Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

Hồi 7 - Chương 23 - Phần 1

THIÊN THỨ BẢY: BẮC PHẠT TRUNG NGUYÊN

... Thần vốn mặc áo vải, mang thân cày ruộng ở Nam Dương, mong giữ toàn tính mệnh ở đời loạn, chẳng mong được nổi tiếng với chư hầu. Tiên đế không xem thần là tầm thường, đem lòng thương đến, ba lần tìm đến nơi lều cỏ, hỏi han thần về việc đương thời, bởi thế mà đem lòng cảm kích, đã hứa theo giúp tiên đế, dốc hết sức lực nhận việc giữa lúc quân thua tướng bại, chịu lệnh trong khi nguy nan, đến nay đã là hai mươi mốt năm.

... Nay phương nam đã định, binh pháp đã đủ đang khi lòng quân phấn khởi, nên bắc phạt Trung Nguyên, xin đem hết sức lực hèn mọn, để diệt trừ kẻ gian ác, phục hưng lại nhà Hán sẽ trở về kinh đô cũ, như thế thì thần có thể báo đáp được tiên đế, mà cũng tỏ rõ trung thành với chức phận mà bệ hạ đã giao phó.

(Xuất Sư Biểu của Gia Cát Lượng)

Xuất Sư Biểu” như lời một người cha trước lúc đi xa ân cần dặn dò người con phải “thân với hiền thần, xa lánh tiểu nhân”, lời lẽ rất tha thiết, chân tình và cảm động, khiến người khác cũng phải cảm kích.

1. Tào Phi từ trần, Mạnh Đạt khởi nghĩa.

Mùa đông năm Kiến Hưng thứ 3, Gia Cát Lượng sau khi bình định Nam Trung, theo đường từ đông bắc Vân Nam, dẫn quân về triều. Những trọng thần phủ Thừa tướng như Tưởng Uyển và Phí Thi, cũng từ Thành Đô đến đón, cùng đi có cả Lý Hồng mới từ nước Ngụy theo về với Thục Hán. Gia Cát Lượng đã tiếp kiến họ ở huyện Hán Dương quận Chu Đề.

Trong Tam quốc chí ở phần chuyện Phí Thi có chép như sau:

Lý Hồng nói với Gia Cát Lượng: “Tôi trước khi đến đây, từng ở Tân Thành với Mạnh Đạt (tướng nước Thục cùng với Pháp Chính dẫn Lưu Bị vào Thục, sau sự kiện Lưu Phong đầu hàng Tào Ngụy được bổ nhiệm làm tướng giữ Tân Thành) ở đấy có gặp được Vương Xung, ông ta xích mích với Lý Nghiêm theo về với nước Ngụy; ông ta nói với Mạnh Đạt, năm nào Mạnh Đạt đầu hàng quân Ngụy, Thừa tướng Gia Cát Lượng rất giận dữ, muốn xử chém cả nhà Mạnh Đạt, may được tiên đế còn nhớ tình cũ tha thứ cho cả nhà Mạnh Đạt. Mạnh Đạt nghe rồi, lại không nghi ngờ gì, nói với Vương Xung rằng, Thừa tướng Gia Cát Lượng vẫn trọng đạo nghĩa, đối với người khác có thủy có chung, dứt khóat không làm ra như vậy. Sau này tướng quân Mạnh Đạt biết tôi đi về nam ngầm dặn dò, sắp tới muốn thừa tướng đặc biệt lưu ý cho...”.

Gia Cát Lượng nghe rồi, nói với Tưởng Uyển và Phí Thi: “Sau khi về Thành Đô, nên thông báo gấp tình hình cho Mạnh Đạt biết!”.

Phí Thi cũng nói: “Mạnh Đạt vốn ăn ở hai lòng, năm xưa đã theo giúp Lưu Chương mà không tận trung, sau này lại phản bội tiên đế, người này chẳng nên thân gần làm gì”.

Gia Cát Lượng lắc đầu, im lặng không nói, trong lòng đã có chủ trương.

Tháng 12 sau khi trở về Thành Đô, Gia Cát Lượng lập tức cho vời Thị lang Phí Vỹ.

