Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

Hồi 4 - Chương 15 - Phần 2

5. Nguỵ Ngô lại náo động, ba chân đỉnh vững vàng.

Đương khi Lưu Bị dẫn quân đông chinh, với Lục Tốn đối trận ở Di Đạo, Hồ Đình, Tào Phi muốn chính thức thu phục Tôn Quyền, đã yêu cầu đưa con cả Tôn Quyền là Tôn Đăng đến Lạc Dương làm con tin. Bởi tình hình tiền tuyến căng thẳng, Tôn Quyền không dám cự tuyệt thẳng thắn, chỉ biết lấy cớ Tôn Đăng đang còn nhỏ để trì hoãn.

Đợi đến khi Lục Tốn đánh bại được Lưu Bị, Tào Phi sợ Tôn Quyền thừa thắng khuếch trương thế lực, không phục tùng nữa, bèn tăng cường yêu cầu đưa con tin. Song Tôn Quyền cố ý bỏ qua, cự tuyệt việc đưa con tin đến Lạc Dương. Tuy Tào Phi đã phái Thị trung Tân Tỷ và Thượng thư Hoàn Gia đến trao đổi, song Tôn Quyền không nghe.

Tào Phi cả giận lại muốn dùng vũ lực để bức bách Tôn Quyền, đại thần Lưu Diệp không tán thành, ông ta cho rằng Tôn Quyền mới giành được thắng lợi lớn, vua tôi đều rất tự tin, lại có sông Trường Giang hiểm trở rất dễ phòng thủ, nếu vội vàng dứt khóat chẳng thể đánh bại được họ.

Tào Phi không nghe, lại phát động một đạo quân rất lớn, chuẩn bị theo ba đường mà thảo phạt Tôn Quyền:

Tuyến phía đông: Chinh đông đại tướng quân Tào Hưu, Tiền tướng quân Trương Liêu, Trấn đông tướng quân Tang Bá từ Động Khẩu đánh Tôn Quyền ở cánh phải.

Tuyến giữa: Đại tướng quân Tào Nhân, tự dẫn đại quân trực thuộc, đánh vào cửa Nhu Tu.

Tuyến phía tây: Thượng tướng quân Tào Chân, Chinh nam đại tướng quân Hạ Hầu Thượng, Tả tướng quân Trương Cáp, Hữu tướng quân Từ Hoảng, từ Nam Quận đánh vào cứ điểm quan trọng Giang Lăng.

Tạm thời, Đông Ngô phải chịu áp lực chẳng thua kém trước trận Xích Bích.

May mà Lục Tốn có kiến giải sáng suốt, chủ động kết thúc xung đột ở phía tây, Tôn Quyền có binh lực đầy đủ, chi viện cho việc phòng thủ phía bắc.

Lục Tốn nói với Tôn Quyền, quân tinh nhuệ của Tào Phi tuy dốc cả ra, song thiếu hợp nhất, cũng như sấm to mà mưa nhỏ, khoa trương thanh thế để nạt nộ mà thôi. Bởi thế cần chia quân để chống đỡ, chỉ cần hình thành cục điện đối đầu, chẳng bao lâu, Tào Phi sẽ nhất định hạ lệnh rút quân.

Thế rồi phái Kiến uy tướng quân Lã Phạm, dẫn năm đội thuyền chiến, đóng ở Lục Khẩu dựa vào Trường Giang hiểm trở mà chống quân của Tào Hưu. Tả tướng quân Gia Cát Cẩn, Bình bắc tướng quân Phan Chương, Tướng quân Dương Sáu, dẫn quân phòng thủ Nam Quận.

Ở cửa Nhu Tu thuộc tuyến giữa, là vị trí quân sự quan trọng, được xây dựng từ thời Lã Mông, lại thêm thanh thế Tào Nhân rất lớn, Tôn Quyền phải tự mình đôn đốc, để tỳ tướng Chu Hoàn chống đỡ lại Tào Nhân.

Tào Hưu đến Động Khẩu, vội vàng vượt sông, các lão tướng Trương Liôu, Tang Bá, bởi đã mấy lần thủy chiến bị dính đòn, đều không tán thành. Tào Hưu quyết định vượt sông một mình, lại gặp phải đội thuyền Lã Phạm tấn công mạnh mẽ, tổn thất không ít quân lính, quân Đông Ngô cũng rơi vào tình thế nguy cấp. Tang Bá vượt sông đuổi quân Ngô lại bị viện binh đánh bại, tướng tiên phong là Duẩn Lô bị chết tại trận.

