Nói về Song hiệp Bắc phái Lã Mai Nương và Cam Tử Long ăn tết Nguyên Đán ở nhà Lâm Thắng, đến qua Rằm tháng Giêng mới từ tạ mọi ra đi, định ý
xuống thăm thú Quảng Châu rồi sang Triệu Khánh Phủ tìm Miêu Thúy Hoa.
Một hôm tới Nam Hải huyện thì vừa xế chiều. Hai người đi qua An Quyền lộ thấy Vĩnh Thăng lầu vừa ý, liền vào lấy phòng trọ trên lầu.
Đêm đã khuya mà Tử Long cứ trằn trọc mãi. Mối thù chưa trả. Tăng tặc
biết đâu mà tìm. Nếu không có Mai Nương theo giúp, sớm khuya bầu bạn
thì...
Mai Nương!...
Nàng quả là một giai nhân tuyệt sắc, cân quắc anh thư hiếm có trên đời!
Lúc tay vung trường kiếm xông xáo giữa nơi muôn nguy vạn hiểm, nàng hùng dũng chẳng khác chi vị nữ thần tướng khiến quân địch phải kinh sợ, hãi
hùng. Khi bình thường, nàng kiều diễm khả ái, dịu dàng y hệt một thiên
kim tiểu thư cổng kín tường cao chuyên việc đường kim mũi chỉ.
Mấy năm nay rồi, nàng lãng phí tuổi xuân theo giúp chàng tìm kẻ phụ thù
trong muôn vạn dặm, khắp nẻo giang hồ. Liệu rồi đây nàng có theo chàng
mãi được không? Hay là Lã đại sư một ngày kia, sẽ gọi nàng về vì một lý
do gì khác? Nếu vậy, đời chàng sẽ buồn tẻ biết nhường nào!
Nói với mẫu thân chàng hỏi Mai Nương cho chàng ư? Chắc Cam mẫu sẽ rất
vui lòng. Nhưng còn Lã đại sư, người thân duy nhất của Mai Nương định
đoạt và lúc này chàng không thể dự đoán được Đại sư sẽ định đoạt cuộc
đời Mai Nương thân ái ra sao.
Một lý do nữa bắt buộc chàng lúc này đành âm thầm với một mối tình nồng
nàn kín đáo ấy. Đó là mối đại thù kia chưa trả được, lẽ nào đã tính tới
chuyện lập gia đình sao?
Tên Tăng Tòng Hổ kia còn sống ở trên đời, nhởn nhơ đi lại đó đây, vong
hồn phụ thân chàng còn chưa siêu sinh và chính chàng cũng chưa có quyền
được hưởng cảnh an nhàn êm ấm gia đình tại Cam gia trại bên người vợ dịu hiền... như Mai Nương.
Mai Nương nàng hỡi! Ta thương yêu nàng biết nhường nào! Ngày qua tháng
lại bất giác đã mấy năm trường đằng đẵng, ta hằng âm thầm ấp ủ bóng hình ai...
Chẳng hay Mai Nương có thấu tình? Hay nàng chỉ là vị anh thư cân quắc,
biết hoa ba thước kiếm lấy đầu kẻ tà gian trong chớp mắt, nhưng sắt đá
vô tình thờ ơ lạnh nhạt trước con tim đang rộn rã vì ai?
Thấy nóng nực quá, Tử Long nhẹ nhàng trỗi dậy, rón rén mở cửa lên sân thượng.
Chàng đứng giữa sân thượng lặng lẽ ưỡn bộ ngực nở nang hô hấp theo
phương pháp Tẫy Tủy Cân Tùng!... Tùng!... Tùng!... Xa xa trống huyện vừa điểm canh ba. Hô hấp đã đủ, Cam Tử Long đang định ra thẳng lan can,
bỗng thính giác rất tinh của chàng thâu được tiếng động nhẹ phía sau
lưng, chàng quay phắt lại thì nhận ra Lã Mai Nương. Chàng sung sướng hỏi :
- Tưởng sư muội ngủ say?
Nàng thản nhiên đáp :
- Tiểu muội vừa tỉnh giấc vì tiếng trống canh ba. Xây mình lại không
thấy sư huynh đâu, cửa lại mở hé, tưởng là đã xảy ra chuyện chi nên lên
đây tìm.
Trước cặp phượng nhãn long lanh, Tử Long sợ Mai Nương nhìn thấu tâm trí của mình nên nói tránh :
- Nằm giường đệm ngu huynh nóng nực quá chợt tỉnh giấc, nên lên đây thở không khí mát lạnh cho dễ chịu đôi chút...
Chàng bỗng im lặng, cầm tay Mai Nương kéo nàng ngồi thụp xuống nền gạch, tay kia đưa lên miệng ra hiệu nàng im lặng.
- Có người vừa nhô lên nóc căn nhà gần đây, căn nhà ở giữa khu vườn nhỏ kia kìa.
Nàng nói :
- Trên lưng bóng đen phảng phất có đeo võ khí?
Tử Long gật đầu và chạy vội xuống thang lầu lấy kiếm.