Nam chinh kết thúc, công tác tiếp theo là kế thừa nhiệm vụ của Vương triều Thục Hán, mà Lưu Bị xây dựng, đánh bại Tào Ngụy phục hưng nhà Hán. Song bắc phạt chẳng phải là việc giản đơn, dùng sách lược gì, dùng thủ đoạn gì, đích xác là vấn đề đau đầu lâu dài, chẳng phải quyết định dễ dàng. Nhưng từ lập trường thực hiện, lại có những việc chẳng phải trước đây làm không được, tức là triệt để nghiên cứu thái độ và cách nghĩ của Tôn Quyền ở Đông Ngô.

Phí Vỹ từng có kinh nghiệm đi xứ Đông Ngô, có quan hệ ngoại giao không sai lầm, hơn nữa tuổi còn trẻ chẳng có dáng vẻ như quan lại thời đại Lưu Bị, có thể chính là người đượclựa chọn giao thiệp đàm phán tốt nhất, nhạy cảm nhất.

Đúng như dự liệu của Gia Cát Lượng, Tôn Quyền đối với việc nam chinh của Gia Cát Lượng lần này về thái độ cũng khá mâu thuẫn, ông ta từng bố trí khá nhiều binh mã ở vùng giữa Giao Châu và Ích Châu, hơn nữa lại bổ nhiệm con trai Lưu Chương là Lưu Xiển làm Thứ sử Ích Châu, đóng đồn ở vùng ấy, biểu thị Tôn Quyền đối với vùng Nam Trung khá có dã tâm. Song về mặt này Gia Cát Lượng lại cao hơn một nước cờ, ông đối với bố cục của Tôn Quyền giả vờ như không để ý, mà sau khi Lưu Bị chết lại phái nhiều sứ giả, tích cực xây dựng lại quan hệ ngoại giao, khiến Tôn Quyền về căn bản chẳng thể công khai phái quân giúp đỡ bọn phản loạn Ung Khải. Lại thêm khi Gia Cát Lượng dẫn quân vào Nam Trung, lại rất khéo léo, đang khi Tào Phi thân chinh dẫn quân xuống Giang Nam, là thời gian uy hiếp Tôn Quyền và Thục Hán. Tôn Quyền rất biết mục đích của Tào Phi chỉ là dọa nạt mà thôi, chẳng có quyết tâm đánh lớn, song đối mặt với đạo quân Tào Ngụy, Tôn Quyền không dám chủ quan, đành giương mắt mà nhìn Gia Cát Lượng dẫn quân thảo phạt Nam Trung. Tuy Tôn Quyền đích xác không có lực lượng can thiệp, song Gia Cát Lượng cũng rất biết trong lòng Tôn Quyền có sự bất bình, ắt sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau này, sẽ là nguyên nhân quan trọng để Gia Cát Lượng không thể yên tâm bắc phạt Trung Nguyên.

Nhiệm vụ của Phí Vỹ chính là vỗ yên Tôn Quyền bởi Gia Cát Lượng dẹp loạn ở Nam Trung mà sinh ra tâm lý bất bình.

Hiển nhiên Gia Cát Lượng đã chủ động biểu thị sự tôn trọng, Tôn Quyền vẫn là nhà chính trị thực tế có khí chất, biết rõ tính quan trọng của liên minh giữa Thục Hán và Đông Ngô, chẳng những cho gọi Lưu Xiển đang ỏ biên giới trở về còn tặng cho Hậu chủ Lưu Thiện hai con voi đã thuần biểu thị ý muốn thân thiện.

Năm sau, là năm Kiến Hưng thứ 4 tức là năm Hoàng Sơ thứ 7, vào tháng 5 lại phát sinh một sự kiện có ảnh hưởng rất lớn đến thế bình quân vốn có, đó là đột nhiên Ngụy Văn đế Tào Phi từ trần.

