Đến ngày hai mươi tám tháng chín, Ngô Đạo quan tại miếu Ngọc Hoàng cùng đạo chúng mười người tới nhà Tây Môn Khánh lập đàn chay trước linh cữu, tụng kinh cúng tế, lại đem tới nhiều lễ vật hậu hĩ. Việc tế lễ rình rang trọng thể không sao kể xiết.
Cuộc tế lễ xong xuôi. Tây Môn Khánh vái tạ nói:
Để sư phụ phải tốn kém mất công như thế này, thật không lấy gì báo đáp. Ngô Đạo quan nói:
Quan nhân dạy như thế chỉ khiến bần đạo thêm hổ thẹn, đáng lẽ là phải tổ chức trai đàn lớn hơn nữa để tụng kinh siêu thác cho phu nhân, nhưng hiềm lực bạc nên chỉ làm được như thế này mà thôi, gọi là biểu lộ cái tấm lòng của bần đạo.
Tây Môn Khánh đặt tiệc chay khoản đãi Ngô đạo quan và đạo chúng.
Hôm sau, Hàn thư phu tới tế lễ. Sau đó thì em trai của Ngọc Lâu là Mạnh Duệ, đi buôn bán xa, về nhà nghe tin Tây Môn Khánh có tang, nên cũng tới tế lễ, đem theo nhiều lễ vật.Tây Môn Khánh đáp lễ xong, dẫn Mạnh Duệ vào gặp Ngọc lâu, rồi mời ra ngoài dự tiệc.
Trưa hôm đó Lý Tri huyện, Tiền huyện thừa, Nhiệm Chủ bạ,Hạ Điển sử cùng Địch Tri huyện tại huyện Dương Cốc và năm bảy quan chức khác mặc tang phục tới điếu tang. Tây Môn Khánh sai dọn tiệc lớn khoản đãi,có Ngô Đại cữu và Ôn tú tài phụ việc thù tiếp. Cạnh tiệc có ba ca công đàn hát. Nói vài câu chuyện nữa thì Hoàng Chủ sự đứng dậy cáo từ.
Tây Môn Khánh khẩn khoản lưu giữ, nhưng Hoàng Chủ sự từ chối nói:
Tôi phải tới Liễu Đường lão tiên sinh, lão tiên sinh năm xưa từng làm huyện lệnh tại vùng tôi, người con lại cùng đậu một khoa hương thí với tôi, người con đó hiệu là Lưỡng Tuyền.
Tây Môn Khánh vội nói:
Tôi quả không biết đại quan cùng Lưỡng Tuyền là chỗ thân tình, Lưỡng Tuyền và tôi cũng là chỗ tương giao.
Hoàng Chủ sự vái chào rồi bước ra. Tây Môn Khánh tiễn chân mà dặn:
Phiền đại quan nhắt giùm với Tống Chủ sự là gần tới ngày thì xin cho người báo trước cho tôi biết để còn kịp chuẩn bị.
Hoàng Chủ sự đáp:
Xin quan nhân cứ yên tâm, gần tới ngày, chắc chắn là Tống Chủ sự sẽ thông báo để quan nhân rõ. Tuy nhiên quan nhân cũng chẳng nên làm rình rang xa xỉ quá.
Tây Môn Khánh đáp:
Thưa vâng.
Nói xong tiễn ra tới cổng. Hoàng Chủ sự lên ngựa mà đi,quân hầu la hét dẹp đường ầm ỹ một vùng.
Trong này, đám quan chức địa phương đang ăn uống, nghe tin Hoàng Chủ sự tới thì tự nhiên im lặng, không dám nói lớn,lại gọi gia nhân quân hầu, bảo đem hết ngựa và kiệu dẹp qua một bên. Tây Môn Khánh tiễn Hoàng chủ sự ra về rồi vào bàn tiệc kể lại chuyện Tống Tuần án nhờ Hoàng Chủ sự tới nói về việc nghênh tiếp Lục Hoàng Thái úy. Đám quan lại nghe xong đều lo lắng sợ hãi mà bảo:
Đây là chuyện quan trọng mà khổ cực lắm. Quan Khâm sai tới đây là làm khổ cho cả quan dân trong khắp châu huyện. Mọi sự việc đều lo, quan lại tất nhiên phải bổ vào đầu dân, dân lại càng khổ cực hơn nữa. Bây giờ thì chỉ còn trông cậy ở Tây Môn Khánh Đại quan nhân đây làm sao dùng lời nói khéo mà bớt được phiền nhiễu cho cả quan dân trong hạt mà thôi.
Sau đó bữa tiệc đang vui bỗng trở thành nhạt nhẽo, các quan nói thêm vài ba câu chuyện rồi kéo nhau đứng dậy cáo từ.
Hôm sau thì Đạo Kiên trưởng lão ở chùa Vĩnh Phúc dẫn mười sáu vị tăng tới tụng niệm, vị nào cũng mặc cà sa vân cẩm rất trang trọng.
