Cách năm năm sau.
Thằng Hiệp bây giờ đã trở nên một người trai mười chín tuổi.
Một buổi sớm mai, nó đi lại trước của nhà thương thí, mình mặc cái áo bành-tô trắng, chân mang guốc vông. Tuy nó ăn mặc sạch sẽ, nhưng mà tướng mạo nó coi bịnh nhiều, hình vóc ốm nhách, nước da vàng ẻo.
Nó đương thơ thẩn, bỗng đâu thằng Cao cỡi xe máy chạy ngang, vừa thấy nó thì nhảy xuống hỏi rằng:
- Hiệp, mấy năm nay mầy trốn tao mà mầy đi đâu mất vậy mậy?
- Tao ra ở ngoài Chứa-chan.
- Ở làm giống gì đó?
- Ở bồi với Tây.
- Sao hồi đó mầy lén tao mầy đi, mầy không cho tao hay?
- Bị thình-lình quá, tao không cho mầy hay kịp.
- Mấy tháng nay mầy làm ăn khá không?
- Làm tháng nào ăn hết tháng nấy, chớ không khá gì.
- Bây giờ mầy đi đâu?
- Tao bị rét rừng chịu không nổi, nên xin thôi đặng trở về Sàigòn kiếm thuốc uống. Nếu ở ngoài đó nữa, chắc phải chết.
- Phải. Bộ mầy coi bịnh nhiều lắm. Phải uống thuốc cho gắt mới được. Đi làm chi ra Chứa-chan không biết. Lệu-khệu ờ Sàigòn lại đói khát gì hay sao.
- Bây giờ mầy làm việc gì?
- Tao làm planton[1] cho nhà báo “Nam-kỳ”.
- Lương đủ xài không?
- Không đủ cũng phải đủ.
Hai đứa nói chuyện tới đó, kế có một cô chừng mười bảy mười tám tuổi, mặc một bộ đồ trắng may thiệt khéo, một tay ôm cái bốp, một tay cầm dù màu hường, cô xâm-xâm đi lại, chừng gần tới cô ngó Hiệp trân-trân vừa cười vừa hỏi rằng: “Xin lỗi anh, phải anh là anh Hiệp hay không?”.
Hiệp chưng-hửng nên đứng ngó cô nọ mà đáp rằng: “Phải, tôi tên Hiệp. Cô ở đâu mà biết tôi?”
Cô nọ cười, lòi hàm răng trên trắng tươi và nhỏ rức, hai bên má lại có mang hai đồng tiền coi rất hữu duyên. Cô nói rằng: “Coi kìa, anh quên em hay sao anh Hiệp? Em là con Lê, con của Hai Tiền hồi trước ở bên Kinh đó”.
Hiệp gật đầu đáp rằng: “Trời ơi, vậy mà tôi quên chớ! Không gặp nhau đã hơn năm năm rồi, lại cô lớn rồi coi khác, nên tôi nhìn không ra”.
Cao thấy Hiệp gặp người quen, mà là một cô nhan sắc đẹp đẽ, y phục đàng hoàng, nên nó không muốn xẩn bẩn ở đó nữa. Nó leo lên xe máy và nói với Hiệp rằng: “Thôi, để bữa khác rồi sẽ nói chuyện dài. Mầy phải lại kiếm tao nghe không. Bất luận là giờ nào, mầy lại nhà báo Nam-kỳ thì có tao”.
Hiệp gật đầu. Cao đạp xe máy chạy qua chợ mới. Cô Lê hỏi tiếp rằng:
- Sao anh ốm, lại nước da mét quá vậy?
- Tôi đau.
- Đau bịnh gì? Đau bao lâu rồi?
- Tôi bị bịnh rét rừng đã hai năm rồi, cái gốc nó lậm trong máu hay sao không biết, mà uống thuốc không dứt được.
