Lâu Đài Huyền Bí

Chương 11

Docsach24.com

ới rạng sáng, anh đã lại lên đường. Nhưng đầu gối bị sưng làm anh đau nhói. Mỗi khi quá đau, anh phải dừng chân ngồi nghỉ. Nơi anh đang đi là hoang vắng nhất vùng Xôlônhơ. Cả sáng, anh chỉ nhìn thấy một cô chăn cừu lừa cừu ở tít chân trời. Anh gào gọi cô vô ích, cố chạy đuổi theo. Cô biến mất, nào nghe được tiếng anh.

Tuy thế, anh vẫn bước theo hướng cô, nhưng lê chậm đến đau lòng… Không một mái tranh, không cả tiếng kêu của một con chim chắt mỏ trong lau sậy ven ao đầm. Trên cái hoang vu toàn vẹn đó, chói lọi vầng mặt trời tháng 12 sáng rõ và lạnh lẽo.

Có lẽ phải ba giờ chiều, anh mới nhận thấy một ngọn tháp nhỏ màu xám hình mũi tên vươn lên bên trên một rừng thông.

“Một trang viên cổ bị bỏ hoang – anh tự nhủ - một nhà nhỏ cheo leo bên sườn núi cô liêu…”

Không rảo bước, anh tiếp tục cuộc hành trình. Đến góc rừng, anh đến trước một lối đi có trồng cây hai bên, anh đi vào lối đó. Được vài bước, anh sững lại, kinh ngạc, lòng xúc động một cách khó tả. Rồi anh lại bước đi vẫn thất thểu như trước. Gió lạnh thổi khô nẻ môi, lúc lúc lại bạt mất hơi thở. Mặc dù thế, một sự mãn nguyện phi thường nâng đỡ anh, một sự thanh thản trọn vẹn và gần như ngây ngất, sự vững tin rằng mục đích của anh đã được đạt tới, và hiện giờ chỉ còn niềm hạnh phúc phải hy vọng mà thôi. Khác gì ngày xưa, hôm trước những ngày lễ lớn mùa hè, anh cảm thấy như ngất đi, khi đêm xuống, người ta trồng thông trong các phố thị trấn, và cửa sổ buồng anh bị cành thông bịt kín.

“Vui sao – anh tự nhủ - vì mình đi đến cái chuồng bồ câu cũ, nhưng đầy chim cú và gió lùa này…”

  Rồi, giận dữ với chính mình, anh dừng lại, tự hỏi có nên rảo gót đi tiếp đến làng sau hay không. Anh cúi đầu ngẫm nghĩ, được một lát thì chợt nhìn thấy lối đi trước anh được quét dọn sạch thành những ô tròn rộng đều đặn, như ở quê anh bà con hay làm để đón lễ hội. Hóa ra anh đang đứng trên một con đường tương tự với phố chính của La Phectô, buổi sáng lễ Thánh mẫu thăng thiên. Anh nhận thấy ở chỗ ngoặt của lối mòn một tốp người vui vẻ đi bụi tung lên, như vào tháng sáu, anh ngạc nhiên, chưa bao giờ ngạc nhiên đến thế.

“Có thể có một cuộc lễ ở nơi vắng vẻ này chăng? – anh tự nhủ”

Tiến lên chỗ ngoặt đầu tiên, anh nhe tiếng cười nói lao xao đang đến gần. Anh nhảy nấp vào khoảng tùng non rậm rạp bên cạnh, ngồi xổm, nín thở lắng nghe. Đó là tiếng trẻ con. Một tốp trẻ con đi qua ngay sát anh. Một em trong nhóm,. Có lẽ là một bé gái, nói bằng giọng khôn ngoan và chín chắn, đến nỗi dù không hiểu hết ý em, Môn cũng không nén được một nụ cười.

- Tớ chỉ lo một điều thôi – cô ta nói – đó là vấn đề ngựa. Chẳng bao giờ người ta cấm Đanien, chẳng hạn, leo lên một con pônây vàng cao lớn.

- Không đời nào tớ bị cấm đâu – tiếng nói một cậu bé trả lời ý chế giễu – Chẳng phải chúng ta không được phép cưỡi con nào cũng được ư?... Ngay cả con làm chúng ta đau, nếu ta thích…?

Tiếng lũ trẻ a dần. Ngay lúc đó, một nhóm khác lại đã đến.

- Nếu băng tan – tiếng một cô gái nhỏ - ngày mai ta đi tàu thủy.

- Nhưng người lớn có cho phép không? – một giọng khác.

- Các cậu chẳng biết là buổi lễ được tổ chức theo ý chúng mình sao?

- Thế nếu Phrăng cùng vợ sắp cưới về ngay tối nay thì sao?

- Thì anh ấy sẽ làm cái ma chúng ta muốn!...

“Nhất định là một đám cưới – Môn Sếu tự nhủ - Nhưng ở đây trẻ con định đoạt à?... Thật là một lãnh địa kỳ lạ!”

