối loạn tâm thần, chàng muốn ở lại quanh quẩn gần Vạn gia chờ cha con họ Vạn Chấn Sơn trở về để hạ thủ, nhưng Không Tâm Thái kêu khóc thế này há chẳng khiến cho chúng kinh hãi bỏ đi?
Chàng liền tìm đến một nhà nông ở ngoài thành Kinh Châu, đưa cho họ mười lượng bạc để kiếm một nông phu chiếu cố cho con nhỏ.
Địch Vân suốt ngày đêm vẫn quanh quẩn ở phía sau Vạn gia, chàng chờ nửa tháng trời chẳng thấy tông tích cha con Vạn Khuê đâu. Lạ hơn nữa, bọn Lỗ Khôn, Bốc Viên, Phùng Thản, Thẩm Thành cũng đều mất tích, chẳng một ai trở lại Vạn gia, kẻ ăn người ở nhà này rối loạn cả lên như nhặng không đầu. Đã có kẻ bắt đầu lấy cắp đồ vật, có người gây lộn cãi nhau.
Trong thành Giang Lăng rất nhiều nhân vật võ lâm từ bốn mặt tám phương đổ đến tụ hội.
Một hôm vào buổi tối, Địch Vân nghe mấy vị hào khách giang hồ đối đáp với nhau.
Một người nói:
– Bộ Liên Thành Kiếm Phổ đó nguyên dấu trong pho Đường Thi tuyển tập, bốn chữ đầu là "Giang Lăng Thành Nam".
Người khác hỏi:
– Phải rồi! Mấy bữa nay khá nhiều nhân vật giang hồ nghe phong thanh đã tới thành Giang Lăng này, nhưng không hiểu sau bốn chữ đó là những chữ gì?
Người nữa đáp:
– Bất luận sau còn những chữ gì, chúng ta cứ giữ ở phía nam thành Giang Lăng, hễ có người đến đào bảo tàng đem ra là ta chẹn đường đánh cướp.
Người trước nói:
– Chính thế! Dù chẳng cướp hết thì ít ra cũng được chia chác, người ta đã nói hễ chứng kiến là có phần, chẳng lẽ họ lại bỏ sót anh em ta?
Một người cười khanh khách nói:
– Hà hà! Mấy bữa nay trong các tiệm sách ở Giang Lăng người ta đi mua Đường Thi tuyển tập không phải ít, sáng nay tại hạ vào tiệm sách chưa mở miệng, chủ tiệm đã hỏi ngay:
"Đại gia, phải chăng đại gia muốn mua Đường Thi tuyển tập? Bản quán vừa đi Hán Khẩu cất mấy bộ sách này về, đại gia lấy thì lấy ngay đi, nếu chậm trễ e người ta lấy hết".
Rồi y kể tiếp:
– Tại hạ rất lấy làm kỳ liền hỏi chủ quán:
"Sao quí chủ nhân biết tại hạ muốn mua Đường Thi tuyển tập?" Ông bạn thử đoán coi y bảo sao?
Người khác đáp:
– Ta không hiểu, y bảo sao?
Người kia liền nói:
– Con mẹ nó! Chủ quán bảo:" Chẳng dấu gì lão nhân gia, mấy bữa này các vị huynh đài mình đeo đao kiếm phưỡn ngực vào tiệm sách, mười vị đến thì mười một vị hỏi mua cuốn sách này, cứ năm lạng bạc một cuốn, đại gia bảo có đáng không?" Mấy người kia đồng thanh thóa mạ:
– Tổ bà nó! Làm gì mà bán sách đắt thế?
Người kia hỏi:
– Các vị biết giá sách ư? Đã vị nào mua sách chưa?
Một người cười hô hố đáp:
– Ha ha! Lão gia chưa từng tới cửa tiệm sách nào, sách ư? Sách ư? Cái đó lão gia không thích đâu, lão gia chỉ muốn đánh bạc thôi, đánh bạc được mới thú, mua sách về làm gì? ha hạ..
Địch Vân bụng bảo dạ:
– Điều bí mật trong Liên Thành Kiếm Phổ đã đồn đại ra ngoài rồi, nhưng ai đồn ra vậy?
Rồi chàng tự trả lời:
– Phải rồi! Khi cha con họ Vạn đọc bí quyết trong Liên Thành Kiếm Phổ bị bọn Lỗ Khôn nghe lỏm được, ngay lúc đó có mấy tên lặp lại bốn chữ "Giang Lăng Thành Nam". Cha con Vạn Chấn Sơn toan rượt theo bắt lại để điều tra thì mấy tên đồ đệ kia đã chạy trốn rồi. Cứ như vậy đồn đại ra ngoài nên số người biết tới mỗi ngày một nhiều.
