nh em Chu Đức Kiệt ngày đi đêm nghỉ, qua các thôn xóm trù mật trong địa phận tỉnh Dương Châu, nơi nào cũng dừng lại thảnh thơi.
Hôm thứ tư hai người đi tới quá trưa thì đến chỗ ngã ba đường. Một đường về Dương Châu, một ngã theo hướng Bắc, một ngã hướng Tây nam.
Lam Y nói:
- Sáng nay lúc ra đi quên không hỏi thăm, thành thử bây giờ không biết rõ lối nào. Chúng ta hãy vào ngồi nghỉ trên phiến đá dưới gốc cây kia một lát, xem có ai đi qua sẽ hỏi thăm.
Hai người bèn rẽ ngựa vào chỗ cây lớn ngồi nghỉ.
Quãng đường này khô khan quá, đồi núi gồ ghề hơn quãng đường trong địa phận Dương Châu. Ngựa lâu không được uống mà không có suối.
- Hiền muội lấy lương khô ra ăn, ngu huynh đi quanh xem có nơi nào có nước không nhé.
Nói đoạn, Chu Đức Kiệt đi vòng ra phía sau đồi tìm suối.
Hồi lâu trở về, Chu Đức Kiệt lắc đầu:
- Không có lấy một khe nước. Cũng như không có lấy một người nào qua đây. Thôi, ta cứ theo con đường hướng Tây nam mà đi, ngồi chờ đây thêm mất thì giờ chẳng được ích lợi gì.
Chu Đức Kiệt ăn qua loa mấy miếng lương khô, mở bầu nước uống, rồi hai người cùng lên ngựa rẽ vào con đường dưới. Tuy lâu không được uống nước, nhưng được nghỉ hồi lâu dưới bóng mát, hai con Ô mã và Bạch Tuyết cũng vẫn còn khỏe lắm, giống ngựa Sơn Đông và Mông Cổ dai sức có tiếng.
Hai người càng đi, càng tiến vào nơi cây cối rậm rạp hơn, Chu Đức Kiệt nói:
- Cây cối nhiều hơn chắc có nước. Khu này hoang vu là phải.
Sang đầu giờ thân, hai người mới gặp hai cha con lão tiều.
Anh em họ Chu xuống ngựa chào hỏi:
- Lão trượng cho chúng tôi biết gần đây có thôn xóm nào khả dĩ có thể nghỉ qua đêm nay không?
Cha con lão tiều nhìn anh em Chu gia hồi lâu, Lão tiều nói:
- Cứ theo đường này đi xế chiều thì tới làng Sơn Phu... Nhưng hảo hán và cô nương đi đâu lại qua đây.
- Chúng tôi đi Kim Lăng.
- Thế thì lầm đường rồi. Đáng lẽ phải theo con đường trên ở khu ngã ba mới là đường chánh.
- Thế chúng tôi cần phải trở lại sao?
- Trở lại cũng không kịp. Bây giờ cứ thẳng tới làng Sơn Phu, rồi từ đó cứ theo độc đạo này đi mãi bằng giờ ngày mốt sẽ bắt gặp đúng con đường chánh.
- Gần đây có suối nước nào không, lão trượng làm ơn chỉ giúp.
Lão tiều nhìn mép hai con tuấn mã sùi bọt trắng xóa.
- Cách đây độ nửa dặm có khe nước ở kẽ đá bên đường khả dĩ cho ngựa uống được. Ngay bên đường!
Anh em Chu gia cảm ơn tặng lão trượng mấy tiền rồi nhảy lên ngựa tiến thẳng. Độ chừng nửa dặm, quả nhiên có tiếng nước chảy róc rách. Một khe nước nhỏ từ vách đá cao độ ba trượng rót xuống một phiến đá mòn trũng như lòng chậu.
Gần đó, một người quần áo đen, đi giày cỏ, chít khăn mỏ diều, tuổi trạc ngoài ba mươi, mắt sắc như dao, đang ngồi dựa lưng vào phiến đá nhỏ. Chu Đức Kiệt và Lam Y xuống ngựa, đến vũng nước vớt lên rửa mặt, đoạn chụm tay hứng nước mát lạnh uống.
Chu Đức Kiệt uống xong, khen:
- Chà! Nước mát lạnh, thiệt ngon!
Nói đoạn, chàng dắt ngựa tới uống.
Người nọ ngồi gần đấy hỏi:
- Nhị vị từ xa qua đây? Rán đi một thôi đường nữa thì có chỗ nghỉ ngơi rồi. Con đường này không nơi nào có nước, ngoại trừ nơi đây. Hành khách không biết trước phòng bị thì mệt lắm.
Chu Đức Kiệt hỏi:
- Độ bao lâu nữa tới chỗ nghỉ?
- Mặt trời lặn thì tới. Có quán rượu lâu năm, tốt lắm. Tôi cũng đi về đó.
Nói đoạn, người ấy đứng dậy phủi áo quần, vác cây đòn gánh lên vai ra đi.
- Nhị vị đi sau nhé. Tôi đi chân nên phải đi trước kẻo trễ.
Chờ cho người ấy đi xa rồi, Lam Y nói:
- Hai cha con lão tiều không nói làm gì, nhưng thằng cha này bộ dạng khả nghi. Đôi mắt sắc như dao ấy luôn luôn nhìn trộm hai bọc hành lý trên lưng ngựa. Hay y là tên hướng mã của bọn cường đạo nào đó.
- Ngu huynh cũng đồng ý với hiền muội. Hướng mã kiểu này lừa người thường thôi. Qua mắt bọn ta sao được. Nào, lên ngựa kẻo trễ.
Nguyên bọn giặc cướp tụ họp chuyên cướp của người đi đường, thường hay cho đồng bọn trá hình thành khách bộ hành đón ở các ngả đường. Chừng nào gặp người qua thời kiếm cách hướng dẫn họ tới chỗ đồng bọn đón đường để cướp bóc. Bởi vậy mới thành tên Hướng mã.
Lối “Hướng mã” này khởi thủy từ đất Sơn Đông, Trực Lệ là nơi rất “nghịch” có tiếng trong chốn giang hồ, bởi vậy thiên hạ gọi luôn là Sơn Đông hướng mã. Thật ra không phải tay hướng mã nào cũng là người Sơn Đông mà chỉ là một danh từ người ta quen miệng gọi như vậy. Sở dĩ anh em Chu gia chỉ dùng hai chữ “Hướng mã” gọi người áo đen vừa rồi vì chính họ là người Sơn Đông giang hồ kiếm khách lão luyện. Không phải bất cứ ai cũng cáng đáng nổi vai hướng mã. Một Sơn Đông hướng mã chính tông phải là một tay hắc đạo có bản lãnh, tinh tường, tế nhị mới mong hướng dẫn nổi đoàn người vào trong cạm bẫy để đánh phá bóc lột được. Trái lại, nếu vụng về kém gan dạ, gặp phải tay hảo hán giang hồ thì toi mạng ngay.
Chu Đức Kiệt và Lam Y cho ngựa chạy kiệu nhỏ để mau tới làng Sơn Phu. Hai con Ô mã và Bạch Tuyết vừa được uống nước, ăn cỏ xong nên rất tỉnh táo, hồi sức. Chạy được vài dặm đường, Chu Đức Kiệt nói:
- Người áo đen vừa rồi đi trước ta không bao lâu mà sao không gặp y ở đây? Trừ phi y biết phi hành!
