Mở đầu
SẮP PHÁ BỎ TÒA NHÀ NGUYÊN VẸN DUY NHẤT SAU BÃO BOM CỦA QUN NHẬT
Ở đầu ngõ 85 đường Dụ Thông, gần đường Hằng Phong quận Sạp Bắc, có một dãy nhà ba tầng xây theo kiến trúc Trung Quốc, ít có giá trị thẩm mĩ. Theo ghi chép trong cuốn “Địa chí quận Sạp Bắc”, dãy nhà ba tầng này là một di tích lịch sử quan trọng. Năm 1937, sau đợt ném bom oanh tạc Tô Châu - Hà Bắc của quân xâm lược Nhật, cả Sạp Bắc hoang tàn đổ nát, chỉ còn lại duy nhất một công trình kiến trúc nguyên vẹn, là dãy nhà ba tầng này. Hiện nay, do yêu cầu cải tạo khu đất cũ, dãy nhà ba tầng - một chứng tích lịch sử quan trọng sắp sửa bị phá bỏ. Những người trí thức cho rằng, xét từ ý nghĩa giáo dục chủ nghĩa yêu nước và trên phương diện di tích lịch sử, dãy nhà ba tầng không nên bị phá bỏ mà cần phải được quan tâm, gìn giữ nhiều hơn nữa.
Hôm qua, phóng viên của chúng tôi đã tìm đến dãy nhà ba tầng này để phỏng vấn. Điều may mắn là văn phòng làm việc của “tổ dân phố khu ba tầng” lại nằm trong dãy nhà ba tầng. Bà tổ trưởng Chu Ngọc Lan cho biết, “khu ba tầng” ban đầu gồm bốn tòa nhà này do bốn người giàu có góp tiền xây dựng vào thập niên 30 của thế kỉ trước. Nghe nói năm xưa, khi quân xâm lược Nhật điên cuồng ném bom oanh tạc dải đất Tô Châu - Hà Bắc, một người nước ngoài sống trong “khu ba tầng” đã giương cao một lá cờ nước ngoài, nhờ thế mà “khu ba tầng” này may mắn thoát nạn. Về sau, bốn tòa nhà “may còn sót lại” này trở thành công trình kiến trúc nổi bật nhất và là công trình kiến trúc cao nhất của quận Sạp Bắc trong suốt một thời gian dài. Người dân vẫn quen gọi cả bốn tòa nhà này là “khu ba tầng”. Cái tên “tổ dân phố khu ba tầng” cũng bắt nguồn từ đó.
Trước đây, để phục vụ dự án mở rộng đường Hằng Phong và cải tạo khu đất cũ, hai tòa nhà đã bị dỡ bỏ, hai tòa nhà còn lại hiện nay cũng đang ở vào tình trạng cấp bách bởi nằm trong danh sách phải dỡ bỏ. Nguy cơ “biến mất hoàn toàn” của một di tích lịch sử là điều thấy ngay trước mắt. Ông Ngô Đại Tề, ủy viên Hội chính trị hiệp thương quận Sạp Bắc bày tỏ quan điểm, cực lực phản đối việc phá bỏ “khu ba tầng”. Ông cho rằng, một công trình kiến trúc có thể gợi nhớ lịch sử như “khu ba tầng” tuy không nằm trong danh sách các công trình được bảo vệ, nhưng dù sao nó cũng là một chứng tích lịch sử tương tự như Thượng Hải, vì vậy nó cần được tích cực giữ gìn và bảo vệ bằng nhiều biện pháp. “Khu ba tầng” cần được trùng tu, tôn tạo để trở thành một nơi có thể giáo dục chủ nghĩa yêu nước, nhắc nhở các thế hệ mai sau không được quên mối nhục quốc gia, đồng thời thách thức sự trỗi dậy trở lại của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản. Bà Chu Ngọc Lan chia sẻ, bà rất tiếc nếu “khu ba tầng” bị phá bỏ. Các hộ dân sống trong “khu ba tầng” dù mong mỏi được cải thiện chỗ ở, nhưng họ cũng nhất trí rằng, “khu ba tầng” cần được bảo vệ.
