Để hiểu rõ hơn về cách nắm bắt nghệ thuật làm việc sâu, tôi khuyên bạn nên đến thăm Giáo đường Do Thái Knesses Yisroel tại Thung lũng Mùa xuân, New York, vào lúc 6 giờ sáng các ngày trong tuần. Nếu tới đó, bạn có thể thấy ít nhất 20 chiếc xe ô tô trong bãi đỗ xe. Bên trong, bạn sẽ gặp vài chục thành viên hội thánh đang nghiền ngẫm các câu từ – một số người có thể đang đọc thầm, nhẩm theo ngôn ngữ cổ, trong khi những người khác đang cùng nhau tranh luận. Ở một đầu căn phòng, một giáo sĩ Do Thái sẽ dẫn đầu một nhóm lớn hơn thảo luận. Nhóm người đang quây quần ở Thung lũng Mùa xuân vào sáng sớm này chỉ chiếm một phần nhỏ trong số hàng trăm nghìn người Do Thái chính thống thức dậy vào sáng sớm hôm đó, như họ vẫn làm hằng sáng các ngày trong tuần, để thực hiện giáo lý trung tâm trong đức tin của mình: Dành thời gian mỗi ngày để nghiên cứu các truyền thống phức tạp đã được lưu lại của Do Thái giáo dòng Rabbinic.
Tôi đã được nghe Adam Marlin giới thiệu về cộng đồng này, anh là một thành viên của hội thánh Knesses Yisroel và là một trong những người thường xuyên có mặt trong nhóm nghiên cứu buổi sáng. Theo Marlin, anh đặt ra mục tiêu mỗi ngày phải giải mã được một trang Talmud36 (dù thỉnh thoảng anh không làm được như vậy). Marlin thường làm việc với một chevruta (đối tác nghiên cứu) để thúc đẩy sự hiểu biết đi tới giới hạn nhận thức.
Điều tôi quan tâm ở Marlin không phải là kiến thức của anh về những văn bản cổ đại, mà là cách nỗ lực để thấu đạt được nguồn kiến thức này. Khi được phỏng vấn, anh đã nhấn mạnh cường độ tinh thần của nghi thức buổi sáng. Anh giải thích: “Đó là quá trình rèn luyện khắc nghiệt và nghiêm túc, chủ yếu là ‘làm việc sâu’ [thứ bạn ghi lại]. Điều hành một doanh nghiệp đang trên đà phát triển cũng không tốn công tốn sức bằng việc này.” Không chỉ thấy căng thẳng, Marlin còn thấy khó hòa nhập với thói quen này. Một giáo sĩ từng giải thích với anh: “Con không thể tự cho rằng mình đã hoàn thành công việc hằng ngày trừ khi con cố hết sức để đạt được năng lực trí tuệ cao nhất.”
Không giống nhiều người Do Thái chính thống khác, Marlin đến với đức tin khá muộn, mãi đến khi 20 tuổi anh mới bắt đầu quá trình nghiêm túc nghiên cứu sách Talmud. Câu chuyện nhỏ này là minh chứng hữu ích cho thấy mục đích của chúng ta, bởi nó cho phép Marlin có một sự so sánh trước-sau rõ ràng liên quan đến tác động của quá trình rèn luyện tinh thần – kết quả thu được khiến anh phải ngạc nhiên. Dù Marlin nhận được sự giáo dục rất tốt trước khi bắt đầu rèn luyện – anh có trong tay ba tấm bằng Ivy League37 khác nhau – anh vẫn thấy ngạc nhiên khi gặp các đồng tu chỉ học ở các trường dòng nhỏ nhưng vẫn có thể “đàm đạo cùng giới trí thức” xung quanh mình. “Nhiều người trong số họ rất thành công [trong sự nghiệp],” anh giải thích, “không có ngôi trường tuyệt vời nào giúp họ nâng tầm trí tuệ; mà rõ ràng đó là nhờ họ đã nghiên cứu mỗi ngày từ khi mới chỉ học lớp năm.”
Sau một thời gian, Marlin bắt đầu nhận thấy những thay đổi tích cực trong khả năng tư duy sâu của mình. Anh nói: “Gần đây, tôi đã có nhiều cảm hứng sáng tạo hơn trong kinh doanh. Tôi tin rằng việc này liên quan đến thói quen rèn luyện trí tuệ hằng ngày. Sự tập trung liên tục này đã hình thành nên cơ bắp trí tuệ của tôi trong suốt nhiều năm. Đây không phải là mục tiêu khi tôi bắt đầu mà là thành quả.”
Trải nghiệm của Adam Marlin đã nhấn mạnh một thực tế quan trọng về làm việc sâu: Khả năng tập trung mạnh mẽ là một loại kỹ năng cần được rèn luyện. Ý tưởng này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng nó lại đại diện cho hiểu biết ban đầu của hầu hết mọi người về những vấn đề như vậy. Theo kinh nghiệm của tôi, để biến sự tập trung không bị phân tán thành một thói quen thì rất dễ, điều mà bạn hoàn toàn biết cách làm và hiểu rằng nó rất tốt cho mình, nhưng lại thường quên mất do thiếu động lực thực hiện. Quá trình thiết lập tư duy này rất hấp dẫn, bởi nó ngụ ý rằng bạn có thể biến công việc thường bị phân tâm thành công việc tập trung cả đêm nếu có đủ động cơ. Tuy nhiên, nhận thức này lại không đề cập tới khó khăn trong việc tập trung và thời gian rèn luyện cần thiết để tăng cường “cơ bắp trí tuệ” của bạn. Nói cách khác, những hiểu biết sáng tạo mà Adam Marlin đang trải nghiệm trong công việc không liên quan nhiều đến quyết định tư duy sâu hơn trước đó, mà liên quan đến cam kết rèn luyện khả năng này vào mỗi sáng.
Tuy nhiên, ý tưởng này còn mang một kết quả tất yếu quan trọng: Nỗ lực tập trung sâu hơn sẽ gặp trở ngại nếu bạn không đồng thời ngăn tâm trí khỏi bị phụ thuộc vào sự phân tâm. Tương tự như cách các vận động viên phải rèn luyện thân thể ngoài các buổi đào tạo, bạn sẽ phải đấu tranh để đạt được mức độ tập trung sâu nhất nếu muốn giữ mình tránh xa khỏi sự nhàm chán.
