Tại Cầu Ông-Lãnh, dọc theo đường Lò heo, hồi trước có một dãy phố lầu cũ, trong hai căn phố đầu có dọn một tiệm bán cà-phê nước trà và bánh ngọt, bánh mặn đủ thứ, mỗi buổi trưa và buổi tối người ta đến ăn uống nườm nượp.
Chủ tiệm nầy tên là Từ-Hữu, là người Minh-hương, có vợ người Nam tên là Tư Hường, là em ruột của Ba Trâm.
Cách mấy tháng trước, Ba Trâm xách giỏ bạc đi ra Cầu Ông-Lãnh là đem gởi cho Tư Hường.
Bữa Tòa xử Cặp-rằng Mậu rồi, mẹ con Ba Trâm dắt nhau đi về, tới Cầu Ông-Lãnh thì thằng Hiệp đi một mình về nhà, còn Ba Trâm với con Hào thì ghé lại tiệm nước của Từ-Hữu.
Vừa bước vô tiệm, con Hào gặp con Kiên là con gái của Từ-Hữu, chị em mừng nhau nên ở đó mà chơi, Ba Trâm bước vô trong nói nhỏ với Từ-Hữu rằng: “Ba con Hào bị Tòa lên án mười năm”. Từ-Hữu chưng hửng hỏi rằng: “Cha chả! Tới mười năm hay sao?”. Ba Trâm gật đầu rồi đi thẳng lên lầu.
Tư Hường đương nằm trên bộ ván mà cho con bú, ngó thấy chị lồm cồm ngồi dậy hỏi rằng: “Chị nói bữa nay Tòa xử ảnh, sao chị không đi lên Tòa hỏi thăm coi ảnh được Tòa tha hay là bị án?”
Ba Trâm vén áo ngồi một bên em mà đáp nho nhỏ rằng:
- Qua đi coi Tòa xử từ hồi sớm mơi tới giờ, qua mới về tới đây.
- Tòa xử sao đó?
- Tòa kêu án mười năm.
- Chết chưa!
- Tài-chủ với người kéo xe họ nhìn mặt, họ khai quả quyết, tự nhiên Tòa phải kêu án nặng chớ sao.
- Tòa có hỏi số bạc giựt đó đem giấu chỗ nào hay không?
- Không... ờ, may quá! Tòa không có hỏi cái đó. Tại sao vậy không biết.
- Tuy vậy mà chị cũng phải dè dặt, đừng có chộn rộn, rủi đổ bể ra họ lấy lại mà mình còn phải ở tù cả đám.
- Em tưởng qua dại lắm sao? Mấy tháng nay qua lấy có mấy chục đồng bạc đặng mua gạo, cá mà ăn, còn bao nhiêu thì còn nguyên đó, qua có dám động tới đâu.
- Ừ, thủng thẳng vậy, đừng có gấp. Đợi năm bảy tháng, hoặc một năm nguôi ngoai rồi chị sẽ xài.
- Thằng Tư nó hiểu việc đó hay không?
- Không. Tôi giấu, tôi không dám nói.
- Ừ, em đừng có nói cho nó biết làm chi. Để sau rồi qua sẽ giúp cho một hai ngàn làm vốn buôn bán. Qua khá thì em cũng khá vậy mà.
- Còn thằng con riêng của ảnh, nó biết hay không?
- Không. Nó cũng không biết gì hết. Đêm cha nó lén đem về thì nó ngủ nên không hay. Mấy tháng nay qua có nói ra đâu mà nó biết.
- Bữa nay nó có lên Tòa coi xử hay không?
- Có, nhờ nó dắt, chớ không thì qua có biết đâu mà đi coi.
- Tôi sợ nó đọc nhựt trình, rồi nó coi Tòa xử nữa, nó phát nghi chớ.
- Không có đâu. Ba con Hào chối hoài, không chịu có cướp giựt, thì nó có dè đem tiền bạc về nhà đâu mà nghi.
- Bữa hổm chị đếm hết thảy bao nhiêu?
- Mười chín ngàn chín trăm đồng. Theo như lời trên Tòa hồi nãy, thì Mái-Chín Cúng bị giựt 25 ngàn. Cò bót xét lấy lại được 5 ngàn ở sau hè Tám Thiệt. Lẽ thì phải còn 20 ngàn. Không biết lạc ở đâu mất hết 100 đồng.
- Ối! Mất 100 đồng cũng không hại gì. Không biết chừng ảnh chận lại để bỏ theo lưng mà xài.
- Em cất giùm cho kỹ nghe không, đừng có hơ-hỏng đa.
- Dễ không! Tôi bỏ cái giỏ trong tủ áo, tôi khóa tủ, chìa khóa tôi giữ trong túi luôn luôn đây.
- Ừ, phải giữ cho gắt mới được.
- Chị có tính chừng nguôi ngoai rồi, chị lấy bạc ra mà làm việc gì hay không?