- Hay là y đi đường tắt?
- Vô lý, ngu huynh đã để ý, không thấy con đường mòn nào cả.
- Mặc y, nghi ngờ làm chi cho mất công. Con đường này dữ dội chẳng kém chi đất Bắc, chỉ khác có núi đá không cao và thiên hiểm thôi.
Hai anh em vừa đi vừa nói chuyện, tám vó ngựa đạp xuống đất rắn cồm cộp vang động cả khu vực yên tĩnh. Không bao lâu, mặt trời đã lặng khuất sau rặng đồi nhấp nhô. Chim hôm ríu rít bay từng đoàn gọi nhau về tổ.
Tới một khúc đường rê tay hữu, cách mặt đường độ mười trượng, hiện ra một tửu quán khang trang rộng rãi, chiêu bài đề ba chữ Sơn Phu quán hay phất phới trước ngon gió chiều.
Dưới gốc thông lớn trước cửa quán, hai tiểu nhị đang đứng chuyện vãn thấy khách tới thì vội chạy ra đón rước:
- Mời quý khách vào quán nghĩ. Quán này độc nhất rộng rãi sạch sẽ, nhiều món ăn ngon, chắc quý khách sẽ vừa lòng.
Anh em Chu gia mỉm cười, xuống ngựa, đeo hành lý lên vai.
Một trong hai tiểu nhị đón lấy cương ngựa, còn tên kia vội nói:
- Khách quan đi đường xa mệt nhọc để tôi xách hành lý kẻo mệt.
Chu Đức Kiệt nói:
- Được rồi, mặc chúng ta. Có phòng tốt không?
- Bẩm có, phòng rộng rãi chắc khách quan sẽ vừa lòng.
- Tàu ngựa ở đâu? Có mái không?
- Dạ, tàu ngựa ở phía sau, mái lá, xin khách quan an tâm, chúng tôi rất thạo chăm nom ngựa tốt.
- Vậy thì tháo yên cương đem vào phòng cho ta. Phải cho hai con ngựa mệt nhọc này ăn thóc mới, uống nước trong, ta sẽ trả tiền đàng hoàng, đừng ngại.
- Dạ, dạ. Xin theo đúng lời.
Tiểu nhị dắt ngựa vòng ra lối bên, còn tên kia cúi mời anh em Chu gia qua cổng.
Lam Y nhìn quanh, hỏi:
- Không có làng mạc thôn xóm nào gần đây sao?
- Bẩm có chứ. Làng Sơn Phu ở trong kia cách đây độ vài trăm thước. Tửu quán này thuộc về làng đó, nhưng cần đón khách nên lập ngay ở gần đường cho tiện.
Lam Y gật đầu, cùng Đức Kiệt vào quán.
Thấy có khách, một người đàn bà vận áo ngắn trạc ngoài bốn mươi tuổi, vóc người thô kịch, răng vồ, hai mắt ốc nhồi, da bánh mật, từ trong quầy bước ra, cất tiếng ồm ồm vái chào:
- Xin chào quý khách.
Anh em Chu gia chào lại, bước thẳng vào trong quán chọn một bàn sạch sẽ kê bên tường để hai bọc hành lý lên.
Từ trong nhà bước ra một thiếu nữ trạc đôi mươi, mặt trái xoan, mắt lá răm sắc sảo, cất tiếng lanh lảnh gọi tiểu nhị lấy thứ này thứ nọ và bảo chúng sửa soạn phòng ngủ. Thiếu nữ chăm chú nhìn Chu Đức Kiệt và Lam Y.
Người đàn bà có tuổi chỉ thiếu nữ, nói với hai người:
- Thưa quý khách, đây là tiện nữ Đới Ngọc Hoàn giúp tôi trông quán này. Nếu cần thứ chi, quý khách cứ việc sai bảo.
Đới Ngọc Hoàn liếc mắt nhìn Chu Đức Kiệt và cúi đầu chào hai người. Anh em Chu gia khẽ gật đầu chào lại, kéo ghế ngồi.
Lam Y hỏi:
- Tửu quán ở nơi vắng vẻ thế này mà chỉ có nhị vị trông coi thôi sao?
Người đàn bà xấu xí đáp:
- Có nhà tôi nữa, hôm nay có việc ở trong làng nên không ra trông coi được.
- Quán này coi bộ vắng khách nhỉ?
- Cũng tùy từng bữa. Hôm qua có mấy người khách trọ mới lên đường sáng sớm hôm nay.
Đới Ngọc Hoàn quay vào nhà trong hối tiểu nhị bê nước nóng ra cho hai người rửa mặt.
Chờ Chu Đức Kiệt, Lam Y rửa mặt sạch sẽ xong xuôi, tiểu nhị hỏi:
- Quý khách dùng thứ chi? Quán này có đủ các món thịt nai, thịt thỏ rừng, heo, bò và rượu bồ đào nấu đã lâu năm rất nổi tiếng, uống ngọt giọng vô cùng...
Lam Y đưa mắt nhìn kín đáo Đức Kiệt.
Chu Đức Kiệt giả đò nghĩ giây lát:
- Lấy bốn đĩa thịt gà xào nấm đông cô, hai đĩa bốn chiếc tỏi gà chiên hành thiệt vàng, cơm trắng và một hồ bồ đào tửu lên đây.
Tên tiểu nhị ngẩn người hỏi:
- Nhị vị không ưa dùng thứ sơn hào như thỏ rừng, thịt nai... sao.
Chu Đức Kiệt lắc đầu:
- Không! Ta ưa dùng kê nhục. Lấy thêm một dĩa hột gà ướp muối nhé.
Tiểu nhị vâng dạ, bê hai chậu nước vào.
Hồi lâu đem các thực vật ra bày trên thồi và rót rượu. Lam Y nâng cốc đầy rượu ngửi thấy men thơm bốc ngào ngạt, bèn sai tiểu nhị lấy một chiếc Lam Y khác, tự rót đầy, bảo:
- Cho phép người uống ly rượu này.
Tên tiểu nhị nâng Lam Y uống một hơi cạn.
- Thưa quý khách, rượu này ngon lắm, uống một lại muốn uống hai. Chừng nào hết sẽ lấy thêm.
Lam Y nói:
- Được, cho người lui ra, cần thêm thứ chi ta sẽ gọi sau.
Chờ tiểu nhị đi khỏi, Chu Đức Kiệt bảo Lam Y:
- Những nhân viên tửu quán này kỳ lắm, rất đáng ngờ...
Lam Y nhắp một ngụm rượu.
- Ngon thiệt nhưng chẳng nên quá chén. Đêm nay cần tỉnh táo coi chừng.
- Bọn này có vẻ biết võ nghệ. Nhất là mụ già xấu xí như quỷ cái. Vợ mà như vậy chắc anh chồng phải gớm ghê!
Lam Y đảo đĩa thịt gà xào lên nhìn kỹ rồi mới gắp ăn.
- Đúng thịt gà đó, ăn được.
Chu Đức Kiệt mỉm cười:
- Đang đói ngấu mà phải ăn dè dặt thế này, bực mình thiệt.
Chợt thấy Đới Ngọc Hoàn từ nhà trong đi ra. Nàng đã thay đổi trang phục, vận xiêm y sặc sỡ, thoa phấn tô son, xức hương thơm nực mũi. Trên mớ tóc mây đen lánh cấm hai ngọn trâm dát ngọc lung linh. Ngọc Hoàn yểu điệu lả lơi, tiến tới thồi anh em Chu gia đang ngồi ăn, đứng sát gần Đức Kiệt:
- Quý khách từ đâu tới đây?
