Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

Hồi 5 - Chương 18 - Phần 2

5. Nước lấy quân đội để cậy, vua lấy bề tôi để nhờ.

Dẫu rằng Tam quốc diễn nghĩa coi thiên tài quân sự của Gia Cát Lượng là thần thông vô hạn, song lấy thực tế chiến đấu mà nói, biểu hiện của Gia Cát Lượng không đặc biệt kiệt xuất, Tam quốc chí của Trần Thọ cho rằng ông ta sở trường ở điều hành chính trị, sở đỏan ứng biến kỳ mưu. Nói cách khác, Gia Cát Lượng giỏi chỉ ra kế sách chiến lược, định ra chế độ, có thể nói về quản lý việc quân còn có thể được, song về biến hóa kỳ diệu ở chiến thuật cũng tức là phương diện dùng binh, thực chẳng phải sở trường. Bước ra từ lều cỏ ở Long Trung, Gia Cát Lượng đã biết rõ, muốn thực sự sáng nghiệp được ở đời loạn, về quân sự chẳng có thực lực là chẳng thế được. Bởi thế ông đề nghị với Lưu Bị, thu nhập dân lưu vong Kinh Bắc để tăng cường số binh lính, tập hợp lương thảo, tích cực xây dựng quân đội. Gia Cát Lượng từ nhỏ đã đọc thuộc binh pháp, tuy là văn quan, song quan tâm với quân sự cơ hồ là không gián đoạn bao giờ. Từ mục lục cuốn “Gia Cát văn tập” mà Trần Thọ dâng lên Tấn Vũ đế, thấy có các thiên “binh yếu” và “quân lệnh”. Cuốn “Gia Cát Lượng tuyển tập” cũng có ghi trước tác liên quan với khoa học quân sự gồm mười điều binh yếu và mười lăm điều quân lệnh, thấy rõ Gia Cát Lượng có dụng tâm về quân sự.

Yếu tố quân sự của ông lại thiên về quản lý, huấn luyện, ứng dụng vũ khí, phương pháp xây dựng doanh trại và bày trận, tìm kiếm hiệu suất và chẳng có mưu lạ. Nước Thục vốn hẹp lại ít người, muốn đối chọi được với Tào Ngụy có lực lượng gấp bội, không thể không dựa vào tổ chức huấn luyện và công phu bố cục trên dưới, đặc biệt là vấn đề lương thảo, vẫn là điều Gia Cát Lượng đau đầu. Lưu Bị khi nội bộ chưa ổn định, phát động đại quan đánh Đông Ngô lại thảm bại, khiến cho lực lượng trong nước của Thục Hán bị một đòn nặng nề. Gia Cát Lượng thấy rõ tự nhiên ghi nhớ kĩ nỗi đau này. Bởi thế sau khi phụ tá Lưu Thiện cai trị nước Thục, lập tức khôi phục sớm mối bang giao với Đông Ngô, giữ gìn trạng thái hòa bình.

Tiếp đến đóng cửa bồi dưỡng sức dân, động viên tinh thần, nắm nội chính về kinh tế, tăng cường binh lính và lương thảo cho nhu cầu quân sự, đương nhiên bổ sung binh khí và huấn luyện là điều kiện quan trọng nhất để tăng cường sức chiến đấu.

Gia Cát Lượng về điều hành việc quân, xem trọng hai điểm giáo hóa (về tâm lý) và luyện tập (về sức chiên đấu). Ông dẫn lời Khổng Tử “Không dạy mà chiến đấu, ắt hẳn thất bại” để thuyết minh tinh thần chủ yếu của giáo hóa, lại cụ thể chỉ ra “Bảo ban lễ nghĩa, bồi dưỡng lòng trung thành, răn đe bởi hình luật, lập uy ở thương phạt, để mọi người biết mà cố gắng”. Nói cách khác, chẳng những phải có giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng tâm lý, lại phải có luật lệ quân pháp cụ thể. Ông rõ ràng không giống Tào Tháo nói chung chỉ xem trọng việc kích động tinh thần binh sĩ, xây dựng thanh thế, mà xem trọng sự quản lý hợp lý trong quân đội, để nâng cao sức chiến đấu.

