Kinh Dịch Trọn Bộ

Quẻ Đồng Nhân

Kiền trên ; Ly dưới

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Quẻ Đồng nhân, Tự quái nói rằng: Vật lý không thể bĩ mãi, cho nên tiếp đến quẻ Đồng nhân[1]. Trời đất không giao nhau là bĩ, trên dưới cùng nhà thì là cùng người. Nghĩa nó trái nhau với nghĩa quẻ Bĩ, cho nên nómới kế nhau. Lại nữa, cuộc đời đương bĩ ắt phải cùng người chung sức thì mới nên việc vì vậy quẻ Đồng nhân mới nối quẻ Bĩ. Nó là kẻ Kiền trên Ly dưới. Nói về hai Tượng, thì trời là đấng ở trên, tính lửa[2] bốc lên ngang với nhau, cho nên mới là cùng người. Nói về hai thể, thì hào Năm ở ngôi chính là chủ quẻ Kiền, hào Hai là chủ quẻ Khôn, hai hào lấy sự trung chính ứng nhau, trên dưới cùng nhau, đó là nghĩa cùng người. Lại nữa, quẻ này có một hào Âm, các hào Dương đều muốn chung cùng với nó, đó cũng là nghĩa cùng người. Quẻ khác cũng có một hào Âm, nhưng ở thời của kẻ Đồng nhân thì hào Hai hào Năm ứng nhau, trời với lửa chung cùng với nhau, cho nên nghĩa nó lớn hơn.

LỜI KINH

同人于野, 亨. 利涉大川,利君子貞.

Dịch âm. - Đồng nhân vu dã, hanh, lợi thiệp đại xuyên; lợi quân tử trinh.

Dịch nghĩa. - Cùng người ở đồng, hanh thông, lợi về sự sang sông lớn, lợi cho sự chính bền của đấng quân tử.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Đồng là nơi rộng rỗng, lấy nghĩa ở xa và ở ngoài. Ôi chung cùng với người bằng đạo đại đồng của thiên hạ là lòng rất công của thánh hiền. Người thường cùng nhau chí cốt ý riêng hợp nhau, nó là cái tình gần gũi mà thôi. Cho nên cần phải ở đồng, nghĩa là không vì tình riêng gần gũi, mà phải ở nơi đồng cõi rộng xa. Đã không vướng về sự riêng, mới là cái đạo đại đồng rất công, không chỗ xa nào đồng nhau, đủ biết là hanh. Hễ đã có thể đại đồng với thiên hạ thì thiên hạ cũng chung cùng với mình; thiên hạ đã chung cùng, thì còn sự hiểm trở nào không thể vượt qua? Còn sự gian nguy nào không thể hanh thống? Cho nên lợi về sự sang sông lớn, lợi cho sự chính bền của đấng quân tử. Trên nói “ở đồng”, nghĩa là không ở chỗ gần kề, đây lại nói “nên dùng chính đạo của đấng quân tử”, sự chính bền của đấng quân tử là đạo chí công đại đồng trong thiên hạ, cho nên dù ở xa nghìn dặm, sinh sau nghìn năm, so lại vẫn như hợp cái phù tích[3] suy ra mà thi hành, tuy là rộng như bốn bể, nhiều như triệu dân, không gì không hợp. Kẻ tiểu nhân thì chỉ chuyên dùng ý riêng, người họ yêu dù trái họ cũng chung cùng người họ ghét dù phải họ cũng trái khác, cho nên sự chung cùng của họ chỉ là hùa đảng, vì là lòng họ bất chính. Cho nên cái đạo chung với người, lợi ở trinh của đấng quân tử.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Ly cũng là tên quẻ ba vạch, một vạch Âm mắc ở giữa hai vạch Dương, cho nên đức nó là mắc, là văn minh tượng nó là lửa là mặt trời, là điện. Đồng nhân là chung cùng với người. Lấy quẻ Ly gặp quẻ Kiền, lửa lên chung cùng với trời, hào Sáu Hai được ngôi, được chỗ giữa mà ở trên ứng với hào Sáu Năm, lại trong quẻ chỉ có một hào Âm mà các hào Dương chung cùng với nó, cho nên là chung cùng với người. Ở đồng ý nói rộng xa mà không riêng tây, thì có đạo hanh, lấy đức mạnh mà đi, cho nên có thể sang sông. Nó là quẻ trong văn minh mà ngoài cương kiện. Hào Sáu Hai trung chính mà có kẻ ứng, đó là đạo đấng quân tử. Kẻ xem như thế thì hanh thông mà lại có thể vượt qua chỗ hiểm. Nhưng, cái người mà mình chung cùng phải hợp với đạo quân tử thì mới có lợi.

