Trong khi đó thì ở nhà, mọi người không biết Tây Môn Khánh đi đâu, muốn tìm cũng không biết tìm ở đâu. Tiết tẩu nhi biết Đại An là gia nhân thân tín của Tây Môn Khánh, bèn gọi vào hỏi:
Có biết Đại quan nhân hiện ở đâu không ? Đại An đáp:
Chắc gia gia đang ở ngoài tiệm, cùng Phó nhị thúc tín tính toán tiền bạc chứ gì.
Tiết tẩu bèn tới tiệm dược phẩm, thì thấy Tây Môn Khánh đang cùng viên quản lý tính tiền bèn gật gật đầu gọi ra. Tây Môn Khánh vội bước ra, cùng Tiết tẩu tới một nơi văng vẻ để nói chuyện. Tây Môn Khánh hỏi:
Có chuyện gì không ? Tiết tẩu đáp:
Tôi muốn nói với Đại quan nhân về chuyện hôn nhân, Đại quan nhân đang muốn có một vị tam nương chứ gì ? Tây Môn Khánh hỏi:
Nhưng người nào vậy ? Tiết tẩu đáp:
Vị nương tử này chắc là Đại quan nhân cũng biết hoặc đã nghe nói. Đó là vị nương tử trong gia đình họ Dương ở cửa Nam. Gia đình có tiền lại có cơ sở làm ăn buôn bán ở Nam Kinh nữa. Nương tử đó có tới bốn năm chiếc rương toàn vàng bạc châu báu và đồ nữ trang, còn tiền mặt thì trong tay hiện nay có trên ngàn lạng. Người chồng đã chết ở xa, nương tử ở góa đã hơn một năm nay rồi, lại không có con cái gì cả, hiện chỉ vào khoảng hai mươi lăm hai mươi sáu là cùng, mà nhan sắc xinh đẹp, cốt cách phong lưu lắm. Lại còn lanh lợi hoạt bát, giỏi quán xuyến gia đình, có tài nội trợ nữ công, giỏi chơi đàn nguyệt. Cô ta vốn họ Mạnh, là con thứ ba trong nhà, gia đình bên mẹ hiện ngụ tại ngõ Xú Thủy. Đại quan nhân nghĩ thế nào ?
Tây Môn Khánh ngẫm nghĩ rồi hỏi:
Nếu vậy thì chừng nào có thể hội kiến với cô ta được ?
Tiết tẩu nói:
Việc gặp mặt chưa cần thiết, cần phải xem Đại quan nhân có chịu không, rồi lại còn tính toán trước đã. Hiện Mạnh tam nương ở bên nhà chồng, gia đình chồng thì chỉ có một cô chồng là Dương cô nương là đáng kể, lại còn có người cậu là Trương Tứ, Dương cô nương lúc trước có chồng họ Tôn, ngụ tại nhà của Từ công phía bắc huyện đây này, nhưng sau chồng chết, ở vậy ba bốn chục năm nay, con cái không có, chỉ nhờ vả đám cháu. Đại quan nhân muốn thành việc thì phải tới cầu cạnh bà ta. Bà ta đặc biệt là chỉ thích tiền tài mà thôi, chuyện gì cũng vậy, miễn có tiền là được. Đại quan nhân trong nhà hiện còn ít lụa quý, có thể lấy ra rồi mua thêm ít lễ vật gì đó, ngày mai thân tới gặp bà ta, lại cho thêm ít lạng bạc thì xong. Nếu bà ta đứng ra lo chuyện này thì gia đình bên chồng của Mạnh tam nương không ai dám đứng ra phản đối cả.
Tây Môn Khánh nghe xong mừng lắm, hẹn rằng ngày mai nhân tốt ngày, sẽ mang lễ vật tới gặp Dương cô nương. Sau đó hai người chia tay, Tây Môn Khánh lại trở vào tiệm để tính tiền, gần khuya mới về nhà.