Chàng nhớ lại ngày trước khi còn ở trong ngục với Đinh Điển.
Cũng có nhiều hào sĩ giang hồ nghe phong thanh tìm đến, nhưng đều bị Đinh Điển đánh chết hết.
Chàng sực nghĩ tới điều gì bất giác la lên:
– Trời ơi! Đinh đại ca ủy thác cho ta một việc mà ta chưa làm xong, bây giờ ta phải lo vụ này trước đi tức là đem gói cốt hôi của Đinh đại ca mai tang với thi thể của Lăng cô nương cho hai người ở dưới suối vàng được mãn nguyện.
Địch Vân tìm kiếm không đầy nửa ngày đã điều tra ra phần mộ của Lăng tiểu thư.
Nguyên phụ thân Lăng tiểu thư làm tri phủ Giang Lăng, chàng chỉ cần đến tiệm bán quan tài lớn nhất trong thành và vào tiệm làm bia mộ để dò hỏi là biết liền. Phần mộ Lăng tiểu thư táng trên trái núi nhỏ ở ngoài cánh cửa đông cách thành Giang Lăng chừng hai chục dặm.
Địch Vân mua một thanh sắt và một cái cuốc ra cửa đông, chàng tìm đến phần mộ kia được ngay, trên tấm mộ bia đề bảy chữ:
"Ái nữ Lăng Sương Hoa chi mộ".
Phía trước mộ không trồng hoa hay cây cối gì hết.
Địch Vân tự hỏi:
– Lăng cô nương hồi còn sinh tiền rất thích hoa tươi, sao phụ thân cô không trồng ở đây cho cô một cây gì. Vậy mà cũng kêu bằng ái nữ, ái nữ, ái nữ! Ha ha!
Lão có yêu con gái thật không?
Chàng cười lạt mấy tiếng lại nhớ tới Đinh Điển và Thích Phương rồi không nhịn được hai hàng nước mắt tầm tã như mưa.
Vạt áo chàng lúc khóc Thích Phương vào buổi sáng sớm đã ướt rồi, bây giờ ở trước mộ Lăng Sương Hoa lại tưới thêm hai hàng tân lệ.
Khu phụ cận trái núi này không có nhà ở, lại cách đường lớn khá xa, chẳng có một người nào qua lại, nhưng Địch Vân nhận thấy ban ngày đào mộ không tiện, chàng đành chờ đến đêm mới động thủ.
Địch Vân đào ba lớp đất đến lớp đá lớn, chàng khuân hết ra mới ngó thấy cỗ quan tài gỗ.
Trải mấy năm khốn khổ gian nan, Địch Vân không phải là người dễ nẩy mối thương tâm hay dễ sa lệ, nhưng ánh trăng thảm đảm chiếu vào cỗ quan tài khiến chàng nhớ tới Đinh đại ca chết vì cỗ quan tài này thì chàng không khỏi thương tâm sao được? Bất giác chàng lại đổ lệ chan hòa.
Địch Vân đã biết Lăng Thoái Tư đổ chất kịch độc Phật Tỏa Kim Liên vào quan tài, tuy cách khoảng thời gian khá lâu ngày, và lúc khiêng quan tài tới đây mai tang, chắc họ đã lau chùi độc dược rồi, nhưng chàng vẫn không dám mạo hiểm đụng tay vào nắp quan tài, chàng rút thanh huyết đao lùa vào khe những tấm gỗ lia đi một lượt.
Thanh huyết đao này chém vàng chặt sắt còn đứt thì đối với chất gỗ chẳng khác gì đậu hũ, Địch Vân không cần dùng sức cũng cắt hết được ngàm đố. Chàng đẩy tay lên một chút, tấm thiên quan tài liền mở tung bay ra.
Đột nhiên Địch Vân ngó thấy trong quan tài hai cánh tay đã thành xương khô giơ lên.
Nắp quan tài bay ra, hai xương cánh tay liền rớt xuống tựa hồ biết cử động.
Địch Vân giật mình kinh hãi tự hỏi:
– Khi liệm di thể Lăng tiểu thư bỏ vào quan tài, sao hai cánh tay lại giơ cao lên như vậy? Vụ này thật là kỳ quái!
Chàng lại thấy trong quan tài chẳng có thọ y cùng chăn đệm và những đồ khâm liệm chi hết, người chết mặc một manh áo bọc lấy nắm xương trắng.