Đối với Gia Cát Lượng mà nói, trị quân cũng như trị quốc, quân đội giữ vững quốc gia làm yên xã tắc. Ông ta cho rằng “Nước lấy quân đội làm cậy, vua lấy bề tôi làm nhờ, cánh tay mạnh thì nước yên, cánh tay yếu thì nước nguy, xem đấy thì biết” Tào Tháo coi trọng sự ứng biến và kĩ xảo lãnh đạo của tướng lĩnh, Gia Cát Lượng thì xem trọng quản lý và nhân cách của tướng lĩnh. Ông ta cho rằng, tướng lĩnh phải đầu tiên là yêu dân, hòa đồng với dân, nếu không chỉ biết đánh đấm, lại không hiểu được việc nắm dân tâm, dứt khóat chẳng phải tướng lĩnh giỏi. Ông lại chỉ rõ: “Làm tướng không có dân, làm phụ tá không có nước, cũng như làm chủ sóai mà không có quân”. Trị quân cũng như trị quốc, phải nên lựa chọn người có cả tài lẫn đức, mới là tướng lĩnh giỏi. Trong suy nghĩ của ông ta, tướng sóai ưu tú, chẳng giống như mãnh tướng Ngụy Diên thiện chiến. Trong Xuất Sư Biểu ông đặc biệt khen ngợi và tiến cử Hướng Sủng; sau này trong thư gởi Trương Duệ và Tưởng Uyển, cũng đánh giá Khương Duy rất cao. So với người tinh thông quyền biến, giỏi cung kiếm, hiển nhiên đối với người trung thành với công việc, có tầm nhìn đại cục chí công vô tư, ông có phần xem trọng hơn.

6. Việc binh vốn chẳng lành, chẳng thể không lo không sợ.

Quân đội xem tướng sóai là chủ, bởi thế lựa chọn tướng sóai không thể không nghiêm minh. Trong trước tác binh pháp của ông, thiên “tướng uyển” chiếm một phần rất quan trọng.

Song về việc dùng binh, Gia Cát Lượng rất là cẩn thận, ông cho rằng việc binh là việc chẳng lành, bất đắc dĩ mới dùng vậy. Lại nói kẻ làm tướng, là tư lệnh của mọi người, là lợi khí của quốc gia. “Quân đội là người bảo vệ nhà nước và nhân dân, sự ưu tú của tướng lĩnh có quan hệ đến sự an toàn của nhà nước và nhân dân”.

Bởi thế, Gia Cát Lượng cho rằng, tướng lĩnh ắt phải “biết rõ đạo trời đất, hiểu lòng mọi người, luyện tập tốt binh khí, rõ được lễ thưởng phạt, hiểu được mưu đồ của địch, thấy được chỗ hiểm của đường đi, chiếm được tình cảm chủ khách, biết tiến lại biết thóai, thuận theo thời cơ, biết chuẩn bị phòng thủ, tăng cường thế lực chinh phạt, đề cao được tinh thần binh sĩ, hiểu được kế sách thành bại, thấu rõ việc sinh tử”. Như thế mới có thể gọi được là tướng lĩnh cầm quân, cầm bắt được kẻ địch.