Đến ngày mồng tám tháng mười, các vị tăng của chùa Bảo Khánh ở phía tây ngoại thành tới tụng kinh. Hôm đó Tây Môn Khánh cùng Từ tiên sinh đi làm lễ phá thổ, chọn nơi đào huyệt. Đến tối thì các vị tăng của chùa Bảo Khánh ra về.
Hôm sau Tây Môn Khánh cho dựng tạm một căn nhà gần nơi đào huyệt, bày tiệc lớn ở đó để khoản đãi khách khứa tới coi và đám nhà tai mắt ở vùng phụ cận. Đến tối tiệc mới tan.
Ngày mười một làm lễ từ linh, thân bằng quyến thuộc khắp nơi tụ lại dâng hương đất vàng, lớn bé trong nhà lại khóc lóc một hồi, sau đó là tiệc rượu và hát tuồng.
Hôm sau mười hai là ngày đưa đám, từ sáng sớm, các phường bát âm, các tăng sĩ đạo sĩ đã tề tựu đông đủ. Tây Môn Khánh nói với Chu Thủ Bị phái cho năm chục tên quân với đầy đủ ngựa và cung tên giáo mác, mười tên được ở lại coi nhà, còn bốn mươi tên sẽ chia làm hai cánh tả hữu dẹp đường cho đám tang đi. Lại lấy hai chục quân hầu trong nha môn để phục dịch sai bảo, hai chục tên nữa túc trực tại nơi an táng. Hôm đó quan lại bằng hữu thân quyến tới đưa đám, xe ngựa kiệu cờ chật ních đường xá, dân chúng không qua lại được. Quân hầu gia nhân ra vào như nước, la hét ầm ỹ. Chỉ tính riêng trong gia đình thân quyến số kiệu cũng lên tới trên một trăm cỗ. Các ca nữ thuộc các nhà hát trong huyện cũng dùng tới mấy chục cỗ kiệu.
Tây Môn Khánh và Nguyệt nương mệt nhoài vì phải sắp đặt đám tang. Từ tiên sinh nhất định giờ khởi hành là giờ Thìn.
Tuyết Nga và hai sư bà ở nhà coi nhà. Bình An và hai tên quân giữ cổng trước.
Một cỗ đòn gồm sáu mươi tư phu đòn khiêng cực kỳ lộng lẩy, vĩ đại được chọn để đem linh cữu. Lúc chuyển quan, các vị tâng tụng kinh rầm rĩ. Hôm đó trời đẹp, không khí yên tĩnh trong sáng. Đám tang bắt đầu tiến ra đường thì cả huyện đã biết rõ những đường nào đám tang sẽ đi qua. Già trẻ bé lớn, trùng trùng điệp điệp chen chúc nhau mà coi, bàn tán huyên náo cả huyện.
Đám tang khởi hành vào lúc mặt trời đã lên được mấy con sào, đi đầu là quân lính cưỡi ngựa, cung tên giáo mác đằng đằng, la hét dẹp đường ầm ỹ, rồi chiêng trống vang lừng, đinh tai nhức óc, minh tinh là một giải lụa bạch dài tới chín thước, viết chữ đại tự. Sau minh tinh là mười sáu đạo sĩ mặt mày thanh tú, người nào cũng mặc đạo bào mới. Tiếp đó là một hòa thượng mập mạp dẫn đầu hai mươi bốn vị tăng, người nào cũng mặc cà sa vân cẩm. Đi sau là linh xa, kết toàn bằng gấm vóc châu ngọc. Rồi tới một hàng dài toàn những cờ phướn viết chữ vàng chữ bạc, những đối trướng đủ màu sắc, huy hoàng chói lọi át cả ánh mặt trời.Linh cữu đặt trên cỗ đòn sáu mươi tư phu đòn khiêng trên vai, trên cỗ đòn là cái nhà táng vĩ đại, sơn son thiếp vàng, mành loan rèm phụng, châu giắt ngọc đeo. Ngay sau cỗ đòn là mười mấy cỗ đại kiệu của Nguyệt nương và gia đình. Tây Môn Khánh khăn xô áo gai cùng thân quyến đàn ông đi phía sau. Tiếp đó là một rừng người đưa đám, gồm các quan lại trong phủ huyện, các nhà tai mắt, những người quen biết và và lân lý xóm giềng. Kiệu xe người ngựa chật ních mặt đường, kéo dài cả mấy dặm. Hai bênh đường là những rừng người đứng coi.
