uộc đua kết thúc quá sớm. Mới bốn giờ 30 và trời còn sáng, khi Môn trở lại phòng mình, tâm trí xôn xao bao sự kiện của cái ngày phi thường anh vừa mới trải qua. Anh ngồi xuống trước bàn, nhàn nhã., chờ bữa ăn chiều và cuộc hội chắc chắn còn tiếp diễn.
Trời lại nổi gió to như đêm qua. Gió gầm gào như nước lũ hay rú rít ào ào như thác đổ. Mảnh che lò sưởi lát lát lại kêu lạch cạch.
Lần đầu tiên, Môn cảm thấy nỗi đau lo mơ hồ như siết lấy tim con người ta mỗi khi nhữn tháng ngày quá đẹp sắp chấm dứt. Anh định đốt lửa, nhưng nâng mãi không xong mảnh che lò sưởi đã gỉ. Anh bèn sắp đặt lại căn phòng. Anh treo các trang phục sang trọng của mình lên mắc áo, xếp dọc chân tường các ghế tựa để ngổn ngang, như thể anh chuẩn bị để lưu lại lâu dài nơi đây vậy.
Tuy nhiên, nghĩ rằng lúc nào cũng phải ẵn sáng ra đi, anh vắt cẩn thận lên lưng một ghế dựa cái blu, như một áo du lịch, và các quần áo học sinh khác của mình. Dưới gầm ghế, anh đặt đôi giầy đóng cá vẫn còn đầy đất.
Rồi anh lại về ngồi chỗ cũ, yên tâm hơn, chăm chú nhìn quanh gian phòng vừa thu dọn gọn ghẽ.
Thỉnh thoảng, một cơn mưa rạch loằng ngoằng trên tấm cửa kính hướng ra cái sân để xe và rung thông. Lòng dịu đi từ khi sắp xếp lại gian phòng, chàng trai cao ngồng cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc. Anh ngồi đó, bí hiểm, xa lạ, giữ thế giới xa lạ này, trong căn phòng tự chọn. Điều anh thu được vượt xa mọi hy vọng của anh. Giờ đây, chỉ cần nhớ lại khuôn mặt cô thiếu nữ quay về phía anh trong gió lộng là lòng anh đã náo nức rộn ràng…
Phải mơ màng, đêm xuống lúc nào anh cũng không biết và quên thắp nến. Một ngọn gió đập vào cửa ra vào căn phòng đằng sau cửa sổ cũng mở ra sân xe và thông với buồng anh. Môn quay lại đóng cái cửa sổ ấy thì nhận thấy ở phòng bên kia có ánh sáng, như của một cây nến cắm trên bàn. Anh thò đầu qua khe ửa. Người nào đã vào đó, chắc chắn là chui qua cửa sổ, và đang lặng thinh đi đi lại lại. Nếu anh không nhầm thì đó là một chàng trai còn măng sữa. Đầu trần, một áo choàng du lịch trên vai, chang bước không ngừng, như không yên được bởi một nỗi khổ đau không chịu nổi. Gió từ ô cửa sổ mở toang thổi lật phật tà áo du lịch và mỗi khi chàng đi lại gần ngọn nến, Môn lại thấy lóe sáng hàng khuy vàng trên cái áo rơđanhgôt xinh xắn của chàng.
Chàng huýt sáo một điều gì đó qua kẽ răng, có lẽ là một bài ca hàng hải, giống những bài mà thủy thủ và gái điếm hay hát trong các quán rượu hải cảng để giải sầu…
Đang đi lại bồn chồn, chàng dừng lại, cúi xuống bàn, lục trong một cái hộp và lôi ra nhiều tờ giấy… Môn nhìn thấy, từ phía bên trong và trong ánh nến, một khuôn mặt bầu bầu không ria mép, dưới một bộ tóc rậm chải đường ngôi hẳn hoi. Chàng đã thôi huýt sáo. Mặt nhạt hẳn đi, đôi môi hé mở, chàng như người sắp đứt hơi, tựa vừa bị đâm trúng tim một cú khủng khiếp.