Chu Đức Kiệt chưa hiểu Ngọc Hoàn có ý định gì, ngước mắt nhìn thì bắt gặp ngay cặp mắt rất dâm đãng của thiếu nữ lờ đờ tống tình. Chàng nhìn đi không nói gì.
Đới Ngọc Hoa kéo ghế ngồi xuống bên:
- Để thiếp ngồi hầu rượu. Kìa, quý khách không trả tiếp.
- Từ Dương Châu tới đây.
Ngọc Hoàn liếc nhìn Lam Y, hỏi Đức Kiệt:
- Đây là quý phu nhân phải không? Xinh đẹp quá!
- Không! Đó là gia muội.
- Ồ! Anh em có khác, cả hai cùng đẹp khiến ai ai... cũng phải chú ý. Để thiếp rót rượu hầu... chàng nào!
Nói đoạn, thiếu nữ cầm lấy hồ rượu định rót vào ly của Đức Kiệt.
Đức Kiệt gạt tay nàng ra, nghiêm trang nói:
- Để tôi tự rót lấy, Cô nương nên tự trọng đừng quấy rầy chúng tôi trong bữa ăn.
Đới Ngọc Hoàn đẩy ghế đứng dậy:
- Gớm, người gì mà trơ ra như đá vậy! Chẳng biết luyến ái là chi cả! Nét mặt đẹp thế kia, ngờ đâu tâm tánh lại khô khan như vậy!
Dứt câu, thiếu nữ quay phắt đi vào, nhưng không khỏi liếc nhìn Đức Kiệt một cái nữa cho... đỡ thèm.
Lam Y tủm tỉm cười:
- Hiền huynh làm người đẹp nổi giận nơi đây bất lợi quá. Giả đò mê luyến nàng đôi chút, có phải đêm nay được yên trí dưỡng sức mai lên đường không?
- Ủa! Hiền muội nói chi lạ vậy! Nếu chúng không biết điều thì làm cỏ quán này chớ lo gì!
- Giỡn hiền huynh vậy thôi. Có lẽ vào lầm hắc điếm rồi! Ngu muội đang lo chúng cho thuốc mê trong món ăn chớ không cho vào rượu. Nếu thấy khác trong người, ta phải nuốt luôn viên thuốc giải độc của thúc phụ cho, hiền huynh còn giữ không?
- Có chớ! Gói thuốc luôn luôn ở trong túi.
Nói về Đới Ngọc Hoàn giận dỗi đi và nhà trong, mụ già thấy vậy vội hỏi:
- Chúng nó không uống rượu sao?
Thiếu nữ hằn hộc:
- Thằng cha đó xuẩn quá, không biết ái tin là gì cả. Thấy con mê luyến nên nó ra vẻ làm tàng! Nhưng đúng ra thì y cũng... mỹ nam tử quá, trông đang yêu tệ! Con người ấy, gái nào thấy cũng phải say.
Người mẹ nghe vậy quay lại bảo bọn tiểu nhị:
- Nếu thế, lát nữa trói cả lại giết đi cho rồi. Coi bộ mấy bọc hành trang đó nặng lắm.
Đới Ngọc Hoàn vội xua tay:
- Không! Tên mỹ nam tử ấy phải để lại cho ta. Còn con bé ấy, các người muốn làm gì thì làm. Thịt nó chắc mềm ngon lắm.
Mụ già quạu cọ:
- Nó đã không mê luyến mình thì cứ thích nó làm chi? Thằng ấy mập mạp thế chắc được nhiều thịt lắm. Coi chừng có bản lãnh đấy!
- Chừng nào con ngán nó sẽ giết cũng chẳng muộn cơ mà! Cứ để nó đấy, mặc con tùy nghi sử dụng. Dù có bản lãnh cũng chẳng sợ chi hai đứa ấy.
Mụ già im lặng trở ra ngoài quầy hàng. Anh em Chu gia ăn mấy miếng thịt gà thấy mỡ xào, mỡ chiên gây gây nên bỏ dở.
Chu Đức Kiệt nói:
- Gớm, mỡ gì mà gây quá! Chưa biết chừng mỡ người đó.
- Hiền huynh nói vậy khiến ngu muội lợm giọng. Thôi, ta ăn hột gà muối vậy, nhưng cũng nên giả đò mệt không ăn được kẻo chúng để ý.
- Hiền muội có thấy chiếc xe ngựa để ở góc sân kia không? Đó là thứ xe chuyên chở hành khách, mà sao không thấy người nào ăn trong quán này chiều nay?
- Có lẽ họ đến đây trước ta và trúng gian kế bị sát hại cả rồi cũng chưa biết chừng.
Lát sau, hai người buông đũa, Chu Đức Kiệt lấy nậm nước hứng ở khe núi ban nãy ra uống chớ không gọi nước trà.
Tiểu nhị chạy ra dọn bàn, lắc thấy hồ rượu đã cạn và hai thực khách có vẻ say sưa.
- Thịt gà ngon thế này, quý vị bỏ phí không dùng sao?
Chu Đức Kiệt giả đò mệt nhọc, quá chén:
- Đi đường xa mệt quá không... ăn được chỉ uống thôi! Rượu... rượu ngon quá! Liệu dọn phòng! ta đi nghỉ sớm nhé.
- Dạ. Nhưng nhị vị không dùng trà?
Chu Đức Kiệt vươn vai, ngáp dài:
- Không. Ta ưa dùng nước suối có... có sẵn đây cho mát. Chà mát quá!
Anh em Chu gia ngồi nán thêm lát nữa rồi đứng dậy, xách hành lý.
Mụ chủ quán chạy tới cất giọng ồ ồ:
- Đêm tối, quý vị cần gì, xin cứ gọi.
Lam Y cười:
- Đêm nay mệt lại hơi say rượu chắc ngủ say sáng mai mới có sức đi đường.
Mụ kia cũng nhe bộ răng vồ khấp khểnh cười, mắt luôn nhìn trộm hai thứ khí giới của hai người.
Vào tới trong phòng đóng cửa lại, mỗi người để hành lý lên một giường.
- Hiền muội ở đây để ngu huynh ra nhìn coi Ô mã, Bạch Tuyết có được tử tế không nhé.
Nói đoạn, chàng đẩy cửa bước ra.
Lam Y cởi áo ngoài giũ bụi, lấy nước rửa mặt, chân tay sạch sẽ, rồi lại mặc vào trèo lên giường nằm. Ra tới phòng ăn, Chu Đức Kiệt gặp tiểu nhị liền hỏi:
- Dẫn ta ra tầu ngựa coi.
Tiểu nhị vâng dạ, đi trước vòng hiên ngoài nhà, ra sau vườn vào căn tầu ngựa lợp lá.
- Thưa quý khách, tầu ngựa đây. Tôi đã cho ngựa ăn no rồi.
Chu Đức Kiệt nhận thấy Ô mã, Bạch Tuyết đứng gần nhau ở trong một góc tầu phía đông. Ngoài ra còn có bốn con ngựa khác nữa. Chàng bước chuếnh choáng vào vỗ về hai con tuấn mã, xem xét cẩn thận rồi đi ra lối cũ thì vừa gặp Đới Ngọc Hoàn đang đứng ở hiên nhà.
