Lã Mai Nương Truyện Full

Chương 22: Trên đường Tây Thiền tự, tiểu khách đánh bọn Cơ phòng Bắt gian vương quỷ kế, Lâm Thắng cầu cứu thiền sư

Nói về Ngũ Mai thiền sư và mẹ con Phương Thế Ngọc cùng mọi người trở về
Quảng Đông hội quán. Dân Quảng Đông ai cũng vui mừng về vụ Thiền sư đại
thắng Lý Ba Sơn trên Mai Hoa Thung.

Trái lại, Thiền sư nét mặt rầu rầu không vui.

Người gọi Miêu thị, Thế Ngọc vào phòng, nét mặt nghiêm trọng hỏi rằng :

- Miêu điệt nữ, giờ đây vụ Lôi đài thế là chấm dứt, con định thế nào?

Miêu thị chắp tay thưa :

- Bạch sư bá, con về Triều Dương và có ý thỉnh sư bá cùng đi.

Ngũ Mai lắc đầu :

- Không, ta về Hàng Châu và can thiệp vụ lôi đài thế này là quá nhiều
rồi. Với cái chết của Lý Ba Sơn hậu quả sẽ rất phiền phức, lớn lao. Con
phải gởi Thế Ngọc lên Thiếu Lâm tự cho Chí Thiện trực tiếp dạy thêm ít
lâu nữa. Riêng phần con chớ xao lãng việc luyện tập thường nhật, tổ chức việc canh phòng trong nhà, ta e kẻ thù sẽ tìm đến tận nơi ám toán đó.
Sửa soạn trước vẫn hơn.

Miêu Thúy Hoa nói :

- Lời vàng ngọc của sư bá ban dạy, con nguyền nhất nhất tuân theo. Thật
ra con rất buồn về vụ Lôi đài lại xảy ra quá lớn lao đến nỗi phiền toái
cả sư bá.

Ngũ Mai thở dài :

- Nếu Ba Sơn biết nghe lời ngay lẽ phải đâu đến nỗi mạng vong? Y cố tình tử chiến, lao đầu đánh lẹ quá, nếu ta lách né thì y cũng lăn xuống
chông sắt, bởi vậy ta đã cố hắt bổng y lên định lấy trớn đưa hẳn y ra
khỏi khu vực cắm chông. Không hiểu Ba Sơn dụng ý thế nào mà không những
không ra khỏi Mai Hoa Thung, ngay đến việc đảo người đưa chân đáp xuống
Trụ Bộ cũng không nổi, vì thế mới táng mạng. Mũi tên khởi chiến đã phát
đi rồi không sao lấy lại được nữa. Giờ đây toàn thể chúng ta phải hoàn
toàn sửa soạn, sẵn sàng chờ đón các trận giao tranh có thể xảy ra bất
chợt không cứ thời gian nào.

Miêu Thúy Hoa hỏi :

- Sau đây sư bá định vân du nơi nào?

- Ta lên Tung Sơn ngay để cho Chí Thiện sự đệ hay tự sự. Hậu quả vụ Mai
Hoa Thung có lẽ sẽ tập trung cả vào Thiếu Lâm tự. Nếu cần, ta sẽ ở lại
đó liệu bề cùng Chí Thiện đối phó tùy theo sự biến chuyển của tình thế.
Nếu Chí Thiện vân dung vắng, ta sẽ chờ ở Tung Sơn. Con có gặp thì nên
nói cho Người biết liệu trở về núi gặp ta.

Miêu Thúy Hoa nhất nhất vâng lời.

Ngũ Mai thiền sư đi khỏi, Phương Đức cũng từ tạ mọi người để đem vợ con về Triều Dương.

Về đến nhà, hai con trai lớn là Hiếu Ngọc, Mỹ Ngọc ra đón, cả nhà mừng rỡ đoàn tụ.

Phương Đức bảo vợ dọn về Triệu Khánh ở ít lâu để tránh bọn Lý Ba Sơn.

Miêu thị cũng thuyết phục chồng cho gởi ba đứa con đến Thiếu Lâm tự trau dồi và học thêm võ nghệ. Phương ông ưng thuận cho ba con lên Thiếu Lâm
tự. Miêu Thúy Hoa sửa soạn hành trang đầy đủ cho ba con vào chùa.

Mấy hôm sau, ba người vào hậu sảnh từ tạ song thân đeo hành lý ra đi.

