Than ôi! Bà Kiểm lâm nào phải đâu còn là người mà “mê nàng bao nhiêu người làm thơ!” như Mỵ Nương của ông Nguyễn Nhược Pháp nữa mà Hiếc-Tôn (xin nhớ: tên ấy cũng nêu lên đây theo hình-thanh) với bạn đồng ngũ, người đồng thời lại là tình địch của anh ta, nỡ đem danh dự của nhau ra mà bôi nhọ đi, nỡ đem tên nhau bằng tên những giống chẳng phải là giống người!
Ngồi khoanh tay mọt cách rất lễ phép ở tận một góc phòng, tôi may sao không đến nỗi là cái đinh trước mắt ngài nào cả. Lẽ đời tất nhiên phải như thế mới được. Hai ngài ấy còn phải tranh nhau làm sao được là chồng của Mỵ Nương đã chứ chưa cần nghi ngờ rằng tôi có phải là nhân tình của bà Kiểm lâm không.
Vả lại không phải Hiếc-Tôn gặp tôi bữa nay mới là bữa đầu.
Lần thứ nhất, cũng dưới mái gianh này, khi anh ta đem trái tim vàng đến đặt dưới chân bà Kiểm lâm thì tôi đã được dịp trò chuyện ngay với anh ta một cách niềm nở.
Khi biết tôi là phóng viên một tờ tuần báo bản xứ rồi, Hiếc-Tôn đã trả lại tôi cái các nhà báo một cách rất đỗi lễ phép và vội vàng hỏi ngay đến rằng vụ hành thích ông Barthou và vua Alexandre III ở Mạc-xây vừa rồi đã gây ra những cái phản động lực về phần chính phủ Pháp ra sao. Tôi đã theo điện tín hãng A.P.I.P, tóm thuật cho anh ta nghe rồi để yên anh ta với người yêu tâm sự với nhau hàng giờ đồng hồ. Vì rằng sau khi thấy nói đến một cuộc điều tra về số phận đáng phàn nàn của một số đông trẻ con Tây lai thì anh chàng đã vội hoan nghênh tôi ngay, và đã hưởng ứng với tôi bằng cách cũng lập luận để kết án sự vô tình của số đông lính lê dương một cách khá kịch liệt. Nhất là chưa có vợ con nên lời buộc tội của anh ta lại càng thật thà. Lần đầu tôi đã thoát bị nghi rồi nên lần này, sự tôi có mặt tại nhà bà Kiểm lâm là không đáng ngại cho tôi chút nào cả. Nếu còn phải giữ gìn thì tôi chỉ còn cần giữ gìn với tình địch của Hiếc-Tôn.
Nhưng hai bên cứ tự do cãi lộn nhau, cũng không để ý gì đến tôi nữa.
Trong cuộc cãi lộn cả hai bên đều dùng thứ tiếng Pháp sai mẹo. Nghe mãi, tôi phải ngạc nhiên mà nhận ra rằng cái chức lang quân lại chính là bà Kiểm lâm đã tặng cho người tình địch của Hiếc-Tôn, một ông lính lê dương đã có tuổi mà Hiếc-Tôn cứ gọi một cách khinh bỉ là: con lạc đà. Mà con lạc đà thắng trận ấy lại là một thằng Do Thái bẩn thỉu (sale Juif) nữa.
Trước sự tranh giành của Thần Sông và Thần Núi, Mỵ Nương cứ giữ một vẻ bình tĩnh khó tả, ra đều “măng phú tú”, và chỉ biết tiền trao cháo múc, y như là vua Hùng Vương.
Hiếc Tôn thoạt tiên cũng còn giữ được lễ độ:
- Mày cứ cho phép tao lấy làm lạ rằng tao đến đây trò chuyện với người đàn bà trước mày đã một tuần lễ. Mà người đàn bà này, phải chính người đàn bà này, cũng đã hứa với tao. Thế mà bây giờ lại hoá ra thế này!
Ông lính lê dương có tuổi kia nhăn mặt lại để cố gượng cười. Các ngài độc giả hẳn đã đôi khi trông thấy một bộ mặt như tôi muốn tả: một cái mặt lởm chởm những râu và riu với lùng bùng những túi thịt dưới hai con mắt, với cặp môi không màu, trắng bệch, và hai hàm răng sâu, một cái mặt buồn khi người ta vô tư lự và cáu kỉnh nhăn nhở khi người ta muốn cười vậy.