Nàng nguýt yêu một cái hỏi:
- Oan gia đi đâu thế này?
- Tôi ở tầu ngựa về.
- Đã có tiểu nhị, ra làm chi ngoài đó?
- Không có chi lạ cả, nhưng đó là thói quen.
Đới Ngọc Hoàn đưa tình, đến gần:
- Chăm chú săn sóc ngựa như vậy, mà với... thiếp thì chàng hờ hững.. Thôi, thiếp tha thứ sự sỗ sàng ban nãy, đêm nay... ngủ ở phòng thiếp để... chuộc tội đi!...
Dứt câu, thiếu nữ định cầm lấy tay Chu Đức Kiệt.
Nén giận, Chu Đức Kiệt lánh sang bên:
- Đến... mai nhé. Bữa nay say rượu mệt lắm... Mai nhé.
Nói đoạn, chàng vào nhà về thẳng phòng.
Đới Ngọc Hoàn hậm hực quay đi, lẩm bẩm:
- Đã vậy sẽ biết tay gái này! Đồ ngốc.
Lam Y nằm xuống mặt quay vào tường. Chu Đức Kiệt xem xét lại hai bộ yên ngựa, rồi bỏ ủng ngồi xếp tròn trên giường tham thiền nhập định. Ngoài trời đã tối hẳn. Chu Đức Kiệt lắng nghe bên ngoài hãy còn tiếng người nói và đi lại dọn dẹp. Tiếng Lam Y thở đều đều. Chó sủa đêm từ làng Sơn Phu vọng ra từng hồi.
Canh một, sang quá canh hai, Lam Y nhỏm dậy dụi mắt, Chu Đức Kiệt vẫn ngồi dưỡng thần lù lù như pho tượng ở trên giường. Ngọn bấc dầu khêu nhỏ để dưới chiếc bàn thấp che lấp, nên trong phòng lờ mờ gần như tối hẳn.
Lam Y bước xuống đất lẹ làng tới gần Chu Đức Kiệt:
- Hiền huynh nằm nghỉ đi. Ngu muội canh chừng.
Im lặng, Chu Đức Kiệt ngả mình xuống gối. Lam Y trở lại giường mình ngồi xếp tròn dưỡng thần, nghe ngóng.
Vào quãng đầu canh ba, chợt có tiếng động ngoài cửa như tiếng chuột gặm. Lúc có lúc không. Lam Y nghi ngờ nhưng chợt có tiếng hai con chuột cắn nhau chí chóe. Nàng mỉm cười tự nghĩ quen thói nên nghi ngờ cả những cái không đâu.
Trên bước giang hồ, tiểu tâm phòng bị là đầu chốt của mọi nết, không thế không được, mất mạng dễ như chơi.
Bỗng Chu Đức Kiệt nhỏm dậy, buông chân xuống đất đi ủng, với tay lấy Thất Tinh đao đeo vào người. Chàng nhón nhén ghé tai nói nhỏ:
- Khuya rồi, ngu huynh ra ngoài coi xem chúng thế nào.
- Hễ có động, thì ra tay liền.
Chu Đức Kiệt để ngon đèn bấc vào góc nhà che lấp hẳn ánh lửa đi sửa soạn mở cửa phòng đi ra thì có tiếng chân ngựa từ phía đường vọng vào. Lam Y cùng bước xuống đất lắng nghe. Tiếng mở cổng quán và có nhiều người vào sân. Những tiếng ấy tuy nhỏ, người thường không hề để ý tới, nhưng đối với thính giác đặc biệt của kiếm khách thì khác hẳn.
- Có nhiều người mới vào sân quán, hiền muội thấy không?
- Chúng ra cả phía sau quán và tiếng đó mất hẳn. Hiền huynh ra xem thế nào.
Chu Đức Kiệt lẹ tay mở cửa bước ra ngoài. Yên lặng. Tối om.
Vận dụng cặp mắt nhìn đêm, Chu Đức Kiệt nép người vào tường nghe ngóng. Đoạn, chàng lẹ làng tuốt đao ra khỏi vỏ cầm ngược ép sát lưỡi đao vào cánh tay để che lấp ánh sáng xanh lè tỏa từ lưỡi đao ra. Lần vào phía trong, tới căn phòng trong cùng, ánh đèn le lói chiếu sáng qua khe cửa. Đức Kiệt nghe thấy tiếng nói nhỏ vọng ra, áp tai vào vách ván nghe.
Tiếng mụ chủ quán nói:
- Giờ này chắc chúng ngủ say rồi, chủ nhân cho lệnh bắt chúng đem cả về nhà trong, nhưng cứ giết luôn cả đi, ta chịu trách nhiệm...
Đới Ngọc Hoàn nói:
- Con đã nói không được giết thằng cha đẹp trai đó, còn con mụ xinh đẹp kia thì tùy ý mẫu thân sử dụng.
- Thiệt là bố nào con ấy. Thấy trai đẹp, gái non híp mắt lại, Cha mày vừa nghe nói con ấy xinh đẹp là hạ lệnh đem nó về nhà liền. Hừ! đồ dâm đãng có khác. Có ngày, ta họa lây...
Chu Đức Kiệt nghĩ thầm “Họa tới nơi rồi, còn có ngày chi nữa!”.
Tiếng người đàn ông lạ nói:
- Bây giờ chúng tôi ra xem thế nào rồi hạ thủ nhé?
Tiếng Đới Ngọc Hoàn:
- Ờ! Phải cẩn thận kẻo hỏng việc. Cả hai đứa ấy cũng có thủ đoạn cả đấy, chớ khinh thường.
Tiếng khí giới rút ra khỏi vỏ...
Chu Đức Kiệt vội vàng quay ra về phòng bảo nhỏ Lam Y:
- Chúng sắp tới bây giờ...
- Vào đứa nào giết đứa ấy. Tiêu diệt cho kỳ hết mới thôi.
Hai anh em đứng sang cửa phòng chờ. Chợt có tiếng động nhỏ ở gầm bàn. Hai người chú ý nhìn, thì ra đó là miệng hầm. Miếng ván từ từ do bàn tay bí mật nào mở ngược xuống như một cánh cửa. Ánh sáng mờ mờ từ dưới hầm thoát lên.
Lam Y nhẹ nhàng tiến tới gần miệng hầm bỏ chiếc bàn sang bên. Lát sau, một lưỡi đao từ từ nhô lên quơ nhẹ chung quanh, rồi một người đầu lên khỏi miệng hầm.
Có lẽ tên này chưa quen với bóng tối trong phòng, không trông thấy gì, theo hẳn lên mặt sàn. Lam Y buông kiếm, giơ tay tả chém bàn tay Cương đao trúng gáy tên đó, đồng thời đưa tay hữu túm lấy lưng áo nhấc bổng đặt nhẹ sang một bên. Tên đó chết không kịp ngáp. Liền lúc ấy, một tên khác nhô đầu trèo lên. Lam Y lại hành động như trước, đặt xác thứ hai xuống cạnh tên thế nhất.
Lát sau, có tiếng chuột kêu nhè nhẹ từ dưới hầm vọng lên. Lam Y mỉm cười nghĩ thầm có lẽ mấy tên đồng bọn chờ ở dưới không thấy hai tên vừa bị đánh gãy xương cổ chết hành động gì, nên giả tiếng chuột gọi nhau.
