Độc lập có hai dạng
Thời gian gần đây, “độc lập không bị trói buộc” là câu nói cửa miệng của nhiều giới trong xã hội. Nhưng phần lớn người ta đều hiểu sai ý nghĩa của nó. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần phải hiểu đúng nghĩa của câu chữ khi dùng. Từ “độc lập” có hai cách hiểu phân biệt nhau. Đó là độc lập hữu hình và độc lập vô hình. Hay còn gọi là độc lập về vật chất và độc lập về tinh thần.
Độc lập về vật chất là mỗi người trong xã hội đều có một gia đình, có nghề nghiệp, tự lo được cuộc sống của bản thân và của gia đình, không phải nhờ vả làm phiền ai. Tức là không phải ngửa tay xin xỏ ai.
Độc lập hữu hình nhìn thấy, nên dễ nhận biết. Còn độc lập vô hình, độc lập về tinh thần rất khó nhận biết vì ý nghĩa sâu sắc của nó và liên quan tới nhiều lĩnh vực rộng lớn. Thoạt nhìn có những thứ tưởng như chẳng liên can gì với độc lập, nhưng lại mang sự ràng buộc sâu xa.
Tôi lấy ví dụ từ con người để giải thích cụ thể hơn.
Tục ngữ có câu “Chén thứ nhất, người uống rượu. Chén thứ ba, rượu uống người”. Câu tục ngữ này muốn nhắc nhở con người đừng để dục vọng chế ngự mình. Trong xã hội hiện nay, không chỉ có rượu đang chế ngự con người, mà “thiên hình vạn trạng” thứ đang chế ngự, làm cản trở sự độc lập về tinh thần con người. Ví dụ, cái áo lành lặn đang mặc tự nhiên chê lỗi thời không dùng nữa, phải đi cắt may áo mới cho hợp thời. Nhà cửa yên lành đang ở bỗng nhiên chê là chật hẹp, phải kiếm nhà mới cho đủ chỗ để làm phòng yến tiệc thiết đãi bạn bè. Cơm dẻo canh ngọt ở nhà chê là đạm bạc, phải kéo nhau ra ăn tiệm mới là ngon. Hết thứ này tới thứ khác, được một lại muốn mười, lòng ham muốn không bao giờ có giới hạn. Nhiều gia đình trở thành nô lệ của tiền bạc, vật chất.
Chưa hết, có nhiều trường hợp còn bị vật chất của người ngoài chi phối. Đó là, thấy người ta may áo vét thì mình cũng phải may áo vét. Thấy người ta xây nhà hai tầng thì mình cũng phải xây lên thành ba tầng mới chịu. Nhà bạn bè có cái gì thì dù có phải chạy vạy vay mượn nhà mình cũng phải sắm y như vậy. Đồng nghiệp xì xầm về mặt hàng nào là cũng lẳng lặng tìm mua cho bằng được mặt hàng đó. Có người bàn tay vốn đen đúa, sần sùi thô kệch, vậy mà cũng cố đeo nhẫn vàng thật to. Đêm hè oi bức, tắm xong lẽ ra chỉ cần mặc bộ đồ yukata, rồi phe phẩy cái quạt nan cho dịu mát. Vậy mà lại đi vận luôn bộ đồ pyjama dày sụ nóng nực. “Có thế mới giống với Tây chứ”. Dù phải “ngậm đắng nuốt cay”, người ta vẫn cứ cố miễn sao cho giống người phương Tây, miễn sao không thua kém người khác là được.
Tuy vậy, việc bắt chước người khác vẫn còn có thể bỏ qua. Có trường hợp “nhìn gà hóa cuốc” còn nực cười hơn nữa. Nghe đồn bà hàng xóm mới sắm chiếc áo vải tơ thêu chỉ vàng óng ánh, ngay lập tức cũng đặt may một cái áo như vậy. Mặc sang khoe thì hỡi ôi chiếc áo của bà hàng xóm chỉ là cái áo sợi bông thô, điểm một vài đường chỉ mạ lấp lánh chứ có phải là tơ lụa, là sợi vàng ròng gì đâu.
Đến nước này thì cái đang chi phối tinh thần không còn là vật chất của mình, hay vật chất của người khác, mà chính là giấc mộng ảo. Nó đang hủy hoại dần cuộc sống của bản thân và mỗi gia đình.
Chúng ta phải tự tỉnh ngộ. Mỗi người, hãy tự mình đo thử khoảng cách đến với độc lập về tinh thần còn bao xa?