- Mấy năm nay má em kiếm anh dữ quá. Mà em cũng vậy, hễ có dịp đi ra ngoài đường thì em để ý kiếm anh, song không được gặp anh lần nào hết. Anh đi đâu mất vậy?
- Tôi ở ngoài Chứa-chan.
- Dữ không! Đi xa quá, hèn chi mấy năm nay em với má em kiếm không gặp. Anh về trong nầy hồi nào?
- Tôi mới về hồi hôm.
- Thôi, em mời anh đi theo em mà về nhà em ở trên Đất-Hộ, đặng má em thăm anh một chút.
- Cám ơn cô. Để bữa khác rồi tôi sẽ lên thăm thím Hai. Bữa nay tôi chờ nhà thương mở cửa, tôi vô cho quan thầy thuốc coi mạch đặng xin thuốc tôi uống.
- À! Anh muốn xin thuốc nhà thương thí đây anh uống hay sao?
- Phải. Tôi có bịnh lâu quá, nên trở về đây là về đặng kiếm thuốc uống.
- Không được. Má em dặn gắt lắm. Má em biểu hễ gặp anh, thì dầu thế nào cũng phải mời anh về nhà cho được. Thôi anh lên nhà chơi, để mai rồi anh sẽ xin thuốc. Anh nói anh đau lâu rồi, bây giờ đi xin thuốc, dầu trễ một bữa cũng không hại gì, xin anh phải đi với em. Nè, mà ở trên Đất-Hộ có ông thầy thuốc Ẩn giỏi lắm. Ổng quen với má em, ổng cho thuốc bịnh nào cũng mạnh hết, mà ổng tử tế quá, không cắt cổ thân chủ như mấy ông khác, mạnh rồi ai muốn đền ơn bao nhiêu cũng được, ổng không kèo nài, nhà nghèo không có tiền thì ổng trị giùm. Anh lên trên nhà, rồi em dắt anh lại cho ổng coi mạch, ổng cho thuốc anh uống cũng được vậy.
- Tôi nghèo, đâu dám uống thuốc của thầy ngoài.
- Không có sao đâu mà anh ngại, em nói ông thầy thuốc Ẩn tử tế lắm. Anh nghèo, ổng cho thuốc thí, không có đòi tiền. Thế nào anh cũng đi với em mới được. Nếu anh không đi, em về em nói với má em rằng em có gặp anh, mà em không dắt anh về nhà, thì má em rầy em chết.
Hiệp dụ-dự, mà bị cô Lê nài-nỉ hối thúc quá, không thể từ chối được, nên phải đi với cô lại gare xe điển, rồi cô mua giấy mà đi Đakao.
Hai người lên xe điển ngồi ngang mặt nhau, cô Lê nói nói cười cười, tỏ ý gặp được Hiệp thì cô vui mừng lắm vậy. Hiệp nhớ lại cô Lê nhỏ hơn mình 1 hoặc 2 tuổi, hồi trước nước da cô trắng trẻo, gương mặt cô sáng sủa, song cô là con nhà nghèo, áo quần lam lũ, mỗi ngày cô lãnh bánh trái đi bán kiếm lời năm bảy xu. Bây giờ sao cô nên một người gái xinh đẹp, mà ăn mặc sang trọng đến thế nầy?
Còn thím Hai Tiền là người hồi đó ở một xóm với mình, nhưng không có tình bà con thân thiết chi lắm, sao mấy năm nay thím có ý kiếm mình làm gì? Nhớ lại ngày Tòa xử cha mình rồi, thì thím ghé hỏi thăm, nghe nói bị án 10 năm, thím khóc, khóc xong rồi về, chớ không nói chi hết. Tại sao bây giờ thím lại kiếm mình?