Đám tang tới gần miếu Ngọc Hoàng thì Ngô Đạo quan ra làm lễ nghênh tân. Ngô Đạo quan đội khăn Cửu dương lôi, mặc áo đại hồng ngũ thái, chân đi dép đỏ, tay cầm hốt ngà, nghênh tiếp linh cữu tới cổng Miếu, nơi đây hương án được bày la liệt.Đám tang dừng lại Ngô Đạo quan làm lễ nghênh cữu, đứng trước hương án cao giọng đọc rằng:
Cung duy cố Cẩm y Tây Môn Thất nhân Lý thị phi linh,hưởng dương hai mươi bảy tuổi, sinh giờ Ngọ ngày rằm tháng giêng năm Tân Mùi, khứ thế vào giờ Sửu ngày mười bảy tháng chín năm Chính Hòa thứ bảy. Phu nhân là dòng dõi danh gia, tư chất thông mình, bẩm sinh đã nghi dung kiều mỹ như huệ,như lan. Đức thì như uyển, tính lại ôn hòa. Khi về với họ Tây Môn thì trong khuê khổn rõ ra hiền thục, cung cầm sắc huyên hòa, hạnh phúc không sao kể xiết. Ngỡ là hưởng phúc bách niên,nào hay lỡ làng duyên kiếp, than ôi, trăng đẹp đã khuyết,vật lý khó toàn, thọ yểu có số. Nay thì xe kiệu tiễn đưa, chồng hiền ưu sầu theo cạnh, thân bằng quyến thuộc tiễn đưa tình ly biệt nói sao cho xiết, ngày tháng qua đi nhưng lòng thương tiếc chẳng bao giờ phai nhạt. Nay mới biết cuộc đời như cánh bướm trong giấc mộng Trang Chu, muôn vạn cũng là không, hồn phách về chốn hư vô, nhưng chân dung một bức còn để lại cho người người chiêm ngưỡng.
Ngô Đạo quan đọc xong, lên kiệu mà đi trước, đám tang tiếp tục di chuyển ra cổng thành phía nam. Năm bảy phường bát âm thi nhau tấu nhạc rầm rĩ. Ra tới ngoại thành, thân hữu dìu Tây Môn Khánh lên ngựa. Đi được chừng năm dặm thì thấy Trương đoàn luyện dẫn hai trăm quân hầu, cùng Lưu, Tiết hai vị thái giám đứng đợi ở một nơi cao, trương cờ quạt đối trướng,cho cử nhạc vang lừng, chiêng trống ồn ào mà nghênh tiếp linh cữu Đám tang tạm dừng lại chốc lát để hai thái giám Lưu, Tiết và Trương Đoàn luyện làm lễ rồi lại tiếp tục đi, vừa đi vừa đốt vàng giấy, khói bay mù mịt suốt dọc đường.
Tới địa điểm an táng thì vừa giờ Tỵ, Từ tiên sinh làm lễ tế thổ thần để chuẩn bị hạ huyệt. Quan lại và thân bằng quyến thuộc đốt vàng mã mù mịt,rồi tranh nhau tới rót rượu phân ưu với Tây Môn Khánh. Các dàn nhạc thi nhau tấu nhạc, huyên náo một vùng.
Kế đó là lễ hạ huyệt, tiếng khóc vang lên, Tây Môn Khánh vật mình lăn khóc, nhào xuống huyệt mà ôm lấy quan tài. Mọi người xúm vào khuyên giải. Khung cảnh ồn ào náo loạn cho đến khi lấp đất xong.
Lễ an táng chấm dứt, kế đó là lễ hồi linh. Nguyệt nương ngồi trong hồn kiệu, ôm bài vị và giữ cờ thần chủ hồn phan.Kinh Tế thì đi theo linh sàng. Âm nhạc lại tấu lên, các đạo sĩ trung sĩ đi dọc hai bên thi nhau tụng kinh ầm ỹ. Đoàn người đông đảo kéo nhau vào thành. Đi xung quanh Tây Môn Khánh có Ngô Đại cữu, Ngô Nhị cữu, Hoa Đại cữu, Trầm Di phu, Mạnh Nhị cữu, Ứng Bá Tước, Tạ Hy Đại, Ôn tú tài và các quản lý thân bằng quyến thuộc cưỡi ngựa, ngồi kiệu, ngồi xe đi sau.
Tới cổng nhà, làm lễ đốt vàng rồi mới tiến vào. Từ tiên sinh đứng ra làm lễ rước bài vị vào bàn thờ đặt trong phòng Nhị Thư. Sau đó làm lễ dán bùa khắp nơi trong nhà. Công việc xong xuôi, Tây Môn Khánh tặng Từ tiên sinh năm lạng bạc và một xấp lụa.
Từ tiên sinh cảm tạ ra về. Đám quân hầu phục dịch cũng ra về sau khi đã được thưởng tiền. Đám quân binh của phủ Thủ bị được thưởng năm xâu tiền. Đám quân binh của nha môn được thưởng năm xâu tiền. Đám quân binh của doanh Đoàn luyện được thưởng mười xâu tiền. Tây Môn Khánh lại sai viết thiếp cảm tạ Chu Thủ bị, Trương Đoàn luyện và Hạ Đề hình về việc phái quân binh tới phục dịch.
Sau đó Tây Môn Khánh muốn lưu giữ Ngô Đại cữu, Kiều Đại hộ và các thân bằng quyến thuộc dể khoản đãi, nhưng mọi người đều từ chối, cáo từ ra về. Lai Bảo vào hỏi:
Bây giờ công việc đã xong xuôi, các rạp được dựng lên, bây giờ xin cho rỡ đi. Tây Môn Khánh bảo:
Chưa vội, cứ để đó còn tiếp đãi Tống Lão gia, sau đó cho rỡ đi cũng vừa.
