Lá Rụng Chiều Thu

Lá Rụng Chiều Thu

Áo trắng bay lùa trong gió thu

Gió thu duyên dáng ý tiêu sơ

Nón che môi hé cười e lệ

Chiêm chiếp trên cành khúc nhạc thơ…  

Có một buổi nền trời như nạm bằng pha lê,những đám mây bàng bạc như ruổi theo những mộng tưởng xa vời. Gió hanh gieo cảm giác se gợn làn da, và ánh  nắng nghe chừng cũng trở nên hiền hòa thân mật.Một chiếc lá rơi, hai chiếc lá rơi, rồi từng đàn những chiếc lá úa vàng từ những thân cây đã cạn mòn nhựa sống rơi lả tả xuống bên vệ đường gợi cái hiu hắt trong lòng cô thiếu nữ bên khung cửa sổ thốt ngừng que đan, vơ vẩn khẽ buông một tiếng thở dài không nguyên cớ.

Không gian như thông cảm với tiếng Thu len lén trở về. Những tấm lòng thốt xích lại gần nhau hơn và không ai bảo ai,mà cùng cảm thấy sợ nỗi trống trải riêng tư.

Chung quanh tôi,biết bao anh bạn nhà văn đang mượn ngòi bút để kể lể những câu chuyện mùa thu Những mùa thu nhẹ như một ý nghĩ buổi đầu mùa,sâu sắc như một vết thương tình ái và cả mặn đắng như những giọt lệ bên gối chăn. Một làn tóc mượt như nhung và vấn vương như nỗi niềm xô rối, một nét mi cong như một cung nữ thời quá xưa, một hàm răng ngọc vụn với những tiếng cười rạn vỡ như thủy tinh?

Và cả tôi nữa bữa nay cứ loay hoay với một cốt chuyện mùa thu mãi chưa kịp thành hình. Cán bút non nớt không đủ khơi lại hoàn toàn những sắc mầu dĩ vãng nhưng thôi cho tôi nói, dù vụng về nhưng cốt sao cho vợi một nỗi niềm riêng.

Lá vàng bay…Chiều nay tôi ngơ ngác ngắm cánh thu về đang làm bứt những chiếc lá vàng bay. Người ta bảo tôi đó là những chiếc lá hết nhựa sống rời khỏi loài cây vô tri vô giác để kế tiếp luật tuần hoàn. Nhưng tôi không tin,bởi tôi đang ngờ ngờ như nhìn thấy Kiều Trang bên trong cánh lá. Là cánh lá rụng hay chính đây  là một linh hồn mỏng manh đang sớm lìa khỏi cõi đời?Là cánh lá rụng hay chính là em Kiều Trang chiều nay đang hiển hiện về, người con gái trinh bạch mà cuộc đời đã non yểu một ngày lửa đạn oan khiên?

°

Sau ngày náo loạn kinh thành, một đêm tối trời hòa cùng một số đông người khác men theo ven đê sông Hồng, tôi ra khỏi thành phố đang rừng rực ánh lửa.Tay nải trên vai, cây gậy chống tay đoàn người tản cư ra đi với nỗi xót thương một kinh thành phải rời bỏ chôn giấu bao kỷ niệm –những bước chân vô định về một ngày mai đầy bất trắc lo âu.

…Tiếng súng vọng lại nghe đã còn không rõ. Tôi dừng chân bên một quán nước ven đường. Xa xa một rặng tre vàng úa hắt hiu với hình ảnh mấy con trâu đang lững thững kéo cầy trên một thửa ruộng. Không khí có vẻ tĩnh lặng thanh bình, nếu không ai nghĩ rằng cách đây chỉ mấy chục cây số đang là một thành phố đổ nát tan hoang với những tiếng súng, những đám cháy,những tiếng hô xung sát rợn người…

Tôi vừa đỡ lấy bát chè tươi sóng sánh do bà hàng nước đưa vừa hỏi:

Cụ ơi! Đây là làng gì nhỉ? 

Bà cụ hàng nước vừa lấy chiếc quạt nan xua vội mấy con ruồi đang đậu trên chiếc đĩa bánh rán và kẹo bột, kẹo vừng vừa trả lời khách:

Đây là làng Trầm Xanh thược tỉnh B.N. qua cái cầu tre kia là sang đến địa phận H.Y. rồi.

Làng Trầm Xanh nghe cái tên thôi đã gợi cảm làm sao. Một ý nghĩ vụt đến với tôi khi ước nhẩm chỗ này cũng cách Hà Nội khá xa.

-  Thế  ở đây có nhiều người tản cư không hả cụ? Có nhiều nhà rộng không?

  Bà hàng nước vẫn vui vẻ:

Tôi thấy các ông bà Hà Nội chạy về làng Đ.N. bên cạnh nhiều hơn,chứ ở Trầm Xanh không có mấy. Vả lại làng này có lẽ còn ít nhà rộng, có cái nào thì các ông bà tản cư đã ở cả dễ thường chỉ còn nhà cụ Tú Lê.

Tôi níu ngay lấy:

Cụ có thể chỉ cho cháu đến nhà cụ Tú Lê được không?

Vừa lúc ấy một người dân quê xắn quần cao hơn đầu gối cũng bước vào quán, mượn chiếc điếu cày rít một hơi thuốc lào sòng sọc rồi lim dim há miệng nhìn đám khói tỏa bay có vẻ khoan khoái lắm:

Tôi cũng đi về lối nhà cụ Tú đây. Tiện, ông đi theo tôi.

Tôi mừng quýnh:

Vâng, bác làm ơn dẫn tôi đi, rồi tôi trả tiền.

Người dân quê cười có vẻ không bằng lòng:

Tiện đường tôi dẫn ông đi.Chứ có gì đâu mà phải tiền nong- Cùng đồng bào với nhau cả.Các ông cứ quen như ở Hà Nội cái gì cũng phải trả bằng tiền.