Ngày đi đêm nghỉ, từ Triệu Khánh sang Quảng Châu, đường đồng bằng dễ đi, chẳng bao lâu tới nơi thì trời đã nhá nhem tối. Hiếu Ngọc rủ hai em vào tửu quán trọ qua đêm.

Hôm sau, ba anh em ra Đông Môn Tiểu Dương lộ để đến Quang Hiếu tự tìm Chí Thiện thiền sư.

Thái Trí hòa thượng Trường tự là môn đồ Thiếu Lâm, thấy ba người lạ mặt liền hỏi :

- Quý vị tìm sư Trưởng có việc chi?

Phương Thế Ngọc đáp :

- Bạch sư phụ, chúng đệ tử tìm Sư trưởng xin theo học.

Thái Trí nghi ngờ nhìn ba người :

- Quang Hiếu tự cũng nhận đồ đệ tại sao phải tìm Thiền sư?

- Chúng đệ tử có phong thơ cần trao tận tay Sư trưởng. Bức thơ đó của Miêu gia.

- A! Miêu Hiển phải không?

- Dạ.

Thái Trí hòa thượng chỉ tay sang phía Tây mà rằng :


- Các ngươi may mắn lắm đó. Sư trưởng hiện ở Tây Thiền tự, Chi Lục lộ.
Sang đó sẽ gặp Người ngay. Nếu cần, bần tăng cho tiểu tăng dẫn đường.

Hiếu Ngọc đáp :

- Cám ơn sư phụ, đệ tử biết đường đi rồi.

Nói đoạn, ba anh em Phương gia từ tạ Thái Trí tìm đường đi sang lối Tây môn.

Ba anh em đi vòng qua đường nọ phố kia, tới Cơ phòng lộ thì chợt thấy
một thiếu phụ trang phục bình thường đang dắt một tiểu nhi trạc mười
một, mười hai tuổi vừa chạy vừa khóc. Đuổi theo sau mẹ con thiếu phụ là
hai người mặt mũi đỏ gay có lẽ vừa uống rượu xong.

Một người nói lớn :

- Đánh chết nó đi anh em ạ, nó dám chửi mình, hỗn xược quá!

Hai người đuổi kịp mẹ con thiếu phụ, giằng tiểu nhi vuột khỏi tay thiếu
phụ và một người đưa tay định tát vào mặt đứa nhỏ... Nhưng bàn tay đó
chưa kịp hạ xuống thì Phương Thế Ngọc đã lẹ như cắt nhảy chồm tới gạt
sang một bên :

- Khoan! Sao lại đánh tiểu nhi? Việc gì cũng còn có nơi phân xử chớ!

Bị cái gạt do tay Thế Ngọc cứng như sắt, người nọ ôm tay nhăn nhó. Ba
anh em Phương gia thừa dịp đứng chắn vào giữa ngăn hẳn hai người nọ và
mẹ con thiếu phụ. Người không bị đau tay hùng hổ quát :

- Ba tên này là hạng nào mà dám can thiệp vào việc của chúng ta, đánh chết nó đi anh em ơi!

Dứt lời, người ấy xô tới đấm luôn một quyền nhằm mặt Thế Ngọc.

Thế Ngọc gạt luôn cái nữa khiến người ấy chao hẳn thân đi mấy vòng té sấp xuống mặt lộ, kêu la ầm ĩ.

Đồng thời, từ đâu đó có hai mươi người tay đao, tay côn võ trang đầy đủ, xông tới bổ vây ba anh em họ Phương vào giữa.

Thế Ngọc la lớn :

- Nhị huynh bảo vệ mẹ con người này, mặc tiểu đệ cho chúng một bài học hay quen thói bắt nạt kẻ hèn yếu!

Thế Ngọc nhảy thẳng đến trước mặt tên đầu đoàn bắt cây mộc côn và đạp luôn cho gã một cái lộn ngược vào đồng bọn.

Chàng hoa côn đánh dạt bọn người sang một bên. Phương Hiếu Ngọc cũng đoạt mộc côn của đối phương xung trận.

Hiếu Ngọc, Thế Ngọc xung trận dữ dội như hai con cọp đói, hung hãn,
thiệt ra hai chàng cốt nạt nộ cho đối phương thấy mươi tên đồng bọn bị
đòn đau phải sợ hãi rút lui. Biết không địch nổi hai thanh niên hung
thần, bọn đông người hò nhau chạy rùng rùng náo loạn cả khu phố.