Trong nhà trong, đám khách đàn bà gồm Hoa Đại nương, Kiều Đại nương và mọi người còn khóc lóc trước bài vị một hồi, rồi ngồi uống trà nói chuyện một lúc mới cáo từ.
Tây Môn Khánh cảm thấy nhớ thương Bình Nhi cực độ, bèn vào phòng Bình Nhi xem xét cách bài trí, để định nghỉ đêm tại đó, làm bạn với bài vị. Trong phòng linh sàng được đặt ở giữa, bức đại chân dung treo một bên bức hình bán thân treo một bên. Trên linh sàng bày những xiêm y và đồ trang sức của Bình Nhi, bên dưới là một đôi hài thêu bông sen vàng nhỏ xíu. Trên bàn thờ đèn nhang lung linh, các đồ thờ được bày biện đầy đủ.
Tối hôm đó Tây Môn Khánh sai Nghênh Xuân dọn giường ngủ trong phòng Bình Nhi. Ngồi vào giường, Tây Môn Khánh chỉ khóc lóc than thở, tơ tưởng đến Bình Nhi. Bên trong là ngọn đèn leo lét trước bài vị, bên ngoài là ánh trăng tà lạnh lẽo. Tây Môn Khánh đau buồn trằn trọc suốt đêm không hề chợp mắt.
Hôm sau, buổi sáng cúng trà, buổi trưa cúng cơm, Tây Môn Khánh đều đích thân đứng coi a hoàn bày biện, rồi bước tới làm lễ cúng trà cúng cơm. Tây Môn Khánh khóc lóc khấn vái, rồi cầm đủa lên mời:
– Nàng dùng miếng cơm quả trứng.
Cử chỉ chân thành như là đối với Bình Nhi lúc còn sống. Đám a hoàn cũ của Bình Nhi thấy vậy xúc động che mặt khóc lóc không thôi. Nhũ mẫu Như ý ngày đêm túc trực lo việc nhang đèn thờ phụng.
Hôm sau, Tây Môn Khánh lại cho mời thân bằng quyến thuộc tới dự tiệc để cảm tạ.
Bữa tiệc đến tối mới vãn khách khứa ra về, Tây Môn Khánh say mèm, vào phòng Bình Nhi, bảo Nghênh Xuân dọn giường ngủ.
Đến đêm, Tây Môn Khánh gọi Nghênh Xuân đem trà uống,nhưng không thấy Nghênh Xuân thưa, chỉ thấy Như ý đem trà lên. Như ý thấy chăn đắp của Tây Môn Khánh rơi xuống chân giường, bèn kéo lên đắp cho chủ. Tây Môn Khánh bảo:
Lúc nương nương ngươi còn sống, có nói với ta là ngươi nguyện xin ở lại đây chứ không muốn ra ngoài có thật như vậy chăng?
Như Ý ứa nước mắt đáp:
Thật chứ sao không. Xin gia gia thương tình mà xét cho,tôi thân đàn bà chồng không có, con thì chết, họ hàng thân thích chẳng có một ai, bây giờ tôi biết nương tựa vào đâu, tôi chỉ còn xin gia gia cho tôi được hầu hạ trong nhà để sống qua ngày mà thôi.
Tây Môn Khánh bảo:
Vậy cũng được.
Nếu gia gia đã vì Lục nương mà thương xót giùm tôi, thì xin cho tôi hầu hạ trong nhà, gia gia sai tôi làm việc gì cũng được.
Tây Môn Khánh bảo:
Nếu vậy thì ngươi lo việc giường chiếu cho ta.
Như Ý mừng lắm, ngay đêm đó săn sóc giấc ngủ chủ thập phần chu đáo, chăn gối mùng màn rất tề chỉnh sạch sẽ. Tây Môn Khánh hài lòng lắm.
Sáng sớm hôm sau, Tây Môn Khánh vừa thức giấc, ngồi dậy chưa kịp quơ chân xuống đất đã thấy Như ý cầm dép xỏ vào chân, rồi cuộn dẹp chăn gối, dọn giường, quét nhà, mọi việc đều kỹ lưỡng đàng hoàng, Nghênh Xuân không phải mó tay vào việc gì cả.
Tây Môn Khánh lấy ra bốn cây trâm bạc cũ của Bình Nhi thưởng cho, Như ý vội sụp lạy tạ ơn.
Nghênh Xuân thấy Như ý được thâu dụng thì nể lắm, hai người trở nên thân mật gấp mấy ngày trước. Như Ý thì từ khi biết là được chủ yêu quý thì trong lòng sinh ra kiêu ngạo, coi thường mọi người, ngày ngày trang điểm công phu, ăn mặc đẹp đẽ nhan sắc gia tăng gấp bội, thường cười nói không giữ gìn.
Tất cả những chuyện đó đều không lọt qua cặp mắt theo dõi của Kim Liên.