Trong khi ấy, Mai Nương chít lại ống quần, thắt đai lưng và cột chặt dây lụa quấn tóc thiệt gọn gàng.
Không còn cách gì hơn, Mai Nương vội ngồi thụp hẳn xuống núp sau bức lan can. Bóng đen vượt qua sân thượng tửu lần thiệt lẹ, vả lại vô ý nên y
không trông thấy nàng.
Y chuyền từ sân thượng tửu lầu sang nóc nhà bên rồi vùn vụt Mai Nương đứng lên nhìn theo.
Cam Tử Long lên sân thượng cầm theo hai trường kiếm. Mai Nương đỡ lấy
thanh Yểm Nhật đeo lên vai, chỉ tay về phía dạ hành khác vừa qua :
- Người đó vừa vượt qua đây, đang chạy kia kìa.
Song hiệp tức thì đuổi theo dạ khách, thấy y lẩn vào Nha huyện trộm hộp
ấn tín của Tuần Phủ Quảng Châu Tăng Thất Trung đang khi người kinh lý
qua Nam Hải. Tên dạ khách lấy ấn tín về giấu tại nhà y ở cạnh Vịnh Thăng tửu lầu. Song hiệp nom theo, rình nghe y khoe hộp ấn tín cùng em dâu là Cam Đại Tẩu và bảo Cam Đại Tẩu sửa soạn ghe thuyền để cướp bạc thuế của Tăng Thất Trung. Sáng hôm sau, dạ khách qua tửu lầu uống rượu bị Cam,
Lã nhận mặt, dò hỏi chủ quán mới hay y tên Trình Kiển Hoành, hiện giữ
chức Thiên Tổng trong Nha huyện. Cam, Lã thấy Trình Kiển Hoành có bộ
tướng lưu manh đạo tặc, nên hai người vào thẳng Nha huyện báo tin trên
cho Tuần phủ Tăng Thất Trung hay. Thất Trung vội lập mưu lưu Kiển Hoành
lại Nha, cho quân xét nhà lấy lại ấn tín, còn Cam Đại Tẩu thì trốn thoát cùng chống là Trình Thái Luân, em trai của Trình Kiển Hoành.
Nguyên trước kia Trình Thái Luân can tội cướp, bị Tăng Thất Trung bắt
được. Trình Kiển Hoành lập kế cướp tù xa cứu em, nên nay y oán giận Tăng Thất Trung, trộm ấn tín và định cướp tiền thuế cho Thất Trung bị tội,
không ngờ Song hiệp can thiệp cứu nguy Tăng Thất Trung và Trình Kiển
Hoành bị bắt như đã nói trên.
Giờ Mùi hôm sau, Cam, Lã lên đường đi Quảng Châu, đến Tây Thiền tự và
Quang Hiếu tự lễ Phật và làm quen với hai vị hòa thượng đồng đạo là Tam
Đức, Thái Trí. Song hiệp thuật vụ Hoàng Khôn lâm nạn bên Ác Dương huyện
cho hai hòa thượng nghe và cho biết đã cứu Hoàng Khôn trước khi Sư
trưởng tới nơi. Tử Long dò hỏi tin đạo tặc Tăng Tòng Hổ, nhưng Thái Trí
và Tam Đức đều không biết. Thái Trí bảo Tử Long ngày mai đến chùa, người sẽ giới thiệu một người bạn lên Bào Ngũ Bình, gốc người Quảng Đông, tựu chức tại Hàng Châu, may ra trong lúc Lôi Lão Hổ lập võ đài ở Hàng Châu, Ngũ Bình có biết tin Tăng Tòng Hổ không. Nhưng Tử Long không tiết lộ
tông tích mình và dò xét Ngũ Bình rất kín đáo vì sợ y quen thân Tăng tặc đạo.
Sáng hôm sau, khi Mai Nương, Tử Long đến Quang Hiếu tự thì Bào Ngũ Bình
đã tới trước từ lâu, đang nói chuyện với Thái Trí hòa thượng trong thiền phòng. Thái Trí giới thiệu đôi bên. Song hiệp kín đáo nhận xét thấy Bào Ngũ Bình là một người khả dĩ tin được.
Câu chuyện giữa bốn người hướng vào vụ đả Lôi đài ở Hàng Châu.
Lã Mai Nương nói với Bào Ngũ Bình :
- Đáng tiếc, lúc anh em tôi đến Hàng Châu thì trận đả Lôi đài đã chấm
dứt, giá đi sớm thì đã được thưởng thức nhiều trận đấu gay go, hào hứng.
Bào Ngũ Bính đáp :
- Tiểu thư chớ lo. Vụ đả Lôi đài chưa chấm dứt đâu. Người tổ chức Lôi
đài còn quanh quẩn ở Hoa Nam. Nếu nhị vị còn ở Quảng Châu, tôi sẽ giới
thiệu với y, tha hồ theo dõi các trận thượng đài có tổ chức hẳn hoi.
Câu nói thực thà, vô tình của Bào Ngũ Bình khiến Cam, Lã rất đỗi ngạc
nhiên. Hai người chỉ biết rằng người tổ chức Lôi đài là cố Đài chủ Lôi
Lão Hổ và người lập Mai Hoa Thung là Lý Ba Sơn, lẽ nào còn có đệ tam
nhân nữa? Kỳ thay.