Môn băn khăn không biết nên kín đáo rút lui hay tiến sang nhẹ nhàng nắm lấy vai chàng như bè bạn và cùng tâm sự. Chàng ngẩng lên và nhìn thấy Môn. Chàng nhìn anh chăm chăm giây lát, rồi, không có vẻ ngạc nhiên, lại bên và nói giọng quả quyết:
- Thưa ông, tôi không biết ông. Nhưng thấy ông, tôi hài lòng. Vì ông ở đây, tôi sẽ bộc bạch với ông… vậy đó!...
Chàng lộ vẻ hoàn toàn lúng túng. Khi như “vậy đó!”, chàng nắm lấy ve áo jacket của Môn, như cố để anh chú ý lắng nghe. Rồi chàng quay đầu ra cửa sổ, như suy nghĩ về điều sắp nói, mắt nháy nháy, và Môn hiểu rằng chàng tấm tức muốn khóc vô cùng…
Chàng nén ngay được trò tủi thân trẻ con đó, rồi vẫn nhìn thẳng ra cửa sổ, nói bằng một giọng tỉnh khô:
- Vậy là hết, cuộc lễ hết rồi. Ông có thể xuống nói với họ như vậy. Vợ chưa cuối của tôi sẽ không đến. Do thận trọng, do sợ hãi, do thiếu niềm tin… Vả chăng, thưa ông, tôi sẽ giải thích để ông hay…
Nhưng chàng không nói tiếp được. Mặt chàng nhăn nhúm cả lại. Chàng chẳng giải thích gì cả, mở và đóng các ngăn kéo đầy sách và áo quần.
- Tôi sửa soạn để lên đuồng lần nữa – chàng nói – mong đừng ai quấy rầy gì tôi.
Chàng đặt lên bàn nhiều thứ, một hộp đựng đồ toilet, một khẩu súng lục…
Quá bối rối, Môn đi ra, không dám nói cũng không dám bắt tay chàng.
Dưới kia, hình như tất cả các khách khứa đều linh cảm thấy điều gì. Hầu như mọi cô gái đều thay áo khác. Trong nhà chính, bữa ăn tối đã bắt đầu, nhưng cập rập và loạn xị như lúc ta vội đi đâu.
Anh lên xuống mãi từ phòng ăn rộng lớn này đến các phòng trên cao và các chuồng gia súc phía sau. Những khách ăn xong xúm lại chao từ biệt nhau.
- Chuyện gì vậy? – Môn hỏi một chàng trai nông thôn ăn vội ăn vàng, mũ phớt trên đầu, khăn mặt giắt trên gi-lê.
- Đi về - chàng trai đáp – vừa quyết định thôi. Lúc năm giờ, chúng tôi tụ họp lại, nhưng rơ ra toàn khách. Chúng ta đã đợi đến giây phút cuối cùng. Chú rể cô dâu không đến được nữa. Có người bảo: “Hay chúng mình cáo từ thôi…” Thế là ai cũng tất tưởi ra về.
Môn không đáp lại. Anh nữa, cũng đến lúc phải đi rồi. Chẳng phải anh đã đi đến tận cùng cuộc phiêu lưu của mình sao?... Chẳng phải lần này nah đã giành được toàn bộ những gì mà anh mơ ước? Giá như anh có chút thời gian để thảnh thơi hồi tưởng lại cuộc chuyện trò tuyệt diệu buổi sáng. Giờ phút này, vấn đề là phải ra đi. Rồi chả bao lâu, anh sẽ quay lại – đường hoang, chứ không gian lận.
- Ông muốn đi cùng chúng tôi – chàng trai nông dân cùng tuổi tiếp lời – thì hãy tề chỉnh trang phục nhanh lên. Loáng cái là chúng tôi thắng ngựa xong.
