“Ý nghĩa mà tôi chọn cho một sự việc chính là ý nghĩa mà tôi tạo ra.” – Adam Khoo
Bạn hãy tưởng tượng tình huống này, chính công ty mà bạn lao động cật lực cho sự thịnh vượng của nó suốt 20 năm qua đùng một cái quyết định cho bạn nghỉ việc; đơn giản chỉ vì người ta có thể thế chỗ bạn bằng một ai đó với số lương chỉ bằng nửa của bạn. Hãy dành ra vài giây nghĩ xem bạn sẽ cảm thấy ra sao? Bạn sẽ gán cho kinh nghiệm này ý nghĩa như thế nào?
Hầu hết mọi người sẽ rất giận dữ và cảm thấy cay đắng phẫn uất trong lòng, bởi vì điều đó có nghĩa là nguồn thu nhập ổn định của họ cũng đi tong cùng với nó. Chưa kể, họ sẽ nghĩ mình bị “vắt chanh bỏ vỏ”, cho rằng mình mất toi 20 năm trong đời để cống hiến cho kẻ khác. Họ thấy mình già nua và không còn giá trị sử dụng nữa! Ý nghĩa mà họ gán cho việc này đặt bản thân họ vào tình thế hết sức vô vọng.
Bạn nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra khi những người này đi phỏng vấn tìm việc làm mới? Liệu họ có gây được ấn tượng tốt với người chủ mới bằng lòng nhiệt tình, niềm đam mê công việc, năng lực và động lực bản thân không? Có vẻ như điều này khó xảy ra. Nhiều khả năng cái lồ lộ ra ngoài chỉ là sự tự ti, thậm chí nỗi niềm cay đắng và tình trạng kiệt quệ mà ngay chính chủ thể cũng không ý thức nổi. Kết quả là sẽ phải mất một thời gian dài trước khi họ tìm được chỗ làm mới. Kể cả khi cuối cùng họ cũng có được việc làm, rất có thể đó chỉ là một công việc bán thời gian hoặc vị trí thấp kém hơn khả năng thật sự của họ, và dĩ nhiên là với một đồng lương không xứng đáng.
Thế bạn có nghĩ là họ sẽ cố gắng hết sức cho công việc mới không? Rất có thể họ sẽ tặc lưỡi mà rằng, “Này, việc quái gì mình phải làm hết sức cơ chứ. Nghĩ xem mình đã cống hiến những năm tháng tốt đẹp nhất cho công ty cũ và coi họ đã làm gì với mình?”. Kết quả là họ sẽ chẳng bao giờ có thể vươn lên một lần nữa. Và điều ấy lại càng củng cố cho ý nghĩa mà họ đã gán vào kinh nghiệm “mất việc”, rằng đó là điều tồi tệ nhất xảy ra trong đời mình.
MẤT VIỆC: CÁNH CỬA NÀY ĐÓNG LẠI, ĐỂ CÁNH CỬA KHÁC MỞ RA
Trong khi đó, tôi cũng gặp nhiều người có ý nghĩ khác hẳn về cùng kinh nghiệm bị mất việc này. Với những người ấy, việc họ phải rời khỏi chỗ làm có nghĩa là công ty đó phải gánh chịu một tổn thất lớn vì họ đã luôn là một nhân viên tốt và luôn cống hiến hết mình.
Điều đó cũng tức là họ có cơ hội bắt đầu một sự nghiệp mới, hoặc thậm chí dùng kinh nghiệm của mình để dấn thân vào thương trường, điều mà họ đã hằng ấp ủ bấy lâu nay. Có nghĩa là cuối cùng họ sẽ nhận được điều mà bản thân họ xứng đáng được nhận lãnh. Họ xem tiền đền bù thôi việc như một phần thưởng giúp họ bắt đầu bước vào địa hạt kinh doanh, điều mà họ luôn muốn làm nhưng chưa có một lý do xác đáng để khởi sự.
Bị mất việc cũng tức là họ sẽ tự do hơn, linh hoạt hơn trong việc hoạch định tương lai cho mình.
Đối với những người đi tìm một ông chủ mới thì mất việc có nghĩa là họ có dịp thơ thới rời khỏi công ty vô ơn bạc nghĩa để chuyển đến nơi họ được đánh giá cao hơn, có văn hóa phù hợp hơn với họ.
Với cách hiểu như vậy, những người này gán cho chuyện bị đuổi việc một ý nghĩa hoàn toàn khác. Và thế là họ tự đặt mình vào vị thế có lợi, hâm nóng lại lòng nhiệt tình và sự đam mê công việc. Để rồi từ đó, họ có thể bắt đầu lại với nguồn động lực và niềm phấn khích mới mẻ.
Họ sẽ khích lệ mình đi gõ cửa nhiều nơi, cải thiện những kỹ năng vốn có, săn tìm những cơ hội công việc tốt, hoặc thậm chí bắt đầu ngành kinh doanh riêng của mình. Với kết quả tất yếu của tất cả những động thái này, bạn có nghĩ là thậm chí họ “được” chứ không hề “mất” không?
Tất nhiên rồi! Tôi có nhiều người bạn vong niên buộc phải bắt đầu việc kinh doanh của mình sau cuộc khủng hoảng năm 1987. Cũng chính vì lẽ đó mà nhiều người trong số họ trở nên giàu có hơn, hạnh phúc hơn, có ý thức tốt hơn về tự do và mục đích sống.
“Bị đuổi việc chính là điều tốt đẹp nhất từng xảy ra với tôi.”
Một trong những người mà tôi vừa nhắc đến ở trên, gần đây thống kê tài sản công ty vận tải biển của mình, và giá trị tài sản riêng của ông lên tới 28 triệu đô. Ông ấy luôn miệng nói, mất việc là điều tốt đẹp nhất từng xảy ra với mình. Một lần nữa, ý nghĩa mà người ta chọn để gán cho sự việc đang xảy ra với bản thân chính là ý nghĩa do họ tạo ra, chứ bản thân một sự việc không bao giờ chỉ có duy nhất một ý nghĩa cả.
Tại sao cũng cùng một sự việc nhưng với người này thì nó là kết thúc, trong khi với người khác thì nó lại là bệ phóng lên một ngưỡng thành công mới?
Trong chương trước – “Điều khiển não bộ để đạt kết quả tối ưu”, chúng ta đã nói rằng con người thể hiện mọi thứ rất khác nhau trong não bộ của mình. Một số người có thói quen nhìn nhận sự việc theo một kiểu nào đó khiến họ mất hẳn ý chí phấn đấu và đẩy bản thân vào tình trạng bất lực. Trong khi đó, có những người biết cách nhìn nhận cùng một sự việc sao cho nó tiếp thêm sức mạnh cho họ, giúp họ tràn trề xung lực.
Vậy như thế nào mới là cách nhìn nhận đúng bản chất sự việc? Đó là phúc hay họa? Là cơ hội hay khó khăn? Thật ra, tất cả tùy thuộc vào sự LỰA CHỌN của bạn.
Đúng thế, con người ai nấy đều tự do trong việc nhận thức thế giới theo cách của mình, bất kể thực tế bên ngoài như thế nào.
KHÔNG HỀ CÓ Ý NGHĨA NÀO TRONG CUỘC SỐNG, CHỈ CÓ Ý NGHĨA BẠN CHỌN GÁN CHO NÓ
Bạn cần hiểu rằng tất cả các ý nghĩa đều phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nói cách khác, không có ý nghĩa nào trong cuộc sống, ngoài ý nghĩa mà bạn gán cho nó.
Khi bạn nhìn nhận mọi việc (kinh nghiệm, sự kiện,...) từ một góc độ nào đó, nó có thể là một điều hoàn toàn tồi tệ. Tuy vậy, khi ta đổi cách nhìn về cùng việc ấy từ một góc độ khác, ý nghĩa của nó lại hoàn toàn thay đổi – nó trở nên hoàn toàn tốt lành... đối với bạn.