Nghĩ vậy, Lã Mai Nương liền hỏi :
- Nhân vật tổ chức Lôi đài ấy là ai vậy, thưa tiên sinh?
Bào Ngũ Bình đáp ngay :
- Thiết Diện Hổ tướng quân
Mai Nương ngạc nhiên hơn nữa, nàng kín đáo đưa mắt nhìn Tử Long, đoạn hỏi thêm :
- Tướng quân Thiết Diện Hổ là tước hiệu, nhưng đích danh là gì?
- Không, Thiết Diện Hổ là tên thiệt chớ không phải tước hiệu. Tôi đã từng biết mấy người đồng họ ấy.
Sợ lộ chuyện, Mai Nương nói lảng sang chuyện khác.
Bào Ngũ Bình cũng kiếu từ ra về sau.
Cam Tử Long nói với Thái Trí :
- Tôi vẫn yên trí là Lôi Lão Hổ tổ chức Lôi đài, chớ lẽ nào có đệ tam
nhân đứng tổ chức. Vậy ra Lôi Lão Hổ chỉ là tay sai giữ chức Đài chủ
thôi ư?
- Người này hay người nọ tổ chức Vô Địch đài là chuyện thường có. Điểm
mà bần tăng thắc mắc nhất là người tổ chức lại là một vị tướng - nhân
vật của triều đình - thế mới khó hiểu chớ!
Mai Nương hỏi :
- Sư huynh có hỏi dò Tăng tặc đạo với Bào Ngũ Bình không?
Thái Trí gật đầu :
- Có. Nhưng y không nghe nói đến tên độc cước đại đạo ấy bao giờ cả. Họ
Bào hứa rằng khi nào nghe tin sẽ báo cho bần tăng biết ngay.
Song hiệp từ tạ trở về Thanh Thiên quán, Mai Nương nói với Tử Long :
- Tiểu muội muốn biết mặt tên Thiết Diện Hổ xem y là hạng người nào mà
đứng ra tổ chức vụ Lôi đài Hàng Châu. Bây giờ, ta sang Triệu Khánh phủ
thăm Miêu Thúy Hoa rồi trở lại Quảng Châu một lần nữa xem sao? Nếu không thấy gì lạ, chúng ta phải lên Giang Nam, chớ ở đất Quảng Châu này vô
ích quá.
Tử Long khen phải :
- Ta sẽ qua Võ Đang sơn xem sao, là người của phái Sơn Đông, ta có thể thăm Phùng Đạo Đức xem tình hình bên ấy thế nào.
Suy nghĩ giây lát, Mai Nương phản đối :
- Thăm Võ Đang sơn chỉ để thỏa mãn hiểu biết về vụ bất hòa khí giữa ba
phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Tây Khương thôi. Việc chánh yếu vẫn là sự truy
tầm kẻ thù của Cam gia, nếu ta lộ danh e Tăng Tòng Hổ sẽ tìm cách trừ ta cho khỏi hậu họa, hoặc là nó trốn tránh đi xa, chúng ta còn biết đường
nào tra cứu nữa.
Tử Long gật đầu :
- Sư muội suy luận xác đáng, ngu huynh xin bái phục. Qua Triệu Khánh phủ, lúc trở về sẽ hay.
* * * * *
Nói về Hồ Á Kiền trốn khỏi Thiếu Lâm tự, lẩn hồi về đến Quảng Đông, qua Dương Thành thăm vợ con.
Vợ Á Kiền là Hà thị thấy chồng về, thân hình mạnh mẽ hơn trước nhiều thì mừng rỡ thăm hỏi và kể lể việc bị bọn quân Cơ phòng áp bức mẹ con nàng, may nhờ anh em Phương gia cứu thoát.
Vốn đang căm hờn lại nghe nhắc chuyện cũ, Á Kiền uất hận, đùng đùng nổi giận.
Chàng nói :
- Ta đi Quảng Châu ngay bây giờ đánh cho chúng một trận tơi bời mới hả lòng thù hận bao năm!
Hà thị lo sợ can ngăn khuyên giải. Á Kiền ngắt lời :
- Đó là việc của ta, nàng khỏi lo.
Hà thị sợ hãi nín thinh. Nhờ số tiền của anh em Phương gia cứu trợ, Hà
thị mở tiệm chạp phô ngay ở Dương Thành, đồng ra, đồng vào đủ ăn. Nhờ
đó, họ Hồ có tiền, thu xếp hành trang từ giã vợ con, lân bang, lên Quảng Châu. Thoạt tiên, Á Kiền không muốn tới thăm Tây Thiền tự và Quang Hiếu tự, sợ hai hòa thượng Tam Đức, Thái Trí căn dặn quở trách, nhưng sau
chàng nghĩ Tam Đức, Thái Trí biết nỗi lòng đau khổ của mình nên có lẽ
đối xử với chàng không đến nỗi quá gắt gao. Tội chi không vào chùa ở cho đỡ tốn tiền quán trọ!
