Lá Cờ Ma

Chương 25: Lời nguyền chết chóc

Tôi không kể cho bác Chung Thư Đồng nghe về cái chết li kì của Vệ Tiên, bởi lẽ cái tên này không có ý nghĩa đáng kể nào với bác, câu chuyện tôi kể đã đủ khiến bác ngạc nhiên lắm rồi.

"Thật không ngờ lại có thể như thế", bác Chung Thư Đồng lặp lại câu ấy không biết bao nhiêu lần trong lúc nghe tôi kể.

Ngay cả một bậc lão niên như bác khi nghe tôi kể về kế hoạch lớn lao mà ngày ấy mình vô tình tham gia vào cũng trở nên vô cùng hiếu kì và một lòng muốn biết rõ, bốn anh em nhà họ Tôn năm xưa rốt cuộc định làm gì. Bởi thế, bác vội vã giục tôi cho bác xem mấy bức ảnh tôi đã chụp và một nửa lá cờ ma đó trong khi tôi chưa kịp lấy chúng ra.

"Ồ?"

Gương mặt bác Chung Thư Đồng đầy vẻ ngạc nhiên khi trông thấy tôi trải nửa lá cờ đỏ ra.

"Đây chính là lá cờ đó hả cháu?", bác quay đầu lại hỏi tôi.

Tôi gật đầu tỏ ý khẳng định.

"Hình vẽ trên lá cờ này không giống với hình vẽ trên lá cờ bác phác hoạ cho cháu, nhưng cháu nghĩ lá cờ mà Tôn Huy Tố nắm chặt trong tay khi chết không thể là lá cờ khác được".

"Nhưng tại sao những hình vẽ của nó lại khác hoàn toàn so với hình vẽ trong trí nhớ của bác nhỉ, màu sắc thì gần giống đấy, lẽ nào, bác già rồi nên trí nhớ không còn minh mẫn nữa chăng?"


"Cũng không hẳn như thế đâu bác ạ. Những hình vẽ trên lá cờ của bác, bác Dương Thiết và bác Phó Tích Đệ đều không giống nhau, hai bác đó đều rất tự tin vào trí nhớ của mình. Có lẽ, lá cờ này có khả năng làm hiện lên những hình vẽ khác nhau trong mắt mỗi người. Lá cờ này vốn ẩn chứa nhiều điều kì quái, thêm một vài điểm kì quái nữa cũng không phải là không thể đâu bác ạ."

"Thế nhưng hình vẽ cháu nhìn thấy trên lá cờ lúc này là gì, có phải là mấy con long li không?", bác Chung Thư Đồng hỏi tôi.

"Đúng thế bác ạ. Cháu và bác có cảm nhận giống nhau rồi thì không còn tác dụng ban đầu nữa". Giọng nói của tôi hơi trầm xuống. Đứng trước một bậc đại học giả như bác Chung Thư Đồng lại nói mấy chuyện thần kỳ quái đản mà ngay cả bản thân còn chưa tỏ tường thì quả thật là khiếm nhã.

Không ngờ bác Chung Thư Đồng lại gật đầu tỏ ý đồng tình. Rồi bác đưa ánh mắt hướng trở lại lá cờ.

Vỗn dĩ, tôi định đưa mấy bức ảnh cho bác xem, nhưng lại thấy bác có vẻ đăm chiêu nên lại thôi.

Bác Chung Thư Đồng nhìn chăm chăm vào lá cờ một lúc, sau đó bác lấy một chiếc kính lúp bội số cao để có thể quan sát tỉ mỉ hơn. Gương mặt đeo kính lão của bác mỗi lúc một ghé sát lá cờ.

"Lá cờ này được làm từ một chất liệu bác chưa từng được thấy bao giờ. Nó không phải được dệt từ sợi tơ hay sợi bông, bác nghĩ cháu nên gửi mẫu đi kiểm tra thành phần của nó. Biết bao nhiêu năm như vậy, xương thịt con người cũng đã thành cát bụi vậy mà hình như thời gian không thể tác động lên lá cờ này", câu đầu tiên của bác Chung Thư Đồng lại làm tôi có chút thất vọng.

"Căn cứ theo những hình vẽ của nó thì có lẽ đây là một lá quân kì".

"Một lá quân kì ạ?"

"Ừ, có thể là một lá quân kì của thời Hán, thời Tam Quốc, hoặc thời Tấn, nhưng bác nghiêng về thời Tam Quốc nhiều hơn. Lá quân kì này đại diện cho một người có ngôi vị tương đối cao đấy", bác Chung Thư Đồng bổ sung thêm.