Thừa lúc nhốn nháo, Phương Hiếu Ngọc không muốn bận bịu lôi thôi ra vào
chốn công môn, bèn bảo Mỹ Ngọc đem mẹ con thiếu phụ chạy trước ra Tây
môn, còn chàng và Thế Ngọc giả đò đuổi đánh rốc một trận nữa rồi cũng
lẫn vào đám đông người đi mất. Lúc Hiếu Ngọc và Thế Ngọc đến Tây môn Chi Lục lô thì đã thấy Mỹ Ngọc cùng mẹ con thiếu phụ ngồi chờ dưới gốc cổ
hòe cành lá rườm rà che rợp mái tam quan.

Thế Ngọc nhìn lên Tam quan xây bằng đá phiến thấy có đục nổi ba đại tự
“Tây Thiền Tự” kiểu triện. Thiếu phụ dắt tay con quỳ lạy Hiếu Ngọc, Thế
Ngọc tạ ơn cứu mạng. Hai người vội đứng lánh sang bên, Hiếu Ngọc nói :

- Giúp đỡ người yếu thế là lẽ thường, mời nương tử đứng lên kẻo anh em
tôi áy náy vô cùng. Nguyên do câu chuyện thế nào? Tại sao lại bị người
ta đuổi đánh như vậy?

- Thưa, câu chuyện dài lắm, thiếp xin kể rõ ràng...

Nguyên ở đất Dương Thành gần Quảng Châu, có một người tên là Hồ Thành
lên Quảng Châu thuê một căn nhà nhỏ ở cùng vợ là Đỗ thị và vợ chồng con
trai mệnh danh Á Kiền và Hà Kim Mai, chuyên buôn tạp hóa. Đến mùa gặt
năm ấy, Đỗ thị cùng vợ chồng Hồ Á Kiền về Dương Thành thâu ít lúa ruộng
cấy rẽ, tới khi trở lên Quảng Châu thì đã thấy Hồ Thành nằm rên khừ khừ
trên giường, mặt mày thâm tím, hàng hóa mất sạch.

Hồ Á Kiền kinh hoàng, vội quỳ xuống bên giường thăm hỏi.

Hồ Thành thở nặng nhọc, trào máu miệng bập bẹ được mấy câu :

- ... Chết mất... bọn Cơ phòng.

Trăng trối tới đây, Hồ Thành ho lên mấy tiếng cực nhọc, ngoẻo đầu trúc
linh hồn. Hồ Á Kiến khóc sướt mướt, làm đơn trình quan xin khám nghiệm
tử thi.

Chẳng dè bọn Cơ phòng núp sẵn đâu đó chờ Á Kiền vừa ra khỏi nhà được vài chục thước, liền áp đánh Á Kiền một trận nhừ tử. Chúng lục soát trong
túi Á Kiền đoạt lá đơn và đe dọa sẽ đánh chết nếu còn trình báo lôi
thôi.

Đỗ thị thương con vội vàng cùng nàng dâu chôn cất ngay Hồ Thành và cùng
về thẳng Dương Thành lo phục thuốc cho Hồ Á Kiền. Nằm đến hai tháng mới
lành bệnh, Á Kiền hằn học, uất ức thề quyết báo phụ thù.

Nhưng thân hình mảnh khảnh, tướng học trò bẻ gà chẳng nổi thì báo với hận sao nổi bọn Cơ phòng hung hãn tựa hùm beo?

Á Kiền chợt nhớ hồi còn ở Quảng Châu được nghe nói Tây Thiền tự, chi
phái Thiếu Lâm, có thâu nhận môn đồ truyền dạy võ nghệ, chàng bèn lẳng
lặng ra đi sợ mẹ và vợ con can ngăn.

Lên tới Quảng Châu, Hồ Á Kiền tìm thẳng đến Tây Thiền tự xin ra mắt vị
Trưởng tự, Tam Đức hòa thượng. May cho họ Hồ gặp dịp Chí Thiện thiền sư
tới nơi thăm đồ đệ là Tam Đức. Thấy Á Kiền kể lể sự tình xin theo báo
thù cha, Thiền sư thương tình nhận y làm đồ đệ và đưa về Tung Sơn truyền võ nghệ, Á Kiền đi được hơn một năm, Đỗ thị buồn cảnh gia đình, cũng
mãn phần. Năm ấy con trai y là Hồ Á Đức mới lên bảy tuổi.