Tôi đỏ mặt nói vài câu xin lỗi, tự hổ thẹn thấy mình không bằng một người dân quê áo vải.

Chúng tôi bước qua cái cổng tre vào làng.Một anh dân quân ra hỏi giấy, nhưng người kia gạt đi:

Ông ấy vào nhà cụ Tú đấy…

Thế là người dân quân lại lễ phép chào để tôi đi. Tôi hỏi người dẫn đường :

Chắc hẳn cụ Tú đây cũng được dân làng kính  nể lắm?

Tôi tò mò hỏi:

Cô Kiều Trang nào?

Người dân quê ngay thật:

Cô Kiều Trang là con gái cụ Tú ấy. Thật tôi chưa từng thấy một cô gái nào phúc hậu, tử tế đến thế. Với những người túng kém trong làng, cô vẫn thường cấp cho tiền và gạo luôn luôn…

Tôi không nói những lẳng lặng nghĩ đến công nghiệp của một vị khoa bảng ẩn dật đối với dân quê làng mạc, những công nghiệp không cần vĩ đại to tát nhưng thấm nhuần, sâu sắc bao nhiêu bên trong khóm tre bé nhỏ này. Và vì mơ mộng lại khiến tôi thầm ao ước cô Kiều Trang – nghe cái tên cũng thấy nền nã rồi- con gái cụ Tú đây sẽ là một cô gái đẹp hiền hậu, mặc bộ đồ trắng toát, có đôi mắt thật là ấm áp thương người, đôi gót sen hồng luôn đến thăm những mái nhà gianh thô kệch, tối tăm để ban phát cho những cuộc đời trong đó đôi chút niềm tin cuộc sống.

Chúng tôi đang đi trên con đường đất ngòng ngoèo, gió thổi rì rào hai bên những khóm tre non tạo thành một điệu sáo mộc mạc. Tôi đang say sưa với khung cảnh thôn dã, thì người dân quê bỗng bảo tôi:

Kìa, cô Kiều Trang con gái cụ Tú đang đi lại!

Tôi bàng hoàng ngẩng đầu lên. Một chút hương ngây ngất vừa thoáng hiện.Một người con gái mặc chiếc áo cánh lụa mầu nâu non, trên mái tóc hơi rối đội nghiêng nghiêng chiếc nón dây quai bằng một sợi vải xanh da trời. Tuy còn ở xa nhưng tôi đã kịp nhận thấy một nước da trắng mịn, một khuôn mặt trái xoan hơi xanh và nhất là dáng đi mềm như liễu uyển chuyển như một làn sóng gợn. Ánh nắng nhạt của buổi chiều hắt cái hình ảnh nhỏ nhắn kia xuống mặt đất thành một vệt mờ nhịp nhàng mông lung. 

Người con gái tiến lại gần,và khi nhìn thấy tôi, một vẻ e lệ thoáng gợn trong cái chào ngập ngừng.

Người dân quê đưa đường vội vã làm cái công việc giới thiệu:

May quá gặp cô rồi. Ông này ở Hà Nội mới tản cư về đây,muốn tiếp kiến cụ nhà.

Tôi ngả mũ chào và bầy tỏ cái nguyên cớ đến đây.Người con gái khẽ cất tiếng, tiếng nói nhẹ như tiếng chim đang xào xạo bên lũy tre,và khép nép như một lá cây trinh nữ :

Vâng để mời ông theo tôi.

Bác dân quê níu ngay lấy:

Để nhờ cô dẫn ông ấy về hộ. Còn tôi xin phép phải về nhà trông nồi cám để bu cháu còn lên chùa, hôm nay ngày rằm.

Còn lại mình tôi với người con gái mà kể từ đây tôi cứ gọi luôn là Kiều Trang cho tiện.

Tôi thấy Trang như có vẻ ngượng nghịu, nàng cố tình đi nhanh hơn tôi. Dưới chiếc nón kéo sát hẳn xuống một bên má, tôi vẫn còn kịp bắt nhận những tia lửa hồng hồng mỗi khi Trang bắt gặp người làng đi lại.

Qua một ngôi đình cũ kỹ, chúng tôi tạt ngang một bờ ao viền cỏ xanh, rồi bước trên một cái cầu tre con, chúng tôi dừng chân trước một căn nhà cổ kính phủ rêu xanh, bên cổng có cây đa um tùm, trên cổng có hàng chữ đại tự nhưng do mưa nắng thời gian đã không còn nhìn rõ nét. Trang bảo tôi:

Mời ông đợi ở đây, để tôi vào báo với thầy tôi.

Tôi xốc lại áo đứng nghiêm chỉnh.

Một gã tếu táo như tôi trên phố phường Hà Nội, giờ phút này đứng trước khung cảnh rêu phong mưa nắng bỗng thấy lòng bị chế ngự bởi một sự thành kính khó tả. Một lát sau,có tiếng dép cói lẹp kẹp đi ra. Một cụ già râu tóc bạc trắng như cước mặc cái áo lụa dài, trên đầu quấn chiếc khăn nhiễu đen đi ra. Cụ giơ tay bảo tôi:

Mời ông vào chơi, ông vào chơi.

 Tôi kính cẩn bước vào.Qua một cái sân gạch nhỏ mà nền đã phủ rêu, hai bên có mấy chậu lan,một vài loài hoa thôn dã, giữa có cái bể cá vàng ; tôi bước vào một căn phòng trống hơ trống hoác chỉ còn treo trên tường đôi câu đối gần như lở cả sơn và lơ thơ một cái bàn con, vài cái ghế.

Cụ Tú thân mật bảo tôi:

Mời ông ngồi chơi. Ông cứ cởi bỏ mũ áo ra cho tiện.

