Viện nghiên cứu Toán học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ở phía nam quận Hải Điện, trong một khuôn viên yên tĩnh có phần hoang vu. Chiều hôm ấy, sau khi đến đơn vị của Hải Ba để lấy tài liệu, trên đường về qua nơi ấy, tôi bước vào như một người nhàn rỗi đến dạo chơi. Vừa bước vào đã trông thấy tượng Tổ Xung Chi lấp lánh dưới nắng. Ở đằng xa có một thanh niên đang nhìn mặt trời, chừng như tính xem mặt trời cao bao nhiêu. Lúc rời nơi này, tôi lại gặp một ông già đeo kính cận nặng, đang cúi xuống nhặt mấy củ khoai tây vừa rơi ra từ trong cái làn, có một củ lăn xuống rãnh nước, ông vẫn cố nhặt lên, bỏ vào làn. Xem ra, đất nước đang trong thời kì khó khăn, nghèo đói mà tôi không hình dung nổi.
Ngay tối hôm ấy, tôi lấy tên Dương Tiểu Cương vào nhà khách của khuôn viên này. Nhà khách thuộc loại cao cấp, vì phải tiếp đón chuyên gia nước ngoài. Trước cổng có bảo vệ, người bảo vệ ngồi sau một cái bàn, có vẻ như đã quen mặt khách ra vào. Lúc tôi đăng kí phòng, trông thấy có hai người nước ngoài, một nam một nữ, đang ngồi nói chuyện ở sảnh lớn. Tôi không nghe hiểu tiếng họ nói, nhưng có thể khẳng định họ không phải là người Liên Xô.
Chừng một tiếng đồng hồ trước, ông Vương, Bí thư Đảng ủy của Viện đã nhận được điện thoại của lãnh đạo Viện Khoa học, thông báo tôi sắp đến. Lãnh đạo Viện Khoa học nói, người này đến phải báo ngay cho ông ta biết. Trước lúc cúp máy, ông còn dặn thêm: Người này có nhiệm vụ đặc biệt, phải chú ý bảo đảm an toàn cho khách. Ông Bí thư đặt máy xuống, ra ngay nhà khách, ngồi ở sảnh lớn vừa được sửa sang, hồi hộp chờ tôi, thỉnh thoảng đội mưa ra ngoài ngóng chờ, mong tôi sẽ đến đúng giờ. Có thể nói, ông đang chờ tôi, trong bụng đang chuẩn bị lời lẽ nên nói thế nào khi gặp tôi. Nhưng lúc tôi xuất hiện, ông chỉ nhìn tôi hờ hững, không chào hỏi, càng không “nhiệt liệt chào mừng”.
Nguyên nhân để ông Bí thư lạnh nhạt với tôi, tôi đoán có hai lí do, thứ nhất, lúc ấy ngoài trời đang mưa to, bầu trời đen kịt, tôi như một tên lính đào ngũ chạy vào nhà khách, mặt mũi và áo quần trên người như kẻ thất trận, không giống với “nhân vật quan trọng”; thứ hai, lúc đăng kí ở thường trực tôi ghi tên giả, Dương Tiểu Cương. Tôi chú ý, lúc đầu ông Bí thư còn tò mò với việc tôi đến, sau khi vào sảnh lớn, ông quan sát tôi bằng cặp mắt cảnh giác, cứ đi vòng quanh tôi, như một thám tử. Lúc tôi vào phòng thường trực để đăng kí, ông cũng theo vào, giả vờ nói chuyện với nhân viên phục vụ. Đúng là một thám tử cấp thấp! Nhưng khi tôi lấy giấy giới thiệu ra, một tờ giấy bình thường, đủ chứng minh tôi là một giảng viên của một trường đại học ở miền Nam, ông ta lập tức cảm thấy không còn hứng thú, vội bỏ đi. Sau khi làm xong thủ tục, lúc đi lên lầu, trông thấy ông đang bồn chồn đi lại trước cửa, ánh mắt lo lắng thỉnh thoảng lại nhìn trời mưa, cứ như tôi đang trên đường tới, bắt cứ lúc nào cũng có thể từ trong màn mưa bước đến chỗ ông.
Nói thật, tôi không để tâm với thói quen cũ, lại để đồng chí Bí thư phải lo lắng không yên suốt một tiếng đồng hồ. Ấy là tôi nói, dùng tên giả để đăng kí phòng khách hoặc làm việc, đấy là thói quen mà cũng là nhu cầu của tôi. Trong người tôi có rất nhiều giấy giới thiệu, tôi có thể dùng bất cứ thân phận nào, tên họ nào, vào ở nhà khách nào, tất cả hoàn toàn theo ý muốn và sự ngẫu nhiên, tức là xem lúc ấy tôi thò tay vào xà cột, sờ được tờ nào thì lấy tớ ấy, trong đó có rất nhiều giấy giới thiệu lớn bé, dày mỏng như nhau. Lúc đầu tôi lấy ra được tờ giấy giới thiệu của Chính quyền một tỉnh miền Bắc, về một người tên là Tân Tiểu Phong, tôi cảm thấy cái chức vụ này không phù hợp với công việc của tôi trong lúc này, vậy là tôi lấy ra một giấy khác có tên Dương Tiểu Cương. Khỏi phải nói, Dương Tiểu Cương và chức vụ Trưởng phòng của chính quyền tỉnh nào đó không phải là tôi, bộ mặt thật và tên thật của tôi là An Tại Thiên, chức vụ là Phó Thủ trưởng đơn vị 701 đặc biệt, bí số A 705, có nghĩa là nhân vật số 5 của 701. Nhưng tôi sử dụng quá nhiều tên, chẳng khác nào một kẻ giang hồ lừa đảo. Có thể nói, trong cuốn danh bạ trăm họ, chí ít tôi đã dùng nửa số trong đó. Những chuyện khác không nói, chỉ riêng chuyện tám ngày trên đường về nước, tôi đã dùng sáu cái tên như Lí Tiên Tiến, Trần Đông Minh, Đới Thông Minh, Lưu Ngọc Đường... Ở một mức độ nào đó, đủ nói lên tôi đi nhiều và cũng vì tính cẩn thận vốn có. Không phải nhát gan. Cẩn thận và nhát gan, giống như lạnh lùng và ưu tư trông có vẻ giống nhau, nhưng trong xương cốt lại khác nhau.