Bạn có thể chứng nghiệm rằng bất cứ chuyện gì xảy trong đời mình cũng có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Bất cứ cái gì hiện hữu cũng chứa trong nó những khả năng hoặc là tốt/tích cực hoặc là xấu/tiêu cực. Tốt hay xấu tùy thuộc vào cách nhìn của bạn, vào góc độ mà từ đó bạn đứng nhìn nó.
Có một cầu vồng trong mỗi đám mây đen
Điều này được biết đến như định luật về phân cực. Hễ có phương Bắc thì bao giờ cũng có phương Nam. Hễ có hình thức bên ngoài thì ắt có nội dung bên trong. Nếu có khủng hoảng thì tất sẽ có cơ hội, và phàm đã có đầu thì phải có đuôi. Nếu có chỗ lõm thì phải có chỗ lồi. Khi một cái gì chết đi hẳn sẽ có một cái mới bắt đầu. Đó cũng là lẽ tuần hoàn của vũ trụ vậy.
Ý nghĩa mà bạn chọn để gán vào một sự việc là ý nghĩa do bạn tạo ra. Khi bạn diễn dịch một kinh nghiệm là tiêu cực hay tồi tệ, bạn sẽ tự đặt mình vào tình trạng khốn khổ dẫn đến những hành động tệ hại (thậm chí cả việc chẳng làm gì cũng là một dạng hành động tiêu cực) và gây ra hậu quả xấu. Ngược lại, nếu bạn dành cho một sự việc nào đó ý nghĩa tích cực, bạn sẽ ở trong vị thế khả quan, có những hành động tích cực, và từng bước tạo ra kết quả tốt đẹp đến không ngờ.
Điều này có thể tổng kết trong công thức dưới đây:
Sự kiện + Phản ứng = Kết quả
Cả bạn và tôi đều hiểu rằng điều này hoàn toàn đúng. Không phải sự việc xảy đến với bạn quy định kết quả nó mang lại, mà chính là việc bạn quyết định phản ứng (hành động) như thế nào với sự việc đó mới là yếu tố quyết định.
Bị cho nghỉ việc là một trong những kinh nghiệm thông thường mà hầu hết mọi người phải đối phó. Như bạn có thể thấy qua kinh nghiệm thực tế của những người mất việc được nhắc đến ở trên, phản ứng của một người trước những gì xảy ra hoặc sẽ đẩy anh ta vào tình huống tồi tệ vô vọng và cuối cùng dẫn đến hậu quả đáng tiếc, hoặc ngược lại, đặt anh ta vào vị thế có lợi từ đó dẫn đến kết quả tốt đẹp.
“Sự khác nhau cơ bản giữa một dân thường với một chiến binh là ở chỗ, người chiến binh nhìn những việc xảy ra với mình như một thách thức trong khi kẻ thường dân thì coi đó là chuyện may hoặc rủi.”
– Nhân vật Don Juan trong “Chuyện kể về quyền lực” (Tales of Power)
|
Như bạn có thể đã biết rõ, bạn không thể kiểm soát được tất cả những sự việc xảy ra với mình, nhưng bạn có thể điều khiển bản thân trong việc chọn cách phản ứng lại sự việc đó như thế nào.
Ví dụ, khi lái thuyền buồm trên biển, bạn đâu phải ông trời để hạ lệnh cho thần gió thổi theo hướng bạn muốn. Bạn có thể than vãn đổ lỗi cho ngọn gió nếu thích nhưng điều đó cũng chẳng có ích gì. Tuy vậy, điều bạn có thể làm được là điều khiển cánh buồm và kiểm soát hướng đi của con thuyền.
Những người thành công và sống một cuộc đời trọn vẹn thật ra đâu có xuất phát điểm hơn hẳn những người còn lại, họ chỉ có cách nghĩ và cách hành động tích cực mang đến kết quả tốt mà thôi.
Trong đời hẳn ai cũng từng nghe kể về những người sinh ra kém may mắn, hoặc thậm chí mắc những khiếm khuyết trên thân thể; nhưng bất chấp hoàn cảnh éo le của mình, họ đã cố gắng tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp mà hầu hết những người khác chỉ thấy trong mơ.
Oprah Winfrey – từ tuổi thơ bị tước đoạt đến nữ hoàng truyền hình
Bạn có thể nói gì về một đứa trẻ là con của một người mẹ 13 tuổi, sớm phải vật lộn để sinh tồn trong tầng lớp dưới đáy xã hội? Bạn sẽ nghĩ gì khi tôi nói cho bạn biết rằng, đứa trẻ ấy đến lượt mình lại trở thành nạn nhân, bị lạm dụng tình dục và thể xác trước khi tròn 13 tuổi? Sau này cô bé đó cũng mang bầu và sinh ra một đứa con nhưng đã chết từ trong bụng mẹ. Hơn thế nữa, cô bé cũng thường gặp rắc rối với luật pháp ngay cả trước khi đến tuổi 15.
Bạn sẽ không nuôi hy vọng nhiều vào một đứa trẻ như thế phải không? Nhưng mà đứa con gái ấy nhiều năm sau chính là Oprah Winfrey nổi tiếng, một trong những người phụ nữ thành công nhất và giàu có nhất nước Mỹ, bất chấp quá khứ và màu da của cô.
Rõ ràng, cho dù sinh ra là một đứa trẻ da đen, bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng, bị lạm dụng thân xác và đứng trước một tương lai đen tối, Oprah chọn cách phản ứng tích cực trước những việc xảy ra trong đời mình, và vì vậy có được ngôi vị như ngày hôm nay.
|
Trong khi đó, cũng có không thiếu những người sinh ra trong các gia đình giàu sang, quyền lực, họ được trao cho không biết bao nhiêu là lợi thế, cơ hội nhưng lại không biết biến những lợi thế đó thành bệ phóng cho mình. Thậm chí, nhiều người trong số họ đã đi đến chỗ hủy hoại cuộc đời mình.
Andrew Luster – từ kẻ thừa kế giàu có đến tội phạm hiếp dâm
Ví dụ tiêu biểu nhất về trường hợp này là Andrew Luster, 39 tuổi, người thừa kế đế chế mỹ phẩm nổi tiếng, Max Factor, mới đây đã bị kết tội hãm hiếp phụ nữ.
Luster là chắt nội của nhà tài phiệt huyền thoại Hollywood, ông chủ của đế chế mỹ phẩm Max Factor, người đã tạo dựng nên đế chế của mình ở kinh đô điện ảnh thế giới từ đầu thập kỉ 20 thế kỉ trước. Sau khi thừa kế, Luster sống dựa vào tài sản khổng lồ có giá trị ước tính vào khoảng 31 triệu đô Mỹ. Ngôi nhà của ông ta nằm ở bãi biển Malibu thuộc Los Angeles, nơi chỉ dành cho giới thượng lưu. Thay vì chăm lo cho việc kinh doanh và gia tài được thừa hưởng, Luster tối ngày hoang đàng như một tay chơi thứ thiệt trên bãi biển, với những cuộc vui và tiệc tùng bất tận.
Luster cũng học đại học nhưng bỏ dở giữa chừng. Sau đó, ông ta mua một ngôi nhà ven biển ở gần Santa Barbara, và tiếp tục tháng ngày du hí với những thú vui ngông cuồng.
Con người sa đọa này đã tự quay phim cảnh mình làm tình với những phụ nữ rõ ràng là đang mất hết kiểm soát. Chính những cuốn băng này là tang chứng kết tội ông ta đã hãm hiếp không phải một mà rất nhiều phụ nữ.