Đạo làm tướng của ông, có điểm giống với tướng đạo thời chiến quốc của Nhật Bản, dụng binh và trị quân đều xem trọng làm tướng lĩnh chẳng những cần dùng sức, lại càng cần dùng đầu não. Tướng lĩnh phải suy nghĩ lo lắng công việc, luôn quan tâm đến đòi sống tinh thần và vật chất của kẻ dưới. Ông cho rằng: Tướng không tư lự, quân không khí thế, không đủ tâm lực mà chuyên lo mưu mẹo, tuy có trăm vạn quân, mà kẻ địch lại không sợ vậy. Dẫn binh rất trọng yếu là ở tâm lực, trên dưới đồng tâm hiệp lực, mới phát huy điều kiện cơ bản tác chiến. Ông cũng cho rằng chỉ có nghiêm minh kỉ luật, luận công luận thưởng, xây dựng chế độ tốt lành, mới xứng được gọi là tướng sóai hợp cách.

Trong binh pháp cổ đại, Gia Cát Lượng xem trọng không phải đạo ứng biến, mà là xây dựng kỉ luật quân đội. Ông cho rằng Tôn Vũ có thể đánh thắng thiên hạ, là do cách vận dụng sáng tỏ vậy. Ông lại nói cụ thể rằng, quân đội có kỉ luật tốt ví như sự chỉ huy của tướng lĩnh, kĩ xảo ứng biến có hơi sai lạc, cũng chẳng thể dễ bị đánh bại. Quân đội có kỉ luật không tốt, các tướng lĩnh năng lực tốt thì cũng ít khi giành được thắng lợi. Mã Tắc khi được ông ta xem trọng, trong chiến dịch ở Nhai Đình, do phạm phải sai lầm nghiêm trọng, dẫn đến thất bại trong lần bắc phạt thứ nhất, Gia Cát Lượng phán xử tội tử hình. Tưởng Uyển cho rằng nay thiên hạ chưa định, giết mất Mã Tắc có tài năng siêu việt, là điều đáng tiếc. Gia Cát Lượng lại cảm thán rằng: “Bốn biển đang chia lìa, mới bắt đầu xuất binh, nếu vứt bỏ pháp luật, lấy gì để thảo phạt được quân giặc? Ví như phải hi sinh cả Mã Tắc gần gũi, cũng là để duy trì thực hiện pháp luật một cách triệt để vậy”.

Để xây dựng pháp luật ổn định, việc thưởng phạt càng cần phải được chế độ hóa, lấy thưởng để thúc đẩy công lao, phạt để cấm làm bậy, thưởng không thể không công bằng, phạt không thể không xem đều. Ban thưởng đúng mức, thì dũng sĩ dám liều chết, hình phạt đúng mức thì tà ác phải sợ. Thưởng không thể bừa bãi, phạt không thể bừa bãi, thưởng sai thì người có công óan thán, phạt sai thì binh lính ôm hận. Khi tướng lĩnh điều hành pháp luật, ắt phải xem lòng mình như cán cân, chẳng thể xem người nặng nhẹ. Ý nói chẳng thể có ý thiên vị.

Bởi có thể sử dụng nhân tài ở mức tốt nhất, trị quân cũng như trị quốc, phải thấy được lương tướng làm việc công, là do người ta lựa chọn mà không tự mình chọn. Cũng tức là nhân tài cần dựa vào sự tiến cử của mọi người, theo pháp luật công không thể chỉ dựa phán đóan của mình để tránh sự chủ quan, dẫn đến nhân tài chân chính bị mai một.

Bùi Tùng Chi khi chú giải Tam quốc chí có dẫn lập luận của Viên Chuẩn, khen ngợi Gia Cát Lượng thi hành pháp luật nghiêm minh mà người trong nước vui vẻ làm theo, dùng người đến hết sức mà kẻ dưới không óan, dùng binh xuất nhập chỉnh tề, hành quân không vội vàng, như đang ở trong nước, về phép dùng binh, khi dừng vững như núi, tiến thóai như ngọn gió, giữa ngày xuất binh thiên hạ chấn động, mà lòng người không rối. Khá thấy Gia Cát Lượng quản lý quân đội rất có tài. Tào Tháo dẫn binh tuy rất trọng quân kỉ, song Gia Cát Lượng so với ông ta lại hơn thế mà không sai sót. Viên Chuẩn cũng chỉ rõ, sau khi Gia Cát Lượng mất mấy chục năm, dân chúng nước Thục vẫn rất nhớ tiếc ông ta, giống như nhân dân đời Chu nhớ tiếc Chiến Công (quan phụ chính đời nhà Chu).