Sáng hôm sau, Tây Môn Khánh dậy sớm, lấy ra một xấp lụa quý lại mua thêm ít lễ vật, giao cho Tiết tẩu mang. Tây Môn Khánh cưỡi ngựa chậm chạp mà đi, Tiết tầu và vài gia nhân đi bộ theo sau. Tới nơi, Tiết tẩu vào trước thưa với Dương cô nương rằng:
Có một vị đại tài chủ ở gần đây muốn tới kết thân. Tôi nói rằng trong gia đình họ Dương này thì có co nãi nãi là toàn quyền quyết định, nên mạo muội dẫn vị đại tài chủ tới đây yết kiến cô nãi nãi. Hiện vị đó còn đang đứng hầu ở ngoài. Dưong bà xuýt xoa:
Ái dà, vậy sao không nói trước ? Xin mời vào đi.
Đoạn quay lại bảo các a hoàn sửa soạn trà nức. Tiết tẩu kính cẩn bày các lễ vật lên bàn rồi lui ra gọi Tây Môn Khánh vào. Tây Môn Khánh mặc cực sang, bước vào sụp lạy bốn ạy, Dương bà không biết làm sao, chỉ vội vàng trả lễ, nhưng Tây Môn Khánh không chịu, nhất định bắt Dương bà phải ngồi nhận lạy.
Dương bà không từ chối dược, phải nhận hai lạy rồi phân chủ khách mời ngồi, rồi hỏi:
Chẳng hay Đại quan nhân phương danh quý tính là gì ? Tiết tẩu đứng bên đỡ lời:
Dạ thưa đây là Tây Môn đại quan nhân, cự phú nhất nhì trong huyện mình đó, Đại quan nhân có mở tiệm dược phẩm lớn nhất huyện, trong nhà tiền muôn bạc vạn, nhưng hiện chưa có người quán xuyến gia đình, nên hôm mạo muội tới đây yết kiến cô nãi nãi để xin được kết thân. Dương bà vui vẻ nói:
Nếu quả quan nhân đây có lòng đoái hoài tới cháu dâu tôi thì xin cứ tới nói chuyện, việc gì phải uổng tiền mua lễ vật tốn kém như thế này ? Khiến cho già này từ chối thì hóa ra phụ lòng mà nhận thì lại hổ thẹn. Tây Môn Khánh chưa gì đã gọi Dương bà bằng cô:
Dạ thưa, cô nương là bề trên, dù tới đây không có chuyện gì cũng phải có lễ vật để tỏ lòng hiếu kính huống gì là… Nói tới đây thì cười mà bỏ lủng. Dương bà bèn đứng dậy vái tạ hai vái rồi sai a hoàn cất lễ vật đi, sau đó mời Tây Môn Khánh uống trà. Sau một tuần trà, Dương bà nói:
Chẳng giấu gì Đại quan nhân, cháu trai tôi lúc sinh thời cũng có chút ít tiền của, nhưng chết đi tiền của vào cả tay cháu dâu tôi. Chẳng biết của cải nó có bao nhiêu nhưng bạc mặt thì cũng trên ngàn lạng.
Quan nhân cho là giàu hay nghèo thì tôi không biết, tôi chỉ sự thật mà nói, miễn sao quan nhân thực lòng đoái tưởng tới nó là được. Tôi thì cũng chẳng đòi hỏi gì, đến ngay cả cỗ quan tài tôi cũng không xin quan nhân đâu. Tuy nhiên tôi cũng không hoàn toàn quyết định được việc này, để tôi nói qua với cậu của nó là Trương Tứ xem sao đã.
Tây Môn Khánh cười thưa:
Xin lão cô nương yên lòng, chuyện giàu nghèo mà kể làm gì, chỉ xin cô nương đứng ra tác thành cho là quý rồi. Còn bổn phận là con là cháu phải đền ơn xứng đáng thì đó là chuyện tất nhiên. Đoạn quay lại bảo gia nhân đưa một cái hộp, mở ra trong đó có sáu đỉnh bạc tuyết hoa sáng ngời, để lên bàn rồi nói:
Chỗ này tuy chẳng đáng gì nhưng xin đưa trước để lão cô nương dùng vào việc trà nước, chừng nào xong việc thì tiểu nhân này xin đền ơn xứng đáng.
Dương bà mắt sâng lên cười tít mà bảo:
Quan nhân xử thế này quả là làm già khó nghĩ quá, việc chưa tới đâu cả, mà… mà…
Tiết tẩu đứng bên đỡ lời:
Xin cô nãi nãi đừng quá bận tâm như vậy, Đại quan nhân chúng tôi đây không bao giờ để ý tới chuyện tiền tài, mà chỉ một lòng muốn xin được kết thân mà thôi, xin cứ nhận cho Đại quan nhân chúng tôi được vui. Chính vì Đại quan nhân chúng tôi đây là người hào phóng nên các tướng công Tri phủ Tri huyện lai vãng là thường lắm.