Được Tào Tháo cố ý huấn luyện, Tào Phi được xem là văn võ toàn tài, hơn nữa lại là một lãnh tụ chính trị có hiểu biết rộng. Song đấy chỉ là bề ngoài, thực ra về bản tính Tào Phi so với Tào Tháo thì có tình cảm hơn. Ông ta say mê văn học, thấm nhuần tình cảm, bởi thế về quan hệ với người chẳng thể mở rộng như Tào Tháo. Ông ta yêu hoàng hậu Chân Thị, song cuộc tranh chấp hai phe không ngừng cuối cùng Chân Thị cũng bởi thế mà bị bức chết. Quan hệ với người em là Tào Thực, lại là vấn đề nan giải, tuy ông ta chiếm ưu thế, song về tinh thần, thì rất khổ não, cũng bởi thế mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Để báo thù Tào Tháo năm nào bị đánh bại ở trận Xích Bích, Tào Phi thường lợi dụng mùa đông để diễn tập thủy quân, tháng 10 năm trước, ông ta tập hợp mười vạn binh sĩ duyệt binh ở thành cũ Lâm Giang thuộc Quảng Lăng. Do mùa đông năm ấy đặc biệt lạnh giá, nước sông đóng băng, thuyền không qua được, cuộc duyệt binh cuối cùng đành phải từ bỏ, Tào Phi trong bụng rất không vui. Có thể bởi thế mà bị phong hàn, khiến cho sức khoẻ của ông ta vốn kém lại càng thêm xấu đi. Mùa xuân năm sau, Tào Phi trở về Hứa Xương vốn là bản doanh của Tào Ngụy, lại gặp phải chuyện cửa thành phía nam bị sập đổ. Tào Phi đang có bệnh thấy như thế, trong bụng càng nghĩ ngợi, bèn không vào thành, đến thẳng Lạc Dương, dưỡng bệnh ở Cửu Hoa Đà.

Đến tháng 5 bệnh tình thêm nghiêm trọng, lập tức cho vời Đại tướng quân Tào Chân, Đại tướng quân Trần Quần, Chinh đông đại tướng quân Tào Hưu, Phủ quân đại tướng quân Tư Mã Ý, dận dò các đại thần ấy phụ tá cho Thái tử Tào Tuấn. Năm ngày sau mất ở điện Gia Phúc, mới có bốn mươi chín tuổi.

Tào Phi rất yêu thích văn học, thích sáng tác, Trần Thọ trong Tam quốc chí khen ông ta có thiên bẩm văn chương, hạ bút thành thơ, rộng nghe rộng hiểu, tài nghệ gồm đủ. Ví như ở ngôi Hoàng Đế cao sang, mỗi ngày bận rộn với bao việc chính sự vẫn viết được hàng trăm bài luận văn. Ngoài ra ông lệnh cho những người nho học quốc sĩ biên soạn lại kinh truyện, kể đến hơn một nghìn thiên sách gọi là “Hoàng Lãm”.

Tào Tuấn là con cả của Tào Phi cũng là con của hoàng hậu Chân Thị đã bị phế truất, khi nhỏ rất được Tào Tháo yêu thích. Sau khi Tào Tháo chết, Tào Phi xung đột với Chân Thị ngày mỗi lớn, bởi thế không lập làm con kế nhiệm, hơn nữa sau khi Chân Thị bị bức chết, Tào Tuấn vốn là người con có hiếu với mẹ, đối với phụ thân rất không phục tùng, Tào Phi bèn có ý lấy con của người vợ khác là Kinh Triệu Vương làm người kế nhiệm.

Nhưng Hoàng hậu sau này là Quách thị lại rất thương yêu Tào Tuấn, lại bởi Hoàng hậu Quách thị không có con bèn lấy Tào Tuấn làm con nuôi. Tào Tuấn có dáng vẻ tuấn tú, thiên tư hiền lành, thờ Quách thị rất là hiếu thuận bởi thế mà được Quách thị che chở, lại nữa Tào Phi đang ỏ tuổi trung niên cũng không vội vã chỉ định người kế nhiệm.

Có lần, Tào Phi dẫn Tào Tuấn đi săn, thấy hai mẹ con con hươu, Tào Phi lập tức bắn chết hươu mẹ, lại bảo Tào Tuấn bắn chết hươu con, Tào Tuấn dứt khóat cự tuyệt. Tào Phi kinh ngạc hỏi có chuyện gì, Tào Tuấn đáp rằng: “Bệ hạ đã giết mẹ nó, thần không nhẫn tâm lại giết con”. Tào Phi lấy làm kỳ lạ bèn lệnh cho ngừng cuộc săn bắn, lại thấy Tào Tuấn hiền lành mà kiên nghị, quyết tâm lập làm người kế nhiệm.