Nghĩ vậy, Á Kiền đến thẳng Tây Thiền tự thì gặp luôn cả Thái Trí hòa thượng hôm đó đến thăm sư huynh Tam Đức.
Thấy Á Kiền đeo hành lý lù lù đi vào thiền phòng, hai hòa thượng đều ngạc nhiên nhìn nhau.
Tam Đức hỏi :
- Ủa! Hồ sư đệ đi đâu thế này? Hết hạn học rồi hay sao?
Hồ Á Kiền vái chào, đặt hành lý xuống kỷ, chàng đáp :
- Tôi ở Dương Thành lên đây yết kiến nhị vị sư huynh.
- Nhưng khóa học đã hết đâu? Lẽ nào Sư trưởng cho phép sư đệ về ngang vậy?
Biết giấu diếm cũng chẳng được nào, Á Kiền quỳ xuống lạy hai đại sư
huynh, khóc lóc kể lể việc vợ con ở nhà túng thiếu, lên Quảng Châu nhờ
bà con thì bị bọn Cơ phòng ức hiếp, chàng nóng báo thù đành trốn Sư
Trưởng xuống núi hồi hương.
Thái Trí và Tam Đức thương tình Hồ Á Kiền, nhưng không dám phạm qui tắc
nhà chùa, nên giúp Á Kiền hai đĩnh bạc khuyên Á Kiền về Dương Thành cho
vợ con sanh nhai, để tiếp tục trở lại Thiếu Lâm tự học thêm cho thành
tài.
Biết tánh Tam Đức và Thái Trí rất cang cường như Sư trưởng, Hồ Á Kiền nhận bạc từ tạ đi luôn.
Chàng nghĩ lung lắm. Lời cương quyết của Tam Đức và Thái Trí lúc nào cũng văng vẳng bên tai. Chàng lẩm bẩm :
- Có lẽ nên trở lại Thiếu Lâm tự thật! Bản lãnh còn đang dang dở lỡ gặp
võ sĩ cao cường thì sao? Nguy hiểm cho tánh mạng, hại thanh danh môn
phái!... Hai năm nữa có là bao? Ờ, trở lại Thiếu Lâm, nhất định rồi.
Chắc Sư trưởng chỉ khiển trách qua loa, tái thâu một môn đồ hối cải...
Chàng vừa đi vừa nghĩ ngợi liên miên, hết phố nọ qua phố kia, không để ý người qua kẻ lại, bất giác tới khu giáp Tây pháo đài hôm đó có bọn Cơ
phòng ngồi trong tửu quán gần đấy.
Một tên Cơ phòng là Trương Viên có dự vụ đánh chết Hồ Thành mấy năm
trước, thấy thanh niên đeo hành lý đi qua cửa quán liền vỗ vai bạn là Lý Hòa mà rằng :
- Kìa! Lý đại ca coi, thằng nhỏ kia có phải là con Hồ Thành không?
Lý Hòa gật đầu, đứng dậy tiền về phía Á Kiền...
Sáu bảy tên Cơ phòng cùng uống rượu với Hòa bỏ thổi chạy theo hộ vệ. Hồ Á Kiền đang mải miết suy tính rất lung về vấn đề trở lại Tung Sơn hay
không đi nữa, chợt giựt mình vì tiếng chân bước mạnh ngay phía sau lưng. Chàng quay phắt lại thì vừa lúc Lý Hòa vỗ tay lên vai chàng.
Lý Hòa nhăn nhở sặc sụa hơi rượu :
- Này, Hồ tử, nhận ra chăng? Mấy năm nay mới trở về Quảng Châu mà không biết quỳ bái bá phụ ư?
Nghe luận điệu hỗn xược ngang ngược, Hồ Á Kiền không khỏi tức giận, nhưng cho là người lạ quá chén say rượu nói càn :
- Ta quen thuộc chi với nhà ngươi? Say nói càn! Đi đi!...
Lý Hòa trợn mắt, cười khẩy :
- Hồ tử! Bộ ngươi đui sao mà cho là ta say rượu? Không nhận ra bá phụ
đây là phó viên Cơ phòng Cầm Châu Đường sao? Ta còn nhớ bộ mặt ái nam ái nữ của ngươi trước kia vẫn ra chợ dẹp hàng hóa cho tên Hồ Thành mà!...
Biết điều vào hầu rượu ta trong quán, mau!
Không cần chờ Lý Hòa nói hơn nữa, chỉ hai tiếng Cơ phòng là đủ khiến Hồ Á Kiền hết nghĩ ngợi trở về thực tế.
Chàng đùng đùng nổi giận, sắc diện tái ngắt, cặp mắt trợn trừng trừng nguy hiểm. Á Kiền mắng lớn :
- Thì ra ta đang cố quên đồ cẩu trệ chúng bây mà bây tự dẫn thân đến miệng cọp, có chết cũng không oán, các con nhé!
Hồ Á Kiền bèn vung tay hữu tát trái một cái như trời giáng vào mặt kẻ thù.
Lý Hòa lộn bật người ra phía sau, đầu môi bị dập, miệng phun máu đỏ lòm. Nhưng y vùng dậy được ngay, tay ôm mặt, tay chỉ Á Kiền, hô lớn :
- Anh em đâu, bắt tên Hồ cẩu này cho ta!
