Lâu Đài Huyền Bí

Chương IV

Docsach24.com

uổi chiều, vẫn những thú vị ấy, và suốt buổi học, vẫn mất trật tự và trò chơi dân gian như vậy. Chàng Bôhêmiêng, mang đến những vật quý khác, vỏ hến, vỏ sò, đồ chơi, tập bài hát, và cả một con khỉ bé tẹo luôn tay cào sột soạt bên trong cái túi da của chàng… Gần như ông Xơren phải ngừng lời luôn luôn để xem chàng trai láu lỉnh vừa lôi cái gì ra khỏi cặp… Chuông đồng hồ điểm 4g, và Môn là học sinh duy nhất làm xong các bài toán.

Mọi người đi ra không vội vã. Hình như không còn cái ranh giới khắc nghiệt giữa giờ học trong lớp và giờ giải lao vốn làm cho đời học sinh đơn giản và đều đặn như sự kế tiếp giữa ngày và đêm. Thậm chí lúc bốn giờ kém mười, chúng tôi đã quên báo cho ông Xơren biết hai học sinh mà chúng tôi chỉ định ở lại quét dọn phòng học. Lâu nay không đời nào chúng tôi quên đâu, và đó là một cách báo sắp hết giờ để mau mau được nghỉ hẳn.

Oái oăm thay, hôm đó lại đến phiên Môn cao kều trực nhật. Từ sáng sớm trong khi nói chuyện với chàng Bôhêmiêng, tôi đã cho chàng biết rằng theo luật lệ, học sinh mới bao giờ cũng là người được phân công trực thừ hai ngay hôm anh ta đến lớp.

Lấy được chiếc bánh quá trưa của mình rồi, Môn trở lại lớp ngay. Còn chàng Bôhêmiêng, thì mất tăm mãi đến khi trời sắp tối mới chạy đến.

- Cậu ở lại lớp nhé – bạn bảo tôi – Khi nào tớ tóm hắn, cậu lấy lại tấm bản đồ mà hắn đã cướp của ta.

 Cho nên, tôi ngồi vào một cái bàn nhỏ bên cửa sổ đọc sách trong ánh ngày chạng vạng, mắt không quên liếc nhìn hai người lặng thinh chuyển dịch bàn ghế. Môn thì trầm ngâm và dữ dằn, áo blu đen cài ba cúc phía au và thắt dây bụng, chàng kia, vẻ tế nhị, bị kích động, đầu buộc băng như một người bị thương. Chàng mặc một cái áo khoác tồi tàn, với nhiều chỗ bị xé rách mà tôi không để ý suốt ngày hôm nay. Tràn đầy sự hăng hái gần như hoang dã, chàng nâng và đẩy bàn cực kỳ nhanh nhẹn, môi thấp thoáng một nụ cười. Cứ như chàng đang diễn một trò chơi phi thường mà chúng tôi chưa biết kết thúc ra sao.

Chàng đi vào góc tối nhất, để dịch chiếc bàn cuối cùng.

Ở đây chỉ bằng một động tác tay, Môn có thê quật ngã địch thủ, mà người bên ngoài không thể thấy hay nghe được qua cửa sổ. Tôi không hiểu tại sao anh bỏ lỡ một cơ hội tương tự. Một khi quay lại gần cửa ra vào, chàng kia muốn thoát lúc nào cũng được, viện cớ công việc đã xong, thế là chúng tôi sẽ không gặp lại nữa. Tấm bản đồ cùng mọi lời chỉ dẫn mà Môn rắp tâm cướp lại để điều chỉnh, tổng hợp, sẽ mất vĩnh viễn.

Từng phút từng giây, tôi chờ ở bạn tôi một dấu hiệu, một cử động báo tin cuộc đấu bắt đầu, nhưng anh có nhúc nhắc gì đâu. Chỉ đôi khi, với vẻ chất vấn kỳ dị, anh nhìn chòng chọc vào dải băng của chàng Bôhêmiêng mà trong ánh nhập nhoạng, nom như bị một vết đen rất rộng.