Cụ cắt nghĩa vẻ hiu hó của căn phòng:

Ấy nghe các ông bà ở Hà Nội chạy về phàn nàn vì đánh nhau bất ngờ nên mất cả không chạy được gì. Cháu nó cứ giục tôi những thứ không cần thì cho đem hạ thổ hoặc cất giấu đi phòng khi động dụng phải chạy cho dễ…

Tôi từ tốn lễ phép:

Xin cụ thứ lỗi cho sự đường đột này. Thưa cụ phải lúc loạn ly, cháu từ Hà Nội trôi dạt về đây trong lúc chờ đợi công tác do cấp trên sắp xếp, mà người quen kẻ thuộc không có một ai,nên cháu đánh bạo đến hầu cụ để xin cụ rộng lòng cho phép nương tạm đây ít lâu…Ơn cụ,cháu sẽ….

Cụ Tú gạt ngay đi, khẽ rung rung chòm râu bạc:

Chẳng mấy khi vận nước thế này, ông mới về nơi thôn dã chúng tôi. Ông cứ ở đây với chúng tôi cho vui. Nhà chúng tôi cũng neo người, ông không phải kỳ quản.

Một người bõ già từ dưới bếp đi lên,tay xách ấm nước sôi. Cụ Tú tìm cái khay trên đã đặt sẵn cái ấm pha chè và mấy cái tách nhỏ xíu. Cụ bảo người bõ:

Bõ bảo cô Trang xuống nhà ngang lấy bao chè ướp sen hôm nọ mang lên cho tôi.

Và cụ cười khà khà:

Ấy tôi phải cái bệnh nghiện chè tầu,ngày nào cũng phải mấy tuần nước. Được các ông đến chơi như thế này, tôi vui lắm, quý lắm.

Tôi đưa chén nước lên môi. Trong khi đó dưới sân, hình ảnh Kiều Trang đi lại, lung linh như một sợi nắng chiều. Khuôn mặt trái xoan ít xao gợn, mớ tóc dài đen mượt và thân hình óng ả mềm như nhung- Kiều Trang – Kiều Trang! Sao cái tên mới xứng với người…

°

Ngay chiều hôm ấy cụ Tú sai bõ Năng và Kiều Trang thu dọn một căn buồng dưới nhà ngang cho tôi ở, và cho khuân dọn, lau chùi những đồ đạc đã cất giấu sau nhà đem lên.

Tôi muốn gạt đi để Bõ Năng khỏi phải mất nhiều thời giờ thu dọn lau chùi, thì cụ vẫn khăng khăng:

Ông. cứ để tự nhiên cho cháu nó dọn.Các ông ở Hà Nội nhà cửa như thế nào chứ, nay vì chiến tranh phải chạy về đây.Ít nhất cũng phải để các ông ở sao cho tươm tất để làm nguôi đi phần nào những nỗi nhớ thương, mất mát vừa trải qua…

Dưới bàn tay khéo léo của Kiều Trang và Bõ Năng căn buồng lâu ngày bỏ không đã được thấy lại bộ mặt ấm áp của nó. Một chiếc tủ chè, một chiếc sập gụ, một cái tràng kỷ, cái bàn viết và mấy cái ghế, và trên tường điểm mấy bức tranh thủy mặc của Tề BạchThạch,lại thêm một bức hoành phi đề bốn chữ:”Băng hồ phiến tâm”. Đã nhiều đêm nằm trong căn phòng riêng này,tôi mơ hồ như ngửi thấy hơi hướng giường chiếu Hà Nội của tôi xưa kia.

Sáng nào khi trở dậy. Cụ Tú cũng sai Bõ Năng mời tôi lên uống trà. Cụ nghiện chè tầu và thơ, và tôi vô tình đã đóng vai người môn sinh rất chuyên cần để hầu tiếp cụ. Cụ hay ngâm thơ cổ Đường thi của Lý Thái Bạch, của Đỗ Phủ hay Vương Duy, Bạch Cư Dị. Cụ tỏ ý tiếc những tư tưởng hiền triết Khổng Mạnh đã không còn được áp dụng. Một đôi khi cảm hứng, cụ vui miệng kể cho tôi nghe cái bận vào dự thi tam trường, vì gặp phải giám khảo ăn hối lộ, nên bài của cụ bị đánh tụt xuống để nhận cái danh tú tài, nhường phần cử nhân cho một người khác may mắn có của hơn. Từ đấy cụ có ý phẫn chí, về làng chỉ ngày ngày vui với câu thơ chén rượu, hoặc dậy dỗ dăm ba đứa trẻ trong làng, ngoài xóm.

Về đời cụ, tôi không được rõ lắm. Chỉ lờ mờ do Bõ Năng thuật lại cụ bà đã mất hơn chục năm nay và cụ vẫn sống một mình như vậy đến tận bây giờ với người bõ già và cô con gái độc nhất Kiều Trang. Nghe đâu để tìm người thừa kế, cụ có nuôi một cháu giai hy vọng sẽ gây dựng để lo việc hương khói cho cụ sau này,nhưng một ngày đầu khởi nghĩa, người cháu cụ tham gia đoàn biểu tình cướp chính quyền tỉnh đã bị lính “quan tuần phủ “bắn chết.

Tôi nhận thấy cụ Tú lúc nào vẻ mặt cũng trầm ngâm ít nói, cụ ít đi lại giao thiệp với ai, chỉ thỉnh thoảng mấy ông trong Mặt trận Liên Việt đến chơi và hỏi cụ một số ý kiến về gây dựng phong trào” Đoàn kết toàn dân chống giặc cứu nước”.

Cái thú vui độc nhất của cụ là mấy chậu cây cảnh, dăm pho sách cổ với mấy chén chè ướp sen quyện hương thơm dịu nhẹ.

Từ khi tôi đến ở chung, cụ lộ hẳn vẻ vui mừng thành thực, coi tôi là một người bạn tri âm, mặc dù về tuổi đời tôi chỉ đáng là hàng con cháu. Nhất là lại biết tôi cũng thuộc dòng dõi khoa cử ngày xưa, và ông nội tôi cũng từng một thời trị nhậm tại tỉnh này, và từng làm được một số điều công ích đến này dân làng còn nhớ- nên tình cảm cụ dành cho tôi càng thêm đượm đà.