Tức thì, bọn Cơ phòng kẻ đao, người côn xông vào vây tròn lấy Á Kiền.
Suốt mấy năm trường khổ luyện, họ Hồ chỉ chờ có dịp này đánh kẻ thù, Á
Kiền đảo mắt nhìn quanh nhận xét, thấy chỉ vỏn vẹn có tám tên Cơ phòng.
Chàng bình tĩnh khoanh tay cười lớn :
- Bọn bây đi đâu cả mà hôm nay chỉ có mấy tên cẩu trệ quèn này tới đây để tự sát đó ư?
Bị mất thể diện trước dân phố, Lý Hòa tay ôm mặt, tay chỉ Á Kiền hô :
- Đánh đi! Bắt sống nó về trụ sở cho ta hỏi tội, mau!
Đồng bọn Cơ phòng ùa vào, Trương Viên hăng hái nhào tới trước.
Lúc mới khởi đánh, Trương Viên đinh ninh rằng chỉ hạ một côn là Hồ Á
Kiền đủ bể đầu té quỵ. Chẳng dè đâu tình thế trái ngược hẳn lại, trong
chớp mắt cây côn đã nằm gọn trong tay Á Kiền và bị giựt mạnh. Trương
Viên mất thăng bằng chúi người về phía Á Kiền để lãnh luôn một cái đá
nên thân, té còng queo trên mặt đất, đau quá rên la om sòm.
Thừa dịp lợi thế, Á Kiền xốc tới đánh luôn một trận tơi bời. Biết không đủ sức áp đảo Á Kiền, Lý Hòa đứng xa hô lớn :
- Chạy đi anh em ơi, hôm khác sẽ đánh báo thù!...
Dứt lời, y rê chân tay. Bọn Trương Viên không chờ để nhắc tới hai lần hò nhau chạy nốt.
Dân phố thấy Hồ Á Kiền thắng trận, ai nấy đều vui vẻ bàn tán xôn xao.
Trước khi xảy ra trận đánh vừa rồi, Á Kiền còn phân vân chưa quyết định
theo lời Tam Đức hòa thượng ở lại, hay đi Tung Sơn bái lỗi Sư trưởng
tiếp tục khóa học cho đến lúc thật thành tài sẽ hạ sơn báo thù.
Bây giờ thì trái hẳn lại. Chàng nhất quyết ở lại Quảng Châu tàn sát bọn
Cơ phòng cho hả lòng căm giận. Lửa thù bao năm nay ngầm cháy trong tâm
chàng, nay đã hoàn toàn bùng lên với trận thắng đầu tiên.
Chàng định tâm đánh Cơ phòng tử một trận thiệt đích đáng cho hả lòng căm hờn. Sau đó chàng sẽ trở về Dương Thành buôn bán cùng gia đình độ nhật, không nói tới chuyện võ biền nữa.
Học võ để đả Cơ phòng tử, mục đích đó nay đã đạt, vậy cần chi trở lại giam mình trong kỷ luật thép của Thiếu Lâm nữa?
Vừa đi vừa suy nghĩ, Hồ Á Kiền mỉm cười sung sướng vì đã quyết định được con đường cần phải noi theo rồi. Thấy đói, khát chàng đi đến một phố
thưa người vào tửu quán lấy phòng trọ, gọi cơm, rượu ăn uống no nê.
Sở dĩ Á Kiền mướn phòng trọ mà không đến nhà những người quen thuộc trước kia là vị chàng e bị họ ngăn cản, thêm phần nản chí.
Tính toán kỹ, chàng định trêu học, khiêu khích khiến bọn Cơ phòng Cẩm
Châu Đường thiệt tức tối, cho mọi người biết rằng chàng sẽ đánh chúng
báo huyết thù. Có thể mới hả lòng căm giận.
Nghĩ sao làm vậy, Hồ Á Kiền đến tiệm làm đèn đặt mười chiếc đèn lồng
phất giấy trắng và mười tấm biển giấy, đoạn tự tay viết lên mỗi chiếc
đèn, mỗi tấm biển một đại tự, lần lượt như sau:
Hồ Á Kiền Đả Cẩm Châu Đường Cơ Phòng Tử
Sau đó, chàng nhờ ngay chủ nhân tiệm đến mướn hộ hai mươi người để rước
những đèn, biển ấy đi qua các phố có bọn Cơ phòng Cẩm Châu Đường.
Chủ tiệm lắc đầu, thè lưỡi :
- Làm đèn và biển thế này là quá lắm rồi, dù Hồ đại ca cho cả trăm nén
vàng cũng không một người phu nào dám nhận việc rước đèn biển khiêu
khích bọn tàn bạo ấy, mất mạng như thường.
Biết nói nhiều cũng vô ích, Hồ Á Kiền chợt nghĩ ra một kế hiệu lực hơn.
Chàng ra chợ tìm đến bọn hành khất vẫn thường tụ tập, cho chúng ăn uống
say sưa rồi thuê tiền làm việc ấy. Không do dự, tên đầu đàn hành khất
nhận lời ngay.