Đôi bên trò chuyện như pháo ran. Sau một tuần trà nữa thì Tây Môn Khánh đứng dậy cáo từ, Dương bà lưu giữ thế nào cũng không được. Tiết tẩu nói:
Hôm nay được may mắn diện kiến bà cô, để mai mốt thì xin cho Đại quan nhân chúng tôi được diện kiến Đại nương.
Dương bà cười:
Chuyện đó thì lúc nào chả được. Già tin rằng nó cũng mừng lắm, vì được một người như Đại quan nhân đây để mắt tới mà còn không chịu thì chịu ai bây giờ ?
Tây Môn Khánh vái chào rồi lui ra. Dương bà nói:
Hôm nay quả là già không hề được biết Đại quan nhân quang lâm tới đây nên việc đón tiếp không được chuẩn bị trước, vậy có gì sơ sót thì xin dành chữ đại xá cho già nhờ. Nói xong theo ra đưa tiễn, nhưng Tây Môn Khánh ngăn lại. Ra tới cổng. Tiết tẩu nói:
Đại quan nhân thấy không ? Tôi nói có sai đâu. Bây giờ Đại quan nhân cứ về trước đi, tôi còn ở lại đây bàn tính cho rõ ràng, rồi ngày mai mình tới xem mặt Tam nương.
Tây Môn Khánh lấy một lạng bạc ra tặng Tiết tẩu rồi lên ngựa về nhà. Tiết tẩu ở lại nói chuyện với Dương bà tới tối hôm đó mới về. Sáng hôm sau, Tây Môn Khánh mũ áo cực kỳ sang trọng, cưỡi bạch mã mà tới cửa Nam, có Tiết tẩu và hai gia nhân là Đại An và Bình An cưỡi lừa theo hầu. Tới nhà họ Dương, Tây Môn Khánh nhìn kỹ mới thấy nhà cửa đồ sộ nguy nga. Tiết tẩu mời Tây Môn Khánh xuống ngựa đi bộ vào. Hai bên đường từ cổng vào là những hàng trúc xanh biếc, giữa sân rộng là một hòn giả sơn đồ sộ và các loại cây cảnh quý giá. Lên tới phòng khách, Tiết tẩu vén mành, mời Tây Môn Khánh vào ngồi. Trong phòng trần thiết rất huy hoàng, đồ đạc toàn loại quý. Tiết tẩu vào trong rồi trở ra ghé tai Tây Môn Khánh nói nhỏ:
Người ta còn trang điểm Đại quan nhân chịu khó ngồi chờ một chút. Gia nhân nhà họ Dương đem trà ra, Tây Môn Khánh vừa uống trà vừa nghe Tiết tẩu nói:
Đại quan nhân không biết, nương tử này giỏi giang lắm, một tay quán xuyến việc nhà đâu ra đấy, lại có riêng một nam gia nhân và hai a hoàn, a hoàn lớn năm nay chừng mười lăm tuổi, tên là Lan Hương, a hoàn nhỏ tên là Tiểu Loan, mới mười hai tuổi, tất cả sẽ theo nương tử về nhà mình sau này đó. Tôi cố gắng lo cho xong vụ này để rồi cũng có ít tiền làm nhà mà ở chứ. Tây Môn Khánh bảo:
Chuyện đo có gì phải gấp. Tiết tẩu nói:
Năm ngoái Đại quan nhân hứa cho tôi ít xấp vải để thưởng công tôi đi mua dược phẩm, vậy mà cũng chẳng thấy cho, bây giờ lại định không thưởng gì cho tôi trong vụ này sao ?