Hiệp còn suy nghĩ những việc ấy, thì xe đã tới gare Đakao. Cô Lê mời Hiệp xuống, rồi dắt trở lại đường Albert 1er, đi lên gần tới ngã tư Mayer, cô mới ghé vào một tiệm may, chưng dọn rực rỡ, thợ may đông tới tám chín người. Hiệp đứng bợ ngợ ngoài cửa, thì cô Lê day lại cười rất hữu duyên và nói rằng: “Mời anh vô. Nhà em đây”.
Cô Lê hỏi một cô thợ may rằng:
- Má tôi đi đâu?
- Bà chủ mới lên trên lầu.
Cô đưa tay ngoắt Hiệp mà nói rằng: “Má em ở trên lầu. Mời anh đi thẳng lên trên nầy”.
Hiệp càng bợ-ngợ hơn nữa, song đã đến đây rồi, không lẽ trở lại, nên cứ theo cô Lê mà lên lầu.
Thím Hai Tiền đang nằm trên bộ ván gõ láng lẫy, xỏa tóc ra cho một đứa con gái nhỏ vạch kiếm tóc ngứa mà nhổ. Thím nghe có tiếng giày lên thang, thím tưởng có khách, nên lồm cồm ngồi dậy.
Cô Lê vừa lên tới đầu thang, thì kêu mà nói lớn rằng: “Má, con gặp được anh Hiệp rồi má à”.
Hai Tiền ngồi dậy vừa bới tóc vừa hỏi rằng:
- Gặp ở đâu? Sao con không dắt nó về đây?
- Có chớ. Con có mời ảnh về đó.
- Nó đâu?
- Ảnh đi sau con đây.
Hiệp ló đầu lên thang. Hai Tiền vừa ngó thấy thì la lớn rằng: “Dữ ác không! Mấy năm nay cháu đi đâu mất mà thím kiếm hết sức không được vậy hử? Thím gặp ai quen thím cũng hỏi thăm, nhưng mà không ai biết cháu ở đâu mà chỉ cả. Vậy chớ cháu đi đâu?”
Hiệp cười ngỏn-ngoẻn mà đáp rằng:
- Cháu ra ở ngoài Chứa-chan.
- Dữ không! Ra làm gì ở ngoải?
- Cháu ở bồi với Tây ở sở cao-su.
- Sao cháu ốm mà nước da vàng ẻo vậy? Cháu đau hay sao?
- Thưa, cháu đau nên mới xin thôi mà về đây đặng kiếm thuốc uống. Cháu bị rét rừng.
- Ra ở chi chỗ rừng cao nước độc, không mang bịnh sao được. Cháu ngồi chớ, ngồi ghế đó đặng thím hỏi thăm một chút.
Cô Lê tiếp mời Hiệp ngồi tại bộ ghế salon[2] để trước bộ ván gõ chỗ Hai Tiền nằm hồi nãy đó, rồi cô bước lại cái bàn nhỏ để phía trong, rót một tách trà bưng ra mời Hiệp uống.
Hai Tiền đi rửa mặt và nói nho nhỏ với con rằng: “Con biểu con Hà nó đi mua cà-phê về cho anh con lót lòng chớ”.
Cô Lê ngoắt con nhỏ nhổ tóc ngứa hồi nãy vô trong buồng.
Hiệp ngồi ngó trong nhà thì thấy bàn ghế, ván, tủ, cái nào cũng đẹp, lại có kiếng lớn để soi cả mình, có đồng hồ tốt để coi giờ nữa. Còn Hai Tiền, tuy mặc một cái quần lãnh đen với một cái áo bà ba lụa trắng, chớ không chưng diện chi lắm, nhưng mà bây giờ thêm sắc sảo, sạch sẽ, chớ không phải lam lũ cùi đày như hồi trước.
Hai Tiền rửa mặt rồi lại ngồi bộ ván gần cái ghế của Hiệp ngồi. Cô Lê đã thay cái áo dài mà bận một cái áo bà ba lụa màu bông hường, rồi lại ngay cái kiếng lớn đứng soi mà sửa mái tóc.