Chu Hoàn trấn giữ cửa Nhu Tu, bởi dũng mãnh trung thành mà nổi tiếng. Tào Nhân mang mấy vạn bộ binh tấn công, Chu Hoàn cậy hiểm quyết liệt kháng cự. Tào Nhân đã già, thực sự chỉ huy do con trai là Tào Thái phụ trách, Tào Thái kinh nghiệm không đủ, trong khi đánh tập kích bị Chu Hoàn áp đảo nên mất cả đại tướng Vương Song và Thường Liêu, rơi vào thế đông cứng. Không lâu, Tào Nhân ngã bệnh từ trần, sự uy hiếp ở tuyến giữa không đánh mà tan.

Trái lại cuộc giao tranh ở tuyến tây rất ác liệt. Khi Lã Mông năm xưa bị bệnh nặng, Tôn Quyền đích thân đến thăm hỏi, có hỏi ai sẽ trấn thủ được Giang Lăng. Lã Mông nói “Chu Nhiên là người can đảm, hiểm nguy chẳng sợ, có thể đảm nhiệm được”.

Sau khi Lã Mông mất, Tôn Quyền phong Chu Nhiên làm Trấn thủ Giang Lăng. Chu Nhiên là con nuôi Thái thú Chu Trị ở Cửu Châu, lúc đó làm Chiêu vũ tướng quân.

Ở chiến tuyến phía tây, mãnh tướng Đông Ngô là Tôn Tịnh coi giữ Tào Chân phái Trương Cáp làm tiên phong, Tôn Thịnh khinh Trương Cáp còn trẻ tuổi, cuối cùng trong trận đánh ở ngoài thành, lại bị Trương Cáp kinh nghiệm phong phú đánh bại, tiền tuyến thất thủ, quân Tào bao vây Giang Lăng, Gia Cát Cẩn từ Nam Quận đến chi viện, lại bị Hạ Hầu Thượng ngăn lại, thành Giang Lăng bị cô lập, nguy cơ rất lớn. Viên quan Diêu Thái ở đấy muốn dẫn quân đầu hàng, bị Chu Nhiên phát giác, giận mà giết đi.

Chu Nhiên hạ lệnh cho quân dân toàn thành tử thủ, Tào Chân bao vây sáu tháng ròng, nghĩ hết mọi cách phá thành, đều bị Chu Nhiên liều mình chống trả, lại phải lúc đang có đại dịch bệnh, quân Ngụy đành phải rút lui.

Đúng như phỏng đóan của Lục Tốn, Tào Phi chẳng có quyết tâm thôn tính, chỉ là hư trương thanh thế mà thôi. Chỉ cần ngăn cản được đòn đánh ban đầu, lại cậy hiểm mà giữ, quân Tào Ngụy thiếu tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, sức tác chiến ắt sẽ suy giảm.

Lưu Bị ở Vĩnh An nghe nói đại quân Tào Phi nam chinh, liền viết thư cho Lục Tốn nói rằng: “Nay giặc Tào lại tiến công Giang Hán, nếu tôi dẫn quân đến, thì tướng quân xem tôi có thể làm được gì?”.

Lục Tốn xem xét kĩ hàm ý trong thư của Lưu Bị, viết thư trả lời rằng: “Quân đội của ngài vừa mới bị trọng thương, rất nên tĩnh dưỡng, không nên khởi binh. Nếu như chúng ta tiến hành hòa đàm, có thể lấp kín sai lầm vừa qua, cắt bỏ việc dùng binh, để tránh những thương tổn nghiêm trọng, chỉ sợ lúc ấy không đến mà thôi”.

Thái độ của Lục Tốn tuy cứng rắn, song ông ta cũng lập tức báo cáo với Tôn Quyền, bởi Lưu Bị cứ trường kỳ ở lại Vĩnh An, chẳng về Thành Đô, hiển nhiên chưa chịu cam tâm, nếu lại nhân cơ hội mà liên hợp hành động với Tào Ngụy, có thể sẽ uy hiếp nghiêm trọng với Đông Ngô. Ông ta đề nghị với Tôn Quyền chủ động cầu hòa với Lưu Bị, Tôn Quyền cũng cho rằng có lý, bèn phái Thái trung đại phu Trịnh Tuyền đến xin hòa với Lưu Bị.