Khung cảnh ở đây vắng vẻ tĩnh mịch quá. Không tiếng chó sủa, tiếng gà khan, không một tiếng cười to nói mạnh. Tất cả chỉ phảng phất mơ hồ một không khí rất cổ xưa với những chậu cây cảnh những bức tường phủ rêu, và thêm vào đấy mái tóc bạc với cái êm ả của một cô gái mà lòng trong trắng chưa gợn một nếp răn. Lắm lúc ngồi hầu chè cụ, tôi có cảm tưởng như mình là một môn sinh tóc trái đào thời xưa đang ngồi lễ phép nghe thầy truyền giáo những tư tưởng thánh hiền. Tôi tự thấy tôi thành khép nép rụt rè không còn dám đem vào đây cái ồn ào nhâng nháo của phố phường Hà Nội.

Tôi nhận thấy một điều, tình cảm dành cho tôi không những đã dễ dàng đến với cụ Tú mà còn lan cả sang Kiều Trang, người con gái có dáng đi khép nép, có đôi mắt vị tha, có khuôn mặt trái xoan hiền dịu, có vầng trán thông minh thanh khiết và âm thanh nhẹ như tiếng gió mùa thu.Mấy hôm đầu Kiều Trang còn ngượng nghịu, trông thấy tôi chỉ đỏ mặt lẩn tránh nhưng dần dần Kiều Trang đã dám tiếp chuỵện tôi bằng cách trả lời những câu tôi hỏi. Những ngày sau lên pha chè hầu cụ Tú có tôi ngồi cạnh, Kiều Trang đã không còn lóng ngóng để nước chảy ra ngoài như mấy bận đầu.

Dần dần tôi còn nhận thấy Kiều Trang đối với tôi có những sự săn sóc tỉ mỉ mà người vô tình mấy cũng nhận thấy. Biết tính tôi thích hoa, sáng nào Kiều Trang cũng dậy sớm ra vườn ngắt một bó hoa hồng và sai bõ Năng cắm vào lọ trên bàn viết chỗ tôi ngồi. Những bông hoa mộc mạc còn đẫm sương buổi sớm có một hương thơm đặc biệt mà tôi chưa hề được cảm thấy bên những hoa đắt tiền ở Hà Nội.

Những lúc tôi vắng mặt là thế nào Kiều Trang cũng vào trong buồng để dọn dẹp hộ tôi. Cái bàn viết tôi thường dùng để ghi chép những cảm xúc vào những buổi tối, bao giờ cũng được Kiều Trang săn sóc cẩn thận hơn cả, sách vở giấy mà dù tôi có để bừa bãi nhưng khi Kiều Trang vào là được trở lại khuôn khổ trật tự đáng yêu ngay.

Lòng tôi rung động như cánh bướm non. Tôi không còn nghi ngờ gì tình cảm Kiều Trang đã dành cho tôi và hỡi ôi đối với cô gái trinh trắng này, chính tôi cũng đâm nghi ngờ cả lòng thẳng thắn của tôi nốt. Cái nhìn tôi tặng Kiều Trang đã bắt đầu xen đôi ý nghĩ xô rối. Và ở Kiều Trang mấy bữa nay có một số điểm thay đổi trong tính nết. Trước kia Kiều Trang hay bẽn lẽn im lìm,thì nay nàng đã hay cười, nói cười thành tiếng, ròn tan như thủy tinh. Hai má Kiều Trang ửng hồng như trái đào chín, mấy sợi tóc mây lòa xòa bên gò thái dương, đôi môi tươi tắn khẽ mấp máy để lộ đôi hàm răng ngọc vụn.

Trời, Kiều Trang đẹp quá! Một cái đẹp của vị say hương lúa, của trăng xanh đồng nội, của mây hồng buổi sớm, một cái đẹp cao quý quá, thanh khiết quá mà tôi chỉ dám đem lòng thờ vọng.

Một buổi sáng, không hiểu có sức mạnh gì thôi thúc, tôi trở dậy sớm hơn thường lệ. Tôi lững thững ra sau vườn định làm một vài môn cử động hô hấp. Bỗng tôi lặng hẳn người đi. Kiều Trang đang lúi húi tưới hoa. Kiều Trang mặc chiếc áo cánh lụa trắng cộc tay càng làm nổi bật làn da mát mịn, tóc Kiều Trang không cặp để rơi trễ nải xuống đôi vai thon nhỏ, trông êm ả như dòng suối mun. Giữa đám lá xanh rờn tươi mát, dưới một làn sương mờ buổi sớm mai, hình dáng Kiều Trang uyển chuyển mơ hồ như một tiên nữ giáng trần.Tôi đứng im không dám thở mạnh chỉ sợ làm tan vỡ cái khung cảnh mỏng manh thần tiên kia.

Tiếc thay một con chim từ trong bụi bay ra làm xào xạc vài cánh lá. Kiều Trang giật mình quay lại bắt gặp cái nhìn của tôi. Hai má Kiều Trang thốt nhiên đỏ rừ, Kiều Trang ngượng nghịu giơ tay vuốt lại mái tóc.Tôi khẽ hỏi:

Hôm nay cô Kiều Trang dậy sớm nhỉ.

Kiều Trang đáp nhẹ như gió thoảng:

Vâng hôm nay ông cũng dậy …

Tôi ngẩn ngơ,nói một câu hết sức vô nghĩa:

Sáng nào cô cũng dậy sớm tưới hoa mà tôi không biết…

Kiều Trang ấp úng:

Dạ!...