Hai Tiền hỏi Hiệp rằng:
- Té ra mấy năm nay cháu ra ở bồi hay sao?
- Thưa, phải.
- Tại sao khi anh Ba bị Tòa kêu án rồi, cháu không ở với chị Ba cho sung sướng tấm thân, lại đi ở đợ cho cực khổ rồi phải đau ốm vậy?
- Cháu không thế ở với dì cháu được. Nếu cháu chịu nhịn nhục mà ở đó sợ e cháu gai mắt rồi cháu phải mang họa lớn.
- Sao vậy? Cháu ra đi, chị Ba có cho cháu tiền bạc gì không?
- Thưa, không. Tiền bạc đâu mà cho. Từ ngày ba cháu bị bắt rồi, thì mỗi bữa cháu đi bán nhựt-trình có tiền được bao nhiêu, cháu đem về đưa hết cho dì cháu xài. Vậy mà dì cháu chưa vừa lòng, đành đi làm việc xấu hổ, cháu nói rồi lại đánh cháu, đuổi cháu nữa chớ.
- Té ra chị Ba đuổi cháu nên cháu mới đi đó sao?
- Thưa, phải.
- Tại sao chị Ba đuổi cháu?
- Thím không hay, hay sao?
- Có hay đâu.
- À, phải, ba cháu bị bắt được ít ngày rồi thím qua ở đâu bên Sàigòn, thím không có ở đó nữa, nên thím không hay. Vậy để cháu thuật chuyện tồi tệ của dì cháu cho thím nghe. Ba cháu bị Tòa kêu án rồi, thì cháu để ý thấy dì cháu lần lần chưng diện, áo nầy quần kia, có ai tới hỏi thăm ba cháu thì dì cháu làm bộ buồn, còn ở nhà thì vui cười như thường, chẳng có vẻ thương xót ba cháu chút nào hết. Cách chừng một tháng, tình cờ một đêm nọ, cháu bắt được dì cháu lấy trai. Cháu tức giận cháu cự. Dì cháu mắc cỡ mới đánh đuổi cháu ra khỏi nhà đó.
- Trời đất ơi! Thiệt như vậy hay sao?
- Thiệt như vậy. Cháu thấy rõ ràng. Đi chơi xe hơi với trai, chừng về tới cửa, ôm trai mà hun, có con Hào đó nữa.
- Hứ! Chồng thí thân, không kể bị đày lưu, đi cướp giựt đặng đem bạc muôn về cho mà hưởng. Chồng ở như vậy mà không biết thương chồng, ở nhà lại đành đoạn đi lấy trai!
- Thưa, thím nói như vậy sợ e oan cho dì cháu. Dì cháu không thương ba cháu, nên ba cháu ở tù thì ở nhà lấy trai: cái tội ấy thì có thiệt. Còn việc ba cháu cướp giựt mà đem về bạc muôn cho dì cháu, thì cháu chắc việc ấy không có, bởi vì tuy ba cháu bị án cướp giựt, nhưng mà bao giờ cháu cũng tin chắc rằng ba cháu không có làm việc hung ác như vậy.
Hai Tiền ngồi suy nghĩ, không nói nữa. Hiệp nghe nhắc tới cha thì buồn hiu.
Con Hà bưng một mâm cà-phê, bánh mì, xíu mại mà lên thang lầu. Cô Lê ngó thấy thì cô rước[3] bưng đem để ngay trước mặt Hiệp, rồi mời Hiệp ăn lót lòng. Hai Tiền khoác tay biểu con Hà đi xuống từng dưới, rồi bước lại ngồi cái ghế ngang mặt Hiệp mà mời Hiệp ăn. Hiệp buồn nên không muốn ăn, mà vì mẹ con Hai Tiền theo ép quá, nên phải ăn một chút bánh mì và uống một ly cà-phê.