Chúng ta có thể thấy bằng chứng cho tuyên bố này trong nghiên cứu của Clifford Nass, cựu Giáo sư chuyên ngành Truyền thông của Đại học Stanford, người nổi tiếng với nghiên cứu về hành vi trong thời đại kỹ thuật số. Bên cạnh những lập luận khác, nghiên cứu của Nass còn chỉ ra rằng việc liên tục tập trung vào các vấn đề trên mạng sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến não bộ của bạn. Dưới đây là tóm tắt các phát hiện của Nass trong một cuộc phỏng vấn với Ira Flatow của Đài Phát thanh Phi lợi nhuận Quốc gia vào năm 2010:
Vì vậy, chúng ta có thang đo để chia mọi người thành hai kiểu người có sự khác biệt đáng kể: Những người lúc nào cũng trong trạng thái đa nhiệm và những người hiếm khi làm gì. Những người lúc nào cũng trong trạng thái đa nhiệm không thể nhận ra đâu là những việc không liên quan đến họ. Họ không thể quản lý trí nhớ trong công việc. Họ bị lơ đãng kinh niên. Họ dùng phần não lớn hơn cho những việc không liên quan đến nhiệm vụ đang thực hiện... và điều này có ảnh hưởng rất xấu về mặt tinh thần.
Lúc đó, Flatow hỏi Nass rằng liệu những người bị sao lãng kinh niên có nhận ra sự lặp lại này trong não bộ của họ không.
Những người trao đổi cùng chúng tôi nói rằng: “Nhìn xem, khi thực sự phải tập trung, tôi sẽ bỏ qua tất cả mọi thứ và tập trung cao độ.” Và thật không may, họ đã phát triển những thói quen tư duy khiến họ không thể làm như họ đã nói. Họ không thích hợp. Họ không thể tiếp tục công việc.
Nass phát hiện ra khi não bộ của bạn đã quen với sự sao lãng theo nhu cầu, bạn sẽ rất khó rũ bỏ nó dù muốn tập trung. Cụ thể là: Nếu mọi khoảnh khắc dễ gây nhàm chán trong cuộc sống – ví dụ như việc phải đợi xếp hàng năm phút hoặc ngồi một mình trong nhà hàng chờ bạn bè đến – sẽ nhanh chóng vơi bớt khi bạn nghịch chiếc điện thoại thông minh, não bộ của bạn có thể quay lại điểm “ảnh hưởng xấu về mặt tinh thần” như trong nghiên cứu của Nass, khi nó chưa sẵn sàng cho làm việc sâu – dù bạn có thường xuyên sắp xếp thời gian để rèn luyện sự tập trung này đi nữa.
Quy tắc số 1 đã chỉ cho bạn thấy cách kết hợp làm việc sâu với lịch trình và hỗ trợ nó bằng các thói quen cùng nghi thức được thiết lập ra để giúp bạn liên tục đạt tới giới hạn khả năng chuyên tâm hiện tại. Quy tắc số 2 sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể giới hạn này. Các chiến lược tiếp theo được thúc đẩy từ ý tưởng quan trọng: Để thực hiện tốt nhất thói quen làm việc sâu, bạn cần phải rèn luyện và như đã chỉ ra trong phần trước, quá trình rèn luyện này phải giải quyết được hai mục tiêu: cải thiện khả năng tập trung cao độ và vượt qua mong muốn mất tập trung. Các chiến lược này có nhiều cách tiếp cận, từ việc cách ly sự phân tâm đến thuần thục một hình thức suy ngẫm đặc biệt nào đó, những thứ sẽ góp phần tạo nên quá trình thực tế, bắt đầu từ việc tư duy bị sự phân tâm liên tục tác động xấu và không quen được với sự tập trung, đến một công cụ thực sự giúp bạn tập trung cao độ.
Đừng nghỉ ngơi sau khi bị phân tâm, mà hãy nghĩ ngơi sau khi tập trung
Nhiều người cho rằng họ có thể chuyển đổi giữa hai trạng thái phân tâm và tập trung khi cần thiết, nhưng như tôi đã lập luận, giả định này hơi lạc quan thái quá: Một khi bạn đã quen với sự phân tâm, bạn sẽ khao khát có được nó. Rút kinh nghiệm từ thực tế này, tôi sẽ đưa ra chiến lược nhằm giúp bạn tái thiết lập hệ tư duy tốt hơn để não bộ sẵn sàng tập trung vào công việc.
Trước khi đi sâu vào chi tiết, hãy bắt đầu bằng cách xem xét một đề xuất phổ biến đối với thói quen phân tâm không giải quyết được vấn đề của chúng ta: ngày Sa-bát Internet (đôi khi còn được gọi là ngày detox kỹ thuật số). Về cơ bản, nghi lễ này yêu cầu bạn phải dành thời gian thường xuyên – thường là mỗi tuần một ngày – kiềm chế bản thân không dùng mạng Internet. Tương tự như ngày Sa-bát38 trong Kinh thánh Hebrew, gồm một khoảng thời gian yên tĩnh và chăm chú để thờ phụng Đức Chúa Trời và các phước lành của Ngài, ngày Sa-bát Internet có ý nghĩa nhắc nhở bạn về những gì bạn đã bỏ lỡ khi dán mắt vào màn hình.
Không rõ ai là người đầu tiên nghĩ ra khái niệm Sa-bát Internet, nhưng người ta thường nhắc đến nhà báo William Powers, người đã phổ biến ý tưởng này thông qua cuốn sách Hamlet’s BlackBerry ra mắt năm 2010. Sau đó, trong một bài phỏng vấn, Powers đã đúc kết lại rằng: “Hãy làm những gì Thoreau39 đã làm, tạm ngừng kết nối trong giây lát với thế giới đang kết nối – đừng bỏ đi.”
Rất nhiều lời khuyên dành cho vấn đề sao lãng đều đi theo mô-tuýp chung là cố gắng thường xuyên tránh xa những buổi tán gẫu trên mạng. Một số người thường dành một hoặc hai tháng mỗi năm để làm điều đó, những người khác lại làm theo lời khuyên mỗi tuần một ngày của Powers, trong khi có người lại dành một hoặc hai giờ mỗi ngày. Tất cả các hình thức của lời khuyên này đều có ích, nhưng một khi chúng ta đã thấy vấn đề phân tâm dưới dạng kết nối thông tin với não bộ, thì rõ ràng Sa-bát Internet có thể không phải là phương thuốc chữa trị cho một bộ não bị phân tâm. Nếu chỉ ăn uống lành mạnh mỗi tuần một ngày, bạn sẽ không giảm được cân nặng, vì đa số thời gian bạn đều ăn rất nhiều. Tương tự như vậy, nếu chỉ dành một ngày trong tuần tránh xa sự phân tâm, bạn vẫn không thể khiến não bộ giảm ham muốn đối với những kích thích này, vì phần lớn thời gian của bạn đều dành cho chúng.