Anh muốn ra khỏi chỗ nấp và hỏi xem mình có thể tìm ăn và uống ở đâu. Anh đứng lên, thấy nhóm trẻ cuối cùng đã xa. Đó là ba cô bé áo dài thẳng băng đến đầu gối. Ba cô đội ba cái mũ có dải rất xinh. Cô nào cũng có một cái lông chim trắng thõng xuống cổ. Một cô quay hẳn mình sang bên, hơi khom người, lắng nghe cô đi bên cạnh oang oang giảng giải, ngón tay trỏ giơ lên trời.

“Mình sẽ quát chúng nó một mẻ” - Môn tự nhủ, mắt nhìn cái blu nông dân rách toạc và cái dây lưng nhỏ kỳ cục của mình – một học sinh trung học trường Xanhlơ-Agat.

Sợ nhỡ bọn tre quay lại bắt gặp mình trên lối đi có cây, anh tiếp tục đi qua rừng thông, nhắm cái “chuồng chim bồ câu” không băn khoăn nhiều đến điều anh sẽ yêu cầu ở đấy. Chẳng bao xa, anh đã bị một bức tường xanh rêu chặn lại bìa rừng. Phía bên kia, giữa bức tường và các nhà phụ của tòa lâu đài, là một cái sân hẹp dài chất đầy xe cộ, giống như sân một quán trọ vào ngày chợ phiên. Xe đủ loại đủ cỡ: xe lớn ghế băng; xe nhỏ bốn chỗ ngồi xinh xắn, càng ghếch lên trời; xe kiểu Bourbon đã lỗi thời với những lan can có đường viền; và ngay cả xe hòm cổ mà kính đã bị gỡ hết.

Vẫn nấp trong rừng thông vì sợ bị phát hiện, Môn quan sát bãi xe lộn xộn, đột nhiên nhìn thấy một cửa sổ hé mở ở khu nhà phụ, đúng ngay bên trên chỗ ngồi của một cỗ xe to cao có ghế băng, ở đầu kia sân. Có hai thanh sắt đóng cửa sổ này, như thường thấy ở các chỗ chuồng ngựa hay gia súc bao giờ cũng đóng kín đằng sau các tòa biệt thự. Nhưng thời gian đã phá mất dấu niêm phong.

“Mình sẽ vào đó – chàng học sinh cao ngộc tự nhủ - Mình sẽ ngủ trong cỏ khô và mờ sáng ngày mai là chuồn, chẳng khiến các tiểu thư xinh tươi phải hốt hoảng”.

Anh len qua tường, leo khá vất vả vì cái chân đau, rồi vượt từ xe này đến xe kia, từ chỗ ngồi trên một xe lớn đến nóc một xe hòm, cuối cùng anh đến ngang tầm một ô cửa sổ mà anh đẩy ra êm ru như một cửa ra vào.

Vậy ra đây không phải là kho cỏ khô, mà là một phòng rộng trần thấp, ý chừng là một phòng ngủ. Trong ánh nhờ nhờ buổi chiều đông, anh nhận thấy rằng cái bàn, cái lò sưởi, thậm chí các ghế bành đều chất đầy những hình lớn, những vật có giá trị và vu khí cổ. Ở cuối phòng, các tấm ri-đô đều buông, chắc để che một khuê phòng.

Môn đóng cửa lại, phần vì lạnh, phần vì sợ bị bên ngoài nhìn thấy. Anh tiến đến nâng tấm ri-đô ở cuối lên, và phát hiện ra một cái giường lớn thấp lè tè. Phủ đầy sách cổ bìa mạ vàng, đàn lure cổ đứt dây, chân đèn vứt lung tung. Anh gạt các thứ ấy vào một góc, rồi ngả lưng xuống nghỉ, và chợt nghĩ loáng thoáng đến cuộc phiêu lưu kỳ lạ mà mình đã dấn thân vào.

Cả tòa lâu đài chìm trong im lặng mênh mông. Đôi lúc mới nghe gió lộng cuối năm rên rỉ.

Nằm thẳng cẳng, Môn đi đến chỗ tự hỏi rằng, dù có những cuộc gặp gỡ ly kỳ như thế này, dù có tiếng lũ trẻ đi trên lối đi hai bên trồng cây, dù có xe pháo chất đầy trong sân, như anh tưởng lúc đầu, đây đơn thuần chỉ là ngôi nhà gạch cũ bỏ hoang torng mùa đông cô quạnh.

Nằm chưa nóng chỗ, anh cảm thấy hình như gió mang đến cho anh tiếng nhạc xa vời. Đấy như một kỷ niệm đầy đắm say và luyến tiếc. Anh nhớ lại cái thời mà mẹ anh, hãy còn trẻ, chiều chiều ngồi vào đàn piano trong phòng khách, và anh, chẳng nói năng gì, ngồi sau cửa ra vào hướng ra vườn, mải mê lắng nghe mẹ đàn cho đến đêm.

“Có lẽ ai chơi piano đâu đây?” – anh nghĩ.

Nhưng bỏ lửng câu hỏi, mệt nhoài, chả bao lâu, anh đã ngủ thiếp đi…