Hà Kim Mai lo tang ma cho mẹ chồng, lúc xong việc thì gia tài cũng gần khánh kiệt.

Luôn mấy năm mỏi mắt trông chồng nhưng bóng chim tăm cá, Á Kiền vẫn biệt dạng vô tin tức, họ Hà thì ngày càng túng thiếu, chợt nhớ có người bà
con nhà chồng ở Tôn Hội Hà lộ trên Quảng Châu, hai mẹ con nàng liền thu
xếp lên Quảng Châu vay món tiền sinh nhai tại quê nhà.

Hơn ba năm rời thành thị, Hà Kim Mai loạng choạng thế nào mà đi nhằm
ngay phố có cơ sở Cơ phòng, có mấy tên Cơ phòng nhận được mặt biết nàng
là vợ Hồ Á Kiện bèn thả lời ong bướm.

Hà thị sợ hãi không dám hé răng lủi thủi dắt con bước lẹ.

Lúc đó Hồ Á Đức đã mười một tuổi, khôn ngoan, thấy hai người lạ cố theo
trêu chọc mẫu thân, y liền cáu tiết phỉ nhổ chửi mấy câu. Bọn Cơ phòng
nổi giận quát mắng :

- Thằng ôn con này “phạm thượng”! Ông cha mày còn bị chúng ông đánh cho táng mạng nữa là mày, miệng còn hôi sữa!...

Hà thị sợ hãi vội lôi Hồ Á Đức chạy thục mạng, đang khi nguy ngập thì gặp cứu tinh...

Nghe Hà thị kể gia cảnh đến đây, ba anh em Phương gia cùng mủi lòng thương cảm.

Phương Thế Ngọc dậm chân, nắm tay mà rằng :

- Biết thế hồi nãy đánh cho bọn côn đáng chết mấy tên mới đáng tội chúng. Tức cha chả là tức!

Hiếu Ngọc gạt đi :

- Tam đệ chớ nóng nảy! Gây hấn nơi xa lạ này có ích lợi gì? Cứu được người là hay rồi, còn nhớ song thân dặn bảo gì không?

Nói đoạn chàng quay lại hỏi Hà thị :

- Hiện giờ nương tự hoàn toàn không biết tin tức gì về lệnh lang quân?

- Thưa không, Hồ lang bặt vô âm tín từ ngày đó đến nay.

Hiếu Ngọc mở bọc hành lý lấy hai đĩnh bạc đưa cho Hà thị :

- Nương tử hãy cầm lấy số bạc này và tức khắc trở về Dương Thành sanh
nhai. Đừng luẩn quẩn ở Quảng Đông nữa lỡ tái gặp bọn Cơ phòng thì khốn
to.

Hà thị cực chẳng đã nhận số bạc.

Hà thị bảo Hồ Á Đức lạy tạ anh em Phương gia rồi giắt nhau trở gót Dương Thành. Còn ba anh em họ Phương thì vào Tây Thiền tự. Vừa tới sân trước
đại điện thì gặp một vị hòa thượng đủng đỉnh bước ra.

- Mô Phật, ba vị tráng sĩ vãng cảnh chùa?

Anh em Phương gia kính cẩn đáp lễ, Hiếu Ngọc nói :

- Mô Phật, chúng đệ tử từ Triệu Khánh tới đây muốn hỏi thăm Chí Thiện sư trưởng.

- A! Quý danh là chi? Hỏi thăm Sư trưởng có việc gì?

Hiếu Ngọc đáp :

- Đệ tử là Phương Hiếu Ngọc và đây là nhị đệ Mỹ Ngọc, tam đệ Thế Ngọc, có một phong thơ đệ trình Thiền sư.

Hòa thượng hỏi :

- Thơ của ai vậy? Bần tăng có thể biết được chăng?

- Thưa, thơ của Miêu gia tục danh Thúy Hoa.

Hòa thượng tươi hẳn nét mặt, sáng ngời long lanh như điện :

- A, Miêu sư muội! Ba vị tráng sĩ là thế nào với Miêu gia?

- Họ Miêu là kế mẫu chúng đệ tử, còn Thế Ngọc đây là đích tử.