Trải qua lần vấp ngã này, số mệnh lại mỉm cười với Lưu Bị. Ông ta bình tĩnh suy nghĩ thêm, nếu Đông Ngô bị diệt vong, thì Thục Hán cũng có nguy cơ nghiêm trọng, bởi thế mà tiếp thu yêu cầu của Trịnh Tuyền, phái Thái tôn đại phu Tôn Vỹ sang Đông Ngô đáp lễ Tôn Quyền. Sau chiến dịch Hồ Đình, đây là lần đầu tiên bên Tôn - Lưu tìm được cơ hội hòa hiếu. Đáng tiếc không lâu sau đó, bệnh tình Lưu Bị nguy kịch, nỗ lực ngoại giao này lại bị đứt đoạn.

6. Gửi con ở thành Bạch Đế, vua tôi bàn việc quốc gia.

Chiến dịch Hồ Đình, đối với Lưu Bị có tiếng là anh hùng, cơ hồ là một đòn chí mạng, làm tổn thất lớn đến uy tín của Thục Hán mới kiến lập, chí lớn bắc phạt Tào Ngụy, khôi phục nhà Hán cơ hồ đã tuột khỏi tầm tay, bi thống có thừa, tình hình sức khoẻ xấu đi nghiêm trọng.

Thành Đô lại truyền đến những tin xấu, đầu tiên là Tư đồ Hứa Tĩnh tuổi già đã mất. Tiếp đến là Kiêu kỵ tướng quân Mã Siêu nổi tiếng ở xứ Tây Lương cũng bệnh mà mất lúc bốn mươi bảy tuổi, bốn tướng lĩnh quân đoàn của Hán Trung Vương nối nhau từ trần, kể về hàng đại tướng có danh tiếng đảm đương được một vùng chỉ còn Triệu Vân và Ngụy Diên.

Đến như Thượng thư Lưu Ba mới đến Vĩnh An thăm hỏi, trở về Thành Đô không bao lâu cũng bị bệnh mà mất, Lưu Bị vạn phần thương tâm, bèn bổ nhiệm Kiện Vy Thái thú Lý Nghiêm thay thế chức vụ của Lưu Ba.

Có thể ông ta cũng cảm thấy mệnh vận sắp hết, chẳng thể đoạt lại Kinh Châu, liền hạ lệnh chuyển phần mộ Cam phu nhân về đất Thục. Đến mùa xuân năm thứ hai (tức là năm Hoàng Sơ thứ tư), bệnh tình nhanh chóng xấu đi, bèn phái người đến Thành Đô mời Gia Cát Lượng mau chóng đến Vĩnh An.

Lại nói từ lúc tin chiến bại ở Hồ Đình truyền đi, Thục Trung đã có không ít chấn động. Cao Định, một thủ lĩnh dân tộc thiểu số ở quận Việt Huề đã xâm phạm huyện Tân Đạo, bị Lý Nghiêm đánh bại. Hán Gia Thái thú Hoàng Nguyên vốn bất hòa với Gia Cát Lượng, có ý đồ chờ thời làm loạn, đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến Gia Cát Lượng vẫn không dám rời Thành Đô, song Lưu Bị đã cho mời gấp, không thể không đi, ông ta để tòng sự Dương Hồng vẫn có hiểu biết rộng phụ tá Thái tử Lưu Thiện giữ Thành Đô, tự mình dẫn hai hoàng tử Lưu Vĩnh, Lưu Lý đến Vĩnh An.

Từ tháng 2 đến tháng 4 năm Hoàng Sơ thứ tư, Gia Cát Lượng đợi ở Vĩnh An, cùng với Lưu Bị lập quy hoạch tương lai ở Thục Hán, Thượng thư Lý Nghiêm mới được bổ nhiệm, bởi Lưu Bị bệnh nặng cũng vẫn chầu trực ở Vĩnh An, do ông ta là lão thần Thục Trung, bởi thế là đối tượng hỏi han rất tốt của Lưu Bị và Gia Cát Lượng.

Sau chiến dịch Hồ Đình, tình thế chung có biến hóa rất lớn, Ngụy Ngô liên hợp mà lại phân chia, quan hệ Tôn - Lưu lại có dấu hiệu hòa hiệu, thế ba chân đỉnh trong thiên hạ tựa hồ đã thành hình hoàn toàn.

Song tình hình Thục Hán lại rất không ổn. Về quốc phòng, bốn đại tướng có uy tín với Hoa Hạ là Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung nối nhau từ trần, lại thêm đạo quân Hồ Đình mất đi, sức tác chiến của vương triều Thục Hán gần như tan rã, sau này việc đối kháng với Tào Ngụy và Tôn Ngô, sẽ ngày mỗi khó khăn.