Để gìn giữ độc lập về tinh thần, phải biết cách tiêu đồng tiền
Nếu cứ phải gồng mình vì cuộc sống không có mục đích rõ rệt, cứ phải chạy theo hết ham muốn này đến ham muốn khác, thì thu nhập mỗi năm cả nghìn yên, lương tháng cả trăm yên chắc cũng tiêu sạch hết không còn lấy đồng nào. Chẳng may, nếu tuyệt đường thu nhập, hay lương bổng bị gián đoạn thì chắc là chỉ có cách há mồm mà ngáp.
Cái còn lại trong nhà toàn là những thứ đồ đạc vô dụng. Cái học được toàn là tập quán xa hoa. Thật là cám cảnh.
Cứ phải khổ sở vì ý nghĩ phải có tài sản mới có độc lập tinh thần. Đến khi có được chút ít tài sản lại bị chính tài sản đó thống trị, đánh mất hoàn toàn tinh thần độc lập. Phương pháp để có được độc lập lại chính là phương pháp làm mất độc lập là vậy. Tôi không định nói là phải keo kiệt, chắt bóp tiền bạc. Điều tôi muốn nói là phải biết cách trù liệu tiêu pha đồng tiền. Con người điều khiển đồng tiền chứ đừng để đồng tiền sai khiến con người. Không vì đồng tiền mà để mất sự độc lập về tinh thần.
Cách thức chuyển từ lý thuyết sang thực hành
Người ta thường có câu: Lý thuyết phải đi đôi với thực hành. Biết vậy, nhưng người thực hành thì ít mà phần lớn người lý luận suông thì nhiều.
Lý luận vốn là những điều suy nghĩ trong lòng được viết ra giấy, được nói bằng lời. Hoặc những suy nghĩ đã có ở trong lòng nhưng chưa được viết ra, nói ra, người ta vẫn gọi là lý tưởng, ý chí của người đó. Vì vậy, lý luận không quan hệ trực tiếp với thế giới chung quanh. Tức là do vẫn nằm trong tâm khảm nên nó hoàn toàn tự do và không bị bất kỳ sự hạn chế nào.
Mặt khác, thực hành là việc biểu hiện ra ngoài những suy nghĩ trong lòng. Thực hành tác động trực tiếp vào thế giới chung quanh. Vì vậy, thực hành luôn bị ràng buộc bởi thế giới chung quanh, không còn được tự do như suy nghĩ trong đầu.
Để phân biệt hai việc trên, người xưa thường có câu: “Miệng nói và Tay làm” hoặc “Ý chí và Công sức”. Còn ngày nay, chúng ta cũng thường gọi “Lý thuyết và Hành động”.
Chỉ tin khi thấy kết quả
Người xưa có câu “nói một đằng làm một nẻo”. Tức là lý thuyết và thực hành không thống nhất với nhau. Hoặc còn có câu chê trách việc chỉ nói mà không làm gì cả, tức là “nói như rồng leo, làm như mèo mửa”. Hay “trả tiền cho kết quả công việc, không trả tiền cho lời nói suông”. Cả hai trường hợp đều là ví dụ để phê phán việc nói và làm không thống nhất với nhau. Vì vậy, lý thuyết và thực hành cần phải là một, phải ăn khớp với nhau không được sai lệch dù chỉ một ly, một tý.
Có hai từ rất tiện lợi đối với người mới học. Đó là từ lý tưởng và từ hành động. Hai từ này bổ sung cho nhau, thống nhất với nhau.
Tôi xin được bàn luận ở đoạn dưới đây, về nguyên nhân mang lại lợi ích và những tác hại phát sinh khi sự cân bằng giữa hai chữ lý tưởng và hành động bị phá vỡ.
Để có năng lực phán đoán và hành động cần có động cơ và bánh lái
Thứ nhất, hoạt động của con người có sự nặng nhẹ, to nhỏ khác nhau. Diễn kịch cũng là hoạt động của con người. Học tập cũng là hoạt động của con người. Việc kéo xe tay, việc lái tàu hỏa, việc cầm cày cuốc làm ruộng, việc cầm bút sáng tác… cũng đều là hoạt động của con người.
Nhưng đều cùng là hoạt động của con người, vì sao người ta không thích nghề đóng kịch mà lại thích trở thành học giả. Người ta không thích nghề kéo xe tay mà lại thích học kỹ thuật điều khiển tàu. Người ta kêu ca công việc nhà nông và ao ước được theo nghiệp sáng tác để trở thành nhà thơ nhà văn.