Tôi xin đề xuất một giải pháp thay thế cho Sa-bát Internet. Thay vì lập kế hoạch thỉnh thoảng nghỉ ngơi nhằm thoát khỏi sự phân tâm để bạn có thể tập trung, bạn nên lập kế hoạch nghỉ ngơi sau khi tập trung để có thể chấp nhận sự phân tâm. Cụ thể hơn, hãy đơn giản hóa giả định rằng sử dụng Internet đồng nghĩa với việc tìm kiếm những kích thích gây sao lãng (tất nhiên, bạn có thể sử dụng Internet theo cách tập trung và chuyên sâu, nhưng đối với người thường hay mất tập trung, đây quả là một nhiệm vụ khó khăn.) Tương tự như vậy, làm việc khi không có Internet đồng nghĩa với việc sẽ tập trung hơn (tất nhiên, bạn vẫn có thể bị phân tâm dù không vào mạng).
Với sự phân loại rõ ràng như vậy, bạn sẽ có chiến lược hiệu quả: Lên lịch trước khi sử dụng Internet và có thể tránh không sử dụng Internet nhiều hơn số lần quy định. Tôi khuyên bạn nên giữ một cuốn sổ tay gần máy tính khi làm việc. Trong cuốn sổ này, hãy ghi lại lần tiếp theo bạn được phép sử dụng Internet. Cho đến lúc đó, bạn hoàn toàn không được cho phép bản thân lên mạng – dù điều đó có hấp dẫn tới đâu đi nữa.
Ý tưởng thúc đẩy chiến lược này là sử dụng hoạt động gây phân tâm mà bản thân nó lại không làm giảm khả năng tập trung của não bộ. Việc chuyển đổi liên tục giữa các hoạt động có tính kích thích thấp/giá trị cao và các hoạt động có tính kích thích cao/giá trị thấp, với mức độ nhàm chán hay thử thách về nhận thức thấp nhất, sẽ rèn luyện tâm trí của bạn để nó không bao giờ thiếu được đặc tính mới mẻ này. Sự chuyển đổi liên tục này có thể được hiểu tương tự như việc làm suy yếu các cơ thần kinh chịu trách nhiệm tổ chức các nguồn lực dành cho sự chú ý của bạn. Khi tách biệt việc sử dụng Internet (do đó cũng tách biệt cả sự phân tâm), bạn sẽ giảm thiểu số lần chấp nhận sự phân tâm, từ đó rèn luyện được tâm trí mình.
Ví dụ, nếu bạn đã lên lịch cho việc sử dụng Internet lần tiếp theo là 30 phút nữa tính từ thời điểm hiện tại, nhưng lại bắt đầu cảm thấy buồn chán và mất tập trung, 30 phút kháng cự tiếp theo sẽ trở thành phương pháp rèn luyện một phiên tập trung. Do đó, một ngày hoàn toàn mất tập trung theo lịch trình sẽ trở thành một ngày rèn luyện tinh thần.
Dù ý tưởng cơ bản đằng sau chiến lược này rất đơn giản, nhưng để thực hiện nó đòi hỏi sự tinh tế khéo léo. Để thành công, đây là ba điểm quan trọng bạn cần xem xét:
Điểm số 1: Chiến lược này sẽ hiệu quả dù công việc của bạn yêu cầu phải sử dụng Internet rất nhiều và/hoặc phải trả lời e-mail nhanh chóng.
Nếu bạn phải dành hàng giờ mỗi ngày để lên mạng hay nhanh chóng trả lời e-mail, cũng được thôi: Điều này chỉ đơn giản nghĩa là khối trực tuyến của bạn sẽ nhiều hơn so với những người có công việc ít cần kết nối mạng. Tổng số hoặc thời lượng sử dụng Internet của bạn không quan trọng bằng việc đảm bảo sự toàn vẹn của khối ngoại tuyến.
Ví dụ, hãy tưởng tượng trong khoảng hai tiếng giữa các phiên họp, bạn phải lên lịch kiểm tra e-mail 15 phút một lần. Hãy tưởng tượng thêm rằng việc kiểm tra đó lại mất trung bình 5 phút. Do đó, bạn có thể sắp xếp một khối trực tuyến kéo dài 15 phút trong suốt hai tiếng, với phần còn lại của thời gian là dành cho khối ngoại tuyến. Trong ví dụ này, bạn sẽ sử dụng khoảng 90 phút trong quỹ thời gian hai tiếng trong trạng thái ngắt kết nối và chủ động chống lại sự phân tâm. Điều này sẽ giúp bạn rèn luyện sự tập trung mà không phải hy sinh quá nhiều kết nối.
Điểm số 2: Dù có lên lịch cho khối trực tuyến như thế nào, bạn cũng phải duy trì thời gian dành cho khối không sử dụng Internet.
Về nguyên tắc, mục tiêu này dễ thực hiện hơn nhưng nó lại sớm trở nên phức tạp trong thực tế lộn xộn của một ngày làm việc tiêu chuẩn. Vấn đề không thể tránh khỏi khi thực hiện chiến lược này là khi bạn đang ở khối ngoại tuyến thì lại có một số thông tin buộc bạn phải kết nối Internet để tiếp tục tiến hành công việc hiện tại. Nếu khối trực tuyến tiếp theo không thể bắt đầu trong giây lát, bạn có thể bị mắc kẹt. Trong tình huống này, cám dỗ sẽ khiến bạn nhanh chóng nhượng bộ, vì thế, hãy tra cứu thông tin rồi quay lại với khối ngoại tuyến. Bạn phải chống lại sự cám dỗ này!Internet rất hấp dẫn: Bạn có thể nghĩ mình chỉ đang kiểm tra một e-mail quan trọng trong hộp thư đến mà thôi, nhưng bạn sẽ thấy khó mà ép mình không nhìn lướt qua tin nhắn “khẩn cấp” mới đến. Không thể có quá nhiều ngoại lệ trước khi tâm trí bạn bắt đầu xem rào cản giữa khối trực tuyến và khối ngoại tuyến như một hiện hữu vô hình – và đánh mất tác dụng của chiến lược này.
Do đó, điều quan trọng trong tình huống này là bạn không được lập tức rời bỏ khối ngắt kết nối ngay cả khi bị mắc kẹt. Nếu có thể, hãy chuyển sang một hoạt động ngắt kết nối khác của khối hiện tại (hoặc thậm chí bạn có thể dùng thời gian này để thư giãn). Còn nếu không thể làm vậy – có lẽ bạn cần nhanh chóng hoàn thành hoạt động ngắt kết nối hiện tại – sau đó hãy thay đổi lịch trình sao cho khối trực tuyến tiếp theo sẽ bắt đầu sớm hơn. Tuy nhiên, mấu chốt của việc tiến hành thay đổi này là không được lên lịch ngay cho khối Internet tiếp theo. Thay vào đó, hãy đợi ít nhất là 5 phút tính từ thời điểm hiện tại tới lần có thể lên mạng kế tiếp. Khoảng thời gian chờ đợi này không đáng kể, do đó, nó sẽ không cản trở quá mức tới tiến trình của bạn nhưng xét theo quan điểm hành vi, việc tách bạch giữa cảm giác muốn lên mạng và sự thỏa mãn thực sự khi làm như vậy là vô cùng quan trọng.