Địch Vân quì xuống lâm âm khấn khứa:
– Đinh đại ca! Lăng tiểu thư! Hồi sinh tiền hai vị không thể thành chồng vợ thì su khi chết đi mai tang cùng một chỗ là tâm nguyện được thảo mãn rồi, hai vị có khôn thương cũng được ngậm cười nơi chín suối.
Chàng cởi bọc trên lưng xuống lấy gói cốt hôi của Đinh Điển rải lên mặt hài cốt của Lăng cô nương.
Địch Vân lại kính cẩn lạy bốn lạy rồi đứng dậy, chàng dùng tấm giấy bọc cốt hôi để lót tay bưng tấm nắp quan tài đậy vào.
Dưới ánh trăng chàng chớt ngó thấy mặt trong nắp quan tài phảng phất có nét chữ...
Chàng nhìn gần vào quả thấy mấy chữ lệch lạc và đọc được:
– "Đinh lang! Đinh lang! Kiếp sau sẽ làm phu thê".
Địch Vân trong lòng giá lạnh, ngồi phệt xuống đất.
Chàng nhận ra mấy chữ này hiển nhiên khắc bằng móng tay, chàng ngưng thần ngẫm nghĩ một chút rồi hiểu ngay, bất giác chàng buông tiếng thở dài, nhỏ lệ than thầm:
– Té ra Lăng cô nương đã bị phụ thân chôn sống, lúc nhập quan nàng chưa chết, nàng nằm trong quan tài giơ tay lên khắc chữ vào mặt trong nắp quan tài, vì thế mà lúc nàng chết đi hai tay vẫn còn giơ lên. Trong thiên hạ sao lại có người cha tàn nhẫn đến thế? Đinh đại ca thủy chung không chịu khuất phục, Lăng cô nương thủy chung không phụ tình Đinh đại ca, phụ thân nàng càng căm hận mà hạ độc thủ như vậy.
Rồi chàng lẩm bẩm:
– Lăng tri phủ phát giác ra Đinh đại ca vượt ngục, đoán chắc y sẽ tìm lão để đòi nợ nên đổ chất độc Phật Tỏa Kim Liên vào quan tài để đánh bẫy y, thế thì lòng dạ lão còn tàn độc hơn cả Phật Tỏa Kim Liên.
Lúc chàng đem tấm nắp quan tài gần lại, còn ngó thấy một bên có hai hàng chữ viết ở phía dưới.
Những chữ này toàn là số mục như "Bốn mươi ba", "Năm mươi hai", "Mười một" vân vân...
Địch Vân hít một hơi khí lạnh, bụng bảo dạ:
– Phải rồi! Lăng cô nương đến lúc lâm tử còn nhớ lời tự nguyện là ai đem di thể Đinh đại ca hợp táng với di thể của nàng sẽ được biết điều bí mật về Liên Thành Kiếm Phổ, Đinh đại ca lúc ở trong vườn hoang đã đọc cho ta nghe một phần, nhưng chưa đọc xong đã bị chất độc phát tác rồi chết mất. Chỗ bí mật trong kiếm phổ của sư phụ bị nước mắt của sư muội nhỏ vào để lộ ra, sau cha con họ Vạn dằng nhau cuốn sách thành tan nát. Ta đã tưởng vụ bí mật này từ mai một, ngờ đâu Lăng cô nương còn ghi ở chỗ này.
Chàng lẩm nhẩm cầu chúc:
– Lăng cô nương! Cô thật là người thủ tín... Tiểu đệ đa tạ hảo tâm của cô nương, có điều lòng dạ tiểu đệ đã nguội lạnh, chán nản mọi sự Ở đời. Tiểu đệ hận mình chẳng thể đào huyệt tự chôn mình bên cạnh Đinh đại ca và cô nương, vì còn mối đại thù chưa trả, tiểu đệ phải giết xong cha con họ Vạn mới tính đến hậu sự của mình được. Tiểu đệ coi vàng bạc châu báu cũng như đất bùn, chẳng quý báu gì.
Chàng khấn rồi nhắc tấm thiên lên toan đậy vào quan tài, bỗng chàng chợt động tâm cơ, la lên:
– Trời ơi! Phải lắm! Hiện giờ ta chưa biết cha con họ Vạn ẩn nấp ở đâu, e rằng kiếp này khó lòng tìm thấy chúng, nếu ta viết những điều bí mật về kiếm quyết bày ra trước mắt mọi người, cha con họ Vạn hay tin tất nhiên lần đến. Phải rồi! Phải rồi! Điều bí mật này là miếng mồi thơm để nhử chúng vào bẫy, dù cha con họ Vạn có sinh lòng ngờ vực và thận trọng đến đâu cũng phải mò tới để coi cho biết.