Chừng Hiệp ăn rồi, Hai Tiền mới kéo ghế lại ngồi gần một bên và nói nho nhỏ rằng:
- Vì cháu thương yêu kính trọng anh Ba, nên hồi nãy cháu cãi với thím, cháu nói anh Ba bị án oan, chớ không có cướp giựt, thím sợ cháu buồn nên thím không cãi lại liền. Nhưng mà theo chỗ thím thấy, thì trước khi anh Ba bị bắt, anh Ba có đem tiền cho chị Ba nhiều lắm.
- Không lẽ có như vậy, bởi vì bữa Tòa xử có cháu đi coi, ở giữa Tòa ba cháu nói quả quyết không có cướp của ai hết.
- Anh Ba sợ tội, nên ra giữa Tòa anh Ba phải chối chớ.
- Còn nếu ba cháu có cướp giựt mà đem tiền bạc về cho dì cháu, thì sao cháu không thấy dì cháu lấy tiền đó ra mà xài?
- Chị Ba khôn lắm. Chỉ sợ đem ra xài liền rồi thiên hạ hay, chỉ phải bị tội nữa, bởi vậy chỉ giấu nhẹm cho tới năm kia đây chỉ mới lấy ra mà mua nhà cửa, sắm xe hơi đồ đó.
- Có mua nhà, có sắm xe hơi hay sao?
- Chớ sao. Nếu không phải tiền bạc của anh Ba, vậy chớ tiền bạc ở đâu mà chỉ làm kinh dinh dữ vậy? Mà thôi, chuyện của chỉ để một lát rồi thím sẽ thuật cho cháu nghe. Bây giờ để thím nói việc nầy cho cháu nghĩ thử coi thím nghi anh Ba có đem tiền về cho chị, vậy mà thím nghi đúng hay không. Thím nhớ chắc, ba con Lê chết nhằm ngày mười hai tháng hai Việt Nam, hồi mặt trời lặn. Tối lại họ đem xuống nhà xác, họ không cho thím ở trỏng, nên thím trở về nhà. Đêm đó thím buồn rầu chong đèn ngồi khóc hoài, không biết làm sao cho có tiền mà chôn cất cha con Lê. Đến khuya, lối hai hoặc ba giờ gì đó, thình lình anh Ba xô cửa bước vô, hỏi thím vậy chớ chuyện gì mà khóc. Thím thuật việc cha của con Lê chết mà không có tiền bạc lãnh xác về chôn. Anh Ba mới móc túi lấy ra một xấp giấy bạc đưa cho thím, biểu lấy đó mà chôn cất cha con Lê, lại căn dặn thím đừng nói cho ai biết. Xấp bạc đó tới 5 tấm giấy 20, mà thím coi hai túi áo bành-tô của anh Ba đầy nhóc, chắc là giấy bạc còn trong đó nhiều lắm. Đến 4 giờ khuya, thím dắt con Lê đi vô nhà thương. Ra đường, đi được một khúc thì thím gặp chị Ba đang xách một cái giỏ mây mà đi. Hai chị em đi với nhau qua Cầu-Kho, rồi thím dắt con Lê ra Chợlớn, còn chị Ba thì xách giỏ đi ra phía Cầu Ông-Lãnh. Chiều bữa sau, chôn cất cha con Lê rồi, thím trở về thì nghe anh Ba đã bị cò bót bắt. Việc thím thấy rõ ràng như vậy đó, nên thím mới đâm nghi đêm đó anh Ba đem bạc về đưa cho chỉ, rồi chỉ bỏ vô giỏ mây mà đem đi giấu, hoặc gởi cho ai đó, nên bữa sau cò bót đến xét nhà mà kiếm không được bạc, cháu nghĩ coi thím nghi trúng hay không?
Hiệp ngồi châu mày suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:
- Nếu như vậy thì thím nghi phải lắm. Dì cháu đi ra Cầu Ông-Lãnh thì chắc là đem gởi cho người em gái là Tư Hường chớ gì.