Điểm số 3: Lên lịch sử dụng Internet ở nhà cũng như ở nơi làm việc có thể giúp tăng cường việc rèn luyện sự tập trung của bạn.
Nếu cứ dán mắt vào điện thoại hoặc máy tính xách tay vào buổi tối và cuối tuần, có thể hành vi ngoài luồng công việc đó đang phá hủy bao công sức nỗ lực trong cả ngày làm việc nhằm tái kết nối với não bộ của bạn (điều này tạo ra sự khác biệt nhỏ giữa hai thiết lập). Trong trường hợp này, tôi đề nghị bạn hãy duy trì chiến lược lên lịch sử dụng Internet ngay sau khi ngày làm việc đã kết thúc.
Để đơn giản hóa vấn đề, khi lên lịch sử dụng Internet sau giờ làm, bạn có thể cho phép các giao tiếp có giới hạn thời gian trong khối ngoại tuyến (ví dụ, nhắn tin với bạn bè để thống nhất về địa điểm hẹn nhau ăn tối), cũng như truy xuất thông tin giới hạn thời gian (ví dụ, tìm kiếm vị trí nhà hàng trên điện thoại). Tuy nhiên, ngoài những ngoại lệ thực dụng này, khi ở trong khối ngoại tuyến, hãy gạt điện thoại sang một bên, bỏ qua những con chữ và tránh sử dụng Internet. Như cách bạn đã áp dụng chiến lược này tại nơi làm việc, nếu Internet đóng vai trò lớn và quan trọng trong hoạt động giải trí buổi tối của bạn, điều đó cũng tốt: Hãy lên lịch cho nhiều khối trực tuyến trong một thời gian dài. Vấn đề ở đây không phải là để tránh hoặc thậm chí là giảm tổng thời gian bạn bỏ ra có liên quan đến hành vi gây sao lãng, mà thay vào đó, bạn sẽ tự mang lại cho bản thân rất nhiều cơ hội chống lại việc chuyển đổi giữa những sao lãng này với mức độ nhàm chán thấp nhất trong suốt buổi tối.
Có một điểm khiến chiến lược này trở nên đặc biệt khó khăn trong thời gian không làm việc ở công ty là khi bạn buộc phải chờ đợi (ví dụ như đứng xếp hàng tại một cửa hàng). Trong những tình huống này, nếu đang trong khối ngoại tuyến, bạn chỉ cần chấp nhận sự nhàm chán tạm thời và chiến đấu với nó bằng vài dòng suy nghĩ về công việc. Chờ đợi và buồn chán cũng là một trải nghiệm mới lạ trong cuộc sống hiện đại, nhưng từ quan điểm của việc rèn luyện tập trung thì nó cực kỳ có giá trị.
Tóm lại, để thành công trong làm việc sâu, bạn phải tác động lên não bộ để bản thân được thoải mái chống lại sự kích thích mất tập trung. Điều này không có nghĩa rằng bạn phải loại bỏ những hành vi gây mất tập trung; mà thay vào đó, bạn không được để những hành vi này có khả năng cướp đi sự chú ý. Chiến lược đơn giản được đề xuất ở đây là lên lịch cho các khối trực tuyến để chúng góp phần hỗ trợ bạn giành lại quyền tự chủ chú ý này.
Làm việc như Teddy Roosevelt
Nếu là sinh viên Đại học Harvard giai đoạn 1876-1877, bạn hẳn sẽ biết chàng sinh viên năm nhất với mái tóc rễ tre, tóc mai kiểu sườn cừu, sôi nổi, tự tin tên là Theodore Roosevelt. Nếu kết bạn với anh chàng này, bạn sẽ sớm nhận ra một nghịch lý.
Một mặt, có vẻ như thứ gì cũng có thể khiến anh hứng thú. Sự chú ý của anh được phân tán rộng khắp tới “một loạt các sở thích tuyệt vời” như lời một người bạn cùng lớp – danh sách mà nhà viết tiểu sử Edmund Morris đã đưa ra gồm quyền anh, đấu vật, tập thể hình, khiêu vũ, thơ ca và nỗi ám ảnh suốt đời với chủ nghĩa tự nhiên (chủ nhà của Roosevelt trên phố Winthrop không hài lòng với việc cậu sinh viên thuê nhà thường xuyên mổ xẻ và lấy mẫu vật trong căn phòng đi thuê của mình). Roosevelt đam mê chủ nghĩa tự nhiên đến nỗi anh đã cho ra đời cuốn sách đầu tay mang tên The Summer Birds of the Adirondacks (tạm dịch: Những chú chim mùa hè của vùng Adirondacks) ngay vào mùa hè năm thứ nhất đại học. Nó được đánh giá khá cao trên Bulletin of the Nuttall Ornithological Club (Tập san của Câu lạc bộ Điểu cầm học vùng Nuttall) – một ấn bản, khỏi phải nói, luôn nghiêm túc đón nhận những cuốn sách viết về các loài chim – và cuốn sách cũng đủ hấp dẫn để khiến Morris đánh giá Roosevelt, ở độ tuổi này, là “một trong những nhà tự nhiên trẻ tuổi hiểu biết nhất nước Mỹ”.
Để có dư giả thời gian dành cho đam mê ngoại khóa này, Roosevelt đã hạn chế tối đa thời gian dành cho những gì mà anh nên chú trọng nhất: công việc học hành ở Harvard. Dựa vào cuốn nhật ký và thư từ của Roosevelt từ thời kỳ này, Morris ước tính được rằng vị tổng thống tương lai lúc này dành chưa đến 6 tiếng mỗi ngày cho việc học. Người ta có thể kỳ vọng điểm số của Roosevelt sẽ đột phá. Anh không phải là sinh viên giỏi nhất lớp, nhưng chắc chắn cũng không đến nỗi lẹt đẹt: Vào năm thứ nhất, anh đạt điểm xuất sắc ở 5/7 môn học. Lời giải thích cho nghịch lý này ở Roosevelt hóa ra là cách xử lý bài vở đầy độc đáo. Roosevelt sẽ bắt đầu lịch trình bằng cách khoanh vùng 8 tiếng từ 8 giờ 30 phút sáng đến 4 giờ 30 phút chiều. Sau đó, anh sẽ trừ thời gian để ôn bài và các tiết học, thời gian rèn luyện thể thao (hằng ngày) và ăn trưa. Thời gian còn lại sau đó được dành riêng cho việc học. Như đã đề cập, khoảng thời gian này thường không chiếm quá nhiều giờ, nhưng anh đã tận dụng chúng nhiều nhất có thể bằng cách chỉ làm bài tập trên lớp trong thời gian này với cường độ cao. “Anh ấy dành khá ít thời gian ngồi ở bàn học,” Morris giải thích, “nhưng luôn tập trung rất cao độ và đọc rất nhanh nên thường có nhiều thời gian nghỉ ngơi [khi làm bài tập ở trường] hơn hầu hết các bạn cùng khóa khác.”