Một hôm, vào buổi sáng, Tây Môn Khánh đang trò chuyện cùng Bá Tước trên đại sảnh thì gia nhân vào báo:
Tống ngự sử sai người đem một bộ đồ uống rượu tới để mừng Hoàng Thái úy, gồm hai bình đựng rượu bằng vàng, hai chung bằng vàng lớn, mười chung nhỏ bằng bạc, bốn cái bát lớn bằng bạc, bốn cái bát nhỏ bằng vàng, hai xấp lụa đại hồng, hai xấp đoạn kim tuyến, và hai con dê. Đồng thời xin báo là thuyền của Thái úy hiện đã tới Đông Xương, gia gia nên chuẩn bị tiệc rượu, đúng ngày mười tám thì nghênh tiếp Thái úy.
Nói xong dẫn gia nhân của Tống ngự sử vào.Tây Môn Khánh thâu nhận lễ vật, thưởng một lạng bạc cho người đem lễ vật rồi cho về. Sau đó soạn tiền bạc, gọi Lai Hưng và Bôn Tứ đến để bàn định việc làm tiệc.
Công việc bàn định xong xuôi, Tây Môn Khánh quay sang nói với Bá Tước:
Kể từ ngày ca nhi tôi lâm bệnh rồi qua đời, đến Lục nương tôi lâm bệnh rồi quy tiên, và đến bây giờ, tôi không một ngày được rảnh rang, lúc nào trong lòng cũng lo âu bận rộn. Bây giờ tang ma vừa xong thì lại gặp chuyện này, thật tôi mệt mỏi chán nản quá.
Bá Tước bảo:
Chuyện này đại ca cũng chẳng nên than phiền oán trách gì,người ta đã không lo nổi nên mới làm rộn đến đại ca. Nay đại ca chịu mệt nhọc tốn kém chút ít, nhưng từ nay về sau, quan khâm sai đại Thần Điện tiền Thái úy còn phải đến nhà này ăn uống, thì thử hỏi các đại quan khác như tuần phủ, tuần án lại không vì nể mà đua nhau tới làm thân với gia gia hay sao?
Tây Môn Khánh nói:
Đã đành rằng vậy, chúng tôi cứ tưởng là phải ngoài hai mươi, nào ngờ lại là ngày mười tám, như vậy vội vàng cấp bách quá. Ngày đó tôi lại nhờ Ngô Đạo quan lập đàn tế lễ cho Lục nương, tiền bạc đã đưa cả rồi, làm sao hoãn đến ngày khác được. Chẳng lẽ hôm đó lại không có tôi trong cuộc tế lễ hay sao.
Bá Tước bảo:
Chuyện đó cũng dễ giải quyết, tôi tính thế này, ngày mười tám, đại ca cứ cho bày tiệc, rồi đến ngày hai mươi đại ca cho làm lễ niệm kinh cũng được chứ gì, hoãn lại hai ngày cũng không muộn.
Tây Môn Khánh gật đầu:
Nhị ca nói đúng, để tôi phải sai người tới bảo Ngô Đạo quan sửa lại ngày làm lễ mới được.
Bá trước lại nói: .
Tôi còn chuyện này muốn nói với đại ca xem đại ca tính sao. Hoàng Chân nhân ở Đông Kinh được triều đại sai đi Thái An châu để mua ngự hương, hiện Hoàng Chân nhân còn tạm trú tại miếu Ngọc Hoàng, đại ca sao không nhân đó nhờ Ngô Đạo quan mời Hoàng Chân nhân đứng ra làm lễ cho Lục tẩu, có phải được tiếng hơn không?
Tây Môn Khánh bảo:
Ngô Đạo quan với tôi là chỗ thân tình cố cựu, việc gì cũng nhờ cậy, nhất là trong việc tang ma vừa rồi, tôi nhờ cậy Ngô Đạo quan nhiều lắm. Bây giờ có Hoàng Chân nhân, mình lại không nhờ tới Ngô Đạo quan thì e không tiện, rồi về sau khó ăn khó nói.
Bá Tước nói:
-Tôi không nói là làm tổn thương hay thiệt hại gì tới Ngô Đạo quan, chỉ riêng ngôi chủ tế thì mời Hoàng Chân nhân để lấy tiếng, như vậy có phải rạng rỡ cho vong linh Lục tẩu không.
Tây Môn Khánh thấy Bá Tước nói đúng, bèn gọi Kính Tế,sai viết thiếp gói năm lạng bạc, rồi dặn:
Đem tới miếu Ngọc Hoàng nhờ Ngô Đạo quan mời Hoàng Chân nhân làm chủ tế trong ngày hai mươi sắp tới, nói rằng cần hai mươi bốn đạo sĩ tụng kinh trong một ngày một đêm.
Lại sai Đại An cưỡi ngựa cùng đi. Kính Tế và Đại An cầm thiếp và bạc đi ngay.