Cuối cùng, thì Luster phải tàn tạ trong nhà tù – một kết cục đầy bi thảm cho một cuộc đời được bắt đầu với bao nhiêu hứa hẹn như thế.
|
Cuộc chạy ma-ra-tông của niềm hy vọng mang tên Terry Fox
Bạn đã từng nghe đến tên Terry Fox, vận động viên ma-ra-tông của Canada chưa? Năm 18 tuổi Terry bị phát hiện mắc bệnh ung thư và buộc phải cưa bỏ chân phải.
Người đời hầu hết sẽ coi đó là một đại thảm họa và không bao giờ, dù trong giấc mơ hoang đường nhất, dám nghĩ là mình có thể chạy được. Nhưng với Terry Fox thì không. Người đàn ông can trường này quyết định biến tai nạn này thành cơ hội kiếm tiền giúp đỡ cho những nghiên cứu khoa học, với mục đích giảm bớt đau khổ cho những nạn nhân của căn bệnh quái ác này. Thế là bất chấp việc chỉ còn một chân, Terry bắt đầu chạy đường trường dọc theo đất nước Canada mênh mông nhằm quyên được một triệu đô la.
Đáng buồn thay, mới thực hiện được phân nửa cuộc hành trình dự định thì anh lại mắc phải một căn bệnh ung thư khác, lần này là ung thư phổi. Anh buộc phải ngừng chạy và qua đời vào ngày 28 tháng 6 năm 1981. Tuy vậy, chính nhờ tinh thần bất khuất của mình mà Terry đã quyên góp được 24 triệu đô Mỹ vào lúc ấy. Cho đến ngày nay, nhờ cuộc chạy ma-ra-tông vì hy vọng của Terry mà chúng ta đã có được hơn 330 triệu đô Mỹ tiền quyên góp dành cho những bệnh nhân ung thư.
|
Từ siêu nhân đến dị nhân và tấm gương sáng cho tất cả chúng ta
Và bây giờ xin bạn hãy nhớ đến Christopher Reeves. Nhiều người trong chúng ta biết đến Reeves trong vai siêu nhân (superman) vô địch. Siêu nhân không chỉ có sức mạnh vượt trội, năng lực siêu việt mà còn có thể bay được. Hơn nữa, chính bản thân Christopher Reeves ngoài đời cũng có sức khỏe thể chất kỳ diệu để đóng trọn vai của mình một cách xuất sắc, vừa huyền bí vừa hiện thực.
Thế rồi vào năm 1994, một tai nạn đã xảy ra trong lúc ông cưỡi ngựa, biến “siêu nhân” thành kẻ bán thân bất toại, các bộ phận cơ thể từ cổ trở xuống chỉ còn duy trì được đời sống thực vật. Thoạt đầu, ông gán cho tai nạn thảm khốc này ý nghĩa: thế là hết, từ nay mình sẽ trở thành “cục nợ” đối với tất cả mọi người.
Hoàn toàn tuyệt vọng, Reeves yêu cầu các bác sĩ từ bỏ mọi biện pháp chữa chạy, để cho ông “ra đi”. Nhưng vợ ông đã van xin ông hãy cho bản thân mình và gia đình một cơ hội. Nếu sau hai năm ông vẫn không chấp nhận được tình cảnh này thì họ sẽ thuận theo ý muốn cuối cùng của ông.
Khi Reeves được chăm sóc trong vòng tay ấm áp cùng sự nâng đỡ của gia đình và bạn bè, ông bắt đầu “quy” cho tai nạn của mình một ý nghĩa hoàn toàn khác. Ông đi đến chỗ nghĩ rằng, có lẽ tai nạn thảm khốc này sẽ “giúp” ông (với danh tiếng vốn có của mình) trở thành một biểu tượng và nguồn động viên khích lệ cho tất cả những ai đang đau khổ về những khiếm khuyết trên thân thể mình và cả những người đã mất đi hy vọng.
Chính ý nghĩa mới mẻ này đã đặt ông vào vị trí năng động và đầy sức sống hơn bao giờ hết.
Trong khi tiếp tục làm hòa với thân xác bại liệt của mình một cách ngoan cường và từng bước cải thiện sức khỏe, ông cũng bắt đầu viết một quyển sách – sau này trở thành quyển sách bán chạy nhất – “Chẳng có gì là không thể” (Nothing is impossible).
Mặc dù bị giam cầm trong thân xác bất toàn, tư tưởng của Reeves vẫn tung cánh bay cao bay xa. Ông có hàng trăm bài nói chuyện cảm động lòng người và những bài thuyết trình này làm cử tọa phải thay đổi cách nghĩ. Thậm chí, ông còn đạo diễn một bộ phim và giành được giải thưởng của Viện điện ảnh Mỹ. Bây giờ, cuộc sống của ông còn trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa hơn lúc ông còn là “siêu nhân” trong mắt người hâm mộ. Lịch làm việc của ông: xuất hiện trước công chúng, nói chuyện với đám đông và tham dự những buổi họp mặt dày đặc không kém gì một Tổng giám đốc bận rộn nào trên thế giới.
Hàng triệu người trên khắp thế giới đã được thắp lửa bởi tâm hồn không gì khuất phục của Reeves mà trở nên phấn chấn hơn, và ông đã quyên được hàng chục triệu đô qua Quỹ từ thiện mang tên Christopher Reeves.
|
Định luật phân cực:
Bất cứ điều gì có vẻ tiêu cực ở cái nhìn ban đầu cũng có thể trở nên tích cực khi nhìn từ một góc độ hay bối cảnh khác.
Từ những chuyện có thật xảy ra trong đời mình, tôi muốn nói với bạn rằng: những thành quả rực rỡ nhất mà tôi có được ngày hôm nay đều là kết quả của những sự việc tồi tệ nhất xảy ra với tôi ngày hôm qua. Điều làm nên sự khác biệt chính là ở chỗ, tôi chọn cách hành động khiến tôi tiếp tục trưởng thành và mạnh mẽ hơn.
Vì bảng điểm quá kém của tôi thời tiểu học mà vào năm 1986, cả sáu trường Trung học cơ sở cha tôi nộp đơn xin học cho con trai đều từ chối thẳng thừng. Trong khi nhiều đứa bạn của tôi được những trường có giá nhất mở rộng cửa đón chào, tôi bị nhét vào một trường chẳng ai nghe nói đến bao giờ. Chả là nó mới thành lập nên thuộc vào loại trường yếu kém nhất trong số các trường Trung học cơ sở.
Vào lúc ấy, việc này có thể được xem là điều tồi tệ nhất. Tuy vậy, bây giờ nhìn lại tôi có thể nói rằng đó lại là điều tốt đẹp nhất từng xảy ra trong đời tôi. Và là yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào thành công của tôi ngày hôm nay! Tại sao lại như vậy?
Nếu ngày ấy tôi được nhận vào một trường điểm, toàn những học sinh xuất sắc, tôi có thể chẳng bao giờ có tên trong danh sách những học sinh giỏi nhất. Và như một hệ quả tất yếu đi kèm, tôi có lẽ cũng không bao giờ tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ và lòng tự hào về bản thân mà tôi có được ngày hôm nay.
Cũng vậy, nếu ngay từ đầu tôi đã là một học trò giỏi trong lớp, thì làm sao tôi có câu chuyện vươn lên đầy cảm hứng để kể cho mọi người nghe trong quyển “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!”. Trong quyển sách ấy, tôi đã kể lại chuyện làm thế nào mà Adam Khoo tôi có thể vươn lên từ một học sinh yếu nhất, ở một ngôi trường xoàng xĩnh, thành học sinh xuất sắc nhất tại những trường danh giá nhất Singapore.
Trong thực tế, lý do khiến tôi trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết đến với tư cách là một nhà đào tạo xuất chúng là nhờ bước chuyển mình ngoạn mục này của tôi: lột xác từ một học sinh đội sổ thành một học sinh xuất sắc. Bên cạnh đó, việc tôi có một câu chuyện hấp dẫn có thật để kể cho bàn dân thiên hạ cũng là lý do quan trọng để giới truyền thông quyết định “lăng-xê” tên tuổi tôi.