Địch Vân nghĩ vậy liền ngửa tấm thiên nhìn cho rõ những chữ số mục, chàng dùng mũi thanh huyết đao vạch vào mặt sau cây thiết sạn.
Chỉ trong khoảnh khắc chàng khắc xong đọc kỹ lại, không có chỗ nào lầm lẫn mới đậy nắp quan tài và đặt những phiến đá nguyên như cũ rồi lấp đất cho thành ngôi mộ mới nguyên.
Địch Vân thở phào một cái tự nói để mình nghe:
– Thế là mối tâm nguyện của Đinh đại ca và Lăng cô nương đã được hoàn thành, sau khi trả xong mấy món huyết cừu, ta trở lại đây trồng mấy trăm thứ hoa cúc. Đinh đại ca và Lăng cô nương rất thích hoa cúc đặc biệt là thứ Xuân Thủy Bích Ba, một loại lục cúc nổi danh.
Sáng sớm hôm sau trên tường thành ở cửa nam thành Giang Lăng xuất hiện ba hàng chữ toàn là số mục viết bằng vôi trắng xóa, chữ nào cũng lớn một thước vuông, đứng xa đã nhìn thấy rõ ràng là số bốn, số năm mươi mốt, số ba mươi ba, số hai mươi lăm...
Lạ Ở chỗ những hàng chữ này cách mặt đất gần hai chục trượng, trong thành Giang Lăng chẳng có cái thang nào dài đến thế để người ta trèo lên mà viết chữ.
Ai cũng cho là ngoài cách làm quăng giây từ trên mặt thành thả xuống đất cho người ngồi vào rồi rút lên lưng chừng để người ta viết chữ, không còn cách nào khác.
Dưới chân tường cách những dòng chữ chừng mười mấy trượng, một khiếu hóa tử đang ngồi sưởi ấm dưới ánh mặt trời, cởi áo ra bắt rận, người này chính là Địch Vân.
Những chữ số trên tường không cần nói cũng biết là do tay chàng đã viết ra.
Người kéo đến cửa nam rất đông, dù là hương dân quê mùa chẳng hiểu gì về ý tứ những số mục này, nhưng thấy chuyện kỳ lạ cũng tới dòm ngó.
Chỉ sau mấy giờ khắp thành Giang Lăng từ ngoài chợ cho đến trong quán trà, quán cơm, ai cũng nghị luận ồn ào về vụ này.
Những kẻ hiếu kỳ ùn ùn đến cửa nam coi nhiệt náo, nhưng những chữ số mục ngoài cái đặc biệt viết trên cao quá tầm tay mọi người chẳng có chi kỳ lạ, hay ho, nên số người nhàn rỗi chỉ coi qua rồi bỏ đi còn một số hào khách giang hồ lưu lại.
Những nhân vật giang hồ trong tay đều cầm một cuốn Đường Thi tuyển tập, sao lại những chữ số mục trên tường chau mày suy nghĩ rất cực nhọc.
Địch Vân ngó thấy Tôn Quân tới nơi rồi, sau đó Thẩm Thành cũng đến ngay, lát nữa Lỗ Khôn lại mò tới.
Nhưng bọn này không hiểu thứ tự những chiêu thứ trong Liên Thành Kiếm Phổ nên tuy trong tay chúng đều cầm cuốn Đường Thi tuyển tập mà không điều tra được bí mật giữa những số mục viết trên tường và kiếm chiêu trong kiếm phổ.
Chúng chỉ nghe lỏm ở nơi sư phụ nói ra là cách tham tường điều bí mật cần phải nhớ thứ tự những bài thơ trong Đường Thi, mỗi chữ số thuộc về bài thơ nào mới lần ra được.
Trên đời hiện nay chỉ có ba nhân vật nhờ số mục mà điều tra được những bí mật trong Liên Thành Kiếm Phổ là Vạn Chấn Sơn, Ngôn Đạt Bình và Thích Trường Phát.
Bọn Lỗ Khôn ba người thì thào nghị luận, nhưng chúng đứng cách xa nên Địch Vân không nghe rõ chúng nói gì.
Chàng thấy ba tên bàn tán một lúc rồi đi vào thành.
Chẳng mấy chốc ba tên lại hóa trang rồi trở ra, một tên giả làm người bán trái cây gánh một gánh hàng, một tên trá hình người bán rau, còn một tên hóa trang làm hương dân đi cuốc đất.
Ba tên này ngồi ở chân thành, chú ý dòm ngó những người qua lại.
Địch Vân đã đoán ra bọn chúng định bụng thế nào rồi, đây là chúng đang chờ Vạn Chấn Sơn tới.