ió to và trời lạnh, mưa và tuyết, khả năng không thể tiến hành những cuộc tìm kiếm lâu dài, tất cả ngăn chúng tôi. Môn và tôi, đá độn đến xứ sở đã mất, trước khi chấm dứt mùa đông. Chúng tôi không thể bắt tay vào một việc gì nghiêm chỉnh, trong suốt những ngày tháng giêng ngắn ngủi này, trong suốt những ngày thứ năm thoắt cái lại nổi gió đùng đùng, và luôn luôn kết thúc khoảng năm giờ bởi một trận mưa lạnh băng buồn nẫu ruột.
Chẳng có gì gợi cho chúng tôi cuộc phiêu lưu của Môn, nếu không phải là việc từ buổi chiều anh về, chúng tôi không còn bạn nữa. Trong những giờ ra chơi, vẫn các trò chơi xưa được tổ chức, nhưng không bao giờ Giacxmanh bắt chuyện với Môn. Buổi chiều tan học, khi trường lớp đã được quét dọn, sân trường vắng tanh như ngay thời tôi còn cô đơn, và tôi trông thấy anh bạn cao lộc ngộc của mình lang thang từ vườn ra kho, từ sân vào phòng ăn, và ngược lại.
Sáng thứ năm nào cũng vậy, mỗi chúng tôi vào phòng học ngồi bên bàn thầy giáo, Môn và tôi đọc Ruxxô và Pôn-lui Cuariê mà chúng tôi lục được trong các tủ hốc tường, giữa những quyển sách về phương pháp học tiếng Anh và các vở ghi nhạc được chép hết sức thanh nhã. Buổi chiều một cuộc viếng thăm nào đó tạo cơ hội cho chúng tôi trốn khỏi trường. Rồi cũng phải trở lại… Đôi khi, chúng tôi nhe mấy tốp học sinh lớn như tình cờ dừng lại ở cổng trường cao rộng, vừa đụng vào cổng vừa chơi những trò quân sự không hiểu nổi, rồi bỏ đi…
Cuộc sống buồn tẻ ấy kéo dài cho đến tận cuối tháng hai. Tôi đang bắt đầu tin rằng Môn đã quên hết, thì một cuộc phiêu lưu còn ly kỳ hơn đến mở mắt cho tôi rằng tôi đã nhầm to, rằng một biến động dữ dội đang hình thành dưới bề mặt u buồn của cuộc sống mùa đông này.
Chính vào một tối thứ năm khoảng cuối tháng, tin tức đầu tiên của Lâu đài huyền bí, làn sóng đầu tiên của cuộc phiêu lưu mà cả hai chúng tôi không nhắc lại đã len đến tận chúng tôi. Gia đình tôi đang thức chuyện phiếm. Ông bà đi rồi, chỉ còn lại với chúng tôi có Mili và cha tôi, cả hai đều không ngờ rằng cuộc giận nhau ngấm ngầm đã chia lớp chúng tôi thành hai phe.
Lúc tan giờ, vừa mở cửa ném bã vụn thức ăn ra ngoài, Mili đã kêu lên: “Ôi!” bằng một giọng kinh ngạc đến nỗi chúng tôi xúm lại xem. Trên ngưỡng cửa có một lớp tuyết… Vì trời tối quá, tôi tiến mấy bước ra sân để xem lớp tuyết có dày không. Tôi cảm thấy những bông tuyết nhẹ bỗng chạm vào mặt và tan ngay tức khắc. Cha gọi giật tôi vào và Mili xuýt xoa vì lạnh bèn đóng ngay cửa lại.
Chín giờ, chúng tôi chuẩn bị leo lên phòng ngủ. Mẹ vừa cầm đèn lên thì chúng tôi nghe rõ mồn một hai tiếng gõ cực mạnh vào cánh cổng ở đầu kia sân. Mẹ đặt đèn xuống bàn, chúng tôi đứng sững, gióng tai nghe.
Đừng có tính đến chuyện ra ngoài. Có khi chưa đi quá nửa sân, đèn đã phụt tắt và bóng đã rơi vỡ. Chúng tôi lặng đi giây lát, rồi cha bắt đầu nói: “Chắc chắn là…” thì vừa hay, ngay dưới cửa sổ phòng ăn mở ra đường đi đến ga như tôi đã nói, rúc lên một tiếng còi dài lảnh lót vang đến tận phố nhà thờ. Tức thì, ngay sau cửa sổ vang lên những tiếng kêu chói tai có phần nhỏ đi vì bị kích chặn lại, do những người chắc đang bám vào các nắm đấm cửa leo lên một điểm tựa bên ngoài phát ra.
- Đưa nó đến đây! Đưa nó đến đây!
Từ đầu nhà kia, những tiếng y hệt đáp lại. Những kẻ trả lời đó, chắc đi qua đồng của lão Mactanh. Họ nhất định phải trèo lên bức tường thấp phân cách sân chúng tôi với đồng.
Rồi gần như chỗ nào cũng có khoảng mươi giọng cố tình lạc đi cùng với tiếng thét lên không ngớt: “Đem lại đây! Đem lại đây!” – trên nóc hầm rượu nho mà họ đã trèo lên, nhờ một chồng bó củi dựa vào bức tường bên ngoài, trên bức tường thấp nối kho với cổng, nóc tường tròn cho phép lên ngựa thật thuận tiện, bức tường chăng lưới thép mắc các dọc đường ra ga có thể leo lên dễ dàng… Sau hết, ở khu vườn phía sau, một nhóm chậm trễ - vẫn chơi điệu Xarabăng ấy kép đến la lớn:
- Nhào vô!