Đã đến lúc tôi “bật mí” cho bạn biết lý do duy nhất giúp tôi trở thành ông chủ cũng như Tổng giám đốc của một công ty đào tạo lớn nhất và thành công nhất ở Singapore. Và thành quả ấy, không có gì đáng ngạc nhiên, chính là kết quả của một “kinh nghiệm tồi” khác vài năm về trước.
Từ chỗ bị “phủi tay” thành người sáng lập công ty hùng mạnh
Tôi vào làm việc cho một công ty đào tạo về động lực cuộc sống từ năm 15 tuổi. Thời gian qua đi, tôi trở thành cánh tay đắc lực của ông chủ. Nhờ lòng trung thành và những giá trị mà tôi mang lại với tư cách là một huấn luyện viên hiệu quả, ông chủ thường hứa hẹn một ngày nào đó tôi sẽ có “ghế” trong hội đồng quản trị, nghĩa là nắm một số cổ phần trong công ty của ông ấy.
Tuy vậy, 13 năm trôi qua, khi tôi vạch ra những kế hoạch vĩ đại để mở rộng quy mô đào tạo và ngỏ lời muốn góp vốn vào công ty, cái mà tôi nhận được là một chữ “KHÔNG” lạnh lùng.
Thoạt đầu tôi buồn bực ghê lắm và có cảm giác mình “bị người ta lợi dụng”. Nhưng chẳng bao lâu sau, tôi tự nhủ, từ “không” này có nghĩa là tôi có thể khai sinh công ty của mình, trao cho nó một linh hồn (một văn hóa) riêng, và xây dựng những chương trình đào tạo mà tôi tin là còn tốt hơn công ty cũ. Đó là lý do Adam Khoo Learning Technologies Group (AKLTG) ra đời.
Trong vòng hai tháng, AKLTG đã có những bước tiến triển lớn. Thậm chí chỉ sau 12 tháng, công ty tôi đã có lãi hơn nửa triệu đô. Tôi không chỉ là Tổng giám đốc của một công ty đào tạo trị giá hàng triệu đô, mà còn được làm việc với những đồng nghiệp ưu tú và năng động, đồng thời cũng là những người bạn thân thiết của tôi. Rõ ràng, tôi kiếm được nhiều tiền hơn và hạnh phúc hơn nhiều so với việc trở thành người hùn vốn của một công ty do người khác sáng lập và bị lệ thuộc vào ông ta.
|
Trong cuộc đời mỗi người chúng ta, bao giờ cũng có thời điểm mọi thứ dường như “không công bằng” với ta, và bất kể có xoay xở làm gì đi chăng nữa ta vẫn không có được cái mà ta nghĩ mình xứng đáng nhận được. Thậm chí mọi việc có thể tồi tệ đến mức giống như một tấn thảm kịch.
Nhiều người cho phép những việc ngoài ý muốn như vậy hủy hoại lòng tự trọng, niềm tin vào cuộc sống, lòng tin vào chính bản thân mình, và thậm chí cả niềm tin của những người xung quanh đối với họ.
Họ để mặc cho những việc như vậy giẫm đạp lên mình mà không có hành động gì. Nhưng may thay, trên đời còn có những người khác, coi những biến cố lớn xảy ra với mình là cơ hội tôi luyện bản thân trở nên mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn và linh hoạt hơn.
Donald Trump vượt qua thảm trạng có thể khiến người khác tự vẫn
Donald Trump là người thường xuyên biến những việc bất ý xảy ra với mình thành những “bài thử độ bền”, hay những bài học làm cho ông trở nên khôn ngoan hơn. Và Donald Trump, con người được biết đến khắp năm châu, là một trong những tỷ phú nổi tiếng nhất nước Mỹ. Trong thập niên 80 và nửa đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Donald Trump đã làm giàu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, và được coi là người đứng đầu một đế chế hùng mạnh nhất trong lĩnh vực này. Tài sản cá nhân của ông ước tính vào khoảng 1 tỷ đô la. Ở đỉnh cao sự nghiệp của mình, ông viết hai quyển sách thuộc vào loại sách bán chạy nhất là “Nghệ thuật đàm phán” (The art of the deal) và “Duy trì trong tốp dẫn đầu” (Surviving at the top).
Nhưng rồi đến những năm cuối thế kỷ 20, một cuộc khủng hoảng xảy ra trên phạm vi toàn thế giới và giá nhà đất bắt đầu rơi tự do. Chỉ sau một đêm, nhiều tỷ phú mà tài sản gắn với địa ốc và chứng khoán chứng kiến cảnh của cải đội nón ra đi, và Donald Trump cũng không phải là một ngoại lệ.
Chỉ trong vòng ít ngày, tài sản cá nhân của Trump bốc hơi sạch sành sanh, chưa kể ông còn ôm một khoản nợ lên tới 900 triệu đô Mỹ. Các nhà băng chạy theo đòi nợ ráo riết đẩy ông đến chỗ phá sản.
Một số bạn bè của ông lâm vào tình cảnh tương tự đã tự thuyết phục mình rằng: chẳng còn trông mong gì ở cuộc đời này nữa một khi của cải mất trắng, nợ nần chồng chất, và họ đi đến chỗ tự kết liễu cuộc đời mình.
Chưa hết, khi nhận được điện thoại của người vợ cũ, Trump tưởng đâu sẽ nhận được vài lời an ủi động viên, nào ngờ bà ta lại bồi thêm cho ông một cú nữa bằng cách yêu cầu ông phải trả hết số tiền còn lại trong thỏa thuận ly hôn giữa hai người. Cùng lúc đó, những người mà ông luôn nghĩ là bạn bè thân thiết đã quay lưng lại với ông vào thời điểm mà ông cảm thấy cần họ nhất.
Nhưng một Donald Trump kiên cường từ chối không tin rằng đời mình thế là hết. Ông thấy rằng tất cả những gì xảy ra với ông còn có một ý nghĩa khác. Giờ đây, ông đã biết rõ những ai mới thật sự là bạn mình, và bài học này cũng sẽ giúp ông thành công hơn một khi xoay chuyển được tình thế. Mặc dù Trump đã mất hết mọi thứ trên phương diện tài chính, nhưng ông vẫn còn đó kinh nghiệm dày dặn, những mối quen biết tốt, và sự nhạy bén trong kinh doanh.
Thế là trong vòng sáu tháng tiếp theo, Trump thương lượng thành công một vụ thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử kinh doanh, và chỉ trong vòng ba năm sau đó, ông đã kiếm lại được 3 tỷ đô la. Trong quyển sách mới nhất của mình – “Nghệ thuật của sự trở lại” (The art of the comeback) – Trump kể lại rằng kinh nghiệm bị dồn vào chân tường đã giúp ông trở nên mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn và tập trung sức lực hơn như thế nào. Rằng nếu không bị đẩy vào tình thế nợ nần chồng chất thì ông sẽ không bao giờ biết ai là người bạn thật sự của mình và cũng không thể tập trung trí lực kiếm được 3 tỷ đô la trong ba năm sau đó.