Đang nói chuyện thì một a hoàn chạy ra gọi Tiết tẩu. Lát sau nghe tiếng chân bước nhẹ, rồi mùi lan xạ phảng phất đâu đây, Tiết tẩu vén rèm lên. Mạnh tam nương yểu điệu bước ra. Tây Môn Khánh ngẩn người ra mà nhìn. Nàng quả đẹp tuyệt trần, khổ người thon nhỏ, dáng đi tha thướt, mặt hoa da phấn, sóng mắt phượng long lanh, thật là muôn phần diễm lệ. Nhìn những bước chân đi, gấu quần lộ ra đôi hài nhỏ xíu thật dễ thương. Tây Môn Khánh mới nhìn qua đã thập phần đắc ý. Tam nương bước tới thi lễ rồi ngồi xuống. Tây Môn Khánh đáp lễ xong cứ ngồi ngây ra mà ngắm, Tam nương hơi cúi đầu e thẹn. Tây Môn Khánh mở lời:
Thưa nương tử, tôi chẳng may chính thất không còn, muốn được nương tử rủ lòng thương về giúp tôi quán xuyến gia đình, chẳng hay tôn ý thế nào?
Tam nương liếc nhìn, thấy Tây Môn Khánh diện mạo thanh tú, quả là trang phong nhã hào hoa, trong lòng thập phần ưng ý, bèn quay sang hỏi Tiết tẩu:
Quan nhân đây năm nay niên kỷ bao nhiêu ? Đại nương ở nhà quy tiên đã được bao lâu rồi ?
Tiết tẩu chưa kịp đáp thì Tây Môn Khánh đã nói:
Dạ thưa, tiểu nhân đây năm nay hai mươi tám, tiện nội khuất núi cũng đã hơn một năm rồi. Tiện đây cũng xin mạo muội hỏi thanh xuân nương tử là bao ?
Tam nương đáp nhỏ:
Năm nay tôi đã ba mươi.
Như vậy tức là hơn tôi hai tuổi. Tiết tẩu vội nói:
Đại quan nhân không nghe người ta nói “gái hơn hai trai hơn một” hay sao ? Vợ hơn chồng hai tuổi làm ăn mới khá. A hoàn đem thứ trà ngon ra. Tam nương tự tay nâng một chén lên mời Tây Môn Khánh, rồi chúc câu vạn phúc. Trong khi Tam nương đứng lên mời trà thì gấu quần lộ ra đôi hài nhỏ xíu, không quá ba tấc.
Tiết tẩu ngầm chỉ cho Tây Môn Khánh thấy, Tây Môn Khánh gật đầu mỉm cười hài lòng lắm, rồi vội đỡ lấy chén trà mà nói lời cảm tạ. Tam nương lại cầm chén trà thứ nhì mời Tiết tẩu, rồi ngồi xuống uống trà tiếp chuyện. Tây Môn Khánh gọi Đại An đưa lên hai xấp gấm, một đôi thoa ngọc, sáu chiếc nhẫn vàng, tất cả để trên một chiếc mâm son, đặt lên bàn. Tiết tẩu nhắc Tam nương thâu nhận và cảm tạ, rồi hỏi Tây Môn Khánh:
Đại quan nhân định làm lễ vào ngày nào để tôi còn chuẩn bị. Tây Môn Khánh đáp:
Nếu được nương tử đây rủ lòng chấp thuận thì ngày hai mươi bốn tháng này làm lễ hỏi, rồi mồng hai tháng sau xin làm lễ cưới.
Tam nương cúi đầu nói:
Nếu vậy thì để tôi sai người lên thưa với cô nương tôi. Tiết tẩu vội nói:
Hôm qua Đại quan nhân chúng tôi đã tới gặp cô nãi nãi thưa chuyện xong xuôi cả rồi. Tam nương ngẩng lên hỏi:
Cô nương tôi nói sao ? Tiết tẩu cười đáp:
Cô nãi nãi nghe Đại quan nhân tôi thưa chuyện xong thì vui mừng lắm, bảo là nương tử không bằng lòng đại quân nhân chúng tôi thì còn bằng lòng ai được nữa. Tam nương nói:
Nếu vậy tức là cô nương tôi bằng lòng rồi, như vậy càn tốt.
Ba người nói vài câu chuyện nữa rồi Tây Môn Khánh đứng dậy cáo từ. Tiết tẩu đưa
Tây Môn Khánh ra tới cổng rồi hỏi:
Thấy mặt rồi đó, Đại quan nhân thấy thế nào ? Tây Môn Khánh gật đầu rồi cười bảo:
Thật nhọc công tẩu tẩu quá. Tiết tẩu bảo:
Bây giờ thì Đại quan nhân cứ về trước đi, tôi còn ở lại bàn tính cho xong đã. Tây Môn Khánh gật đầu, lên ngựa dẫn gia nhân về.