Nàng bèn đứng hẳn lên khẽ ló mắt nhìn xuống. Quả nhiên, ở dưới hầm còn ba tên nữa đang đứng ngay dưới chân thang... Nhưng ngay lúc ấy có tiếng động nhẹ ở cửa phòng. Cánh cửa từ từ mở ra... một người ló đầu vào...
Chu Đức Kiệt hạ một lát đao phập, chiếc thủ cấp lăn cồng cộc xuống mặt sàn, còn cái thây thì đổ xuống nằm ngang bực cửa, máu phun ra như suối. Bên ngoài thốt lên một tiếng chao ôi đồng thời tiếng chân chạy thình thịch.
Lam Y biết là mọi sự đã vỡ lở, bèn lao luôn hai xác chết xuống hầm trúng ba tên đứng ở dưới. Một tên tránh không kịp bị xác chết rớt trúng đầu, té úp mặt xuống đất, nhưng lại đứng lên được ngay. Chúng la hò vang động gọi đồng bọn.
Lam Y nói vội:
- Hiền huynh tự liệu ở trên này. Mặc ngu muội đối phó với chúng dưới hầm.
Dứt lời, nàng không lần theo thang, nhảy vụt xuống hầm... Chu Đức Kiệt thấy Lam Y đã xuống hầm, bèn đạp tung hẳn cánh cửa phòng rồi nhảy vụt ra ngoài, thì vừa vặn có tiếng chân chạy từ phía trong ra, đuốc đốt sáng ngời. Mụ chủ quán cầm song đao đi đầu, theo sau là mấy tên tiểu nhị, tên nào cũng có gươm đao, hăng hái chạy theo mụ chủ. Chu Đức Kiệt cầm ngang đơn đao chờ.
Mụ chủ quán chỉ đao vào mặt Chu Đức Kiệt hét:
- Hay cho tên ăn cướp này, dám vào quán trọ giết người hôi của...
Chu Đức Kiệt mắng lại:
- Đồ cẩu tặc, mở hắc điếm hại người lương thiện còn già họng. Coi đao ta đây!
Nói đoạn, chàng nhảy vào hoa đao đánh mạnh. Mụ chủ quán múa đao đỡ trả đòn tới tấp. Mấy tên đồng bọn cũng bổ vây tròn Chu Đức Kiệt vào giữa. Họ Chu khen thầm mụ chủ quán võ nghệ khá cao cường và có dũng lực. Chỉ trong chớp mắt, hai tên giặc đã mất đầu, xác quật xuống sàn gạch, máu phun thành vòi như tưới.
Mụ chủ quán thấy vậy càng nổi giận hét lên như sư tử, hoa cặp song đao lợi hại vùn vụt như gió quấn chặt lấy địch thủ. Mụ dùng thế Mãnh Hổ Cầm Dương nhảy chồm tới chém một đao ngay hông và một đao bổ thượng nhằm đầu đối phương. Thế này rất lợi hại trong lối dùng song đao vì địch thủ cùng một lúc thọ địch hai đòn trong lúc còn phải chống đỡ đồng bọn giặc đánh tới. Đoán trước đòn hiểm của mụ chủ quán, Chu Đức Kiệt cũng xô ngay tới phóng chân đá trúng tay địch thủ làm bật cây đao chém ngang hông ra một góc nhà, đồng thời tay hữu đưa Thất Tinh đao chém mạnh khiến lưỡi đao bổ thượng bị tiện đứt đến gần chuôi.
Vừa phá xong hai đòn ấy thì hai người cũng vừa vặn xô vào gần nhau. Tong khi mụ chủ quán chưa kịp trở tay thì Chu Đức Kiệt đã quay phắt người lai đánh ngược cùi chỏ bên tả Phượng Dực trúng sườn đối phương... rắc một tiếng.
Mụ chủ quán sức lực to lớn nhường ấy khôn kịp tránh cánh tay Phượng Dực đánh quá gần, xương sườn bị gãy vụn như vỏ trứng óp, té bật ngửa người ra phía sau, hộc máu miệng, hai chân giãy đành đạch lên mấy cái, rồi mới tắt thở về chầu Diêm La điện.
Thế đòn mà Chu Đức Kiệt dùng để phá ngọn Mãnh Hổ Cầm Dương của mụ chủ quán là thế Long Phi Phượng Vũ và tiếp luôn cùi chỏ Phượng Dực đánh gãy xương sườn địch thủ là thế Hổ Tướng Hồi Quân đánh rất gần và bất ngờ, ít khi đối phương tránh kịp trong khi vừa bị mất khí giới hoang mang. Cả hai thế này đều là ngọn đòn chí tử của bài Phong Vũ Đao gia truyền của họ Chu danh vang đất Bắc.
Thấy chủ đã thọ tử, hai tên còn lại vội vàng xô nhau chạy, nhưng chạy sao kịp với cặp giò điện tử của họ Chu! Tên thứ nhất bị một dao xén đứt cánh tay hữu, còn tên thứ hai thì bị Chu Đức Kiệt tóm được cổ áo ấn xuống.
Tên đó hoảng quá vội buông khí giới rên la, lạy như tế sao:
- Trăm, ngàn lạy hảo hán, xin tha mạng cho con là tiểu tốt vô danh còn mẹ già, vợ dại, con thơ...
Chu Đức Kiệt cười gằn khiến tên đó rợn tóc gáy.
Tên đó run lẩy bẩy:
- Bẫm... bẩm...
- Bẩm với báo gì! Biết điều dẫn ta xuống địa huyệt, kẻo mất đầu bây giờ!
- Dạ... dạ... xin vâng... ạ.
- Lẹ lên mau!
Tên đó giật mình đánh thót bật cả người, dẫn Chu Đức Kiệt đi thẳng vào căn phòng trong cùng mà chàng đã nghe lén hồi nãy.
- Có mấy lối xuống địa huyệt?
- Bẩm... có ba... ba lối ạ. một một lối ở... ở phòng của hảo... hảo hớn, một lối ở... ở dưới bếp và một... lối ở... ở trong phòng... phòng này ạ.
... Nói về Lam Y khi nhảy xuống địa huyệt, thấy có năm tên đạo tặc cầm khí giới chạy lại bao vây đánh.
Lam Y quát lớn:
- Loài chuột, coi kiếm của cô nương nè!
Nàng hoa kiếm thành vòng sáng ngời như chiếc tán.
Khí giới của đối phương bị lưỡi Thái Dương kiếm chém trúng tiện đứt, rơi loảng xoảng xuống mặt địa huyệt lát gạch vuông đỏ.
Năm tên giặc sợ quá chưa kịp né chân chạy thì đã bị làn bạch quang rít lên như gió lia tròng trúng cổ. Năm chiếc thủ cấp rụng lộp độc xuống gạch như trái sung. Năm thây cụt đầu đổ vật xuống đất, chân tay co giật lên rồi mới nhoài ra, máu phun thành vũng... Giữa lúc ấy, Đới Ngọc Hoàn cùng hai tên tặc đạo râu quai nón từ khúc rẽ trong địa huyệt chạy ra.
Ngọc Hoàn vận quần áo chẽn, cẩm kiếm. Hai tên kia vác côn và đinh ba.
- Con ác nữ này dám đột nhập nơi đây giết thủ hạ của ta, hãy coi kiếm đây!