Trong khi hầu hết các nhà kinh doanh cho phép cơn khủng hoảng cuối những năm 90 “xóa sổ” tài sản và hủy hoại cuộc đời mình, Trump đã “cưỡi lên cơn sóng triều” để trở nên kiên cường hơn và giàu có hơn bao giờ hết. Một lần nữa, không phải những gì xảy ra với bạn, mà ý nghĩa mà bạn “quy” cho nó mới quyết định việc bạn sẽ làm, và những gì bạn làm rốt cuộc sẽ đưa đến một kết quả tất yếu nào đó.
|
Thành công ngoạn mục của Lee Iacocca bắt đầu từ...bị đuổi việc
Một ví dụ tiêu biểu khác là về Lee Iacocca, nguyên Giám đốc điều hành của hãng xe hơi Chrysler của Mỹ. Sau khi có tấm bằng Thạc sĩ kỹ thuật của trường đại học danh giá Princeton, Lee được tuyển dụng vào làm kỹ thuật trong hãng Ford. Suốt 21 năm sau đó, kỹ năng quản trị tuyệt vời của ông đã cho phép ông liên tục tạo ra các chương trình và sản phẩm mang tính đột phá cho hãng sản xuất ôtô này, giúp hãng phát triển vượt bậc về mặt doanh thu và lợi nhuận. Nhưng sau đó, vì mâu thuẫn cá nhân giữa ông với Henry Ford II mà Lee bị “thay ngựa giữa dòng”.
Bạn thử đoán xem Lee đã chọn cách phản ứng như thế nào với việc bị sa thải sau 21 năm lao lực cho ông chủ Ford? Thay vì than thân trách phận như đa số mọi người vẫn làm, ông chọn một cách khác. Lee thẳng thừng nói với Ford II rằng, “Tôi sẽ tạo dựng một công ty, và đến một ngày nào đó, nó sẽ hùng mạnh hơn công ty của ông”. Đó cũng chính là điều mách bảo Lee có những hành động vĩ đại.
Lee gia nhập vào Chrysler vào thời điểm mà hãng ôtô này đang đối mặt với khả năng phải đóng cửa. Với niềm đam mê, năng lực và những kỹ năng quản trị bậc thầy, Lee đã phục hồi Chrysler, biến nó thành một công ty có lợi nhuận cao, rồi thành đối thủ nặng ký, và cuối cùng qua mặt Ford, trở thành một trong ba nhà sản xuất ôtô hàng đầu của Hoa Kỳ.
Lee Iacocca trở thành một tên tuổi lừng lẫy khắp đất nước và được mệnh danh là một trong số ít các Tổng giám đốc vĩ đại nhất trong mọi thời đại.
|
CHUYỂN TIÊU CỰC THÀNH TÍCH CỰC: NGHỆ THUẬT CỦA VIỆC CHUYỂN HÓA Ý NGHĨA
Như vậy, cách bạn nhìn nhận những gì xảy ra với mình quyết định cách bạn hành xử và những gì bạn phải gánh chịu hay đạt được. Vì thế, bạn cần học cách thường xuyên chuyển hóa ý nghĩa của những sự việc và kinh nghiệm theo cách nào đó, sao cho nó không những củng cố nội lực của bạn, mà còn làm cho những người cùng hoàn cảnh với bạn trở nên mạnh mẽ hơn nữa.
Khi bạn thay đổi cách nhìn nhận một sự việc nào đó, bạn sẽ hoàn toàn thay đổi ý nghĩa và cảm xúc liên quan đến nó. Kết quả là bạn thay đổi những quyết định của mình và cách hành xử tiếp theo.
Bạn phải học cách tạo ra những ý nghĩa tích cực cho bất cứ chuyện gì xảy ra với mình. Các nhà lãnh đạo và doanh nhân thành công đã làm như thế để củng cố, nâng cao ý chí của mình cũng như của người khác để đạt được kết quả tốt đẹp nhất.
Bạn không thể thay đổi những việc có vẻ tiêu cực đã xảy ra, nhưng bạn có thể thay đổi ý nghĩa của chúng đối với bạn thông qua quá trình chuyển hóa ý nghĩa tiêu cực thành tích cực bằng cách thay đổi cách nhìn, góc nhìn của mình hay bối cảnh sự việc. Có hai cách để bạn làm được điều này, đó là: chuyển hóa nội dung (bên trong) và chuyển hóa bối cảnh (bên ngoài).
Chuyển hóa nội dung (bên trong)
Chuyển hóa nội dung là quá trình đi tìm ý nghĩa tích cực của một sự việc vốn thoạt đầu được nhìn nhận với ý nghĩa tiêu cực thông qua việc xem xét nó với nhiều cách nhìn hay từ nhiều góc nhìn khác nhau. Xin hãy nhớ rằng bất cứ sự việc nào cũng mang trong nó nhiều ý nghĩa. Chính ý nghĩa mà bạn chọn để tập trung vào mới là ý nghĩa đích thực đối với bạn.
Cách tốt nhất để thực hiện chuyển hóa nội dung là đặt ra câu hỏi, “Việc này còn có ý nghĩa nào khác không?”, “Ý nghĩa mà tôi đang nhìn thấy có làm tôi mạnh mẽ lên hay chỉ khiến tôi thêm tuyệt vọng?”.
Ví dụ, nếu tình trạng suy thoái kinh tế lại xảy ra đúng vào lúc bạn bắt đầu mở công ty, bạn có thể thực hiện chuyển hóa nội dung bằng cách tự nhủ, “Tốt lắm! Điều đó có nghĩa là các chi phí kinh doanh như giá thuê văn phòng, trang thiết bị, tiền trả lương nhân viên sẽ thấp hơn trước, cho phép ta xúc tiến mọi việc nhanh hơn”.
Hoặc bạn có thể nói theo cách này, “Cũng tốt! Điều đó có nghĩa là khách hàng tiềm năng sẽ chịu khó lắng nghe nhà cung cấp nào mang đến cho họ giá trị cao hơn với mỗi đồng tiền mà họ bỏ ra”. Có vô vàn lý do giải thích tại sao việc mở công ty trong thời khủng hoảng lại là một việc làm đáng khích lệ!
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ai đó nói với bạn, “Con trai tôi cứ lép bép nói luôn miệng”. Bạn có thể điều chỉnh lại lời than phiền đậm màu tiêu cực này bằng cách trả lời, “Tốt quá, như thế có nghĩa là cháu có nhiều ý tưởng trong đầu” hoặc “Chắc là cháu nó rất thông minh”.
Nếu người bạn yêu thương bỏ rơi bạn đi theo một người khác thì hãy đảo ngược nỗi mất mát này bằng cách tự nhủ: “Thế cũng may, như vậy mình có thể tìm được một người thật sự yêu thương mình” hoặc “Điều đó có nghĩa là mình có thể tìm được một ai đó quan tâm tới mình hơn, xinh đẹp hơn và chung thủy hơn”.
Chuyển hóa bối cảnh (bên ngoài)
Chuyển hóa bối cảnh là quá trình đi tìm ý nghĩa tích cực của một sự việc vốn thoạt đầu được nhìn nhận với ý nghĩa tiêu cực thông qua việc thay đổi bối cảnh mà bạn nhìn nhận nó.
Bạn đã từng có một kinh nghiệm tồi tệ, nhưng 5 năm sau khi nhìn lại bạn có thể nói, “Thật là một may mắn mà đến bây giờ mình mới biết”? Rõ ràng, trong một bối cảnh khác (chẳng hạn như trong tương lai), ý nghĩa của cũng cái kinh nghiệm ấy có thể “tự nhiên” thay đổi từ xấu sang tốt.
Trong khi thực hiện chuyển hóa bối cảnh, bạn đặt ra câu hỏi, “Vào một thời điểm khác và ở một nơi khác, liệu điều này có phải là một điều có lợi?”.
Rõ ràng, một việc có vẻ tiêu cực vào lúc này nhưng khi đặt vào một thời điểm khác hoặc nơi chốn khác lại có vẻ như rất tích cực đấy chứ.
Quay trở lại ví dụ ban đầu về việc kinh doanh trong khủng hoảng, bạn có thể thực hiện chuyển hóa bối cảnh bằng cách nói, “Khi kinh tế khởi sắc, công ty của mình sẽ có lợi thế vận hành tốt vì nó đã được thử lửa trong cơn suy thoái kinh tế”.