Chiến lược này yêu cầu bạn áp dụng cường độ học tập theo kiểu của Roosevelt vào ngày làm việc của mình. Cụ thể, hãy xác định một nhiệm vụ quan trọng (tức là một công việc đòi hỏi phải làm việc sâu mới hoàn thành được) có mức ưu tiên cao trong danh sách của bạn. Sau đó, ước tính xem bạn thường cần dành bao nhiêu thời gian cho loại công việc này, rồi tự đặt ra cho mình một thời hạn đầy thử thách nhằm rút ngắn tối đa khoảng thời gian cần thiết đó. Nếu có thể, hãy công khai cam kết đáp ứng hạn chót đó – chẳng hạn, nói cho người phụ trách tiến độ dự án biết thời điểm dự tính của bạn. Nếu không (hoặc nếu thời hạn này gây rủi ro cho công việc của bạn), hãy khích lệ bản thân bằng cách đặt đồng hồ đếm ngược trên điện thoại và đặt nó trong tầm mắt khi bạn làm việc.
Lúc này, bạn chỉ còn một cách duy nhất để hoàn thành nhiệm vụ chuyên sâu kịp thời hạn, đó là làm việc với cường độ tập trung cao – không kiểm tra e-mail, không suy nghĩ vẩn vơ, không lướt Facebook, không đi pha cà phê vài lần. Giống như Roosevelt tại Harvard, hãy tập trung xử lý nhiệm vụ đó bằng mọi nơ-ron tự do của bạn cho đến khi nó hoàn toàn bị khuất phục bởi sự tập trung cao độ.
Đầu tiên, hãy tiến hành thử nghiệm này không quá một lần một tuần – để não bộ của bạn làm quen với cường độ và có thời gian nghỉ ngơi. Khi đã cảm thấy tự tin vào khả tập trung có thể đáp ứng đúng thời hạn, hãy tăng tần suất làm việc lên như Roosevelt. Tuy nhiên, đừng quên đặt ra hạn chót khả thi sao cho bạn có thể liên tục chinh phục các thời hạn (hoặc ít nhất là gần tới), nhưng để làm vậy, bạn cần phải tập trung sát sao đến từng chi tiết.
Động lực chính cho chiến lược này rất đơn giản. Làm việc sâu đòi hỏi mức độ tập trung vượt xa ngưỡng mà hầu hết người lao động trí óc cảm thấy thoải mái. Phương pháp của Roosevelt sử dụng thời hạn giả để giúp bạn tăng mức độ mà bạn thường xuyên đạt được một cách có hệ thống – trong một số trường hợp, đó là cung cấp hoạt động rèn luyện đi kèm với nghỉ ngơi cho các trung tâm chú ý của não bộ. Một lợi ích nữa là phương pháp này không tương thích với sự phân tâm (làm gì có chuyện bạn vừa xao lãng lại vừa đáp ứng kịp thời hạn). Do đó, mọi phương pháp đều khiến bạn có thể thấy buồn chán và thực sự muốn tìm kiếm thêm tác nhân kích thích vào một lúc nào đó – nhưng hãy kiềm chế. Như đã lập luận trong chiến lược trước, bạn càng cố chống lại những tác nhân thôi thúc này, sự kháng cự càng dễ chế ngự.
Sau vài tháng triển khai chiến lược này, hiểu biết của bạn về ý nghĩa của sự tập trung sẽ thay đổi khi bạn đạt đến cường độ mạnh mẽ nhất từ trước đến giờ. Và nếu có điểm gì giống Roosevelt thời trẻ, bạn có thể sử dụng thời gian rảnh dỗi để tận hưởng những thú vui lành mạnh hơn trong cuộc sống, chẳng hạn như cố gắng gây ấn tượng với các thành viên sáng suốt của Câu lạc bộ Điểu cầm học vùng Nuttall.
Suy ngẫm hiệu quả
Suốt hai năm tôi đảm trách vị trí trợ lý cho tiến sĩ cao cấp tại MIT, vợ chồng tôi sống trong một căn hộ nhỏ xinh trên phố Pinckney, ở đồi Beacon lịch sử. Dù tôi sống ở Boston và làm việc ở Cambridge, hai địa điểm khá gần nhau – chỉ cách nhau 1,5km, ở ven hai bờ sông Charles. Với ý định duy trì vóc dáng, ngay cả trong suốt mùa đông dài ảm đạm ở New England, tôi vẫn đi bộ đi làm và về nhà.
Mỗi sáng, tôi đi bộ đến khuôn viên trường, băng qua cầu Longfellow trong mọi điều kiện thời tiết (thành phố thường chậm chạp trong khâu dọn tuyết trên lối đi bộ sau những trận bão tuyết, việc này sau đó khiến tôi mất hết tinh thần). Vào giờ ăn trưa, tôi đổi pha và chạy về nhà theo hướng khác, dài hơn, men theo bờ sông Charles và băng qua cầu ở đại lộ Massachusetts. Sau khi ăn trưa và tắm qua tại nhà, tôi thường đi tàu điện ngầm băng qua sông trên đường trở lại khuôn viên (việc này có thể giúp tôi tiết kiệm được 500m), rồi đi bộ về nhà vào cuối ngày. Nói cách khác, tôi đã dành rất nhiều thời gian đi bộ trong thời gian này. Chính thực tế này đã giúp tôi hình thành thói quen mà giờ đây tôi muốn bạn áp dụng nghiêm ngặt vào quá trình rèn luyện khả năng làm việc sâu của mình: suy ngẫm hiệu quả.
Mục tiêu của suy ngẫm hiệu quả là dành một khoảng thời gian tập trung vào thể chất thay vì tinh thần – đi bộ, chạy bộ, lái xe, tắm dưới vòi hoa sen – và tập trung vào một vấn đề chuyên môn rõ ràng. Tùy vào ngành nghề của bạn, vấn đề này có thể là phác thảo một bài báo, một bài diễn thuyết, phát triển một vấn đề, hoặc cố gắng định hình một chiến lược kinh doanh. Như trong thiền chánh niệm, bạn phải tiếp tục kéo sự chú ý trở lại vấn đề trước mắt khi sự sao lãng xuất hiện.
Tôi từng thực hành suy ngẫm hiệu quả trong những chuyến đi bộ qua cầu hằng ngày khi sống ở Boston và kết quả của phương pháp này tỷ lệ thuận với sự tiến bộ của bản thân. Ví dụ, tôi đã hoàn thành các bản phác thảo từng chương cho phần lớn cuốn sách mới và cải thiện nhiều vấn đề kỹ thuật quan trọng trong nghiên cứu học thuật của mình khi đi bộ.