Bất luận vê chính trị hoặc quân sự, Gia Cát Lượng bố nhiệm hiền tài có nguyên tắc, khiến ông ta từ một văn quan trở thành người quản lý chuyên nghiệp ưu tú ở thời đại chiến loạn.

Lời bình của Trần Văn Đức

Trong binh pháp Ngô Tử, ở phần thứ ba “Trị binh thiên” có đặc biệt nhấn mạnh nguyên nhăn răn bảo.

Ngô Khởi chỉ rõ, quản lý thuộc hạ ắt phải bắt đầu từ giáo dục huấn luyện.

Song một người không dạy được vạn người, bởi thế với tập thể đồng thời chịu giáo dục, không gì bằng lựa chọn cách khuếch tán lũy tiến theo cấp số nhân, để phát huy hiệu quả thiết thực.

Giáo dục huấn luyện quan trọng nhất là thuần thục động tác cơ bản, không đủ cơ sở sẽ không thể đáp ứng các loại biến hóa. Có dạy phương pháp biến hóa cũng không thiết thực dùng đến; chỉ có học thuộc lòng động tác cơ bản, mới có thể vận dụng nhuần nhuyễn, phát huy uy lực chiến đấu thực tế chân chính.

Không đủ năng lực tác chiến, thường sẽ bởi thế mà mất mạng; kĩ thuật ứng dụng không thuần phục, thường sẽ thất bại; bởi thế cách dùng binh, dạy bảo là đầu. Song đường lối dạy bảo, cần phải chân chính hữu hiệu, nhất định phải nắm được tính giai đoạn. Một người học chiến thuật, dạy cho mười người khác; mười người học chiến thuật, dạy cho một trăm người khác; một trăm người học chiến thuật dạy cho một ngàn người khác; một ngàn người khác dạy cho vạn người khác; vạn người học chiến thuật dạy cho ba quân.

Như thế nào là động tác cơ bản của học chiến thuật? Ở nơi gần đợi kẻ địch từ xa lại; nghỉ ngơi đầy đủ đợi kẻ địch mỏi mệt; lấy quân ăn no để đợi quân địch đang đói; hình thái trận biến hóa phải vận dụng nhuần nhuyễn; trận hình tròn có thể mau chóng biến thành trận hình vuông, khiến kẻ địch mò không được đường nét; nhìn tựa hồ như dừng lại, song lại mau chóng tiến lên, tựa như là đang tiến lên mà lại hoàn toàn dừng lại.

Nhìn như đang tiến quân về trái, có thể đột nhiên lại chuyển về bên phải; quân đang hướng phía trước cũng có thể chuyển lại phía sau; đội hình phân tán có thể lập tức tập hợp; quân như đang tập kết lại đột nhiên phân tán đánh các mục tiêu. Các loại biến hóa phải vận dụng thuần thục, phải có chế độ và phương pháp nhất định, đấy là sứ mệnh rất quan trọng của người chỉ huy quân đội.

Việc tiến cử hiền tài phải có chế độ, việc huấn luyện càng cần phải có chế độ. Vị tướng không hiểu được xây dựng chế độ. Ví có năng lực bản thân rất lớn, cũng rất khó làm cho quân đội hoàn toàn phát huy được năng lực tác chiến.