Tào Phi bị bệnh nặng, trước các đại thần, lập Tào Tuấn làm Hoàng thái tử, dặn dò các đại thần phụ tá, đặt tên cho là Ngụy Minh đế.

Tào Phi từ trần, chính quyền Tào Ngụy ắt phải rơi vào sự hỗn loạn và khẩn trương trong một thời gian ngắn, đối với Gia Cát Lượng lại có thể nói là thời cơ tốt nhất để phát động bắc phạt.

Song, Gia Cát Lượng không nhằm thực sự vào đấy, để có thể ra đòn đánh phá chính quyền Tào Ngụy, mục tiêu của ông thực ra chỉ là vùng Lương Châu ở phía tây bắc biên cương, nếu may mắn có thể từ đó đánh chiếm thêm được Trường An của vùng Quan Trung. Lương Châu vẫn là một mục tiêu xâm chiếm của chính quyền Thục Hán sau khi đoạt được Hán Trung. Năm xưa khi Tôn Quyền yêu cầu Lưu Bị trả Kinh Châu, Lưu Bị đã trả lời rằng nếu lấy được Lương Châu sẽ trả Kinh Châu. Khi Lưu Bị vào Thục, cố ý lôi kéo danh tướng ở Quan Trung là Mã Siêu cũng là hi vọng sau này khi chinh phạt Lương Châu có được sự trợ giúp. Nếu như thuận lợi đoạt được Lương Châu, từ tây bắc và tây nam cùng giáp kích, có thể chiếm được vùng Quan Trung, chỉ cần nắm được Trường An thì có thể uy hiếp trực tiếp kinh thành mới của Tào Ngụy ở Lạc Dương. Nếu như đồng thời đoạt được cả Trường An và Lạc Dương thì chính quyền Tào Ngụy phải cố thủ ở những căn cứ quân sự quan trọng mà Tào Tháo để lại là Hứa Đô và Nghiệp Thành, song Thục Hán vẫn có thể phản bại thành thắng nắm giữ then chốt Trung Nguyên, mục tiêu khôi phục nhà Hán cũng tiến thêm một bước.

Gia Cát Lượng cẩn thận và thực tế, tự nhiên không thể nằm mộng giữa ban ngày, mục tiêu bắc phạt của ông chỉ nhằm vùng Lương Châu mà chính quyền Tào Ngụy phòng thủ yếu mà thôi. Nếu như chiếm Lương Châu thuận lợi, thì đất Tân Thành mà Mạnh Đạt đang trấn giữ, cũng là đất không thể không tranh chiếm vậy.

Tuy sau khi Phí Vỹ đi sứ Đông Ngô, tình hình căng thẳng ở chiến tuyến đông đã lắng xuống, song việc phòng thủ vẫn không thể không tăng cường, để tránh những việc phát sinh chẳng ngờ. Thực ra, Gia Cát Lượng ngay từ đầu năm này, đã tâu với Hậu chủ, đề bạt đại thần Lý Nghiêm làm Tiền tướng quân, mang quân đến đóng đồn ở Giang Châu, để đề phòng Đông Ngô và trông nom quân sự hậu phương. Ngoài ra ông ta đặc biệt đưa đội quân của Trần Đáo về phòng thủ ở Bạch Đế thành, lại phong ông ta làm Vĩnh An đô đốc, phụ thuộc hệ phòng thủ của Lý Nghiêm, để giúp đỡ tăng cường phòng thủ phía đông. Sau khi chuẩn bị thỏa đáng, Gia Cát Lượng lại nghĩ đến công lao của Mạnh Đạt. Tuy năm trước Phí Thi từng can gián, cho rằng không tin Mạnh Đạt được, song nếu như Mạnh Đạt có thể khởi nghĩa ở Tân Thành, quân Thục đích xác có thể dễ dàng đánh Quan Trung, thậm trí có cơ hội trực tiếp lấy được Lạc Dương, bởi thế Gia Cát Lượng vẫn có ý xem xét kĩ việc ấy.