LỜI KINH

彖曰:同人, 柔得位, 得中而應乎乾, 曰同人.

Dịch âm. - Thoán viết: Đồng nhân, nhu đắc vị, đắc trung nhi ứng hồ Kiền, viết Đồng nhân.

Dịch nghĩa. - Lời Thoán nói rằng: Quẻ Đồng nhân, mềm được ngôi, được chỗ giữa, mà ứng với Kiền, gọi là Đồng nhân.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Đây nói về nghĩa thành quẻ. Mềm được ngôi chỉ về hào Hai là thể Âm ở ngôi Âm, được chỗ chính vị của nó. Hào Năm là hào trung chính mà hào Hai lấy đức trung chính ứng nhau với nó, ấy là hào nào được sự chính đính của hào ấy; đức nógiống nhau, cho nên là “chung cùng với người”. Hào Năm là chủ quẻ Kiền, cho nên nói là “ứng với Kiền”. Lời tượng lấy tượng “trời lửa” mà lời Thoán thì chuyên nói về hào Hai.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Đoạn này dùng thể quẻ để thích nghĩa tên quẻ. Mềm chỉ về hào Sáu Hai. Kiền chỉ về hào Chín Năm.

LỜI KINH

同人曰:

Dịch âm. - Đồng nhân viết:

Dịch nghĩa. - Quẻ Đồng nhân nói rằng:

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Ba chữ này thừa.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Đây là chữ thừa.

LỜI KINH

同人于野, 亨, 利涉大川,乾行也.

Dich âm. - Đông nhân vu dã, hanh, lợi thiệp đại xuyên Kiền hành dã.

Dịch nghĩa. - Cùng với người đồng hanh thông! Lợi về sự sang sông lớn, trời đi vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Chí thành không riêng tây, có thể bước vào chỗ hiểm nan, tức là trời đi. Không riêng tây ấy là đức trời.

LỜI KINH

文明以健, 中正而應, 君子正也.

Dịch âm. - Văn minh dĩ kiện, trung chính nhi ứng, quân tử chính dã.

Dịch nghĩa. - Văn vẻ sáng sủa và mạnh, trung chính để ứng nhau chính đạo của đấng quân tử vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Đây lại dùng hai thể để nói nghĩa nó có đức văn vẻ sáng sủa mà cứng mạnh, lấy đạo trung chính ứng nhau ấy là chính đạo của đấng quân tử.

LỜI KINH

唯君子為能通天下之志.

Dịch âm. - Duy quân tử vi năng thông thiên hạ chi chí.

Dịch nghĩa. - Chỉ đấng quân tử là có thể thông được chí thiên hạ.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Chí của thiên hạ muôn thứ khác nhau, lý thì có một. Đấng quân tử tỏ rõ về lý do, cho nên có thể thông được chí thiên hạ. Đấng thánh nhân coi lòng của ức triệu người cũng như một lòng, là thông về lý mà thôi. Văn vẻ sáng sủa thì có thể soi các lý, cho nên mới rõ về nghĩa đại đồng; cứng mạnh thì có thể thắng lòng riêng mình, cho nên làm được hết đạo đại đồng. Như thế, rồi mới có thể trung chính, hợp với sự đi của trời.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Đoạn này lấy đức quẻ, thể quẻ để thích lời quẻ. Thông được chí thiên hạ mới là đại đồng. Nếu không thế thì là sự kết hợp bằng tình riêng mà thôi, lấy gì mà đem đến cho sự hanh thông và lợi cho sự qua chỗ hiểm?

LỜI KINH

象曰:天與火, 同人. 君子以類族辨物.

Dịch âm. - Tượng viết: Thiên dữ hỏa, Đồng nhân, quan tử dĩ loại lộc biện vật.