Tôi lúng túng cố moi một vài câu chuyện nữa để san lấp cái ngượng nghịu giữa hai chúng tôi nhưng không hiểu sao tự nhiên lúc nay cái khoa hoạt bát thường ngày của tôi mất hẳn, tôi thành dớ dẩn vẩn vơ

Kiều Trang chỉ biết ngập ngừng “vâng “ hay “dạ”.Bỗng nhà trên vẳng xuống mấy tiếng ho sù sụ. Tôi thấy Kiều Trang có vẻ hơi hốt hoảng:

Chết, thầy tôi đã dậy.

Rồi nàng hấp tấp đi lên.Đôi gót sen hồng lướt nhẹ trên những luống rau xanh rờn, tôi ngơ ngẩn nhìn theo tự giận mình sao không phải là một nhà thơ để sẵn sàng có nguồn thi tứ ngay lúc ấy.

Kiều Trang yêu tôi chăng? Ôi, từmg đêm không ngủ vắt tay lên trán, tôi thầm trách tôi nhiều lắm. Đã mang tấm thân lưu lạc về đây, cuộc đời vô định, không có gì chắc chắn cả, vậy mà tôi còn gây chi những xô rối cho cô gái ngây thơ trinh bạch này.

Lần đầu tiên tiếp xúc với tình yêu làm cho Kiều Trang quên cả những sự giữ gìn. Nàng bộc lộ tự nhiên quá, làm tôi nhiều khi cũng thấy ngại ngần. Và nếu tôi không nhầm, thì tình ý của hai đứa chúng tôi đã lọt vào đôi mắt tinh đời của cụ Tú. Hình như bữa ấy, Kiều Trang được cụ gọi vào buồng để nghe giảng thuyết về đức hạnh của người con gái phòng the. Và riêng tôi mất một ngày không dám giáp mặt cụ để nghe thơ cổ và hầu trà.

Tôi hết sức chống trả lại, tôi luôn tâm niệm sự tin cậy và lòng phúc hậu của cụ Tú để tự kìm giữ mình khỏi những việc làm trái phép; nhưng than ôi biết làm thế nào trong khi tôi vẫn chỉ là con người với tất cả cái nghĩa yếu hèn của nó. Mới đầu tôi cố tránh, nhưng thấy Kiều Trang cứ xoắn xuýt bên tôi, ý chí tôi nghiêm khắc bảo như thế là lầm lỗi,nhưng lòng tôi vẫn không đủ nghị lực để công bố một sự lãnh đạm dứt khoát. Cũng bởi sự dùng dằng đó nên mới có câu chuyện sau đây.

Tối hôm đó đâu mười sáu thì phải vì ánh trăng tròn và sáng lắm hơn mọi đêm. Nhân có bộ đội về đóng ở làng Trầm Xanh, có tổ chức một buổi diễn kịch tại đình để phục vụ bà con dân làng. Bữa cơm chiều vừa xong tôi đã thấy Kiều Trang chuẩn bị đi, nàng nói là còn lên rủ mấy chị em ở xóm trên nên cần phải đi sớm.

Ánh trăng vừa bắt đầu rạng ló trên nền trời nạm sao, thì tôi không có việc gì, cũng lững thững đi chơi, ra khỏi cổng, tôi đi xuyên qua một ngõ vắng ra đến cánh đồng để đến đình làng, bỗng một tiếng gọi nhẹ mơ hồ ở đâu đó:

Ông Văn.

Từ sau khóm tre,một bóng người mảnh dẻ bước ra, dáng đi hãy còn run run. Tôi khẽ giật mình:

Kiều Trang, chết chửa, tôi ngỡ cô đi xem kịch.

Kiều Trang ngắt một chiếc lá tre, vò nát trong năm ngón tay thon nhỏ :

Vâng, nhưng vì đông quá phải chen chúc, nên em chỉ đứng phía xa ngó lên một lát rồi về…

Tôi hỏi khẽ:

Thế bây giờ Kiều Trang về nhà chứ?

Kiều Trang bẽn lẽn:

Vâng, thầy em còn ở nhà  không?

Tôi trả lời ngây ngất nhìn đôi mắt Kiều Trang sáng long lanh dưới ánh trăng:

Cụ xuống xóm Cầu thăm cụ Đồ Nhuê lúc cô đi được một lát.

Cứ thế vô tình hai đứa chúng tôi cứ đi sát bên nhau mãi tới ngoài đồng. Chung quanh tôi vắng lặng. một luồng sáng xanh trùm lên cảnh vật tăng thêm vẻ mơ màng huyền bí. Từ xa văng vẳng đưa lại tiếng kèn trống hát ca rộn rịp của một đêm vui.

Đang đi cạnh tôi, Kiều Trang bỗng ngước cặp mắt nhìn về một phía chân trời xa, ở đấy đang nghi ngút những đám lửa cháy rực, nàng giơ tay chỉ và hỏi tôi:

Phải kia là Hà Nội, có phải không ông?

Tôi rùng mình khi nghe gợi đến mảnh đất thân thuộc phải rời bỏ:

Phải, chỗ có ánh lửa và sáng nhiều hơn cả ấy là Hà Nội.

Kiều Trang hỏi tôi:

Hà Nội vui lắm phải không ông.Em thấy nhiều người làng lên Hà Nội chơi, về ca ngợi nhiều lắm…

Tôi hững hờ:

Kể ra thì cũng vui với một số người,nhưng chưa chắc là toàn thể - những người chưa biết nhiều về Hà Nội thường hay nhầm tưởng như thế.

Trang có vẻ chăm chú:

Em nghe nói các cô gái Hà Nội đẹp lắm có phải không? Chắc ông quen nhiều các cô ấy lắm nhỉ?

Tôi hơi cau mày trước câu hỏi hơi bạo:

Chưa chắc,các cô gái Hà Nội đẹp thì có đẹp, nhưng không phải là cái đẹp tự nhiên, mà thường phải dựa vào son phấn bôi đắp. Còn như cái đẹp ở vùng quê đây mới là cái đẹp thực sự như…Kiều Trang đây.