Đầu tiên ông ta mời Lý Nghiêm là chỗ thân tình với Mạnh Đạt, trước hãy gửi thư để xem xét thái độ Mạnh Đạt. Lý Nghiêm trong thư nói rõ, bản thân cùng với Gia Cát Lượng được Lưu Bị ủy thác trọng trách, lo lắng đến trách nhiệm, hi vọng được Mạnh Đạt sẽ dốc sức giúp đỡ người bạn già. Nhưng Mạnh Đạt quan tâm nhất lại chẳng là Lý Nghiêm còn nhờ người bạn già hay không, mà là thái độ của Gia Cát Lượng đối với ông ta, phải chăng thực có thể tha thứ cho tội lỗi ông ta. Đang khi do dự không yên, Mạnh Đạt chẳng ngờ lại tiếp được lá thư của Gia Cát Lượng viết, trong thư nói:

“Cuối năm ngóai đang khi tôi từ Nam Trung mang quân trở về, may gặp được Lý Hồng ở Hán Dương được biết tình hình túc hạ hiện nay rất lấy làm cảm động. Với chí hướng năm nào của túc hạ, tin rằng chẳng phải là phường tham lam phú quý mà đi ngược con đường chính đáng!

Về việc năm xưa tôi với tiên đế biết là túc hạ bị Lưu Phong xem thường, bởi phẫn uất đành bỏ chức mà đi. Hành vi của Lưu Phong đã phản lại nghĩa lý quý trọng hiền sĩ của tiên đế! Hi vọng túc hạ chẳng nên bận tâm về việc cũ.

Nghe Lý Hồng nói, năm xưa Vương Xung cố ý nói xằng bậy, làm tổn hại đến tình nghĩa tôi với túc hạ, may mà được túc hạ thông cảm cho, không lấy thế làm nghi hoặc, khiến tôi cảm thấy rất được an ủi. Để bày tỏ tấm lòng mong túc hạ hiểu được tình cảm trong lòng tôi, tôi mượn bút thay lời, bày tỏ cảm tình thương nhớ không nguôi”.

Trong thư chẳng những không có ý trách cứ Mạnh Đạt lại còn biểu hiện sự độ lượng của người tri kỉ. Lá thư này tự nhiên thấy là Mạnh Đạt cảm kích bội phần, cũng bắt đầu có thư từ qua lại với Gia Cát Lượng; đặc biệt là sau khi Tào Phi từ trần. Mạnh Đạt càng quyết tâm mạnh mẽ phản Ngụy về với Thục.

Đương khi Mạnh Đạt theo về với nước Ngụy, có không ít đại thần nghi ngờ ông, song bởi Mạnh Đạt đọc nhiều hiểu rộng, rất hiểu biết văn học, nên được Tào Phi sùng ái, chẳng những bảo lưu hoàn toàn số biên chế hơn bốn nghìn quân phụ thuộc, lại gộp ba huyện Phòng Lăng, Thượng Dong, Tây Thành làm quận Tân Thành, bổ nhiệm ông ta làm Thái thú ở đấy, trực tiếp ủy thác nhiệm vụ phòng thủ phía tây nam nước Ngụy.

Tuy các đại thần trong triều đình nước Ngụy đối với Mạnh Đạt thường không tín nhiệm, song Thượng thư Hoàn Giai và Chinh nam đại tướng quân Hạ Hầu Thượng, đối với Mạnh Đạt lại khá thân thiện, khiến nhiệm vụ của Mạnh Đạt có được sự giúp đỡ rất lớn.

Nay Tào Phi đã mất, các quan đại thần phụ tá, đặc biệt là Tư Mã Ý, đối với Mạnh Đạt thường không tín nhiệm. Lại thêm Hoàng Giai và Hạ Hầu Thượng đều đã mất cả, Mạnh Đạt riêng cảm thấy hình đơn chiếc bóng rất không an toàn.

Gia Cát Lượng lập tức tăng cường tiến hành đối thoại chính trị với Mạnh Đạt, Mạnh Đạt cũng mau chóng đáp ứng, hai bên ước định thời giờ thích hợp, sẽ khởi nghĩa ở Tân Thành để theo về với Thục Hán.