Lát sau Bá Tước ra về, Tây Môn Khánh vào phòng Nguyệt nương, thấy vợ Bôn Tứ đem một quả lễ vật tới, vì đứa con gái lớn đã có người tới làm lễ hỏi, Tây Môn Khánh hỏi:
Kết thân với nhà nào vậy?
Vợ Bôn Tứ không đáp, chỉ gọi con gái ra lạy chào Tây Môn Khánh. Đứa con gái mặt mũi cũng dễ coi, mình mặc áo đoạn đại hồng và cái quần hoàng yến. Nguyệt nương nghe chồng hỏi thì đáp:
Tôi cũng không biết, nhưng đám này là do gia nhân của Hạ đại nhân mai mối, đám hỏi vừa làm hôm qua, và ngày hai mươi bốn này thì làm đám cưới. Nhà gái chỉ được có hai chục lạng bạc, nhưng nghe nói là thằng nhỏ cũng mới mười sáu mười bảy tuổi gì đó, mà hiền lành ngoan ngoãn lắm.
Tây Môn Khánh bảo:
Nếu là gia nhân của Hạ đề hình thì tốt rồi.
Nói xong bảo Nguyệt nương dọn tiệc khoản đãi vợ con Bôn Tứ. Đám tiểu thiếp và Đại Thư cũng có mặt chung vui. Lúc vợ con Bôn Tứ cáo từ ra về, Nguyệt nương tặng cho con gái Bôn Tứ một lạng bạc và một bộ quần áo lụa. Đám tiểu thiếp cũng tặng khăn tay, trâm thoa và son phấn.
Đến tối Kính Tế và Đại An về thưa:
Ngô Đạo quan đã nhận thiếp và tiền rồi, nói rằng Hoàng Chân nhân hiện còn ngụ tại miếu, ngày hai mươi mới lên đường, để rồi sẽ mời.
Tây Môn Khánh yên tâm lắm.
Hôm sau, Tây Môn Khánh một mặt cho gọi nhà bếp lên dặn dò về bửa tiệc, một mặt triệu tập gia nhân, sai dọn dẹp nhà cửa, từ đại sảnh tới hoa viên, lại cho trang hoàng treo đèn hoa từ cổng vào.
Ngày mười bảy, Tống ngự sử sai hai vị quan tới để lo sắp đặt trước mọi việc, coi sóc gia nhân trang hoàng bày biện. Chính giữa đại sảnh là bàn tiệc lớn của Hoàng Thái úy, bên dưới là bàn của Tuần phủ và Tuần án. Hai bên là hai dãy bàn, mỗi dãy năm bàn một bên dành cho các quan sở tại, một bên dành cho các quan tùy tùng. Mấy gian rạp dựng bên ngoài đại sảnh là một dãy bàn dành cho các võ quan theo hầu Thái úy. Nhà ngang là tiệc dành cho quân binh của Thái úy. Hai vị quan coi sóc xong xuôi, cùng Tây Môn Khánh uống trà rồi cáo từ mà về.
Sáng sớm hôm sau, các quan sở tại mũ áo tề chỉnh trống phách cờ quạt linh đình kéo ra bờ sông, đón rước Hoàng Thái úy tận thuyền. Riêng đám quan võ như các thức Thống chế, Thủ ngự, Đô giám, Đoàn luyện, đều giáp trụ nghênh ngang, đem binh mã sở tại rầm rộ kéo ra ngoại thành mấy dặm mà chào đón theo lễ nghi quân cách.
Hoàng Thái úy mặc triều phục đại hồng ngũ thái ngồi trên đại kiệu tám người khiêng, có che bốn cái lọng vàng, quan binh lục tục theo sau, cả đoàn người ngựa tiến vào thành trong tiếng chiêng trống rền trời, tiếng quân hầu dẹp đường rầm rĩ.
Đám người ngựa qua phủ Đông Bình mà vào huyện Thanh Hà. Tri Phủ mặc triều phục quỳ mọp bên đường nghênh tiếp, rồi tất cả kéo về nhà Tây Môn Khánh.
Tới cổng, chiêng trống tưng bừng, nhạc tấu vang dội, hai bên là hai hàng quân binh dàn chào. Tây Môn Khánh mũ áo cân dai tề chỉnh, cúi rạp một bên đón tiếp. Đoàn người ngựa vào hết. Hoàng Thái úy xuống kiệu Tây Môn Khánh lạy chào rồi mời lên đại sảnh, Tuần phủ Tuần án dẫn các quan lớn nhỏ lên theo.
Trong đại sảnh, dàn nhạc tấu lên du dương thánh thót,tiếng đàn tranh đàn tỳ bà cùng sáo dài sáo ngấn quyện vào nhau. Tây Môn Khánh lạy chào lần nữa với tư cách gia chủ!