Việc điều hành ở Ích Châu và Hán Trung chưa hoàn toàn ổn định lại nối tiếp phát sinh hai nguy kịch mất Kinh Châu và đại bại trong cuộc đông chinh, đối với tài chính và kinh tế nước Thục ắt tạo thành một gánh nặng nghiêm trọng, như thời khắc then chốt này với Lưu Bị, nếu tình hình lộn xộn, sự ổn định nội chính có thể sẽ lập tức nẩy sinh nguy cơ.

Đúng như Gia Cát Lượng sau này trong Xuất Sư Biểu có viết: “Tiên đế sáng nghiệp chưa lâu, giữa đường đứt gánh, đang lúc thiên hạ chia ba, Ích Châu mỏi mệt, đúng là nguy cơ còn mất đã ở trước mắt...”.

Lưu Bị đương nhiên cũng biết rất rõ nguy cơ rất lớn, ông ta khẩn cấp cho vời Gia Cát Lượng, chính là nghĩ lợi dụng những ngày giờ cuối cùng của đời mình cùng với người thực chất kế nhiệm, triệt để trao đổi ý kiến, cùng đề ra kế hoạch ứng phó của mình sau này.

Quả nhiên, Gia Cát Lượng vừa rời Thành Đô, Hoàng Nguyên đã phát động chính biến quân sự ở Hán Gia, ông ta thiêu hủy lâm cung, cướp lấy bản doanh chẳng chút sợ hãi. Dương Hồng lập tức phái tướng quân Trần Vẫn, Trịnh Sước đến trừng phạt.

Tại hội nghị quân sự, không ít tướng lĩnh cho rằng Hoàng Nguyên nếu lực lượng không đủ tấn công Thành Đô sẽ từ Việt Huê rút về Nam Trung, chiến đấu lâu dài.

Song Dương Hồng lại có cách nhìn khác, ông ta cho rằng: “Hoàng Nguyên vốn là người hung bạo, đối với nhân dân không có ơn huệ, không thế có lực lựơng như thế. Ông ta nhất định sẽ cưỡi thuyền xuôi dòng, đến Vĩnh An gặp Hoàng Thượng xưng tội, hoặc tự trói chịu bắt. Nếu làm không được sẽ đầu hàng Đông Ngô, để giữ mạng sống”. Bởi thế ông lệnh cho Trần Vẫn và Trịnh Sước, mai phục ở Nam An, đợi Hoàng Nguyên tự mình chui đầu vào lưới.

Quả nhiên Hoàng Nguyên không dám ở lại Việt Huề muốn cưỡi thuyền xuôi dòng, cuối cùng bị Trần Vẫn bắt sống đưa về Thành Đô chém đầu.

Dương Hồng mau chóng phái người báo cáo về Thành Đô về chuyện Hoàng Nguyên, đối với Gia Cát Lượng mà nói, nhìn chung bớt được một mối lo.

Do nhân tài ở Thục Hán mau chóng tàn lụi, Gia Cát Lượng cũng đã chú ý đề bạt những thanh niên tài giỏi. Ông ta đối với người em trai của Mã Lương là Mã Tắc rất đỗi cảm mến, lấy làm tham mưu, thường cho theo bên mình, lần này đến Vĩnh An, do có thể cần thảo luận nhiều việc, bởi thế đặc biệt mang theo Mã Tắc từ Thành Đô đến, giúp đỡ việc chỉnh lý và thảo luận ý kiến.

Mã Tắc tên chữ là Ấu Thường, là em trai của Đại lão Kinh Châu Mã Lương, đầu óc rất sáng suốt, ăn nói giỏi giang hơn hẳn người anh, vốn lại đa tài rộng học, hay nghị luận binh thư và mưu lược, quan sát kĩ lưỡng, phân tích tinh tế, nói đâu ra đấy, rất được Gia Cát Lượng tán thưởng.

Lưu Bị khi ở Kinh Châu, đã có quan hệ thân thiết với Mã Lương, tự nhiên biết rất rõ về Mã Tắc, song ông lại không thích Mã Tắc chỉ giỏi ăn nói, tuy bàn đến những việc cao xa song nhìn chung không có thực tế. Đối với Lưu Bị là người dầu dãi phong sương, thì những mưu sĩ như Mã Lương, Hoàng Quyền, Mã Trung nhiều kinh nghiệm tuyệt đối hơn hẳn Mã Tắc giỏi nói lý luận mà thiếu kinh nghiệm thực tế. Bởi thế, đối với ý kiến của Gia Cát Lượng đề bạt Mã Tắc thì không vừa ý, ông ta nhắc nhở rằng với Gia Cát Lượng: “Mã Tắc nói quá sự thực, chẳng thể dùng vào việc lớn, thừa tướng nên từ nhiều phương diện quan sát tinh tế ông ta mới phải vậy!”.