Ông Bí thư đã đăng kí phòng cho tôi, phòng 301. Đấy là phòng khép kín, trong phòng có một cái giường gỗ kiểu cổ điển chạm khắc hoa văn, trên giường có chăn đệm bọc gấm, màn ni-lông mỏng như cánh ve, có cả phòng vệ sinh riêng; phòng ngoài rộng rãi, có đủ đồ dùng, có sofa ngồi thoải mái, điện thoại đời mới, có quạt trần, giá treo mũ áo, đèn bàn, bàn trà, ấm chén, gạt tàn... Nếu tính tầng, đây là tầng trên cùng, cuối hành lang, không những yên tĩnh mà còn rất bảo mật, an toàn. Tôi cần một phòng như thế, vì tôi là người của 701. Nhưng căn phòng này thuộc về “An Tại Thiên”, không phải “Dương Tiểu Cương”, Dương Tiểu Cương chỉ được ở phòng bình thường. Phòng bình thường nhiều cà cũng khá thoải mái, theo yêu cầu của tôi, nhân viên nhà khách bố trí tôi xuống phòng 201. Phòng này ngay dưới phòng 301, cũng ở cuối hành lang, cũng là phòng khép kín, phù hợp với yêu cầu của tôi. Cho nên tôi vào phòng và quyết định ở lại đây. Vì dọc đường phải chạy mưa, tôi hơi mệt, vào phòng liền đi tắm, lên giường và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Nhưng sấm chớp ầm ầm làm tôi tỉnh giấc. Tỉnh lại, tôi nghe có tiếng gõ trên cửa sổ. Tôi không biết có chuyện gì, đi tới nhìn mới phát hiện bên ngoài phía bên tay phải có một cây táo cao ngang nhà, đang giữa mùa hè, cành táo xanh lá, có một cành chĩa vào cửa sổ phòng tôi, hễ có gió cành lá lại đập vào cửa sổ. Nhìn phía dưới, có một cành từ góc tường vươn tới, nếu không có người chặt, nó sẽ đâm thủng tường, chui vào phòng. Chính vì bị chặt cụt, nên trông nó quái dị, thô kệch như cây cầu độc mộc chĩa ngay dưới cửa sổ phòng tôi, chỉ cần người nào khỏe một chút và không sợ độ cao, có thể đập vỡ cửa kính lọt vào phòng.
Như thế này đâu được?
Tuyệt đối không được!
Vậy là tôi đi xuống, đòi đổi phòng. Nhân viên phục vụ không cho tôi đổi. Tôi đưa ra mấy lí do đều bị coi là không có cơ sở,. Thái độ của tôi vì được sự nên không sợ, vậy là từ chỗ bức xúc biến thành to tiếng, nhưng nhân viên phục vụ không sợ tôi, anh ta vừa lén nhìn ông Bí thư đứng sau lưng, vừa lặng lẽ khinh bỉ nhìn tôi. Không còn cách nào, tôi giống như người bí mật quyền uy, dọa anh ta. Tôi nói:
“Tôi là khách của ông Bí thư, đề nghị các anh giúp đỡ, được không?”.
Lúc ấy, ông Bí thư đang đứng sau lưng tôi, ông đang sốt ruột chờ, nghe tôi nói như thế, chừng như rất nhạy cảm, rất khách khí, nói với tôi:
“Tôi là Bí thư Đảng ủy, xin hỏi, anh là ai?”.
Tôi nói: “Tôi từ 701 đến”.
Ông hỏi: “Anh là An Tại Thiên, phải không?”.
Tôi nói: “Đúng vậy, tôi là An Tại Thiên”.
Ông “a” lên một tiếng, nhanh như tên bắn, vội nắm lấy tay tôi. Sức mạnh đôi bàn tay và hơi thở gấp gáp của ông khiến tôi cảm thấy ông rất kích động, muốn thuật lại ngay sự việc. Tôi không biết ông định thuật lại việc gì, nhưng tôi biết có những chuyện không tiện nói ở đây, sẽ có những bất tiện đối với tôi. Cho nên, tôi nhanh trí, từ cái bắt tay chuyển sang ôm nhau thắm thiết, nhân lúc ghé đầu vào vai ông, tôi nói nhỏ:
“Ở đây không tiện nói chuyện, đưa tôi vào phòng”.