Sơn Đông Tuần phủ Đô Ngự sử và Tuần án Giám Ngự sử Tống Kiều Niên bước tới lạy chào. Hoàng Thái úy đều đáp lễ.Tiếp đó là các quan chức khác tới lạy chào, như Sơn Đông Tả Bố chính họ Tập, Hữu Bố chính họ Trần, Tả Tham chính họ Hà, Hữu Tham chính họ Lý, Tham Nghị họ Phùng, Hữu Tham nghị họ Uống, Liêm sứ họ Triệu, Thái phòng sứ họ Hàn, Đề học Phó sự họ Trần, Binh bị Phó sự họ Lôi… Thái úy đều nhất nhất đáp lễ. Rồi tới Phủ doãn Đông Xương họ Từ, Phủ doãn Đông Bình họ Hồ,Phủ doãn Duyên Châu họ Lăng, Tri phủ Từ Thâu họ Hàn, Tri phủ Tế Nam họ Trương, Tri phủ Chính Châu họ Vương, Tri phủ Đăng Châu họ Vương, Tri phủ Lai Châu họ Diệp, Thái úy cũng vái chào đáp lễ. Còn các chức quan võ như Thống chế. Thủ bị, Chế trí, Đoàn luyện, Đô giám… lạy chào xong thì ra ngoài ngồi riêng một khu.
Nghi lễ xong xuôi, Tây Môn Khánh và Hạ Đề hình bước tới dâng trà, Hầu Tuần phủ và Tống tuần án ngồi bên thù tiếp Thái úy. Sau tuần trà đến tuần rượu. Dàn nhạc tiếp tục tấu vang. Tiếp đó mọi người nhập tiệc, các quan lớn nhỏ cứ theo thứ tự đã xếp sẵn mà ngồi. Chỉ riêng hai quan Tuần phủ và Tuần án được thù tiếp quan Thái úy.
Cạnh tiệc ca công ca nữ đua nhau phô bày tài nghệ, các đoàn vũ cũng được gọi tới mua vui.
Tiệc rượu kéo dài ít lâu, Thái úy sai lấy mười lạng bạc thưởng cho quân binh địa phương, rồi sai dọn kiệu để ra về. Các quan lớn nhỏ xúm lại lưu giữ không được, đành lục tục kéo nhau ra theo. Chiêng trống lại rầm rĩ, tiếng ngựa hý nhạc reo ồn ào, quân binh la hét loạn xạ. Các quan muốn đưa tiễn thật xa nhưng Hoàng Thái úy bảo là cho miễn. Tuy nhiên, Tống ngự sử và Hầu Tuần phủ bảo các quan võ từ Đô giám trở xuống phải dẫn quân binh bản bộ đưa tiễn tới tận thuyền. Phủ Doãn Phủ Đông Bình là Hồ Sư Văn và quan Thủ ngự là Chu Tú phải lo đem rượu thịt tới tận thuyền. Sắp đặt đâu đấy, Tống ngự sử quay vào vái tạ Tây Môn Khánh mà nói:
Hôm nay quả là quấy rầy quan nhân nhiều lắm, tôi thật muôn phần cảm tạ. Việc phí tổn nếu thấy cần thì xin cho biết để chúng tôi lo đỡ đôi phần.
Tây Môn Khánh vội vái trả rồi nghiêng mình nói:
Ty chức đây được đại quan thương nên mới sai bảo. Đã làm hết sức mình. Hôm qua đại quan đã cho nhiều thứ, nay đâu dám làm phiền thêm. Chỉ e rằng ty chức đây cư ngụ chật chội, thiếu thốn mọi thứ, có điều gì lỗi lầm sơ sót, kính xin đại quan thể tình tha cho.
Sau đó Tống Ngự sử cùng Hầu Tuần phủ vái chào mà lên kiệu về. Các quan chức khác cũng cáo từ. Quân binh phục dịch cũng được cho về. Tây Môn Khánh tiễn các quan xong trở lại đại sảnh thưởng tiền cho các nhạc công, ca công, ca nữ và vũ nữ rồi cho về, chỉ giữ lại bốn ca công.
Công việc dọn dẹp xong xuôi, Tây Môn Khánh thấy hãy còn sớm, liền cho dọn bốn bàn tiệc, rồi sai mời Ngô Đại cữu, Ứng Bá Tước, Tạ Hy Đại, ôn Tú tài, các quản lý Cam, Bàn, Phó, Bôn Tứ, Thôi Bản và Kính Tế đến ăn uống, để gọi là tạ lại sự nhọc mệt của những người này trong nhiều ngày nay.
Chỉ lát sau là mọi người về tựu đông đủ. Tây Môn Khánh vui vẻ mời mọi người nhập tiệc. Rượu được vài tuần, Bá Tước hỏi:
Hôm nay Hoàng Thái úy ngồi đây có lâu không? Xem ra có vui vẻ hài lòng chăng? Hàn Đạo Quốc đáp:
Hôm nay Hoàng lão công thấy tiệc ở đây tề chỉnh thịnh soạn thì hài lòng lắm. Các quan Tuần phủ Tuần án mừng lắm, cứ tạ ơn gia gia mãi.