Chiếc bàn cuối cùng đã xê dịch xong mà không có gì xảy ra.

Nhưng khi cùng đi lên đầu trên lớp, cả hai quét nốt ngưỡng cửa, thì Môn cúi đầu, không nhìn kẻ thù, nói nhỏ:

-  Băng của bạn nhuốm đỏ máu. Quần áo thì bị xé rách.

Chàng Bôhêmiêng nhìn anh giây lát, không phải ngạc nhiên vì điều anh nói, mà hết sức xúc động được nghe tiếng anh.

- Lúc nãy trên quảng trường – chàng đáp – chúng nó muốn cướp tấm bản đồ của bạn từ tay tôi. Biết tôi đến đây trực nhật, chúng hiểu tôi sẽ giảng hòa với bạn, và chúng nổi loạn chống lại tôi. Song tôi đã cứu được tấm bản đồ - chàng vừa kiêu hãnh nói thêm vừa giơ cho Môn tờ giấy quý giá vẫn gấp nguyên.

Môn từ từ quay về phía tôi:

- Thấy chưa? Bạn ấy vừa chống trả đến nỗi bị thương vì chúng mình. Thế mà mình đánh bẫy bạn ấy.

Rồi thôi dùng từ “bạn” mà các học sinh ở Xanhtơ-Agat nghe lạ tai:

- Cậu là một người bạn thực sự! – anh nói và giơ tay ra cho chàng Bôhêmiêng kiêm diễn viên hài kịch.

Chàng siết chặt bàn tay ấy, và lặng đi một hồi… Nhưng chàng đã hăm hở nói tiếp với vẻ hiếu kỳ:

- Thế cậu định bẫy tớ? Ngộ thật! Tớ đã đoán trước và tự nhủ: nhận lại tấm bản đồ, hai ông chủ tha hồ mà ngạc nhiên, vì sẽ nhận thấy nó đã được thêm thắt cho hoàn chỉnh.

- Hoàn chỉnh ư?

- Hãy khoan! Không hoàn toàn…

Giọng mất hồ hởi, chàng vừa thong thả vừa trịnh trọng nói tiếp, lại gần chúng tôi:

- Môn ạ, đã đến lúc tôi nói với bạn răng chính tôi cũng đã đến nơi bạn từng đến. Tôi đã tham dự cuộc lễ phi thường. Khi các bạn ở trong lớp kể cho tôi nghe về cuộc phiêu lưu ly kỳ của bạn, tôi rất hiểu rằng vấn đề ở đây là tòa lâu đài cổ đã mất. Để chắc chắn mình không hiểu sai, tôi đã cướp của bạn tấm bản đồ… Nhưng cũng như bạn, tôi mù tịt về tên tòa lâu đài. Tôi cung không biết lối quay về. tôi không biết hết con đường dẫn bạn từ đây đến đấy.

Phấn khởi và tò mò đến cực điểm, chúng tôi ôm chầm lấy chàng, lòng dạt dào tình thân. Môn háo hức hỏi chàng hết câu này đến câu khác. Hầu như cả hai chúng tôi đều tưởng chàng làm bộ không biết, chứ cứ nài thật lực, chàng sẽ nói ra thôi.

- Các bạn sẽ thấy, các bạn sẽ thấy – chàng trai trả lời với vẻ hơi buồn rầu và lúng túng – tôi đã thêm vào bản đồ vài điểm mà các bạn không có… Tôi chỉ làm được vậy thôi…

Rồi nhìn chúng tôi với ánh mắt hân hoan tràn trề cảm phục.

 -Ô! Tôi muốn nói trước với cac bạn – chàng thốt ra rầu rĩ và tự hào – rằng tôi không giống bọn trai khác đâu. Các đay ba tháng, tôi đã muốn tự bắn vào đầu, đó là điều lý giải cái băng này, như ở một người lính nghĩa vụ trên dông Xen, năm 1870…

- Và ẩu đả đêm nay, vết thương lại mở miệng… - Môn nói trìu mến.