Báo Tân Dân buổi tối,
số ra ngày 9 tháng 6 năm 2004
Do bận tham gia cuộc họp giao ban hôm nay nên tôi phải tìm và đọc một loạt những tờ báo ra trong ngày của mấy tòa soạn đối thủ trong thành phố. Tòa soạn nào cũng có một cuộc họp giao ban trong ngày như thế vì trong mắt họ, luôn có một vài đối thủ đáng gờm. Những tin mà tòa soạn khác có, tòa soạn mình không có được gọi là “tin bỏ sót” và các phóng viên phụ trách đương nhiên phải chịu trách nhiệm ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau, nghiêm trọng có khi còn bị cho nghỉ việc ngay lập tức; còn những tin mà tòa soạn mình có, tòa soạn khác không có thường khiến các lãnh đạo vui mừng ra mặt, phóng viên phát hiện ra tin ấy tất sẽ được thưởng, nhưng chỉ là vài đồng ít ỏi, mà nhiều khi cũng chỉ dừng lại ở mấy lời khen suông. Phạt nặng thưởng mỏng là lẽ như thế đấy.
Một tiếng trước khi bắt đầu cuộc họp, tôi giở xem hết một lượt tin đăng trên các báo “Tin tức buổi sớm”, “Thanh niên”, “Đông Phương buổi sớm”, “Giải phóng”, “Văn nghệ” và “Tân Dân buổi tối” và bắt gặp thông tin trên. Chà, quả thật là tôi đã bỏ sót tin tức ấy.
Có điều, trong suy nghĩ của tôi, tin tức ấy không mấy quan trọng. Cũng không phải là một tin tức bắt buộc phải đăng. Nó thuộc loại tin độc quyền của một tòa soạn khác, do phóng viên của người ta tự tìm kiếm. Không thể lúc nào cũng không cho người khác có tin độc quyền được. Tuy các lãnh đạo luôn nghĩ thế, nhưng mấy anh lính quèn như chúng tôi thì lại cho rằng, nên để cho người khác một con đường sống… Nếu thật sự có một tòa soạn nào đó chưa bao giờ để sót bất kì một tin hay nào thì có lẽ những tòa soạn khác đừng mong sống nổi. “Báo Tân Dân buổi tối” tổng hợp tin bài vào buổi sáng, rõ ràng họ có ưu thế hơn hẳn mấy tòa soạn tổng hợp tin bài từ buổi tối hôm trước và phát hành vào sớm hôm sau như chúng tôi. Bởi thế, tin tức của họ cập nhật hơn chúng tôi một ngày cũng là điều thường thấy.
Hơn nữa, đây chỉ là một cuộc họp giao ban thôi mà, có nhất thiết phải đắc tội với mấy đồng nghiệp ngày nào cũng chạm mặt trong tòa soạn không?
Do đó, trong cuộc họp, khi đến lượt mình phát biểu ý kiến, tôi chỉ nói một câu: “Báo Tân Dân buổi tối có đăng một tin độc quyền viết về một di tích lịch sử, tôi nghĩ báo của chúng ta sau này nếu có thêm nhiều tin bài mang tính phát hiện như thế sẽ thu hút độc giả hơn nhiều”, nhẹ nhàng và không hề có ý chỉ trích ai.
Thế nhưng các lãnh đạo lại có suy nghĩ riêng của mình, nhất là các sếp vừa mới nhậm chức, ý tưởng thật phong phú lắm lắm.
Buổi họp kết thúc, sếp Lam bảo tôi ở lại.
Lãnh đạo mới nhậm chức của chúng tôi họ Lam, nên chúng tôi thường gọi thân mật là sếp Lam. Sếp Lam giữ chức Phó tổng biên tập phụ trách nghiệp vụ, thành thử cái nghiệp vụ của chúng tôi có tới hai Phó tổng phụ trách, chức vụ chồng chéo nhau. Hẳn nhiên ai cũng biết việc này liên quan đến sự đấu đá lẫn nhau giữa các lãnh đạo của tòa soạn.
Sếp Lam mới nhậm chức nên vô cùng hăng hái. Anh ta “mài dao xoèn xoẹt”, có không ít phóng viên, biên tập viên đen đủi đã nếm mùi vị của lưỡi dao đó, ấm ức, tức tưởi. Nhưng một phóng viên được coi là lão làng trong tòa soạn, chiến công hiển hách, nghe nhiều thấy nhiều như tôi thì khác, tôi có chút ngang tàng, nào biết sợ ai.