- Không! Không! Cách đây chỉ có năm ngày thôi, tao đến đây thì chính người đàn bà này cũng đã bảo là bằng lòng lấy tao. Mà những khi tao đến nói chuyện thì tao chỉ thấy một mình tao thôi, chứ tao chẳng gặp mày lần nào cả! Nói thế cho mày biết rằng mày nên đi đi là hơn. Tao cứ biết rằng người đàn bà này vừa mới nhận của tao một chục đồng bạc.
Quay lại bà Kiểm lâm, Hiếc-Tôn cười một cách đau đớn và hỏi:
- Thế cô cho lời hứa của cô là những lời gì?
Bà Kiểm lâm đáp bằng những câu văn rất khôi hài:
- Xê ba ma phôt, nét si bá? Uây, moa bơ rô mét a vu tú đơ, mê luý viêng a văng vu ê a lô xe, mông ma ghi! Vu dết dơnê bố cu gia lu, moa ba ú loà! 1
Nghe xong, Hiếc-Tôn nhổ xuống đất một cái, rất khinh bỉ. Đoạn anh ta lấy một điếu thuốc lá khác ra hút rồi quay lại với kẻ địch:
- Nếu mày tranh nó của tao thì mày thật là đồ lạc đà!
Nhưng “con lạc đà” khôn ngoan này chỉ gượng cười mà vặn lại:
- Bây giờ tao mới gặp mày là lần đầu thì tao có tranh cướp gì của mày bao giờ đâu? Mày còn trẻ người, còn non dạ lắm.
Cáu lắm, Hiếc-Tôn lại dùng giọng mỉa mai hơn trước:
- Chính thế. Tao còn trẻ con lắm, chưa trải đời được như mày! Nhất là tao lại không được là dân nước Áo, chưa từng được biết phong vị của Kinh đô Ái tình (Ville d’Amour) cho nên lần này là lần đầu mà tao biết ghen.
Đến đây thì con lạc đà không còn kiên tâm nổi nữa:
- Đồ khốn nạn! Mày tưởng xưa kia tao ở xứ sở thì tao đã là một thằng chồng mọc sừng nên sang đây, gặp người đàn bà nào tao cũng phải bám chặt lấy chắc? Mày nhầm! Tao lấy vợ cũng như nuôi đầy tớ chứ thằng này chẳng phải là người để cho đàn bà làm khổ được đâu.
Ấy cái ông lính già đã nói thế mà chẳng sợ mếch lòng bà Kiểm.
Không nói gì được nữa, Hiếc-Tôn lấy ví, rút một lá giấy bạc để trên bàn. Anh ta nói cho cả hai:
- Thôi được! Mời vợ chồng ông bà ra tính tiền tôi đến đây mấy lần, lần nào cũng được ông bà mời uống cà-phê. Vậy tôi cứ xin trả một đồng bạc.
Nói đoạn, anh ta cầm mũ đứng lên, ra...
Đi mà không nhớ bắt tay ai... Đã thế, ra đến cổng còn quay đầu nói với lại:
- Chúc anh hưởng hạnh phúc nhé! Và tiện dịp tôi xin giới thiệu với anh rằng cái ông trẻ tuổi người An-nam ngồi đấy là một tay làm báo đấy. Thế nào ông ấy cũng viết lên nhật trình ca tụng cái cuộc ái tình tốt đẹp của vợ chồng nhà anh cho mà xem!
Tôi đã định tâm cáo từ đã lâu mà rồi phải cứ ngồi lại.
° ° °
Ông lính già chả biết có để ý đến nhưng lời đâm bị thóc chọc bị gạo kia không mà đã xin phép tôi cởi bỏ áo nhà binh khi trò chuyện, thì hãy “bẻ vài miếng cùi bánh” đã. Câu nói xỏ lá của Hiếc-Tôn bắt tôi phải tức khắc nhận lời. Nếu lão già này có mượn chén đưa lời thì tôi sẽ tuỳ cơ ứng biến sau.
Sai một đứa con đi mua bánh rồi, bà Kiểm lâm bèn đốt đèn cồn, lấy hộp bơ và mấy quả trứng, mấy khúc xúc xích để cả trên bàn, sửa soạn thức ăn.