Bạn cũng có thể chuyển hóa bối cảnh với cậu nhóc hay nói kia bằng cách nói, “Khi lớn lên, cháu sẽ là một người có khả năng diễn thuyết” (thay đổi về thời gian), hoặc “Hay nói như thế, cháu sẽ có lợi thế trong những cuộc tranh luận ở trường” (thay đổi về nơi chốn).
Bạn có nghĩ ra được cách chuyển hóa bối cảnh nào cho việc, nếu giả sử, người bạn yêu thương bỏ rơi bạn đi theo người khác không?
Và bây giờ hãy hình dung bản thân bạn hay một người bạn quen biết trải qua những hoàn cảnh như sau. Bạn có thể chuyển hóa những việc có vẻ tiêu cực đó để củng cố sức mạnh của mình hay của bạn mình như thế nào? Hãy dành thời gian để nghĩ ra càng nhiều cách càng tốt để chuyển ý nghĩ tiêu cực thành tích cực cho mỗi sự việc. Bạn đã cầm bút và sẵn sàng chưa?
Chuyển hóa những kinh nghiệm sau đây
1. Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
2. Tôi mất toi 500 triệu đồng vì một quyết định kinh doanh sai lầm.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
3. Tôi phải nhận dạy một lớp toàn học sinh kém.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
4. Tôi không được học hành tử tế.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
5. Người yêu tôi đã bỏ rơi tôi.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
6. Tôi vừa bị cho “về vườn” sau 20 năm cống hiến cho công ty.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
7. Thị trường nội địa cho sản phẩm của công ty tôi mang lại lợi nhuận rất thấp.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
8. Sao tôi thấy môn học mới này khó hiểu quá.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
9. Sếp cứ “chiếu tướng” tôi suốt.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
10. Sau quyết định giảm lương, một số nhân viên đã rời khỏi công ty tôi.
Ý nghĩa tích cực mà bạn gán cho nó
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Bạn đã làm xong bài tập này chưa? Tốt lắm.
Hãy tham khảo một số cách mà bạn có thể dùng cho sự chuyển hóa ý nghĩa tiêu cực thành tích cực.
Chuyển hóa ý nghĩa những kinh nghiệm trong đời bạn
Tôi muốn bạn hãy bắt đầu hồi tưởng về một số kinh nghiệm “tồi tệ” nhất trong đời mình và bổ sung cho những sự cố ấy một ý nghĩa mới.
Bạn sẵn sàng chưa? Trong khung dưới đây, hãy viết ra 10 sự việc xấu nhất đã xảy ra trong cuộc sống của bạn rồi sử dụng chuyển hóa nội dung hay chuyển hóa bối cảnh để nhìn thấy ý nghĩa tích cực của chúng.
Kinh nghiệm quá khứ
| Kinh nghiệm chuyển hóa
|
1……………………………………………………………………………………..........................
| |
2……………………………………………………………………………………..........................
| |
3……………………………………………………………………………………..........................
| |
4……………………………………………………………………………………..........................
| |
5……………………………………………………………………………………..........................
| |
6……………………………………………………………………………………..........................
| |
7……………………………………………………………………………………..........................
| |
8……………………………………………………………………………………..........................
| |
9……………………………………………………………………………………..........................
| |
10……………………………………………………………………………………........................
|
TÔI ĐÃ SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP CHUYỂN HÓA Ý NGHĨA ĐỂ BIẾN CÁC RẮC RỐI THÀNH CƠ HỘI NHƯ THẾ NÀO
Một số người hiểu lầm phương pháp chuyển hóa ý nghĩa và nghĩ rằng đây là cách viện cớ cho mình hoặc chối bỏ sự thật rằng mình đang gặp một vấn đề rắc rối nào đó. Tuy nhiên nói cho cùng, phương pháp chuyển hóa ý nghĩa cũng chỉ là một “vũ khí”, còn việc sử dụng “vũ khí” ấy để mang lại lợi ích hay gây hại cho bản thân đều do bạn quyết định, và nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng sử dụng của bạn.
Tôi chọn cách dùng phương pháp chuyển hóa ý nghĩa không phải để phủ nhận rằng mình đang gặp khó khăn trở ngại. Ngược lại, tôi sử dụng nó một cách thường xuyên để đặt bản thân và người khác vào tình trạng dồi dào sức bật. Từ đó chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng hành động cho đến khi có thể xoay chuyển được tình thế.
Cho phép tôi chia sẻ với bạn cách tôi dùng công cụ này để giúp bản thân mình vững mạnh hơn trong kinh doanh, và để biến những rắc rối thành ra cơ hội.
Khi bắt đầu mở những khóa huấn luyện đầu tiên, tôi phải bỏ ra 3000 đô quảng cáo để thu hút được khoảng 100 người đến tham dự những buổi diễn thuyết của tôi trước khóa học. Trong 100 người đến nghe chỉ có khoảng 25 người ghi danh theo học. Điều đó có nghĩa là chi phí trực tiếp của tôi cho mỗi khách hàng là 120 đô (tức là 3000 chia cho 25).
Khi kinh tế lâm vào khủng hoảng, con số này giảm xuống còn 12 người, bây giờ chi phí của tôi cho mỗi khách hàng tôi tăng lên 250 đô (3000 chia cho 12). Thay vì đổ lỗi cho “ông thị trường”, tôi tìm cách chuyển hóa ý nghĩa của thực tế này bằng cách nói với các đồng nghiệp của mình: “Tốt thôi! Điều đó có nghĩa là chúng ta phải khám phá ra một chiến lược tiếp thị kiểu mới để gia tăng doanh số”. Thế là chúng tôi bắt đầu quan tâm đến cả những người không chịu ghi danh đi học trong lần đầu. Chúng tôi gọi điện thoại cho họ để hỏi thăm và tìm hiểu nguyên do, một việc mà chúng tôi chưa từng làm bao giờ.
Kết quả thật đáng kinh ngạc, trong số khoảng 90 người không đăng ký ghi danh ở buổi nói chuyện, chúng tôi có thêm ít nhất 10 người quyết định đăng ký sau khi nói chuyện qua điện thoại.
Khi nền kinh tế hồi phục, chúng tôi lại có 25 người ghi danh ngay tại mỗi buổi diễn thuyết, cộng với 10 người sau khi gọi điện thoại, thế là chúng tôi có 35 học viên sau mỗi buổi diễn thuyết.
Rõ ràng, chúng tôi không bao giờ có thể nâng đến con số này một cách ngoạn mục như vậy, nếu không buộc phải tìm cách thức tiếp thị mới trong bối cảnh kinh tế xuống dốc.
KHẢ NĂNG CHUYỂN HÓA Ý NGHĨA KINH NGHIỆM CỦA NGƯỜI KHÁC THẬT SỰ LÀ MỘT CÔNG CỤ HỮU ÍCH
Khả năng chuyển hóa ý nghĩa kinh nghiệm của người khác là một trong những công cụ hữu ích nhất mà tôi từng sử dụng. Xin bạn hãy nhớ rằng, ở bất cứ thời điểm nào, mỗi người khác nhau sẽ có cách nhìn nhận khác nhau về cùng một sự việc xảy ra xung quanh họ. Đó là lý do tại sao mỗi người có những phản ứng khác nhau, và vì thế đưa ra những quyết định khác nhau về cùng một vấn đề.
Nếu có người phủ nhận đề xuất của bạn thì cũng có những người chấp nhận nó. Một số đồng nghiệp của bạn vẫn cảm thấy dồi dào nhiệt huyết khi nền kinh tế xuống dốc trong khi những người khác lại cảm thấy chán nản mất tinh thần. Chẳng phải là một công cụ mạnh mẽ sao nếu bạn có thể thay đổi cách nghĩ của những người xung quanh bạn? Như vậy, bạn sẽ có thể giúp được nhiều người có cách suy nghĩ tích cực hơn và hành động hiệu quả hơn!