Song Gia Cát Lượng nhìn chung lại cho rằng về quan hệ tuổi tác, có thể có chỗ câu nệ, cho nên Lưu Bị đã không vừa ý.

Trung tuần tháng 4, Lưu Bị bệnh tình nguy kịch, lập tức viết di chiếu cho Thái tử Lưu Thiện ở Thành Đô, cùng đưa trước cho Gia Cát Lượng và Lý Nghiêm xem. Toàn văn như sau:

“Trẫm lúc đầu mắc bệnh lị, sau chuyển bệnh khác, xem tình hình bệnh không khỏi. Người ta năm mươi tuổi đã không gọi là chết yểu, nay ta đã hơn sáu mươi, chẳng có gì ân hận, bởi thế chẳng lo lắng cho mình chỉ nghĩ đến tương lai của anh em các ngươi (chỉ Lưu Thiện).

Nghe thừa tướng Gia Cát Lượng nói, ngươi có khí chất lớn, tiến bộ rất nhanh, vượt quá mong mỏi của ông ta, nếu như thực sự như thế ta còn phải lo gì, hi vọng ngươi cũng phải nỗ lực, chớ làm một điều ác nhỏ, cũng chớ không làm một điều thiện nhỏ.

Tất cả phải lấy cầu hiền, cầu đức làm mục tiêu, khiến cho thần dân có thể đối với ngươi tâm phục hoàn toàn. Phụ thân, của ngươi vẫn bạc đức, không nên phỏng theo.

Hi vọng rằng ngươi chăm đọc nhiều sách, đặc biệt là “Hán Thư” và “Lễ Ký” nhất định phải đọc kĩ, khi thong thả cũng cần nghiên cứu thêm “Lục Thao” và “Thương Quân Thứ” (Thương Ưởng), có thể tăng cường được trí tuệ và ý chí.

Nghe nói thừa tướng Gia Cát Lượng có chỉnh lý những sách “Thân Bại Hại”, “Hàn Phi Tử”, “Quản Tử”, “Lục Thao”, rất nên thỉnh giáo ông ta nhiều”.

Gia Cát Lượng xem rồi đỏ mặt nói rằng: “Xin bệ hạ yên tâm, phụ tá Thái tử vốn là trách nhiệm của thần, xin cứ yên lòng dưỡng bệnh, sớm phục hồi sức khỏe để đáp lại trông mong của thiên hạ”.

Lưu Bị nhìn chăm chăm vào Gia Cát Lượng, hồi lâu buông một tiếng thở dài, đinh ninh dặn dò rằng: “Ông mới gấp mười Tào Phi, ắt có thể yên được việc nước, định được đại sự. Nếu ấu chúa có thể giúp được thì giúp; nếu có bất tài, ông có thể đảm nhiệm”.

Gia Cát Lượng nghe nói thế, biến cả sắc mặt, kinh hoàng và cảm động cùng lúc, nước mắt lại lã chã rơi, lập tức quỳ ở bên giường nói rằng: “Thần đâu dám không tận tâm tận lực, giữ mực trung chính, dẫu đến chết mới thôi!”.

Lưu Bị lệnh cho quan hầu nâng Gia Cát Lượng dậy, gọi Lý Nghiêm đến trước mặt, dặn dò ông ta giúp đỡ thừa tướng cùng phò tá Thái tử. Lại gọi hai hoàng tử Lưu Vĩnh, Lưu Lý, dặn họ nói lại với Thái tử Lưu Thiện: “Anh em các ngươi sau này phải xem thừa tướng giống như phụ thân, đồng tâm cộng sự, không được sai trái”.

Nói xong, lệ tuôn như mưa.

Cùng ngày, Lưu Bị nói với các quan cận thần ở Vĩnh An, tuyên bố việc gửi ấu chúa cho Gia Cát Lượng, lấy Thượng thư Lý Nghiêm làm phó, cùng phụ chính.

Năm Ngụy Văn đế Hoàng Sơ thứ 4, tức là năm Thục Hán Chương Vũ thứ 3, vào ngày 24 tháng 4, Lưu Bị ngã bệnh từ trần ở cung Vĩnh An, thọ sáu mươi ba tuổi, đặt tên thụy là Chiêu Liệt Hoàng đế.