Lam Y không nói không rằng đón đánh luôn. Hai tên kia cũng nhập trận rất hăng hái. Đới Ngọc Hoàn thấy kiếm của Lam Y và lối nhập trận dũng mãnh, biết ngay gặp tay cao thủ, nên thận trọng dùng tận lực bình sanh đánh, cố ý tránh chớ không đỡ những lát kiếm của đối phương. Lam Y vừa đánh vừa nhận xét thấy bản lãnh của họ Đới rất khá, nên đoán rằng xó lẽ đã nhiều người thường và ngay cả hảo hớn giang hồ ít kinh nghiệm hoặc bản lãnh kém, bị táng mạng tại hắc điếm này.
“Soạt!”
Cây côn của tên tặc đạo bị tiện đứt làm đôi. Tên đó hoảng sợ nhảy lùi lại mấy bước, không ngờ Lam Y đã phóng một ngọn cước trúng ngực tên cầm đinh ba, bật ra khỏi vòng chiến, đầu va vào mặt tên đồng bọn đánh bốp một cái khiến y ôm mặt lảo đảo. Còn tên bị đá thì lăn ra sân gạch nằm không cựa quậy tim phổi vỡ nát, miệng ứa huyết.
Sợ đối phương thừa dịp ngay tới sát hại nốt bộ hạ, Đới Ngọc Hoàn chặn đường chém một kiếm ngang đầu gối địch thủ, Lam Y nhảy vọt lên cao duỗi chun đạp mạnh gót vào mặt Đới Ngọc Hoàn, Đới Ngọc Hoàn nhận thấy Lam Y có cặp giò lợi hại, vừa lẹ làng vừa nặng nề nên chú ý đề phòng. Nàng ngồi thụp xuống nhường cái đạp ấy trượt ra ngoài, và nhân dịp nhắm hông địch thủ thúc mạnh một mũi kiếm theo thế Xuyên Thiện kiếm.
Đòn nguy hiểm này mau lẹ lắm nhưng Lam Y thấy kịp gạt mũi kiếm của họ Đới sang bên. Chân vừa xuống tới đất, Lam Y thoái luôn hai bộ. Đới Ngọc Hoàn mừng lắm, thừa dịp xông lên chém một lát ngang cổ đối phương... Bất thần, Lam Y ngồi thụp xuống nhường cho lưỡi kiếm vụt qua đầu, dùng chân tả đá quét một ngọn Kim Cương Tảo Địa.
Chém hụt bị mất đà trong khi đang rượt theo đối thủ. Đới Ngọc Hoàn không kịp tránh ngọn cước vừa mạnh mẽ vừa bất thần đó nên trúng đòn. Chân nàng như bị chiếc chầy sắt đánh trúng tê buốt vô cùng, toàn thân nàng bật lên khỏi mặt đất nhào đi một vòng, thanh kiếm trong tay bị văng ra một nơi. Đới Ngọc Hoàn nằm ngất lịm trên mặt đất, hai chân xoạc ra, cổ chân chỗ trúng đòn vẹo sang một bên. Thì ra ngọn đá quét dũng mãnh ấy đã làm gãy lìa hẳn xương ống chân cô gái lẳng lơ họ Đới.
Nói ra thì lâu, mấy thế đánh liên tiếp này đã diễn ra rất mau lẹ.
Tên tặc đạo bị chém đứt cây côn hồi nãy đã liệng khúc côn còn lại trong tay, đi lượm cây chỉa ba của tên đồng bọn bị Lam Y đá chết, nhảy tới nhắm bụng Lam Y thọc một ngọn cốt ý cản không cho đối thủ hạ sát Đới Ngọc Hoàn, Lam Y đứng yên tại chỗ chém ngang một lát kiếm tiện đứt mũi cây chỉa ba. Tên nọ nhào tới mất đà chúi đầu vào ngực Lam Y. Nàng khẽ tránh sang bên đưa chân gạt ngược một cái, tên nọ bị lộn nhào, đầu dốc xuống đất bốp, bể sọ chết tươi, Lam Y nhìn quanh không thấy tên nào khác nữa, gần đó có hồ nước, bèn tiến tới múc nước đổ vào mặt Đới Ngọc Hoàn.
Bị nước lạnh ngấm, Đới Ngọc Hoàn tỉnh lại rên siết tỏ vẻ đau đớn lắm, nhưng đôi mắt căm hờn vẫn gờm gờm nhìn kẻ chiến thắng như muốn vùng ngay dậy, nuốt sống ăn tươi mới hả dạ.
Lam Y liệng chiếc chậu đồng sang bên, cười gằn:
- Các ngươi đã hạ sát bao nhiêu người trong điếm này rồi?
Đới Ngọc Hoàn hằn hộc quay đi, nhắm mắt lại, Lam Y bỏ Đới Ngọc Hoàn đó định đi xem xét các nơi trong địa huyệt thì thấy tiếng chân đi. Nàng nhảy đứng nép vào tường chờ. Người đi đó chính là tên tặc đạo và Chu Đức Kiệt từ góc tường phía đông ló ra.
Nhìn thấy mấy xác chết nằm ngổn ngang dưới đất liền hỏi:
- Xong cả rồi chứ? Có tên nào thoát không?
- Những đứa ở dưới này thì đây cả rồi. Trên nhà thế nào?
- Cũng vậy. Còn sống sót tên này dẫn đường.
- Có một điều lạ là không thấy lão chủ điếm đâu cả.
Chu Đức Kiệt nạt tên giặc.
- Lão chủ điếm họ Đới đâu? Nói cho thiệt!
Tên kia thấy đồng bọn đứa mất đầu, đứa vỡ mặt, bể sọ, nằm ngổn ngang trên mặt đất, khiếp sợ quá, sắc mặt tái mét, run rẩy nói ngắt đoạn:
- Chủ nhân con không có ở đây, nhưng lát nữa sẽ tới!
- Nhà y ở đâu? Tại sao không ở đây?
- Dạ, ở cách đây năm dặm, cứ theo hướng tây đi thì tới, nhà ở ngay bên đường. Chủ nhân tôi không ở hẳn đây vì nhà có... có...
Tên đó ngập ngừng không nói nốt.
- Có gì?
- Dạ... có nơi nhốt người kín đáo hơn ở đây ạ. Thường thường thì đánh thuốc mê bắt người ở đây. Nếu không dùng tới ngay, bắt nhốt về nhà đằng kia nuôi cho ăn khỏe mập, chừng nào cần dùng, đến đêm sẽ trói lại đem lại đay làm thịt cho khách hàng ăn. Các việc này đều do chủ nhân con tự làm lấy, chúng con đi làm lấy lương chỉ có phụ tá sai gì thì làm nấy thôi...
Lam Y cười lạt:
- Nghĩa là các người không có tội tuy vẫn giết người hiền lương như giết nghé hả? Tên chủ nhân người là chi?
- Dạ, tên là Xích Hoa Xà Đới Vĩnh Khang. Bà vợ là Mẫu Dạ Xoa Đổng Kim Hoàn còn cô con gái là Hoa Cô Nương Đới Ngọc Hoàn.
- Các ngươi dùng thịt người làm những món ăn gì?
- Dạ, làm nhân bánh bao, giả làm thịt thỏ rừng, thịt nai, heo rừng. Gan tim, phổi xài được hết. Người nào mập thì lọc mỡ ra xào, chiên...
Nhớ tới lúc ban chiều ăn phải mấy miếng thịt gà xào gây gây, Lam Y cảm thấy lợm giọng muốn mửa.
Chu Đức Kiệt hỏi:
- Các bộ phận của các nạn nhân mà các ngươi không xài tới bỏ đi đâu?