Chàng ta bỏ đi tức tưởi, để lại đấy bữa ăn mới đụng dao nĩa, và quên báo cho các khách khác điều anh đã biết. Vườn hoa, vườn cây, cái sân chim và buổi tối tối mịt. Đêm ấy không còn đèn lồng treo ngoài cửa sổ. Nhưng dù sao, vì bữa ăn này giống như bữa ăn cuối cùng của tiệc cưới, những người ít nhiệt tình hơn trong cách khách mời kia, có lẽ đã uống, bắt đầu cất tiếng hát. Khi chàng trai xa dần, Môn nghe vẳng lại những bài ca quán trọ mà họ hát, trong lúc anh vào cái vườn hoa lưu trữ biết bao ân huệ và kỳ ảo từ hai hôm nay. Vậy mà bây giờ bắt đầu bị hỗn loạn và tàn phá. Anh phi qua ao cá mà ngay sáng nay anh đã soi gương. Cứ như tất cả đã thay đổi..
Với bài hát này, họ đồng thanh hát đi hát lại, vẳng lại từng đoạn ngắn:
Giang hồ ơi, em từ đâu tới?
Mũ bonné của em hư hại
Tóc tai em thật chẳng làm sao…
và bài này nữa:
Giày anh màu đỏ
Vĩnh biệt em ơi
Giày anh màu đỏ
Xa nhau mãi rồi!...
Anh đi đến chân cầu thang lên căn phòng trơ trọi của mình, thì có người từ trên xuống, đụng vào anh trong bóng tối và nói:
- Vĩnh biệt ông!
Rồi quấn chặt trong chiếc áo khoác du lịch, như thể là rét lắm, và biến mất. Đó là Phrăng đờ Gale.
Ngọn nến Phrăng để lại trong phòng vẫn sáng. Không có gì thay đổi. Chỉ có những dòng chữ sau đây, viết trên một tờ giấy viết thư, đặt ở chỗ dễ nhìn:
Vợ chưa cưới của tôi đã biến đi, khiến tôi nghĩ rằng nàng không muốn làm vợ tôi. Vả chăng, nàng chỉ là một thợ may, chứ không phải là một bà hoàng. Tôi không biết nên xử sự ra sao. Tôi bỏ đi đây. Tôi không thiết sống nữa. Xin chị Yvon thứ lỗi, nếu tôi không chào từ biệt. Nhưng chị chẳng làm gì được cho tôi đâu…
Cây nến đã cháy hết, ngọn lửa rung rinh, bùng lên một lần nữa rồi tắt. Môn vào phòng mình, đóng cửa lại. Mặc dù trời tối, anh vẫn nhìn ra từng đồ vật mà anh sắp xếp giữa ban ngày ban mặt, trong dạt dào hạnh phúc, cách đây mấy giờ. Từng thứ một, vẫn trung thành, anh gặp lại toàn bộ trang phục cũ khốn khổ của anh, từ đôi giày lính cho đến cái xăng-tuya khóa đồng thô kệch. Anh hối hả thay quần áo, nhưng khi để quần áo mượn lên ghế thì lại lơ đãng, nhầm gi-lê.
Tiếng ồn ào nổi lên trên cái sân để xe dưới cửa sổ. Tiếng kêu, tiếng gọi, tiếng kéo, tiếng đẩy, ai cũng muốn đưa xe mình ra cho nhanh. Lát lát, lại một người leo lên ghế ngồi xe nhỏ hay mui bạt xe lớn và giơ đèn soi chung quanh. Ánh lửa đốt hắt lên cửa sổ: phút chốc, xiung quanh Môn, căn phòng giờ đây thân thiết mà mọi vật bên trong đều vô cùng gần gũi, như sống lại, phập phồng… Chính trong bối cảnh ấy mà Môn vừa cẩn thận khép cửa ra vào, vừa rời khỏi cái nơi bí ẩn mà chắc chắn không bao giờ anh còn gặp lại.