TRẦN VĂN ĐỨC

Phụ chương: QUAN ĐIỂM THỰC DỤNG

KẾ SÁCH XÂY DỰNG LẠI CHẾ ĐỘ

Đánh ngoài ắt phải yên được bên trong. Nước Thục yếu đuối muốn hoàn thành được sứ mệnh lịch sử khôi phục nhà Hán, ắt phải mau chóng tăng cường thực lực của mình, duy trì sự phát triển chính trị lâu dài, để đợi thời cơ chín muồi. Đấy cũng là đại sách lược lúc đầu chưa có thể thắng, bởi đợi kẻ địch yếu đi mà thắng được của binh pháp Ngô Tử.

Song đi đôi với chấn chỉnh nội bộ trước mắt, lại phải sớm ổn định ngoại giao. Sau khi Lưu Bị mất là thời kỳ quan hệ ngoại giao của Thục Hán hỗn loạn không ổn định. Cuộc chiến sau cùng ở Kinh Châu vừa rồi, bên địch bên ta không phân biệt được, Lưu Bị đông chinh, lại làm cho quan hệ Tôn Lưu càng thêm quyết liệt. Tuy trước lúc Lưu Bị “ra đi”, cũng đã lo đến tình thế khách quan, có ý hòa hoãn quan hệ căng thẳng với Tôn Quyền, song bởi tâm lý không ai tin ai, nhiệm vụ nối lại hợp tác là rất khó khăn.

Thời kì mới nắm đại quyền, Gia Cát Lượng hết sức cố gắng đổi mới cách nhìn sâu rộng của Thục Hán. Thục Hán đã thành một trong ba quốc gia lớn, lập trường cơ bản nếu không rõ ràng, chính sách lớn nếu bất định, thì rất khó tập hợp lực lượng trong nước, mất mục tiêu chung. Cho nên công việc cấp bách là ổn định vị trí với lân bang, cũng tức là đại sách lược ngoại giao liên Ngô chế Tào.

May mà, Gia Cát Lượng có những sứ thần ngoại giao tài giỏi như Đặng Chi, Phí Vỹ, Trần Chấn, giữ lập trường bình đẳng, với thái độ khá thành khẩn, bình tĩnh, nối lại được quan hệ hợp tác Tôn - Lưu từng đứt đoạn hơn một năm.

Với lập trường được xác định ngay từ Long Trung Sách, Gia Cát Lượng đã rất cố gắng tập hợp lực lượng nội bộ, để kiên trì được quốc sách cơ bản này. Về phương diện này Gia Cát Lượng đã chú ý khuyến khích nông nghiệp mọi mặt, đóng cửa bồi dưỡng sức dân, cũng tức là thủ thế hoàn toàn, căn bản tăng cường được lực lượng của mình, làm công việc chuẩn bị rất chu đáo. Trước nguy cơ ổn định chế độ, rất cần phải nhẫn nại và chờ đợi. Binh pháp đã rằng cần phải bất động như núi cũng là thái độ cần thiết của người lãnh đạo.

Gia Cát Lượng dưới trùng trùng áp lực lại rất bình tĩnh, bắt đầu từ khôi phục nông nghiệp, ổn định dân sinh, phát triển thủy lợi, làm các nghề muối, nghề sắt, dệt gấm, tăng cường thực lực kinh tế, lấy quốc phú an dân, đủ lương, đủ lính làm suy nghĩ hàng đầu, biểu lộ rõ ông ta là người quản lý tài giỏi.

Để ổn định ban bệ, người điều hành nói chung thường đề cao phương thức đãi ngộ vật chất và hưởng thụ, để thu hút tâm lực thuộc hạ đối với mình.

Nếu dẫn dụ bằng vật chất, đích xác là có hữu hiệu trong thời gian rất ngắn, song dục vọng của người ta lại vô cùng. Ví như Á Đương, Hạ Oa sau khi ăn quả ngọt, lại thóat ly với sự thuần phát vốn có. No ấm nẩy sinh dâm dật, sinh hoạt vật chất là chốn chẳng thể thỏa mãn, bổng lộc rất lớn cũng chẳng làm cho người ta vừa ý. Nhân viên công vụ sau khi đời sống được cải thiện, chẳng những không an tâm công tác, lại vận dụng sự tích lũy nhiều hơn theo đuổi “cuộc chơi vàng bạc”.