Các nhà diễn giả tài năng biết cách gán bất cứ ý nghĩa nào mà họ muốn cử tọa nhìn thấy trong một sự việc nào đó. Một vị lãnh đạo giỏi là người bao giờ cũng áp đặt được cách nghĩ của mình hoặc đưa ra định nghĩa về các sự việc để người khác noi theo. Các chính trị gia lỗi lạc, những Tổng giám đốc tài ba, những người bán hàng giỏi giang và các nhà giáo dục vĩ đại đều dùng đến kỹ thuật này hàng ngày một cách tự nhiên để khiến người khác thay đổi lối suy nghĩ quen thuộc của họ.
Về phần mình, tôi đã dùng đến kỹ thuật này trong nhiều lĩnh vực nhằm giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, kinh doanh và công việc, nhất là khi tôi gặp phải sự kháng cự hay từ chối.
CHUYỂN HÓA Ý NGHĨA TRONG KINH DOANH VÀ CÔNG VIỆC
Khi một ai đó mới 16 tuổi (trường hợp của tôi) mà đã khởi nghiệp bằng cách mở công ty kinh doanh trong lĩnh vực đào tạo và phát triển con người, bạn có thể đoán rằng một trong những thách thức lớn nhất mà tôi gặp phải là tuổi đời non nớt của mình.
Sau này người ta cứ hỏi tôi mãi, làm thế nào tôi vượt qua được vạch giới hạn đó. Câu trả lời thật sự rất đơn giản, tôi thường xuyên biến sự trẻ trung của mình thành một lợi thế!
Ví dụ: khi nhà trường buộc phải lựa chọn giữa tôi và một nhà đào tạo giàu kinh nghiệm ở độ tuổi 30-40, tôi có cách đảm bảo cán cân nghiêng về phía mình bằng cách thuyết phục ông hiệu trưởng rằng, bởi vì tôi còn rất trẻ cho nên tôi có thể dễ hòa đồng với học sinh, là những người đồng trang lứa với tôi, và tôi cũng có những ý tưởng mới mẻ thuyết phục họ học tốt hơn. Sau đó tôi bổ sung thêm rằng, nhờ tuổi trẻ của mình mà tôi có thể trở thành tấm gương cho các bạn học sinh khác.
Ở tuổi 21, tôi vẫn là một diễn giả trẻ tuổi nhất được những công ty bảo hiểm hàng đầu trên thế giới mời về đào tạo nhân viên của họ trong các khóa học ở Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc.
Làm thế nào mà tôi thuyết phục được các công ty này, đồng thời có thể huấn luyện và khích lệ tinh thần phấn đấu của những người lớn hơn tôi từ 10 đến 30 tuổi? Làm cách nào mà tôi có thể đả thông tư tưởng cho họ rằng, một thanh niên trẻ tuổi chưa từng làm việc ở những công ty lớn hoặc có kinh nghiệm bán bảo hiểm vẫn có thể huấn luyện và thúc đẩy những người dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm để họ gia tăng hiệu suất làm việc và khả năng sáng tạo?
Một lần nữa, điểm khiến tôi trở nên khác biệt chính là ở chỗ tôi là một nhà chuyển hóa ý nghĩa tài tình, tôi biết cách gắn những nhãn mác “tích cực” cho các sự việc. Tôi tiếp tục chuyển hóa ý nghĩa về độ tuổi của mình cho đến khi tuổi trẻ trở thành một lợi thế bất khả chiến bại. Tôi bảo với họ rằng, bởi vì tôi trẻ, các nhân viên sẽ cảm thấy phấn chấn hơn, chịu áp lực nhiều hơn trong việc phải thành công. Tôi cũng bảo rằng, vì tôi thiếu kinh nghiệm được đào luyện trong những công ty lớn, cho nên tôi có thể thoát ra ngoài khuôn khổ của những điều mà họ đã biết mà đưa ra được những ý tưởng mới mẻ họ chưa từng dùng đến bao giờ.
Một thách thức lớn khác mà tôi gặp phải trong công việc kinh doanh giai đoạn đầu là tôi thường xuyên phải đối đầu với những công ty đa quốc gia trong lĩnh vực quảng cáo và tổ chức sự kiện.
Các đối thủ của tôi có tiếng tăm lâu đời hơn và có số nhân viên lớn gấp năm lần công ty tôi. Tuy vậy, bất chấp sự thật này, tôi (và đội ngũ làm việc chung trẻ tuổi của tôi) đã cố gắng đánh bại họ để có được một số hợp đồng quảng cáo và tổ chức sự kiện lớn nhất.
Chuyện đó đã xảy ra như thế nào? Một lần nữa, tôi lại gán cho việc công ty tôi vừa nhỏ vừa chưa có tiếng tăm gì một ý nghĩa tạo lợi thế lớn cho chúng tôi. Tôi nói rằng vì là công ty nhỏ cho nên chúng tôi biết đánh giá cao các công ty khách hàng. Ngân sách 3 triệu đô la/năm cho quảng cáo có thể chẳng thấm vào đâu so với một công ty đa quốc gia. Nhưng với chúng tôi, họ sẽ là những khách hàng lớn nhất và giá trị nhất. Chúng tôi sẽ dành ưu tiên cho họ và phục vụ họ tốt nhất.
CHUYỂN HÓA Ý NGHĨA ĐỂ ĐỘNG VIÊN TINH THẦN NHÂN VIÊN
Khách hàng không phải là đối tượng duy nhất mà bạn có thể sử dụng phương pháp chuyển hóa ý nghĩa để biến họ thành những khách hàng thân thiết. Với tư cách là ông chủ hay sếp, bạn cũng phải liên tục chuyển hóa ý nghĩa những kinh nghiệm của nhân viên để thúc đẩy họ làm việc hăng hái hơn.
Tại thời điểm kinh tế rơi xuống đáy, khi mà nhiều công ty khách hàng phải cắt giảm ngân sách dùng cho quảng cáo, một số chuyên viên bán hàng của chúng tôi cảm thấy rất nản lòng, họ nghĩ rằng thật khó mà tìm được khách hàng mới.
Tôi đã phải ra tay đảo ngược tình thế bằng những lời động viên, “Đối với chúng ta mà nói, để tìm được những khách hàng mới trong thời buổi suy thoái dường như lại dễ dàng hơn. Khó khăn trăm bề mới là lúc các công ty khách hàng chịu khó ngồi xuống lắng nghe những cách thức mà chúng ta có thể chia sẻ với họ nhằm giúp họ kiếm được tiền, cũng như tạo ra giá trị lớn hơn cho mỗi đồng tiền họ bỏ vào quảng cáo”.
Thêm vào đó, tôi cũng nói với đồng nghiệp của mình rằng, trong thời kỳ tăng trưởng, các doanh nghiệp không hoan nghênh ý tưởng tìm kiếm các công ty quảng cáo mới bởi vì họ rủng rỉnh tiền bạc và nhìn chung thỏa mãn với thành tích bán hàng. Chính trong lúc túng thiếu, họ mới bắt đầu tìm kiếm một công ty quảng cáo mới giúp họ có thể giảm bớt chi phí quảng cáo và tăng doanh thu. Đó là lúc chúng ta bước vào kẽ hở thị trường này.
Tại sao việc bị từ chối lại tạo ra... động lực mạnh mẽ hơn!
Tôi có người bạn lãnh đạo một nhóm toàn những người môi giới bất động sản năng động. “Bí quyết của anh là gì?” – Một ngày kia tôi hỏi. Anh bèn bảo tôi rằng đa số những người môi giới đều không muốn xắn tay vào làm và sợ bị từ chối.
“Còn người của anh thì không ư?” – Tôi hỏi. “Dĩ nhiên là không! Trên thực tế, việc bị từ chối đã thúc đẩy họ làm việc tốt hơn.” – Anh đáp.