- Nếu vậy chúng ta là người nhà rồi. Bần tăng đạo hiệu Tam Đức, Trưởng
tự Tây Thiền. May mắn, sư trưởng vừa vân du tới đây nghỉ chân được vài
ngày, hiện giờ đang ở hậu điện. Xin theo bần tăng.

Ba anh em Phương gia kính cẩn theo sau hòa thượng.

Vào tới hậu điện, anh em Phương gia thấy một vị hòa thượng bệ vệ vóc
dáng cao lớn y hệt Ngũ Mai nhưng ít tuổi hơn. Hòa thượng có cặp mắt long lanh như hai vì tinh tú, mũi cao, cằm lớn, cổ to vai rộng, thoạt nhìn
cũng đủ hiểu là người dũng lực vô song. Người vận áo thụng màu thẫm xẻ
bên, lộ ra quần đồng màu, gài trong đôi ống vớ bằng vải trắng thắt dây
vải đen trông thiệt gọn gàng. Hai chân vận thiên hài vải đen tuyền.

Vị hòa thượng đó cổ đeo tràng hạt, hai tay chắp ra sau lưng, đang đi đi
lại lại trên hành lang hậu điện. Thấy Tam Đức cùng ba thanh niên tráng
sĩ đi tới, hòa thượng ngừng bước chăm chú nhìn. Anh em Phương gia đoán
ngay là Chí Thiện thiền sư, Trưởng phái Thiếu Lâm. Tam Đức nói nhỏ :

- Sư trưởng đứng trên hành lang kia kìa.

Vào tới nơi, Tam Đức hòa thượng chắp tay thưa :

- Bạch sư phụ, ba tráng sĩ đây là người nhà Miêu Thúy Hoa, ái nữ của Miêu sư thúc từ Triệu Khánh phủ đem thơ đến hầu.

Anh em Phương gia tiến lên hành lang, đồng loạt quỳ lạy yết kiến. Hiếu Ngọc đệ trình phong thơ. Sư trưởng cầm thơ nói :

- Cho các hiền điệt đứng dậy.

Anh em Hiếu Ngọc kính cẩn, khép nép đứng sang bên. Sư trưởng đọc thơ xong nhìn qua rồi chỉ từng người một mà rằng :

- Đây là Hiếu Ngọc, Mỹ Ngọc và Thế Ngọc phải không?

Thế Ngọc lẹ miệng thưa :

- Bạch sư phụ, phải rồi ạ.

- Các hiền điệt khá theo ta vào đây.

Anh em Phương gia theo Sư trưởng vào Thiền phòng nơi đầu điện. Người
ngồi xuống bực đá trải bồ đoàn và chỉ hàng ghế bên bảo anh em Thế Ngọc
ngồi xuống.

- Các hiền điệt theo lời mẫu thân xin tòng học tu chỉnh Quyền pháp?

- Dạ.

Thế Ngọc toan theo lời mẹ dặn, trình Sư trưởng vụ Vô Địch đài và Mai Hoa Thung ở Hàng Châu thì Người đã hỏi :

- Mấy vụ giao tranh Hàng Châu thế nào? Thế Ngọc kể rõ ràng ta nghe.

Thế Ngọc bèn tường thuật các việc xảy ra ở Hàng Châu và nói tiếp :

- Bạch sư phụ, hiện thời Ngũ Mai sư bá còn chờ Người trên Tung Sơn.

Sư trưởng gật đầu :

- Việc đó không sao, Sư bá còn chờ tới khi ta trở về Tung Sơn.

Thế Ngọc thuật luôn vụ chống đánh bọn Cơ phòng cứu mẹ con Hồ Á Đức.

Sư trường giật mình hỏi :

- Hiền điệt nói sao? Phải chăng Hồ Á Đức là Hồ Á Kiền người đất Dương Thành?

Thế Ngọc đáp :

- Thưa phải. Hà thị có kể chuyện gia đình đáng thương cho chúng con nghe.

- Hiện nay người đó đâu rồi?

- Thưa, chúng con tặng tiền bạc cho mẹ con Hà thị về Dương Thành rồi. Bạch sư phụ có gì can hệ không?

Sư trưởng chậm rãi :

- Hồ Á Kiền đang theo học trên Thiếu Lâm. Y nhập môn hơn ba năm rồi,
tình cảnh rất đáng thương. Ta không ngờ y bỏ vợ con ra đi. Đã mấy lần y
xin phép về nhà báo thù nhưng ta không ưng thuận.