Không để ý, chàng kia tiếp tụ với giọng hoa mỹ:

- Tôi muốn chết. Vì chết không thành, tôi chỉ còn muốn chơi đùa như một đứa trẻ, như môt tên Bôhêmiêng. Tôi đã bó hết. Tôi không còn mẹ cha, anh em, không còn tình yêu, nhà cửa… Hoàn toán vô sản, như các bạn chơi cùng hội.

- Các bạn cùng hội đã phản bội anh – tôi xen vào.

- Ừ - chàng hí hửng trả lời – Đó là lỗi của một thằng tên Đơlusơ thì phải. Nó đoán được tôi sắp về phe với các bạn. Nó đã làm mất tinh thần của đội quân rất có quy cũ của tôi. Các bạn đã chứng kiến cuộc đột kích đêm qua, thực hiện tuyệt vời, chỉ huy tuyệt vời. Từ đó đến nay, tôi chưa tổ chức được cái gì đạt như vậy!...

Mơ màng giây lát, chàng nói thêm để chúng tôi không còn chút mơ hồ nào về chàng.

- Nếu đêm nay, tôi đến với hai bạn, thì là bởi tôi nhận ra từ sáng, chỉ có thể vui với các bạn còn cánh kia… Nhất là Đơlusơ, tôi ớn tận cổ. Mới 17 tuổi mà đã lên mặt thì thật… Tôi chưa ngán gì hơn nó… Các bạn xem có nên tóm cổ nó không?

- Tất nhiên – Môn bảo – Nhưng bạn ở với chúng tôi lâu không?

- Chưa biết. Tôi muốn ở lâu lắm chứ. Tôi cô đơn vô cùng. Tôi chỉ có Ganasơ…

Đang sôi nổi là thế, bỗng nhiên chàng mất vui. Chàng lộ vẻ tuyệt vọng, mối chán chường chắc chắn trước đây đã có khi chang tự tử.

- hãy là bạn của tôi – chàng chợt nói – các bạn xem, tôi biết bí mật của các bạn, và tôi đã chống lại tất cả để bảo vệ nó. Tôi có thể đưa các bạn lần theo dấu vết mà các bạn đã mất.

Rồi chàng nói thêm gần như long trọng:

- Hãy là bạn tôi ngay cả khi tôi về bên cửa địa ngục như đã một lần… các bạn hãy thề sẽ đáp lại khi tôi gọi, khi tôi gọi như thế này… (và anh phát ra một tiếng kêu lạ: hu… u… ú… một tiếng hú). Nào, Môn thề trước đi.

Hai chúng tôi thề, bởi lẽ, dù là trẻ con, chúng tôi vẫn bị hấp dẫn bởi tất cả những cái trang trọng hơn và khắc nghiệt hơn chuyện thường trong cuộc sống.

- Để đền đáp – chàng nói – bây giờ tôi có thể thưa với các bạn thế này: tôi sẽ chỉ cho các bạn ngôi nhà ở Pari mà cô tiểu thư lâu đài thường đến dự lễ Phục siinh và lễ Thánh thần hạ giới vào tháng sáu, và đôi khi một phần mùa đông.

Đúng lúc đó, một tiếng kêu lạ cất lên nhiều lần trong đêm ở cổng trường. Chúng tôi đóan ấy là Ganasơ, không dám hay không biết đi qua sân như thế nào. Tiếng kêu lo âu và cấp bách của chàng ta lúc trầm lúc bổng:

- Hú…ù… ú… hu… ú… u… ú!

- Nói đi! Nhanh lên! – Môn hét lên với chàng Bô-hê-miêng vừa rùng mình vừa chỉnh quần áo để ra đi.

Chàng nói nhanh với chúng tôi một địa chỉ ở Pari mà chúng tôi thầm nhắc lại mãi. Rồi chàng lao vào màn đêm, đến gặp bạn ở hàng rào thấp lưới mắt cáo, bỏ mặc chúng tôi trong nỗi xốn xang khôn tả….