Câu chuyện của ba chúng tôi từ đây mà đi là rất nồng nàn, vì có mùi thơm tho của mấy món ăn và rượu ướp cho khỏi... vô vị.
- Vì đưa tiền trước nên lấy được vợ, ông thấy một cuộc nhân duyên như thế có giống với sự buôn bán không?
Tôi đã uốn lưỡi bảy lần rồi mới đáp:
- Nếu ông nói thế thì ra nước tôi, từ xưa đến nay, cuộc nhân duyên nào cũng là buôn bán cả. Chắc ông đã biết là ở nước tôi thì cái đại đa số là theo văn hoá cũ nên không mấy ai được lấy nhau vì ái tình. Ở xã hội tôi không bao giờ một đôi trẻ, sau khi hỏi nhau rồi, lại được cùng nhau công nhiên trò chuyện để xét đoán tình tình nhau như ở Tây phương. Vậy nhận lễ vật của người đàn ông như thế còn khác gì buôn bán? Mười đồng bạc của ông vừa rồi, tôi cứ lấy phương diện của người xứ tôi mà bình phầm thì đó là lễ vật của bên nhà giai. Có thế thôi, việc đời giản dị lắm, ông đừng sợ tôi cười. Nếu muốn cười được ông, tôi phải chê bai cả nước tôi trước đã.
Có thế thôi, ông lính già cũng đã đủ khoái chí! Cái đầu tóc bạc phơ ấy cứ gật gù hoài. Cái cổ một ngài săng đá chẳng ngờ mà lại được hân hạnh đóng vai cái cổ một ông nghị An-nam.
Tôi, lúc ấy, xin thú thật rằng cũng đã... bịp lắm. Tôi lại nói thêm rằng:
- Về sự loài người lấy nhau, tôi đã có đọc ít nhiều, cảm tưởng rất chua chát nhưng rất đúng sự thực của một nhà triết học bên Tây phương. Tiếc quá, tên nhà triết học ấy tôi lại không nhớ. (thì bịa chứ thật đâu mà nhớ!) Ông ta đã viết đại khái thế này: “Bọn làm đĩ, nào có gì là đáng khinh? Tại sao bất cứ ở xã hội nào, bọn làm đĩ cũng bị kết án?”
“Ngẫm mà xem: Lấy được những thiếu nữ đài các, quý phái, bọn đàn ông chúng ta phải tốn bạc trăm bạc nghìn. Họ để ta phải chi ra một số bạc lớn rồi thì cố nhiên là họ phải ăn đời ở kiếp với ta. Muốn tính một cuộc trăm năm ta phải mất một số tiền nhiều. Còn khi ta chơi đĩ, đĩ chỉ làm vợ một đêm, thì ta chỉ mất một số tiền nhỏ. Ngẫm cho cùng, làm vợ một đêm hay làm vợ suốt cả một đời thì người đàn bà cũng chỉ là làm đĩ cả mà thôi. Ấy vậy mà bọn đĩ một đời cứ tự đại rằng mình làm đĩ một đêm thì còn nghĩa lý gì nữa?” Ông đã thấy đấy chứ? Nếu cả nhân loại đều xấu như vậy, ở Đông cũng như ở Tây, ở nước văn minh cũng như ở nước dã man, ông cũng như tôi, tôi cũng như ông, thì việc gì ta còn phải quan tâm đến lời khen chê gì nữa?
Chết! ông lính già này đến hoá điên mất! Ông ta vồ ngay bàn tay của tôi mà giật lấy giật để, khiến tôi sái cả một bên vai đi.
Lúc này, bà vợ đã làm xong các món ăn. Đứa bé con riêng bà ta cũng đã đem bánh về. Chúng tôi ngồi vào bàn một cách nghiêm chỉnh lắm.
Mà xin quý độc giả đọc những dòng này cũng chớ nên ngờ vực rằng những lời tôi vừa bịa đặt là để nịnh ăn đâu.
Tôi chỉ đã khôn ngoan ở thuận lẽ trời.
Tôi đã không để cho Hiếc-Tôn có thể xỏ được chúng tôi một vố!