Thế Ngọc thưa :

- Đánh bọn Cơ phòng không có gì khó khăn, thiết nghĩ Hồ Á Kiền dư sức báo thù sau thời gian tập luyện dư ba năm.

Sư trưởng ngước mắt nhìn thiếu niên họ Phương :

- Đành rằng đánh bọn Cơ phòng không khó khăn gì, lỡ chúng mượn võ sư
chống trả thì sao? Chúng sẽ bỏ tiền ra mua chuộc võ sư cao cấp dị phái
chống đối Thiếu Lâm, thành thử sau vụ Lôi đài Hàng Châu, ta đang tính
cách dàn hòa chưa xong mà còn để xảy ra vụ Cơ phòng nữa chẳng quá thất
sách lắm ru? Còn hy vọng dàn xếp được ngày nào vẫn phải cố gắng như
thường, và chỉ dùng võ lực chống đối khi nào không còn lối thoát nữa.


Sư trưởng vừa dứt lời thì Tam Đức hòa thượng bước vào hỏi :

- Thưa Sư phụ, có cần thu xếp phòng ở cho ba tráng sĩ này không?

Sư trưởng gật đầu, đoạn Người chỉ Tam Đức mà bảo anh em Thế Ngọc :

- Tam Đức hòa thượng đây là đồ đệ của ta, các hiền điệt tuy theo môn
phái từ lâu, nhưng nay mới chánh thức nhập Thiếu Lâm, vậy phải hành lễ
nhập môn, chịu luật lệ quy chế Thiếu Lâm tự mới tiện chánh thức xưng hô.

Tam Đức nói :

- Ba tráng sĩ theo bần tăng về phòng tắm gội thay áo cho sạch sẽ để chịu lễ ngay từ hôm nay.

Sửa soạn xong xuôi, ba anh em Phương gia lên đại hùng bảo điện chịu lễ.

Ba người quỳ trước bàn thờ Đạt Ma sư tổ, đèn nến sáng choang, hương trầm nghi ngút. Chí Thiện sư trưởng vận cà sa ngồi bên hữu bàn thờ, người
thẳng như pho tượng. Tam Đức trưởng tự, đứng bên tả đọc các điều lệ cho
ba vị tân đồ nghe.

Chờ Tam Đức đọc xong, anh em Phương gia hành tam bái trước bàn thờ Sư
tổ, tuyên thệ nhất nhất chịu theo quy tắc Thiếu Lâm tự đặt danh dự môn
phái lên trên hết, sống theo chánh nghĩa, nếu phản bội sẽ chịu sự hành
phạt của nhà chùa. Thề xong, ba người quay lại quỳ lạy Chí Thiện sư
trưởng xưng hô “Sư phụ”. Đoạn ba người vái Tam Đức kêu bằng sư huynh.

Chí Thiện cho ba anh em họ Phương biểu diễn cho Người xem rồi nói :

- Với sức họa hiện tại, ba đồ đệ chỉ cần ở bên ta hai tháng trời là đủ,
không cần phải lên Tung Sơn, nhưng ta sẽ đem các con về chùa. Một môn đồ Thiếu Lâm dù tài nghệ cao siêu đến bực nào mà không biết rõ cảnh Tung
Sơn, cũng chưa thể gọi là hoàn toàn được. Từ nay trở đi, các đồ đệ ngày
ngày tập luyện dưới sự điều chỉnh của ta, khi về đến Thiếu Lâm tự đỡ mất thì giờ. Chờ ít ngày nữa sẽ lên đường.

Anh em Phương gia mừng rỡ, nhất nhất tuân lời.

Chiều hôm ấy, Sư trưởng đang chỉ bảo anh em Phương gia mấy thế bí truyền về Côn pháp thì chợt có tiểu đồ vào báo :

- Bạch Sư trưởng, có người xưng danh là Lâm Thắng xin yết kiến.

Sư trưởng quay lại bảo Thế Ngọc :

- Hiền đồ ra xem thế nào, dẫn y vào khách phòng ta sẽ ra đó sau.