Kiều Trang hơi đỏ mặt:

Ông lại khéo nói rồi.Em thỉ đẹp làm sao bằng các cô Hà Nội của...ông. Lần đầu tiên em nghe có người nói xấu các cô Hà Nội.

Nàng bỗng chép miệng:

Hoài của, Hà Nội vui và đẹp thế mà bây giờ tan nát cả. Chắc ông xa Hà Nội thấy nhớ lắm nhỉ. Em cứ suy như em chỉ thỉnh thoảng đi đâu có ít ngày cũng thấy nhớ làng mạc vô kể.

Chúng tôi đi ra giữa cánh đồng,ánh trăng xanh biêng biếc trên vòm trời cao. Đôi mắt Kiều Trang quyện dưới ánh trăng thực thực hư hư đẹp khó tả.

Tôi thấy Kiều Trang thẫn thờ nhìn ánh trăng rồi đột nhiên nàng hỏi tôi:

Ông này, ánh trăng màu gì nhỉ?

Tôi lưỡng lự:

Màu gì thì cô biết đấy.

Em thấy trong sách báo, các ông nhà văn thường tả ánh trăng vàng, nhưng riêng em,em thấy ánh trăng màu xanh. Không tin ông cứ trông người ông và người em đây này, có phải đều là màu xanh cả không?

Tôi bất giác nhìn lên tôi rồi nhìn lên Kiều Trang. Quả thực ánh trăng biêng biếc đang gội tràn trề lên đầu lên cổ,lên vai áo hai đứa chúng tôi, chúng tôi đi trong một luồng xanh kỳ ảo,nhất là đôi mắt Kiều Trang long lanh trông càng xanh quá. Rồi cả cánh đồng này,chỗ chúng tôi đứng đây cũng đều là màu xanh tuốt.

Lúc ấy tôi thấy quên hết tất cả, để bỗng ngây ngất nắm chặt tay Kiều Trang:

Kiều Trang.

Nàng trả lời rất ngoan:

Dạ …

Tôi kéo Kiều Trang sát vào người. Tôi cảm thấy thân nàng run lên,nhưng qua một tiếng thở dài, nàng nép vào vòng tay tôi.

… Bỗng một luồng gió mát thổi sạt qua làm tôi thốt thấy rùng mình. Rồi hình ảnh cụ Tú với đôi kính trắng, chồng sách nho với một tâm hồn cao cả hồn hậu rồi viễn cảnh những đám lửa cháy bên trong một kinh thành rộn tiếng gươm đao,khiến tôi thấy xấu hổ quá chừng.

Tôi ngẩng phắt lên và ẩy Kiều Trang ra bên. Cô gái chưa hết bàng hoàng thì tôi đã nói nhỏ bên tai nàng: “ Anh xin lỗi em “. Tôi thấy Kiều Trang lại khẽ buông một tiếng thở dài…

°

Tôi sợ hãi thấy mình ngày càng bị quyến rũ và khó tránh khỏi lỗi lầm cho nên cái buổi tiếp được thư ở bên kia tỉnh gọi tôi sang nhận công tác, tôi mừng thầm cho là một cứu cánh để thoát khỏi cái hố sâu chìm đắm. Tôi nhất quyết từ giã nơi khung cảnh này mặc dù cảm tình đã kết chặt trong tôi bao sợi dây luyến ái khó dứt. Hôm ấy sau bữa cơm chiều – tôi muốn dành đến phút cuối cùng mới công bố tin này- tôi chìa lá thư cho cụ Tú xem:

Thưa cụ, đang ở vui với cụ, cháu bất đắc dĩ phải ra đi thế này.Nhưng không lẽ cứ chơi mãi không tiện,phải tìm một công việc gì hoạt động, vừa là để đóng góp chung vào cuộc kháng chiến của nước nhà…

Đón cái tin đột ngột ấy, tôi thấy mặt Kiều Trang thốt nhiên tái mét. Chừng để giấu sự cảm động đang bộc lộ một cách quá rõ ràng, nàng vờ đứng lên rồi lẩn ra sau vườn. Cụ Tú cũng tỏ ý bùi ngùi. Cụ chậm rãi tháo cặp kính trắng xuống bàn và gấp lá thư trao trả tôi. Cụ nói mấy câu ngắn mà sao tôi thấy nhớ mãi không thể quên:

Kể cũng đáng tiếc đang ở vui.Nhưng biết làm thế nào, tuổi trẻ các ông cũng có nhiều nhiệm vụ trọng đại trong thời buổi đất nước loạn ly. Chúng tôi không dám đem những lời mềm yếu để làm thoái chí người trai lên đường vì sự nghiệp lớn. Để tôi bảo Bõ năng sửa soạn các thứ cho ông…

Tôi cúi đầu nghe những lời cảnh tỉnh của cụ, lòng rưng rưng một niềm hối hận trước những ngày dài ăn nghỉ ở đây. Ngay tối hôm đó, tôi thu xếp hành trang quần áo vào một chiếc ba-lô cũ. Tôi viết một lá thư dài cho Kiều Trang, nhưng viết xong đọc lại, không hiểu sao tôi lại xé đi.

Nửa đêm hôm đó, giữa cơn thao thức,tôi có cảm tưởng như bên ngoài cánh cửa buồng tôi có tiếng thở dài nghèn nghẹn. Linh tính thúc giục, tôi khẽ trở dậy,tháo then chốt thì vừa kịp thoáng thấy một bóng dáng mảnh mai chạy vụt lên nhà trên kèm theo một tiếng nấc cố kìm giữ mà không được. Tôi ngậm ngùi khép cánh cửa lại.

Sáng hôm sau tôi giật mình khi nhìn thấy Kiều Trang như hốc hác hẳn đi. Hình như cả đêm qua nàng không ngủ. Một vẻ buồn gợn trên khuôn mặt trắng xanh giờ càng thấy xanh hơn. Nhân lúc tôi ra giếng rửa mặt và cụ Tú còn đang nghỉ trên nhà, nàng theo sau khẽ hỏi tôi:

Thế anh đi thật à?