- Chủ nhân con bắt chôn ra sau núi gần đây.
- Hạ sát bao nhiêu người rồi?
Con tới sau không biết rõ.
- Chiếc xe ngựa chở hành khách để ở ngoài sân quán là của ai?
Tên đó xám mặt đáp:
- Dạ, xe ấy của hai vợ chồng chàng thanh niên mới qua trọ cách đây được vài hôm.
- Hai người ấy đâu rồi?
- Hiện còn bị giam ở nhà đằng kia với cha con người xa phu.
- Người đàn ông đó đẹp trai nên Hoa cô nương giữ làm của riêng để nài ép... vui đùa...
- Con dâm tặc ấy hành động như vậy mà Đới Vĩnh Khang ưng chịu sao?
- Hoa cô nương được cha mẹ nuông chiều muốn sao làm vậy, không bao giờ ngăn cấm. Hiện đã có mấy người tuấn tú bị bắt. Hoa cô nương bắt họ hành sự ngày đêm nên họ đâm ra lao lực ốm yếu, họ không đủ sức đứng dậy được nữa. Thấy họ vô dụng. Hoa cô nương chờ đêm tối đem họ vào rừng hạ sát cả rồi. Cũng có khi Hoa cô nương chán người nào, mà còn khỏe mạnh thì đem về điếm này làm thịt bán hàng, rồi cho người khác thay thế hành sự vui đùa.
- Đáng lẽ đêm nay Hoa cô nương về nhà với thanh niên mới bắt được hôm rồi, nhưng vì có hảo hán tới trọ, cô ấy thấy hảo hán tuấn tú khỏe mạnh nhiều nên quyết tâm bắt cho kỳ được để thỏa mãn dục tình, không ngờ cớ sự vỡ lở ra như vầy.
- Khi nào bắt được phụ nữ đẹp thì chính chủ nhân tôi lãnh riêng giống như Hoa cô nương lãnh các thanh niên vậy.
Chu Đức Kiệt vội hỏi:
- Thế vợ chàng thanh niên mới bị bắt hôm rồi đâu?
- Còn bị giam giữ cả ở nhà, không hiểu đã bị chủ nhân... đùa bỡn chưa.
- Dẫn ta tới chỗ làm thịt người coi.
- Tên kia vâng dạ quay người định đi trước thì Hoa cô nương Đới Ngọc Hoàn mở mắt ra, miệng rên siết, khiến y giật bắn người lên, mắt mở tròn xoe kinh ngạc:
- Ủa! Hoa... Hoa cô nương còn sống?
Lam Y gắt:
- Đi! Hay muốn ta xẻo tai bây giờ?
Tên đó mồ hôi toát ra đây mặt, trệu trạo bước đi trước.
Lam Y nói với Chu Đức Kiệt:
- Hiền huynh đi trước, ngu muội lục soát xem con dâm tặc này có gì trong người không đã.
Nói đoạn, Lam Y bước lại chỗ Đới Ngọc Hoàn lục xét khắp người, không có chi lạ, ngoài mấy thứ nữ trang thường dùng hằng ngày và một gói giấy nhỏ, Lam Y mở gói đó ra thấy thứ bột gì trắng như phấn mùi thơm thoang thoảng, lật đi lật lại tờ giấy gói, Lam Y thấy đề: Khởi dục phấn.
Dự đoán Hoa cô nương dùng thứ phấn này hòa vào nước hay rượu cho đàn ông uống để khởi dục. Lam Y nổi giận, rắc cả gói bột đó vào đầy mặt nữ tặc, rồi đứng dậy đi theo Chu Đức Kiệt vừa ra.
Hoa cô nương nhắm mắt lại cho bột khỏi vào mắt, miệng vẫn rên la không ngừng vì ống xương chân gãy gập lại.
Bước khỏi chỗ góc tường, quẹo sang hữu, Lam Y thấy Chu Đức Kiệt đang đứng ở cuối địa huyệt giữa một khung cảnh rùng rợn đến buồn nữa.
Treo lủng lẳng ở cây xà ngang mấy cái đùi, cánh tay người đã lóc thịt dở dang, hai trái tim, bộ gan, phổi thứ nào cũng đã khuyết mất một phần. Mấy cuộn dây thừng vấy máu treo vào móc sắt. Trong góc, mấy chiếc sọt tre đan đựng mấy cái thủ cấp đã bị đập bể nát có lẽ để lấy óc dùng nấu ăn. Mấy bộ xương sườn lóc thịt trơ ra trắng hếu.
Gần đó hai cái bục đá nhẵn hoen máu đã khô. Kế bên, là hai chiếc cột cây có lẽ dùng để trói nạn nhân vào đó khi mổ bụng moi ruột. Quanh đấy, ngổn ngang nào chậu sành, nào nồi đất. Sau chót, là mấy chiếc chảo bắt trên mặt lò than đun nước hãy còn bốc khói. Mùi hôi tanh bốc lên sặc sụa!
Trong bước giang hồ, anh em Chu gia hành hiệp, hạ sát cũng đã nhiều kẻ gian phi tặc đạo, quen thấy cảnh chém giết, đầu rụng máu phun, nhưng mỗi chuyến vào lầm hắc điếm, hai người vẫn cảm thấy ghê tởm trước cảnh người lương thiện bị phân thây, thịt nát xương tan bởi bọn tặc đạo khát máu giết người vô tội kiếm lời, cướp của.
Chu Đức Kiệt đùng đùng nổi giận, liếc lưỡi đao vào gáy tên giặc hỏi gằn:
- Riêng phần ngươi đã mổ bụng bao nhiêu người rồi? Có sướng tay không? Hả? Nói mau?
Bị lưỡi đao áp vào gáy lạnh giá như tuyết băng, tên đó rợn tóc gáy, mặt cắt không còn hột máu:
- Bẩm... bẩm con không được... được mổ bụng người... bao... bao giờ, đã... đã có... có đổ tể chuyên... chuyên môn...
Chu Đức Kiệt quát:
- Lúc nãy người cầm khí giới theo mụ Mẫu dạ xoa, nếu bọn ta thua thì người có làm thịt không?
- Dạ, con... con... con...
Ghét quá, Chu Đức Kiệt gài đao vào vỏ, nhắc bổng tên đó lên lao vào chiếc sọt lớn nhễ nhãi những xương thịt người.
Đầu cắm xuống trước, hai chân chổng ngược, tên giặc giãy giụa, la hét, lúng túng thế nào, chiếc sọt đổ kình ra úp hẳn lên người y đầy dơ dáy nhầy nhụa, gớm khiếp.
- Mặc nó đấy, ra khỏi nơi đây đi hiền huynh.
Hai người theo lối cũ lên khỏi địa huyệt. Vừa nhô lên mặt đất trong bếp, bỗng có một bóng đen chạy vụt từ lu nước ra cửa sau bếp.
Lam Y đuổi theo túm được áo bóng đó lôi xềnh xệch ra nhà ngoài.
- Trăm lạy ngàn lạy nữ đại vương, con tên là Trần Nhị nghèo khó phỉ đi ở, không ngờ xin làm đúng nơi nguy hiểm này. Chúng hãm giết, muốn thôi cũng không được, con đành nương náu qua ngày tìm cách trốn khỏi địa ngục này. Ban nãy trong khi sát phạt, con sợ quá chui vào lu nước trốn. Ngấm lạnh, không chịu nổi, con vừa ra khỏi lu nước, thì nhị vị đại vương lên khỏi miệng hầm... Xin nhị vị tha chết cho con là người lương thiện vào lầm nơi đây...