Tiết tẩu trở vào và nói với Tam nương:
Thế nào ? Nương tử có hài lòng Đại quan nhân chúng tôi không ?
Nhưng không biết trong nhà hiện thời có thê thiếp gì không ? Tiết tẩu cười:
Có hay không thì cũng chẳng thành vấn đề, ăn thua là ở Đại quan nhân mà thôi. Được người chồng giàu có như vậy là quý rồi. Không phải tôi nói khoe, nhưng quả là Đại quan nhân chúng tôi giàu nhất nhì huyện Thanh Hà này đó. Lại toàn chơi Tri phủ,
Tri huyện, mới đây lại thông gia với quan Đề đốc chỉ huy Thập bát vạn cấm quân ở Đông Kinh. Danh giá thế thần như vậy thì huyện này còn ai bằng nữa. Tam nương gọi a hoàn dọn cơm rượu ra đãi Tiết tẩu. Đang ăn gia nhân của Dương bà đem một quả đồ ăn và bánh trái tới mà thưa:
Nãi nãi sai tôi tới biếu Đại nương, lại hỏi rằng chuyện hôn nhân, Đại nương đã quyết định chưa ?
Tam nương bảo:
Về thưa là ta cám ơn cô nãi nãi, lại thưa rằng chuyện đó ta cũng đã quyết định xong rồi.
Tiết tẩu nhắc:
Xin cho cô nãi nãi biết rõ ngày giờ đi.
Nhớ thưa thêm là ngày hai mươi bốn tháng này thì làm lễ hỏi, rồi mồng hai tháng sau làm lễ cưới.
Gia nhân vâng lời cáo lui. Tiết tẩu nói:
Cô nãi nãi bên đó cho những gì vậy ? Xin bớt cho tôi chút đỉnh, gói về cho đám trẻ nó mừng.
Tam nương sai a hoàn gói cho Tiết tẩu ít bánh trái. Ăn xong, Tiết tẩu cáo từ mà về. Nói về người cậu của Tam nương là Trương Tứ, chỉ muốn gả bán Tam nương cách nào để chiếm được của cải, nay nghe tin Tây Môn Khánh tới cầu hôn thì vừa lo sợ vừa tức giận, suy đi tính lại, chỉ có cách phá đám là tốt hơn cả, bèn tới bảo Tam nương:
Đừng nên thuận làm vợ Tây Môn Khánh, mà nên nghe ta về làm kế thất của Thượng Cử nhân, con trai Thượng Đại gia là hơn. Người ta là con nhà thi lễ, lại có tài sản ruộng nương đâu có thua gì Tây Môn Khánh. Còn Tây Môn Khánh ở nhà đã có chính thất là con gái của Ngô Thiên Hộ, ai cũng biết. Về làm vợ của Tây Môn Khánh thì chỉ làm bé mà thôi. Hiện trong nhà Tây Môn Khánh lại còn mấy người vợ bé nữa, như vậy thì cháu là vợ bé thứ mấy ? Như vậy thì còn ra cái gì nữa ?
Tam nương nghe xong thì biết là Trương Tứ định phá cuộc hôn nhân này, bèn nói:
Nếu quả người ta đã có chính thất thì cháu bằng lòng làm em. Vả lại dù có năm thê bảy thiếp đi nữa thì cũng ăn thua ở người chồng, chồng yêu quý mình thì chẳng có gì đáng ngại. Xin đừng lo gì cho cháu cả. Trương Tứ bảo:
Không phải chỉ có chuyện vợ lớn vợ bé mà thôi đâu. Tây Môn Khánh còn là con người có mới nới cũ, hành động không tình nghĩa gì cả. Lúc nào chán thê chán thiếp thì gọi người mai mối tới để bán cho người khác. Cháu liệu có chịu nổi cảnh đó không ? Tam nương lắc đầu:
Cữu cữu à, người đàn ông dù có tàn nhẫn thế nào thì cũng không bao giờ phụ rẫy được người vợ cần mẫn đảm đang. Về bên đó, cháu sẽ quán xuyến việc nhà, trổ tài tháo vát để người chồng phải quý nể cháu. Trương Tứ lại nói:
Ta lại còn biết là Tây Môn Khánh còn đứa con gái mười bốn tuổi, cái cảnh dì ghẻ con chồng nó phiền phức lắm đấy. Tam nương nói:
Có ngại gì điều ấy, ăn thua ở mình, ăn ở sao cho lớn ra lớn, nhỏ ra nhỏ, mình lại thương yêu nó thì có gì đáng ngại đâu. Như vậy thì chồng cũng vui lòng mà con chồng đối với mình cũng phải hiếu thuận.