Lát sau, Sư trưởng ra tới nơi thấy một thanh niên hảo hán trạc hai mươi
lăm tuổi, diện mạo chân phương, y phục vấy bụi, đứng ngoài hành lang
cùng Phương Thế Ngọc. Người đó rơm rớm nước mắt phục lạy Thiền sư :

- Bạch sư trưởng, xin Người cứu giúp cho, sư phụ tiểu đồ là Hoàng Khôn hiện đang lâm cảnh lao lung.

Thiền sư giật mình :

- Hoàng Khôn làm chi mà vương cảnh lao lung.

- Thưa, hiện thời đang bị giam tại Ác Dương huyện trong tử lao, cổ đeo
gông ba tạ, châm cùm ba tạ, không hy vọng thoát nổi lao lung.

Chí Thiện dậm chân, cau mặt :

- Nhưng ta muốn hiểu rằng người nào đã đeo nổi mấy thứ đó vào cổ và chân y chớ! Hoàng Khôn đâu phải vậy vô tri vô giác! Bắt Hoàng Khôn đâu có dễ dàng như thế được? Ta biết tâm tính nó chân phương nhất mực, làm gì nên tội.

Nguyên Hoàng Khôn tự Tĩnh Ba là một cao đồ của Thiếu Lâm tự.

Được nhập học từ lúc còn ít tuổi, Hoàng Khôn ở luôn trên Thiếu Lâm tự
cho đến lớn nên đạt mức cao đồ. Tánh tình quảng giao, hiền hậu, Hoàng
Khôn được thầy, bạn rất đỗi quý mến.

Hồi mới từ Tung Sơn về, không muốn song thân phiền muộn, Khôn lấy vợ là
Cam Phụng Ái, nhưng chẳng mê luyến cảnh tay ấp má kề, ngày ngày chỉ tụ
họp bè bạn luyện tập côn quyền. Cam thị đành sống âm thầm, bầu bạn cùng
Cam Ngọc Lan, cô em đồng phụ dị mẫu của nàng.

Khi cha mẹ quy tiên, Hoàng Khôn tiêu tán hết sự nghiệp, Cam Mộng Ái
không chịu nổi cảnh bần hàn nên thường nặng lời trách cứ chồng, khiến
gia đình chẳng mấy khi được êm ả.

Suốt thời gian, kể từ khi ở Tung Sơn về, Hoàng Khôn có thâu một đồ đệ là Lâm Thắng. Học thành tài, Lâm Thắng mở ngay tại nhà một ngôi Võ đường
thâu nhận học trò sanh nhai.

Sau Hoàng Khôn nhờ Lâm Thắng giúp phương tiện đến điều khiển ghe đánh cá cho tiệm Hoàng An ở Hải Dương. Trong khi ấy, Mộng Ái và Ngọc Lan ở nhà
thông dâm cùng tên Mã Xuyến, con của một cường hào giàu nhất huyện Ác
Dương. Một hôm, Lâm Thắng bắt gặp chúng đang tình tự tại nhà Mộng Ái.
Hai chị em Mộng Ái ôm Lâm Thắng lại để Mã Xuyến chạy thoát. Lâm Thắng
định chờ Hoàng Khôn về sẽ mách cho sư phụ rõ. Nhưng Mộng Ái nhờ tên mai
mối của Mã Xuyến là hai mụ Trương Thiện Duyên và Lý Tịnh Duyên ở Nga Mi
am, bày kế mách với Hoàng Khôn rằng Lâm Thắng toan cưỡng bức hai chị em
nàng. Hoàng Khôn hiểu lầm, vội tìm Lâm Thắng trị tội. Lâm Thắng không
biện bạch được lời nào đành chạy trốn.

Tên Mã Xuyến hay cớ sự, nhờ hai mụ mai mối lập mưu mua chuộc tên cai
ngục, buộc tên hải đạo Viên Tất Quý vừa bị bắt, khai cho Hoàng Khôn là
đồng đảng hải tặc thường đi lại với Hà Lão Ưng, đầu lãnh thủy tặc Hải
Dương, Tri huyện Ác Dương là Điêu Tấn Bình vội vàng sai Sầm An và Kỳ
Tường, dùng thuốc mê pha rượu phục Hoàng Khôn uống say bắt được. Hoàng
Khôn bị mang gông, đeo xích nặng, tra tấn nhục hình nên đành nhận tội
bừa chờ dịp thoát thân.

Lâm Thắng hay tin Hoàng Khôn bị bắt và mình bị tầm nã nên vội sang Quảng Châu cầu cứu cùng Chí Thiện thiền sư.