Tôi làm bộ bình tĩnh:

Vâng, tôi chưa kịp chào Kiều Trang ở lại.

Nàng nghẹn ngào,trong câu nói đã pha sẵn nhiều nước mắt :

Thế có bao giờ anh trở lại đây nữa không?

Rồi không đợi trả lời, nàng chạy vụt đi và cố giấu đôi hàng nước mắt.

Ngày hôm ấy tôi nhận thấy cụ Tú không vui. Không biết cụ buồn vì từ nay sẽ vắng một kẻ hầu trà và thơ hay lão luyện trong tình đời, cụ buồn vì đã kịp hiểu cái vẻ ngơ ngác của Kiều Trang. Tôi tin rằng vì cớ thứ hai thì đúng hơn.

Cụ ra hiệu gọi tôi vào buồng rồi rút trong túi ra đưa cho tôi năm cái giấy một trăm:

Tôi chắc ông cũng cần tiền từ đây sang Thái Bình, ông cứ cầm tạm lấy gọi là chút quà mọn tôi giúp ông. Nếu ông coi chúng tôi như người nhà thân mật, tôi mong ông sẽ không từ chối.

Tôi rưng rưng nước mắt.Chao ôi, tôi đã bội tín của cụ bao nhiêu thứ thiêng liêng nhất,mà đối lại, cụ vẫn xử hậu với tôi thế này chăng? Tôi nói một câu chân thành nhất tự đáy lòng:

Thưa cụ. Cụ đã có lòng giúp đỡ cháu không giám chối từ. Chỉ tha thiết xin cụ thứ lỗi cho những điều lầm lỡ mà cháu trót không phải trong khi nương nhờ tại đây.

Cụ cười khà khà dễ dãi:

Ồ có gì mà lầm với lỗi. Các ông còn trẻ cả. Mà tuổi trẻ thì không có gì đáng chê trách, để bụng.

Tôi đưa mắt như để tìm Kiều Trang, cụ hiểu ý:

Tôi vừa sai cháu nó xuống xóm dưới mượn hộ bộ sách.

Tôi chợt hiểu. Cụ muốn tránh cho tôi một sự bịn rịn lúc lên đường. Nắng vương trên mắt làm nhòa mấy hạt lệ. Mấy đám mây trên nền trời hôm nay trông cũng lủi thủi hơn. Tôi ngả mũ chào cụ Tú.

Mắt cụ Tú lúc này cũng thấy ươn ướt sau lần kính trắng. Cụ khẽ rung rung chòm râu bạc:

Chúc ông lên đường mạnh khỏe. Có dịp lại mời ông trở lại thăm chúng tôi và bà con xóm giếng nhé. Một ngày cũng nên tình nên nghĩa, huống hồ ông đã ở cùng với chúng tôi thế mà thấm thoắt đã hơn nửa năm.

Bữa ấy là một chiều cuối thu. Trên trời lảng vảng vài sợi mây trắng như dải khăn tang của người ly phụ. Dăm chiếc lá tre vàng úa chập chờn bay theo ngọn gió rơi xuống nền đất không tạo nổi một âm hưởng khô khan.

Văng vẳng đằng cuối xóm, một tiếng gà gáy uể oải buồn não ruột. Chưa hẳn đông về mà gió cuối thu nghe đã lạnh lùng đơn lẻ.

Đi một quãng xa, tôi dừng lại. Hình như cụ Tú và bõ Năng vẫn im lặng dưới khóm tre nhìn theo tôi, chòm râu bạc rung rung có phải cụ cũng đang buồn đang nhớ?

°

Tôi tạm rời xa khung cảnh làng Trầm Xanh với cụ Tú Lê, bõ Năng và nhất là với Kiều Trang để lao vào cuộc sống mới dồn dập hơn, sôi động hơn, không còn lẻ loi đơn độc mà có bạn, có đồng đội.Hình ảnh cô gái xưa đôi khi có trở về cũng chỉ trong những lúc tâm hồn lạc lõng nhất,nằm gác chân với vài gã bạn trai trong quán trọ vào lúc trời ngậm ngùi mưa, những tấm lòng hiu quạnh bới trong quá khứ để kể cho nhau nghe vài mẩu chuyện lòng thầm kín. Và chỉ qua một đêm ngao ngán với bài thơ dang dở sáng hôm sau trở dậy, nắng reo ấm áp, hành lý gọn trên vai,những đoàn quân đi như trẩy hội gặp ngang đường với những khúc tráng ca đã làm tôi thấy vui ngay và dễ dàng quên hết.

Nhưng rồi…Một buổi chiều chừng hơn năm sau. Có một bóng người đi xăm xăm về phía làng Trầm Xanh.Phong trần nhuốm trên người gã in dấu trên khuôn mặt sạm đen, bộ cánh nâu bạc mầu, đôi giày vải mòn vẹt cả hai bên đế. Không cần hỏi ai, gã xăm xăm bước qua cánh cổng làng như người quen thuộc lắm. Bỗng gã dừng hẳn lại mồm há hốc như cố kìm giữ một tiếng kêu sửng sốt. Cả một cảnh hoang tàn hiện ra trước mắt gã: những mái nhà đổ sụp chỉ còn là đống tro tàn,những lũy tre bị đốt trụi nham nhở ngổn ngang.