Y vỗ ngực la :
- Việc thế, chứ hơn nữa, Tiểu Thất này cũng chẳng từ.
Thế là sau hai hôm xảy ra trận đánh ở khu Tây pháo đài, chiều hôm ấy,
bọn hành khất rước đèn, rước biển rầm rộ kéo qua các phố Kiên Sa Nang,
Tân Kiều, Hàn Cơ, Thanh Tử, Y Linh miếu, Tây pháo đài, nơi có trụ sở và
chi nhánh Cơ phòng tử Cẩm Châu Đường.
Nói về tên đầu đoàn Lý Thăng đang tực bức về chuyện của Lý Hòa, Trương
Viên và đồng bọn bị thất trận hôm nọ, bàn tính việc tầm nã Hồ Á Kiền
đánh cho kỳ thác như Hồ Thành năm xưa, chợt có người chạy vào báo :
- Thưa Lý đại ca, có bọn hành khất rước đèn, rước biển đề câu hỗn xược hăm đánh chúng ta.
Tức thì Lý Thăng đẩy ghế đi vội ra cổng trụ sở.
Bọn Cơ phòng hầm hè :
- Trước khi kéo cánh bắt Hồ Á Kiền, ta hãy đánh nhừ tử bọn hành khất này đã, sau đó sẽ hay! Bêu riếu thế này chịu sao được!
Lý Thăng ngăn lại :
- Chư vị hiền đệ phải theo tôi, hành động như thế không được. Thiên hạ
biết rằng chính Hồ Á Kiền đã gây sự trước, sau này ta có hạ sát y cũng
không còn ai chê trách được nữa. Nhưng không được đụng chạm đến đám hành khất trong trấn. Chúng đông đến mấy ngàn tên, nếu đả tử một đứa, chúng
dám kéo toàn thể đến trụ sở ăn vạ thì phiền. Mặc chúng, mai sẽ hay!
Lý Thăng tức thì họp bàn cùng đồng bọn. Y nói :
- Á Kiền hiện thời không còn là tên trói gà không nổi năm xưa nửa, nhưng là một người có bản lãnh hẳn hoi, công khai nhục mạ chúng ta bằng cách
rước đèn, nêu biểu ngữ. Nếu không hạ thủ được tên Á Kiền ta sẽ mất hết
uy tín. Vậy ta phải đả tử Hồ Á Kiền bằng bất cứ giá nào. Vậy ai dám
đánh, ai sợ, khá cho tôi biết ngay để còn liệu bề mướn người có bản lãnh khả dĩ chống nổi Hồ Á Kiền.
Lý Hòa đỏ mặt đứng lên nói :
- Hôm rồi, chúng tôi không ngờ nên bị với Á Kiền, nay ta tổ chức trận
đánh hẳn hoi, lo gì không thắng? Đại huynh không nên tạm thua một trận
nhỏ mà mạt sát anh em.
Lý Thăng cười khẩy :
- Tôi lãnh trách nhiệm điều khiển anh em, nếu không tiên liệu, việc này
đến tai Lý Quế Phương tiên sinh, tất ta được nghe quở trách rồi đó. Chủ
nhân đâu có quở trách dằn mặt anh em, nhưng quở trách tôi, vậy yêu cầu
mọi người đừng cho rằng tôi quá gắt gao.
Trước lý lẽ của Lý Thăng, Lý Hòa im lặng và nhìn chòng chọc vào bọn Ngũ Ngưu đang ngồi cả trong phòng.
Nguyên trong bọn Cơ phòng tử Cẩm Châu Đường có năm tên du đãng có dũng
lực, biết sử dụng côn quyền, khá hơn hết cả là Quách Tấn Vỹ, Triệu Yết,
Châu Đạt, Hà Mãng và Hoàng Đắc Cảnh, dữ như hung thần khiến mọi người
đều sợ chúng, nên đặt tên cho là Ngũ hung ngưu, ngụ ý gọi chúng là năm
con trâu điên.
Thấy anh em họ Lý tranh luận về vụ Hồ Á Kiền, tên đầu đàn Ngũ ngưu là
Quách Tấn Vỹ, vốn thân với Lý Hòa, bèn cất lời bảo Lý Thăng :
- Can chi trưởng huynh phải bận tâm về việc nhỏ nhen này? Sáng mai anh em tôi sẽ lùng kiếm đả tử Hồ Á Kiền là xong việc!
Sáng hôm sau, trong khi bọn Cơ phòng tử ở trụ sở Tây pháo đài còn đang
nai nịt gọn ghẽ để đi tìm Hồ Á Kiền, thì Kiền đã vác côn đến nơi, bảo
tên canh cổng :
- Mi hãy vào gọi đồng bọn ra đây chịu chết và nói là Hồ Á Kiền đã tới. Lẹ lên!
Tên canh cổng không dám chậm trễ vội vàng trở vào báo Lý Thăng.
Tức khắc, Thăng cầm đao cùng Ngũ ngưu và hai mươi tên đồng bọn võ trang đầy đủ hùng hổ đi ra.