Mạnh Đạt ngầm phái người thân tín mang đến tặng Gia Cát Lượng một chiếc khăn nhiễu, một viên “ngọc quyết” để bày tỏ tấm lòng, Gia Cát Lượng muốn cẩn thận lại nhắc nhở Mạnh Đạt, phải tạm lặng yên, nhẫn nại đón đợi thời cơ, đặc biệt phải thật giữ bí mật, chẳng thể chủ quan.

2. Lý Nghiêm khuyên phong cửu tích, Gia Cát Lượng vẫn khiêm nhường.

Người lôi kéo quan hệ giữa Mạnh Đạt và Gia Cát Lượng, chính là phụ tá đại thần, Tiền tướng quân Lý Nghiêm.

Lý Nghiêm tên chữ là Chính Phương, người Nam Dương, thời trẻ làm thư lại ở quận, có tài cán, rất được Lưu Biểu tín nhiệm. Tào Tháo đánh chiếm Kinh Châu, Lý Nghiêm chạy về Thục Trung, theo về với Lưu Chương, Lưu Chương rất ưa thích ông ta, cho làm Thành Đô lệnh.

Khi Lưu Bị đánh chiếm Ích Châu, Lưu Chương cho Lý Nghiêm làm Hộ quân, ngăn chặn đội quân chủ lực của Lưu Bị ở Miên Trúc. Chẳng ngờ Lý Nghiêm cho rằng Lưu Chương đại thế đã mất, cuối cùng không đánh mà đem toàn quân theo về với Lưu Bị, khiến sự phòng thủ của Lưu Chương bị một đòn chí mạng, cuối cùng không thể không đầu hàng Lưu Bị. Từ đấy có thể thấy Lý Nghiêm tuy là người lão luyện, lại cũng là một phần tử đầu cơ tiêu biểu.

Nhưng Lưu Bị vẫn rất mến mộ tài cán của Lý Nghiêm, cho làm Tỳ tướng quân, không lâu lại bổ nhiệm làm Thái thú ở Kiện Vi, lại phong làm Hưng nghiệp tướng quân.

Lưu Bị trước lúc lâm chung, lại đặc biệt cử Lý Nghiêm làm thượng thư lệnh, cùng với Gia Cát Lượng phụ tá cho Hậu chủ, với chức Trung đô hộ, thống lĩnh việc quân sự trong ngoài. Gia Cát Lượng sau khi bình định Nam Trung, lại khẩn trương công việc bắc phạt, đề bạt Lý Nghiêm làm Tiền tướng quân, phụ trách phòng thủ phía đông. Bởi Lý Nghiêm khi làm quan ở Ích Châu, với Mạnh Đạt rất thân thiết, Gia Cát Lượng bèn phái ông ta tiếp xúc sơ bộ với Mạnh Đạt.

Do có công lôi kéo Mạnh Đạt, quan hệ giữa Lý Nghiêm và Gia Cát Lượng càng thêm thân thiết. Trong thư gửi cho Mạnh Đạt, Gia Cát Lượng khen Lý Nghiêm: “Xử lý công việc tự nhiên mau chóng như nước chảy, công việc khó khăn như thế nào rơi vào tay ông ta cũng dứt khóat chẳng thể trì trệ”. Từ đấy dễ thấy, Lý Nghiêm đích xác là một quan chức tài giỏi. Ông viết một lá thư đề nghị lên Gia Cát Lượng, hi vọng Gia Cát Lượng có thể tự xưng vương và phong lễ cửu tích.

Thể chế từ Xuân Thu đến giờ khi các đại thần ngoài hoàng tộc được phong vương, có thể được hưởng phong lễ cửu tích; lễ cửu tích là phần thưởng gồm chín thứ đặc biệt, đại biểu cho chức phận, có thể cùng với hoàng đế hưởng phần quyền quý cao sang; đó là ngựa xe, áo quần, lễ nhạc, cửa son, được đứng ở gần bệ rồng, có quân hổ bôn, cung nỏ đặc biệt, búa tầm sét, hưởng rượu ngon.