Tuy là việc đã có dự liệu, song sự ra đi của Lưu Bị vẫn dẫn đến chấn động lớn với vương triều Thục Hán, Gia Cát Lượng không dám vội về Thành Đô, tạm thời ở lại Vĩnh An, để sắp đặt công việc phía đông và việc quốc phòng phía bắc. Bởi Triệu Vân đang trấn thủ thành Bạch Đế, trong thời gian ngắn tạm thời không có vấn đề. Việc phòng thủ phía bắc bởi Trương Phi và Mã Siêu nối nhau từ trần, tướng lĩnh mới bổ nhiệm uy tín quốc tế không đủ, những tham vọng lớn lao của quân Tào ở Quan Trung chẳng thể xem thường, chỉ dựa vào Ngụy Diên giữ bồn địa Hán Trung đích xác là chịu không ít áp lực.

Lưu Bị vừa mới mất, các quận ở nước Thục khó tránh khỏi hiện tượng bất ổn. Tào Ngụy và Đông Ngô đều có thế nhân cơ hội quấy nhiễu, bởi thế việc ổn định biên cương là rất cấp bách.

Đến tháng thứ 2, Gia Cát Lượng mới cho phát tang, trở về Thành Đô, lại lệnh cho Lý Nghiêm làm Trung đô hộ ở lại giữ Vĩnh An.

Tháng 5, Thái tử Lưu Thiện lên ngôi, tôn hoàng hậu Ngô Thị làm Hoàng thái hậu, đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Kiến Hưng.

Lịch sử gọi Lưu Bị là tiên chủ của Thục Hán, còn gọi Lưu Thiện là hậu chủ.

Linh cữu mẫu thân Lưu Thiện là Cam Phu nhân cũng từ Nam Quận chuyển về Thành Đô, tháng 8 hợp táng với Lưu Bị ở Huệ Lăng phía nam Thành Đô.

Lúc đó, Lưu Thiện mới mười bảy tuổi, cá tính ôn hòa , lại có chút nhút nhát, thực tại chẳng phải là một lãnh tụ chính trị thích hợp, sở trường duy nhất là giống phụ thân của ông ta, rất có nhân duyên, quần thần nói chung đều thích ông ta.

Bởi thiếu kinh nghiệm, chỉ biết làm theo di chiếu của phụ thân, phong Gia Cát Lượng làm Vũ hương hầu, giữ chức Ích Châu mục, còn mọi việc quốc gia đại sự chẳng kể lớn bé đều uỷ thác cả cho Gia Cát Lượng.

Đã nhận sự ủy thác của Lưu Bị, Gia Cát Lượng cũng chẳng hề do dự với trách nhiệm gánh vác hoàn toàn.

Thục Hán kể từ lúc kiến quốc đến nay chiến tranh liên miên, cho nên chưa chỉnh đốn được chế độ, tuy Lưu Bị mất đi, song nói chung vào giai đoạn này, vẫn có thể duy trì được hòa bình. Gia Cát Lượng bèn ra sức chỉnh đốn tham nhũng, tu bổ pháp chế, sửa sang lại biên chế hành chính và quy tắc chính trị.

Gia Cát Lượng đầu tiên họp các đại thần Thục Hán, công bố quan niệm chính trị điều hành quốc gia từ nay về sau: “Khi vạch kế sách chính trị, nên cố gắng tập hợp trí tuệ nhiều người, cùng những đề nghị thẳng thắn. Nếu xử lý sợ đắc tội người ta hoặc bởi ý riêng mà xa lánh người khác, thì chẳng thể giành được các ý kiến bất đồng, kéo dài như thế, sẽ có tổn thất rất nhiều. Có quan điểm từ những bất đồng mà xem xét sự việc, thì quyết sách như vậy mới là thích hợp nhất.

Phải nỗi người ta rất khó tận tâm đưa ra cách nhìn bất đồng, chỉ có Từ Thứ ngày xưa, từ nhiều vấn đề ông ta đều nghiên cứu tường tận mọi mặt. Đổng Hòa, làm công tác tham mưu bảy năm, khi rút ra kết luận từ sự việc, có mười cách nhìn khác nhau, cũng không ngại phiền mà đề xuất, nếu mọi người đều có tinh thần của hai người ấy, trung với quốc gia, không ngừng đề xuất ý kiến bất đồng, như vậy sẽ giúp đỡ ta trong lúc quyết định giảm bớt được những sai lầm.