- Qua không hiểu đem gởi cho ai. Vưng theo lời anh Ba dặn nên mấy năm nay thím không dám nói việc ấy cho ai biết. Bây giờ thím mới nói cho cháu nghe đây mà thôi.
- Nếu thiệt như vậy, thì ba cháu giao cho dì cháu một số bạc lớn lắm.
- Thím không rõ bao nhiêu.
- Mái-Chín Cúng bị giựt hết hai mươi lăm ngàn. Theo lời khai giữa Tòa, thì kiếm được có năm ngàn tại nhà Tám Thiệt, còn lại tới hai chục ngàn thì ba cháu giao cho dì cháu hết.
- Có cho thím hết một trăm.
- Thì còn tới mười chín ngàn chín trăm. Nếu có tiền bạc nhiều rồi, mà sao mỗi bữa cháu đem về đôi ba cắc lại còn lấy làm chi?
- Phải lấy đặng khỏi thiên hạ dị nghị. Mà thím chắc anh Ba giao tiền nhiều lắm, nên mới có mà mua nhà, đất, sắm xe hơi đó chớ.
- Sao thím biết dì cháu mua nhà, đất, sắm xe hơi?
- Thím với con Lê gặp hoài. Con Hào có dắt con Lê vô tới trong nhà nữa chớ.
- Nhà ở đường nào?
Cô Lê bước lại đứng gần Hiệp rồi chống tay trên bàn mà đáp rằng:
- Nhà ở gần nhà thờ Chợ-Quán. Nhà tốt lắm, có nhà xe, nhà bếp đủ hết, đàng trước lại có sân nữa. Con Hào khoe với em mua về nhà về đất trên tám ngàn.
- Không biết năm nay em tôi nó bao lớn?
- Ý. Nó lớn lắm, mà chắc anh gặp anh quên nó. Vóc dạc nó lớn hơn em nữa. Em mới gặp nó ngoài Catinat hôm tuần trước đây.
- Không biết nó có chồng hay chưa?
- Nó nói với em nó chưa có chồng. Mà sao em gặp nó đi chơi, hoặc ngồi nhà hàng với đờn ông con trai hoài.
Hiệp nghe nói như vậy thì châu mày, lộ sắc buồn hiu.
Cô Lê mới kéo ghế ngồi một bên mà nói rằng:
- Anh Hiệp, bác Ba hồi trước có lòng thương tưởng đến cha em, nên lúc cha em mất, bác cho tiền bạc mà chôn cất tử tế, rồi má em cũng nhờ tiền ấy mà làm vốn mua bán lần lần khá lên, nên ngày nay mới có tiệm như vầy đây. Cái ơn ấy chẳng bao giờ mà má em với em quên được. Việc nhà của anh, em coi cũng như việc nhà của em vậy. Mấy năm nay em ngó thấy, em lấy làm buồn hết sức. Em tưởng anh biết rồi, chớ em không dè anh không hay. Nếu em giấu anh, thì té ra em không thiệt tình. Vậy để em tỏ việc của anh cho anh hiểu.
Hiệp ngó Hai Tiền rồi day qua ngó cô Lê trân trân, dường như cầu xin cô nói cho mau.
Cô Lê nghiêm sắc mặt mà tiếp rằng: “Nói hết lời sợ anh buồn, chớ thiệt bác Ba gái là một người đờn-bà nhơ nhớp khốn nạn lắm. Bác trai bị án đâu chừng một năm, thì em thấy bác gái dọn ở một căn phố tại đường Hamelin. Bác làm bé một ông Huyện nào đó em quên tên; bà Huyện ghen nên bả mướn người ta đánh, lột quần giữa chợ xấu hổ hết sức. Bác gái không dám gần ông Huyện đó nữa, mà rồi bác lại cặp với người khác, thường thường dắt nhau đi chơi tự do không ái-ngại chi hết. Còn con Hào bây giờ bộ nó cũng tự do quá, nay đi chơi với thầy nầy, mai đi chơi với ông kia, mà bác gái không cấm cản chi hết. Bác gái hư mà con Hào cũng hư nữa, không còn gì mà kể”.