"Đúng rồi bác ơi, nếu lá cờ này là một lá quân kì thì có thể lí giải được rồi ạ", tôi cảm thấy hớn hở vì vừa nghĩ thông suốt một mắt xích.

"Có thể lý giải điều gì hả cháu?"

"Chính là tác dụng của lá cờ này đấy bác ạ. Lá cờ này có thể tạo ra một sự uy hiếp đáng sợ đối với những người nhìn thấy nó, nhưng quân đội của mình nếu nhìn thấy nó lâu ngày sẽ trở nên quen thuộc và có thể khắc chế được nỗi sợ hãi. Hơn nữa, đối với những người ở cách lá cờ trong một phạm vi nhất định sẽ cảm thấy sĩ khí được dâng cao giống như những sĩ tốt thân cận bảo vệ chủ soái; còn đối với quân đội của kẻ địch lần đầu trông thấy lá cờ sẽ cảm thấy như vừa bị giáng một đòn chí mạng. Lá cờ này đã được tạo ra và sử dụng trên chiến trường trong thời đại chiến tranh loạn lạc."

Nói tới đây tôi chợt nhớ tới nguyên nhân khiến "khu ba tầng" được bảo vệ nguyên vẹn trong mưa bom bão đạn, nên bổ sung tiếp: "Lá cờ này vẫn có thể phát huy tác dụng to lớn của nó ngay cả trong chiến tranh hiện đại bác ạ".

Bác Chung Thư Đồng thừ người ra một lúc rồi thở dài: "Đáng tiếc là nó đã bị rách, hi vọng có thể tìm được nửa còn lại để bác cháu mình khám phá ra nguyên lý của nó. À, còn những bức ảnh đâu rồi cháu?"

Tôi nhanh nhẹn lấy từ trong túi ra những bức ảnh đã được in cỡ lớn trên loại giấy ảnh chuyên dụng đưa cho bác Chung Thư Đồng xem.

Bác Chung Thư Đồng lần lượt xem từng bức ảnh, lông mày của bác nhíu lại mỗi lúc một lâu.

Bác chậm rãi quan sát, lật đi lật lại mười mấy bức ảnh trong hơn hai mươi phút đồng hồ, đặc biệt là bức ảnh đặc tả cái đầu lâu quái dị đó.

Lúc mới quan sát những bức ảnh, bác khe khẽ lắc đầu, nhưng càng lúc bác càng lắc đầu mạnh.

Cuối cùng, bác ngẩng đầu lên, mỉm cười chua chát: "Thật xấu hổ quá, những kí hiệu khắc trên tường trong mộ đạo và trên cổng vòm, bác chưa từng tìm thấy bao giờ".

Nghe bác Chung Thư Đồng nói thế, tôi không khỏi ngạc nhiên.

Bác ấy là bậc lão làng trong giới sử học, nổi tiếng uyên bác và tinh thông nhiều điều. Tuy bác chuyên tìm nghiên cứu về lịch sử thời Tam Quốc, nhưng với lịch sử các thời đại khác nhau của Trung Quốc, bác cũng xứng danh là chuyên gia. Theo lý mà nói thì dù bác không chuyên tâm nghiên cứu những ký hiệu này song vẫn có thể biết được xuất xứ của nó hay chút manh mối nào đó mới phải.

"Xét từ hình dáng của cửa mộ thì đây có thể là một ngôi mộ cổ thời Tam Quốc, nhưng những ký hiệu này quả thật bác chưa nhìn thấy bao giờ. Những ký hiệu này cũng chưa từng xuất hiện trong những ngôi mộ cổ ở thời Tam Quốc và cả ở các thời đại khác nữa. Bác chỉ có thể khẳng định với cháu, chúng chắc chắn không phải chỉ là những hình vẽ trang trí vô nghĩa, mà chắc chắn ẩn chứa một ý nghĩa quan trọng nào đó".

Nói rồi bác Chung Thư Đồng rút từ trong xấp ảnh ra năm bức ảnh và bảo: "Cháu để mấy bức ảnh này lại đây để bác từ từ nghiên cứu nhé!"

Tất nhiên tôi đồng ý.

Bác Chung Thư Đồng lại rút ra một bức ảnh đặt trước mặt tôi và nói: "Riêng với bức này thì bác có một chút suy đoán của riêng bác, có thể không được chuẩn xác lắm, cháu tham khảo nhé!".