Năm xưa Tào Tháo xưng vương nhận lễ cửu tích xác lập vị trí của mình ở Nghiệp Thành và Hứa Đô không thua kém Hán Hiến đế ở triều đình.

Có thể Lý Nghiêm cho rằng, Gia Cát Lượng sắp xếp đội quân bắc phạt rất lớn, thực ra để có ưu thế thống trị tuyệt đối, một lực lượng nào ở Thục Hán cũng không đủ mạnh như thế, bởi thế khiến ông ta ngay lập tức có được địa vị lớn, để ổn định được chính quyền Thục Hán.

Cũng có nhà sử học cho rằng, Lý Nghiêm trong chính quyền Thục Hán, có thực lực gần như Gia Cát Lượng, bởi vậy ông ta thấy thế lực của Gia Cát Lượng không ngừng bành trướng, rất lấy làm nghi ngại đã có ý thử xem thái độ của Gia Cát Lượng cũng không biết chừng.

Song Gia Cát Lượng cũng không vội vã chút nào, viết thư trả lời cho Lý Nghiêm với tinh thần nghiêm chỉnh, nguyên văn như sau:

“Tôi với túc hạ biết nhau đã lâu, khá là không có gì không hiểu thấu, túc hạ nói đến chấn hưng đất nước, nhắc nhở về đạo quyền biến, có chỗ còn chưa phải. Tôi vốn là kẻ sĩ hèn mọn ở phương đông, bởi Tiên đế lầm dùng đã được hưởng chức cao, được nhiều ân sủng. Việc thảo phạt chưa thành công, biết rằng chưa báo đáp được gì, thực chẳng dễ so với những hiền thần đời Tề, Tấn. Nếu như đã diệt được Tào Ngụy, phục hưng nhà Hán, được chư vị tiến cử thì “thập tích” cũng xin nhận huống chi là “cửu tích”.

Gia Cát Lượng trong thư thản nhiên bày tỏ, ông và Lý Nghiêm là bạn cũ quen biết lâu ngày. Chẳng nhẽ Lý Nghiêm thực còn chưa hiểu nhau ư? Ông tin rằng đề nghị của Lý Nghiêm là có thiện ý, phải nỗi bởi nhằm tăng cường uy thế của đạo quân bắc phạt, mà chưa phải lúc phân định chính phụ, cho nên mới bày tỏ như vậy để cùng thông cảm.

Cứ như sự bày tỏ khiêm nhường của Gia Cát Lượng, ông ta chỉ là một kẻ sĩ hèn mọn của phương đông (Gia Cát Lượng là người Sơn Đông), bởi được Lưu Bị đề bạt đặc cách, đã ở ngôi quan tước cao nhất (Thừa tướng), bổng lộc hàng vạn quan tiền, song trước mắt còn chưa thảo phạt được quốc tặc (chỉ Tào Ngụy) cũng chưa có thể báo đáp được ân huệ trọng dụng của Lưu Bị, lại tự lấy làm công lao sánh cùng Tề Hoàng Công và Tấn Văn Công, lại muốn được hưởng lộc cửu tích, cách làm như vậy là đánh giá mình quá cao, là rất không hợp với chính đạo, cho nên ông dứt khóat không thể tiếp thu.

Trừ khi cuộc bắc phạt đã thành công thuận lợi, diệt trừ được Tào Ngụy, khiến cho Hoàng Đế được trở về cố hương, được như vậy thì cùng với mọi người thăng quan mới là đúng. Đến khi đó chẳng phải nói là “cửu tích”, đến như “thập tích” (chỉ tước lộc cao hơn) ông ta cũng xin tiếp thu cả mà không từ chối nữa.

Qua lá thư này có thể thấy Gia Cát Lượng thực không vẽ vời, ông ta biểu thị rõ ràng, chẳng phải không đáng được hưởng cửu tích, mà là bởi chưa lập được công lớn, chưa hoàn thành được trách nhiệm cần có, thực tại chưa có tư cách để tiếp thu tước lộc ấy.

Gia Cát Lượng bề ngoài là người cẩn thận, thực ra trong lòng rất có khí chất vậy.