Đương nhiên dùng thanh bạch để yêu cầu những nhân viên công vụ, trong xã hội hiện đại tựa hồ là rất ngốc nghếch không thực tế. Song lại là điều kiện tất nhiên để khôi phục ổn định quốc gia. Thái độ của các nhân viên công vụ Thục Hán lúc ấy, đặc quyền hoành hành pháp trị không tỏ rõ, nhiều người rất hám tiền. Bởi thế Gia Cát Lượng không thể không dùng thuốc đắng để cải thiện không khí xã hội.

Song lại quan trọng là thái độ của người lãnh đạo, Gia Cát Lượng làm việc rất triệt để, chẳng những bởi lấy mình làm gương thực hiện sinh hoạt đơn giản tiết kiệm mà còn yêu cầu những cán bộ quan trọng cũng phải chịu sống thanh bạch, làm được như vậy thực là chẳng dễ dàng gì. Đối với mình và gia nhân tựa hồ như tàn nhẫn, lại yêu cầu thuộc hạ phải làm được, chỉ riêng thành công này, Gia Cát Lượng đáng được xem là nhà chính trị vĩ đại nhất trong lịch sử.

Cuốn tiểu thuyết “Đức Xuyên Gia Khang” của Sơn Cương Trang Bát miêu tả Gia Khang bản thân khi tiếp cận với thành công, trái lại sinh hoạt của mình rất tiết kiệm, thậm chí đến cái ăn cũng rất giản đơn. Ông ta yêu cầu người phục vụ của mình phải xem xét sự ăn uống của mình sao cho đạm bạc; công việc rất nhiều, hưởng thụ lại rất ít, như thế mới có tư cách trở thành người lãnh đạo cao cấp. Gia Khang đối với ban bệ của mình rất chặt chẽ, thu nhập của người phục vụ rất ít, bởi thế ông ta biết rõ phải có đãi ngộ tốt thì thuộc hạ mới công tác tốt, thực là điều ông ta rất khó làm. Sơn Cương cho rằng chính sách khắc nghiệt của Gia Khang, lại là động lực rất chủ yếu để Mạc Phủ ổn định được.

Chính sách điều hành nước Thục của Gia Cát Lượng, với triết học khổ hạnh của Gia Khang, có cùng sự vi diệu của nó, xây dựng chế độ không thể dựa vào mồm mép là có thể làm được; nếu tự mình không giữ phép tắc, lại yêu cầu người ta giữ phép tắc, tự mình tham công hiếu lợi lại yêu cầu người ta đứng yên; tự mình thích quyền lực lại yêu cầu người ta phải hi sinh cống hiến. Thái độ lãnh đạo như vậy, sự thành công không nói đã rõ.

Chế độ không chỉ là giấy trắng mực đen, lại không chỉ là thông qua hình thức luận bàn, mà phải được sự tuân thủ của người bị trị, tâm phục khẩu phục. Tôn Tử binh pháp đã chỉ rõ, đạo lý phải được nêu tỏ để dân với cấp trên cùng một ý một lòng. Thực hiện pháp luật hà khắc, chỉ dùng điều luật với đời loạn, sẽ làm cho quyền lực chung không được tôn trọng. Trọng điểm của chính trị là dẫn đường chứ không phải ra oai, ví như nhân vật đại biểu cho pháp gia là Thương Ưởng cũng là lấy nêu gương làm tin, để tranh thủ nhân dân chấp nhận quyền lực. Chỉ một mặt hò hét nạt nộ, tưởng rằng tạo được uy tín, chẳng qua là mộng tưởng leo cây tìm cá mà thôi.

TRẦN VĂN ĐỨC