Tiếp đó lại nói đến thời ở Long Trung, những chuyện về quan hệ bạn bè: “Thời trẻ đã có qua lại với Thôi Châu Bình, bởi ông ta nhiều tuổi hơn, kiến thức sâu rộng nênhọc được ở ông rất nhiều. Sau này biết Từ Nguyên Trực lại mở mang thêm được trí tuệ. Tham mưu Đổng Ấu Tể mỗi lần đề nghị đều nói đâu ra đấy, lời lẽ không dài dòng, sau nàv lại được Hồ Vĩ Độ (phó tướng của Gia Cát Lượng) giúp đỡ, thường cho ta, không ít những lời can ngăn trực tiếp. Tuy ta thiên bẩm tối tăm chẳng thể hoàn toàn hiểu đượcý tứ của bốn tiên sinh kia, có lúc cũng không thu nạp hết, song ta với bốn vị ấy mãi mãi là bạn tốt, tuyệt đối chẳng bởi họ đã phê bình ta mà không vừa lòng, đối với sự chân thành của họ cũng chẳng bao giờ nghi kỵ. Xin các vị sau này chớ khách khí, hết sức bày tỏ cách nhìn của riêng mình!”.”

“Tư trị thông giám” có chép:

“Gia Cát Lượng lúc mới làm thừa tướng, thường tự mình hiệu đính các công văn giấy tờ. Phó tướng Dương Ngung thấy thế trực tiếp can rằng: “Thúc đẩy việc chính sự, điều rất quan trọng là phải dựa vào chế độ, trên dưới có phân quyền, không nên giẫm chân lên nhau. Tôi nay lấy công việc về nghề nông để đưa một ví dụ thử ngẫm xem. Nay có một hộ nông nghiệp, người chủ phái nông nô cày bừa, tì nữ xử lý việc bếp núc, gà trông trông coi việc báo sáng, chó thì trông coi việc canh trộm, bò thì trông coi việc kéo cày, ngựa thì trông coi việc kéo xe.

Như vậy công việc của họ nhất định điều hành rất tốt, đều có người phụ trách, chủ nhân của họ nói chung rất thỏai mái, kê cao gối mà ngủ chẳng lo nghĩ mọi việc.

Nếu như, có một ngày đột nhiên ông ta nghĩ khác, việc gì cũng đều muốn tự mình làm không chịu giao phó cho người khác, như vậy nhất định sẽ vất vả muốn chết, bởi những việc này phức tạp, mỏi mệt về thể xác lẫn tinh thần, cuối cùng vẫn không xong được một việc.

Ở đây không phải muôn nói trí tuệ của sáu người không bằng nô tì gà chó, mà muốn nói ông đánh mất chức trách người chủ cần có là chỉ huy đại cục! Câu châm ngôn xưa có nói, ngồi mà luận đạo, đã rằng chúa công, thi hành công việc đã rằng sĩ đại phu. Thời Hán Tuyên đế, tể tướng Bích Cát chẳng qua nhầm lẫn mà chết người, trái lại lo việc cày bừa lúc đầu xuân chưa bận rộn, thì không gấp gáp. Tể tướng Trần Bình thời Hán Văn đế, chẳng phải xem xét tiền tài trong kho tàng, mà nói “đã có người chủ sự”, đạo lý ấy là chia thang bậc mà phụ trách.

Nay minh công tự mình rà sóat giấy má văn thư, lo từ việc nhỏ hành chính, mồ hôi mồ kê suốt ngày, phải chăng phải quá vất vả như thế!”.

Gia Cát Lượng lập tức đứng lên cảm tạ, tiếp thu kiến nghị của ông ta. Sau này Dương Ngung từ trần, Gia Cát Lượng còn nghĩ đến ông ta khóc lóc bi thương suốt ba ngày ròng rã.

Qua đoạn văn trên có thể thấy thái độ chân thành và sự cố gắng trong công việc của Gia Cát Lượng. Hơn nữa cũng cho thấy một nhà chính trị tiếp thu được những ý kiến bất đồng, lời nói và việc làm đều nhất quán. Ví như thái độ của Lưu Bị khi nói rằng: “Ông có thể tự đảm nhiệm” đích xác là một việc xưa nay chưa từng có trong lịch sử. Đại đa số những tiên chủ gửi con côi đều nghĩ mọi cách sau này gìn giữ cho hậu duệ của mình, đặt ra những phương pháp ràng buộc, để đề phòng khả năng người phụ chính đoạt mất vương triều. Ví như những phụ chính Chu Công Đán, Hoắc Quang rất có khí tiết cuối cùng chỉ sai một chút là xảy ra bi kịch. Ví như sự tín nhiệm của Lưu Bị với Gia Cát Lượng ở đây, cơ hồ không gì so sánh nổi.