Dịch nghĩa. - Lời tượng nói rằng: Trời với lửa là quẻ Đồng nhân, đấng quân tử coi đó mà chia loại các giống, phân biệt các vật.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Không nói “Lửa ở dưới trời”, “Dưới trời có lửa”, mà nói “trời với lửa’’ là vì trời ở trên, tính lửa bốc lên lửa với trời cùng nhau, cho nên là nghĩa “cùng người”, đấng quân tử coi tượng “cùng người” đó mà lấy nòi giống phân biệt các vật, nghĩa là theo từng nòi giống mà phận biệt các vật giống nhau khác nhau. Như đấng quân tử tiểu nhân, lẽ thiện ác phải trái, vật tình lìa nhau hợp nhau, sự lý giống nhau khác nhau, tất cả những cái giống nhau khác nhau, đấng quân tử có thể phân biệt rõ ràng, cho nên khu xử các vật không mất phương pháp.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Trời ở trên mà lửa bốc lên, ấy là tính nó giống nhau, chia loại các giống, phân biệt các vật, là để xét sự khác nhau mà làm cho giống nhau.

LỜI KINH

初九:同人于門,無咎.

Dịch âm. - Sơ Cửu: Đồng nhân vu môn, vô cữu.

Dịch nghĩa. - Hào Chín Đầu: Cùng người ở cửa, không lỗi

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Hào Chín ở đầu quẻ Đồng nhân, mà không hệ ứng, ấy là kẻ không thiên tư, cùng người rất công, cho nên là “ra cửa cùng người”. Ra cửa nghĩa là ở ngoài, ở ngoài thì không có sự thiên lệch về tình riêng gần, sự “cùng” của nó vừa rộng vừa công, như thế thì không sai lỗi.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Đầu cuộc cùng người, chưa có chủ riêng về đâu, là hào cứng, ở ngôi dưới, trên không có gì hệ ứng, có thể không lỗi, cho nên Tượng và chiêm của nó như thế.

LỜI KINH

象曰:出門同人, 又誰咎也.

Dịch âm. - Tượng viết: Xuất môn đồng nhân, hựu thùy cữu dã?

Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Ra cửa cùng người, còn ai trách vậy?

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Ra cửa cùng người ở ngoài, đó là sự “cùng” đã rộng, không có thiên tư. Người ta cùng nhau thường có hậu bạc thân sơ khác nhau, tội lỗi do đó mà ra, đã không bè đảng thiên lệch với ai, thì còn ai trách được nữa?

LỜI KINH

六二:同人于宗, 吝.

Dịch âm. - Lục Nhị: Đồng nhàn vu tông, lận.

Dịch nghĩa. - Hào Sáu Hai: Cùng người ở họ, đáng tiếc.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Hào Hai với hào Năm là chính ứng, cho nên nói là “cùng người cùng họ”. Họ là họ hàng xóm mạc, “cùng” với kẻ hệ ứng với mình, thì là có sự thiên tư, ở đạo cùng người, thế là riêng tây hẹp hòi, cho nên đáng tiếc.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Tổng là họ hàng xóm mạc, Hào Sáu tuy là ở giữa và chính ngôi, nhưng nó có kẻ ứng với ở trên, không thể đại đồng, mà còn vướng về tình riêng, đó là cách đáng tiếc, cho nên Tượng và Chiêm của nó như thế.

LỜI KINH

象曰:同人于宗, 吝道也.

Dịch âm. - Tượng viết: Đồng nhân vu tông, lận đạo dã.

Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Cùng người ở họ, cách đáng tiếc vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Cốc quẻ lấy sự trung chính ứng nhau làm hay, mà ở quẻ Đồng nhân thì là đáng tiếc, cho nên hào Năm không lấy nghĩa là vua. Bởi vì gần gũi với người bằng cách riêng tây, không phải là đạo kẻ làm vua; cùng nhau bằng tình riêng, tức là đáng tiếc.

LỜI KINH

九三:伏戎于界,升其高陵,三歲不興.

Dịch âm. - Cửu Tam: Phục nhung vu măng, thăng kỳ cao lăng, tam tuế bất hưng.

Dịch nghĩa. - Hào Chín Ba: Phục quân ở rừng, lên thửa gò cao, ba năm không dấy lên.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trinh Di. - Hào Ba là thể Dương, ở ngôi cứng, mà không được giữa, ấy là người cường bạo. Trong thời “cùng người”, chí nó ở sự chung cùng, trong quẻ này có một hào Âm mà các hào Dương phát ra đều muốn cùng nó, hào Ba lại muốn gần liền với nó, nhưng hào Hai lại lấy đạo trung chính ứng nhau với hào Năm, hào Ba lấy sức cương cường chấn giữa hào Hai hào Năm, muốn cướp hào Hai mà cùng với nó, song lý không thẳng, nghĩa không thẳng cho nên không dám phát ra một cách rõ rệt, phải núp quân ở trong rừng rậm; vì chứa sự xấu mà lại mang điều không thẳng, nên lại sợ hãi, thỉnh thoảng lại lên gò cao trông ngóng. Như thế đến ba năm trời, rút lại, vần không dám nổi lên. Hào này thấy rõ tâm trạng tiểu nhân, song lại không nói rằng hung, là vì nó đã không dám phát lộ, nên chưa đến hung.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Cứng mà không giữa, ở trên không có chính ứng muốn cùng với hào Hai, lại không phải chính đạo, sợ hào Chín Năm đánh mình, cho nên mới có tượng ây.