“Vậy anh đã làm việc ấy như thế nào?”. Câu trả lời của anh rất đơn giản: “Bằng cách đảo lộn lại ý nghĩa của việc bị từ chối!”. Tính trung bình họ bị từ chối 20 lần trước khi bán được một căn nhà. Mỗi lần bán, họ kiếm được khoản tiền hoa hồng trung bình khoảng 4000 đô.
Như vậy, nếu nhận 20 lời từ chối mà kiếm được 4000 đô thì mỗi lần từ chối trị giá 200 đô! Vì thế anh ấy mới bảo họ rằng: “Mỗi lần có một khách hàng từ chối không mua nhà của bạn, họ đã cho vào túi bạn 200 đô rồi đó”. Thật là cách chuyển hóa ý nghĩa tuyệt vời!
|
QUẢNG CÁO: CHUYỂN HÓA CÁCH NGHĨ CỦA HÀNG TRIỆU NGƯỜI
Điều làm tôi thích nhất về quảng cáo là nó chuyển hóa ý nghĩa ở một mức độ lớn. Về căn bản, thông qua quảng cáo, bạn biến đổi nhận thức và thay đổi ý nghĩa mà người đời gán cho công ty và sản phẩm của bạn.
Thế bạn đã nghe nói đến Hertz, một công ty cho thuê xe hơi chưa? Đó là công ty dẫn đầu thị trường trong dịch vụ cho thuê xe hơi ở Mỹ. Kế đến là công ty Avis. Khi Avis muốn mở màn một chiến dịch quảng cáo rầm rộ hoành tráng, họ đặt ra câu hỏi, “Ta phải làm cách gì để chuyển tải thông điệp rằng, việc chúng ta đứng thứ hai trên thị trường thật sự mang lại lợi ích cho khách hàng?”.
Thế là họ khởi xướng một chiến dịch với chủ đề, “Avis... bởi vì chúng tôi đứng thứ hai, chúng tôi sẽ cố gắng hơn để phục vụ các bạn”. Họ biến đổi ý nghĩa của việc đứng thứ hai với thông điệp rằng họ sẽ “đi xa” hơn đối thủ để làm đẹp lòng khách hàng. Kết quả ư? Sau đó, doanh thu và thị phần của họ đã gia tăng một cách đáng kể.
Việc Pepsi đã làm trong chiến dịch quảng cáo chống lại địch thủ kèo trên của họ là Coke cho ta thấy một ví dụ tiêu biểu khác. Pepsi biết rằng họ không “lão làng” bằng đối thủ, vì thế họ tìm cách biến việc Pepsi sinh sau đẻ muộn thành một lợi thế. Cùng lúc đó, họ muốn tung chiêu khiến cho yếu tố lâu đời của Coke là điều bất lợi. Thế là họ nghĩ ra một chiêu tiếp thị với khẩu hiệu, “Pepsi – Sự lựa chọn của thế hệ mới!”. Sau đó, họ sử dụng dòng nhạc trẻ của các nghệ sĩ như Britney Spears và Robbie Williams để truyền tải sự chuyển biến ý nghĩa này. Kết quả, Pepsi nhanh chóng chiếm được tình cảm của thế hệ trẻ và dĩ nhiên là một phần đáng kể của thị trường.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ VƯỢT QUA SỰ KHÁNG CỰ VÀ CHỐNG ĐỐI
Chuyển hóa ý nghĩa cũng là một công cụ cực kỳ hữu dụng dùng để hóa giải sự chống đối của người khác. Tôi nói về công cụ này thường xuyên nhất trong quá trình huấn luyện hàng ngàn nhân viên bán hàng chuyên nghiệp mỗi năm.
Trước khi làm động tác chuyển hóa sự chống đối của ai đó, điều quan trọng mà bạn phải thấm nhuần là bạn không bao giờ được phản kháng lại sự chống đối đó. Đầu tiên bạn phải thừa nhận ý kiến của người khác trước khi dùng đến bất cứ kiểu chuyển hóa nào.
Trước hết hãy thừa nhận ý kiến chống đối hay phản kháng bằng cách nói như thế này:
- “Phải, tôi đồng ý là...”
- Hoặc “Đúng, tôi có thể hiểu được điều đó...”
- Hoặc “Phải, tôi đánh giá cao...”
Rồi sau đó mới dùng đến liên từ “và”, “đồng thời”, “cùng lúc ấy”, “trong khi ấy”,... để dẫn dắt đến mệnh đề chứa đựng sự chuyển hóa vấn đề.
Bạn nên tránh dùng từ “nhưng”. Từ “nhưng” có vẻ như lập tức bác bỏ ý kiến phản đối của người đối diện, trong khi đó từ “và” có tác dụng hơn trong việc lái đối phương đi theo hướng mình muốn. Vì thế có thể xử lý sự phản đối bằng cách nói, “Phải tôi đồng ý rằng... (ý kiến phản đối) trong khi đó... (nội dung chứa đựng sự chuyển hóa/xoay chuyển tình thế)...”
Hai ví dụ về chuyển hóa sự chống đối thành đồng thuận
1. Nếu khách hàng nói, “Tôi không cần có bảo hiểm ngay bây giờ”. Bạn có thể đáp lại bằng cách nói, “Vâng đúng rồi, tôi hiểu rằng ông không cần có bảo hiểm vào lúc này. Và đó là lý do tại sao ông cần mua nó ngay, bởi vì đến lúc ông thật sự cảm thấy phải có bảo hiểm thì cũng là lúc ông không mua được nữa”.
2. Khách hàng nói rằng sản phẩm của bạn quá đắt. Câu trả lời của bạn có thể là, “Đúng vậy. Tôi đồng ý là sản phẩm của tôi khá đắt. Và nó đắt là bởi vì nó đạt chất lượng cao và rất bền nữa, nên về lâu dài sẽ tiết kiệm cho bà được rất nhiều tiền”.
|
Bạn có thể chuyển hóa những lời phản đối sau như thế nào? Hãy dành thời gian thực hiện bài tập này.
1. Món này quá đắt.
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
2. Công ty của anh chẳng có tiếng tăm gì cả.
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
3. Ngân sách của chúng tôi bị cắt giảm trong năm nay.
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
4. Tôi quá bận rộn.
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
5. Tôi không có tiền đầu tư.
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
6. Tôi không có tiền.
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
7. Quy mô khóa học của bạn quá nhỏ.
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
8. Quy mô khóa học của bạn quá lớn.
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
9. Bạn chẳng có kinh nghiệm gì nhiều.
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Như bạn có thể thấy, nghệ thuật chuyển hóa ý nghĩa là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất mà bạn có thể nắm được. Hãy dùng nó một cách hợp lý để thay đổi cách nhìn của bạn và người xung quanh, nhằm tạo ra một trạng thái đầy xung lực có thể thúc đẩy bạn và người khác đi đến kết quả tốt. Bây giờ, chúng ta hãy lật sang chương khác và cùng khám phá...
Tổng kết chương
1. Mỗi sự việc chứa trong lòng nó nhiều ý nghĩa, tùy thuộc vào cách nhìn của bạn.
2. Ý nghĩa mà bạn chọn để gán cho một sự việc là ý nghĩa mà bạn tạo ra.
3. Định Luật Phân Cực: Bất cứ điều gì có vẻ tiêu cực ở cái nhìn ban đầu cũng có thể trở nên tích cực khi nhìn từ một góc độ hay bối cảnh khác.
4. Chuyển hóa ý nghĩa là thay đổi một sự việc tiêu cực thành tích cực, bằng cách thay đổi cách bạn tiếp nhận nó.
5. Thực hiện chuyển hóa nội dung bằng cách trả lời câu hỏi, “Điều này còn có ý nghĩa gì khác?”, “Sự việc này mang lại những lợi ích gì cho tôi?”.
6. Thực hiện chuyển hóa bối cảnh bằng cách trả lời câu hỏi: “Vào một thời điểm khác hoặc ở một nơi khác, điều này sẽ có ích lợi gì?”.