Thấy Hồ Á Kiền đơn thân, Lý Thăng liền át giọng :
- Á Kiền! Cớ sao ngươi vô lối gây sự với chúng ta là thế nào? Biết nghĩ
lại thì hãy liệu lời tạ tội đi, ta sẽ bỏ qua, chần chừ sau này e hối bất cập!
Á Kiền trợn mắt mắng lớn :
- Bọn cẩu trệ chúng bây đã nếm mùi thất trận, nếu biết điều trói tên sát hại phụ thân ta năm xưa ra đây, ta sẽ đại lượng tha cho toàn bọn mà chỉ bắt tội tên chánh phạm. Bằng như hèn mạt leo lẻo chối tội, ta sẽ hạ sát cả bè lũ khốn khiếp chúng bây, nghe chưa?
Bị Á Kiền hô đích danh sát nhân, Lý Thăng không lẽ chối cãi thì còn ra thể diện chi nữa? Y bèn đáp :
- Người đả tử Hồ Thành là ta! Phụ thân ngươi không biết nghe lẽ phải,
bướng bỉnh hỗn xược nên mới thành cớ sự như vậy. Lẽ nào ngươi lại theo
con đường đó nữa sao?
Thù nhân đứng lù lù trước mặt, Hồ Á Kiền nộ khí xung thiên, chỉ mặt Lý Thăng quát :
- Nhận tội sát nhân còn bẻm mép viện lễ nọ cớ kia! Coi đây!...
Dứt lời, Hồ Á Kiền nhảy vụt tới hoa côn đánh Lý Thăng, nhưng Ngũ ngưu
Quách Tấn Vỹ, Triệu Yết, Châu Đạt, Hà Mãng, Hoàng Đắc Cảnh đã lẹ chân
tiến lên chận ngang.
Quách Tấn Vỹ nạt :
- Á Kiền! Không được bạo động nơi đây! Muốn đấu thì ra bãi cỏ phía kia?
Thâu côn lại, Á Kiền cười khẩy :
- Được lắm! Các ngươi hãy đi trước. Bữa nay chớ hòng thoát thân, nghe!
Chàng cầm ngang cây côn chờ bọn Cơ phòng đi khỏi rồi mới theo sau. Dân
chúng khu Tây pháo đài cũng rủ nhau theo xem. Ra tới bãi cỏ, bọn Cơ
phòng dẫn thành vòng bán nguyệt. Ngũ ngưu nhất quyết che chở Lý Thăng
nên đứng chắn ngay phía trước.
Quách Tấn Vỹ tiến lên hỏi Á Kiền :
- Ngươi muốn đấu từng người một, hay là...
Á Kiền ngắt lời Tấn Vỹ :
- Ta đến đây để đả tử toàn bọn chúng bây chớ không thèm đấu nghe? Coi đây!
Dứt lời, chàng lăn xả vào quật ngang một côn ngang sườn Tấn Vỹ.
Khinh thường địch thủ vóc dáng thư sanh, Tuấn Vỹ đưa đao gạt côn địch,
chẳng dè ngọn côn vụt mạnh quá, toàn thân y rung chuyển, cánh tay tê
buốt, toan nhảy sang bên tránh sức tấn công như vũ bão ấy, thì đã bị Á
Kiền thúc luôn một đốc côn trúng ngực khiến Tuấn Vỹ kêu rống lên đau
đớn, cây thịt nặng nề đổ lật ra bãi cỏ.
Tứ ngưu Triệu Yết, Châu Đạt, Hà Mãng, Hoàng Đắc Cảnh vội xông vào vây
chặt lấy đối phương. Như Quách Tấn Vỹ, bốn tên này dù lực lưỡng khỏe
mạnh, song chẳng qua chỉ là bọn côn đồ ô hợp chống sao lại Hồ Á Kiền.
Đứng ngoài, tên đầu đàn Lý Thăng hò đồng bọn xông xả vào giúp Tứ ngưu.
Á Kiền vừa đánh vừa la :
- Bây vào càng đông càng hay!...
Nhằm tên Hà Mãng, chàng vụ chéo lại một côn trúng mặt. Đỡ không kịp, họ
Hà bị bể xương quai hàm, lăn cù ra bãi cỏ ôm mặt rên la inh ỏi.
Triệu Yết tưởng Hồ Á Kiền hạ côn kết liễu cuộc đời Hà Mãng, vội xiên một mũi giáo nhằm sườn địch thủ. Á Kiền quay phắt lại gạt mạnh khiến ngọn
giáo ấy vuột khỏi tay Triệu Yết. Hai tay tê buốt, tên này phát hoảng xây mình toan chạy, nhưng bị luôn một côn nữa lia tới trúng bắp chân...
Một tiếng rắc khô khan dội lên tiếp theo là tiếng kêu rống của Triệu
Yết. Tên này bị gãy xương ống chân, đau quá ngất lịm theo Hà Mãng.
Thấy Hồ Á Kiền hung hãn quá, Châu Đạt và Hoàng Đắc Cảnh chùn tay lùi
bước, nhưng chỉ trong giây lát cả hai cùng bị trọng thương lăn ra bãi
chiến.