Theo tôi, bạn nên áp dụng phương pháp suy ngẫm hiệu quả này vào cuộc sống. Bạn không nhất thiết phải dành riêng thời gian cho nó mỗi ngày, nhưng hãy dành ít nhất 2-3 khoảng thời gian cố định cho nó mỗi tuần. Thật may, sắp xếp thời gian cho chiến lược này không khó, vì nó tận dụng những khoảng thời gian có thể bị lãng phí (chẳng hạn như dắt chó đi dạo hoặc ngồi trên phương tiện công cộng khi đi làm), và nếu được sử dụng đúng cách, khoảng thời gian này thực sự có thể tăng năng suất làm việc của bạn thay vì cắt xén thời gian dành cho công việc. Trên thực tế, bạn thậm chí có thể cân nhắc sắp xếp thời gian ra ngoài đổi gió nếu gặp phải một vấn đề khó khăn ngay trong thời gian làm việc của mình để áp dụng phương pháp suy ngẫm hiệu quả.
Tuy nhiên, tôi không đề nghị bạn áp dụng phương pháp này bởi các lợi ích về mặt hiệu suất của nó (dù nó tốt thật). Thay vào đó, tôi quan tâm đến khả năng của phương pháp trong việc cải thiện năng lực tư duy chuyên sâu. Theo kinh nghiệm của tôi, suy ngẫm hiệu quả được dựa trên hai ý tưởng quan trọng đã giới thiệu ở phần đầu. Bằng cách buộc bạn phải chống lại sự phân tâm và liên tục kéo sự chú ý trở lại với vấn đề trước mắt, suy ngẫm hiệu quả giúp tăng cường khả năng chống lại sự phân tâm và mài giũa sự tập trung hơn nữa.
Để suy ngẫm hiệu quả phát huy tác dụng, bạn cần hiểu rằng giống như bất kỳ hình thức thiền định nào khác, muốn giỏi thì phải luyện tập. Lần đầu thử áp dụng chiến lược này, vài tuần đầu nghiên cứu sau khi có bằng tiến sĩ cao cấp, tôi thấy “bệnh” phân tâm của mình đúng là vô phương cứu chữa – kết thúc chuỗi ngày dài “suy nghĩ” mà thành quả chẳng thấy đâu. Tôi đã phải thực hành cả chục lần trước khi bắt đầu thu được những kết quả thực sự. Đừng nản chí, rồi bạn cũng đạt được kết quả tương tự thôi. Tôi sẽ giới thiệu đến bạn hai gợi ý cụ thể sau.
Gợi ý số 1: Hãy cảnh giác với những sao lãng và suy nghĩ luẩn quẩn
Do chưa có kinh nghiệm, nên khi bạn bắt đầu triển khai chiến lược suy ngẫm hiệu quả, hành động nổi loạn đầu tiên trong tâm trí bạn là nảy ra những suy nghĩ không liên quan nhưng có vẻ thú vị hơn. Ví dụ, tâm trí tôi thường đánh lạc hướng sự chú ý bằng cách bắt đầu soạn e-mail mà tôi biết mình cần phải viết. Nói một cách khách quan, luồng tư tưởng này nghe có vẻ nhạt nhẽo, nhưng vào lúc đó, nó có thể có ảnh hưởng lớn một cách rõ ràng. Khi nhận thấy sự chú ý có dấu hiệu lạc khỏi vấn đề trước mắt, hãy nhẹ nhàng kéo nó quay trở lại và nhắc nhở bản thân rằng bạn có thể suy nghĩ về việc này sau.
Theo nhiều cách, sự sao lãng kiểu này chính là kẻ thù hiển nhiên cần đánh bại trong quá trình phát triển thói quen suy ngẫm hiệu quả. Một kẻ thù không kém phần nguy hiểm nữa là sự luẩn quẩn. Khi đối mặt với một vấn đề khó khăn, tâm trí bạn ắt sẽ cố gắng tránh tiêu hao năng lượng quá mức khi có thể. Ví dụ, nó sẽ tìm cách tránh đi sâu vào vấn đề quan trọng bằng cách xoáy sâu nhiều lần vào những thông tin đã biết. Ví dụ, khi giải quyết một vấn đề, tâm trí tôi sẽ có xu hướng góp nhặt những kết quả sơ bộ đơn giản rồi làm mới chúng nhiều lần để tránh mất sức tạo dựng những kết quả hướng tới giải pháp cần thiết. Bạn phải cảnh giác với kiểu suy nghĩ luẩn quẩn này, vì nó có thể nhanh chóng phá hủy toàn bộ một buổi suy ngẫm hiệu quả. Khi nhận thấy mình có dấu hiệu suy nghĩ vòng vo, hãy chuyển hướng sự chú ý sang bước tiếp theo.
Gợi ý số 2: Cấu trúc tư duy sâu
“Tư duy sâu” về một vấn đề có vẻ là một hoạt động hiển nhiên, nhưng thực ra không phải vậy. Khi đối mặt với một tâm trí không sao lãng, một vấn đề khó khăn và có thời gian để suy nghĩ, các bước tiếp theo có thể trở nên rối rắm đến không ngờ. Theo tôi, việc xây dựng cấu trúc cho quá trình tư duy sâu này sẽ mang lại hiệu quả. Tôi khuyên bạn nên bắt đầu bằng việc xem xét toàn bộ các biến có liên quan để giải quyết vấn đề, sau đó ghi nhớ các giá trị này trong đầu. Ví dụ, nếu bạn đang phác thảo dàn ý cho một chương sách, các biến có liên quan có thể là những điểm chính bạn muốn triển khai trong chương. Nếu bạn đang giải một bài toán, các biến này có thể là các biến, các giả định hoặc các bổ đề thực sự. Khi đã làm rõ được các biến có liên quan, hãy xác định câu hỏi cụ thể cho bước tiếp theo mà bạn cần trả lời bằng cách sử dụng các biến. Trong ví dụ về chương sách, câu hỏi này có thể là: “Làm thế nào để tôi mở đầu chương này một cách hiệu quả?” và câu hỏi thể hiện bằng chứng có thể là: “Tôi có thể vấp phải sai lầm nào nếu không đoán được ý nghĩa của bằng chứng này?” Với các biến thể có liên quan trong đầu cùng việc xác định được các câu hỏi cho bước tiếp theo, giờ đây, bạn đã có một mục tiêu cụ thể cho tâm trí rồi.