Nói thì thế nhưng tôi cũng hơi hoảng, phải, tôi thoáng một chút, một chút lo sợ.
“Tôi muốn trao đổi với anh về mẩu tin độc quyền của tờ báo buổi tối đó”, sếp Lam cười tươi roi rói.
Tôi nhìn anh ta gật đầu, như thể một tay phóng viên lão luyện trong đầu luôn có sẵn chủ ý hành động như tôi mới thực sự là lãnh đạo.
“Tờ báo khác có tin độc quyền, chuyện đó không đáng ngại, có điều chúng ta phải bám sát theo nó. Nhiều khi anh nắm được thông tin trước chưa hẳn đã là người mỉm cười tới phút cuối”, sếp Lam liến thoắng nói về kế hoạch của anh ta.
Ra là thế. Anh ta muốn tôi điều tra sâu hơn, tìm ra bí mật ẩn giấu đằng sau hai tòa nhà ba tầng để nâng tầm quan trọng của chúng, mượn sức mạnh của truyền thông báo chí để đạt được mục đích cuối cùng là: bảo vệ hai tòa nhà. Nói như lời của anh ta thì đó là “một việc làm công đức vô lượng, có thể thể hiện sức mạnh giám sát của truyền thông và dư luận, và quan trọng hơn cả là thể hiện sức mạnh của báo ‘Ngôi sao buổi sớm’ của chúng ta”. Dĩ nhiên, tôi vẫn biết còn một câu nữa mà anh ta không nói, ấy là “nó cũng thể hiện tài năng lãnh đạo sáng suốt của người làm lãnh đạo như tôi nữa”.
“Tuy tôi mới tới tòa soạn của chúng ta nhậm chức chưa được bao lâu, nhưng tôi đã đọc khá nhiều tin bài của anh. Anh là cốt cán của báo ‘Ngôi sao buổi sớm’, phần bài viết chuyên đề này giao cho anh, thế nhé!”. Anh ta đứng dậy, bước tới bên cạnh và vỗ vỗ vào vai tôi.
“Không vấn đề”, tôi vỗ ngực nhận lời và cười thầm trong bụng, xem ra tay sếp Lam này cũng biết ai là người có thể đụng tới, ai không và những người nào thì nên nắm chặt trong tay đấy.
Điều tra sâu là một việc làm tốn nhiều công sức. Tôi nhấc điện thoại lên, gọi tới “Tổ dân phố khu ba tầng”, hẹn chiều mai tới phỏng vấn. Tôi dự định sáng mai tới Thư viện Thượng Hải, bởi theo suy đoán của tôi, nếu tòa nhà ba tầng ấy thực sự nổi tiếng như những gì báo “Tân Dân buổi tối” viết, thì ở Thư viện Thượng Hải ắt phải lưu trữ một số tài liệu liên quan đến nó. Những tài liệu chứng minh giá trị quý báu của nó là vô cùng cần thiết nếu muốn bảo vệ tòa nhà ba tầng đó. Hơn nữa, tôi có thể trích dẫn những tài liệu này khi viết bài.
9 giờ sáng hôm sau, tôi có mặt tại Thư viện Thượng Hải. Là khách quen của Thư viện Thượng Hải, trước đây tôi đã làm một tấm thẻ độc giả đặc biệt, nhờ đó tôi có thể tra cứu một số tài liệu, văn bản mật không được tiết lộ ra bên ngoài của thư viện. Tôi có quen mấy người phụ trách mảng tuyên truyền của thư viện và quan trọng hơn cả là tôi khá thân với mấy chuyên viên quản lý các thư tịch, tài liệu cổ. Tuy các độc giả có thể tra cứu mục lục sách trên trang mạng nội bộ của thư viện, song nếu không có người hướng dẫn, nhiều khi độc giả vẫn không biết phải bắt đầu từ đâu.
May thay, ngay khi vừa bước vào đại sảnh ở tầng một của thư viện, tôi trông thấy anh chàng Triệu Duy - chuyên viên quản lý của thư viện đang đi tới.
Tôi lên tiếng gọi rồi đưa một điếu “Trung Hoa” về phía anh. Tôi không hút thuốc nhưng luôn theo bên mình một bao thuốc loại hảo hạng.
“Thôi nào, đâu phải anh không biết ở đây cấm hút thuốc. Nói đi, lần này anh tới lại muốn tìm loại tài liệu nào thế?”, Triệu Duy đẩy điếu thuốc về phía tôi, nói một cách phép tắc.