Trần Nhị vừa nói vừa run vì sợ có, mà vì lạnh cũng có. Lam Y phát tức cười.
Nhận xét thấy Trần Nhị diện mạo thực thà, hiền lành Lam Y hiểu ngay y nói sự thật bèn hỏi:
- Người từ đâu tới đây? Được bao lâu rồi?
Bẩm, nữ đại vương...
Lam Y phì cười:
- Ta có đi ăn cướp đâu mà gọi nữ đại vương? Ta mới giết tặc đạo hắc điếm này để cứu... người đó. Trả lời đi!
- Bẩm ân nhân, con từ Lâm huyện qua đây thấy Sơn Phu tửu điếm cần người làm, con xin ở, không ngờ lầm phải nơi giết người này. Tất cả được ngót ba tháng rồi, trốn không nỗi.
- Điếm này có bao nhiêu người?
- Tại điếm thì không có bao nhiêu. Nhưng tại sào huyệt của chúng khá đông, toàn kẻ có võ nghệ. Ngay trước canh ba vừa rồi, chúng định bắt sống nhị vị nên có phái thêm người tới đây, không ngờ bị nhị vị giết cả. Thật là thiên bất dung gian.
- Ngươi có biết sào huyệt chúng ở đâu không?
Trần Nhị gật đầu:
- Dạ có, cách mấy dặm đường, nhưng không cho tới đó bao giờ cả...
- Hắc điếm này làm bậy như vậy mà viên chức sở tại trong làng Sơn Phu không nói chi sao?
- Dạ, nói thế nào được? Bọn họ Đới hai vợ chồng, cô con gái và thủ hạ rất giỏi, võ nghệ tinh thông, sức mạnh ít người địch nổi, viên chức tại làng này có muốn nói cũng e sợ chúng giết hại, nên đành câm miệng làm thinh, còn đâu dám nói tới việc trừng phạt nữa!
- Cho người đi thay áo đi, sửa soạn hành lý rồi ra đây ta bảo.
Trần Nhị lạy tạ đứng lên toan vào nhà trong thay áo, nhưng chợt nhớ tới việc gì, y nói với Lam Y:
- Giờ này mà Đới Vĩnh Khang không thấy vợ con y cho người về sào huyệt báo tin thì chắc y sẽ tới đây, nhị vị nên phòng bị kẻo bị đánh bất ngờ.
Lam Y mỉm cười:
- Được rồi! Tháo áo rồi ra ngay.
Anh em Chu gia khám xét trong các phòng không có gì lạ, Nhưng lấy được ở phòng Mẫu dạ xoa một số vàng ngọc, tiền nong, đếm được trên một trăm lượng bạc.
Lam Y bỏ riêng ra ba mươi lượng, còn thì cất cả và bọc hành lý để khi cần thì giúp đỡ kẻ khó.
Chu Đức Kiệt tìm bút mực đề mấy hàng chữ lên tường:
“Cùng các viên chức sở tại,
Nhân đi qua đây, thấy điếm Sơn Phu là nơi tặc đạo trá chân hoành hành giết người cướp của khách trọ, nên phải ra tay trừ gian. Chứng cớ hành động bọn giặc còn nguyên dưới địa huyệt. Yêu cầu đừng bắt bớ dân lành tra xét oan uổng.
Lam Y nữ hiệp, đề”.
Lam Y nhìn nét chữ rắn rỏi, cười:
- Đã lâu lắm, hiền huynh không viết đại tự mà nét chữ còn tốt lắm.
Chu Đức Kiệt liệng cây viết lông vào góc nhà.
- Hiền muội có biết ngu huynh đang nghĩ ý không?
- Xin chịu! Lam sao mà đoán được?
- Còn nhớ người mặc đồ đen gặp ở khe nước bên đường không?
- Có chứ.
- Chúng ta đã ngờ y là tay hướng mã, vậy mà y vắng mặt nơi đây.
- Việc ngờ cứ ngờ chứ, còn trúng hay không là một việc. Trên bước giang hồ, lúc nào cũng cần phải phòng bị. Cẩn tắc vô ưu!
- Đã đành! Nhưng ngu huynh ngạc nhiên không thấy tên đó trong hắc điếm này.
Hai người còn đang nói chuyện thì Trần Nhị tới, lưng đeo khăn gói, tay cầm chiếc gậy.
Lam Y đưa cho Trần Nhị ba mươi lượng bạc.
- Đây! Cầm tiền này về sanh quán làm vốn sanh nhai lương thiện. Đêm nay nếu ngươi lọt vào tay người khác thì mất thủ cấp rồi đó, nghe?
Trần Nhị cảm động, đón lấy gói bạc bọc lại cẩn thận, quỳ lạy tạ ơn anh em họ Chu.
Lam Y xua tay:
- Bất tất phải hành động như vậy, người có biết thắng ngựa không?
- Dạ, có. Con thạo nghề ấy lắm.
Lam Y gật đầu nói:
- Được lắm! Trong tầu có hai con Ô mã, Bạch Tuyết, vô dắt ra đây cho ta.
Trần Nhị vội vàng vào tầu dắt hai con tuấn mã ra.
- Được, để chúng đó. Trở vô trong tầu tìm yên cương thắng lấy con ngựa nào mà ngươi ưa nhất, lẹ tay lên!
Khi Trần Nhị đi khỏi, anh em Chu gia xem xét lại Ô mã, Bạch tuyết cẩn thận rồi thắng yên cương. Đoạn, đeo hành lý lên lưng, hai người bước ra sân quán thì đã thấy Trần Nhị dắt ngựa đứng đó rồi.
Chu Đức Kiệt bảo Trần Nhị:
- Vào tắt mấy ngọn đèn trong quán đi, lẹ lên.
Trần Nhị tuân lời vào nhà tắt đèn, nhưng vẫn nhớn nhác trông mấy tử thi nằm ngổn ngang ra vẻ sợ sệt vô cùng. Lúc trở ra, không quen nhìn tối, Trần Nhị vấp phải xác chết té nhào ra phía trước. Hoảng qua, Trần Nhị vội vàng trở dậy chạy ùa ra sân như kẻ bị ma đuổi.
Chu Đức Kiệt hỏi:
- Sao thế?
- Con vấp phải tử thi nên té nhào. Ghê quá!
Lam Y phì cười:
- Nào, bây giờ người hướng dẫn chúng ta tới sào huyệt của Xích Hoa Xà. Hay ngươi muốn lên đường ngay bây giờ cũng được.
- Dạ không! Con đi theo nhị vị, chừng nào trời sáng hẳn mới dám tự kỷ đi. Trời tối đi đường một mình, sợ lắm.
- Nào đi. Cho ngươi đi tiên phong.
Ba người cùng lên ngựa ra khỏi hắc điếm.
Trời tối như mực.
Sương rừng, khí núi bốc lên mờ mờ.
Gió lạnh phây phẩy thổi.
Trần Nhị rùng mình hắt hơi luôn mấy tiếng, thả lỏng dây cương mặc ngựa phóng theo con đường mờ mờ trắng đục trước mặt.
Trái lại, anh em Chu gia vận dụng cặp mắt luyện nhìn đêm nên phân biệt được mọi vật rất rõ ràng.