Không ít người đọc sử sách cho rằng, Lưu Bị ở cung Vĩnh An khi gửi con có nói như vậy, ít nhiều là cách khích tướng theo kiểu chính trị. Thời Tam quốc, đạo đức chính trị suy vong, phần nhiều là sự dối trá, bởi thế Lưu Bị muốn nói trắng ra như thế, để Gia Cát Lượng không dám công nhiên đoạt quyền, chỉ lo một lòng phò tá Lưu Thiện.

Nhìn trên bề mặt, cách nói này tựa hồ rất hợp lý, song chỉ cần hiểu sâu tình thế nước Thục lúc ấy, phân tích tinh tế cá tính của Lưu Bị và Gia Cát Lượng, sẽ thấy được phỏng đóan sai lạc trên bề mặt, ít nhiều là thiên kiến, lấy lòng của kẻ tiểu nhân để đo lòng quân tử vậy.

Lưu Bị trước lúc lâm chung, đã có với Gia Cát Lượng mười sáu năm gắn bó, Gia Cát Lượng là người như thế nào, trong lòng Lưu Bị cũng đã rõ ràng. Huống chi, trong tập đoàn của Lưu Bị, Gia Cát Lượng tuy là người phụ tá thứ nhất song người được tín phục nhất vẫn là Lưu Bị, nếu chưa được Lưu Bị trao quyền rõ ràng, Gia Cát Lượng muốn nhân cơ hội đoạt lấy vương quyền, không thể giành được sự ủng hộ đầy đủ, Lưu Bị đối với việc ấy chẳng cần lo lắng quá. Trái lại câu nói “ông có thể đảm nhiệm”, càng dễ giúp cho Gia Cát Lượng cơ sở hợp pháp để đoạt lấy vương quyền. Lưu Bị về việc này đã nói rõ ràng vậy.

Cũng giống như Lưu Bị đối với ấu chúa Lưu Thiện đã hiểu rất rõ, Lưu Thiện là người như thế nào, Lưu Bị đã thấy trước. Ông ta cho phép Gia Cát Lượng đoạt lấy vương quyền, ít nhiều là nghĩ đến cơ nghiệp mà mình đã sáng tạo, để Gia Cát Lượng có đủ căn cứ pháp lý, vào lúc cần thiết, sẽ có thủ đoạn phi thường để ứng biến. Trong Tam quốc chí, Trần Thọ có nhận định:

“Tiên chủ là người cương nghị mà khoan hậu, chiêu hiền đãi sĩ lại có phong độ của Hán Cao tổ, khí chất của bậc anh hùng, đến khi gửi ấu chúa, trao việc nước cho Gia Cát Lượng mà lòng không hồ nghi, đúng là vua tôi đều chí công vô tư, là gương sáng xưa nay chưa từng có”.

Trần Thọ là người sống gần thời bấy giờ, phán đóan theo những điều nghe được, vấn đề mà Lưu Bị thực sự lo lắng lại chẳng phải là Gia Cát Lượng sẽ đoạt lấy vương quyền mà là vấn đề Lưu Thiện điều hành quốc gia trong lúc rất nhiều nguy cơ như vậy, phải chăng có thể đảm nhiệm được.

Sau này trong Xuất Sư Biểu, Gia Cát Lượng có viết: “Tiên đế biết thần là người cẩn thận, nên trước lúc lâm chung có ủy thác cho thần việc đại sự, từ lúc nhận lệnh đên nay, sớm tối lo lắng, sợ không đáp ứng được lòng mong mỏi, phụ lại tiên đế cao minh”, đúng là những lời nói từ tâm can.

Vua tôi cách nhau hai mươi tuổi như vậy, đích xác trong lịch sử Trung Quốc khó thấy được một quan hệ tốt đẹp hơn. Lưu Bị năm xưa gặp được Gia Cát Lượng “như cá gặp nước”, tin rằng đấy chẳng phải là lời nói khách sáo, câu nói của Trần Thọ: “vua tôi thực chí công vô tư” cũng chẳng phải không có căn cứ.

Ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai cùng chân thành với nhau như thể lịch sử cổ kim kể ra chỉ có một.

Song, Gia Cát Lượng đảm đang một mình điểu hành các viên quan chính, có được thực quyền tổng chỉ huy, là việc mà Lưu Bị từng quan tâm trước lúc lâm chung.