“Khà khà, anh hiểu tôi thật.” Tôi vừa cười hềnh hệch vừa rút điếu thuốc trở lại.
“Liệu anh có thể đến đây khi không có việc cần không?”
Tôi kể cho Triệu Duy nghe đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, anh chỉ tay về phía phòng nghỉ VIP, quẳng lại một câu “anh ở đó chờ tôi” rồi đi mất. Tôi ngồi trên ghế sa lông trong phòng đợi chừng mười phút. Triệu Duy quay trở lại, tay cầm một quyển sách bìa cứng dày cộp. Đó là cuốn “Những công trình kiến trúc cũ của Thượng Hải”.
“Cuốn sách này được xuất bản năm 1987, ảnh chụp những công trình kiến trúc cũ trong sách phần lớn là những bức ảnh cũ, chụp từ ngày xưa. Các công trình kiến trúc được miêu tả khá chi tiết đấy”, vừa nói Triệu Duy vừa lật giở một trang trong cuốn sách: “Anh xem, đây là bốn tòa nhà ba tầng anh cần tìm. Bức ảnh này rất quý hiếm, nó được chụp sau ngày quân Nhật ném bom không lâu. Tài liệu bằng chữ viết về bốn tòa nhà này cũng rất nhiều. Anh từ từ tìm hiểu nhé, muốn scan ảnh thì chạy qua văn phòng, dù sao thì anh cũng khá quen với mọi người ở đó, tôi còn có việc, không ở đây nghiên cứu cùng anh được”.
“Vất vả cho anh quá!”, miêng tôi nói thế nhưng đôi mắt lại dán vào bức ảnh trong sách. Trong giây phút, bức ảnh làm tôi sững sờ đến nỗi quên cả nói dăm ba câu lịch sự cho phải phép với anh chàng Triệu Duy đang vội vã bước ra khỏi phòng nghỉ VIP.
Tôi không thể không thừa nhận, bức ảnh này làm người ta vô cùng kinh ngạc.
Quả là một kì tích. Những gì mà bức ảnh này thể hiện là một kì tích của gần bảy mươi năm về trước.
Tôi ước lượng thời gian chụp bức ảnh này có thể là một tiếng, một ngày hay hai ngày sau khi quân xâm lược Nhật ném bom Thượng Hải. Không thể vượt quá khoảng thời gian ấy được vì hình ảnh hiện lên trong bức ảnh, bốn bề đổ nát, khói đen dày đặc, tuyệt nhiên không thấy một bóng người.
Năm xưa, sau ngày quân Nhật ném bom oanh tạc, rất nhiều nơi trong thành phố Thượng Hải trở thành đống hoang tàn, nhưng bốn tòa nhà trong bức ảnh này, vẫn sừng sững hiện lên giữa một vùng ngói tan gạch vụn, không hề bị hư hại.
Bức ảnh được chụp từ trên cao và lấy cảnh từ xa. Từ xa nhìn lại, bốn tòa nhà ba tầng này cao vượt hơn hẳn so với những dãy nhà mái bằng đổ nát xung quanh khiến nó càng trở nên nổi bật.
Trong phút chốc, tôi thậm chí cứ ngỡ, ngày ấy, khi máy bay ném bom của quân Nhật trút xuống hàng loạt quả bom trọng lượng nặng, có một chiếc dù bảo vệ bằng năng lượng chỉ xuất hiện trong các cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đã được bật lên để che chắn khu phố này, bảo vệ nó an toàn trước cơn mưa đạn, nếu không làm sao nó có thể làm nên kì tích “trứng nằm trong tổ vẫn nguyên lành” khi bốn bề xung quanh đều bị hủy hoại nghiêm trọng như vậy được?
Ý nghĩ này thật nực cười. Nếu quả thật có một chiếc dù bảo vệ như thế thì tại sao những ngôi nhà mái bằng xung quanh và nằm xen kẽ giữa bốn tòa nhà ba tầng lại bị san phẳng, chỉ còn chơ vơ mỗi bốn tòa nhà ba tầng này? Nhưng trạng thái trong bức ảnh rõ ràng lạ lùng hơn nhiều so với trạng thái của một khu phố được bảo tồn. Thật ngoài sức tưởng tượng!