LỜI KINH

象曰:伏戎于养, 故剛也. 三歲不興, 安行也.

Dịch âm. - Tượng viết: Phục nhung vu mãng, địch cương dã; tam tuếbất hưng, an hành dã.

Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Phục quân ở rừng, địch với kẻ cứng vậy, ba năm không dấy là đi không được vậy[4].

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Kẻ phải địch với là hào Năm đã Dương cương lại trung chính, thì nó có thể cướp được chăng? Cho nên nó phải sợ hãi núp náu, đến ba năm không dấy, rút lại còn đi sao được?

Bản nghĩa của Chu Hy. - Ỷ nói không thể đi được.

LỜI KINH

九曰:乘其墉,弗克攻, 吉.

Dịch âm. - Cửu Tứ: Thừa kỳ dung, phất khắc công, cát.

Dịch nghĩa. - Hào Chín Tư: Cưỡi thừa tường, không đánh được,tốt.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Hào Tư cứng mạnh mà không trung chính, chí nó muốn cùng với hào Hai, cũng là kẻ thù với hào Năm. Bờ tường là vật dùng để ngăn cách, hào Tư gần với hào Năm, như cách bức tường, nó muốn đánh hào Năm nhưng biết cái nghĩa không thẳng thì đánh không được. Nếu đã tự biết là nghĩa không thẳng mà không dám đánh, thì tức là tốt.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Hào này cứng mạnh mà không trung chính lại không có kẻ ứng với, cũng muốn cùng với hào Sáu Hai mà bị hào Ba ngăn cách, cho nên là tượng “cưỡi tường để đánh”. Nhưng vì nó lấy đức cứng ở ngôi mềm, cho nên có Tượng “tự quay trở lại mà không thể đánh”. Kẻ xem như thế, thì là biết cải quá mà được tốt lành.

LỜI KINH

象曰:乘其墉, 義弗克也, 其吉, 則困而反則也.

Dịch âm. - Tượng viết: Thừa kỳ dung, nghĩa phất khắc dã, kỳ cát tắc khốn, nhi phản tắc dả.

Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Cưỡi thửa tường, nghĩa không thể được vậy. Sự tốt đó thì là bị khốn mà biết quay lại phép tắcvậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Sở dĩ cưỡi lên tường của nó mà, không thể đánh nó là vì nghĩa không thể được. Là kẻ cong mà đánh kẻ ngay ấy là nghĩa không chính đáng. Sở dĩ được tốt là vì nghĩa đã không thắng, khốn cùng mà phải quay về phép tắc. Hào Hai là kẻ mà các hào Dương cùng muốn, chỉ riêng hào Ba hào Tư có nghĩa tranh cướp, vì hai hào đó ở giữa hào Hai và hào Năm, còn hào Đầu và hào cuối thì xa hơn, cho nên lấy nghĩa khác hơn.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Cưỡi lên tường rồi thì không phải sức nó không đủ, chỉ vì nghĩa không được mà không đánh thôi. Biết theo nghĩa quyết đoán, cùng khốn mà quay về phép tắc, cho nên được tốt.

LỜI KINH

九五:同人,先章嘀而後笑, 大師克, 相遇.

Dịch âm. - Cửu Ngũ: Đồng nhân, tiên hào diếu nhi hậu tiếu, đại sự khắc tương ngộ.