Người chồng – tân lang – bây giờ mới lộ sự sung sướng:
- Ông ạ, tôi thích nhất vì vợ tôi đây là người có thể tin cậy được. Trong hai người muốn lấy nó, một người già yếu với một người trẻ tuổi và đẹp đẽ thì nó đã chọn người già, là tôi. Một việc ấy đủ tôi vững tâm được vợ trung thành.
Câu nói này khiến tôi chợt nhớ đến lúc bà Kiểm chê Hiếc-Tôn là ghen tuông. Hỏi thì thấy đáp:
- Lần đầu mà nó gặp ông ở nhà này, nó trò chuyện đậm đà ngay với ông, có phải không? Thế mà lần thứ nhì đến với tôi, nó lại lấy ông ra để căn vặn tôi mãi! Tôi đã phải cắt nghĩa rất kỹ càng... Tôi đã phải bảo rằng một người như tôi rồi thì chẳng còn khi nào bắt nhân tình được với một người còn trẻ tuổi như ông... Chính nó, nó cũng đã nói: “Phải, chắc một người có học thức, ở cái gia cấp thượng lưu cẩn thận thì chẳng khi nào lại đến một nơi như nơi này, lại tìm hạng phụ nữ bỏ đi như hạng này...” Như thế tưởng là nó đã nghe ra. Vậy mà lần sau nó lại bắt tôi phải khai rằng ông còn ở đây hay đã về Hà Nội! Sau cùng, không chịu được nữa, tôi phải nói thẳng với nó rằng: “Này, anh muốn lấy tôi thì anh đến chứ không phải tôi lạy anh để anh hỏi tôi đâu. Anh đừng có chưa chi đã ghen vô lý!”
- Làm thế nào mà bà dám nhận lời với cả hai?
Bà ta cười rồi hỏi lại tôi một cách ngây thơ:
- Thì sao? Việc quái gì?
Một sự không ngờ! Trong cái kỹ nghệ lấy Tây này, người ta không buồn nghĩ đến cách phủ lên những sự thật nhơ bẩn một nước sơn bóng nhoáng nữa. Người ta không thèm “cứu vớt” lấy cái bề ngoài nữa.
Thật là: Bánh đúc bày sàng.
Thuận thiếp, thiếp bán, thuận chàng, chàng mua.
Bà ta lại nói thêm:
- Những khi nó lại đây để mặc cả thì tôi đã nói nếu không có ai đem tiền lại cho tôi trước thì tôi mới sẽ lấy nó cơ mà!
Đến đoạn này, cuộc đời của bà Kiểm lâm đã có thể gọi là tốt đẹp được. Trong khi bà rửa bát đĩa, làm cái chức nội tướng, thì đức lang quân của bà gọi ba đứa con của hai đời chồng trước của bà đến quấn quýt lấy mình rồi nhắc đứa bé nhất lên lòng mà hôn một cách thân yêu.
Vậy lúc ấy, bà Kiểm có sung sướng không?
Tôi không hiểu được. Cái mặt thản nhiên ấy đến nỗi tôi thấy nó cứ trơ như đá, vững như đồng. Nhất là mặt một người đàn bà vào buổi tối tân hôn, nghĩa là mặt một tân giai nhân mà không thấy biểu lộ một chút cảm tưởng nào, cứ “gan lì tướng quân” như mặt Từ Hải lúc chết đứng thì trông đáng ghét lạ!
Tôi chợt thấy trong trí nhớ lại hiện ra cái cảnh tượng bà Kiểm lâm bị anh chồng Đức đánh đập: cái mặt bữa ấy với cái mặt của bà bây giờ cũng thản nhiên như vậy mà thôi. Phía tây, không có gì lạ!
Tôi đứng lên bắt tay người chồng rồi tôi nói với người vợ:
- Thôi, tôi xin phép bà. Chúc cô dâu chú rể được bách niên giai lão nhé!
Bà ta vừa nói vừa cười:
- Có thuận hoà được với nhau thì giỏi nhất cũng chỉ được đến ba năm. Hết ba năm, hết hạn mà anh ta phải đổi đi, thì tôi lại sẽ bước thêm một bước nữa!
--------------------------------
1 | Không phải lỗi ở tôi, có phải không? Phải, tôi đã hứa với cả hai anh, song người ta đến trước anh thì là chồng tôi rồi đấy. Anh trẻ tuổi và hay ghen lắm, tôi không thích. |