Ầm ĩ như thế, tất cả những người vẫn còn say giấc trong phủ đều bừng tỉnh.
Trong Lang Can viện [1], Phó Vân Chương khoác áo đứng dậy, đứng trước cửa sổ, nghe Liên Xác bẩm báo nói Hoắc đốc sư nhà bên cạnh mới sáng sớm ngày ra đã sai người ra ngoài tìm sương sáo gì đó, liên tục có người cưỡi ngựa chạy ra trước nhà, vó ngựa như sấm.
[1] Lang can là tên một loài cây thần trong truyền thuyết, tên một loại ngọc quý gần giống phỉ thúy nhưng trong hơn, ngoài ra còn được dùng để miêu tả vẻ đẹp thanh thúy của trúc, trong một số trường hợp được dùng để chỉ cây trúc. Hình tượng của Phó Vân Chương trong truyện gắn liền với trúc nên nơi ở là Lang Can viện.
Đêm qua có mưa, núi đá trong viện được nước mưa rửa sạch, mặt đá sáng bóng.
Phó Vân Chương chợt nhớ tới một câu thơ: “Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu” [2].
[2] Trích bài thơ "Quá Hoa Thanh cung kỳ 1" của Đỗ Mục. Câu này nghĩa là: một người cưỡi ngựa tung bụi hồng, Quý phi mỉm cười. Bài này nói về nếp sống xa hoa của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi. Quý phi thích ăn quả vải tươi, vua sai lính trực thuộc cưỡi ngựa tốt ngày đi đêm nghỉ để đem trái vải từ huyện Bồi Lăng tỉnh Tứ Xuyên về cung Hoa Thanh ở Thiểm Tây (đường xa hơn ngàn dặm) vẫn còn tươi, đổi lấy nụ cười của phi tử.
Câu thơ này dùng để châm chọc đế vương sa vào hưởng lạc.
Thuở thiếu niên, lúc đọc được câu thơ này, y từng cảm thấy quân vương trong bài thơ thật hoang đường, sau này mới hiểu nếu như thật sự thích người nọ, chỉ cần có thể khiến nàng cười, bất cứ thứ quý giá gì trên đời chẳng có thể dâng được tới trước mặt nàng, huồng hồ chỉ là mấy quả vải ở cách xa ngàn dặm mà thôi.
Y mở cửa sổ ra, nhờ vào ánh sáng mờ mờ hắt qua ngọn cây vào trong phòng ngủ, dùng khăn lưới vấn tóc, ăn mặc chỉnh tề, ngón nay lướt lên một quyển tấu chương trên bàn.
Viết suốt đêm mới hoàn thành, mực đã khô.
Nửa canh giờ sau, một bát sương sáo nhỏ mềm mịn mướt mát đã được đưa tới trước giường của Phó Vân anh.
Hoắc Minh Cẩm đưa cho nàng chiếc thìa, nói: "Nàng mới khỏi, không được ăn đồ ướp lạnh."
Nàng cắn cắn môi, cúi đầu xuống ăn.