Đó là do người ta phân biệt hoạt động của con người theo kiểu việc to tát, việc nhỏ vặt, việc nặng, việc nhẹ. Người ta thường không thích làm những việc bị coi là nhỏ vặt, mà muốn theo làm những việc được cho là to tát. Có thể nói đó là hành vi cầu tiến bộ, hành vi mong muốn vươn lên ở con người.
Tại sao con người lại cứ muốn chọn lựa như vậy? Đó là do tâm và do cái chí của bản thân người đó. Người có tâm huyết và ý chí là người cao thượng. Vì thế con người cần có tấm lòng cao thượng. Người không có tấm lòng cao thượng thì sẽ không có hành động cao thượng.
Thứ hai, hoạt động của con người được coi là to lớn hay nhỏ nhặt tùy thuộc vào mức độ có ích cho xã hội, chứ không phụ thuộc vào độ khó dễ của nó. Ví dụ như độ khó khi nghiên cứu các thế cờ vây, cờ tướng không thua kém các môn học như thiên văn, địa lý, toán, cơ khí… Nói như vậy, nhưng nếu đem so sánh sự to lớn hay nhỏ bé trên phương diện có ích cho xã hội thì sẽ khập khiễng.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng để có thể nhận biết việc nào là có ích, việc nào là vô dụng, và để làm được các công việc có ích thì cần phải có năng lực phán đoán. Vì vậy, nếu năng lực phán đoán không chính xác thì có bỏ ra bao công sức nhọc nhằn cũng không mang lại kết quả gì, công lao thành công cốc.
Thứ ba, phải biết kiềm chế hành động của mình. Đồng thời hành động phải đúng lúc và đúng chỗ.
Ví dụ, đạo đức rất quan trọng, nhưng đang giữa bàn tiệc tùng vui vẻ lại đột nhiên đứng lên thuyết giảng về đạo đức thì hành động đó lại trở thành trò cười cho thiên hạ. Hoặc như tại giảng đường nếu tranh luận kịch liệt về một vấn đề nào đó thì rất hay, nhưng nếu các bạn sinh viên lại đem điều đó ra tranh luận trong các dịp họp mặt gia tộc, họp mặt phụ nữ hay trẻ em thì hành động đó sẽ bị coi là gàn dở.
Để biết phân biệt đúng chỗ, đúng lúc và biết kiềm chế hành động quả thật là phải dựa vào năng lực phán đoán. Hành động năng nổ nhưng thiếu năng lực phán đoán cũng chẳng khác nào tàu hỏa quên lắp động cơ, thuyền bè quên lắp bánh lái vậy. Đã không mang lại lợi ích gì mà vô hình trung lại trở thành hành động phá hoại.
Thứ tư, có năng lực hành động nhưng không biết suy tính thấu đáo sẽ gây tác hại; ngược lại, suy nghĩ tuy cao cả vĩ đại, nhưng không có năng lực hành động thì lại càng tệ hại hơn. Những người có suy nghĩ cao cả vĩ đại nhưng năng lực hành động nghèo nàn thường hay than thân trách phận. Nào là công việc mình định làm thì người ta làm trước cả rồi. Nào là công việc đó không bõ làm vì không phù hợp, không đúng như suy nghĩ. Chẳng qua họ đang biện hộ cho sự thiếu năng lực hành động của chính họ mà thôi.
Thay vì tự trách mình, họ lại đi phê phán chê trách người khác. Họ kêu ca không gặp thời, số phận hẩm hiu. Cứ như là chẳng còn việc gì đáng làm trong xã hội. Họ quay lưng lại với đời, nghĩ quẩn lo quanh. Miệng thì suốt ngày ca cẩm, mặt thì tỏ ra bất mãn, tự cô lập mình. Họ coi mọi người xung quanh đều là kẻ thù, và cả xã hội đều muốn vùi dập mình. Có trường hợp như bị thần kinh, chưa cho ai vay tiền bao giờ mà gặp ai cũng nghĩ là ngưòi đó vay tiền mình không chịu trả.
Các nhà Nho học ưu phiền vì không được người đời biết đến. Học sinh lo lắng vì không được ai nâng đỡ. Quan chhức âu sầu vì không có nơi bấu víu để lên quan chức cao hơn. Thương nhân cảm thấy việc làm ăn thất bát. Võ sĩ cảm thấy mất đường sống. Quan chức rời bỏ công sở cảm thấy buồn vì không còn được kính trọng. Ở những người này, suốt ngày toàn là ưu tư, không sao thấy một thú vui nào.