- Thủng thẳng rồi sẽ hay. Bây giờ có biết làm việc gì đâu. Có lẽ qua sẽ mua một cái nhà mà ở cho sạch sẽ, rồi sắm một cái xe hơi để qua đi chơi.
- Chị mua sắm như vậy thì đồng tiền của chị chết, chị có lợi gì đâu.
- Phải ăn ở cho sung sướng đã, rồi tính giống gì sau sẽ hay.
- Có vốn, phải lo buôn bán làm ăn cho có lợi thêm nữa chớ.
- Em nói theo điệu vợ chệc hoài, hễ mở miệng thì tính lời tính lỗ. Ai mà làm như vậy cho được.
Tư Hường cười. Cô nghe nói Ba Trâm chưa ăn cơm, nên kêu bạn trong tiệm sai đi mua đồ về dọn cho mẹ con Ba Trâm ăn.
Còn thằng Hiệp về thẳng bên nhà, nó nằm chèo queo trên cái võng, nước mắt cứ tuôn ra hoài, không ăn không uống chi hết. Đến xế, Hai Tiền bước vô nhà, thấy thằng Hiệp nằm lim-dim thì hỏi rằng:
- Chị Ba đi đâu vắng vậy cháu?
- Dì tôi còn ghé bên chợ Ông-Lãnh.
- Nghe nói bữa nay Tòa xử anh Ba phải không?
- Phải. Tòa xử rồi hồi sớm mơi.
- Xử sao đó cháu?
Thằng Hiệp bệu-bạo đáp rằng “Xử mười năm tù, thím Hai à!”
Hai Tiền la ba tiếng: “Trời đất ơi!”, rồi ngồi trên ghế mà khóc rấm rứt. Thằng Hiệp thấy vậy càng thêm động lòng nên nó cũng khóc. Cách một hồi, nó vụt đứng dậy mà nói rằng: “Ối! Mười năm cũng không lâu gì, ba tôi ở tù oan hay là ưng, dầu người ta không biết, chớ trời cũng biết. Tôi làm mà nuôi dì tôi với em tôi được, không hại gì”.
Hai Tiền thấy Hiệp còn nhỏ mà nói mấy lời khẳng khái ấy thì ngồi ngó nó trân trân.
Thằng Hiệp day qua rồi hỏi Hai Tiền rằng:
- Xưa rày thím dọn nhà đi đâu mất vậy thím Hai?
- Qua ở bên Bến-Thành đặng mua bán kiếm cơm ăn, chớ không có đờn ông mà ở bên nây thì khó làm ăn lắm. Cháu còn đi bán nhựt trình hay không?
- Còn chớ.
- Chị Ba cho cháu đi làm như vậy nữa hay sao?
- Cho. Nếu không cho thì cơm đâu mà ăn.
Hai Tiền đứng dậy ngó thằng Hiệp trân trân rồi nói rằng: “Chừng chị Ba về, cháu nói lại có thím qua thăm nhá. Thôi, thím về”.
Thằng Hiệp đưa Hai Tiền ra cửa, thấy một đám con nít đương giỡn chơi ngoài đường, nó men men đi lại đó, mà chừng lại gần thì nó châu mày rồi thủng thẳng trở về nhà.
Đến chiều, Ba Trâm với con Hào về, có xách hai ba gói bánh đưa cho thằng Hiệp mà biểu ăn. Hiệp đói bụng nên phải ăn, nhưng mà nó không vui chút nào hết.
Sáng bữa sau, thằng Hiệp đi lãnh nhựt-trình mà bán như thường, rồi chiều có được bao nhiêu đều đưa hết cho Ba Trâm. Bữa nào nó cũng làm như vậy, mà nó không buồn, không vui chi hết, dường như nó tưởng sự cực khổ đó là bổn phận của nó. Nó lang-thang lưới-thưới, còn con Hào thì quần áo nhổn nha, nhiều khi Ba Trâm đi chợ về lại ngồi xe kéo nữa, nhưng mà nó không để ý mấy việc đó.
Một bữa, thằng Hiệp đi bán nhựt-trình đến tối mò mới về nhà, thấy trong nhà không đèn, mà cửa lại khóa phía ngoài. Nó đói bụng nên lại quán mua một ổ bánh mì nguội, với một táng[1] đường mà ăn rồi nằm trên cái chõng nhỏ trước hàng ba mà ngủ. Đến khuya, có một cái xe hơi lại đậu ngay trước cửa, đèn chói sáng lòa. Thằng Hiệp giựt mình, ngóc đầu dậy thì thấy Ba Trâm với con Hào trên xe đương leo xuống, rồi con Hào đi vô cửa, còn Ba Trâm thì chống tay lên xe đứng nói chuyện nho nhỏ với một người đờn ông bận đồ tây ngồi trên xe. Một lát rồi người đờn ông ấy ló đầu ra mà hun Ba Trâm. Hai người cười với nhau rồi xe chạy. Ba Trâm đi vô nhà.