Giả sử, bạn đã giải quyết xong câu hỏi cho bước tiếp theo, bước cuối cùng của phương pháp có cấu trúc để tư duy sâu là củng cố thành quả bằng cách xem kỹ lại câu trả lời đã xác định. Lúc này, bạn có thể chuyển sang cấp độ tư duy sâu hơn bằng cách bắt đầu lại quá trình. Quá trình này bao gồm việc xem xét và ghi nhớ các biến, xác định và giải quyết câu hỏi cho bước tiếp theo, sau đó củng cố thành quả giống như một thói quen tập luyện cường độ cao cho khả năng tập trung. Việc này sẽ giúp bạn khai thác tối đa hiệu quả các buổi suy ngẫm và đẩy nhanh tốc độ cải thiện khả năng tư duy sâu.
Ghi nhớ một bộ bài
Chỉ trong vòng năm phút, Daniel Kilov có thể ghi nhớ bất kỳ điều nào sau đây: một bộ bài bị xáo trộn, một chuỗi gồm 100 chữ số ngẫu nhiên, hoặc 115 hình trừu tượng (anh đã lập kỷ lục tại Australia với điều cuối cùng). Do đó, không hề ngạc nhiên khi gần đây, Kilov đã giành được huy chương bạc trong giải vô địch trí nhớ của Australia. Dựa theo thành tích của Kilov, có lẽ điều ngạc nhiên nằm ở chỗ anh phải rèn luyện mới có được trí lực đó.
Kilov chia sẻ với tôi rằng: “Tôi không phải là người sinh ra đã sở hữu trí nhớ xuất chúng.” Thật vậy, thời trung học, anh cho rằng mình là người hay quên và vô tổ chức. Anh cũng phải vật lộn với việc học hành và được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Nhờ cuộc gặp gỡ tình cờ với Tansel Ali, một trong những nhà vô địch cuộc thi trí nhớ thành công nhất tại Australia, Kilov bắt đầu nghiêm túc rèn luyện trí nhớ của mình. Thời điểm tốt nghiệp đại học cũng là lúc anh giành được huy chương cấp quốc gia đầu tiên.
Công cuộc chuyển đổi thành một vận động viên trí lực đẳng cấp thế giới của anh tuy diễn ra khá nhanh chóng, nhưng không phải là chưa từng có tiền lệ. Năm 2006, tác giả khoa học người Mỹ Joshua Foer đã chiến thắng cuộc thi Quán quân Trí nhớ của Mỹ chỉ sau một năm rèn luyện (với cường độ cao) – một cuộc hành trình được anh ghi chép lại trong cuốn sách bán chạy nhất năm 2011 có tiêu đề Moonwalking with Einstein (tạm dịch: Dạo bước trên mặt trăng cùng Einstein). Nhưng điểm đặc biệt ấn tượng với chúng ta trong câu chuyện về Kilov nằm ở thành tích học tập mà anh đạt được trong giai đoạn phát triển trí nhớ chuyên sâu này. Khi rèn luyện trí óc, từ một sinh viên mắc hội chứng tăng động giảm chú ý, chật vật với việc học, anh đã tốt nghiệp loại ưu ở một trường đại học có yêu cầu cao tại Australia. Kilov sớm được nhận vào chương trình tiến sĩ tại một trong những trường đại học hàng đầu của Australia, nơi anh hiện đang được một triết gia nổi tiếng hướng dẫn nghiên cứu.
Sự chuyển đổi thành công này xuất phát từ nghiên cứu của Henry Roediger, người điều hành Phòng thí nghiệm Trí nhớ tại Đại học Washington ở Saint Louis. Năm 2014, Roediger và các cộng sự của anh đã gửi một nhóm, được trang bị bộ công cụ các bài kiểm tra nhận thức, đến Giải đấu Trí nhớ Xuất chúng được tổ chức tại San Diego. Họ muốn tìm hiểu xem điều gì đã tạo nên sự khác biệt giữa những anh tài có trí nhớ ưu tú này với đa số mọi người. “Chúng tôi nhận thấy một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa các vận động viên trí lực và những người còn lại trong chúng ta là khả năng nhận thức, đó không phải là biện pháp ghi nhớ trực tiếp mà là sự chú ý,” Roediger đã giải thích trong bài viết trên tờ New York Times như vậy (xin nhấn mạnh, đó là bài báo của tôi). Khả năng đặt câu hỏi được gọi là “kiểm soát sự chú ý” và nó đo lường khả năng duy trì sự tập trung vào thông tin cần thiết của các đối tượng.
Nói cách khác, rèn luyện trí nhớ là khả năng cải thiện năng lực tập trung của bạn. Sau đó, bạn có thể áp dụng hiệu quả khả năng này vào mọi nhiệm vụ cần làm việc sâu. Do đó, chúng ta có thể phỏng đoán, Daniel Kilov không trở thành một sinh viên ưu tú nhờ trí nhớ đã giúp anh mang về giải thưởng; thay vào đó, hành trình cải thiện trí nhớ (một cách tình cờ) đã giúp anh tăng cường kỹ năng làm việc sâu, từ đó đạt được sự tiến bộ vượt bậc trong học tập.
Chiến lược được mô tả ở đây yêu cầu bạn hãy làm theo phần trọng điểm trong quá trình rèn luyện của Kilov, từ đó đạt được những tiến bộ tương tự về khả năng tập trung. Đặc biệt, chiến lược này cũng yêu cầu bạn phải học hỏi một kỹ năng tiêu chuẩn nhưng khá ấn tượng của hầu hết các vận động viên trí lực, đó là khả năng ghi nhớ một bộ bài bị xáo trộn.
Kỹ thuật ghi nhớ các lá bài mà tôi sẽ chỉ cho bạn xuất phát từ một người chỉ biết một chút về thử thách này: Ron White, người từng giành chiến thắng trong cuộc thi Quán quân Trí nhớ của Mỹ và nắm giữ kỷ lục thế giới về khả năng ghi nhớ thẻ bài.40 Điều đầu tiên White nhấn mạnh là các vận động viên trí nhớ chuyên nghiệp không bao giờ cố gắng nhớ vẹt, hay chỉ quan sát thông tin hết lần này đến lần khác, rồi lặp lại nó trong đầu. Dù đây là điều phổ biến với những sinh viên căng thẳng do quá tải, nhưng phương pháp ghi nhớ này đã gây ra hiểu lầm về cơ chế vận hành của não bộ. Chúng ta không được lập trình để tiếp thu nhanh chóng những thông tin trừu tượng. Tuy nhiên, chúng ta lại rất giỏi ghi nhớ bối cảnh. Hãy nhớ lại một sự kiện đáng nhớ gần đây trong cuộc sống của bạn: Ví dụ như một phiên khai mạc hội nghị hoặc gặp gỡ một người bạn đã lâu không gặp. Hãy cố gắng hình dung càng rõ bối cảnh càng tốt. Trong trường hợp này, hầu hết mọi người có thể gợi lại hồi ức vô cùng sống động về sự kiện – dù họ không đặc biệt chủ tâm ghi nhớ nó ngay lúc đó. Nếu bạn nhớ lại một cách có hệ thống các chi tiết độc nhất của hồi ức này, bạn sẽ nhận ra nó có vô vàn chi tiết. Nói cách khác, tâm trí của bạn có thể nhanh chóng lưu trữ nhiều thông tin chi tiết nếu được ghi nhớ đúng cách. Kỹ thuật ghi nhớ bộ bài của Ron White được xây dựng dựa trên tầm nhìn này.