Đừng nói là có một đứa con chồng, dù có tới mười đứa con chồng, cháu cũng không quan tâm.
Trương Tứ lại nói:
Nhưng còn chuyện này, Tây Môn Khánh là người háo sắc, tính tình không đứng đắn, thường lai vãng ăn nằm với những bọn liễu ngõ hoa tường, ai cũng biết, cháu về làm vợ nó rồi không biết ra sao.
Tam nương nói:
Cái đó thì không hề gì. Người ta còn trong tuổi thanh niên, có theo bạn bè chơi bời đây đó thì cũng là chuyện thường tình, có gì mà phải lo. Vả lại chuyện nhân duyên là số phận tiền định, xin cữu cữu khỏi nhọc lòng để ý.
Trương Tứ không còn cách gì thuyết phục Tam nương, nói câu nào cũng bị đuối lý, bèn hầm hầm ra về, vừa buồn vừa thẹn. Về tới nhà, Trương Tứ bàn tính với vợ, sau cùng hai vợ chồng đồng ý là nhờ đứa cháu tên là Dương Tông Bảo tìm cách đoạt mấy rương vàng bạc của Tam nương.
Ngày mai hai mươi bốn tháng đó, lễ hỏi diễn ra. Sau đó thì Trương Tứ tới gặp Tam nương mà bảo:
Chồng trước của cháu là Dương Tông Tích, em chồng của cháu là Dương Tông Bảo, đều là cháu của ta. Chẳng may thằng anh mất đi, bao nhiêu tiền bạc nó dành dụm làm ăn bây giờ một mình cháu giữ.
Thằng em bây giờ là do ta nuôi nấng. Nó còn nhỏ dại, nó lại là em cùng mẹ với chồng trước của cháu. Bây giờ cháu bước đi bước nữa, chẳng lẽ cháu không để lại cho nó phần nào hay sao ? Bây giờ thì cháu phải mở các rương của cải ra, ta đã mời nhiều người tới đây chứng kiến.
Tam nương nghe vậy thì khóc mà nói:
Cữu cữu và các vị nghĩ coi, lúc trước chồng cháu mất đi, cháu đã mang tiếng là mưu sát chồng để đoạt của cải, bây giờ đầu còn xanh tuổi còn trẻ, cháu phải bước đi bước nữa, thì lại bị nghi là đem theo của cải đi. Thật ra thì của cải có gì ? Có được ít lạng bạc thì vẫn cất trong phòng, cháu ra đi quả không mang theo chút gì cả, nhất nhất đều để lại cho em chồng cháu. Còn ít trăm lạng người ta còn nợ thì cháu cũng xin giao lại cả cho cữu cữu. Như vậy thì còn tiền bạc của cải ở đâu nữa ? Trương Tứ bảo:
Trước mặt mọi người đây cháu nói là không có tiền bạc của cải gì, vậy cháu cứ mở các rương ra xem có hay không. Nếu có thì cháu cứ việc mang đi, ta cũng không nói gì đâu. Tam nương nói:
Cháu đã nói không có là không bạc, việc gì phải mở ra. Đang lúc mọi người ồn ào thì Dương bà từ trong bước ra. Mọi người im lặng. Dương bà, mời mọi người ngồi, gọi gia nhân đem trà ra rồi nói:
Thưa với các vị đây đều là hàng xóm láng giềng của chúng tôi, hẳn đều biết tôi là cô chồng của nó.
Chồng nó dù chết rồi cũng vẫn là cháu của tôi, cháu tôi nó có để lại tiền bạc của cải hay không thì các vị cũng không cần nên biết làm gì. Tôi không hiểu tại sao Trương Tứ cữu lại muốn ngăn trở việc hôn nhân này, ngăn trở để làm gì. Đám hàng xóm đều bảo:
Là bà nói có lý. Dương bà nói tiếp:
Hay là những tiền bạc của cải đó là do bên ngoại của nó đem đến ? Nếu không phải vậy thì không cần biết. Tôi cũng xin nói là con cháu dâu tôi đây là người có nhân có nghĩa, ôn nhu hòa thuận, không có biết tính toán lợi hại như ai đâu.