Hiệp ngồi nghe, hai hàng nước mắt nhểu ròng ròng.
Hai Tiền muốn khuyên giải cho Hiệp bớt buồn nên nói rằng: “Anh Ba không có hạnh phước về gia-đình, nên ảnh thương vợ con mà trời lại khiến vợ bạc, con hư, ấy là tại cái phần số của ảnh. Thôi cháu cũng chẳng nên buồn làm chi, vái trời phò hộ cho ảnh mạnh giỏi, ít năm nữa ảnh về đây, rồi coi chỉ lấy mặt mũi nào mà đối đãi với ảnh cho biết”.
Hiệp nghe nhắc tới cha thì càng thêm đau đớn nên vừa khóc vừa đáp rằng:
- Dì cháu hư, thì cháu đã thấy tận mặt, nên bây giờ nghe dỉ làm những điều tồi bại thì cháu chẳng lấy làm lạ. Còn con Hào, ngày cháu ra khỏi nhà, thì cháu có ý sợ ngày sau nó bị cái gương xấu của dì cháu mà nó không khỏi hư, té ra cháu lo sợ trước mà rồi cũng không khỏi! Cháu tưởng cháu sống đặng cho tới ngày ba cháu mãn tù, đặng cha con sum hiệp. Chuyện nhà như vậy làm sao mà sống cho tới năm năm nữa, trời đất ơi!
- Cháu đừng nói như vậy, không nên. Ai có phần nấy. Họ hư mặc họ, có can cập gì đến cháu đâu mà cháu buồn. Cháu có bịnh, cháu phải làm lảng để lo uống thuốc cho mạnh, đừng thèm buồn chi hết.
- Thím thương cháu nên thím khuyên như vậy, chớ không buồn sao được.
- Nầy cháu, thím nói thiệt với cháu, hồi trước thím nhờ anh Ba cho một trăm đồng bạc, thím chôn cất chú Hai hết 20, còn 80 thím làm vốn mua bán. Nhờ số tiền đó thím gầy dựng lần lần nên bây giờ mới có được cái tiệm may như vầy. Chẳng giấu cháu làm chi, tiệm của thím khá lắm, mỗi tháng trừ sở phí rồi thím lời trên 100 luôn luôn. Hồi trước thím tưởng cháu theo ở chung với chị Ba mà thím biết chị Ba có tiền thì chắc cháu cũng được sung sướng. Chừng con Lê gặp con Hào mới hay cháu không có ở chung. Thím mới tính kiếm cháu đặng thím đem cháu về thím nuôi, mà kiếm hết sức không được, không dè cháu phải đi ở bồi cực khổ, lại còn mang bịnh hoạn nữa. Mẹ con thím mang ơn anh Ba nhiều lắm, hễ nhớ tới thân anh Ba bị tù rạc, thì mẹ con thím cũng buồn như cháu vậy. Nay cháu về đây không muốn vô Chợ-Quán ở với chị Ba, thôi thì ở đây với thím, chớ đừng có đi ở bồi ở bếp nữa.
Hiệp lắc đầu nói rằng:
- Dì cháu như vậy, có thế nào mà cháu ở với dì cháu được. Còn cháu ở đây thì bất tiện cho thím, cháu đâu dám.
- Có bất tiện chỗ nào đâu, thím nhờ anh Ba mà trả nghĩa cho chồng được, rồi lại làm ăn khá nữa. Nay thím nuôi cháu mà thím sợ nhọc lòng hay là sợ tốn hao hay sao?
- Cháu bịnh hoạn mà ở làm rộn cho thím...