Chúng tôi nghe tiếng thét của họ vang vang trong các phòng học rỗng mà họ đã mở cửa sổ.
Môn và tôi thông thuộc đường ngang ngõ tắt trong khu trường mênh mông, đến nỗi giờ đây chúng tôi thấy rõ như trên bản đồ tất cả những điểm mà họ đang tấn công.
Thực tình, chúng tôi chỉ sợ hãi lúc đầu thôi. Tiếng còi rúc khiến cả bốn chúng tôi nghĩ đến một cuộc tiến công của bọn rình trộm ban đêm và bọn giang hồ. Đúng vậy, từ nửa tháng nay, trên quảng trường sau nhà thờ, vẫn thấy một tay ăn trộm cao ngất nghểu và một gã tứ chiếng đầu đeo băng ngang băng dọc. Ở các hiệu đóng xe và bịt móng ngựa, cũng xuất hiện những công nhân không phải người trong vùng.
Nhưng vừa nghe tiếng hô của bọn tấn công, chúng tôi tin ngay rằng chúng tôi phải đương đầu với người – và có lẽ là thanh niên – của thị trấn. Thậm chí có cả trẻ con – chúng tôi nhận ra tiếng thét cao vút và non nớt của bọn chúng – trong nhóm đột kích nơi ở của chúng tôi, như đột kích một tàu chiến vậy.
- Chà, rõ là… - cha tôi thốt lên.
Mili hỏi khẽ:
- Nhưng thế là sao?
Đúng lúc đó, những tiếng thét ở cổng, ở bức tường trên đường ra ga, rồi ở cửa sổ ngưng bặt. Hai tiếng còi rúc lên sau cửa sổ. Tiếng la của toán trên nóc hầm rượu nho, cũng như của toán tiến công ở vườn nhỏ dần rồi lịm hẳn. Chúng tôi nghe dọc tường phòng ăn cả bọn hộc tốc rút lui, chạy im ru trên tuyết.
Hẳn có ai phá rối chúng. Vào giờ đâu đâu cũng ngủ cả rồi này, chúng tưởng có thể yên ổn “công phá” ngôi nhà đơn độc, ở lối vào thị trấn của chúng tôi. Nhưng mưu đồ của chúng đã bị ngăn chặn.
Chúng tôi vừa kịp trấn tĩnh – vì cuộc tấn công hết sức bất ngờ, cứ như một cuộc công dồn mau lẹ - và sửa soạn đi ra, thì nghe tiếng ai đó rất quen gọi ngoài hàng rào mắt cáo thấp:
- Ông Xơren! Ông Xơren!
Đó là bác hàng thịt Paxkiê to béo nhưng lùn tịt. bác gọi, chúi guốc vào ngưỡng cửa, giũ giũ cái áo blu ngắn cũng cỡn lấm chấm tuyết, rồi bước vào. Bác lộ vẻ vừa kinh hoàng vừa láu lỉnh của một người vừa nắm được toàn bộ bí mật của mọi việc bí ẩn.
- Lúc ấy, tôi đang ở ngoài sân nhà tôi, vốn hướng ra quảng trường Bốn Đường. Tôi toan đi đóng chuồng nhốt dê con. Đột nhiên, như từ dưới tuyết mọc lên, ông có biết tôi thấy gì không? Hai thằng như hai cái ào! Chúng ra bộ đi tuần hay rình mò gì đấy! Chúng đang hướng về cây thập tự. Tôi tiến đến, mới được vài bước, thì hấp, chúng ba chân bốn cẳng chạy về phía nhà ông. Chà chà, không chần chừ một phút, tô vớ lấy đèn phalo và thét bảo: “Tao sẽ mách ông Xơren ngay!”…
Hóa ra bác lại kể từ đầu:
- Bấy giờ tôi đang ở ngoài sân sau nhà…
Đến đây, cha tôi mời bác một cốc nước và hỏi bác những chi tiết mà bác không cung cấp được.
Trên đường đến đây bác không thấy gì cả. Cá “đội quân” mà hai tên “lính tuần” bị bác phát hiện đánh thức cũng biến ngay tức khắc. Còn những kẻ “đưa thư” này có thể là ai thì…
- Có lẽ là bọn lang thang, bọn Bôhêmiêng… - bác nói trước – Một tháng nay chúng chui rúc ở quảng trường, chờ dịp giở trò. Đâu phải chúng không biết tổ chức trò xấu…
Vậy là bác chẳng giúp chúng tôi biết gì hơn. Chúng tôi vẫn đứng nguyên, hết sức trù trừ, còn bác thì nhấp từng chút một cốc nước được mời và nhắc lại câu chuyện. vẫn chăm chú lắng nghe cho đến lúc này, Môn bèn nhấc chiếc đèn của bác từ dưới đất lên và nói quả quyết.
- Phải ra xem sao!
Anh mở cửa và chúng tôi theo sau, ông Xơren, bác Paxkiê và tôi.
Đã trấn tĩnh lại vì những kẻ đột kích đã rút chạy và bản tính rất ít hiếu kỳ, như một người thích ngăn nắp và hay câu nệ, Mili nói to:
- Cứ đi đi, nếu các ông muốn. Nhưng hãy khóa cửa và cầm chìa khóa theo. Tôi đi ngủ đây. Còn đèn, tôi sẽ để nguyên trên bàn.