Lòng hoang mang, gã bước tới căn nhà ngói cổ kính của cụ Tú Lê khi xưa. Ta thấy gã nấc lên một tiếng như muốn khóc. Không còn cái mái phủ màu rêu, cái cổng có hàng chữ đại tự mờ nhạt,giờ đây trước mặt gã chỉ là một đống gạch vụn,mấy bức tường cháy dở xám đen đứng hớ hênh như bẽn lẽn với mưa nắng thời gian,cây đa um tùm ngoài cổng bị chặt cụt chỉ còn trơ lại cái gốc đen xì.Những loài cây nhỏ mọc chi chít quanh tường và trên nền đất cỏ dại đã cao gần tới đầu gối. Chết chóc đã thầm lén về đây. Lòng rưng rưng gã lách vào. Một tiếng động nhỏ,một đám chim sẻ trong bụi hốt hoảng bay lên,mấy chú chột nhắt mắt đen láy chạy vội vào nấp sau đống gạch và tò mò nhìn gã. Hoang lạnh giãi trên sự đổ nát, gã trai lần mò bới những lần vôi cát như cố hy vọng tìm thấy vật gì còn sót lại của căn nhà xưa. Gã bỗng giơ tay cao lên, hai mắt lóe sáng ngắm nghía một chiếc cặp tóc xinh xinh lâu ngày đã rỉ xám lại. Gã lặng lẽ cất vào túi áo.Cái cặp tóc này,một buổi năm xưa gã đã đùa nghịch bứt của người để giấu vào túi mình, cho nên đến giờ gã vẫn nhận ra.

Một tiếng động ngoài kia,gã đứng thẳng lên, môi mím lại tưởng như bao lần khác phải dùng đến sự phản ứng mạnh mẽ. Nhưng không, người mới vào chỉ là một ông già hiền lành ủ rũ trong bộ cánh nâu. Gã vui vẻ nhận ra trước: “ Kìa bõ Năng! Còn nhớ tôi không?”

Ông già ngờ ngợ giây lát:

-  Ai? à à..Ông Văn phải không?Chết chửa ông về chơi bao giờ thế? Ông để râu ria làm tôi không còn nhận ra!

Gã trai hỏi ngay cái điều đang làm gã nôn nao: ” Cụ đâu? Cô Kiều Trang giờ ở đâu?”

Một giọt lệ bỗng lăn trên gò má răn reo của người bõ già:”Ông còn hỏi gì nữa? Cô tôi… chết rồi. “

Và thân mật kéo gã trai đang đang lặng đi vì xúc động đến cực độ, người bõ già thân tín nhẹ đưa vạt áo lên lau đôi hàng lệ,ngậm ngùi kể khẽ, giọng buồn buồn như hòa tan trong nước mắt:

-  Ông đi chừng nửa năm thì chiến sự lan về đây.Cụ tôi chưa kịp tản cư thì một buổi sáng bất ngờ địch tấn công, bủa vây khắp làng,rối bắn, giết, đốt phá…Một số người làng bị chết, cô Kiều Trang bị trúng ngay loạt đạn đầu,ngay bên gốc cây bưởi kia mà khi xưa mỗi buổi chiều hè cụ Tú vẫn sai tôi bắc cái chõng tre để cụ và ông ngồi uống chè tầu bình luận thơ văn kim cổ. Cô tôi còn bị một chiếc mái tranh bốc cháy đổ sập lên trông thương tâm lắm.Ngót nửa số ngôi nhà trong làng bị cháy rụi, lợn gà trâu bò hoặc bị chết cháy, hoặc bị bắt đem đi không biết bao nhiêu mà kể.Thật là một cái tang khủng khiếp cho cả làng đời đời kiếp kiếp.Cụ tôi từ dạo ấy buồn bã bỏ làng sang ở làng bên với mấy cụ bạn thi cử xưa, dạo này chừng quá đau đớn nên suốt ngày u trầm không nói năng gì,và tính nết lẩn thẩn thế nào ấy. Riêng tôi vẫn thỉnh thoảng đi về thắp nén hương trên mộ cô Trang,và trông nom nhà cửa dù chỉ còn là đống gạch vụn,nhưng dù sao vẫn ghi bao kỷ niệm không thể nào quên. Ông muốn thăm mộ cô Kiều Trang à? Ở ngay giữa cánh đồng gần đây, để tôi dẫn ông đi. À tôi còn nhớ sau khi ông đi, nhiều lần cô Trang vẫn hỏi tôi chiến tranh loạn lạc thế này, không biết ông có còn nhớ trở lại thăm làng Trầm Xanh không nhỉ… Tội nghiệp cô tôi mất đi, cả làng ai cũng thương xót,nhiều người khóc và để tang vì đã từng chịu ơn cưu mang giúp đỡ của cô, một cô gái thật hiền hậu thương người- người như thế mà ông giời độc ác bắt phải chịu chết non yểu oan khiên như vậy…

Và gã trai mắt tê dại vì căm hờn gục đầu rất lâu trước nấm mộ xanh rì, leo lét khói hương. Gã lẩm nhẩm khấn nguyện tựa một câu thề:

Em  yêu. Bữa nay lòng anh đau đớn và tan nát quá thể. Thứ lỗi cho anh đã không làm gì được để bảo vệ cho em. Hình ảnh trinh trắng của em luôn sống mãi trong trái tim anh cùng với tất cả những gì tốt đẹp mà thầy và em đã dành cho em. Còn sống ngày nào anh xin nguyện sẽ làm hết sức mình để rửa hận cho em.Những quân lang sói từng gieo cái chết thảm thương cho em và bao người dân làng vô tội rồi đây nhất định phải bị trừng trị. Em khôn thiêng chứng giám cho lòng anh và phù hộ cho anh mãi đủ sức mạnh để làm công việc báo oán này.

Bữa ấy cũng lại là một chiều thu. Một cơn gió lạnh lướt qua bứt rời chiếc lá tre khô héo vật vờ trên không rồi đậu ngay trên mộ cô gái non yểu. Phải chăng trong chiếc lá kia đang có một linh hồn trinh nữ ngậm ngùi oan thác và đang chờ đợi một việc làm thiết thực của người trai như lời thề thốt thiêng liêng.

Lá rụng chiều thu

Biết bao cô gái đẹp Hà Nội đang vẩn vơ ước mùa thu, có cảm thông chăng câu chuyện mùa thu rất não nuột của người con gái làng Trầm Xanh mang tên Kiều Trang một thuở?

Hà Nội 15-11-1951