Rảnh tay, Hồ Á Kiền xông bừa vào lũ hai mươi tên Cơ phòng hoa côn vù vù
đánh trận. Bọn Cơ phòng phát hoảng hò nhau chạy. Lý Thăng, Lý Hòa,
Trương Viên đứng ngoài cũng vội chạy trốn.
Á Kiền nhảy tới chận một chân lên ngực Lý Thăng, giơ côn quát :
- Oan gia tương báo, đồ cẩu trệ tưởng chạy thoát tay ta sao?
Tưởng Á Kiền hạ côn đánh bể sọ, Lý Thăng vội chấp tay leo lẻo xin tha mạng.
Trông diện mạo gian ngoa, hung ác của kẻ thù, Á Kiền nộ khí xung thiên.
Thì ra bọn tham sanh úy tử này chỉ chuyên cậy đông người hà hiếp kẻ hiền lương, nhưng trong lúc nguy hiểm thì chúng còn hèn hạ hơn ai hết.
Trong giây phút, nét mặt Hồ Thánh xanh xao phờ phạc, đau đớn trong lúc
lâm chung thoáng hiện ra trước mắt Hồ Á Kiền. Viễn ảnh ấy có hiệu lực
làm sôi máu hận thù nung nấu trong huyết quản.
Không nghĩ hơn nữa, Á Kiền dằn giọng :
- Khi hạ tay thảm đả phụ thân ra, người có nghĩ tới lời van xin của người bị ức hiếp không?
Nhìn sắc mặt của Á Kiền chuyển từ đỏ hồng sang tái lợt, cặp mắt trợn
trừng dữ dội. Lý Thăng cảm thấy như Tử thần đang dậm chân lên ngực y mỗi lúc mỗi thêm mạnh. Y mở miệng toan năn nỉ hèn hạ van xin tha chết nữa,
nhưng miệng y há mỗi lúc một rộng thêm, lưỡi thè hẳn ra ngoài môi, hai
mắt trợn ngược như muốn lòi ra khỏi má, sắc diện chuyển từ đỏ gay sang
tím bầm, đầu y ngả sang một bên.
Hồ Á Kiền nhấc chân ra khỏi ngực Lý Thăng, hất xác kẻ thù úp sấp mặt xuống cỏ.
Quanh bãi cỏ, người ta bu lại xem khá đông đảo.
Á Kiền liệng cây côn, lững thững đi ra. Dân phố dàn sang hai bên nhường lối cho chàng đi. Ai nấy đều hân hoan.
Được bọn Cơ phòng báo có tên côn đồ Hồ Á Kiền đến gây sự tại trụ sở Cẩm
Châu Đương, phủ quan Quảng Châu là Lục Thọ Vân vội phái. Giáo đầu Nghiêm Trung đem quân bản hộ đến khu Tây pháo đài can thiệp.
Tới nơi, Nghiêm giáo đầu thấy người nằm ngổn ngang trên bãi cỏ và Hồ Á Kiến đứng sừng sững bên đường bèn hỏi lớn :
- Tên Hồ Á Kiền chạy rồi, phải không?
Hồ Á Kiền thản nhiên đáp :
- Không, người hạ sát Lý Thăng và đả thương bọn Cơ phòng Cẩm Châu Đường là tôi.
Ngạc nhiên, Nghiêm Trung nhìn kỹ lại. Á Kiền, thấy chàng mảnh khảnh vóc
dáng cho sanh, không thể tin được rằng con người ấy đã dám đả tử và đả
thương bấy nhiêu người ấy.
Nghiêm giáo đầu nghiêm giọng :
- Vụ này không phải chuyện chơi. Thanh niên hãy theo ta vào đây xem xét tử thi.
Á Kiền nói :
- Giáo đầu khá an tâm, Á Kiền này là con Hồ Thành bán hàng ngoài chợ năm xưa ai ai cũng biết mặt quen, tôi không trốn lẫn đâu mà ngại.
- A. Con trai Hồ Thành, bán tạp hóa phải không?
Á Kiền lẳng lặng gật đầu.
Nghiêm giáo đầu truyền lệnh quân lính tạm trói chàng lại trong khi xem
xét tử thi Lý Thăng và bọn Cơ phòng trúng trọng thương. Họ Nghiêm còn
hỏi những người đã mục kích trận đánh để lấy chứng cứ lập biên bản trình thượng cấp.
Về tới phủ nha, Nghiêm giáo đầu tường trình tự sự với phủ quan Lục Thọ
Vân. Hồ Á Kiền khai rất minh bạch việc phụ thân chàng bị bọn Cơ phòng đã tử hơn ba năm trước và riêng phần chàng học tập võ nghệ quyết báo thù.
Trong khi lục vẫn cả hai bên nguyên bị và các nhân chứng, Lục Thọ Vân,
phái giáo đầu thân tín Nghiêm Trung đi điều tra. Bản phúc trình của họ
Nghiêm phù hạp với khẩu cung của Á Kiền. Vốn người chí hiếu, phủ quan
khen thầm Hồ Á Kiền là hiếu tử nên hạ lệnh trả lại tự do cho chàng.