Bá Tước nói:
Địa phương này, không còn nhà thứ hai nào có thể tổ chức được bữa tiệc như thế. Cứ nói riêng vấn đề nhà cửa chỗ ngồi, cũng chỉ có nhà này là đủ rộng mà thôi. Hôm nay thực khách có đến cả ngàn người chứ đâu phải ít. Vậy mà khoản đãi chu đáo mới là đáng nói, Toàn tỉnh Sơn Đông này từ nay nổi danh đại ca cho mà xem.
Ôn tú tài nói:
Hôm nay cũng có thầy của tôi là quan đề học Trần lão tiên sinh tới dự tiệc ở đây. Tây Môn Khánh hỏi:
Chẳng hay quan Đề học quê quán nơi đâu?
Ôn tú tài đáp:
Trần lão tiên sinh người Hà Nam, năm mười tám tuổi tới kinh ứng thí đậu Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, hiện nhận chức Đề học Phó sứ tại địa phương mình đây. Trần lão tiên sinh sở học uyên bác lắm.
Tây Môn Khánh cho bốn ca công đến hỏi:
Các người tên gì?
Chúng tôi đây là Chu Thái, Lương Đạc, Mã Chân và Hàn Tất. Bá Tước hỏi Hàn Tất:
Ngươi có họ hàng gì với Hàn Kim Xuyến chăng?
Hàn Tất quỳ xuống thưa: .
– Kim Xuyến và Ngọc Xuyến là em gái của tiểu nhân đây.
Tây Môn Khánh đang uống rượu lại nhớ tới Bình Nhi, bèn bảo đám ca công:
Các ngươi đàn hát cho ta nghe bản “Hoa Lạc Dương,trăng Lương Viên” được không? Hàn Tất và Chu Thái vừa đàn vừa hát rằng:
Hoa Lạc Dương, Trăng vườn Lương,
Hoa đẹp đã bán
Trăng đẹp nhìn xuống.
Hoa kia từng mọc cạnh lan can, muôn phần xinh đẹp.
Nguyệt nọ từng soi bàn tiệc, vạn nỗi sầu thương
Trăng có khi đầy khi khuyết
Hoa có lúc nở lúc tàn
Đời người vui buồn là chuyện hợp tan
Hoa tàn rồi, mùa xuân đã hệt.
Trăng khuyết rồi, đêm thu chẳng còn
Người đi rồi, để lòng này héo hon.
Khúc hát chấm dứt mà lời ca tiếng nhạc còn như văng vẳng đâu đây Tây Môn Khánh thẫn thờ, đôi mắt đỏ hoe, Bá Tước thấy vậy bảo:
Đại ca bảo chúng nó hát khúc đó, hèn gì chẳng nhớ tới Lục tẩu. Vừa lúc đó gia nhân đem hoa quả bánh trái ra, Tây Môn Khánh bảo:
Nhị ca à, lúc nàng còn sống thì những dĩa bánh trái hoa quả này là do một tay nàng lựa chọn và bày biện, vừa ngon lành vừa đẹp mắt biết bao nhiêu, bây giờ công việc đó phó mặc cho đám a hoàn, thành thử chẳng ra gì, coi đã không vừa mắt, làm sao ăn cho ngon miệng được.
Ôn tú tài nói:
Trong nhà còn các nương nương khác, đâu phải là không có người. Bầy biện như thế này là đẹp mắt lắm rồi.
Bá Tước nói:
Đại ca đừng nên nghĩ như vậy, đại ca thương nhớ Lục Tẩu quá nên mới nói thế, nhưng e rằng khiến các tẩu tẩu khác không vui.
Trong khi ngoài tiệc chuyện trò thì Kim Liên núp sau bình phong để nghe hát. Tình cờ nghe được câu nói vừa rồi của Tây Môn Khánh, bèn lui vào trong kể lại cho
Nguyệt nương. Nguyệt nương bảo:
Ôi, hơi đâu mà để tâm cho mệt. Gia gia muốn nói gì thì nói. Lúc Lục nương còn sống, có xin tôi là cho Tú Xuân về hầu hạ Nhị nương, vậy mà khi tôi nói lại thì gia gia bảo rằng lục nương mới chết đã vội phân tán các a hoàn cũ của Lục nương, thành thử tôi chẳng biết nói làm sao. Mấy hôm nay hai con a hoàn cũ của Lục nương lên mặt ghê lắm, mà con nhũ mẫu thì trang điểm ăn diện khác thường, tôi cũng nói lại thì gia gia bảo là mặ kệ chúng nó.
Kim Liên tiếp ngay:
Đúng rồi, con Như Ý hồi này có vẻ khác lắm, phấn son quần áo đủ thứ, nói cười luôn miệng, gặp ai thì cái mặt cứ vác lên. Lão già vô liêm sỉ này mấy đêm nay cứ ngủ riết trong phòng Lục nương, tôi nghi là dám tằng tịu với con khốn đó. Tôi nghe nói là lão già có cho con khốn đó tới bốn cây trâm bạc cũ của Lục nương, con khốn dắt trên đầu, gặp người nào cũng khoe.
Nguyệt nương và mọi người nghe Kim Liên nói vậy đều có vẻ bực tức lắm…