Thằng Hiệp giận quá không thế dằn được, nên chừng Ba Trâm vô tới cửa thì nó vụt ngồi dậy hỏi lớn rằng: “Dì đi đâu mà chừng nầy mới về? Đi với thằng cha nào nó hun dì đó?”
Mấy lời hỏi lớn mà cứng cỏi làm cho Ba Trâm hổ thẹn quá, nên cô bước lại mà chạt trong mặt thằng Hiệp và mắng rằng: “Đồ chó đẻ! Mầy nói giống gì đó? Mầy dám bỉ sử tao hả?”
Thằng Hiệp bị vả đau, nên nhảy xuống đất mà chạy. Ba Trâm còn giận lắm, song không lẽ rầy rà làm vở lỡ trong xóm lúc nửa đêm, bởi vậy cố dằn lòng, lấy chìa khóa trong túi ra mà mở cửa rồi đi vô nhà với con Hào. Cô vừa đốt đèn rồi, thì thằng Hiệp cũng ló mó vô nhà, nó đi lại cái võng mà nằm, không thèm nói một tiếng chi nữa hết, mà mặt nó lầm lầm, bộ giận dì ghẻ nó lắm.
Ba Trâm mặc một bộ đồ hàng trắng còn mới tinh, chơn lại có mang giày, còn con Hào thì cũng bận áo quần bằng hàng trắng, đầu lại có cái lược cài, chân mang guốc quai nhung.
Ba Trâm đi vô buồng thay đồ. Con Hào cầm gói bòn-bon đưa ngay mặt thằng Hiệp mà nói rằng: “Anh ăn bòn-bon[2] không anh Hai? Như ăn thì lấy vài cục đây mà ăn”.
Thằng Hiệp đương quạu, nghe hỏi như vậy nó càng thêm giận, nên hất tay con Hào một cái thiệt mạnh, làm văng cả gói xuống đất, đổ bòn-bon tứ tung.
Con Hào lầm bầm nói rằng: “Ăn hay không thì nói, chớ sao lại hất cho đổ bòn-bon của người ta”.
Thằng Hiệp nói rằng: “Hứ! Mầy vui sướng dữ lắm, nên đi xe hơi ăn bòn-bon!”
Con Hào ngồi lượm bòn-bon mà đáp rằng:
- Ớ! Thấy người ta đi xe hơi nên ganh rồi nói bậy!
- Tao nói như vậy đó là nói bậy hả? Ba bị đày mầy vui sướng lắm mà!
- Bị đày thì thôi, chớ ai biết làm sao bây giờ. Anh giỏi thì anh làm sao cho ba ra khỏi khám đi.
- Tao có tài gì mà làm cho ba ra khỏi khám được. Nhưng mà tao nhớ thân ba ở tù, bận áo xanh, ăn cơm lứt, tao thương, tao không muốn ăn chi hết, chớ không phải như mầy, cứ lo mặc quần hàng áo lụa, lo mang guốc mang giày, kiếm thế mà đi xe hơi, không biết thương xót ai, không kể xấu hổ chi hết.
Ba Trâm thay đồ rồi bước ra nói rằng:
- Nầy, tao nói cho mầy biết, mầy không được phép kiếm chuyện mà gây với con Hào đa.
- Tôi đâu thèm gây với nó. Tôi nói chuyện phải quấy tốt xấu cho nó nghe mà thôi chớ.
- Cái tuồng mặt mầy mà biết giống gì, nên dám nói chuyện phải quấy tốt xấu.
- Tuy tuồng mặt tôi như vầy, song tôi biết nhiều chuyện lắm.
- Mầy biết chuyện gì?
- Dì hỏi chi vậy? Dì ở với ba tôi hơn mười năm, có sanh được một đứa con, mà dì không biết thương ba tôi... Ba tôi rủi bị ở tù mới mấy tháng nay mà dì ở nhà lại đi lấy trai.
Ba Trâm nghe nói tới đó thì giận run, xốc lại toan đánh thằng Hiệp. Thằng Hiệp chạy ra cửa đứng nói rằng:
- Tôi có lỗi gì mà đánh tôi?
- Tao đánh tới con gái mẹ mầy dưới mồ nữa, nói cho mà biết.
- Mẹ tôi có làm đĩ lấy trai như họ đâu mà đánh.
Ba Trâm giận quá, nhưng vì sợ đánh thằng Hiệp rồi nó đổ nùi chòm xóm hay, càng thêm xấu hổ, nên cố dằn lòng giận mà nói rằng: “Mầy phải đi cho khỏi nhà tao. Đồ ngỗ nghịch, tao không chứa nữa. Đi cho mau”. Cô nói dứt lời liền đóng cửa lại.
Thằng Hiệp vừa đi ra lộ vừa nói rằng: “Đuổi thì đi, ở còn gai con mắt, chớ ở mà làm gì”.