Chính là bức ảnh chụp đặc tả chiếc đầu lâu.


Bác Chung Thư Đồng chỉ tay vào vào cái lỗ lớn phía trên trán của chiếc đầu lâu trong bức ảnh, nói: "Tuy điều này nằm ngoài sức tưởng tượng của bác cháu ta, song nhìn vào bức ảnh có thể thấy, cái lỗ này là bẩm sinh, vì ngôi mộ cổ với quy mô đồ sộ như thế này không thể có kẻ đột nhập vào bên trong và chọc một cái lỗ lên chiếc đầu lâu sau khi chủ nhân của ngôi mộ cổ này từ giã cõi đời được. Thêm vào đó, cái lỗ này nhẵn bóng như vậy, không phải là vết tích do chủ nhân của nó bị một thứ vũ khí nào đó đâm phải khi còn sống".

"Ý của bác là..."

"Là con mắt thứ ba", danh từ mà bác Chung Thư Đồng vừa nhắc đến khiến người ta trợn mắt há mồm kinh ngạc

Tôi đã từng liên tưởng, cái lỗ lớn này rất giống một con mắt thứ ba, nhưng đó chỉ là sự liên tưởng tuỳ tiện của tôi, vì tôi chưa bao giờ nghe ai đó có con mắt thứ ba cả. Thế mà bây giờ, bậc lão làng của giới sử học lại nhận định như thế, hơn nữa, bác nói với một thái độ rất thận trọng và nghiêm túc.

"Bác không biết vì nguyên nhân gì, có lẽ do đột biến gen, nhưng trong sách sử, quả thực có những ghi chép về một số người có con mắt thứ ba. Bác nghiên cứu những cuốn sách viết về lịch sử cho đến bây giờ, có đối chiếu giữa các loại tư liệu và nghiên cứu thêm những cuốn bút ký dã sử, có đôi lúc phát hiện ra nhiều điều mà ngay cả bản thân bác cũng không dám tin. Trong lịch sử có ba người biến thành hổ, khả năng này cũng có thể tồn tại, nhưng nhiều khi, tư liệu đề cập về các phương diện lại đưa bác đến với một kết quả mà bác không thể chấp nhận được. Thường thì bác chôn kín những mối nghi hoặc đó ở trong lòng, vì xét cho cùng, những thứ đó vốn dĩ đã bị chìm dưới dòng sông lịch sử, bác không nhất thiết phải khơi chúng ra. Bây giờ, bác muốn chia sẻ điều ấy với cháu, người có con mắt thứ ba có thể tồn tại trong thực tế và những người như thế thường có khả năng kì lạ mà người bình thường khó lòng tưởng tượng nổi".

"Vậy theo bác biết, nhân vật nào trong lịch sử có con mắt thứ ba ạ? Thời Tam Quốc có người như thế không ạ?"

"Nhị Lang Thần Dương Tiễn trong truyền thuyết dân gian rất có thể là người có con mắt thứ ba thật đấy. Hoàng đế khai quốc Hoàng Thái Cực của triều Thanh cũng được lưu truyền là có thiên nhân. Nhưng người có con mắt thứ ba ở thời Tam Quốc thì bác chưa nghe nói đến".

Thời Tam Quốc không có ư? Chủ nhân của ngôi mộ cổ này rõ ràng là thời Tam Quốc mà!

"Nhưng trong sách sử thời Tam Quốc cũng có ghi chép về một vài con người có khả năng kì dị", bác Chung Thư Đồng chậm rãi nói.

Ra khỏi cánh cổng lớn của nhà bác Chung Thư Đồng, tôi mải miết nghĩ tới những người ở thời Tam Quốc phù hợp với những phân tích vừa rồi, người nào có thể có con mắt thứ ba, người nào có khả năng là chủ nhân của ngôi mộ cổ... Cả người tôi bải hoải vì đắm mình trong dòng suy nghĩ và vì cả giấc ngủ không yên lành đêm qua. Tôi đờ đẫn tới mức không biết mình đã ra tới ngã ba đường. Tôi bị một chiếc xe đạp đi lướt qua quệt phải, người ta chửi thề mấy câu theo phản ứng tự nhiên, nhưng tôi lại thấy vui mừng, vì nếu không phải bị người phụ nữ trung tuổi ấy đâm vào thì tôi cứ thơ thẩn tiến về phía trước mà ra tới giữa lòng đường thì nguy to.