Trương Tứ lườm Dương bà rồi bảo:
Phải, nó không biết tính toán nhưng đã có người khác tính toán cho nó. Dương bà bị chạm nọc thì giận lắm, mặt mũi đỏ rần lên, chỉ Trương Tứ mà mắng:
Trương Tứ, ngươi không được ăn nói hỗn xược hàm hồ. Ta tuy không phải là được hưởng hương hỏa của nhà họ Dương nhưng ngươi thì phải nhờ gia đình họ Dương mà sống. Trương Tứ cũng giận nói:
Tôi tuy không phải họ Dương, nhưng cả hai đứa cháu tôi đều do chính chị ruột tôi mang nặng đẻ đau và đích thân nuôi dưỡng. Còn mụ thì tuy là họ Dương mà không biết giữ gìn của cho họ Dương, lại đem dâng cho người ngoài, không biết xấu hổ hay sao ?
Dương bà nổi giận đùng đùng mắng:
Đồ vô liêm sỉ kia, cháu dâu tao đầu còn xanh tuổi còn trẻ, sao ngươi lại muốn giữ nó ở nhà làm gì ?
Có phải ngươi định loạn luân để nghĩ chuyện bậy bạ rồi đoạt tài sản của nó không ? Trương Tứ quát:
Câm mồm đi, đừng có vu oan giá họa, ta già rồi, chỉ nghĩ đến tương lai cháu ta là Dương Tông Bảo mà thôi, nay mai nó lớn cần phải có tiền bạc lo cho nó, đâu như mụ, cháu ruột không thương, lại đi thương người ngoài.
Dương bà nhảy lên đỏng đảnh mà xỉa xói:
Thằng già họ Trương kia, chuyện là chuyện gia đình tao, ngươi đừng có can thiệp, ngươi ăn không nói có thì lúc chết xuống âm ty địa ngục, quỷ sứ nó xé xác ngươi ra. Trương Tứ cũng không vừa:
Con mụ già kia, ngươi lúc trẻ thì dâm đãng, lúc già lại tham lam, thảo nào trời Phật trừng phạt, ngươi không có được một mụn con, thật là cái đồ tuyệt dòng tuyệt giống. Hay hay dở thì nó lòi ra đấy.
Tình hình mỗi lúc một gay go thêm, đám hàng xóm phải xúm lại khuyên giải:
Lão cữu à, thôi nhường lão cô đây vài câu cho êm chuyện đi. Trong khi đó, Tiết tẩu dẫn vài gia nhân của Tây Môn Khánh sang để dọn đồ đạc giùm Tam nương về trước, thấy vậy bèn hối thúc gia nhân lẹ chân lẹ tay dọn hết rương hòm đồ đạc của Tam nương về.
Trương Tứ thấy vậy giận quá, mắt mở trừng trừng mà không nói được lời nào. Đám hàng xóm khuyên giải thêm ít lời rồi giải tán.
Tới ngày mồng hai tháng Sáu, Tây Môn Khánh cưỡi ngựa, dẫn theo một cỗ kiệu lớn sang rước Tam nương về. Em chồng Tam nương là Dương Tông Bảo, năm đó mới khoảng mười tuổi cũng cưỡi ngựa tiễn chân chị dâu tái giá. Tây Môn Khánh mến lắm, tặng cho lụa và bạc. Các a hoàn lan Hương, Tiểu Loan và mấy gia nhân thân tín của Tam nương cũng hành lý đi theo chủ. Hôm sau Dương bà dẫn hai người chị của Tam nương sang nhà Tây Môn Khánh, hai người chị đó là Mạnh đại tẩu và Mạnh nhị tẩu, Tây Môn Khánh tạ Ơn cho Dương bà bảy chục lạng bạc, hai xấp lụa quý. Tam nương được ở riêng tại ba gian nhà ở phía tây, và trở thành vợ thứ ba của Tây Môn Khánh, được đặt hiệu là Ngọc Lâu. Từ đó lớn bé trong nhà đều gọi là Tam nương. Tây Môn
Khánh cưới được Tam nương về thì ngày đêm quấn quít không rời, ái ân đằm thắm không sao kể xiết…