Để chuẩn bị cho nhiệm vụ cần ghi nhớ khối lượng lớn, White khuyên bạn nên bắt đầu bằng cách củng cố trong tâm trí hình ảnh bạn dạo bước qua năm phòng trong nhà mình. Bạn đi vào cổng, bước vào hiên nhà, sau đó đến phòng tắm ở tầng 1, bước ra để vào phòng ngủ của khách, bước vào nhà bếp, sau đó đi xuống cầu thang vào tầng hầm. Trong mỗi phòng, hãy nhớ kỹ lại những gì bạn nhìn thấy.
Khi có thể dễ dàng nhớ lại cuộc dạo bước của bạn ở một địa điểm quen, hãy ghim trong đầu 10 chi tiết của mỗi phòng. White cho rằng bạn nên ghi nhớ những vật lớn (do đó dễ nhớ hơn), giống như bàn làm việc, thay vì một cây bút chì. Tiếp theo, thiết lập trật tự quan sát đồ vật trong phòng. Ví dụ, ở hiên nhà, bạn có thể nhìn thấy tấm thảm chùi chân ở lối vào, sau đó là những đôi giày trên sàn, cạnh thảm, tiếp sau đó là chiếc ghế sofa phía trên những đôi giày… Vậy là bạn đã ghi nhớ được 50 chi tiết, sau đó bổ sung hai chi tiết nữa ở sân sau nhà bạn chẳng hạn, để có đủ 52 chi tiết tương ứng với số lá bài của một bộ bài chuẩn.
Hãy thực hành bài tập hình dung đi bộ qua các phòng và quan sát các vật dụng trong mỗi phòng, theo thứ tự đã sắp xếp. Bạn sẽ nhận ra rằng loại ghi nhớ dựa trên hình ảnh trực quan về những địa điểm và sự vật quen thuộc sẽ dễ nhớ hơn nhiều so với việc nhớ vẹt thời đi học.
Bước thứ hai trong việc chuẩn bị ghi nhớ một bộ bài là kết hợp người hoặc vật đáng nhớ với mỗi lá bài. Để quá trình này trở nên dễ dàng hơn, hãy cố gắng duy trì mối liên kết logic nào đó giữa lá bài và hình ảnh trực quan tương ứng. White đã đưa ra ví dụ về sự kết hợp Donald Trump với quân át rô, vì quân rô có biểu tượng hình kim cương đại diện cho sự giàu có. Hãy thực hành những liên kết này cho đến khi bạn có thể rút một lá bài ngẫu nhiên từ bộ bài và ngay lập tức nhớ được hình ảnh liên quan. Việc sử dụng các hình ảnh trực quan dễ nhớ cùng những liên kết sẽ đơn giản hóa nhiệm vụ hình thành các kết nối này.
Hai bước vừa nêu là các bước nền – những việc bạn chỉ cần làm một lần, rồi có thể tận dụng nhiều lần khi ghi nhớ các bộ bài nhất định. Khi hoàn thành xong các bước này, bạn sẽ sẵn sàng cho sự kiện chính: ghi nhớ nhanh nhất có thể thứ tự của 52 lá bài trong một bộ bài bị xáo trộn. Phương pháp ở đây rất đơn giản. Hãy bắt đầu cuộc dạo chơi quanh nhà bằng tinh thần. Khi gặp từng vật dụng, hãy nhìn vào lá bài tiếp theo trong bộ bài bị xáo trộn và tưởng tượng đến người hoặc vật tương ứng đang làm gì đó gần vật này. Ví dụ, nếu vật dụng và vị trí đầu tiên là tấm thảm trước cửa ra vào và lá bài đầu tiên là át rô, bạn có thể hình dung Donald Trump đang đứng trên tấm thảm ở cửa ra vào nhà bạn và lau bùn cho đôi giày lười đắt tiền của mình.
Hãy thận trọng đi qua lần lượt các căn phòng, liên kết hình ảnh tư duy thích hợp với các đối tượng theo thứ tự thích hợp. Sau khi đi một lượt khắp phòng, bạn có thể muốn đi lại quanh đó vài lần để nhớ kỹ các hình ảnh. Khi hoàn tất việc này, bạn đã sẵn sàng đưa bộ bài cho một người bạn và khiến anh ta ngạc nhiên khi có thể đọc vanh vách bộ bài theo thứ tự mà không phải liếc nhìn. Dĩ nhiên, để làm được như vậy, bạn cần thực hiện chuyến đi trong tưởng tượng thêm một lần nữa, kết nối từng người hoặc vật đáng nhớ với lá bài tương ứng khi bạn chú ý đến nó.
Nếu thực hành kỹ thuật này, bạn sẽ khám phá ra rằng, giống như nhiều vận động viên trí lực đi trước, cuối cùng bạn cũng có thể chủ động tiếp thu cả bộ bài chỉ trong vài phút. Tất nhiên, quan trọng hơn so với khả năng gây ấn tượng với bạn bè, việc rèn luyện các hoạt động này giúp bạn có thể tập trung tâm trí. Việc thực hiện các bước được mô tả trước đó buộc bạn phải tập trung hết lần này đến lần khác vào một mục tiêu rõ ràng. Giống như việc nâng tạ giúp rèn luyện cơ bắp, rèn luyện kỹ năng ghi nhớ sẽ tăng cường khả năng tập trung khái quát của bạn – cho phép bạn tư duy sâu dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, phải nói rằng việc ghi nhớ các lá bài không có gì đặc biệt. Mọi quá trình tư duy có cấu trúc đòi hỏi sự tập trung cao độ đều có thể tạo ra hiệu ứng tương tự – có thể là việc nghiên cứu kinh Talmud, như Adam Marlin trong phần giới thiệu về Quy tắc số 2, hoặc thực hành suy ngẫm hiệu quả hay cố gắng lắng nghe và phát hiện ra một đoạn nhạc được chơi bằng guitar (một thú vui trước đây của tôi). Nói cách khác, nếu bạn không thích ghi nhớ các lá bài, hãy chọn một cách làm khác với cùng các yêu cầu về nhận thức. Mấu chốt của chiến lược này không phải là chi tiết cụ thể, mà là ý tưởng đầy khích lệ rằng khả năng tập trung sẽ tỷ lệ thuận với cam kết rèn luyện.