Dịch nghĩa. - Hào Chín Năm: Cùng với người, trước kêu gào mà sau cười, quân lớn được, gặp nhau.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Hào Chín Năm “cùng”với hào Hai mà bị hai hào Dương Ba, Tư ngăn cách, hào Năm tự cho mình là nghĩa phải, lý thẳng, không xiết phẫn uất, đến phải kêu gào, nhưng mà kẻ cong không thể thắng được kẻ ngay, tuy bị ngăn cách, sau chót ắt được hợp nhau, cho nên về sau lại cười. “Quân lớn được, gặp nhau” nghĩa là hào Năm là chính ứng với hào Hai mà hào Dương ngăn cách một cách phi lý, ắt dùng quân đánh được nó, mới được gặp nhau. Nói là “quân lớn”, nói là “được” tỏ rằng hai hào Dương mạnh lắm. Chín Năm là ngôi vua, mà hào này không dùng cái nghĩa “ông vua cùng với người” là vì hào Năm chuyên lấy sự riêng tây gần gũi ứng với hào Hai mà mất cái đức trung chính. Ông vua thì nên đại đồng với thiên hạ, mà lại riêng với một người, ấy là không phải đạo vua. Vả lại, trước ngăn cách thì kêu gào, sau gặp nhau thì cười. Ấy là tính gần gũi riêng tây, không phải là thể đại đồng. Hào Hai ở dưới còn lấy sự cùng với họ hàng là đáng tiếc, huống chi ông vua. Hào Năm đã không dùng nghĩa quân đạo, cho nên không nói đạo vua nữa, mà cùng để tỏ cái nghĩa “hai người đồng tâm, thì không có thể ngăn cách”.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Năm là một hào cứng mà trung chính hào Hai lấy đức mềm mà trung chính ứng nhau với nó ở dưới, ấy là đồng tâm với nhau, mà bị hào Ba Tư ngăn cách, không được cùng nhau. Nhưng ví về nghĩa lý đã cùng với nhau, thì kẻ khác không thể ngăn nổi, cho nên mới có tượng ấy. Nhưng hào Sáu Hai, mềm yếu mà hai hào Ba, Tư cứng mạnh, cho nên ắt dùng quân lớn cho thắng được nó, rồi mới có thể gặp nhau.

LỜI KINH

象曰:同人之先, 以中直也. 大師相遇,言相克也.

Dịch âm. - Tượng viết: Đồng nhân chi tiên, dĩ trung trực dã, đại sự tương ngộ, ngôn tương khắc dã.

Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Lúc trước sự cùng, người vì ở giữa mà thẳng vậy; quân lớn gặp nhau, ý nói được nhau vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Lúc trước sở dĩ kêu gào là vì lòng thành lý phải, cho nên khôn xiết phẫn uất mà đến như thế. Tuy là kẻ địch cứng mạnh, đến nỗi phải dùng đại quân, nhưng mà nghĩa thẳng lý thẳng, rút lại vẫn được, cho nên nói là “được nhau”.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Trực là lý thẳng.

LỜI KINH

上九:同人于交, 無悔.

Dịch âm. - Thượng Cửu: Đồng nhân vu giao, vô hối.

Dịch nghĩa. - Hào Chín Trên: Cùng người ở đồng, không ăn năn.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Đồng là chỗ ở ngoài xa. Kẻ cầu cùng người ắt phải thân nhau cùng nhau hào Chín Trên ở ngoài mà không có hào ứng với, sau chót vẫn không ai cùng nó. Lúc trước có sự cùng nhau, thì đến lúc sau, hoặc có ăn năn; Ở xa mà không ai cùng với mình, cho nên tuy không cùng ai cũng không phải ăn năn.

Bản nghĩa của Chu Hy. - Ở ngoài không có hào nào ứng với, tức là không ai cùng mình, cũng có thể là không phải ăn năn, cho nên Tượng và Chiêm của nó như thế. Đồng ở trong nội, chưa đến rộng xa nhưng mà hoang rậm hẻo lánh, không ai cùng với.

LỜI KINH

象曰:同人于交, 志未得也.

Dịch âm. - Tượng viết: Đồng nhân vu giao, chí vị đắc dã.

Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Cùng người ở đồng, chí chưa được vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. - Ở xa chẳng ai cùng với, cho nên rốt lại không phải ăn năn. Nhưng mà trong thì “cùng người”, cái chí cầu để cùng với người ta vẫn không được, tuy là không phải ăn năn, nhưng cũng không phải là kẻ khéo xử.


Chú thích:

[1] Đổng nhân nghĩa là cùng với người.

[2] Chỉ về quẻ Ly.

[3] Mảnh tre có in tên, họ, chức, tước của bọn nội giám treo ở cửa cung. Người nào muốn vào, so thấy hợp mảnh tre ấy mới cho vào. Phép của đời Hán như vậy.

[4] Đây là dịch theo Truyện của Trình Di và Bản nghĩa của Chu Hy. Theo đúng Nho văn, thì phải dịch là “yên lặng mà đi”.