- Ậy! Bởi thím thấy cháu bịnh hoạn, nên thím mới biểu cháu ở đây đặng thím kiếm thầy cho cháu uống thuốc. Gần đây có ông thầy thuốc Ẩn giỏi lắm, mà tử-tế nữa. Thím quen nhiều lắm, trong tiệm hễ có cô thợ may nào đau, thì thím rước ổng coi mạch, chớ thím không chịu ông nào khác. Cháu ở đây mà nghỉ, rồi xế thím biểu con Lê dắt cháu lại nhà ổng coi mạch thử coi cháu bị bịnh gì. Cháu phải uống thuốc cho cần mới được, thím coi cháu bịnh nhiều lắm.
Cô Lê thình-lình la lớn rằng: “Ý má! Coi mặt anh Hiệp kìa. Sao ảnh xanh quá vậy?”
Hai Tiền đứng dậy hỏi Hiệp rằng: “Ừ, sao vậy cháu? Trong mình cháu bây giờ thế nào?”
Hiệp rùng mình đáp rằng: “Trong ruột cháu lạnh dữ! Chắc cháu tới cữ rét rồi”.
Hai Tiền day lại biểu cô Lê: “Con lấy chiếc chiếu trải trên bộ ván nầy cho anh Hai con nó nằm đỡ đi. Ôm một cái mền ra đây nữa, cho nó đắp. Mau mau đi. Để nằm đỡ rồi chiều má sẽ mua một bộ ván nhỏ lót thêm phía trước kia, rồi giăng mùng cho nó nằm kín đáo”.
Cô Lê trải chiếu rồi ôm mền gối đem ra. Hai Tiền biểu Hiệp lên ván mà nằm, lấy mền đắp cho Hiệp. Cô Lê thấy Hiệp run thì cô sợ, nên nói với mẹ rằng: “Không được đâu má. Để con đi rước thầy thuốc liền bây giờ mới xong”. Hai Tiền gật đầu chịu. Cô Lê liền thay áo rồi đi rước thầy thuốc.
Cách một lát, ông thầy thuốc Ẩn theo cô Lê mà lại tới, ông có xách theo một cái hộp đựng thuốc và đồ dụng cụ để tiêm thuốc. Ông bắt mạch, coi lưỡi, coi con mắt cho Hiệp và nói rằng: “Bị rét rừng, mà lâu quá không uống thuốc, nên bịnh phải nặng. Tuy vậy mà không hại lắm, uống thuốc riết tự nhiên hết được; song tôi nói trước cho bà biết, phải tiêm thuốc lâu lắm”.
Hai Tiền nói: “Xin ông ráng điều trị giùm. Bao lâu cũng được, miễn là mạnh được thì thôi”.
Ông thầy thuốc mở hộp lấy ra tiêm cho Hiệp một ống thuốc, rồi ngồi lại bàn viết toa và nói rằng: “Để rồi bà sai ai đó đi xuống nhà thuốc mua ba thứ thuốc tôi biên đây. Ve[4] thuốc nước thì hai giờ đồng hồ, bà cho uống một muỗng cà-phê, còn thuốc bột thì trước mỗi bữa cơm bà cho uống một cachet[5], hộp thuốc để tiêm thì mỗi bữa tôi lại tôi tiêm cho”.
Ông đua toa cho Hai Tiền rồi từ giã mà về, hứa sáng mai ông sẽ trở lại mà tuần mạch và tiêm thuốc.
Hai Tiền đưa cái toa cho cô Lê và nói rằng: “Thôi, con kêu xe kéo mà đi mua thuốc, chớ sai bầy trẻ nó có hiểu đâu. Má coi nó bịnh nhiều lắm, bịnh về phần xác, mà cũng bịnh về phần trí nữa. Mẹ con mình phải ráng nuôi nó mà đền ơn đáp nghĩa cho bác Ba con”.
Cô Lệ gật đầu nói: “Phải vậy chớ sao”, Rồi cô bước xuống thang lầu mà đi mua thuốc.