Những kẻ bất mãn như thế đầy rẫy trong xã hội.
Nếu cho rằng tôi nói hơi quá, làm gì đến mức độ đó; hoặc giả đòi tôi đưa ra bằng chứng, thì chẳng cần nhìn đâu xa, cứ để tâm nhìn cho kỹ các bộ mặt của những người xung quanh là rõ. Ít gặp ai hân hoan vui vẻ hạnh phúc trong lời nói, trong cử chỉ, trong tâm khảm. Toàn là những khuôn mặt tối tăm trĩu nặng như gặp bất hạnh cả. Chẳng phải là cám cảnh lắm sao?
Đối với những người này, cần cho họ làm những công việc phù hợp với năng lực hành động thì tự khắc họ sẽ trở lại trạng thái bình thường. Họ sẽ tìm thấy niềm vui trong công việc. Và cuối cùng là suy nghĩ và hành động của họ sẽ thống nhất là một. Tuy vậy, bản thân họ hoàn toàn không tự cảm nhận được. Năm tháng trôi qua, hành động chỉ dừng lại ở mức thấp kém, mà lý tưởng thì cứ cao vời vợi. Năng lực hành động chỉ có một mà đòi thực hiện lý tưởng gấp mười lần. Không thực hiện được thì chìm trong ưu tư phiền muộn. Nào là muốn làm tượng Phật biết chạy. Nào là muốn biến người bị tê liệt thần kinh thành người mẫn cảm. Chúng ta có thể hình dung được sự bất mãn, kêu ca của họ.
Phê phán người khác thì dễ
Người chỉ có suy nghĩ cao xa mà không có năng lực hành động thường cô độc, bị mọi người ghét bỏ xa lánh. Năng lực hành động đã không bằng người khác lại hay đem cái lý tưởng của mình ra soi rọi vào hành động của người khác và xem thường khinh miệt người khác. Ở đời, coi thường người một cách hồ đồ cũng sẽ bị người khác coi thường lại.
Có những kẻ bị người đời ghét bỏ vì tự cao tự đại, vì chỉ muốn giành phần hơn cho mình, vì toàn đòi hỏi ở người khác thật nhiều mà mình thì chẳng chịu nỗ lực, vì cứ mở miệng ra là nói xấu người khác. Sẽ là sai lầm nếu đem họ ra so sánh với những người xung quanh. Nếu cứ luôn lấy cái lý tưởng cao xa tự cho là đúng của bản thân mình ra làm thước đo để bình phẩm chê bai người ta, và còn tùy tiện mang cái không tưởng áp đặt cho người ta thì sẽ tự chuốc lấy cảnh bị người ta ghét. Và kết cục là sẽ rơi vào tình cảnh tự mình xa lánh mọi người, tự mình cô lập mình.
Các bạn thanh niên, các bạn sinh viên! Tôi muốn cảnh báo các bạn thế này.
Nếu cảm thấy bất mãn với công việc người ta đang làm thì tự mình hãy đứng ra làm thử việc đó. Nếu thấy cách làm ăn buôn bán của người ta rất dở thì tự mình hãy thử làm ăn buôn bán như người ta xem sao. Nếu cám cảnh trước cuộc sống của hàng xóm thì hãy nhìn lại cuộc sống của nhà mình một chút. Muốn phê bình tác phẩm của người ta thì trước hết tự mình hãy cầm bút viết thử xem sao. Muốn phê bình các học giả thì tự mình hãy trở thành học giả. Muốn phê phán các bác sĩ thì tự mình hãy trở thành bác sĩ. Từ những việc trọng đại trong xã hội đến những việc cỏn con trong gia đình mình, dù là công việc gì đi nữa, hãy đứng vào vị trí của người khác, suy nghĩ và làm thử trước đã rồi có định góp ý gì thì hãy góp ý. Cần phải suy nghĩ cho kín kẽ, cho thấu đáo về độ khó dễ, về sự nặng nhẹ của công việc người khác rồi hãy bình phẩm. Trên cơ sở lấy nội dung công việc làm thước đo, thì dù có can dự vào nội dung công việc ấy, hay thậm chí cả những công việc khác nhau hoàn toàn về tính chất, mới không xảy ra những lầm lẫn đáng tiếc khi so sánh chỗ đứng của bản thân mình với vị trí của người khác.
Tháng 8 năm Minh Trị thứ chín (tức năm 1786)